• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/07/2014
BỘ QUỐC PHÒNG
Số: 24/2014/TT-BQP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 15 tháng 5 năm 2014

THÔNG TƯ

Quy định nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, ban chỉ huy

quân sự bộ, ngành Trung ương về giáo dục quốc phòng và an ninh; bồi dưỡng

kiến thức quốc phòng và an ninh trong Quân đội nhân dân Việt Nam

_________________________________

 

Căn cứ Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh năm 2013;

Căn cứ Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam năm 1999, đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 35/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;

Căn cứ Nghị định số 13/2014/NĐ-CP ngày 25 tháng 02 năm 2014 của Chính phủ Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật giáo dục quốc phòng và an ninh;

Xét đề nghị của Tổng Tham mưu trưởng;

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư quy định nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, ban chỉ huy quân sự bộ, ngành Trung ương về giáo dục quốc phòng và an ninh;bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

 

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, ban chỉ huy quân sự bộ, ngành Trung ương về giáo dục quốc phòng và an ninh; bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, ban chỉ huy quân sự bộ, ngành Trung ương; sĩ quan cấp tá, cấp úy, người quản lý doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, đảng viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

2. Thông tư này không áp dụng đối với sĩ quan thuộc đối tượng 1, 2, 3 bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh (sau đây viết tắt là BDKTQPAN) quy định tại các Điểm a, b, c, d Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 13/2014/NĐ-CP ngày 25 tháng 02 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật giáo dục quốc phòng và an ninh.

Chương II

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CƠ QUAN, ĐƠN VỊ THUỘC BỘ QUỐC PHÒNG,

BAN CHỈ HUY QUÂN SỰ BỘ, NGÀNH

TRUNG ƯƠNG VỀ GIÁO DỤC QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH

Điều 3. Bộ Tổng Tham mư­u

1. Là Cơ quan trung tâm hiệp đồng với các cơ quan, tổ chức liên quan trong và ngoài Quân đội giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục quốc phòng và an ninh (sau đây viết tắt là GDQPAN).

2. Chỉ đạo Cơ quan Thường trực Hội đồng GDQPAN Trung ương phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan trong và ngoài Quân đội để tham mưu, tư vấn, đề xuất với Ban Thường trực Hội đồng GDQPAN Trung ương và Hội đồng GDQPAN Trung ương về chủ trương, kế hoạch, đề án, nội dung, biện pháp tổ chức thực hiện GDQPAN.

3. Chủ trì, phối hợp với Tổng cục Chính trị đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quyết định về tổ chức, biên chế, nhóm chức vụ và cấp bậc quân hàm cao nhất của cán bộ biệt phái làm nhiệm vụ GDQPAN.

Phối hợp với Tổng cục Chính trị đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng cử cán bộ biệt phái cho trung tâm GDQPAN, cơ sở giáo dục đại học, cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo; thực hiện quản lý cán bộ biệt phái theo phân cấp.

4. Chỉ đạo, hư­ớng dẫn cơ quan, đơn vị bảo đảm vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, trang bị kỹ thuật, thiết bị dạy học chuyên dùng, thao trường, bãi tập, trường bắn phục vụ dạy và học môn GDQPAN cho các cơ sở giáo dục trên phạm vi cả nước;

5. Bảo đảm phương tiện, vật chất về GDQPAN cho cơ quan, đơn vị, nhà trường quân đội được giao nhiệm vụ GDQPAN, trang phục dùng chung cho sinh viên học tập tại các trung tâm GDQPAN trên phạm vi cả nước;

6. Giúp Bộ Quốc phòng, Hội đồng GDQPAN Trung ương hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra, sơ kết, tổng kết, khen thưởng; giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm về GDQPAN theo thẩm quyền.

Điều 4. Cơ quan thuộc Bộ Tổng Tham mưu

1. Cục Dân quân tự vệ

a) Chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan trong và ngoài Quân đội giúp Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước về GDQPAN theo thẩm quyền;

b) Thực hiện chức năng Cơ quan Thường trực của Hội đồng GDQPAN Trung ương giúp Ban Thường trực Hội đồng GDQPAN Trung ương, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Hội đồng GDQPAN Trung ương tham mưu, tư vấn cho Đảng, Chính phủ về GDQPAN và giải quyết công việc thường xuyên của Hội đồng GDQPAN Trung ương;

