• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 30/12/2015
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN-BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
Số: 43/2015/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Lạng Sơn, ngày 23 tháng 11 năm 2015

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra

_______________________

 

Căn cứ Luật Phòng chống thiên tai số 33/2013/QH13 ngày 19 tháng 6 năm 2013;

Căn cứ Luật Thống kê s 04/2003/QH11 ngày 26 tháng 6 năm 2003;

Căn c Nghị định số 66/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một s Điều của Luật Phòng, chng thiên tai;

Căn cứ Nghị định s 40/2004/NĐ-CP ngày 13 tháng 02 năm 2004 của Chính phủ quy định chi tiết và hưng dẫn thi hành một s điều của Luật Thống kê;

Căn cứ Nghị định số 199/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Nghị định s 116/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

Căn cứ Quyết định số 43/2010/QĐ-TTg ngày 02/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Hệ thống chỉ tiêu thng kê quốc gia;

Căn cứ Quyết định số 15/2014/QĐ-TTg ngày 17/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chế độ báo cáo thng kê tổng hợp áp dụng đối với Bộ, ngành;

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư liên tịch hưng dẫn thng kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tưng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

a) Thông tư này quy định về chỉ tiêu, biểu mẫu, nội dung, phương pháp, trình tự và trách nhiệm thực hiện thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra của các Bộ, ngành; các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh); các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện); các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã).

b) Các loại thiên tai thống kê, đánh giá thiệt hại tại Thông tư này được quy định tại khoản 1, Điều 3 Luật Phòng, chống thiên tai và các loại thiên tai khác được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống thiên tai.

2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra trên lãnh thổ Việt Nam.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Thiệt hại do thiên tai gây ra là những tác động của các loại hình thiên tai ảnh hưởng đến con người, động vật nuôi ở các mức độ khác nhau; làm phá hủy hoặc hư hỏng về vật chất, môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế, xã hội xảy ra trong hoặc ngay khi thiên tai xảy ra.

2. Thiệt hại về người bao gồm người chết, người mất tích và người bị thương. Người chết là những người bị chết do thiên tai trực tiếp gây ra, không tính những người chết do các nguyên nhân khác trong thời gian thiên tai xảy ra tại địa phương. Người mất tích là những người không tìm thấy sau khi thiên tai xảy ra, có thể đã bị chết nhưng chưa tìm thấy thi thể hoặc chưa có thông tin, sau 01 năm thì người mất tích được coi là chết; Người bị thương là những người bị tổn thương về thể xác do ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt bình thường.

3. Thiệt hại về động vật nuôi bao gồm các loại gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi, vùi lấp.

4. Thiệt hại về vật chất bao gồm nhà ở, kết cấu hạ tầng và các cơ sở vật chất liên quan; mùa màng, tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản và các dạng vật chất khác được quy định tại các Biểu mẫu thống kê kèm theo thông tư này.

5. Nhà kiên cố là nhà có cả 3 kết cấu chính (cột, mái, tường) đều được làm bằng vật liệu bền chắc.

6. Nhà bán kiên cố là nhà có 2 trong 3 kết cấu chính được làm bằng vật liệu bền chắc.

7. Nhà thiếu kiên cố là nhà chỉ có một trong 3 kết cấu chính được làm bằng vật liệu bền chắc.

8. Nhà đơn sơ là những nhà có cả ba kết cấu chính được làm bằng vật liệu không bền chắc.

9. Vật liệu bền chắc là những vật liệu gồm bê tông cốt thép, gạch, đá, sắt, thép, gỗ bền chắc.

10. Điểm/trường là cơ sở vật chất của trường học, là nơi giáo viên, học sinh, sinh viên, học viên đến để giảng dạy và học tập.

11. Phòng học, phòng chức năng công vụ, nhà tập thể, nhà bán trú là cơ sở vật chất của trường học, là nơi giáo viên, học sinh, sinh viên, học viên thường xuyên đến ngồi theo từng lớp để nghe giảng bài, thực hành thí nghiệm và trao đổi học tập.

