Sign In

THÔNG TƯ­­

Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 170/2003/NĐ-CP

ngày 25 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết

thi hành một số điều của Pháp lệnh Giá

 

Căn cứ Pháp lệnh Giá số 40/2002/PL-UBTVQH10 ngày 26 tháng 4 năm 2002;

Căn cứ Nghị định số 170/2003/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giá,

Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 170/2003/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giá như sau:

 

A. PHẠM VI ÁP DỤNG

Thông tư này hướng dẫn hàng hoá, dịch vụ thực hiện bình ổn giá; quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc lập, trình, thẩm định phương án giá và quyết định giá; hồ sơ phương án giá và nội dung phương án giá; hồ sơ và thủ tục hiệp thương giá; tài sản của Nhà nước phải thẩm định giá và hoạt động thẩm định giá.

B. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

I. HÀNG HOÁ, DỊCH VỤ THỰC HIỆN BÌNH ỔN GIÁ

1. Giá  hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục thực hiện bình ổn được xác định là biến động bất thường theo quy định tại các Điều 2, 3, 4, 5, và 6  Nghị định số 170/2003/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giá  với các điều kiện cụ thể: 

1.1. Xăng, dầu: Trong thời gian tối thiểu 30 ngày liên tục, giá vốn bình quân của xăng (A90, A92), diezen, mazut, dầu hỏa cao hơn từ 5 % trở lên so với giá bán ra do doanh nghiệp tự quyết định tối đa theo cơ chế quản lý xăng, dầu của Thủ tướng Chính phủ.

1.2. Khí hoá lỏng: Trong thời gian tối thiểu 60 ngày liên tục, giá bán lẻ tăng từ 30% trở lên so với giá thị trường trước khi có biến động.

1.3 Xi măng, thép xây dựng: Trong thời gian tối thiểu 30 ngày liên tục, giá bán lẻ tăng từ 15% trở lên so với giá thị trường trước khi có biến động.

1.4. Phân urê: Trong thời gian tối thiểu 30 ngày liên tục, giá bán lẻ 1 kg urê vượt giá bán lẻ 2 kg thóc tại cùng thời điểm, cùng khu vực trước khi có biến động.

1.5. Thóc (lúa): Trong thời gian tối thiểu 30 ngày liên tục giá mua giảm ít nhất 15% so với giá thị trường trước khi có biến động.

1.6. Gạo tẻ thường: Trong thời gian tối thiểu 30 ngày liên tục, giá bán lẻ tăng từ 25% trở lên so với giá thị trường trước khi có biến động.

1.7. Cà phê nhân, bông hạt, mía cây nguyên liệu, muối: Trong thời gian tối thiểu 30 ngày liên tục, giá mua giảm ít nhất 20%  so với giá thị trường trước khi có biến động.     

1.8. Bông xơ: Trong thời gian tối thiểu 30 ngày liên tục, giá mua tăng từ 30% trở lên so với giá thị trường trước khi có biến động.   

1.9. Một số loại thuốc phòng và chữa bệnh cho người thực hiện theo Nghị định của Chính phủ “Về quản lý giá thuốc phòng, chữa bệnh cho người” và các văn bản hướng dẫn có liên quan.

1.10. Dịch vụ: Giá cước dịch vụ vận chuyển hành khách bằng đường sắt trong thời gian tối thiểu 30 ngày liên tục, tăng từ 20% trở lên so với giá quy định trước đó.

2. Khi giá hàng hoá, dịch vụ biến động bất thường theo quy định tại Khoản 1 Mục I Thông tư này thì Bộ Tài chính, Cục Quản lý giá, Sở Tài chính trình cấp có thẩm quyền quyết định và công bố áp dụng các biện pháp bình ổn giá theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 170/2003/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giá.

II. QUYỀN HẠN, TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ TRONG VIỆC LẬP, TRÌNH, THẨM ĐỊNH PHƯƠNG ÁN GIÁ VÀ QUYẾT ĐỊNH GIÁ

1. Tài sản, hàng hoá, dịch vụ thuộc thẩm quyền quyết định giá của   Chính phủ:

1.1. Khung giá các loại đất do Bộ Tài chính lập phương án giá và trình Chính phủ quyết định, sau khi có ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ có liên quan và Uỷ ban nhân dân  tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh).

