• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 20/06/1975
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
Số: Số hiệu: 130-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Lào Cai, ngày 20 tháng 6 năm 1975

QUYẾT ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ SỐ 130/CP NGÀY 20 THÁNG 6 NĂM 1975
BỔ SUNG CHÍNH SÁCH, CHẾ ĐỘ ĐÃI NGỘ ĐỐI VỚI CÁN BỘ XÃ

Xã là cấp cơ sở trực tiếp với nhân dân, với sản xuất. Cán bộ xã là những người chịu trách nhiệm lãnh đạo, tổ chức, động viên nhân dân và cùng với nhân dân trong xã thực hiện mọi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ở nông thôn.

Từ trước đến nay, Đảng và Chính phủ đã từng bước kiện toàn cấp xã và chú ý bồi dưỡng nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ xã về mọi mặt, đã ban hành một số chính sách, chế độ đãi ngộ vật chất để tạo điều kiện cho cán bộ xã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Nhưng vì chính sách, chế độ đối với cán bộ xã chưa đầy đủ và việc chấp hành những chính sách chế độ đã ban hành còn có những thiếu sót nên đã ảnh hưởng một phần đến việc đào tạo, nâng cao đội ngũ cán bộ xã.

Chính sách đối với cán bộ xã có liên quan chặt chẽ đến việc định rõ vị trí, chức năng của cấp xã hiện nay, đến chính sách đối với cán bộ hợp tác xã nông nghiệp, Trong khi các cơ quan có trách nhiệm đang nghiên cứu trình Chính phủ xét, giải quyết các vấn đè nói trên, trước mắt, Hội đồng Chính phủ quy định bổ sung một số chính sách, chế độ đối với cán bộ thay cho Quyết định số 137-CP ngày 7-8-1969 của Hội đồng Chính phủ trước đây (còn tạm hoãn thi hành), nhằm từng bước sắp xếp bộ máy của xã được gọn nhẹ, vừa ổn định và chuyên môn hoá được cán bộ, vừa tăng cường được hiệu lực của tổ chức bộ máy, tạo điều kiện cho cán bộ xã hoạt động ngày càng tốt.

I- VỀ CÁN BỘ CHUYÊN TRÁCH, NỬA CHUYÊN TRÁCH,
CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP HÀNG THÁNG VÀ CÁN BỘ Y TẾ XÃ

1- Cán bộ chuyên trách, nửa chuyên trách: quy định chung cho mỗi xã có từ năm đến sáu cán bộ chuyên trách công tác Đảng, công tác chính quyền xã, gồm có:

- Bí thư Đảng uỷ xã chịu trách nhiệm chung đi sâu vào nhiệm vụ hợp tác hoá nông nghiệp.

- Phó Bí thư (hoặc Thường vụ Đảng uỷ xã) thường trực Đảng uỷ kiêm phụ trách tổ chức và văn phòng Đảng uỷ, những xã khối lượng công tác nội bộ Đảng không nhiều, số đảng viên ít thì bố trí cán bộ nửa chuyên trách.

- Chủ tịch Uỷ ban hành chính xã chịu trách nhiệm chung về công tác chính quyền xã, phụ trách công tác đời sống, và kiểm tra đôn đốc các hợp tác xã thực hiện mọi luật pháp, chính sách và nghĩa vụ đối với Nhà nước, kiểm tra việc thực hiện điều lệ của hợp tác xã nông nghiệp;

- Phó Chủ tịch Uỷ ban hành chính xã phụ trách công tác nội chính kiêm trưởng công an xã, công tác tư pháp và công tác pháp chế của xã;

- Uỷ viên thư ký thường trực Uỷ ban hành chính xã phụ trách công tác văn hoá, xã hội, y tế, giáo dục và công tác tuyên huấn của Đảng uỷ;

- Uỷ viên quân sự chuyên trách công tác quân sự.

Những nhiệm vụ khác như: kiểm tra, chính trị viên xã đội, công tác dân vận thì tuỳ theo khả năng, sức khoẻ và tín nhiệm của cán bộ chuyên trách mà phân công kiêm nhiệm cho thích hợp.