12. Số cơ sở y tế là những bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế của nhà nước hoặc tư nhân đóng trên địa bàn đơn vị hành chính báo cáo.

13. Công trình văn hóa là các thiết chế xây dựng được kiến tạo để phục vụ các hoạt động văn hóa, thông tin, tuyên truyền.

14. Cây trồng lâu năm là các loại cây trồng có thời gian từ gieo trồng đến thu hoạch trên một năm.

15. Cây trồng hàng năm là các loại cây trồng có thời gian từ gieo trồng đến thu hoạch không quá một năm.

16. Diện tích rừng trồng mới tập trung là diện tích rừng trồng mới các loại cây lâm nghiệp đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật và có diện tích từ 0,5 ha trở lên.

17. Lương thực là những sản phẩm lúa, ngô, khoai, sắn khô sạch đã thu hoạch trong năm.

Điều 3. Mức thiệt hại

Mức thiệt hại về vật chất được quy định như sau:

1. Thiệt hại hoàn toàn: là những vật chất bị mất trắng hoặc bị phá hủy, hư hỏng trên 70% không thể khôi phục lại.

2. Thiệt hại rất nặng: là những vật chất bị giảm năng suất hoặc bị phá hủy, hư hỏng từ 50-70%.

3. Thiệt hại nặng: là những vật chất bị giảm năng suất hoặc bị phá hủy, hư hỏng từ 30-50%.

4. Thiệt hại một phần: là những vật chất bị giảm năng suất hoặc bị hư hỏng dưới 30%.

Điều 4. Nguyên tắc thống kê, đánh giá thiệt hại

1. Thống kê, đánh giá thiệt hại phải được thực hiện phù hợp với thực tế, đáp ứng việc chỉ đạo, điều hành, ứng phó với thiên tai. Việc lập báo cáo thống kê thiệt hại phải được thực hiện theo đúng thẩm quyền.

2. Đảm bảo tính khách quan, công khai, minh bạch; phản ánh sát thực tế về mức độ thiệt hại do thiên tai gây ra.

3. Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị liên quan đến hoạt động thống kê, đánh giá thiệt hại.

4. Đáp ứng được các yêu cầu trong công tác thống kê, đánh giá thiệt hại.

Chương II

CHỈ TIÊU, BIỂU MẪU THỐNG KÊ ĐÁNH GIÁ THIỆT HẠI

Điều 5. Chỉ tiêu thống kê, đánh giá thiệt hại

1. Chỉ tiêu thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra bao gồm:

a) Về người: gồm người chết, mất tích, bị thương và số hộ, số người bị ảnh hưởng trực tiếp.

b) Về nhà ở: bao gồm nhà kiên cố, bán kiên cố, thiếu kiên cố và nhà đơn sơ

c) Về giáo dục: gồm những cơ sở vật chất của trường học, các thiết bị giáo dục.

d) Về y tế: gồm những số cơ sở y tế, thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế.

đ) Về Văn hóa: gồm những công trình văn hóa, di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, các tài sản, trang thiết bị văn hóa.

e) Về nông, lâm, diêm nghiệp: gồm những diện tích gieo trồng về nông nghiệp, diện tích trồng rừng tập trung trong lâm nghiệp, diện tích làm muối, số lượng muối, lương thực đã thu hoạch, cây trồng phân tán và cây xanh đô thị.

g) Về chăn nuôi: gồm những gia súc, gia cầm, vật nuôi khác; chuồng trại, trang thiết bị, vật tư chăn nuôi.

h) Về thủy lợi: gồm những công trình đê, kè, cống, đê bao, bờ bao, kênh mương, trạm bơm, hồ chứa, đập thủy lợi và các công trình thủy lợi khác.

i) Về giao thông: gồm những cơ sở hạ tầng, phương tiện giao thông vận tải đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt, hàng hải, hàng không.

k) Về thủy sản: gồm những diện tích, sản phẩm nuôi trồng thủy sản trên sông, hồ, ao, lồng, bè; các trang thiết bị khai thác, nuôi trồng thủy sản và tàu cá.

