• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 05/09/2007
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2019
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Số: 70/2007/TT-BNN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Toàn quốc, ngày 1 tháng 8 năm 2007

THÔNG TƯ

Hướng dẫn xây dựng và tổ chức thực hiện quy ước bảo vệ và phát triển rừng trong cộng đồng dân cư thôn

______________________________

Căn cứ Luật bảo vệ và phát triển rừng năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về thi hành Luật bảo vệ và phát triển rừng;

Căn cứ Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20 tháng 4 năm 2007 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn;

Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn xây dựng và tổ chức thực hiện Quy ước bảo vệ và phát triển rừng trong cộng đồng dân cư thôn, như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi điều chỉnh: Thông tư này hướng dẫn trình tự, nội dung xây dựng, thực hiện Quy ước bảo vệ và phát triển rừng trong cộng đồng dân cư thôn ( sau đây viết tắt là Quy ước ).

2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này đươc áp dụng cho các đối tượng sau:

- Cộng đồng dân cư thôn được Nhà nước giao rừng theo quy định tại Điều 29 và Điều 30 của Luật bảo vệ và phát triển rừng năm 2004;

- Các cộng đồng dân cư thôn cư trú trong rừng hoặc gần rừng.

3. Hình thức Quy ước

Tùy theo điều kiện cụ thể của cộng đồng dân cư thôn mà lựa chọn hình thức Quy ước cho phù hợp, gồm:

a) Quy ước riêng: chỉ quy định nội dung về quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát triển rừng.

b) Quy ước chung: các nội dung quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát triển rừng được lồng ghép vào Quy ước chung của cộng đồng dân cư thôn.

4. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

a) Rừng cộng đồng là rừng Nhà nước giao cho cộng đồng để quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp;

b) Quản lý rừng cộng đồng dân cư thôn là một hình thức quản lý rừng trong đó cộng đồng dân cư thôn với tư cách là chủ rừng tham gia vào các hoạt động giao rừng, lập kế hoạch quản lý rừng và tổ chức thực hiện kế hoạch đó, thực hiện nghĩa vụ và quyền lợi, giám sát, đánh giá rừng Nhà nước giao cho cộng đồng dân cư thôn;

c) Ban quản lý rừng cộng đồng dân cư thôn là tổ chức do cộng đồng dân cư thôn lập ra để điều phối các hoạt động có liên quan đến quản lý rừng của thôn ( sau đây viết tắt là Ban Quản lý rừng);

d) Quy ước bảo vệ và phát triển rừng của cộng đồng dân cư thôn là những quy tắc xử sự trong nội bộ cộng đồng, do cộng đồng xây dựng, “thỏa thuận đa số” và tự nguyện thực hiện, được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

5. Mục đích xây dựng, thực hiện Quy ước

Thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác bảo vệ và phát triển rừng, huy động nguồn nhân lực cộng đồng dân cư thôn bảo vệ và phát triển rừng bằng việc kết hợp giữa truyền thống và tập tục tốt đẹp của cộng đồng với chính sách, pháp luật của Nhà nước.

6. Yêu cầu của Quy ước

a) Kế thừa, phát huy những phong tục, tập quán, đạo đức truyền thống tốt đẹp của cộng đồng, bài trừ hủ tục mê tín dị đoan, phạt vạ trái pháp luật; sử dụng ngôn ngữ đặc trưng của đồng bào, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện;

b) Các quy định của Quy ước phải phù hợp chủ trương, chính sách của Đảng, không trái quy định của pháp luật và chỉ đưa ra những nội dung phù hợp điều kiện, thực tiễn của địa phương; tôn trọng, bảo vệ danh dự, uy tín cá nhân, sự đoàn kết, đồng thuận của cộng đồng dân cư thôn, khuyến khích các hình thức giáo dục, thuyết phục, tự nguyện, công khai xin lỗi, khắc phục hậu quả trong các trường hợp vi phạm Quy ước;

c) Tăng cường sự quản lý, sử dụng bền vững rừng và đất lâm nghiệp, hạn chế những tác động tiêu cực ảnh hưởng đến tài nguyên rừng;

d) Bảo đảm tính công bằng trong việc hưởng lợi từ tài nguyên rừng.

