• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 13/11/2007
THANH TRA CHÍNH PHỦ
Số: 2439/2007/QĐ-TTCP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Long An, ngày 13 tháng 11 năm 2007

QUYẾT ĐỊNH

Về việc Ban hành quy chế tiếp nhận và tuyển dụng công chức, viên chức cơ quan Thanh tra Chính phủ

___________________

TỔNG THANH TRA

Căn cứ Luật thanh tra ngày 15 tháng 6 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 117/2003/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong cơ quan Nhà nước; Nghị định số 09/2007/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2007 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 117/2003/NĐ-CP;

Căn cứ Nghị định số 116/2003/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước; Nghị định số 121/2006/NĐ-CP ngày 23 tháng 10 năm 2006 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2003/NĐ-CP;

Căn cứ Nghị định số 115/2003/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ về chế độ công chức dự bị và Nghị định số 08/2007/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2007 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2003/NĐ-CP;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế tiếp nhận và tuyển dụng công chức, viên chức cơ quan Thanh tra Chính phủ”.

Điều 2. Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày ban hành và thay thế các quy định tương ứng tại Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 1313/QĐ-TTNN ngày 31 tháng 12 năm 2002 của Tổng Thanh tra Nhà nước.

Các đồng chí Vụ trưởng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm tổ chức thực hiện Quy chế này./.

 

TỔNG THANH TRA
(Đã ký)

 

Trần Văn Truyền

 

QUY CHẾ

Tiếp nhận và tuyển dụng công chức, viên chức cơ quan Thanh tra Chính phủ

(Ban hành kèm theo Quyết định số: 2439/2007/QĐ-TTCP ngày 13 tháng 11 năm 2007 của Tổng thanh tra)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng

1. Quy chế này quy định việc tiếp nhận, tuyển dụng công chức, viên chức (gọi chung là cán bộ) vào làm việc trong các vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ.

2. Không áp dụng quy định tiếp nhận, tuyển dụng tại Quy chế này đối với những người làm công việc: Lái xe, bảo vệ, vệ sinh; sửa chữa, bảo trì hệ thống điện, cấp, thoát nước theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ, thực hiện chế độ hợp đồng lao động hưởng lương từ ngân sách đối với những người làm các công việc này.

Điều 2. Giải thích từ ngũ

1. “Tiếp nhận” là việc tuyển người đang công tác tại các cơ quan, đơn vị của Đảng và Nhà nước vào làm việc trong biên chế của cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp của Nhà nước theo hình thức điều động, luân chuyển.

2. “Tuyển dụng” là việc tuyển người vào làm việc trong biên chế của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp của nhà nước theo hình thức thi tuyển hoặc xét tuyển.

Điều 3. Nguyên tắc tiếp nhận, tuyển dụng công chức, viên chức

1. Lựa chọn được những cán bộ có trình độ chuyên môn, có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có đủ sức khoẻ, năng lực để đáp ứng yêu cầu công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.

2. Phải căn cứ vào nhu cầu, vị trí làm việc, chỉ tiêu biên chế và tiêu chuẩn của ngạch công chức, viên chức cần tiếp nhận, tuyển dụng.

3. Việc tiếp nhận, tuyển dụng được tiến hành thận trọng, chặt chẽ, nghiêm túc và đảm bảo đánh giá đúng năng lực, phẩm chất của công chức, viên chức được tiếp nhận, tuyển dụng.

4. Đảm bảo nguyên tắc công khai, công bằng trong việc xem xét, đánh giá năng lực, trình độ của cán bộ để trên cơ sở đó tuyển chọn được những người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện.

5. Không tiếp nhận, tuyển dụng những người là đối tượng liên quan đến nội dung tố cáo đang được cơ quan chức năng xem xét, giải quyết; đang trong thời gian chấp hành kỷ luật về Đảng, chính quyền.

6. Ưu tiên tiếp nhận, tuyển dụng cán bộ đã có kinh nghiệm làm việc trong hệ thống các cơ quan Thanh tra Nhà Nước, kiểm tra Đảng.