l) Về thông tin liên lạc: gồm các cột ăng ten, cột treo cáp và các trang thiết bị, vật tư phục vụ thông tin liên lạc.

m) Về công nghiệp: gồm những cơ sở vật chất về công nghiệp và công nghiệp dầu khí.

n) Về xây dựng: gồm những công trình xây dựng đang thi công; các thiết bị, máy móc, vật tư xây dựng.

o) Các công trình khác

2. Danh mục chi tiết của các nhóm chỉ tiêu được quy định tại các Biểu mẫu thống kê tổng hợp thiệt hại của các loại hình thiên tai trong phụ lục I; giải thích khái niệm, cách xác định các chỉ tiêu thống kê, đánh giá thiệt hại được quy định cụ thể tại phụ lục II của Thông tư này.

Điều 6. Biểu mẫu thống kê, đánh giá thiệt hại

1. Biểu mẫu thống kê, đánh giá thiệt hại được phân theo nhóm các loại hình thiên tai theo địa bàn gồm:

a) Biểu mẫu 01/TKTH - Tổng hợp thiệt hại nhanh/đợt do các loại hình thiên tai gây ra: bão, áp thấp nhiệt đới, gió mạnh trên biển, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, nước dâng, sóng thần.

b) Biểu mẫu 02/TKTH - Tổng hợp thiệt hại nhanh/đợt do loại hình thiên tai gây ra: lốc, sét, mưa đá.

c) Biểu mẫu 03/TKTH - Tổng hợp thiệt hại nhanh/đợt do loại hình thiên tai gây ra: sương muối, sương mù, rét hại.

d) Biểu mẫu 04/TKTH - Tổng hợp thiệt hại nhanh/đợt do loại hình thiên tai gây ra: xâm nhập mặn, hạn hán, nắng nóng.

đ) Biểu mẫu 05/TKTH - Tổng hợp thiệt hại nhanh/đợt do loại hình thiên tai gây ra: động đất.

e) Biểu mẫu 06/TKTH - Thống kê nguyên nhân người chết và mất tích.

g) Biểu mẫu 07/TKTH - Tổng hợp thiệt hại do thiên tai gây ra 6 tháng đầu năm và tổng kết năm.

h) Biểu mẫu 08/TKTH - Tổng hợp các chỉ tiêu chính thiệt hại do thiên tai gây ra theo định kỳ và theo năm.

i) Đối với các loại hình thiên tai khác trong trường hợp được bổ sung tại các văn bản quy phạm pháp luật về phòng chống thiên tai: Căn cứ vào loại hình thiên tai, phạm vi ảnh hưởng, mức độ thiệt hại, thời gian xuất hiện có thể lồng ghép vào một trong các biểu mẫu theo thứ tự từ 01/TKTH đến 06/TKTH để tổng hợp thống kê, đánh giá thiệt hại cho loại hình thiên tai đó.

2. Ký hiệu các Biểu mẫu trên đối với từng cấp như sau

a) Cấp xã: /TKTH-X.

b) Cấp huyện: /TKTH-H.

c) Cấp tỉnh/thành phố: /TKTH-T.

d) Các Bộ, ngành: /TKTH-Tên bộ, ngành.

Chương III

NỘI DUNG, CHẾ ĐỘ BÁO CÁO VÀ KIỂM TRA KẾT QUẢ SỐ LIỆU BÁO CÁO THỐNG KÊ, ĐÁNH GIÁ THIỆT HẠI

Điều 7. Các loại báo cáo thống kê, đánh giá thiệt hại

1. Báo cáo nhanh tình hình thiên tai và thiệt hại (Báo cáo nhanh): Được lập ngay sau khi thiên tai xảy ra. Thời gian báo cáo, thực hiện trước 24 giờ tính từ khi xảy ra thiên tai và được báo cáo hàng ngày cho đến khi kết thúc đợt thiên tai.

2. Báo cáo tổng hợp đợt thiên tai: Được thực hiện khi kết thúc thống kê, đánh giá thiệt hại, kết thúc đợt thiên tai, áp dụng đối với những loại hình thiên tai xuất hiện trong nhiều ngày hoặc loại thiên tai gây thiệt hại lớn phải thống kê, đánh giá trong thời gian dài.

