THÔNG TƯ
Ban hành Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
____________________________
Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Nghị định số 75/2009/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ về việc sửa đổi Điều 3 Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Pháp lệnh Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật số 36/2001/PL-UBTVQH10 được Chủ tịch nước công bố ngày 08 tháng 8 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 02/2007/NĐ-CP ngày 05 tháng 01 năm 2007 của Chính phủ về Kiểm dịch thực vật;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật;
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch của Việt Nam như sau:
Điều 1. Ban hành danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật (dưới đây gọi tắt là vật thể) xuất khẩu, nhập khẩu, chuyển khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập và quá cảnh Việt Nam bao gồm:
1. Thực vật
Cây và các bộ phận của cây còn sống được sử dụng làm giống hoặc sử dụng cho các mục đích khác.
2. Sản phẩm thực vật
a) Các loại củ, quả, hạt, hoa, lá, thân, cành, gốc, rễ cây;
b) Các loại tấm, cám, khô dầu, bột, tinh bột, sợi, mùn cưa, dược liệu;
c) Cọng thuốc lá, thuốc lá sợi, thuốc lào sợi, thuốc lá điếu, xì gà, men bia, men rượu, men thức ăn chăn nuôi, chè, bông, xơ dừa, sắn lát, mây, song, tre, nứa, chiếu cói, rơm, rạ, cỏ, bèo và thực vật biển;
d) Gỗ và các sản phẩm của gỗ (trừ gỗ và các sản phẩm của gỗ có Giấy thông báo miễn kiểm dịch theo quy định);
đ) Hàng thủ công mỹ nghệ có nguồn gốc thực vật;
e) Các loại bao bì đóng gói, vật liệu chèn lót, giá thể trồng cây có nguồn gốc thực vật;
g) Thức ăn chăn nuôi hoặc nguyên liệu chế biến có nguồn gốc từ thực vật;
h) Cao su mủ, nhựa cây, gôm tự nhiên, bột giấy, giấy cuộn;
3. Các loại nấm, mộc nhĩ;
4. Các loại phân hữu cơ, phân vi sinh;
5. Bột cá, phế liệu tơ tằm, kén tằm, lông, da, xương, sừng, móng và cánh kiến.
6. Các loại côn trùng, nhện, nấm bệnh, tuyến trùng, vi khuẩn, virus, phytoplasma, viroids, cỏ dại và các loại tiêu bản thực vật phục vụ cho công tác giám định, tập huấn, phòng trừ sinh học và nghiên cứu khoa học.
7. Phương tiện vận chuyển, sản xuất, bảo quản vật thể.
8. Các vật thể khác có khả năng mang dịch hại kiểm dịch thực vật.
Điều 2. Trường hợp xuất khẩu những vật thể không thuộc danh mục tại Điều 1 của Thông tư này được thực hiện theo yêu cầu của nước nhập khẩu và các thông lệ quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết.
Điều 3. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 29 tháng 9 năm 2012.
2. Thông tư này bãi bỏ Quyết định số 72/2005/QĐ-BNN ngày 14 tháng 11 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc công bố danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, tổ chức cá nhân cần kịp thời phản ánh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Bảo vệ thực vật) để xem xét, giải quyết./.