II. NỘI DUNG QUY ƯỚC

Tùy theo điều kiện cụ thể của mỗi cộng đồng dân cư thôn mà lựa chọn những vấn đề sau để quy định trong Quy ước:

1. Công tác bảo vệ rừng

a) Về canh tác nương rẫy, như: phải canh tác theo quy hoạch, đốt nương phải kiểm soát, chống cháy lan; thâm canh trên nương rẫy;

b) Về phòng cháy, chữa cháy rừng, sử dụng lửa trong rừng, ven rừng và phòng trừ sinh vật gây hại rừng;

c) Về chăn thả gia súc trong rừng;

d) Về khai thác, mua bán, vận chuyển gỗ và lâm sản ngoài gỗ;

đ) Về bảo vệ, khai thác, săn bắt, gây nuôi và phát triển động vật rừng;

e) Về việc huy động nội lực của cộng đồng dân cư thôn để bảo vệ rừng và sự phối hợp giữa cộng đồng dân cư thôn với các chủ rừng khác liền kề trong công tác bảo vệ rừng.

2. Công tác phát triển rừng

a) Về địa điểm, diện tích, loài cây, thời gian trồng rừng;

b) Về địa điểm, diện tích khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh rừng, chăm sóc, làm giàu rừng và các loài cây trồng dặm dưới tán rừng;

c) Các hình thức cộng đồng dân cư thôn tham gia trồng rừng, khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh rừng, chăm sóc làm giàu rừng như ập trung trồng hay phân chia cho các hộ gia đình.

3. Các nội dung khác liên quan

a) Về quyền, nghĩa vụ của các thành viên cộng đồng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và việc phân chia lợi ích thu được từ kết quả quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát triển rừng trong cộng đồng dân cư thôn.

Trường hợp cộng đồng dân cư thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao rừng, thì cần thảo luận kỹ quyền và nghĩa vụ của cộng đồng theo quy định tạo Điều 30 Luật bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 và các văn bản khác liên quan;

b) Hợp tác trương trợ; giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên cộng đồng trong các hoạt động bảo vệ, phát triển rừng và tổ chức dịch vụ sản xuất, tiêu thụ lâm sản trên diện tích rừng, đất lâm nghiệp Nhà nước giao;

c) Hoạt động dịch vụ, du lịch sinh thái, lễ hội truyền thống những khu rừng Nhà nước giao;

d) Về giải quyết, xử lý, bồi thường những vi phạm Quy ước;

đ) Đóng góp, quản lý, sử dụng Quỹ bảo vệ và phát triển rừng của cộng đồng thôn;

e) Khen thưởng và xử lý những tổ chức, cá nhân trong, ngoài cộng đồng dân cư thôn.

III. CÁC BƯỚC XÂY DỰNG QUY ƯỚC

1. Bước một: (Chuẩn bị)

a) Tổ chức họp xã: Chủ tịch UBND xã chủ trì họp với đại diện các đoàn thể xã và các Trưởng thôn (mời bí thư Đảng bộ xã, bí thư chi bộ thôn, Kiểm lâm địa bàn tham dự ) để thống nhất chủ trương, kế hoạch biện pháp triển khai xây dựng Quy ước, xác định mục tiêu chính của Quy ước ở từng cộng đồng dân cư thôn (bảo vệ rừng hay phát triển rừng hoặc cả bảo vệ và phát triển rừng);

b) Thu thập tài liệu: Sau khi có ý kiến của Ủy ban nhân dân xã, Trưởng thôn với sự hỗ trợ của Kiểm lâm địa bàn, Tư pháp xã thu thập các tài liệu liên quan đến việc xây dựng Quy ước, như:

- Các quy định pháp luật và của cộng đồng về bảo vệ và phát triển rừng, phong tục, tập quán sinh hoạt cộng đồng…

- Các kết quả điều tra rừng, giao rừng gắn với đất lâm nghiệp, kết hoạch quản lý rừng cộng đồng… ( nếu có);

- Quyền hưởng lợi và nghĩa vụ của cộng đồng đang được thực hiện;

- Các loại bản đồ hiện trạng, tài nguyên rừng của cộng đồng; sơ đồ về quy hoạch canh tác nương rẫy;

- Các tài liệu khác liên quan.

c) Tổ chức họp đại diện các hộ gia đình trong cộng đồng dân cư thôn

Trưởng thôn dưới sự hỗ trợ của Kiểm lâm địa bàn tổ chức mời và chủ trì cuộc họp với các đại diện các hội gia đình trong cộng đồng dân cư thôn, già làng, bí thư chi bộ, đại diện Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên… và mời Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã tham dự họp.