3. Báo cáo định kỳ công tác phòng, chống thiên tai (báo cáo sơ kết sáu tháng, báo cáo tổng kết năm): Được thực hiện khi kết thúc 6 tháng đầu năm, tổng kết năm về công tác phòng, chống thiên tai.

4. Báo cáo đột xuất: Trong trường hợp cần có báo cáo thống kê để thực hiện các yêu cầu công việc về quản lý nhà nước, cơ quan yêu cầu báo cáo phải có văn bản nêu rõ mục đích, thời gian và các nội dung cần báo cáo.

5. Ngoài việc báo cáo bằng văn bản, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp và các Bộ, ngành phải thường xuyên thông tin và báo cáo qua điện thoại khi có tình huống khẩn cấp xảy ra.

Điều 8. Nội dung báo cáo

1. Báo cáo nhanh

Tùy theo diễn biến của các loại hình thiên tai, mức độ và phạm vi ảnh hưởng, các nội dung chính được đề cập trong báo cáo gồm:

a) Tình hình thiên tai: loại hình thiên tai; thời gian xuất hiện; diễn biến, cường độ và phạm vi ảnh hưởng; khu vực bị cô lập; độ ngập sâu (nếu có); thời gian kết thúc (trường hợp thiên tai đã kết thúc tại thời điểm báo cáo).

b) Công tác chỉ huy ứng phó: nêu rõ việc chỉ huy, triển khai ứng phó với thiên tai. Kết quả đạt được đến thời điểm báo cáo, trong đó nêu rõ số dân được di dời, sơ tán, số tàu thuyền được thông báo, đang di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm, đang neo đậu tại bến, hoạt động ở vùng biển khác (nếu có).

c) Thống kê, đánh giá thiệt hại:

- Phần trình bày: Tùy theo loại hình thiên tai, tình hình thiệt hại để thống kê, đánh giá thiệt hại, trong trường hợp chưa thể thống kê, đánh giá đầy đủ thì nêu rõ là thiệt hại ban đầu. Các chỉ tiêu chính, gồm: về người; về nhà ở; về giáo dục; về y tế; về nông nghiệp; về thủy lợi; về giao thông; một số chỉ tiêu khác quy định tại các Biểu mẫu từ 01 đến 06/TKTH - Phụ lục I (nếu có). Riêng đối với thiệt hại về các công trình: đê điều, hồ đập, sạt lở, khu neo đậu tránh trú bão, công trình giao thông cần mô tả cụ thể: loại hư hỏng (sự cố); vị trí, địa điểm; thời gian xuất hiện, quy mô, diễn biến sự cố đến thời điểm báo cáo. Ước giá trị thiệt hại trong trường hợp có thể.

- Phần Biểu mẫu: Thống kê các chỉ tiêu thiệt hại theo các Biểu mẫu từ 01/TKTH đến 06/TKTH- Phụ lục I, ước giá trị thiệt hại trong trường hợp có thể.

d) Công tác khắc phục hậu quả: nêu rõ kết quả khắc phục hậu quả thiên tai đến thời điểm báo cáo bao gồm:

- Công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn về người, tài sản;

- Công tác khắc phục, sửa chữa công trình. Đối với các công trình phòng, chống thiên tai và công trình giao thông: nêu rõ các hình thức xử lý; kết quả thực hiện đến thời điểm báo cáo và dự kiến thời gian hoàn thành;

- Công tác hỗ trợ thiệt hại về người, nhà ở, các nhu yếu phẩm thiết yếu và các hỗ trợ khắc phục hậu quả khác (nếu có).

đ) Đề xuất, kiến nghị

Nêu rõ các nội dung kiến nghị để ứng phó khắc phục hậu quả thiên tai trong trường hợp vượt quá khả năng của địa phương.