c) Hằng năm, hoặc giai đoạn, chủ trì, phối hợp với cơ quan chức năng của Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ, cơ quan, tổ chức, địa phương liên quan giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xây dựng kế hoạch BDKTQPAN cho đối tượng 1 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 7; chỉ đạo Học viện Quốc phòng xây dựng kế hoạch BDKTQPAN từng khóa trình Chủ tịch Hội đồng GDQPAN Trung ương phê duyệt và tổ chức thực hiện; tham mưu triệu tập đối tượng 1 BDKTQPAN;

d) Chủ trì, phối hợp với cơ quan chức năng của Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cơ quan, tổ chức ở Trung ương có liên quan giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định: Chương trình khung GDQPAN cho người học trong nhà trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; chương trình khung BDKTQPAN cho cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân cư; chương trình, nội dung BDKTQPAN cho đối tượng trong cơ quan, tổ chức của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, người quản lý doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập; chương trình, nội dung BDKTQPAN trong Quân đội nhân dân Việt Nam; tiêu chuẩn tuyên truyền viên GDQPAN; biên soạn giáo trình, tài liệu phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh phù hợp với tình hình, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong từng thời kỳ;

đ) Chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng kế hoạch công tác của Hội đồng GDQPAN Trung ương; bảo đảm trang thiết bị, phòng học chuyên dùng, thiết bị dạy học chuyên dùng, phương tiện, cơ sở vật chất về GDQPAN; thiết kế mẫu và bảo đảm trang phục dùng chung cho sinh viên học tập tại các trung tâm GDQPAN (gọi tắt là trung tâm); tham gia thiết kế mẫu trang phục cho giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý GDQPAN;

e) Phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan tổng hợp báo cáo Bộ Tổng Tham mưu bảo đảm vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, trang bị kỹ thuật, thiết bị dạy học quân dụng chuyên dùng phục vụ dạy và học môn GDQPAN cho cơ sở giáo dục, cơ quan, đơn vị, nhà trường quân đội được giao nhiệm vụ GDQPAN trong phạm vi cả nước;

g) Chủ trì giúp Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng quy định mẫu giấy chứng nhận hoàn thành chương trình BDKTQPAN cho các đối tượng trên phạm vi cả nước;

h) Hằng năm, căn cứ vào quy định của Luật ngân sách nhà nước, các văn bản pháp luật có liên quan và nội dung chi của Bộ Quốc phòng, quy định tại Điều 9 Nghị định số 13/2014/NĐ-CP ngày 25 tháng 02 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật GDQPAN lập dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách chi cho nhiệm vụ GDQPAN;

i) Chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan giúp Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng xây dựng và thực hiện các Đề án: Tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật giáo dục quốc phòng và an ninh; Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhiệm vụ giáo dục và BDKTQPAN; Xây dựng mô hình điểm trung tâm GDQPAN thuộc trường quân sự địa phương. Phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng mô hình điểm trung tâm GDQPAN thuộc cơ sở giáo dục đại học;

k) Tham gia nghiên cứu khoa học về GDQPAN; học tập, trao đổi kinh nghiệm GDQPAN ở nước ngoài; thực hiện các nhiệm vụ khác khi cấp có thẩm quyền giao;

l) Giúp Bộ Tổng Tham mưu, Ban Thường trực Hội đồng GDQPAN Trung ương, Bộ Quốc phòng, Hội đồng GDQPAN Trung ương, kiểm tra, thanh tra, sơ kết, tổng kết, khen thưởng; đề xuất giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm về GDQPAN theo thẩm quyền; báo cáo kết quả GDQPAN với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và Ban Bí thư Trung ương Đảng.

2. Cục Quân huấn

Chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng, hư­ớng dẫn tiêu chuẩn, định mức, quy cách học cụ, thao tr­ường, bãi tập, trường bắn, quy tắc kiểm tra phù hợp với nội dung, chương trình GDQPAN; tham gia biên soạn, chỉnh lý chương trình, giáo trình, giáo khoa, tài liệu và nghiên cứu khoa học về GDQPAN.

3. Cục Nhà trường

a) Chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan chỉ đạo nhà trường quân đội thực hiện GDQPAN;

b) Phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan tham gia biên soạn, chỉnh lý chương trình, giáo trình, giáo khoa, tài liệu và nghiên cứu khoa học về GDQPAN; xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án về GDQPAN; chỉ đạo, hướng dẫn nhà trư­ờng quân đội liên kết đào tạo giáo viên, giảng viên GDQPAN, bồi dư­ỡng, tập huấn giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý GDQPAN.

