• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 08/09/2003
  • Ngày hết hiệu lực: 25/07/2024
    ỦY BAN NHÂN DÂN
       TỈNH LẠNG SƠN
    ________ 
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
____________________
 
     
Lạng Sơn, ngày 08 tháng 9  năm 2003
 
 
 
QUYẾT ĐỊNH CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
Về việc Quy định tạm thời mức hỗ trợ đầu tư cho công tác
khai hoang lấy đất làm ruộng và phát triển sản xuất ở các xã
thuộc chương trình 135 trên địa bàn tỉnh Lạng sơn
------------------
 
 
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN
 
 
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban Nhân dân.
 
Căn cứ  Quyết định 135/QĐ-TTg ngày 31/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư số 666/2001/TTCB/BKH-UBDTMN-TC-XD ngày 23 tháng 8 năm 2001 của Liên bộ Kế hoạch và Đầu tư - Uỷ ban Dân tộc và Miền núi - Tài chính - Xây dựng.
 
Căn cứ Chỉ thị số 16/2003/CT-TTg ngày 18/6/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chương trình Phát triển kinh tế -xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc miền núi, biên giới và vùng sâu, vùng xa (chương trình 135).
 
Xét Tờ trình số: 573 TT/TC-HCSN, ngày 28  tháng 7  năm 2003 của Giám đốc Sở Tài chính -Vật giá tỉnh Lạng sơn.
 
QUYẾT ĐỊNH
 
 
Điều 1. Ban hành theo Quyết định này bản “Quy định tạm thời mức hỗ trợ đầu tư cho công tác khai hoang, lấy đất làm ruộng và phát triển sản xuất ở các xã thuộc chương trình 135, trên địa bàn tỉnh Lạng sơn".
 
Điều 2. Nguồn kinh phí hỗ trợ đầu tư cho công tác khai hoang lấy đất làm ruộng và phát triển sản xuất ở các xã thuộc chương trình 135 được trích từ nguồn vốn Ngân sách Nhà nước.
 
Điều 3. Chủ tịch UBND các huyện và Ban Quản lý chương trình 135 huyện tổ chức, chỉ đạo thực hiện Quyết định này.
 
Điều 4.  Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở: Tài chính-Vật giá, Nông nghiệp-Phát triển nông thôn, Kế hoạch-Đầu tư, Kho bạc Nhà nước tỉnh Lạng Sơn, Chi cục Định canh  Định cư -Vùng kinh tế mới và Chủ tịch UBND các huyện chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
 
 Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.
 
 
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- TT Tỉnh uỷ .
- TT HĐND tỉnh.                                                          
- CT,  PCT UBND tỉnh.
- CVP.
- Lưu VT, KT1, TC-TM, TH.                                  
 
 
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN
CHỦ TỊCH



(Đã ký)


Đoàn Bá Nhiên
 
 
 
 
 
 
QUY ĐỊNH TẠM THỜI MỨC HỖ TRỢ ĐẦU TƯ CHO CÔNG TÁC
KHAI HOANG, LẤY ĐẤT LÀM RUỘNG VÀ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT Ở CÁC XÃ
THUỘC CHƯƠNG TRÌNH 135, TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN.
 
(Ban hành kèm theo Quyết định số:      /2003 /QĐ-UB ngày      tháng  9  năm 2003 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Lạng sơn).
 
 
 
CHƯƠNG I
QUY ĐỊNH CHUNG
 
Điều 1: Phạm vi áp dụng:
Quy định mức hỗ trợ này áp dụng cho các xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135. Mức hỗ trợ đầu tư để tạo quỹ đất canh tác nông lâm nghiệp cho hộ gồm: Khai hoang lấy đất làm ruộng để trồng lúa nước, làm ruộng bậc thang, xây dựng nương sản xuất cố định để trồng mầu hoặc cây công nghiệp, cây ăn quả. Hỗ trợ phát triển sản xuất: Giống cây trồng (Lúa lai, ngô lai, cây ăn quả...), vật nuôi (trâu, bò, lợn, gà...), tiến bộ kỹ thuật; vật tư chủ yếu: Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y; đầu tư các công trình thuỷ lợi nhỏ phục vụ sản xuất cho từng hộ gia đình.
 Thời gian thực hiện theo Chương trình 135.
 