2. Báo cáo tổng hợp đợt thiên tai

a) Tình hình thiên tai: Tóm tắt tình hình, diễn biến thiên tai từ khi xuất hiện đến khi kết thúc.

b) Công tác chỉ huy ứng phó: Tóm tắt công tác chỉ huy ứng phó của các cấp, các ngành trong quá trình xảy ra thiên tai.

c) Kết quả triển khai công tác chỉ huy ứng phó:

Tóm tắt các kết quả đã thực hiện (nếu có) bao gồm: sơ tán, di dời dân; kêu gọi tàu thuyền; huy động lực lượng, phương tiện, vật tư và các kết quả triển khai khác (nếu có)

d) Thống kê, đánh giá thiệt hại:

- Phần trình bày: Thống kê đánh giá tình hình thiệt hại thông qua các chỉ tiêu chính gồm: về người; về nhà ở; về giáo dục; về y tế; về nông nghiệp; về thủy lợi; về giao thông; một số chỉ tiêu khác quy định tại các Biểu mẫu từ 01 đến 06/TKTH - Phụ lục I (nếu có). Ước giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra.

- Phần Biểu mẫu: Thống kê các chỉ tiêu thiệt hại theo các Biểu mẫu từ 01/TKTH đến 06/TKTH- Phụ lục I và ước giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra.

đ) Công tác khắc phục hậu quả:

Tóm tắt kết quả khắc phục hậu quả bao gồm: tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn về người, tài sản; khắc phục sự cố công trình; hỗ trợ thiệt hại về người, nhà ở, các nhu yếu phẩm thiết yếu và các hỗ trợ khắc phục hậu quả khác (nếu có).

e) Tồn tại, kiến nghị

- Những nội dung còn tồn tại cần rút kinh nghiệm đối với các cấp, các ngành trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thông qua công tác phòng, chống với đợt thiên tai trên;

- Kiến nghị những nội dung vượt quá khả năng thực hiện của địa phương;

Đối với các loại thiên tai xảy ra trong thời gian ngắn, phạm vi hẹp, Báo cáo nhanh đã thể hiện đầy đủ, chính xác các thông tin nêu trên thì được coi là Báo cáo tổng hợp đợt thiên tai.

3. Báo cáo định kỳ công tác phòng, chống thiên tai (báo cáo sơ kết sáu tháng, báo cáo tổng kết năm)

a) Tóm tắt tình hình thiên tai đã xảy ra trên địa bàn, trong đó nêu rõ đã xuất hiện bao nhiêu đợt thiên tai, số lần xuất hiện của từng loại thiên tai

b) Công tác chỉ huy ứng phó: Nêu rõ việc chỉ huy, triển khai phòng, ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả; kết quả đạt được.

c) Thống kê, đánh giá thiệt hại:

- Phần trình bày: Thống kê đánh giá các chỉ tiêu thiệt hại chính trong thời gian báo cáo định kỳ: về người, về nhà ở, về giáo dục, về y tế, về nông nghiệp, về thủy lợi, về giao thông, một số chỉ tiêu khác (nếu có) và ước tổng giá trị thiệt hại.

- Phần Biểu: Thống kê theo Biểu mẫu 07/TKTH và 08/TKTH- Phụ lục I và ước giá trị thiệt hại bằng tiền đối với các chỉ tiêu tính ra tiền.

d) Đánh giá về công tác phòng, chống thiên tai.

- Những nội dung đã đạt được.

- Những nội dung còn tồn tại.

- Bài học kinh nghiệm.

đ) Công tác triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới: Nêu những nhiệm vụ chủ yếu sẽ triển khai trong giai đoạn tới (06 tháng cuối năm, năm tiếp theo kỳ báo cáo).

e) Đề xuất, kiến nghị.

Điều 9. Chế độ, cơ quan thực hiện báo cáo

1. Báo cáo nhanh

a) Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp xã lập và gửi báo cáo nhanh lên Ủy ban nhân dân cấp xã và Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện trước 17 giờ hàng ngày.

b) Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện lập và gửi báo cáo nhanh về tình hình thiên tai và thiệt hại lên Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh trước 18 giờ hàng ngày.

c) Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh tổng hợp, lập báo cáo nhanh về tình hình thiên tai và thiệt hại gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai trước 19 giờ hàng ngày.

d) Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai các bộ, cơ quan ngang bộ lập báo cáo nhanh về tình hình thiên tai và thiệt hại (nếu có) trong phạm vi quản lý gửi Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai trước 19 giờ hàng ngày.

