• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/06/2014
  • Ngày hết hiệu lực: 21/03/2016
BỘ CÔNG THƯƠNG-BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Số: 44/2013/TTLT-BCT-BKHCN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Lào Cai, ngày 31 tháng 12 năm 2013

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Quy định về quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu

_____________________

 

Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Nghị định số 20/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 02 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;

Căn cứ Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày 21 tháng 11 năm 2007;

Căn cứ Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật;

Căn cứ Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa;

Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư liên tịch quy định về quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định về quản lý chất lượng đối với thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu để sử dụng trong nước theo mã HS nêu tại Phụ lục I Thông tư này.

Thép xuất khẩu, thép tạm nhập tái xuất, quá cảnh, chuyển khẩu không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này.

2. Thông tư này áp dụng đối với:

a) Các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu và sử dụng thép;

b) Các cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng thép;

c) Các tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định;

d) Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Đánh giá sự phù hợp là việc xác định thép phù hợp với đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý quy định trong tiêu chuẩn tương ứng hoặc quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

2. Chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn (Chứng nhận hợp chuẩn) là việc xác nhận thép phù hợp với tiêu chuẩn tương ứng.

3. Chứng nhận phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật (Chứng nhận hợp quy) là việc xác nhận thép phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

4. Công bố phù hợp với tiêu chuẩn (Công bố hợp chuẩn) là việc tổ chức, cá nhân tự công bố thép phù hợp với tiêu chuẩn tương ứng.

5. Công bố phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật (Công bố hợp quy) là việc tổ chức, cá nhân tự công bố thép phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

6. Công nhận là việc xác nhận phòng thử nghiệm, phòng hiệu chuẩn, tổ chức chứng nhận sự phù hợp, tổ chức giám định có năng lực phù hợp với các tiêu chuẩn tương ứng.

7. Thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tổ chức, cá nhân hoạt động tại Việt Nam chấp nhận kết quả đánh giá sự phù hợp do tổ chức đánh giá sự phù hợp của quốc gia, vùng lãnh thổ khác thực hiện.

8. Tổ chức thử nghiệm là tổ chức kỹ thuật thực hiện việc xác định đặc tính của thép theo một quy trình xác định.

9. Tổ chức đánh giá sự phù hợp là tổ chức tiến hành hoạt động thử nghiệm, giám định, kiểm định, chứng nhận sự phù hợp của thép phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

10. Giám định là việc xem xét sự phù hợp của thép so với hợp đồng hoặc tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng bằng cách quan trắc và đánh giá kết quả đo, thử nghiệm.

11. Lô hàng hóa là tập hợp thép được xác định về số lượng, có cùng tên gọi, mác, nhãn hiệu, kiểu loại, đặc tính kỹ thuật, của cùng một cơ sở sản xuất và thuộc cùng một bộ hồ sơ nhập khẩu.

Chương II

QUY ĐỊNH BẢO ĐẢM CHẤT LƯỢNG THÉP

Điều 3. Điều kiện bảo đảm chất lượng thép sản xuất trong nước

1. Tổ chức, cá nhân sản xuất thép trong nước phải công bố sản phẩm phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng theo quy định tại Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

2. Trường hợp chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN), tổ chức, cá nhân sản xuất thép trong nước có trách nhiệm công bố tiêu chuẩn áp dụng (tiêu chuẩn cơ sở, tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam (TCVN), tiêu chuẩn quốc gia của các nước, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực) cho sản phẩm, hàng hóa.

3. Việc ghi nhãn hàng hóa thực hiện theo quy định tại Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về nhãn hàng hóa, Thông tư số 09/2007/TT-BKHCN ngày 06 tháng 4 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 89/2006/NĐ-CP và Thông tư số 14/2007/TT-BKHCN ngày 25 tháng 7 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc bổ sung Thông tư số 09/2007/TT-BKHCN.

4. Căn cứ đặc thù của từng loại thép, Bộ Công Thương ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quá trình sản xuất. Tổ chức, cá nhân sản xuất thép trong nước có trách nhiệm áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này. Việc chứng nhận hợp quy do tổ chức chứng nhận được chỉ định thực hiện.