 
CHƯƠNG II
NỘI DUNG CỤ THỂ
 
Điều 2: Đối tượng và mức hỗ trợ:  Mỗi xã được dành tối đa không quá 100 triệu đồng để thực hiện hỗ trợ khai hoang: tạo ruộng trồng lúa nước; tạo nương để trồng mầu hoặc cây công nghiệp, cây ăn quả; đào ao thả cá. Hỗ trợ sản xuất: để mua các loại giống mới ( lúa lai, ngô lai, cây ăn quả, cây công nghiệp ...); mua con giống: như trâu, bò, lợn, gà ...; mua phân bón, vật tư công cụ sản xuất, thuỷ lợi nhỏ phục vụ cho sản xuất cho từng hộ gia đình.
 
2.1- Đối tượng:
a) Các hộ nghèo thiếu ruộng để sản xuất, hoặc các hộ bị thu hồi để xây dựng các công trình công cộng, nếu bình quân diện tích canh tác cho 01 nhân khẩu thấp dưới mức bình quân toàn xã.
b) Các hộ nghèo thiếu vốn, không có khả năng mua giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y.
c) Hộ nghèo được xác định theo tiêu chí hiện hành, do thôn bình xét, Ban Giám sát xã duyệt, có xác nhận của Phòng Tổ chức Lao động -Xã hội huyện.
 
2.2- Mức hỗ trợ đầu tư khai hoang lấy đất và phát triển sản xuất cho các xã thuộc Chương trình 135 không quá 100.000.000 đồng ( Một trăm triệu đồng).
Tổng mức hỗ trợ tối đa không vượt quá: 1,5 triệu đồng/hộ/năm; tuỳ tình hình từng xã có thể quy định dưới 1,5 triệu đồng do UBND huyện xem xét quyết định:
a, Hỗ trợ khai hoang (hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhưng chỉ hỗ trợ nhận chuyển nhượng ruộng đất của những hộ, có mức ruộng đất bình quân cao hơn mức bình quân của xã), ruộng lúa nước: 700 đồng/m2.
b, Hỗ trợ khai hoang (hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhưng chỉ hỗ trợ nhận chuyển nhượng ruộng đất của những hộ, có mức ruộng đất bình quân cao hơn mức bình quân của xã), ruộng cạn, ruộng bậc thang: 300 đồng/m2.
+ Hỗ trợ cho phát triển sản xuất (giống cây trồng nông lâm nghiệp, giống con, phân bón và công cụ sản xuất, thuỷ lợi nhỏ) theo mức đăng ký của các hộ đã được phê duyệt của xã, huyện. Riêng giống cây nông lâm nghiệp hỗ trợ phần còn lại sau khi đã trợ giá của các chương trình khác ở các xã vùng 3.
 
Điều 3: Các bước thực hiện:
 
3.1- UBND các xã (hoặc Ban Giám sát xã) rà soát các đối tượng thuộc diện được hỗ trợ khai hoang, hỗ trợ sản xuất, tiến hành lập danh sách đến hộ, thôn bản gửi về Ban Quản lý chương trình 135 huyện để tổng hợp trình UBND huyện phê duyệt.
a) Đối với việc khai hoang lấy đất: UBND xã, Ban Giám sát xã căn cứ vào danh sách các hộ được UBND huyện phê duyệt hỗ trợ, có trách nhiệm thông báo đến các hộ để triển khai thực hiện.
b) Đối với hỗ trợ phát triển sản xuất: Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tổng hợp nhu cầu về số lượng cây giống, hợp đồng cung ứng cây giống, phân bón, dự kiến thời gian cung ứng giống cây trồng, thông báo để xã, hộ có kế hoạch triển khai thực hiện.
 