1.2. Khung giá cho thuê đất có mặt nước và khung giá để thu tiền sử dụng đất có mặt nước do Bộ Tài chính lập phương án giá và trình Chính phủ quyết định, sau khi có ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ có liên quan và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.

1.3. Khung giá hoặc giá chuẩn nhà ở thuộc sở hữu nhà nước để bán, cho thuê do Bộ Xây dựng lập phương án giá và trình Chính phủ quyết định, sau khi có ý kiến của các Bộ có liên quan, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và ý kiến thẩm định bằng văn bản của Bộ Tài chính.

2. Tài sản, hàng hoá, dịch vụ thuộc thẩm quyền quyết định giá của  Thủ tướng Chính phủ:

2.1.  Giá bán hoặc giá cho thuê tài sản của Nhà nước là công trình  kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng không qua hình thức đấu thầu, đấu giá do các đơn vị có tài sản lập phương án giá để Bộ quản lý tài sản xem xét và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định, sau khi có ý kiến của các Bộ có liên quan và ý kiến thẩm định bằng văn bản của Bộ Tài chính.

2.2.  Giá nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cho thuê hoặc bán cho các đối tượng tái định cư, đối tượng chính sách do Bộ Xây dựng lập phương án giá và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định, sau khi có ý kiến của các Bộ có liên quan, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và ý kiến thẩm định bằng văn bản của Bộ Tài chính.

2.3.  Giá chuẩn bán điện cho các đối tượng sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và cho nông thôn theo các cấp điện áp do Tổng công ty Điện lực Việt Nam lập phương án giá để Bộ Công nghiệp xem xét và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định, sau khi có ý kiến của các Bộ có liên quan và ý kiến thẩm định bằng văn bản của Bộ Tài chính.

2.4. Giá cước hoặc khung giá cước dịch vụ vận chuyển thư thường trong nước có khối lượng đến 20 gram; giá cước hoặc khung giá cước thuê bao điện thoại và liên lạc điện thoại nội hạt tại nhà thuê bao do các đơn vị cung ứng dịch vụ lập phương án giá để Bộ Bưu chính, Viễn thông xem xét và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định, sau khi có ý kiến thẩm định bằng văn bản của Bộ Tài chính.

2.5. Giá bán báo Nhân dân do Bộ Biên tập báo Nhân dân lập phương án giá, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định, sau khi có ý kiến của các Bộ, cơ quan có liên quan và ý kiến thẩm định bằng văn bản của Bộ Tài chính.

3. Tài sản, hàng hoá, dịch vụ thuộc thẩm quyền quyết định giá của Bộ trưởng Bộ Tài chính:

3.1. Giá bán hoặc giá cho thuê tài sản của Nhà nước là công trình kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng không qua hình thức đấu thầu, đấu giá theo uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ do các đơn vị có tài sản lập, trình phương án giá để Bộ quản lý tài sản xem xét và đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định, sau khi có ý kiến của các Bộ có liên quan.

3.2. Giá mua vào, bán ra hàng dự trữ quốc gia do Cục Dự trữ Quốc gia lập phương án giá, Cục Quản lý Giá thẩm định và  trình Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định.

Đối với hàng dự trữ quốc gia do các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực quản lý thì đơn vị được chỉ định quản lý hàng dự trữ quốc gia lập, trình phương án giá, Cục Quản lý Giá thẩm định và  trình Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định, sau khi có ý kiến của Bộ quản lý ngành và Cục Dự  trữ  Quốc gia.

3.3. Hàng hoá, dịch vụ sản xuất theo đặt hàng của Nhà nước không qua hình thức đấu thầu, đấu giá thực hiện theo Thông tư số 05/2004/TT-BTC ngày 30 tháng 01 năm 2004 của Bộ Tài chính “Hướng dẫn quản lý giá hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước đặt hàng thanh toán bằng nguồn ngân sách nhà nước”.

3.4. Giá cước vận chuyển hành khách bằng máy bay tuyến Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh do Cục Hàng không Việt Nam lập, trình phương án giá để Bộ Giao thông Vận tải xem xét và đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định, sau khi có ý kiến của các Bộ có liên quan.