Ngoài số cán bộ chuyên trách kể trên, quy định chung cho mỗi xã có từ chín đến mười cán bộ nửa chuyên trách để bảo đảm các công tác sau đây:

- Phó ban tài chính xã kiêm quản lý thị trường (có thể là uỷ viên Uỷ ban hành chính xã). Riêng những xã lớn có nguồn thu ngân sách hàng năm từ 20000 đồng trở lên thì phó ban tài chính xã được bố trí là cán bộ chuyên trách, do Uỷ ban hành chính tỉnh xét và Quyết định;

- Công an phó phụ trách công tác hộ tịch, hộ khẩu, công tác trật tự. trị an;

- Xã đội phó kiêm công tác thể dục, thể thao;

- Cán bộ phụ trách công tác thống kê, kế hoạch, thi đua và kiêm văn phòng Uỷ ban hành chính xã;

- Cán bộ phụ trách công tác thương binh xã hội, công tác gia đình B, C;

- Cán bộ phụ trách công tác giao thông, thuỷ lợi, quản lý lao động, quản lý ruộng đất, quy hoạch nông thôn (có thể là uỷ viên Uỷ ban hành chính xã) những xã đã tổ chức lại sản xuất thống nhất một hợp tác xã nông nghiệp thì công tác giao thông, thuỷ lợi do hợp tác xã đảm nhiệm, các công tác quản lý lao động, quản lý ruộng đất, quy hoạch nông thôn sẽ phân công kiêm nhiệm mà không bố trí cán bộ nửa chuyên trách nữa;

- Cán bộ phụ trách công tác thanh niên;

- Cán bộ phụ trách công tác phụ nữ;

- Công tác mặt trận , xã nào có một hợp tác xã nông nghiệp quy mô toàn xã thì có thể rút bớt số cán bộ chuyên trách và nửa chuyên trách ở những xã lớn có nhiều hợp tác xã, nhiều ngành nghề, tình hình có nhiều khó khăn, phức tạp cũng không được vượt quá số lượng cán bộ chuyên trách, nửa chuyên trách tối đa đã quy định trên đây. ở những xã miền núi có thể phân công kiêm nhiệm để có cán bộ phụ trách lâm nghiệp, thú y hoặc phụ trách thôn, bản xã xôi, hẻo lánh, trường hợp xét thấy thật cần thiết phải có cán bộ người dân tộc ở địa phương phụ trách thôn, bản xa xôi, hẻo lánh thì bố trí thêm một cán bộ nửa chuyên trách do Uỷ ban hành chính đề nghị, Uỷ ban hành chính tỉnh Quyết định.

2- Chế độ phụ cấp hàng tháng: Uỷ ban hành chính tỉnh căn cứ vào tình hình chính trị, kinh tế, số dân, địa dư của từng xã mà Quyết định phân loại: Đối với những xã công việc nhiều tính chất phức tạp, ở đồng bằng và trung du có khoảng 5000 dân trở lên, ở miền núi có khoảng 200 dân trở lên hoặc xã vùng cao, xa xôi hẻo lánh thì có thể quy định là xã loại I, số xã không thuộc loại trên là xã loại II.

Bí thư Đảng uỷ xã, Chủ tịch 1 xã loại I: phụ cấp 20đ, xã loại II: phụ cấp 27đ. Cán bộ chuyên trách khác, xã loại I: phụ cấp 25đ, xã loại II : phụ cấp 22đ. Cán bộ nửa chuyên trách, xã loại I: phụ cấp 15đ, xã loại II: phụ cấp 12đ.

Để bảo đảm tính chất chính quyền cơ sở trực tiếp với dân và sát dân, các Uỷ viên Uỷ ban hành chính xã chuyên trách hoặc nửa chuyên trách, ngoài công việc chung của xã, đồng thời là đại diện Uỷ ban hành chính xã trực tiếp phụ trách các thôn, xóm hoặc liên thôn, liên xóm. Trong trường hợp có uỷ viên Uỷ ban hành chính xã phụ trách các thôn, xóm hoặc liên thôn, bản xa xôi, hẻo lánh ở miền núi không hưởng phụ cấp hàng tháng thì được giảm một nửa nghĩa vụ dân công đối với Nhà nước.

