THÔNG TƯ
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 40/2013/TT-BGDĐT
ngày 18 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
quy định về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo
của Bộ Giáo dục và Đào tạo
Căn cứ Luật Khiếu nại số 02/2011/QH13 ngày 11 tháng 11 năm 2011;
Căn cứ Luật Tiếp công dân số 42/2013/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Luật Tố cáo số 25/2018/QH14 ngày 12 tháng 6 năm 2018;
Căn cứ Nghị định số 75/2012/NĐ-CP ngày 03 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khiếu nại;
Căn cứ Nghị định số 42/2013/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động thanh tra giáo dục;
Căn cứ Nghị định số 64/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân;
Căn cứ Nghị định số 31/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo;
Căn cứ Nghị định số 69/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Theo đề nghị của Chánh Thanh tra;
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 40/2013/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 40/2013/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo
1. Khoản 2 Điều 1 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“2. Thông tư này áp dụng đối với các đơn vị giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục gồm: các Vụ, Cục, Thanh tra, Văn phòng (gọi tắt là đơn vị chức năng thuộc Bộ); các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp trực thuộc Bộ (gọi chung là đơn vị trực thuộc Bộ); các tổ chức và cá nhân có liên quan.”
2. Khoản 2, khoản 3 Điều 2 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“2. Trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ thực hiện theo quy định từ Điều 28 đến Điều 40 của Luật Tố cáo. Trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực thực hiện theo quy định tại Điều 42 và Điều 43 của Luật Tố cáo và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
3. Việc tiếp công dân thực hiện theo quy định của Luật Tiếp công dân, Nghị định số 64/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.”
3. Sửa đổi, bổ sung khoản 4 và bổ sung khoản 7 vào Điều 3 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 3 như sau:
“4. Bố trí nhân sự và bảo đảm các điều kiện cần thiết cho việc tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo theo thẩm quyền và trách nhiệm của đơn vị mình; Cho ý kiến chuyên môn thuộc trách nhiệm tham mưu của đơn vị mình đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng; Quản lý, lưu trữ hồ sơ theo quy định.”
b) Bổ sung khoản 7 vào Điều 3 như sau:
“7. Đảm bảo chế độ đối với người làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh quy định tại Thông tư số 320/2016/TT-BTC ngày 14/12/2016 của Bộ Tài chính quy định chế độ bồi dưỡng đối với người làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.”
4. Khoản 6 Điều 4 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“6. Giúp Bộ trưởng xác minh, kết luận giải quyết lần 2 các khiếu nại đã được người đứng đầu các đơn vị chức năng thuộc Bộ đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn.”
5. Điều 5 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“1. Địa điểm tiếp công dân của Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt tại trụ sở cơ quan Bộ (Số 35 đường Đại Cồ Việt, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội); Bộ phận tiếp nhận thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Thành phố Hồ Chí Minh (Số 3, Công trường Quốc tế, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh).
2. Việc tiếp công dân của Lãnh đạo Bộ được thực hiện như sau:
a) Thanh tra Bộ làm đầu mối giúp Lãnh đạo Bộ thực hiện việc tiếp công dân;
b) Bộ trưởng, Thứ trưởng thực hiện tiếp công dân định kỳ hàng tháng theo lịch do Bộ trưởng phân công và thực hiện tiếp công dân đột xuất theo quy định;
c) Trường hợp công dân đến Phòng tiếp công dân của Bộ để gặp Lãnh đạo Bộ theo lịch tiếp công dân định kỳ hàng tháng thì công chức thường trực tiếp công dân thông báo cho Chánh Văn phòng hoặc Thư ký Lãnh đạo Bộ để báo cáo Lãnh đạo Bộ thực hiện việc tiếp công dân;
d) Trường hợp công dân có đơn đăng ký được Lãnh đạo Bộ tiếp đột xuất, thì công chức thường trực tiếp công dân báo cáo Chánh Thanh tra Bộ để tham mưu Lãnh đạo Bộ thực hiện việc tiếp công dân;
đ) Khi Lãnh đạo Bộ tiếp công dân, Chánh Thanh tra, Thủ trưởng các đơn vị phụ trách lĩnh vực công tác có liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị cùng dự khi được yêu cầu. Đơn vị được giao chủ trì về nội dung tiếp công dân cùng Lãnh đạo Bộ có trách nhiệm ban hành văn bản thông báo về kết quả tiếp công dân của Lãnh đạo Bộ và báo cáo Bộ trưởng.