Nội dung cuộc họp gồm:

- Thống nhất trình tự, thời gian xây dựng Quy ước, lựa chọn hình thức Quy ước và xác định những nội dung chính quy định trong Quy ước.

- Bầu Ban quản lý rừng và Trưởng Ban quản lý rừng (nếu chưa có);

Trưởng thôn hoặc già làng là Trưởng Ban quản lý rừng cộng đồng. Các thành viên được cộng động lựa chọn từ các đoàn thể như Chi bộ thôn, Hôi nông dân, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh, Đoàn thanh niên… Trưởng Ban chịu trách nhiệm điều hành, kiểm tra các hoạt động lâm nghiệp trên địa bàn cộng đồng dân cư thôn.

- Thống nhất nhiệm vụ Ban quản lý rừng, gồm:

+ Xây dựng kế hoạch quản lý rừng cộng động;

+ Chủ trì việc soạn thảo Quy ước có sự hỗ trợ của Kiểm lâm địa bàn, Tư pháp xã;

+ Phân chia các nhóm hộ và phân công nhóm hộ thực hiện kế hoạch quản lý rừng, mỗi nhóm hộ có nhóm trưởng và nhóm phó;

+ Huy động vốn, nhân lực để thực hiện kế hoạch quản lý rừng;

+ Kiểm tra việc thực hiện kế hoạch quản lý rừng; khai thác rừng và lâm sản ngoài gỗ và việc phân chia lợi ích từ rừng của cộng đồng;

+ Lập và thực hiện kế hoạch chi tiêu Quỹ bảo vệ và phát triển rừng;

+ Lập báo cáo kết quả thực hiện quản lý rừng cộng đồng định kỳ cho xã.

- Thành lập các Tổ chuyên trách quản lý rừng cộng đồng.

Tùy theo điều kiện cụ thể của từng nơi, cộng đồng có thể thành lập các Tổ chuyên trách hoặc nhóm sở thích về lâm nghiệp (bảo vệ, trồng rừng,khai thác rừng…).

- Thành lập Tổ thanh tra lâm nghiệp, Tổ thanh tra lâm nghiệp có hai nhiệm vụ:

+ Giúp Trưởng thôn kiểm tra các hoạt động sản xuất của cộng động; giải quyết các tranh chấp, xác minh làm rõ các vụ việc vi phạm;

+ Đại diện cho quần chúng giám sát các hoạt động của lãnh đạo thôn, cũa Quỹ bảo vệ và phát triển rừng của cộng đồng.

2. Bước hai: (Dự thảo và thông qua dự thảo Quy ước)

a)  Dự thảo Quy ước: Căn cứ Nghị quyết của cuộc họp đại diện thôn và thực tế của cộng đồng dân cư thôn, Trưởng Ban quản lý rừng thảo luận với các thành viên trong Ban Quản lý rừng, tiến hành dự thảo Quy ước và báo cáo Trưởng thôn sau khi dự thảo Quy ước cơ bản được hoàn chỉnh.

b) Thông qua Quy ước

- Trưởng thôn triệu tập họp cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong thôn để thảo luận, thông qua từng nội dung của Quy ước và thông qua toàn văn Quy ước bằng hình thức biểu quyết;

- Quy ước chỉ được thông qua ở cộng đồng dân cư thôn khi có trên 50% tổng số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong thôn biểu quyết tán thành bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín;

- Nếu số người tán thành chưa đạt quá 50% tổng số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong thôn thì Trưởng thôn tổ chức lại cuộc họp. Trường họp không tổ chức lại được cuộc họp thì Trưởng thôn phát phiếu lấy ý kiến của các hộ gia đình và gửi kèm theo bản dự thảo Quy ước;

- Cuộc họp cử tri hoặc đại diện hộ gia đình trong thôn thông qua Quy ước phải được thành viên trong Ban quản lý rừng lập biên bản. Biên bản ghi rõ thời gian thành phần, người chủ trì, đại biểu mời dự, các nội dung được thông qua, số cử tri hoặc cử tri đại diện tán thành, có chữ ký của người chủ trì Trưởng thôn và thư ký cuộc họp.