3.5. Giá xăng, dầu do Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam lập, trình phương án giá để Bộ Thương mại xem xét và đề nghị  Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định giá định hướng, sau khi có ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu quyết định giá bán trên cơ sở giá định hướng và theo đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế quản lý, kinh doanh xăng dầu.

3.6. Khung giá bán nước sạch cho sinh hoạt do Cục Quản lý Giá lập phương án giá, trình Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định, sau khi có ý kiến của Bộ Xây dựng và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.

3.7. Căn cứ vào khung giá đất của Chính phủ, Bộ Tài chính hướng dẫn Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giá  đất cụ thể tại địa phương.

3.8. Căn cứ vào khung giá cho thuê đất có mặt nước và khung giá để thu tiền sử dụng đất có mặt nước của Chính phủ, Bộ Tài chính hướng dẫn Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.

3.9. Khung giá bán lẻ một số loại thuốc thiết yếu phòng và chữa bệnh cho người do Bộ Y tế hướng dẫn Tổng công ty dược và một số đơn vị sản xuất, kinh doanh thuốc (chiếm thị phần lớn) lập, trình phương án giá để Bộ Y tế xem xét và đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định, sau khi có ý kiến của các Bộ có liên quan.

Cục Quản lý Giá có trách nhiệm thẩm định phương án giá hàng hóa, dịch vụ theo quy định tại Điểm 3.4, 3.5 và 3.9  Khoản 3 Mục II phần B Thông tư này để trình Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định.

4. Tài sản, hàng hoá, dịch vụ thuộc thẩm quyền quyết định giá của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp:

Căn cứ vào giá chuẩn bán điện của Thủ tướng Chính phủ, Tổng công ty Điện lực Việt Nam trình Bộ trưởng Bộ Công nghiệp quyết định giá bán điện cụ thể cho từng đối tượng tiêu dùng trong mạng lưới điện quốc gia, sau khi có ý kiến bằng văn bản của Bộ Tài chính.  

5. Tài sản, hàng hoá, dịch vụ thuộc thẩm quyền quyết định giá của Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông:

5.1. Căn cứ giá cước, khung giá cước dịch vụ vận chuyển thư thường trong nước có khối lượng đến 20 gram; giá cước hoặc khung giá cước thuê bao điện thoại và liên lạc điện thoại nội hạt tại nhà thuê bao do Thủ tướng Chính phủ quyết định, các đơn vị cung ứng dịch vụ liên quan trình Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông quyết định giá cước cụ thể, sau khi có ý kiến bằng văn bản của Bộ Tài chính.

5.2. Giá cước các dịch vụ bưu chính công ích, dịch vụ bưu chính dành riêng; giá cước dịch vụ viễn thông công ích do đơn vị cung ứng dịch vụ trình, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải quyết định, sau khi có ý kiến bằng văn bản của Bộ Tài chính. 

5.3. Khung giá cước điện thoại đường dài trong nước và quốc tế; khung giá cước thuê kênh viễn thông quốc tế, liên tỉnh, nội tỉnh, nội hạt; khung giá các dịch vụ bưu chính, viễn thông khác do đơn vị cung ứng dịch vụ trình Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông quyết định theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

5.4. Đối với các dịch vụ bưu chính, viễn thông khác được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 217/2003/QĐ-TTCP ngày 27 tháng 10 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý giá cước dịch vụ bưu chính, viễn thông.

6. Tài sản, hàng hoá, dịch vụ thuộc thẩm quyền quyết định giá của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh: 

6.1. Giá cước vận chuyển hành khách bằng xe buýt trong thành phố, thị xã, khu công nghiệp do Sở Giao thông Công chính hướng dẫn các đơn vị vận chuyển bằng xe buýt của tỉnh lập phương án giá để Sở Giao thông Công chính xem xét trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định, sau khi có ý kiến của các cơ quan liên quan và ý kiến thẩm định bằng văn bản của Sở Tài chính.

6.2. Giá bán báo của cơ quan Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do Ban biên tập báo lập phương án giá, trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định, sau khi có ý kiến của các cơ quan liên quan và ý kiến thẩm định bằng văn bản của Sở Tài chính.

6.3. Giá  đất cụ thể tại địa phương, Sở Tài chính căn cứ vào nguyên tắc, phương pháp xác định giá đất và khung giá các loại đất do Chính phủ quyết định và hướng dẫn của Bộ Tài chính để lập phương án giá, trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân cùng cấp trước khi quyết định.