4. Cục Quân lực

a) Chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan, đề xuất với Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng, Quân ủy Trung ương quyết định về biên chế, nhóm chức vụ và cấp bậc quân hàm cao nhất của cán bộ biệt phái làm nhiệm vụ GDQPAN;

b) Chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan giúp Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo các cơ quan, đơn vị bảo đảm vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, trang bị kỹ thuật, phương tiện, thiết bị dạy học chuyên dùng cho GDQPAN theo thẩm quyền.

Điều 5. Tổng cục Chính trị                     

1. Chỉ đạo hướng dẫn công tác đảng, công tác chính trị, tuyên truyền, phổ biến về GDQPAN.

2. Phối hợp với Bộ Tổng Tham mưu giúp Bộ Quốc phòng, Quân ủy Trung ương quyết định về tổ chức, biên chế, nhóm chức vụ và cấp bậc quân hàm cao nhất của cán bộ biệt phái làm nhiệm vụ GDQPAN; chủ trì giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Quân ủy Trung ương cử cán bộ biệt phái cho trung tâm, cơ sở giáo dục đại học, cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục; quản lý cán bộ biệt phái theo phân cấp.

3. Phối hợp với Bộ Tổng Tham m­ưu, cơ quan, tổ chức liên quan giúp Bộ Quốc phòng chỉ đạo cơ quan, đơn vị thuộc quyền, ban chỉ huy quân sự bộ, ngành Trung ương, địa phương thực hiện GDQPAN.

4. Tham gia giảng dạy, bồi dưỡng, tuyên truyền, phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh, biên soạn, chỉnh lý chương trình, giáo trình, giáo khoa, tài liệu và nghiên cứu khoa học về GDQPAN.

5. Phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan giúp Bộ Quốc phòng hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra, sơ kết, tổng kết, khen thưởng; giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm về GDQPAN theo thẩm quyền.

Điều 6. Cơ quan thuộc Tổng cục Chính trị

1. Cục Tuyên huấn

a) Chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan giúp Tổng cục Chính trị chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thực hiện GDQPAN theo thẩm quyền; phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện tuyên truyền, phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho toàn dân;

b) Chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan giúp Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng chỉ đạo, hướng dẫn, thực hiện công tác thi đua, khen thưởng về GDQPAN;

c) Tham gia giảng dạy, bồi dưỡng, tuyên truyền, phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh, biên soạn, chỉnh lý chương trình, giáo trình, giáo khoa, tài liệu và nghiên cứu khoa học về GDQPAN.

2. Cục Cán bộ

a) Phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan giúp Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng, Quân ủy Trung ương quyết định về tổ chức, biên chế, nhóm chức vụ và cấp bậc quân hàm cao nhất của cán bộ biệt phái làm nhiệm vụ GDQPAN;

b) Chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan giúp Tổng cục Chính trị đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng cử cán bộ biệt phái cho trung tâm, cơ sở giáo dục đại học, cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục; quản lý, đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ biệt phái theo phân cấp.

3. Cục Tổ chức

a) Chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan giúp Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng, Quân ủy Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị trong thực hiện nhiệm vụ GDQPAN;

b) Tham gia giảng dạy, bồi dưỡng, tuyên truyền, phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh, biên soạn, chỉnh lý chương trình, giáo trình, giáo khoa, tài liệu và nghiên cứu khoa học về GDQPAN.

4. Cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình, văn hóa, văn nghệ quân đội phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan tuyên truyền, phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho lực lượng vũ trang nhân dân và toàn dân.

Điều 7. Tổng cục Hậu cần

Chỉ đạo cơ quan thuộc quyền phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan tham gia các nội dung sau:

1. Quy hoạch, lập dự án xây dựng trung tâm GDQPAN.

2. Thiết kế mẫu, quy định định mức giảng đường, nhà ở, nhà ăn, kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ cho trung tâm đầu tư xây dựng mới.

3. Thiết kế mẫu trang phục dùng chung cho sinh viên, giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý GDQPAN.

4. Giảng dạy, nghiên cứu khoa học về GDQPAN.

Điều 8. Tổng cục Kỹ thuật

Chỉ đạo cơ quan thuộc quyền phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan giúp Bộ Quốc phòng bảo đảm kỹ thuật cho vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, phương tiện, trang bị kỹ thuật, thiết bị dạy học chuyên dùng phục vụ GDQPAN theo quy định của cấp có thẩm quyền; tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học về GDQPAN.