3- Cán bộ y tế xã: quy định cho mỗi xã có từ bốn đến năm cán bộ y tế xã chuyên chăm lo sức khoẻ cho nhân nhân và công tác bảo vệ bà mẹ và trẻ em. Mức phụ cấp hàng tháng cho y sĩ từ 30đ đến 35đ; y tá, dược tá, hộ sinh từ 25đ đến 30đ. Đối với cán bộ đông y thì tuỳ theo trình độ chuyên môn và kết quả công tác mà áp dụng các mức phụ cấp cho phù hợp. Riêng cán bộ đông y có trình độ chuyên môn cao, chữa bệnh nổi tiếng được nhân dân tín nhiệm thì mức phụ cấp có thể cao hơn. Nhưng khoản phụ cấp này tạm thời vẫn do các nguồn thu hiện nay đài thọ (hoa hồng bán thuốc, phúc lợi của hợp tác xã nông nghiệp, nhân dân đóng góp). Các nguồn thu này nộp vào ngân sách xã và chi cho cán bộ y tế xã, nếu thiếu thì ngân sách tỉnh, thành phố trợ cấp. Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Ban tổ chức của Chính phủ nghiên cứu hướng dẫn cụ thể vấn đề này. Chế độ đãi ngộ cán bộ y tế xã vùng cao vẫn áp dụng theo quyết định số 156/CP ngày 7-10-1968 của Hội đồng Chính phủ.

4- Đối với cán bộ chủ chốt của các loại hợp tác xã:

Chính sách, chế độ đối với cán bộ chủ chốt của các loại hợp tác xã và cán bộ trung cấp khoa học, kỹ thuật, quản lý kinh tế của hợp tác xã, hoặc do cấp trên cử về, Ban nông nghiệp của Trung ương Đảng, Uỷ ban Nông nghiệp trung ương cùng với các ngành có liên quan căn cứ vào quyết định này, nghiên cứu hướng dẫn cụ thể nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, bảo đảm mối tương quan giữa các cán bộ ở xã cho hợp lý.

Riêng cán bộ có trình độ đại học thì hiện nay đặt trong mạng lưới cán bộ kỹ thuật của huyện và được hưởng các chế độ như cán bộ trong biên chế Nhà nước.

II- CHẾ ĐỘ ĐÀO TẠO BỒI DƯỠNG CÁN BỘ XÃ VÀ HỢP TÁC XÃ

 

Các cấp, các ngành có trách nhiệm chăm lo nâng cao trình độ chính trị, văn hoá, chuyên môn kỹ thuật, quản lý kinh tế, phổ biến kinh nghiệm thực tế cho cán bộ xã. Cán bộ xã trong thời gian đi học, đi huấn luyện và đi học tập kinh nghiệm thực tế được hưởng các chế độ như sau:

Cán bộ đi học, nếu đã có đủ 3 năm công tác thì được cấp 30đ một tháng, nếu học ngắn hạn 6 tháng trở xuống hưởng 26đ một tháng, chưa đủ 3 năm công tác thì được cấp 22 đồng một tháng. Cán bộ dân tộc ít người được phụ cấp thêm 3đ. Trong thời gian đi học được cấp lương thực như cán bộ trong biên chế Nhà nước làm công tác hành chính (phần lương thực ở nhà sẽ không được hưởng), thực phẩm được cấp như cán bộ thoát lý phiếu E; được cấp tiền tàu xe theo thực chi, nếu lớp học hơn một năm thì được cấp thêm một lần đi, một lần về. Cán bộ thuộc dân tộc ít người có người nhà đến thăm, nếu người nhà không phải là cán bộ, công nhân viên Nhà nước thì mỗi năm được cấp tiền ăn một lần, tối đa 3 người, không quá 3 ngày; mỗi ngày, mỗi người: 0,60đ (lớp dưới 1 năm cũng được cấp 1 lần). Cán bộ nữ có con nhỏ dưới 3 tuổi đem theo được gửi vào nhà trẻ của trường hoặc nhóm trẻ dân lập gần trường, trong thời gian học được trợ cấp giữ trẻ như con cán bộ thoát ly. Về phòng bệnh và chữa bệnh, được hưởng như cán bộ xã đang công tác. Các khoản chi trên do quỹ đào tạo của địa phương đài thọ, nhà trường dự trù kinh phí.