đ) Ngoài ra, các cơ quan thực hiện chế độ báo cáo có thể trao đổi bằng điện thoại, tin nhắn (SMS), thư điện tử để cập nhật, nắm bắt tình hình thiên tai và thiệt hại do thiên tai gây ra. Trường hợp có tình huống thiên tai khẩn cấp xảy ra thì Ủy ban nhân dân, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh, Bộ sẽ có báo cáo bổ sung.

2. Báo cáo tổng hợp thiệt hại đợt thiên tai

a) Ủy ban nhân dân các cấp lập báo cáo tổng hợp đợt thiên tai gửi Ủy ban nhân dân cấp trên, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kiểm tra, tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng thời gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp chậm nhất sau 15 ngày kể từ khi kết thúc thiên tai.

b) Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ lập báo cáo tổng hợp đợt thiên tai trong phạm vi quản lý và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng thời gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp chậm nhất sau 15 ngày kể từ khi kết thúc đợt thiên tai.

3. Báo cáo định kỳ công tác phòng, tránh thiên tai

a) Ủy ban nhân dân các cấp lập báo cáo định kỳ công tác phòng, chống thiên tai gửi Ủy ban nhân dân cấp trên, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng thời gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp.

b) Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ lập báo cáo định kỳ công tác phòng chống thiên tai trong phạm vi quản lý báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng thời gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp.

c) Thời gian thực hiện báo cáo:

- Báo cáo sơ kết 6 tháng: Được tính từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 30 tháng 6 hàng năm. Thời gian gửi báo cáo trước ngày 15 tháng 7 hàng năm;

- Báo cáo tổng kết năm: Được tính từ ngày 01 tháng 01 đến hết ngày 31 tháng 12 hàng năm. Thời gian gửi báo cáo trước ngày 31 tháng 01 năm sau.

Điều 10. Phương thức gửi báo cáo

Báo cáo thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra do cơ quan có thẩm quyền lập phải có chữ ký, đóng dấu xác nhận của thủ trưởng cơ quan và được gửi đến cơ quan nhận báo cáo thông qua các hình thức sau:

1. Đối với Báo cáo nhanh: Gửi qua fax, thư điện tử, hoặc bằng các phương tiện nhanh nhất có thể.

2. Đối với Báo cáo tổng hợp đợt, Báo cáo định kỳ và các báo cáo khác: Gửi qua đường bưu điện, fax, thư điện tử.

Điều 11. Kiểm tra kết quả số liệu thống kê, đánh giá thiệt hại

1. Nội dung kiểm tra

a) Việc thực hiện các quy định của pháp luật về thống kê.

b) Việc thực hiện chế độ, trách nhiệm thực hiện báo cáo thống kê đánh giá thiệt hại;

c) Các nội dung khác liên quan đến thống kê, đánh giá thiệt hại gồm:

- Tính chính xác trong việc tổng hợp số liệu trong các biểu thống kê;

- Tính thống nhất số liệu giữa các biểu số liệu thống kê, đánh giá thiệt hại của từng cấp; giữa biểu số liệu với báo cáo kết quả thống kê đánh giá, thiệt hại;

- Tính đầy đủ của các nội dung; sự phù hợp với tình hình thực tế về các số liệu thiệt hại và mức thiệt hại ước thành tiền.