Điều 9. Tổng cục Công nghiệp quốc phòng

Chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan, chỉ đạo cơ quan, đơn vị thuộc quyền nghiên cứu, cải tiến, sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật, mô hình học cụ phục vụ GDQPAN; tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học về GDQPAN.

Điều 10. Tổng cục II

Chủ trì cung cấp kịp thời thông tin phục vụ cho GDQPAN; phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan, chỉ đạo cơ quan đơn vị thuộc quyền biên soạn, thẩm định chương trình, giáo trình, tài liệu về GDQPAN; tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học về GDQPAN.

Điều 11. Cục Kế hoạch và Đầu tư

1. Chủ trì, phối hợp với Cục Dân quân tự vệ, cơ quan, đơn vị liên quan, giúp Bộ Quốc phòng chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan, đơn vị lập đề án, dự án đầu tư về GDQPAN theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch hệ thống trung tâm GDQPAN.

2. Chủ trì thẩm định đề án, dự án đầu t­ư về GDQPAN theo phân cấp và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về đầu tư xây dựng Trung tâm GDQPAN thuộc nhà trường quân đội.

4. Tham gia chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan, đơn vị lập đề án, dự án đầu tư về GDQPAN đối với các đề án, dự án sử dụng một phần ngân sách quốc phòng; tham gia thẩm định đề án, dự án đầu tư về GDQPAN theo thẩm quyền.

Điều 12. Cục Tài chính

1. Chủ trì, phối hợp với Cục Dân quân tự vệ, cơ quan, đơn vị liên quan, chỉ đạo, hư­ớng dẫn cơ quan, đơn vị lập dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách GDQPAN, bảo đảm ngân sách cho dự án được phê duyệt.

2. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị bảo đảm kinh phí thực hiện chế độ, chính sách cho cán bộ biệt phái làm nhiệm vụ GDQPAN theo quy định.

Điều 13. Nhà trường quân đội

1. Học viện Quốc phòng

a) Chủ trì, phối hợp với Cơ quan Thường trực Hội đồng GDQPAN Trung ương (Cục Dân quân tự vệ/Bộ Tổng Tham mưu) và cơ quan chức năng Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ xây dựng kế hoạch từng khóa BDKTQPAN cho đối tượng 1, trình Chủ tịch Hội đồng GDQPAN Trung ương phê duyệt và tổ chức thực hiện;

 b) Tham gia xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình, tài liệu BDKTQPAN, giảng dạy, nghiên cứu khoa học về GDQPAN.

2. Học viện Chính trị

a) Chủ trì, phối hợp với Cơ quan Thường trực Hội đồng GDQPAN thành phố Hà Nội, cơ quan chức năng của bộ, ngành Trung ương có trụ sở trên địa bàn thành phố Hà Nội xây dựng kế hoạch từng khóa BDKTQPAN cho đối tượng 2 thuộc bộ, ngành Trung ương, trình Trưởng ban Thường trực Hội đồng GDQPAN Trung ương phê duyệt và tổ chức thực hiện;

b) Tham gia xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình, tài liệu bồi dưỡng kiến thức QPAN, giảng dạy, nghiên cứu khoa học về GDQPAN.

3. Các nhà trường quân đội được giao nhiệm vụ GDQPAN

a) Giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên, BDKTQPAN cho đối tượng 2, 3 và đối tượng khác trên địa bàn theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

b) Đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý GDQPAN khi được giao;

c) Tham gia biên soạn, chỉnh lý chương trình, giáo trình, giáo khoa, tài liệu, giảng dạy, nghiên cứu khoa học về GDQPAN.

Điều 14. Các quân khu

1. Giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước về GDQPAN trên địa bàn quân khu.

2. Hằng năm, xây dựng kế hoạch BDKTQPAN cho đối tượng 2 của năm sau  trên địa bàn quân khu, trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt vào tháng 6; chỉ đạo trường quân sự quân khu xây dựng kế hoạch BDKTQPAN từng khóa, trình Chủ tịch Hội đồng GDQPAN quân khu phê duyệt và tổ chức thực hiện.

3. Chỉ đạo Hội đồng GDQPAN quân khu, Hội đồng GDQPAN cấp tỉnh, huyện, xã, cơ quan, đơn vị trên địa bàn thực hiện GDQPAN cho học sinh, sinh viên, BDKTQPAN cho các đối tượng theo thẩm quyền, tuyên truyền, phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho toàn dân.