III- CHẾ ĐỘ BẢO VỆ SỨC KHOẺ CHO CÁN BỘ XÃ

 

Các cấp, các ngành cần quan tam hơn nữa đến việc bảo vệ, tăng cường sức khoẻ cho cán bộ xã, hợp tác xã và chỉ đạo các cơ quan y tế của địa phương, các bệnh viện, trạm xã xá thực hiện tốt, đầy đủ các chế độ khám bệnh, điều trị, bồi dưỡng và quản lý sức khoẻ của cán bộ xã.

Những cán bộ xã như Đảng uỷ viên, uỷ viên Uỷ ban hành chính xã, trưởng, phó các ngành, các đoàn thể xã, bí thư chi bộ, chủ nhiệm, Phó chủ nhiệm, kế toán trưởng ... của hợp tác xã nông nghiệp, thủ công nghiệp, tín dụng, mua bán và cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý của hợp tác xã nông nghiệp, cán bộ y tế, bưu điện xã khi ốm đau hoặc sức khoẻ bị giảm sút nhiều được khám bệnh, chữa bệnh, nằm điều trị ở bệnh viện, nơi an dưỡng và được hưởng các chế độ ăn uống, bồi dưỡng, thuốc men và phải trả tiền ăn như cán bộ, công nhân viên Nhà nước. Các khoản chi về viện phí do ngân sách xã, quỹ phúc lợi của hợp tác xã và quỹ của các ngành kinh doanh, sự nghiệp của cấp trên đài thọ, nếu ngân sách xã thiếu thì ngân sách tỉnh, thành phố trợ cấp.

IV- CHẾ ĐỘ GIÚP ĐỠ GIA ĐÌNH CÁN BỘ XÃ GẶP
KHÓ KHĂN TÚNG THIẾU

 

Cán bộ xã và hợp tác xã trong thời gian đi học, vì thiếu lao động, thu nhập thấp, gia định gặp khó khăn, tuy đã lao động đủ mức của hợp tác xã giao mà vẫn thiếu lương thực thì hợp tác xã điều hoà lương thực như cán bộ đang công tác, nếu còn khó khăn, túng thiếu thì thì được xét trợ cấp mỗi năm 2 lần, mỗi lần không quá 60 đồng do ngân sách xã và quỹ phúc lợi của hợp tác xã đài thọ, nếu thiếu thì ngân sách tỉnh, thành phố trợ cấp.

Cán bộ xã và hợp tác xã đang công tác, gia đình gặp khó khăn, túng thiếu sức lao động, ốm đau hoặc do tai nạn bất thường xảy ra thì các cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và huyện có trách nhiệm lãnh đạo xã, hợp tác xã săn sóc, giúp đỡ thiết thực: bố trí những công việc thích hợp với sức khoẻ và hoàn cảnh gia đình của cán bộ, trường hợp cần thiết thì Uỷ ban hành chính xã và hợp tác xã trích quỹ trợ cấp thêm cho gia đình cán bộ xã gặp khó khăn, túng thiếu, nếu Uỷ ban hành chính xã và hợp tác xã không có điều kiện thì Uỷ ban hành chính huyện đề nghị Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố xét trợ cấp. Về tinh thần các các tỉnh, thành phố và huyện cần theo dõi khen thưởng kịp thời những cán bộ xã và hợp tác xã có nhiều thành tích về công tác, về sản xuất và nâng cao đời sóng của nhân dân để động viên cán bộ và phong trào.

V- CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI CÁN BỘ XÃ CÔNG TÁC LÂU NĂM
NAY GIÀ YẾU NGHỈ VIỆC

 

Cán bộ xã có đủ điều kiện sau đây, khi già yếu nghỉ việc được trợ cấp thường xuyên hàng tháng: cán bộ chuyên trách và nửa chuyên trách của xã khi già yếu (nam 55, nữ 50 tuổi) được cấp trên quyết định cho nghỉ việc hoặc bố trí công tác nhẹ hơn mà không có phụ cấp như cán bộ chuyên trách, nửa chuyên trách. nếu có đủ 15 năm công tác giữ các chức vụ trưởng, phó ngành của xã trở lên, trong đó có 5 năm là cán bộ chuyên trách, hoặc nửa chuyển trách (được tính cả thời gian làm chủ nhiệm, phó chủ nhiệm , kế toán trưởng của hợp tác xã nhưng thời gian làm công tác Đảng, chính quyền phải nhiều hơn thời gian làm công tác hợp tác xã). Nếu bị kỷ luật phải thôi giữ chức vụ thì cả thời gian giữ chức vụ ấy không tính. Trường hợp chưa có đủ 15 năm giữ chức vụ trên nhưng có thời gian hoạt động trước cách mạng tháng Tám cộng lại đủ 15 năm cũng được tính để hưởng phụ cấp.