Chương II

TIẾP NHẬN CÁN BỘ

Điều 4. Đối tượng, điều kiện tiếp nhận

1. Người được tiếp nhận về công tác tại các đơn vị của Thanh tra Chính phủ phải là cán bộ, công chức, viên chức (gọi chung là cán bộ) đang làm việc trong các cơ quan, đơn vị của Đảng, Nhà nước thuộc đối tượng được tiếp nhận (không phải qua thi tuyển hoặc xét tuyển) theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Nội vụ.

2. Người được tiếp nhận phải đảm bảo đủ các tiêu chuẩn theo quy định tại điều 5 của Quy chế này và phải qua kiểm tra, sát hạch năng lực, trình độ chuyên môn.

Điều 5. Tiêu chuẩn chung để được xem xét tiếp nhận

1. Về chính trị, đạo đức lối sống:

a- Là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam;

b- Có lập trường chính trị, tư tưởng vững vàng trên nền tảng Chủ nghĩa Mác – Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh;

c- Tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc;

d- Tin tưởng vào công cuộc đổi mới của Đảng, kiên định mục tiêu con đường XHCN;

đ- Lịch sử bản thân và gia đình rõ ràng không vi phạm Quy định số 57-QĐ/TW ngày 03 tháng 5 năm 2007 của Bộ Chính trị về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng; phẩm chất đạo đức, lối sống tốt.

2. Về trình độ, năng lực:

a- Tốt nghiệp đại học hoặc trên đại học chuyên ngành phù hợp với công việc cần sử dụng (ưu tiên người tốt nghiệp loại giỏi);

b- Có trình độ lý luận chính trị trung cấp trở lên;

c- Ngoại ngữ trình độ B trở lên;

d- Sử dụng thành thạo máy vi tính.

3. Về tuổi đời và sức khoẻ:

a- Tuổi đời dưới 45 tuổi đối với nam, dưới 40 tuổi đối với nữ. Trường hợp có tuổi đời cao hơn thì phải được lãnh đạo Thanh tra Chính phủ xem xét, quyết định.

b- Có đủ sức khoẻ đảm bảo công tác ổn định, lâu dài; ngoại hình cân đối, phù hợp với công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng (không khuyết tật, dị dạng...).

Điều 6. Hồ sơ xin chuyển công tác gồm:

1. Đơn xin chuyển công tác;

2. Sơ yếu lý lịch có xác nhận của cơ quan đang công tác theo Mẫu 2c/TCTW của Ban Tổ chức Trung ương;

3. Bản sao các văn bằng, chứng chỉ (có công chứng);

4. Giấy chứng nhận đủ sức khoẻ (được cơ quan Y tế có thẩm quyền cấp quận, huyện và tương đương trở lên xác nhận cùng thời gian xin chuyển công tác);

5. Giấy khai sinh bản sao;

6. Các giấy tờ khác (nếu có).

Điều 7. Quy trình tiếp nhận cán bộ

1. Tiếp nhận cán bộ về công tác tại các đơn vị khối hành chính:

a- Hàng năm, căn cứ nhiệm vụ công tác, chỉ tiêu biên chế được giao, các vụ, đơn vị đề xuất nhu cầu cán bộ cần tiếp nhận bổ sung, trong đó nêu rõ: số lượng cần bổ sung, chuyên môn đào tạo, cơ cấu giới tính … báo cáo Tổng Thanh tra (qua Vụ Tổ chức Cán bộ).

b- Vụ Tổ chức Cán bộ tập hợp nhu cầu cán bộ của các vụ, đơn vị; tiếp nhận và nghiên cứu hồ sơ, cán bộ của cá nhân có nguyện vọng xin chuyển công tác về cơ quan phù hợp với nhu cầu của các vụ, đơn vị, báo cáo Tổng Thanh tra cho kiểm tra, sát hạch.

c- Nếu cán bộ qua kiểm tra, sát hạch đạt yêu cầu, Vụ Tổ chức Cán bộ tiến hành thẩm tra, xác minh lý lịch cán bộ; sau đó, tổng hợp, báo cáo Ban Cán sự Đảng xem xét, quyết định.

d- Vụ Tổ chức Cán bộ thừa lệnh Tổng Thanh tra ký văn bản tiếp nhận cán bộ gửi cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ có nguyện vọng xin chuyển công tác về Thanh tra Chính phủ. Sau khi có quyết định điều chuyển công tác của cán bộ đến Thanh tra Chính phủ, Vụ Tổ chức Cán bộ trình Tổng Thanh tra hoặc Phó Tổng Thanh tra được uỷ quyền ký Quyết định tiếp nhận cán bộ.