4. Chỉ đạo cơ quan, đơn vị thuộc quyền cử cán bộ tham gia GDQPAN trên địa bàn đóng quân, tạo điều kiện về vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, trang bị kỹ thuật, thiết bị dạy học quân dụng chuyên dùng, thao trường, bãi tập, trường bắn cho GDQPAN theo đề nghị của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

5. Phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan, biên soạn, thẩm định chương trình, giáo trình, tài liệu về GDQPAN; kịp thời cung cấp thông tin phục vụ cho GDQPAN; nghiên cứu khoa học về GDQPAN; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về GDQPAN cho cán bộ biệt phái trên địa bàn.

Điều 15. Quân chủng Phòng không-Không quân, Quân chủng Hải quân, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, các binh chủng, quân đoàn, binh đoàn và tương đương

1. Chỉ đạo cơ quan, đơn vị thuộc quyền cử cán bộ tham gia GDQPAN trên địa bàn đóng quân, tạo điều kiện về vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, trang bị kỹ thuật, thiết bị dạy học chuyên dùng, thao trường, bãi tập, trường bắn cho GDQPAN theo đề nghị của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

2. Chỉ đạo cơ quan, đơn vị thuộc quyền phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan, tham gia biên soạn, thẩm định chương trình, giáo trình, tài liệu về GDQPAN; kịp thời cung cấp thông tin phục vụ cho GDQPAN; tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học về GDQPAN.

Điều 16. Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội

1. Giúp Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội thực hiện quản lý nhà nước về GDQPAN trên địa bàn thành phố Hà Nội.

2. Hằng năm, xây dựng kế hoạch BDKTQPAN cho đối tượng 2 của năm sau trên địa bàn thành phố Hà Nội, trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt vào tháng 6; chỉ đạo trường quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội xây dựng kế hoạch bồi dưỡng từng khóa trình Chủ tịch Hội đồng GDQPAN thành phố Hà Nội phê duyệt và tổ chức thực hiện.

3. Hằng năm, chỉ đạo cơ quan Thường trực Hội đồng GDQPAN thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với cơ quan chức năng của bộ, ngành Trung ương có trụ sở trên địa bàn thành phố Hà Nội, giúp Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội xây dựng kế hoạch BDKTQPAN cho đối tượng 2 của năm sau thuộc bộ, ngành Trung ương, trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt vào tháng 6; phối hợp với Học viện Chính trị xây dựng kế hoạch từng khóa trình Trưởng ban thường trực Hội đồng GDQPAN Trung ương phê duyệt và tổ chức thực hiện.

4. Chỉ đạo Hội đồng GDQPAN cấp huyện, cấp xã, cơ quan, đơn vị trên địa bàn thực hiện GDQPAN cho học sinh, sinh viên, BDKTQPAN cho các đối tượng theo thẩm quyền, tuyên truyền, phổ biến kiến thức QPAN cho toàn dân.

5. Chỉ đạo cơ quan, đơn vị thuộc quyền cử cán bộ tham gia GDQPAN, tạo điều kiện về vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, trang bị kỹ thuật, thiết bị dạy học quân dụng chuyên dùng, thao trường, bãi tập, trường bắn cho GDQPAN theo đề nghị của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

6. Phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan biên soạn, chỉnh lý chương trình, giáo trình, giáo khoa, tài liệu và nghiên cứu khoa học về GDQPAN; kịp thời cung cấp thông tin phục vụ cho GDQPAN.

Điều 17. Cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng không quy định trong nội dung từ Điều 3 đến Điều 16 Thông tư này

1. Thực hiện GDQPAN theo quy định của cấp có thẩm quyền.

2. Chỉ đạo cơ quan, đơn vị thuộc quyền cử cán bộ tham gia GDQPAN trên địa bàn đóng quân, tạo điều kiện về vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, trang bị kỹ thuật, thiết bị dạy học quân dụng chuyên dùng, thao trường, bãi tập, trường bắn cho GDQPAN theo đề nghị của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

3. Phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan, tham gia xây dựng chương trình, giáo trình, giáo khoa, tài liệu, nghiên cứu khoa học về GDQPAN; kịp thời cung cấp thông tin phục vụ cho GDQPAN; tham gia giảng dạy, bồi dưỡng tuyên truyền, phổ biến kiến thức QPAN.