3. Bước ba: (Phê duyệt Quy ước )

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày cuộc họp cộng đồng dân cư thôn thông qua dự thảo Quy ước, Trưởng thôn gửi dự thảo Quy ước và Biên bản cuộc họp cộng đồng dân cư đến Ủy ban nhân dân cấp xã;

- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được dự thảo Quy ước và biên bản cuộc họp cộng đồng dân cư thôn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phải lập văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt Quy ước cộng đồng dân cư thôn và gửi kèm theo Quy ước và biên bản cuộc họp cộng đồng dân cư thôn.

Trong trường hợp không đồng ý với dự thảo Quy ước thì UBND cấp xã gửi trả ngay cho Trưởng thôn và hướng dẫn sửa đổi, hoàn chỉnh;

- Trường hợp không đồng ý với dự thảo Quy ước hoặc văn bản của UBND xã thì Ủy ban nhân dân cấp huyện phải gửi trả ngay cho Ủy ban nhân dân cấp xã yêu cầu sửa đổi, hoàn chỉnh;

- Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện gửi dự thảo Quy ước và yêu cầu Phòng Tư pháp chủ trì phối hợp hạt Kiểm lâm cấp huyện thẩm định Quy ước;

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Phòng Tư Pháp tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định công nhân Quy ước (phụ lục số 01 kèm theo).Trường hợp không công nhận thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

4. Bước bốn (Tổ chức thực hiện Quy ước)

a) Phổ biến Quy ước

Sau khi Quy ước được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định công nhận Quy ước, Trưởng thôn tổ chức họp toàn thể nhân dân trong cộng đồng dân cư thôn để thông báo Quyết định phê duyệt Quy ước của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, phổ biến toàn bộ nội dung của Quy ước và thống nhất các hoạt động tiếp theo, như:

- Trách nhiệm của Trưởng thôn, từng người dân trong cộng đồng dân cư thôn, Ban quản lý rừng cộng đồng dân cư thôn;

- Lập kế hoạch theo dõi, giám sát việc thực hiện Quy ước;

- Lập kế hoạch phổ biến, tuyên truyền Quy ước, như tổ chức phát thanh, in, ấn phát Quy ước, tờ rơi đến các hộ gia đình thành viên, xây dựng sơ đồ bảo vệ và phát triển rừng của cộng đồng dân cư thôn…

b) Giám sát thực hiện Quy ước

Trưởng thôn chịu trách nhiệm giám sát, báo cáo Ủy ban nhân dân xã về tình hình thực hiện Quy ước, gồm:

- Giám sát việc thực hiện kế hoạch, cụ thể:

+ Thực hiện khai thác rừng (đúng vị trí, diện tích, khối lượng, đúng kỹ thuật);

+ Quản lý, bảo vệ rừng (chống chặt phá rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, canh tác nương rẫy phòng trừ sinh vật hại rừng);

+ Các kế hoạch lâm sinh khác (khối lượng, kỹ thuật, chất lượng, hiệu quả);

- Giám sát việc thực hiện Quy ước ( tình trạng vi phạm, việc xử lý, việc chia sẻ lợi ích…);

- Giám sát Quỹ bảo vệ và phát triển rừng, gồm: các nguồn thu và chi, hiệu quả sử dụng Quỹ ( đầu tư cho việc bảo vệ, xây dựng và phát triển rừng; hỗ trở sản xuất, dịch vụ sản xuất, tín dụng…).

c) Đánh giá thực hiện Quy ước

Cuối năm, Trưởng thôn chủ trì tổ chức các cuộc họp cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong thôn để đánh giá việc thực hiện Quy ước có thể lồng ghép vào các hoạt động sinh hoạt cộng đồng khác để đánh giá tình hình thực hiện Quy ước theo các tiêu chí sau:

- Kinh tế;

- Về lâm sinh và bảo vệ môi trường;

- Về xã hội.

Tùy theo khả năng và điều kiện cụ thễ mà lựa chọn các tiêu chí đánh giá phù hợp với từng cộng đồng dân cư thôn ( Phụ lục số 02 kèm theo).

IV. QUẢN LÝ, CHỈ ĐẠO, HƯỚNG DẪN XÂY DỰNG VÀ THỰC HIỆN QUY ƯỚC

1. Trách nhiệm của Cục Kiểm lâm: chỉ đạo hướng dẫn, kiểm tra tổng hợp kết quả xây dựng, thực hiện Quy ước trong phạm vi toàn quốc.

2. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

a) Ban hành các cơ chế chính sách, tổ chức hướng dẫn việc xây dựng, thực hiện Quy ước đến các đối tượng quy định tại khoản 2 mục I Thông tư này phù hợp với điều kiện thực tế địa phương;

b) Chỉ đạo các cơ quan nhà nước có liên quan ở địa phương lồng ghép các chương trình dự án trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ, phát triển rừng để góp phần xây dựng, thực hiện Quy ước.

3. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện

a) Chỉ đạo Hạt Kiểm lâm, Phòng Tư pháp hướng dẫn, kiểm tra và phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã và cộng đồng dân cư thôn trong việc xây dựng, thực hiện Quy ước;

b) Bảo đảm kinh phí xây dựng và thực hiện Quy ước theo tổng hợp dự toán chi xây dựng và thực hiện Quy ước của từng cộng đồng dân cư thôn của Ủy ban nhân dân xã.

Việc cấp, phát, thanh, quyết toán kinh phí xây dựng và tổ chức thực hiện Quy ước thực hiện theo quy định của Luật ngân sách và các văn bản hướng dẫn liên quan;

c) Quyết định công nhận Quy ước.

4. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã

a) Lập kế hoạch xây dựng Quy ước trình Ủy ban nhân dân cấp huyện và Hạt Kiểm lâm;

b) Hàng năm, tổng hợp dự toán chi xây dựng và thực hiện Quy ước của từng cộng đồng dân cư thôn trong dự toán ngân sách trình Hội đồng nhân dân xã xem xét quyết định;

c) Đôn đốc, hướng dẫn cộng đồng dân cư xây dựng, thực hiện Quy ước; phối hợp với Kiểm lâm địa bàn hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quy ước;

d) Giải quyết những tranh chấp về xây dựng, thực hiện Quy ước theo thẩm quyền.

5. Trách nhiệm của Trưởng thôn

a) Chủ trì việc xây dựng, thực hiện và giám sát, đánh giá Quy ước theo hướng dẫn tại Thông tư này;

b) Chủ trì củng các tổ chức chính trị - xã hội cơ sở và già làng tổ chức việc hòa giải những tranh chấp, vi phạm Quy ước;

c) Giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc xây dựng, thực hiện Quy ước.

6. Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và phát Triển nông thôn

a) Tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành chính sách liên quan đến quản lý rừng cộng đồng, xây dựng, thực hiện Quy ước phù hợp với điều kiện thực tế địa phương;

b) Xây dựng các tiêu chí và chỉ tiêu giám sát, đánh giá, hướng dẫn thực hiện việc quản lý rừng cộng đồng và thực hiện Quy ước phù hợp với điều kiện thực tế địa phương.

7. Trách nhiệm của Cơ quan Kiểm lâm địa phương

a) Chi Cục Kiểm lâm

- Chủ trì, phối hợp Chi cục Lâm nghiệp và Sở Tư pháp tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn cụ thể xây dựng, thực hiện Quy ước phù hợp điều kiện thực tiễn của địa phương;

- Chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã hỗ trợ cho cộng đồng dân cư thôn xây dựng, thực hiện Quy ước theo quy định tại Thông tư này;

- Định kỳ 6 tháng, hàng năm tổng hợp tình hình xây dựng, thực hiện Quy ước trên địa bàn báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Cục Kiểm lâm.

b) Hạt Kiểm lâm

- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã và Kiểm lâm đại bàn phối hợp Trưởng thôn xây dựng, thực hiện Quy ước;

- Định kỳ 6 tháng, hàng năm tổng hợp tình hình xây dựng, thực hiện Quy ước báo cáo Chi cục Kiểm lâm.

8. Việc sửa đổi, bổ sung Quy ước đã được xây dựng và tổ chức thực hiện trước đây

Đối với cộng đồng thôn dân cư thôn đã xây dựng Quy ước bảo vệ và phát triển rừng theo Thông tư số 56/1999/TT-BNN-KL thì Trưởng thôn tổ chức đánh giá việc xây dựng, thực hiện Quy ước, xem xét có thể sửa đổi, bổ sung Quy ước theo hướng dẫn tại Thông tư này.

9. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Thông tư số 56/1999/TT-BNN-KL ngày 30 tháng 3 năm 1999 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông về việc hướng dẫn xây dựng Quy ước bảo vệ và phát triển rừng trong cộng đồng dân cư thôn, làng, buôn, bản, ấp.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các địa phương, đơn vị phản ánh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để sửa đổi, bổ sung./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Hứa Đức Nhị

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.