Điều 4. Điều kiện bảo đảm chất lượng thép nhập khẩu

1. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu thép phải công bố tiêu chuẩn áp dụng (tiêu chuẩn cơ sở, tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam (TCVN), tiêu chuẩn quốc gia của các nước, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực) cho hàng hóa trong hợp đồng nhập khẩu.

2. Thép nhập khẩu phải được đánh giá sự phù hợp bởi tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định theo quy định tại Điều 5 của Thông tư này.

Điều 5. Chỉ định tổ chức đánh giá sự phù hợp

1. Việc thử nghiệm, giám định, chứng nhận sự phù hợp chất lượng thép sản xuất trong nước, thép nhập khẩu quy định tại Phụ lục I Thông tư này do tổ chức thử nghiệm, tổ chức giám định, tổ chức chứng nhận được chỉ định thực hiện.

2. Bộ Công Thương chỉ định tổ chức thử nghiệm chất lượng thép, cụ thể:

a) Đối với tổ chức thử nghiệm trong nước: Trình tự, thủ tục chỉ định được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 09/2009/TT-BKHCN ngày 08 tháng 4 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn về yêu cầu, trình tự, thủ tục chỉ định tổ chức đánh giá sự phù hợp và Thông tư số 11/2011/TT-BKHCN ngày 30 tháng 6 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư số 09/2009/TT-BKHCN;

b) Đối với tổ chức thử nghiệm nước ngoài: Thực hiện đánh giá năng lực thử nghiệm thực tế của tổ chức thử nghiệm tại nước ngoài theo trình tự, thủ tục quy định tại Thông tư số 26/2013/TT-BKHCN ngày 15 tháng 11 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (Thông tư số 26/2013/TT-BKHCN) hoặc thực hiện thừa nhận kết quả thử nghiệm của tổ chức thử nghiệm tại nước ngoài căn cứ trên Hiệp định hoặc Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp.

3. Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ định tổ chức giám định, tổ chức chứng nhận chất lượng thép. Yêu cầu, trình tự, thủ tục chỉ định tổ chức giám định, tổ chức chứng nhận được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 09/2009/TT-BKHCN ngày 08 tháng 4 năm 2009 và Thông tư số 11/2011/TT-BKHCN ngày 30 tháng 6 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư số 09/2009/TT-BKHCN.

4. Yêu cầu đối với tổ chức thử nghiệm được chỉ định

a) Đối với tổ chức thử nghiệm trong nước:

- Đã đăng ký lĩnh vực hoạt động thử nghiệm theo quy định tại Thông tư số 08/2009/TT-BKHCN ngày 08 tháng 4 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn về yêu cầu, trình tự, thủ tục đăng ký lĩnh vực hoạt động đánh giá sự phù hợp, Thông tư số 10/2011/TT-BKHCN ngày 30 tháng 6 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư 08/2009/TT-BKHCN;

- Xây dựng, áp dụng và duy trì hiệu lực hệ thống quản lý chất lượng đối với phòng thử nghiệm theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO/IEC 17025:2007 hoặc tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 17025:2005;

b) Đối với tổ chức thử nghiệm nước ngoài: Đáp ứng các yêu cầu quy định tại Điều 6 Thông tư số 26/2013/TT-BKHCN. '

Chương III

KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ SỰ PHÙ HỢP CHẤT LƯỢNG THÉP

Điều 6. Trình tự, thủ tục và nội dung kiểm tra, đánh giá sự phù hợp chất lượng thép

1. Việc kiểm tra, đánh giá sự phù hợp chất lượng thép sản xuất trong nước được thực hiện theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa và theo các nội dung tại Điều 3 Thông tư này.

2. Việc kiểm tra, đánh giá sự phù hợp chất lượng thép nhập khẩu được thực hiện theo hình thức kiểm tra tại nguồn hoặc đánh giá sự phù hợp theo lô hàng hóa.