Giá đất được sử dụng làm căn cứ để:

Tính thuế sử dụng đất, thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất,

Tính tiền sử dụng đất và tiền  thuê đất khi giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất;

Tính giá trị quyền sử dụng đất khi giao đất không thu tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ;

Bồi thường khi nhà nước thu hồi đất;

Tính tiền bồi thường đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai mà gây thiệt hại cho nhà nước;

6.4. Giá cho thuê đất có mặt nước và giá để thu tiền sử dụng đất có mặt nước tại địa phương, Sở Tài chính căn cứ vào khung giá do Chính phủ quyết định và hướng dẫn của Bộ Tài chính để lập phương án giá, trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định, sau khi có ý kiến của Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan có liên quan.

6.5. Giá bán hoặc giá cho thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cho các đối tượng tái định cư, đối tượng chính sách; giá bán hoặc giá cho thuê nhà thuộc sở hữu nhà nước để làm việc hoặc sử dụng vào mục đích khác do Sở Xây dựng căn cứ vào khung giá hoặc giá chuẩn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để lập phương án giá trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định, sau khi có ý kiến của các cơ quan có liên quan và ý kiến thẩm định bằng văn bản của Sở Tài chính.

6.6. Giá bán điện đối với nguồn điện do địa phương quản lý không thuộc mạng lưới điện quốc gia do đơn vị quản lý nguồn điện lập phương án giá trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định, sau khi có ý kiến của các Sở, cơ quan có liên quan và ý kiến thẩm định bằng văn bản của Sở Tài chính.

6.7. Mức trợ giá, trợ cước vận chuyển hàng hoá thuộc danh mục được trợ giá, trợ cước vận chuyển chi từ ngân sách địa phương và trung ương và mức giá hoặc khung giá bán lẻ hàng hoá được trợ giá, trợ cước vận chuyển do đơn vị kinh doanh ngành, lĩnh vực lập phương án giá; Sở Tài chính thẩm định, trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định, sau khi có ý kiến của Sở quản lý ngành hàng, các cơ quan có liên quan.

6.8. Giá bán nước sạch cho sinh hoạt do đơn vị sản xuất kinh doanh nước sạch căn cứ vào khung giá và hướng dẫn của Bộ Tài chính để lập phương án giá. Sở Tài chính thẩm định và trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định sau khi có ý kiến của Sở quản lý chuyên ngành và các cơ quan có liên quan.

6.9. Giá hàng hoá, dịch vụ sản xuất theo đặt hàng của tỉnh thuộc ngân sách địa phương không qua hình thức đấu thầu, đấu giá thực hiện theo quy định tại Thông tư số 05/2004/TT-BTC ngày 30 tháng 1 năm 2004 của Bộ Tài chính “Hướng dẫn  quản lý giá đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước đặt hàng thanh toán bằng nguồn ngân sách nhà nước”.

Ngoài những tài sản, hàng hoá, dịch vụ quy định tại Khoản 6 Mục II phần B Thông tư này, trường hợp cần thiết Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xem xét đề nghị Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ giao Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giá một số loại hàng hoá, dịch vụ quan trọng khác có tác động đến phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương nhằm bình ổn giá, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, của người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước.

III. HỒ SƠ PHƯƠNG ÁN GIÁ VÀ NỘI DUNG GIẢI TRÌNH PHƯƠNG ÁN GIÁ

1. Hồ sơ phương án định giá hoặc điều chỉnh giá (sau đây gọi chung là hồ sơ phương án giá) bao gồm:

1.1. Công văn đề nghị cơ quan có thẩm quyền định giá, điều chỉnh giá.

1.2. Bản giải trình phương án giá.

1.3.Văn bản tổng hợp ý kiến tham gia của các cơ quan liên quan (kèm theo bản sao ý kiến của các cơ quan).

1.4. Văn bản thẩm định phương án giá của các cơ quan có chức năng thẩm định. 

1.5.  Các tài liệu liên quan khác.

2. Nội dung bản giải trình phương án giá bao gồm:

2.1. Sự cần thiết phải định giá hoặc điều chỉnh giá; tình hình sản xuất, kinh doanh của hàng hoá, dịch vụ cần định giá hoặc điều chỉnh giá.