2. Tiếp nhận cán bộ về công tác tại các đơn vị sự nghiệp:

a- Hằng năm, căn cứ vào nhiệm vụ công tác, chỉ tiêu biên chế được giao hoặc phê duyệt, khả năng tài chính của từng đơn vị sự nghiệp, đề xuất nhu cầu cán bộ của các bộ phận chuyên môn trực thuộc, Bộ phận làm công tác tổ chức cán bộ của đơn vị sự nghiệp tiếp nhận và nghiên cứu hồ sơ cá nhân có nguyện vọng xin chuyển công tác phù hợp với nhu cầu của đơn vị, báo cáo thủ trưởng đơn vị sự nghiệp cho kiểm tra sát hạch.

b- Cán bộ qua kiểm tra, sát hạch đạt yêu cầu thì Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp trực tiếp hoặc cử cán bộ phối hợp với Vụ Tổ chức Cán bộ tiến hành thẩm tra, xác minh lý lịch;

c- Tập thể lãnh đạo đơn vị sự nghiệp bàn bạc, thống nhất chủ trương tiếp nhận cán bộ; sau đó, Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp tổng hợp, báo cáo Tổng Thanh tra (qua Vụ Tổ chức Cán bộ) xem xét, cho ý kiến chỉ đạo.

d- Vụ Tổ chức Cán bộ thông báo ý kiến chỉ đạo của Tổng Thanh tra về việc tiếp nhận cán bộ bằng văn bản để Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp làm thủ tục tiếp nhận cán bộ.

Điều 8. Kiểm tra, sát hạch năng lực, trình độ chuyên môn của cán bộ xin chuyển công tác về cơ quan Thanh tra Chính phủ

1. Hội đồng kiểm tra sát hạch:

a. Tổng thanh tra Quyết định thành lập Hội đồng kiểm tra, sát hạch cán bộ có nguyện vọng xin chuyển công tác về khối hành chính do 01 đồng chí Phó Tổng Thanh tra làm Chủ tịch Hội đồng, đại diện lãnh đạo các vụ, đơn vị có nhu cầu bổ sung cán bộ tham gia là thành viên Hội đồng.

b. Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp quyết định thành lập Hội đồng kiểm tra sát hạch cán bộ có nguyện vọng xin chuyển công tác về đơn vị sự nghiệp do 01 đồng chí lãnh đạo đơn vị sự nghiệp làm Chủ tịch Hội đồng.

2. Nội dung và hình thức kiểm tra, sát hạch:

- Việc kiểm tra, sát hạch phải căn cứ vào hướng dẫn của Bộ Nội vụ, tiêu chuẩn của ngạch chức danh cán bộ, công chức, viên chức và yêu cầu của công việc để tiến hành cho phù hợp.

Chương III

TUYỂN DỤNG CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC

Điều 9. Đối tượng dự tuyển

Những người không đủ điều kiện được điều động tiếp nhận theo quy định mà không thuộc đối tượng hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2000, nếu có nguyện vọng vào làm việc trong cơ quan Thanh tra Chính phủ thì phải qua kỳ tuyển dụng.

Điều 10. Hình thức tuyển dụng

1. Tuyển dụng công chức vào làm việc trong các đơn vị khối hành chính phải thông qua thi tuyển. Việc thi tuyển công chức được chia làm 02 loại đối tượng: đối tượng khi trúng tuyển không phải qua thực hiện chế độ công chức dự bị (quy định tại điều 11 của Quy chế này) và đối tượng khi trúng tuyển phải thực hiện chế độ công chức dự bị.