2. Trách nhiệm kiểm tra

a) Đơn vị, cá nhân trực tiếp thực hiện thống kê, đánh giá thiệt hại tự kiểm tra kết quả trong suốt quá trình thực hiện thống kê.

b) Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp kiểm tra kết quả thống kê, đánh giá thiệt hại trước khi báo cáo cơ quan phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn cấp trên và Ủy ban nhân dân cùng cấp.

c) Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tổ chức kiểm tra kết quả thống kê, đánh giá thiệt hại trước khi báo cáo Ủy ban nhân dân cấp trên, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức kiểm tra kết quả thống kê, đánh giá thiệt hại trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

d) Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức kiểm tra kết quả thống kê, đánh giá thiệt hại trong phạm vi quản lý trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Chương IV

NỘI DUNG, PHƯƠNG PHÁP, TRÌNH TỰ VÀ TRÁCH NHIỆM

CỦA CƠ QUAN THỰC HIỆN THỐNG KÊ, ĐÁNH GIÁ THIỆT HẠI

Điều 12. Nội dung thực hiện thống kê, đánh giá thiệt hại

1. Điều tra, thu thập các hồ sơ, tài liệu, số liệu liên quan đến các chỉ tiêu thiệt hại được quy định trong Biểu mẫu hoặc số liệu thống kê thiệt hại do thiên tai gây ra.

2. Kiểm tra, tổng hợp số liệu và lập các biểu thống kê thiệt hại ở các cấp theo quy định.

3. Phân tích, đánh giá nguyên nhân, ước tính thiệt hại, đề xuất các giải pháp hỗ trợ, khắc phục hậu quả thiên tai.

4. Lập báo cáo thống kê, đánh giá thiệt hại.

Điều 13. Phương pháp thực hiện thống kê, đánh giá thiệt hại

1. Thống kê, thu thập thông tin về thiệt hại do thiên tai phục vụ tổng hợp số liệu thống kê, đánh giá thiệt hại được thực hiện như sau:

a) Quan sát điều tra tại hiện trường nơi xảy ra thiên tai, kiểm đếm và thống kê thiệt hại về các chỉ tiêu đã quy định trong các Biểu mẫu, ghi kết quả vào Biểu mẫu thống kê.

b) Thu thập số liệu thông qua điều tra trong các khu dân cư, qua báo cáo của chính quyền cấp cơ sở và các đoàn công tác tại hiện trường.

2. Tổng hợp và báo cáo

Số liệu về thiệt hại do thiên tai gây ra phải được thống kê và báo cáo kịp thời trước 24 giờ tính từ khi thiên tai bắt đầu xảy ra và được báo cáo hàng ngày cho đến khi kết thúc đợt thiên tai, cụ thể:

a) Trong thiên tai: Thống kê, đánh giá thiệt hại được thực hiện theo nguyên tắc cộng dồn, bổ sung hoặc sửa đổi mức độ thiệt hại (nếu có) đến thời điểm báo cáo, ghi chép theo các biểu mẫu thống kê cho từng loại hình thiên tai được quy định tại Điều 6 thông tư này.

b) Sau thiên tai: Báo cáo đầy đủ kết quả số liệu thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra thông qua các Biểu mẫu thống kê cho từng loại thiên tai được quy định tại Điều 6 thông tư này trên cơ sở tổng hợp, bổ sung, điều chỉnh (nếu có) của báo cáo nhanh hàng ngày.

3. Ước tính giá trị thiệt hại

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành đơn giá phục vụ công tác thống kê, tổng hợp thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh làm cơ sở để xác định giá trị thiệt hại.

Điều 14. Trình tự thực hiện thống kê đánh giá thiệt hại

1. Công tác chuẩn bị trước thiên tai

a) Thu thập tình hình dân sinh, kinh tế trong phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị.

b) Chuẩn bị đầy đủ các Biểu mẫu thống kê theo quy định.

2. Tổ chức thực hiện thống kê, đánh giá thiệt hại khi thiên tai xảy ra

a) Trong thiên tai

- Thu thập, tổng hợp số liệu thiệt hại vùng bị ảnh hưởng của thiên tai;

- Lập báo cáo nhanh tình hình thiên tai và thiệt hại theo quy định tại khoản 1, Điều 8 Thông tư này.

b) Sau khi kết thúc thiên tai

- Tiếp tục thu thập, tổng hợp và phân tích các chỉ tiêu thống kê, đánh giá thiệt hại. Trong quá trình này có thể bổ sung, điều chỉnh số liệu chi tiết các chỉ tiêu đã báo cáo hàng ngày để phù hợp với tình hình thực tế;

- Lập Báo cáo tổng hợp đợt thiên tai.