2.2. Bản tính toán giá thành, giá bán sản phẩm hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định giá phải tuân thủ theo Quy chế tính giá do Bộ Tài chính quy định.

2.3. Tác động của mức giá mới đối với hoạt động của các tổ chức sản xuất, kinh doanh khác, đến ngân sách nhà nước, tác động đến đời sống, xã hội, thu nhập của người tiêu dùng.

2.4. Các biện pháp tổ chức triển khai thực hiện mức giá mới.

Hồ sơ phương án giá thực hiện theo mẫu thống nhất tại phụ lục số 1 kèm theo Thông tư này.

3. Hồ sơ phương án giá gửi cơ quan thẩm định gồm các hồ sơ quy định tại các điểm 1.1, 1.2, 1.3, 1.5, 2.1, 2.2, 2.3, 2.4. Hồ sơ phương án giá gửi cơ quan có thẩm quyền quyết định giá còn bao gồm thêm văn bản thẩm định phương án giá quy định tại Điểm 1.4 Mục III phần B Thông tư này.

IV. HỒ SƠ VÀ THỦ TỤC HIỆP THƯƠNG GIÁ

1. Hồ sơ hiệp thương giá gồm:

1.1. Văn bản đề nghị của bên mua hoặc bên bán gửi cơ quan có thẩm quyền tổ chức hiệp thương giá;

1.2. Phương án giá hiệp thương với nội dung:

a) Sự cần thiết (lý do) phải hiệp thương giá;

b) Bản tính giá hàng hoá, dịch vụ yêu cầu hiệp thương:

Tình hình sản xuất - tiêu thụ, cung - cầu của hàng hoá, dịch vụ;

Phân tích mức giá đề nghị hiệp thương:

Nếu bên bán kiến nghị tổ chức hiệp thương giá thì phải phân tích giá thành sản xuất và các yếu tố ảnh hưởng đến chi phí sản xuất của hàng hoá, dịch vụ (đối với hàng hoá, dịch vụ sản xuất trong nước); giá thị trường thế giới, giá nhập, các chi phí nhập khẩu, thuế, các chi phí lưu thông cần thiết và các yếu tố khác ảnh hưởng đến giá của hàng hóa (đối với hàng hoá nhập khẩu).

Nếu bên mua kiến nghị tổ chức hiệp thương giá thì phải phân tích mức giá dự kiến điều chỉnh của bên bán ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của bên mua và các đối tác khác có liên quan, phân tích  ảnh hưởng đến giá thành sản xuất và giá bán của sản phẩm đầu ra.

Những vấn đề mà hai bên mua, bán chưa thống nhất, lập luận của các bên về sự chưa thống nhất đó.

Đánh giá tác động ảnh hưởng của mức giá mới đối với khả năng chấp nhận của tổ chức sản xuất, kinh doanh khác.

Các kiến nghị khác (nếu có).

Hồ sơ hiệp thương giá thực hiện theo mẫu thống nhất tại phụ lục số 2 kèm theo Thông tư này.

Hồ sơ hiệp thương giá phải gửi cho cơ quan có thẩm quyền tổ chức hiệp thương giá ít nhất 3 bộ và đồng gửi cho bên đối tác mua (hoặc bán).

2. Thủ tục hiệp thương giá.

2.1. Thành phần tham gia tổ chức hiệp thương giá hàng hoá, dịch vụ do cơ quan có thẩm quyền tổ chức hiệp thương giá (Bộ Tài chính hoặc Sở Tài chính) quyết định.

2.2. Trình tự  hiệp thương giá:

Tổ chức, cá nhân đề nghị hiệp thương giá phải lập và gửi hồ sơ hiệp thương giá (quy định tại Khoản 1 Mục I phần B Thông tư này) đến cơ quan tổ chức hiệp thương giá (Bộ Tài chính hoặc Sở Tài chính). Trong trường hợp hiệp thương giá được thực hiện theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thì doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ phải hiệp thương giá có trách nhiệm lập hồ sơ hiệp thương giá.

Tổ chức, cá nhân đề nghị hiệp thương giá có quyền rút lại hồ sơ hiệp thương giá, tự thoả thuận với nhau về mức giá mua, giá bán của hàng hóa, dịch vụ đề nghị hiệp thương giá trước khi cơ quan có thẩm quyền tổ chức hiệp thương giá.