2. Tuyển dụng viên chức vào làm việc trong các đơn vị sự nghiệp thực hiện theo hình thức thi tuyển hoặc xét tuyển.

Điều 11. Các trường hợp thi tuyển vào khối hành chính khi trúng tuyển không phải thực hiện chế độ công chức dự bị

Các trường hợp sau đây đã có thời gian làm việc liên tục tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị của nhà nước từ 3 năm (đủ 36 tháng) trở lên thì khi trúng tuyển vào khối hành chính không phải thực hiện chế độ công chức dự bị, cụ thể:

1. Viên chức đang làm việc ở các đơn vị sự nghiệp của nhà nước.

2. Viên chức đang làm công tác quản lý, lãnh đạo từ cấp phòng trở lên trong các doanh nghiệp nhà nước.

3. Cán bộ, công chức cấp xã.

4. Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân Việt Nam.

Điều 12. Tiêu chuẩn và điều kiện dự tuyển

Người được dự tuyển vào làm việc ở cơ quan Thanh tra Chính phủ phải có đủ các điều kiện sau:

1. Là công dân Việt Nam, có địa chỉ thường trú tại Việt Nam;

2. Tuổi đời dự tuyển từ đủ 18 tuổi đến dưới 40 tuổi;

3. Có lập trường chính trị, tư tưởng vững vàng trên nền tảng Chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh;

4. Tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc;

5. Là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoặc là Đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh;

6. Lịch sử bản thân và gia đình rõ ràng; phẩm chất đạo đức, lối sống tốt, không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành án phạt tù, cải tạo không giam giữ, quản chế, đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục;

7. Có lý lịch chính trị gia đình không vi phạm Quy định số 57-QĐ/TW ngày 03 tháng 5 năm 2007 của Bộ Chính trị về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng;

8. Có đủ sức khoẻ đảm bảo công tác ổn định, lâu dài; có ngoại hình cân đối, phù hợp với công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng (không bị khuyết tật, dị dạng …);

9. Tốt nghiệp đại học (hoặc trên đại học) chuyên ngành phù hợp với chức danh cần tuyển; có chứng chỉ tin học, chứng chỉ ngoại ngữ thông dụng trình độ B;

10. Có hồ sơ xin dự tuyển công chức, viên chức nộp cho Hội đồng tuyển dụng theo quy định tại điều 13 của Quy chế này.

Điều 13. Hồ sơ dự tuyển gồm:

1. Đơn xin dự tuyển theo mẫu do Hội đồng tuyển dụng quy định;

2. Bản sao Giấy khai sinh;

3. Bản sao có công chứng các loại văn bằng, chứng chỉ theo quy định, khi trúng tuyển phải xuất trình bản chính để kiểm tra; bản nhận xét ưu điểm, khuyết điểm, kết quả học tập và các loại giấy tờ có liên quan;

4. Sơ yếu lý lịch (có dán ảnh) theo mẫu quy định, có xác nhận của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú hoặc của cơ quan đang công tác;

5. Giấy chứng nhận đủ sức khoẻ do cơ quan Y tế có thẩm quyền cấp quận, huyện và tương đương trở lên xác nhận cùng thời gian dự tuyển;

6. Nếu thí sinh thuộc đối tượng cộng điểm ưu tiên thì phải có giấy tờ xác nhận của cơ quan có thẩm quyền gửi kèm theo hồ sơ dự thi;

7. 02 phong bì dán tem, có ghi họ tên, địa chỉ của người dự tuyển và 02 ảnh cỡ 4x6;

Hồ sơ dự tuyển của mỗi thí sinh đươc bỏ vào túi đựng hồ sơ, bìa túi đựng hồ sơ phải ghi rõ họ tên, địa chỉ liên hệ, danh mục hồ sơ.

Điều 14. Nội dung thi tuyển hoặc xét tuyển, môn thi, hình thức thi, cộng điểm ưu tiên trong tuyển dụng do Hội đồng tuyển dụng quyết định theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Nội vụ, phải đảm bảo phù hợp với tiêu chuẩn chức danh cần tuyển, đánh giá đúng năng lực chuyên môn của người dự tuyển.