3. Văn phòng Bộ chịu trách nhiệm bố trí Phòng tiếp công dân và bảo đảm các điều kiện cần thiết để công dân đến trình bày khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; phối hợp với Thanh tra Bộ hướng dẫn công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định pháp luật; phối hợp với cơ quan công an phụ trách địa bàn có biện pháp xử lý đối với những người vi phạm nội quy tiếp công dân, gây mất trật tự công cộng ở nơi tiếp công dân.”
6. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 và bổ sung khoản 6, khoản 7 vào Điều 7 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 7 như sau:
“2. Đơn tố cáo hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm thì chuyển hồ sơ, tài liệu đến Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền để xử lý theo quy định tại Điều 27 Luật Tố cáo.”
b) Bổ sung khoản 6, khoản 7 vào Điều 7 như sau:
“6. Việc tiếp nhận tố cáo, xử lý ban đầu thông tin tố cáo; tiếp nhận, xử lý thông tin có nội dung tố cáo; tiếp nhận và xử lý tố cáo do cơ quan báo chí, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển đến thực hiện theo quy định tại Điều 23, Điều 24, Điều 25 và Điều 26 của Luật Tố cáo và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
7. Các đơn vị chức năng thuộc Bộ, các đơn vị trực thuộc Bộ có trách nhiệm thông báo kết quả xử lý đơn đến Thanh tra Bộ để theo dõi, tổng hợp chung.”
7. Khoản 2 Điều 8 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“2. Thẩm quyền của Chánh Thanh tra Bộ:
a) Giải quyết khiếu nại lần đầu đối với Quyết định hành chính do mình ban hành và Thanh tra viên cơ quan Thanh tra Bộ ban hành theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính và Luật thanh tra;
b) Giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Trưởng đoàn và thành viên đoàn thanh tra do mình quyết định thành lập theo quy định của pháp luật.”
8. Điểm a khoản 3 Điều 10 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“a) Hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng sư phạm và người đứng đầu các đơn vị thành viên; Người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp trực thuộc khác chịu trách nhiệm thụ lý, giải quyết khiếu nại và thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan.”
9. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 11 như sau:
“b) Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị chức năng thuộc Bộ, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ, các chức danh trong doanh nghiệp trực thuộc Bộ gồm: Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Kiểm soát viên và công chức, viên chức do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp;
Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của Chủ tịch và thành viên Hội đồng đại học vùng, Hội đồng trường đại học công lập do mình quản lý trực tiếp trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của Hội đồng đại học vùng, Hội đồng trường theo quy định của pháp luật.”
10. Bổ sung khoản 2a vào sau khoản 2 và sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 13 như sau:
a) Bổ sung khoản 2a vào sau khoản 2 Điều 13 như sau:
“2a. Người đứng đầu doanh nghiệp trực thuộc Bộ có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị trực thuộc doanh nghiệp hoặc người khác do mình bổ nhiệm.”
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 13 như sau:
“3. Tổ chức thanh tra, người được phân công làm công tác thanh tra của đại học, đơn vị thành viên hoặc đơn vị sự nghiệp khác chủ trì giúp Giám đốc Đại học, người đứng đầu đơn vị thụ lý, giải quyết tố cáo; làm đầu mối tổng hợp, báo cáo theo quy định.”
11. Bổ sung điểm c vào khoản 1 và sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Điều 14 như sau:
a) Bổ sung điểm c vào khoản 1 Điều 14 như sau:
“c) Các đơn vị trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện chế độ báo cáo về công tác tiếp công dân, xử lý đơn và giải quyết khiếu nại tố cáo theo quý và báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Lãnh đạo Bộ, của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác.”
b) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Điều 14 như sau:
“a) Đơn vị thực hiện việc giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo lập hồ sơ, tổ chức lưu trữ theo quy định tại Điều 34 Luật Khiếu nại và Điều 39 Luật Tố cáo”.
12. Khoản 1 Điều 15 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“1. Thanh tra Bộ chủ trì phối hợp với Cục Công nghệ thông tin triển khai, xây dựng cơ sở dữ liệu về giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo của Bộ. Các đơn vị chức năng thuộc Bộ, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ có trách nhiệm thông báo kết quả xử lý đơn đến Thanh tra Bộ để theo dõi, tổng hợp chung; thực hiện việc cập nhật thông tin xử lý đơn trên hệ thống cơ sở dữ liệu về xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo của Bộ.”
Điều 2. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2020.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Thủ trưởng các đơn vị chức năng thuộc Bộ; Người đứng đầu các đơn vị trực thuộc Bộ; các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.