NGHỊ QUYẾT
CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Về việc sắp xếp tổ chức biên chế hành chính, sự nghiệp
Để bộ máy hành chính, sự nghiệp được tổ chức một cách khoa học, phù hợp với đặc điểm của nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, phải đổi mới căn bản hệ thống các cơ quan hành chính Nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Việc đổi mới phải dựa trên cơ sở định hướng của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII về đổi mới hệ thống chính trị, của Hiến pháp sửa đổi và tiến hành trong khuôn khổ cuộc cải cách bộ máy Nhà nước. Hội đồng bộ trưởng trong phiên họp ngày 30 tháng 3 năm 1991 của Hội đồng bộ trưởng đã quyết định việc sắp xếp tổ chức biên chế hành chính sự nghiệp trong thời gian trước mắt (1991) như sau:
I. YÊU CẦU CHỦ YẾU CỦA VIỆC SẮP XẾP TỔ CHỨC VÀ BIÊN CHẾ LÀ:
Điều chỉnh một bước các tổ chức hành chính, sự nghiệp ở các ngành, các cấp cho hợp lý hơn, bớt những tổ chức trùng lặp, trồng chéo hoặc chức trách không rõ ràng, thực hiện giảm biên chế theo Nghị quyết của Quốc hội; nâng cao một bước hiệu lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy; tạo những điều kiện thuận lợi cho việc đổi mới căn bản hệ thống hành chính Nhà nước sẽ tiến hành sau khi có hiến pháp sửa đổi. Việc điều chỉnh tổ chức, giảm biên chế không gây đảo lộn cho công việc quản lý bình thường.
Phạm vi sắp xếp tổ chức, biên chế:
Tổ chức biên chế của các cơ quan hành chính từ trung ương đến huyện: các Bộ (gồm cả bộ phận hành chính, sự nghiệp của các Bộ Quốc phòng, Nội vụ), các Uỷ ban Nhà nước và các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương, các quận, huyện và cấp tương đương.
Tổ chức, biên chế của các đơn vị sự nghiệp thuộc tất cả các ngành, các cấp, trọng điểm là các đơn vị giáo dục và đào tạo, y tế, nghiên cứu khoa học.
Những công việc cần phải làm ngay.
1. Sắp xếp tổ chức và biên chế của các cơ quan hành chính Nhà nước từ Trung ương đến quận, huyện:
a) Ở các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, cơ quan khác thuộc Hội đồng bộ trưởng (sau đây gọi trung là Bộ).
Căn cứ vào nghị định 196-HĐBT của Hội đồng bộ trưởng, nắm vững chức năng quản lý hành chính Nhà nước của Bộ đối với ngành, lĩnh vực trong cả nước để:
Rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ trong việc quản lý Nhà nước đối với toàn ngành, lĩnh vực trong cả nước và đối với các cơ sở trực thuộc Bộ. Cần chú ý làm rõ những nội dung quản lý Bộ cần phân cấp cho các cấp dưới (địa phương, cơ sở) cho phù hợp với cơ chế quản lý mới. Nếu có những quy định do Hội đồng Bộ trưởng ban hành nay không còn phù hợp thì Bộ kiến nghị những điểm cần sửa đổi, bổ sung.
Soát xét lại bộ máy giúp việc Bộ, xác định những tổ chức cần giữ và củng cố, những tổ chức cần điều chỉnh, sắp xếp lại hay giải thể.
Xác định chức danh, tiêu chuẩn các loại công chức thuộc Bộ, dựa vào quy định về công chức do Hội đồng Bộ trưởng ban hành và cơ cấu tổ chức của Bộ sau khi đã soát xét lại để quy định số biên chế cần thiết; những người cần giữ lại trong biên chế; những người không ở trong biên chế nữa.
b) Ở các tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương.
Cũng tiến hành tương tự như ở Bộ, nhưng chú ý:
Điều chỉnh bộ máy ở tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương, quận, huyện phù hợp với yêu cầu và khả năng thực tế hiện nay. Không nhất thiết ở Trung ương có Bộ gì thì ở tỉnh có Sở ấy.
Đối với các cơ quan chuyên môn do Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố và đặc khu trực tiếp quản lý thì trước khi quyết định việc điều chỉnh tổ chức Uỷ ban Nhân dân tỉnh phải hỏi ý kiến Bộ quản lý ngành hay lĩnh vực.