Điều 15. Hội đồng tuyển dụng

1. Hội đồng tuyển dụng công chức khối hành chính:

Tổng thanh tra Quyết định thành lập Hội đồng tuyển dụng để tổ chức thi tuyển công chức, công chức dự bị theo quy định. Thành phần Hội đồng tuyển dụng gồm 05 hoặc 07 thành viên:

- Chủ tịch Hội đồng là một đồng chí Phó Tổng thanh tra;

- Phó Chủ tịch Hội đồng là Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ;

- Các Uỷ viên Hội đồng là một số lãnh đạo các Vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ;

- Uỷ viên kiêm Thư ký Hội đồng là cán bộ phụ trách công tác tuyển dụng của Vụ Tổ chức Cán bộ.

2. Hội đồng tuyển dụng viên chức sự nghiệp:

Mỗi đơn vị sự nghiệp được thành lập 01 Hội đồng tuyển dụng riêng do Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp quyết định thành lập để tổ chức thi tuyển hoặc xét tuyển viên chức sự nghiệp theo quy định. Hội đồng tuyển dụng có 05 hoặc 07 thành viên gồm:

- Chủ tịch Hội đồng là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp;

- Các uỷ viên Hội đồng là đại diện lãnh đạo các bộ phận chuyên môn của đơn vị (trong đó có 01 uỷ viên kiêm thư ký Hội đồng là cán bộ thuộc bộ phận làm công tác tổ chức cán bộ của đơn vị) hoặc các chức danh chuyên ngành của đơn vị sự nghiệp.

3. Hội đồng tuyển dụng được thành lập các bộ phận giúp việc: Ban ra đề thi, Ban coi thi, Ban chấm thi, Ban phách.

4. Không cử những người có quan hệ thân nhân với người đăng ký dự tuyển (bố, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị em ruột) tham gia vào Hội đồng tuyển dụng và các bộ phận có trách nhiệm giúp việc cho Hội đồng tuyển dụng.

Điều 16. Sơ tuyển

1. Trường hợp số người đăng ký dự tuyển cao hơn nhiều so với chỉ tiêu được tuyển, Hội đồng tuyển dụng có thể tổ chức sơ tuyển.

2. Hình thức và nội dung sơ tuyển do Hội đồng tuyển dụng quyết định.

Điều 17. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng tuyển dụng

Hội đồng tuyển dụng làm việc theo nguyên tắc tập thể, biểu quyết theo đa số, có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

1. Xây dựng kế hoạch tổ chức thi tuyển hoặc xét tuyển (nếu có);

2. Thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng: kế hoạch tổ chức tuyển dụng; tiêu chuẩn và điều kiện dự tuyển; môn thi, hình thức và nội dung thi; nội quy kỳ thi; thời gian, địa điểm thi và phí dự tuyển theo quy định;

3. Tiếp nhận và xét duyệt hồ sơ dự tuyển; tổ chức sơ tuyển (nếu có); thông báo công khai danh sách những người đủ điều kiện và tiêu chuẩn dự tuyển; gửi giấy báo đến người đăng ký dự tuyển để tham dự kỳ thi;

4. Thành lập Ban ra đề thi, Ban coi thi, Ban chấm thi, Ban phách. Không cử những người đã tham gia Ban coi thi, Ban phách tham gia chấm thi;

5. Tổ chức thu phí dự tuyển và chi tiêu theo quy định;

6. Tổ chức thi tuyển hoặc xét tuyển;

7. Chỉ đạo và tổ chức chấm thi theo đúng quy định;

8. Hội đồng tuyển dụng công chức báo cáo kết quả tuyển dụng lên Tổng thanh tra để xem xét và ra quyết định công nhận kết quả; công bố kết quả tuyển dụng. Hội đồng tuyển dụng viên chức sự nghiệp báo cáo kết quả tuyển dụng lên Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp để báo cáo Tổng Thanh tra (qua Vụ Tổ chức Cán bộ) xem xét, chấp thuận; sau đó, Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp ra quyết định công nhận kết quả tuyển dụng; công bố kết quả tuyển dụng.

9. Giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dự tuyển.

10. Trong quá trình tổ chức tuyển dụng: Hội đồng tuyển dụng công chức được sử dụng con dấu của cơ quan Thanh tra Chính phủ, Hội đồng tuyển dụng viên chức của đơn vị sự nghiệp nào thì sử dụng con dấu của đơn vị sự nghiệp đó.