Điều 15. Trách nhiệm các cơ quan thực hiện báo cáo thống kê, đánh giá thiệt hại

1. Tổ chức điều tra, thu thập thông tin, tổng hợp phân tích, đánh giá theo các nội dung, phương pháp, trình tự thực hiện thống kê, đánh giá thiệt hại quy định tại Thông tư này. Lập và gửi báo cáo đến các cơ quan liên quan đúng thời gian, phương thức quy định.

2. Kiểm tra, rà soát kết quả thống kê đánh giá thiệt hại từ báo cáo nhận được theo thẩm quyền. Trường hợp nội dung báo cáo chưa rõ ràng, thông tin thống kê, đánh giá thiệt hại chưa đầy đủ, phải kịp thời yêu cầu các cơ quan thực hiện báo cáo điều chỉnh, bổ sung; trong trường hợp cần thiết, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan kiểm tra, xác minh để đảm bảo tính chính xác, khách quan của báo cáo thống kê, đánh giá thiệt hại. Tổng hợp kết quả, báo cáo lên các cơ quan cấp trên theo đúng quy định.

Chương V

CÔNG BỐ VÀ LƯU TRỮ KẾT QUẢ SỐ LIỆU THỐNG KÊ,

ĐÁNH GIÁ THIỆT HẠI

Điều 16. Công bố số liệu thống kê, đánh giá thiệt hại

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương công bố số liệu thiệt hại thuộc địa phương mình quản lý theo quy định của pháp luật.

2. Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ công bố số liệu thiệt hại thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật.

3. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố số liệu thiệt hại do thiên tai gây ra trong phạm vi cả nước theo quy định của pháp luật và quy định tại Thông tư này thông qua các hình thức: Niên giám thống kê; họp báo; Báo cáo tổng kết công tác phòng chống thiên tai năm; các sản phẩm thống kê bằng văn bản điện tử đăng trên cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai.

4. Thời gian công bố: Hàng năm tổng hợp thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm được công bố một lần. Thời gian công bố chậm nhất là trước ngày 31 tháng 3 của năm tiếp theo.

Điều 17. Lưu trữ dữ liệu thống kê, đánh giá thiệt hại

1. Tài liệu thống kê, đánh giá thiệt hại của các cấp, các ngành và cả nước phải được quản lý, lưu trữ lâu dài dưới dạng bản in và các tệp dạng số.

2. Tài liệu thống kê, đánh giá thiệt hại của các cấp được lưu tại Ủy ban nhân dân và Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cùng cấp.

3. Tài liệu thống kê, đánh giá thiệt hại của các Bộ, ngành được lưu tại Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các Bộ hoặc các đơn vị cấp Tổng cục, Vụ, trực thuộc có liên quan.

4. Tài liệu thống kê, đánh giá thiệt hại của cả nước được lưu tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai.

5. Việc quản lý dữ liệu thống kê, đánh giá thiệt hại được thực hiện theo quy định của pháp luật về lưu trữ và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Điều 18. Quản lý, sử dụng dữ liệu thống kê, đánh giá thiệt hại

1. Số liệu thống kê, đánh giá thiệt hại được người có thẩm quyền công bố là tài sản công. Mọi tổ chức, cá nhân được bình đẳng trong việc tiếp cận, khai thác, sử dụng.

2. Việc trích dẫn, sử dụng dữ liệu thống kê, đánh giá thiệt hại được công bố phải trung thực và ghi rõ nguồn gốc của thông tin.

Chương VI

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 19. Trách nhiệm của các cấp, các ngành

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo, kiểm tra thực hiện Thông tư này trên phạm vi toàn quốc.

2. Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai thực hiện Thông tư này.

Điều 20. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 30 tháng 12 năm 2015.

2. Trong quá trình thực hiện, trường hợp có phát sinh vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để nghiên cứu, giải quyết./.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Cao Đức Phát

Bùi Quang Vinh

 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.