Điều 18. Nhiệm vụ chung

Cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ quy định tại các Điều 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16 và Điều 17 của Thông tư này, còn phải thực hiện các nhiệm vụ sau:

1. Tổ chức BDKTQPAN cho các đối tượng, sĩ quan cấp tá, cấp úy, người quản lý doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, đảng viên theo thẩm quyền.

2. Cử cán bộ biệt phái theo quyết định của cấp có thẩm quyền; quản lý cán bộ biệt phái theo phân cấp.

3. Hằng năm, lập dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách chi cho nhiệm vụ GDQPAN theo quy định của pháp luật.

4. Kiểm tra, thanh tra, sơ kết, tổng kết, khen thưởng, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm về GDQPAN theo thẩm quyền; thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.

5. Chỉ đạo việc in, cấp, cấp lại, thu hồi, hủy bỏ giấy chứng nhận hoàn thành chương trình BDKTQPAN theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 13/2014/NĐ-CP ngày 25 tháng 02 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật giáo dục quốc phòng và an ninh.

6. Thực hiện các nhiệm vụ khác về GDQPAN khi được giao.

Điều 19. Ban chỉ huy quân sự bộ, ngành Trung ương

1. Giúp cấp ủy, Ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, người đứng đầu về lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và tổ chức thực hiện GDQPAN; ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản để thực hiện GDQPAN theo quy định của pháp luật.

2. Giúp người đứng đầu xây dựng kế hoạch, chỉ đạo thực hiện GDQPAN theo thẩm quyền; chỉ đạo cơ quan thuộc quyền phối hợp với Hội đồng GDQPAN nơi cơ quan, tổ chức có trụ sở và cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện GDQPAN theo thẩm quyền.

3. Đề xuất với người đứng đầu bảo đảm phương tiện, cơ sở, vật chất GDQPAN cho cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục thuộc quyền; hằng năm, lập dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách chi cho nhiệm vụ GDQPAN theo quy định của pháp luật.

4. Giúp cấp ủy, ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, người đứng đầu, kiểm tra, thanh tra, sơ kết, tổng kết, khen thưởng, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm về GDQPAN theo thẩm quyền.

5. Định kỳ 6 tháng, hằng năm, báo cáo kết quả GDQPAN với Hội đồng GDQPAN Trung ương (qua Cơ quan Thường trực Hội đồng GDQPAN Trung ương để tổng hợp).

6. Đối với bộ, ngành chưa có ban chỉ huy quân sự, cử cán bộ kiêm nhiệm giúp cấp ủy, Ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, người đứng đầu thực hiện các quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều này.

Chương III

BỒI DƯỠNG KIẾN THỨC QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH     

TRONG QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM

Điều 20. Đối tượng bồi dưỡng

1. Sĩ quan cấp bậc quân hàm đại tá, thượng tá; sĩ quan giữ chức vụ Phó Lữ đoàn trưởng, Phó Chính ủy Lữ đoàn, Trung đoàn trưởng, Chính ủy Trung đoàn và tương đương; sĩ quan, người quản lý doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp có hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo từ 0,7 trở lên;

Đối tượng quy định tại Khoản này tương đương đối tượng 2 quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 13/2014/NĐ-CP ngày 25 tháng 02 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật giáo dục quốc phòng và an ninh.

2. Sĩ quan cấp bậc quân hàm trung tá, thiếu tá; sĩ quan, người quản lý doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp có phụ cấp chức vụ lãnh đạo từ 0,5 đến dưới 0,7;

Đối tượng quy định tại Khoản này tương đương đối tượng 3 quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 13/2014/NĐ-CP ngày 25 tháng 02 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật giáo dục quốc phòng và an ninh.

3. Sĩ quan cấp úy; người quản lý doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp có phụ cấp chức vụ lãnh đạo dưới 0,5 và đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam;

Đối tượng quy định tại Khoản này tương đương đối tượng 4 quy định tại các Điểm d, đ, e Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 13/2014/NĐ-CP ngày 25 tháng 02 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật  giáo dục quốc phòng và an ninh.

Điều 21. Thẩm quyền triệu tập, tổ chức bồi dưỡng

1. Tổng Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, chủ nhiệm các tổng cục, Tổng cục trưởng Tổng cục II; Tư lệnh các quân khu, quân chủng, Bộ đội biên phòng, binh chủng, quân đoàn, binh đoàn, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển; thủ trưởng nhà trường, bệnh viện, viện, trung tâm, doanh nghiệp và tương đương trực thuộc Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội quyết định triệu tập và tổ chức BDKTQPAN cho đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 20 Thông tư này.