Ban Tổ chức - Cán bộ của Chính phủ có trách nhiệm tổ chức sự phối hợp giữa các Bộ và Uỷ ban Nhân dân địa phương trong việc này. Trường hợp Bộ và Uỷ ban Nhân dân không nhất trí thì Ban Tổ chức - Cán bộ của Chính phủ báo cáo để Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng quyết định.
c) Ở các huyện, quận, thị xã.
Cần sắp xếp các cơ quan giúp việc Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã gọn nhẹ hơn nữa. Cách làm cũng tương tự như ở cấp tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương.
2. Sắp xếp tổ chức và biên chế các đơn vị sự nghiệp.
a) Mỗi Bộ và Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố xác định những đơn vị sự nghiệp (giáo dục và đào tạo, y tế, nghiên cứu khoa học, văn hoá, nghệ thuật, thể dục thể thao) thuộc phạm vi quản lý của Bộ và Uỷ ban Nhân dân cần được duy trì và kiện toàn; những đơn vị cần điều chỉnh, sắp xếp lại, định lại biên chế của từng đơn vị cũng theo cách làm như đối với các cơ quan hành chính.
Căn cứ vào tính chất và phương thức hoạt động của từng loại đơn vị sự nghiệp, định rõ những đơn vị do Nhà nước đài thọ hoàn toàn kinh phí, những đơn vị có nguồn thu ngoài ngân sách Nhà nước để tự trang trải toàn bộ hoặc một phần kinh phí.
b) Các Bộ giáo dục và đào tạo, Y tế văn hoá - Thông tin - Thể thao và Du lịch, Uỷ ban Khoa học Nhà nước trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng trong quý II-1991 phương án sắp xếp tổ chức và biên chế toàn ngành trong cả nước để có định hướng cho các Bộ, các địa phương sắp xếp các đơn vị sự nghiệp trực thuộc.
3. Các Bộ và Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố cần chú trọng đặc biệt việc thực hiện các chính sách, chế độ đối với những cán bộ, nhân viên xếp ra ngoài biên chế, cố gắng tạo điều kiện bảo đảm đời sống sau khi thôi làm việc ở cơ quan Nhà nước, giải quyết việc làm cho những người còn có khả năng lao động, giữ vững đoàn kết nội bộ trong các cơ quan, đơn vị khi tiến hành việc sắp xếp.
Thực hiện đúng đắn các chính sách, chế độ trong sắp xếp biên chế theo quyết định của Hội đồng bộ trưởng ban hành cùng với Nghị quyết này.
II. TỔ CHỨC VÀ CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN
1. Ở các Bộ, các tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc trung ương, trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo công việc này là các đồng chí Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân; không thành lập ban chỉ đạo. Các cơ quan chức năng về tổ chức, cán bộ lao động giúp Bộ trưởng, chủ tịch Uỷ ban chỉ đạo công việc này.
2. Sau khi Hội đồng bộ trưởng ra Nghị quyết này, Ban Tổ chức - Cán bộ của Chính phủ cùng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức phổ biến và hướng dẫn các Bộ, các tỉnh xây dựng phương án sắp xếp tổ chức và biên chế theo nội dung nói ở Mục I trên đây. Công việc này phải làm xong trong tháng 4 năm 1991.
Từ cuối tháng 4 năm 1991 đến cuối tháng 6 năm 1991, các Bộ, các tỉnh, thành phố xây dựng phương án của Bộ, của Uỷ ban nhân dân địa phương.
Từ đầu quý III năm 1991, Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng duyệt phương án của một số Bộ và tỉnh, thành phố. Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng uỷ nhiệm cho các Phó chủ tịch xem xét phương án của các Bộ và các địa phương khác.
Từ nay cho đến khi duyệt phương án chung, việc nào thuộc thẩm quyền của Bộ, Uỷ ban nhân dân tỉnh thì Bộ, Uỷ ban nhân dân quyết định ngay việc sắp xếp, không cần phải chờ phương án.
3. Sắp xếp Tổ chức, biên chế là công việc bức bách nhưng rất phức tạp, đụng chạm đến số đông cán bộ, nhân viên, Hội đồng bộ trưởng yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân trực tiếp chỉ đạo cụ thể, đề nghị các tổ chức Đảng, toàn thể ở từng cơ quan, đơn vị phối hợp với Thủ trưởng cơ quan, đơn vị để có sự chỉ đạo thống nhất nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ sắp xếp tổ chức, biên chế do Trung ương Đảng, Quốc hội và Hội đồng bộ trưởng đề ra./.