2.3. Trách nhiệm của cơ quan tổ chức hiệp thương giá:

Trong thời hạn 15 ngày (ngày làm việc), kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hiệp thương giá theo quy định tại Khoản 1 Mục IV phần B Thông tư này, cơ quan có thẩm quyền phải tổ chức hiệp thương giá.

Trong quá trình tổ chức hiệp thương giá, cơ quan tổ chức hiệp thương giá phải tiến hành thu thập, phân tích những thông tin cần thiết có liên quan đến hàng hóa, dịch vụ hiệp thương giá; phân tích các yếu tố hình thành giá ảnh hưởng đến bên bán và bên mua, tạo điều kiện để cho hai bên mua và bán thoả thuận thống nhất với nhau về mức giá.

Trong quá trình hiệp thương giá, các thành viên có quyền đưa ra ý kiến của mình để cùng trao đổi và thoả thuận; trong trường hợp vẫn còn ý kiến khác nhau thì cơ quan có thẩm quyền tổ chức hiệp thương giá sẽ quyết định giá tạm thời để hai bên thực hiện như quy định tại Khoản 2 Điều 13 Nghị định số 170/2003/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ  quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giá.

V. TÀI SẢN CỦA NHÀ NƯỚC PHẢI THẨM ĐỊNH GIÁ VÀ HOẠT ĐỘNG THẨM ĐỊNH GIÁ

1. Tài sản của Nhà nước phải thẩm định giá:

1.1. Tài sản của Nhà nước quy định tại Khoản 1 Điều 15 có giá trị theo quy định tại Khoản 2, Điều 15 Nghị định số 170/2003/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ  quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giá nếu không qua đấu thầu, Hội đồng xác định giá thì phải thẩm định giá.

1.2. Tài sản được mua bằng toàn bộ hoặc một phần từ nguồn ngân sách địa phương ngoài quy định tại Điểm 1.1 Khoản 1 Mục V phần B Thông tư này  thì việc quản lý giá thực hiện theo quy định của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.

2. Doanh nghiệp thẩm định giá và hoạt động thẩm định giá.

2.1. Doanh nghiệp thẩm định giá được thành lập phải có đủ các điều kiện  quy định tại Khoản 2 Điều 16 Nghị định số 170/2003/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giá và phải có hệ thống thông tin về giá cả thị trường trong nước và thế giới phục vụ thẩm định giá.

2.2. Những địa phương chưa có doanh nghiệp thẩm định giá thì Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh giao Sở Tài chính thực hiện công tác thẩm định giá hoặc có thể hợp đồng với các đơn vị thẩm định giá nhà nước trên địa bàn để thực hiện thẩm giá đối với tài sản Nhà nước phải thẩm định giá, đồng thời nếu thực sự cần thiết và có hiệu quả thì xúc tiến thành lập doanh nghiệp thẩm định giá theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 170/2003/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giá và Khoản 2 Mục V phần B Thông tư  này. Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu thẩm định giá thì ký hợp đồng với đơn vị được phép hoạt động thẩm định giá để thực hiện.

C. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo. Bãi bỏ Thông tư số 03/ VGNN-KHCS ngày 1/7/1992 của Uỷ ban Vật giá Nhà nước hướng dẫn nội dung quản lý nhà nước về giá của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố; Thông tư số 04/ VGNN-KHCS ngày 6/7/1992 của Uỷ ban Vật giá Nhà nước hướng dẫn thực hiện đăng ký giá, hiệp thương giá, niêm yết giá; Thông tư số 05/VGNN-KHCS ngày 15/7/1992 của Uỷ ban Vật giá Nhà nước hướng dẫn việc quy định và quản lý giá chuẩn, giá giới hạn; Thông tư Liên bộ số 01/LB-QP-NV-VGCP của Bộ Quốc phòng-Bộ Nội vụ-Ban Vật giá Chính phủ và những văn bản khác hướng dẫn thi hành Quyết định số 137/HĐBT ngày 27/4/1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về quản lý giá và các văn bản trước đây trái với nội dung Thông tư này.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu giải quyết.

Bộ Tài chính

Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Ngọc Tuấn