3. Phương thức, nội dung kiểm tra chất lượng thép nhập khẩu tại nguồn.

a) Việc kiểm tra chất lượng thép nhập khẩu tại nguồn (tại nước xuất khẩu) do Bộ Công Thương chủ trì. Bộ Công Thương thành lập đoàn kiểm tra có thành phần gồm: đại diện của Bộ Công Thương (02 người), Bộ Khoa học và Công nghệ (01 người), tổ chức đánh giá sự phù hợp (01 người). Sau khi kiểm tra, đoàn kiểm tra có trách nhiệm báo cáo kết quả kiểm tra chất lượng thép nhập khẩu về Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) để làm căn cứ xem xét, quyết định việc miễn, giảm kiểm tra trong thời hạn 03 năm. Trong thời gian còn hiệu lực của quyết định miễn, giảm kiểm tra, sẽ tiến hành kiểm tra xác suất theo lô hàng hóa.

Chi phí cho việc kiểm tra tại nguồn do tổ chức, cá nhân nhập khẩu thép chi trả; mức chi được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 102/2012/TT- BTC ngày 21 tháng 6 năm 2012 của Bộ Tài chính;

b) Cơ quan Hải quan căn cứ vào quyết định miễn, giảm kiểm tra chất lượng thép của Bộ Công Thương để làm thủ tục thông quan. Đối với thép quy định tại Phụ lục II Thông tư này, tổ chức, cá nhân nhập khẩu thép phải bổ sung thêm giấy tờ sau:

- Bản đăng ký mục tiêu, năng lực sản xuất có xác nhận của Bộ Công Thương (Trường hợp tổ chức, cá nhân nhập khẩu thép đồng thời là người sử dụng thép). Trình tự, thủ tục xác nhận năng lực, mục tiêu sử dụng thép được quy định tại Phụ lục II Thông tư này.

- Hợp đồng mua bán hoặc ủy quyền nhập khẩu với người sử dụng (Trường hợp tổ chức, cá nhân nhập khẩu thép không phải là người sử dụng thép).

4. Phương thức, nội dung đánh giá sự phù hợp chất lượng thép nhập khẩu theo lô hàng hóa

a) Hồ sơ đánh giá sự phù hợp đối với thép nhập khẩu bao gồm:

- Giấy đăng ký đánh giá sự phù hợp chất lượng thép nhập khẩu: 01 bản (theo mẫu quy định tại Phụ lục III Thông tư này);

- Hợp đồng nhập khẩu hàng hóa (Contract): 01 bản (có đóng dấu sao y bản chính của tổ chức, cá nhân);

- Hóa đơn (Invoice): 01 bản (có đóng dấu sao y bản chính của tổ chức, cá nhân);

- Vận đơn (Bill of Lading): 01 bản (có đóng dấu sao y bản chính của tổ chức, cá nhân);

- Danh mục hàng hóa kèm theo (Packing list): 01 bản (có đóng dấu sao y bản chính của tổ chức, cá nhân);

- Tờ khai hàng hóa nhập khẩu: 01 bản (có đóng dấu sao y bản chính của tổ chức, cá nhân);

- Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O - Certificate of Origin) (nếu có): 01 bản (có đóng dấu sao y bản chính của tổ chức, cá nhân);

- Ảnh hoặc bản mô tả hàng hóa; mẫu nhãn hàng nhập khẩu đã được gắn dấu hợp quy (nếu có) và nhãn phụ (nếu nhãn chính chưa đủ nội dung theo quy định): 01 bản (có đóng dấu sao y bản chính của tổ chức, cá nhân);

- Phiếu kết quả thử nghiệm của tổ chức thử nghiệm nước ngoài được thừa nhận hoặc chỉ định (nếu có).

b) Trường hợp đã có kết quả thử nghiệm phù hợp tiêu chuẩn công bố áp dụng của tổ chức thử nghiệm nước ngoài được thừa nhận hoặc được Bộ Công Thương chỉ định thì tổ chức giám định hoặc tổ chức chứng nhận được chỉ định thực hiện kiểm tra hồ sơ đăng ký của tổ chức, cá nhân nhập khẩu thép và cấp chứng thư giám định hoặc giấy chứng nhận cho lô hàng;