Điều 18. Trách nhiệm của người trúng tuyển

1. Trường hợp thi tuyển công chức khối hành chính:

- Trong thời gian chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày có quyết định tuyển dụng, người được tuyển dụng phải đến cơ quan nhận việc, nếu quá thời hạn không đến mà không có lý do chính đáng thì quyết định tuyển dụng bị huỷ bỏ.

- Người trúng tuyển là công chức dự bị phải thực hiện chế độ công chức dự bị theo quy định.

- Hết thời gian dự bị phải có bản báo cáo thực hiện chế độ công chức dự bị, có ý kiến nhận xét của lãnh đạo đơn vị đề nghị Tổng Thanh tra (qua Vụ Tổ chức Cán bộ) xem xét, quyết định.

2. Trường hợp thi tuyển hoặc xét tuyển viên chức khối sự nghiệp:

- Trong thời gian chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày công bố kết quả tuyển dụng, người trúng tuyển phải đến đơn vị sự nghiệp để ký hợp đồng làm việc lần đầu, nếu quá thời hạn không đến mà không có lý do chính đáng thì cơ quan tuyển dụng huỷ bỏ kết quả tuyển dụng.

- Người trúng tuyển vào làm việc trong các đơn vị sự nghiệp phải thực hiện chế độ thử việc theo quy định, tương ứng với thời hạn của hợp đồng làm việc lần đầu.

- Hết thời gian thử việc, viên chức phải có bản báo cáo thực hiện chế độ tập sự, thử việc, có ý kiến nhận xét của thủ trưởng bộ phận trực tiếp sử dụng viên chức đề nghị Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp xem xét, quyết định.

Điều 19. Trách nhiệm của vụ trưởng, thủ trưởng các đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ

1. Vụ Tổ chức Cán bộ:

- Vụ Tổ chức Cán bộ làm nhiệm vụ thường trực giúp Hội đồng tuyển dụng công chức triển khai các công việc tuyển dụng và hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra các đơn vị sự nghiệp triển khai thực hiện công việc tuyển dụng.

- Vụ Tổ chức Cán bộ làm việc với cơ quan quản lý hoặc Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người dự tuyển cư trú, thẩm tra, xác minh hồ sơ lý lịch bản thân và gia đình công chức.

- Tổng hợp kết quả thẩm tra, xác minh, kết quả thi tuyển, kết quả thực hiện chế độ công chức dự bị; hồ sơ và các văn bằng, chứng chỉ của người dự tuyển. Đề nghị Tổng Thanh tra xem xét, quyết định tuyển dụng chính thức, bổ nhiệm cán bộ vào ngạch công chức.

- Hàng năm, Vụ Tổ chức Cán bộ cùng các đơn vị trực tiếp quản lý cán bộ, công chức mới tuyển dụng, nhận xét, đánh giá; lựa chọn những người có hiệu quả cao trong công tác; ý thức rèn luyện phấn đấu tốt và có triển vọng báo cáo Tổng Thanh tra.

2. Các vụ, đơn vị tiếp nhận cán bộ:

- Giao việc, cử cán bộ hướng dẫn công chức mới được tuyển dụng và tạo điều kiện thực hiện chức trách, nhiệm vụ được đảm nhiệm.

- Nhận xét, đánh giá bằng văn bản về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực và kết quả công tác của công chức dự bị; báo cáo Tổng Thanh tra.

3. Các đơn vị sự nghiệp:

- Phối hợp với Vụ Tổ chức Cán bộ làm việc với cơ quan quản lý hoặc Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người dự tuyển cư trú, thẩm tra, xác minh hồ sơ lý lịch bản thân và gia đình viên chức.

- Quyết định tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ vào ngạch viên chức, ký hợp đồng làm việc với viên chức trúng tuyển theo quy định.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 20. Trách nhiệm thi hành

1. Trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình, thủ trư­ởng vụ, đơn vị chủ động tổ chức thực hiện Quy chế này.

2. Vụ Tổ chức Cán bộ có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các vụ, đơn vị thực hiện Quy chế này. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có điểm nào chưa rõ, vướng mắc, các vụ, đơn vị phản ánh về Vụ Tổ chức Cán bộ để báo cáo Tổng thanh tra xem xét, xử lý./.

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.