3.2. Nghiệm thu, thanh toán:
a, Việc khai hoang lấy đất làm ruộng: Khi các hộ đã khai hoang xong, UBND xã lập danh sách và diện tích, thông qua HĐND và trình cấp có thẩm quyền quyết định giao quyền sử dụng đất cho từng hộ gia đình.
 b, Hỗ trợ sản xuất: UBND huyện chỉ đạo nghiệm thu, bàn giao, lập biên bản giao nhận đến hộ gia đình, biên bản cần ghi rõ loại cây, con, số lượng, chất lượng cây giống, con giống hoặc số lượng, chủng loại phân bón cung ứng và công cụ sản xuất.
c, Thành phần nghiệm thu gồm: Trưởng ban Giám sát xã, Trưởng thôn, Đại diện UBND xã, Cán bộ phụ trách nông lâm hoặc địa chính của xã, Hộ gia đình được hỗ trợ. Biên bản nghiệm thu cần có đầy đủ chữ ký của các thành viên nêu trên.
d, Thanh toán: Căn cứ biên bản nghiệm thu của xã và định mức hỗ trợ, UBND huyện quyết định phê duyệt mức hỗ trợ cho các hộ.
 
 
CHƯƠNG III
CƠ CHẾ QUẢN LÝ -TỔ CHỨC THỰC HIỆN
 
Điều 4: Cơ chế quản lý:
4.1- Nguồn vốn để hỗ trợ khai hoang và hỗ trợ sản xuất thuộc nguồn vốn Chương trình 135, được quản lý theo các quy định hiện hành của Nhà nước (Thông tư liên tịch số 666/2001/TTLT/BKH-UBDTMN-TC-XD ngày 28/8/2001 của liên bộ Kế hoạch và đầu tư - Uỷ ban dân tộc và miền núi - Tài chính - Xây dựng về việc hướng dẫn quản lý đầu tư và xây dựng công trình hạ tầng thuộc chương trình 135).
4.2- Diện tích ruộng đất khai hoang được hỗ trợ vốn tính từ ngày 01 tháng 01 năm 2003 và hộ gia đình phải quản lý, sử dụng đúng mục đích, không được phép chuyển nhượng trong 05 năm tới.
4.3- Chi phí quản lý thực hiện hỗ trợ được tính bằng 2% tổng số vốn hỗ trợ (xã 1% và huyện 1%).
 
Điều 5: Tổ chức thực hiện:
5.1- UBND xã, Ban Giám sát xã tổ chức lập hồ sơ đăng ký hỗ trợ gửi Ban Quản lý chương trình 135 huyện tổng hợp trình UBND huyện phê duyệt; triển khai thực hiện đến hộ dân; đôn đốc kiểm tra, báo cáo tiến độ thực hiện về Ban Quản lý chương trình 135 huyện; đồng thời tổ chức nghiệm thu về tính chính xác, tính trung thực của hồ sơ nghiệm thu, thanh quyết toán do xã lập.
5.2- Chủ tịch UBND huyện, Ban Quản lý chương trình 135 của huyện chỉ đạo thực hiện theo nội dung trên.
5.3- Cơ quan Tài chính; Kho bạc Nhà nước thực hiện việc cấp phát, thanh toán khối lượng hoàn thành theo quyết định phê duyệt mức vốn hỗ trợ của UBND huyện và theo các biên bản nghiệm thu của cơ sở.
5.4- Trong quá trình thực hiện quy định này có lồng ghép và cân đối với các chương trình khác trên địa bàn xã. Riêng đối với các xã biên giới, còn được thực hiện thêm theo Quyết định số 120/2003/QĐ-TTg, ngày 11/6/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tuyến biên giới Việt - Trung đến năm 2010.
 
Điều 6: UBND tỉnh  giao cho Chi cục Định canh Định cư-Vùng Kinh tế mới là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo chương trình 135 của tỉnh theo dõi đôn đốc thực hiện, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
 
Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc thì các cấp, các ngành cần phản ảnh về Sở Tài chính-Vật giá tổng hợp và báo cáo UBND tỉnh để điều chỉnh, bổ xung kịp thời./.
 
 
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN
CHỦ TỊCH



(Đã ký)


Đoàn Bá Nhiên
 
Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.