c) Trường hợp chưa có kết quả thử nghiệm của tổ chức thử nghiệm nước ngoài được thừa nhận hoặc được Bộ Công Thương chỉ định thì tổ chức giám định hoặc tổ chức chứng nhận được chỉ định thực hiện kiểm tra hồ sơ đăng ký của tổ chức, cá nhân nhập khẩu thép, lấy mẫu của lô hàng để thử nghiệm theo tiêu chuẩn công bố áp dụng tương ứng tại tổ chức thử nghiệm do Bộ Công Thương chỉ định. Đối với một số loại thép như thép cuộn, tấm dầy, thép hình..., tổ chức, cá nhân nhập khẩu thép phải ghi rõ trong hợp đồng mua bán với nhà sản xuất về việc có một phần thép dư đủ để lấy mẫu thử nghiệm:

- Nếu kết quả thử nghiệm phù hợp, tổ chức giám định cấp chứng thư giám định cho lô hàng hoặc tổ chức chứng nhận cấp giấy chứng nhận cho lô hàng.

- Nếu kết quả thử nghiệm không phù hợp, tổ chức giám định hoặc tổ chức chứng nhận cấp thông báo lô hàng không phù hợp tiêu chuẩn công bố áp dụng tương ứng theo mẫu quy định Phụ lục IV Thông tư này;

d) Cơ quan Hải quan căn cứ vào chứng thư giám định hoặc giấy chứng nhận lô hàng để làm thủ tục thông quan. Đối với thép quy định tại Phụ lục II Thông tư này phải bổ sung thêm giấy tờ sau:

- Bản đăng ký mục tiêu, năng lực sản xuất có xác nhận của Bộ Công Thương (Trường hợp tổ chức, cá nhân nhập khẩu thép đồng thời là người sử dụng thép).

- Hợp đồng mua bán hoặc ủy quyền nhập khẩu với người sử dụng (Trường hợp tổ chức, cá nhân nhập khẩu thép không phải là người sử dụng thép).

Điều 7. Quy định về miễn, giảm kiểm tra chất lượng thép

1. Đối với sản phẩm thép do cùng một người sản xuất với khối lượng lần sau không vượt quá trung bình của 3 lần nhập khẩu trước thì sau 3 lần kiểm tra chất lượng liên tiếp, nếu đạt yêu cầu thì được miễn, giảm kiểm tra và chỉ thực hiện kiểm tra xác suất. Nếu lô hàng không đảm bảo chất lượng thì tiến hành kiểm tra theo trình tự, thủ tục quy định. Hồ sơ đề nghị miễn, giảm kiểm tra chất lượng thép nhập khẩu gửi về Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), gồm:

a) Đơn đề nghị miễn, giảm kiểm tra chất lượng;

b) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh: 01 bản (có đóng dấu sao y bản chính của tổ chức, cá nhân);

c) Hợp đồng nhập khẩu hàng hóa: 01 bản (có đóng dấu sao y bản chính của tổ chức, cá nhân);

d) Vận đơn (3 lần nhập khẩu trước): 03 bản (có đóng dấu sao y bản chính của tổ chức, cá nhân);

đ) Chứng chỉ chất lượng: 01 bản (có đóng dấu sao y bản chính của tổ chức, cá nhân).

2. Trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Bộ Công Thương sẽ xem xét, trả lời việc miễn, giảm kiểm tra chất lượng thép nhập khẩu.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8. Trách nhiệm của Bộ Công Thương

1. Chỉ định, kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức thử nghiệm chất lượng thép.

2. Lập kế hoạch kiểm tra hằng năm về chất lượng thép sản xuất trong nước (kể cả thép làm cốt bê tông) và thép nhập khẩu.

3. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thành lập đoàn kiểm tra chất lượng thép nhập khẩu tại nguồn.

4. Chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức thử nghiệm được chỉ định.

5. Sửa đổi, bổ sung Danh mục các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật tại Phụ lục I và Danh mục các loại thép phải đăng ký năng lực sản xuất, nhu cầu và mục tiêu sử dụng thép tại Phụ lục II của Thông tư này.

6. Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân lập hồ sơ đề nghị miễn, giảm kiểm tra chất lượng thép nhập khẩu.