Mức trợ cấp hàng tháng là 12 đồng cho cán bộ chuyên trách và nửa chuyên trách, 15 đồng cho bí thư Đảng uỷ , Chủ tịch Uỷ ban hành chính xã có đủ 15 năm giữ các chức vụ trưởng, phó ngành của xã, trong đó có 5 năm làm bí thư hoặc Chủ tịch. Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xét duyệt và Uỷ ban hành chính xã trực tiếp cấp các khoản chi này thuộc quỹ xã hội, do ngân sách tỉnh, thành phố đài thọ.

Cán bộ xã già yếu nghỉ việc được trợ cấp hàng tháng, khi ốm đau hoặc chết đều được hưởng các chế độ như cán bộ xã cùng chức vụ đang làm việc.

VI- MỘT SỐ CHẾ ĐỘ KHÁC

 

1- Ngoài bí thư Đảng uỷ và Chủ tịch Uỷ ban hành chính xã được miễn dân công, nay quy định giảm một nửa nghĩa vụ dân công đối với Nhà nước cho Phó bí thư hoặc thường vụ, thường trực Đảng, trưởng công an xã, xã đội trưởng, Uỷ viên Uỷ ban hành chính xã đại diện thôn, bản xa xôi, hẻo lánh ở miền núi không hưởng phụ cấp chuyên trách, nửa chuyên trách và chủ nhiệm các hợp tác xã nông nghiệp, thủ công nghiệp để bảo đảm công tác và sản xuất của xã. Cán bộ khác tuỳ theo khối lượng công tác thực tế có thể xem xét giảm một phần số ngày công đóng góp ở xã, hợp tác xã, Bộ Lao động có trách nhiệm nghiên cứu hướng dẫn vấn đề này.

2- Cán bộ chủ chốt của xã, của hợp tác xã tín dụng, mua bán và cán bộ y tế, bưu điện vì phải bảo đảm công tác của xã, tuy gia đình đã cố gắng lao động trong hợp tác xã mà vẫn thiếu lương thực thì hợp tác xã cần điều hoà cho những anh chị em này một số lương thực để bảo đảm theo như mức ăn bình quân trong hợp tác xã. Uỷ ban Nông nghiệp trung ương và Bộ Lương thực và thực phẩm có trách nhiệm nghiên cứu hướng dãn cụ thể vấn đề này.

3- Nữ cán bộ chủ chốt xã, nhất là cán bộ miền núi lên cấp trên họp, không gửi con ở nhà được, phải đem đi theo, được gửi con vào nhà trẻ, trường hợp không gửi được vào nhà trẻ, các cháu nhỏ theo mẹ được tính bằng một nửa suất ăn của đại biểu do hội nghị dự trù và tính theo thực chi.

Quyết định này ban hành có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc củng cố, kiện toàn cấp xã và bồi dưỡng, nâng cao đội ngũ cán bộ xã.

Các cấp, các ngành cần quán triệt đầy đủ, chấp hành nghiêm chỉnh quyết định này và bảo đảm phổ biến quyết định này được sâu rộng tới cán bộ có sở làm cho cán bộ và nhân dan thấy rõ sự quan tâm của Đảng và Chính phủ đối với cấp xã mà thêm hăng hái, phấn khởi thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Các đồng chí Bộ trưởng Phủ Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng ban tổ chức của Chính phủ theo chức năng của mình, hướng dẫn. theo dõi việc thực hiện và báo cáo kết quả lên Hội đồng Chính phủ.

Quyết định này thay chi Quyết định số 137-CP ngày 7-8-1969 trước đây tạm hoãn thi hành và thi hành kể từ ngày ký.

Phó Thủ tướng

(Đã ký)

 

Lê Thanh Nghị

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.