2. Cục trưởng các cục trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị và các tổng cục; thủ trưởng cơ quan tham mưu, thủ trưởng các cục thuộc quân khu, quân chủng, binh chủng, quân đoàn, binh đoàn, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển; thủ trưởng nhà trường, bệnh viện, viện, trung tâm, doanh nghiệp và tương đương trực thuộc Bộ Quốc phòng, quân khu, quân chủng, binh chủng, quân đoàn, binh đoàn; Tư lệnh Vùng Hải quân, Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Tư lệnh Bộ Tư lệnh thành phố Hồ Chí Minh, chỉ huy trưởng bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh, sư đoàn trưởng và tương đương quyết định triệu tập và tổ chức BDKTQPAN cho đối tượng quy định tại các Khoản 2, 3 Điều 20 Thông tư này.

3. Lữ đoàn trưởng, chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự cấp huyện, trung đoàn trưởng và tương đương quyết định triệu tập và tổ chức BDKTQPAN cho đối tượng quy định tại Khoản 3 Điều 20 Thông tư này.

Điều 22. Cơ sở bồi dưỡng

Cơ sở BDKTQPAN cho đối tượng quy định tại Điều 20 Thông tư này do cấp có thẩm quyền triệu tập quyết định.

Điều 23. Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh

 Hằng năm, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chỉ đạo cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện theo quy định tại Điều 21 Thông tư này.

Điều 24. Chương trình, nội dung bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh

1. Thời gian:

a) Đối tượng 2: 05 ngày làm việc (40 tiết);

b) Đối tượng 3: 03 ngày làm việc (24 tiết);

c) Đối tượng 4: 02 ngày làm việc (16 tiết).

2. Các chuyên đề:

 

TT

Tên chuyên đề

Thời gian (tiết)

Đối tượng 2

Đối tượng 3

Đối tượng 4

1

Quan điểm, chủ trương của Đảng cộng sản Việt Nam về an ninh quốc gia và xây dựng thế trận an ninh nhân dân trong tình hình mới.

04

02

02

2

Quan điểm, chủ trương của Đảng cộng sản Việt Nam, chính sách của Nhà nước về dân tộc, tôn giáo.

02

02

02

3

Phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường, củng cố QPAN.

04

02

 

4

Quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam về đối ngoại gắn với quốc phòng, an ninh trong tình hình mới.

02

 

 

5

Các trạng thái quốc phòng, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng. 

04

02

 

6

Những vấn đề cơ bản về xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện.

02

02

 

7

Quản lý và bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo Việt Nam trong tình hình mới.

02

02

02

8

Pháp luật về GDQPAN

04

02

02

9

Xây dựng, hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

02

02

02

10

Đường lối quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước Việt Nam về bảo vệ an ninh chính trị, kinh tế, văn hóa, tư tưởng và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

04

02

02

11

Nội dung do đơn vị tự xác định

06

04

02

12

Viết thu hoạch

04

02

02

Tổng

40

24

16

 

3. Tài liệu tham khảo:

a) Tư tưởng Hồ Chí Minh về nghệ thuật quân sự Việt Nam;

b) Văn bản quy phạm pháp luật, tài liệu về quốc phòng và an ninh;

c) Tư liệu về quốc phòng, an ninh thế giới, khu vực và trong nước;

d) Nội dung cập nhật có liên quan.

Điều 25. Quản lý giấy chứng nhận

1. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có thầm quyền quy định tại Khoản 1 Điều 20 Thông tư này, Tư lệnh Bộ Tư lệnh thành phố Hồ Chí Minh, chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh quyết định in giấy chứng nhận hoàn thành BDKTQPAN cho đối tượng quy định tại Điều 20 Thông tư này.

2. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quy định tại Điều 21 Thông tư này quyết định việc cấp, cấp lại, thu hồi, hủy bỏ giấy chứng nhận hoàn thành BDKTQPAN.

Điều 26. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm  2014 và bãi bỏ Quyết định số 184/2007/QĐ-BQP ngày 07 tháng 12 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị quân đội, ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức Trung ương đối với công tác Giáo dục quốc phòng-an ninh.

Điều 27. Trách nhiệm thi hành

Tổng Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự bộ, ngành Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.