Điều 9. Trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ

1. Chỉ định, kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức chứng nhận, tổ chức giám định chất lượng thép.

2. Phối hợp với Bộ Công Thương kiểm tra chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu.

3. Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức chứng nhận, tổ chức giám định do Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ định.

Điều 10. Trách nhiệm của cơ quan Hải quan

1. Cơ quan Hải quan chỉ thông quan khi tổ chức, cá nhân nhập khẩu cung cấp đầy đủ hồ sơ theo quy định tại điểm b khoản 3 và điểm d khoản 4 Điều 6 Thông tư này.

2. Tổng cục Hải quan có trách nhiệm giám sát, thống kê tình hình nhập khẩu thép thuộc Danh mục quy định tại Phụ lục II Thông tư này và hàng quý, gửi báo cáo về Bộ Công Thương.

Điều 11. Trách nhiệm của các Sở Công Thương

1. Tiếp nhận bản đăng ký công bố hợp quy đối với thép (trừ thép làm cốt bê tông).

2. Chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ quản lý chất lượng thép trên địa bàn tỉnh.

Điều 12. Trách nhiệm của các Sở Khoa học và Công nghệ

1. Tiếp nhận bản đăng ký công bố hợp quy đối với thép làm cốt bê tông.

2. Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương quản lý chất lượng thép làm cốt bê tông trên địa bàn tỉnh.

Điều 13. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu và sử dụng thép

1. Tổ chức, cá nhân sản xuất thép trong nước, tổ chức, cá nhân nhập khẩu thép có trách nhiệm kê khai, đăng ký hồ sơ sản xuất, nhập khẩu thép theo các quy định nêu trong Thông tư này.

2. Tổ chức, cá nhân sử dụng các loại thép được quy định tại Phụ lục II Thông tư này (Phụ lục này có thể sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu quản lý), hàng năm phải đăng ký xác nhận năng lực sản xuất, nhu cầu và mục tiêu sử dụng thép làm nguyên liệu để sản xuất với Bộ Công Thương (Vụ Công nghiệp nặng) theo mẫu quy định tại Phụ lục II Thông tư này.

3. Tổ chức, cá nhân sử dụng các loại thép nhập khẩu quy định tại Phụ lục II của Thông tư này chỉ được phép nhập khẩu hoặc ủy quyền nhập khẩu với lượng thép nhập khẩu không vượt quá 150% nhu cầu sử dụng trong 01 năm mà Bộ Công Thương đã xác nhận. Hàng năm, trước ngày 20 tháng 01 năm sau hoặc đột xuất theo yêu cầu, tổ chức, cá nhân sử dụng thép nhập khẩu phải báo cáo Bộ Công Thương về tình hình sử dụng thép nhập khẩu.

Điều 14. Trách nhiệm của tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định

1. Thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và quy định của pháp luật liên quan.

Đối với tổ chức thử nghiệm được chỉ định, trong thời hạn hiệu lực của quyết định chỉ định, phải tham gia chương trình thử nghiệm thành thạo, so sánh liên phòng một lần.

2. Thông báo cho cơ quan ra quyết định chỉ định về mọi thay đổi có ảnh hưởng tới năng lực hoạt động thử nghiệm, giám định, chứng nhận đã đăng ký trong thời hạn mười lăm ngày (15) ngày, kể từ ngày có sự thay đổi.

3. Tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo kết quả đánh giá sự phù hợp định kỳ hàng quý, 6 tháng (trước ngày 15 tháng 7), hàng năm (trước ngày 15 tháng 01 năm sau) hoặc đột xuất theo yêu cầu. Báo cáo gửi về Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) và Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường và Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ).

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 15. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2014.

Điều 16. Trách nhiệm thi hành

1. Các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, sử dụng thép; các cơ quan quản lý chất lượng thép; các tổ chức chứng nhận, tổ chức thử nghiệm, tổ chức giám định được chỉ định và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

2. Trường hợp các tiêu chuẩn, văn bản quy phạm pháp luật được viện dẫn trong Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo văn bản mới.

3. Trong quá trình triển khai, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ để có hướng dẫn sửa đổi, bổ sung./.

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Công Thương
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Khoa học và Công nghệ
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Lê Dương Quang

Trần Việt Thanh

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.