• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 07/07/1994
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2016
QUỐC HỘI
Số: Không số
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Nam Định, ngày 22 tháng 6 năm 1994

LUẬT

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật nghĩa vụ quân sự

Căn cứ vào các điều 44, 46, 48, 77 và 84 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;

Luật này sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật nghĩa vụ quân sự được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 30 tháng 12 năm 1981 và sửa đổi, bổ sung ngày 21 tháng 12 năm 1990.

Điều 1

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật nghĩa vụ quân sự như sau:

1- Điều 10 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Điều 10. Các cơ quan Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các tổ chức kinh tế, các tổ chức xã hội, nhà trường và gia đình, trong phạm vi chức năng của mình, có trách nhiệm động viên, giáo dục và tạo điều kiện cho công dân làm tròn nghĩa vụ quân sự".

2- Điều 11 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Điều 11. Địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, nhà trường, gia đình hoặc cá nhân có thành tích trong việc thi hành chế độ nghĩa vụ quân sự thì được khen thưởng theo quy định của Nhà nước".

3- Điều 17 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Điều 17. Công dân nam giới, trước khi đến tuổi nhập ngũ và trước khi nhập ngũ, phải được huấn luyện theo chương trình quân sự phổ thông, bao gồm giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự, rèn luyện ý thức tổ chức, kỷ luật và rèn luyện thể lực.

Việc huấn luyện quân sự phổ thông cho học sinh ở các trường thuộc chương trình chính khoá; nội dung huấn luyện do Bộ trưởng Bộ quốc phòng phối hợp với Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo quy định.

Việc huấn luyện quân sự phổ thông cho thanh niên không học ở các trường do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn, thủ trưởng cơ quan Nhà nước tổ chức; nội dung huấn luyện do Bộ trưởng Bộ quốc phòng quy định.

Bộ trưởng Bộ quốc phòng cùng với người đứng đầu các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội có liên quan chỉ đạo việc huấn luyện quân sự phổ thông.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, trong phạm vi chức năng của mình, chỉ đạo việc huấn luyện quân sự phổ thông cho thanh niên thuộc địa phương mình; các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội có trách nhiệm tạo điều kiện cho thanh niên làm việc ở cơ sở mình tham gia huấn luyện quân sự phổ thông".

4- Điều 19 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Điều 19. Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có trách nhiệm tổ chức chuẩn bị cho công dân phục vụ tại ngũ và gọi công dân nhập ngũ.

Tháng một hàng năm, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn, hiệu trưởng các trường dạy nghề, các trường trung học, thủ trưởng các cơ quan, người phụ trách các tổ chức kinh tế, các tổ chức xã hội và các đơn vị cơ sở khác phải báo cáo danh sách công dân nam giới đủ 17 tuổi trong năm đó cho Ban chỉ huy quân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh theo quy định của Bộ trưởng Bộ quốc phòng".

5- Đoạn 1 và 2 của Điều 21 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Hàng năm, việc gọi công dân nhập ngũ được tiến hành từ một đến hai lần, thời gian gọi nhập ngũ và số lượng công dân nhập ngũ trong năm do Chính phủ quyết định".

6- Điều 23 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Điều 23. Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn, cơ quan Nhà nước cùng các tổ chức kinh tế, các tổ chức xã hội và các đơn vị cơ sở khác có trách nhiệm tổ chức tiễn đưa và bảo đảm cho công dân được gọi nhập ngũ của cơ sở mình có mặt đúng thời gian và địa điểm quy định.

Chính quyền nhân dân các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, có trách nhiệm thực hiện chế độ, chính sách đối với gia đình quân nhân".

7- Điều 24 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Điều 24. Uỷ ban nhân dân các cấp thành lập Hội đồng nghĩa vụ quân sự ở cấp mình để giúp Uỷ ban nhân dân tổ chức thực hiện công tác nghĩa vụ quân sự ở địa phương.

Hội đồng nghĩa vụ quân sự gồm có Chủ tịch là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân, Phó Chủ tịch là Chỉ huy trưởng quân sự, các Uỷ viên là người phụ trách các ngành kế hoạch, lao động, công an, y tế, văn hoá - thông tin, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, Liên đoàn lao động, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội phụ nữ, Hội nông dân, Hội cựu chiến binh.

Hội đồng nghĩa vụ quân sự làm việc theo nguyên tắc tập thể; nghị quyết của Hội đồng phải được quá nửa tổng số thành viên Hội đồng biểu quyết tán thành."

8- Các điểm 2, 3, 4 và 5 của Điều 25 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"2- Đôn đốc, kiểm tra công dân đăng ký nghĩa vụ quân sự, kiểm tra sức khoẻ, khám sức khoẻ;

3- Đề nghị danh sách công dân được gọi nhập ngũ, được tạm hoãn và miễn gọi nhập ngũ trong thời bình, được miễn làm nghĩa vụ quân sự;

4- Đôn đốc, kiểm tra công dân thực hiện lệnh gọi nhập ngũ, lệnh tập trung huấn luyện, diễn tập, lệnh kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu;

5- Đôn đốc, kiểm tra các cơ quan và tổ chức hữu quan trong việc chấp hành chính sách hậu phương quân đội và quản lý công dân trong diện làm nghĩa vụ quân sự ở địa phương".

9- Điểm 2 và 3 của Điều 26 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"2- Lập danh sách công dân được gọi nhập ngũ, được tạm hoãn và miễn gọi nhập ngũ trong thời bình, được miễn làm nghĩa vụ quân sự;

3- Đôn đốc, kiểm tra các cơ quan và tổ chức hữu quan trong việc chấp hành chính sách hậu phương quân đội và quản lý công dân trong diện làm nghĩa vụ quân sự ở địa phương."

10- Điều 29 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Điều 29

1- Những người sau đây được tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình:

a) Người chưa đủ sức khoẻ phục vụ tại ngũ theo kết luận của Hội đồng khám sức khoẻ;

b) Người là lao động duy nhất phải trực tiếp nuôi người khác trong gia đình không còn sức lao động hoặc chưa đến tuổi lao động;

c) Người có anh, chị hoặc em ruột trong cùng một hộ gia đình là hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ tại ngũ;

d) Giáo viên, nhân viên y tế, thanh niên xung phong đang làm việc ở vùng cao có nhiều khó khăn, vùng sâu, biên giới, hải đảo xa xôi do Chính phủ quy định; cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước thuộc các ngành khác và cán bộ các tổ chức chính trị, xã hội được điều động đến làm việc ở những vùng nói trên;

đ) Người đang nghiên cứu công trình khoa học cấp Nhà nước được Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ hoặc người có chức vụ tương đương chứng nhận;

e) Người đang học ở các trường phổ thông, trường dạy nghề, trường trung học chuyên nghiệp, trường cao đẳng, trường đại học do Chính phủ quy định;

g) Người đi xây dựng vùng kinh tế mới trong 3 năm đầu.

Hàng năm, những người nói trên đây phải được kiểm tra, nếu không còn lý do tạm hoãn thì được gọi nhập ngũ, hết 27 tuổi mà vẫn không được gọi nhập ngũ thì chuyển sang ngạch dự bị.

2- Những người sau đây được miễn gọi nhập ngũ trong thời bình:

a) Con của liệt sĩ, con của thương binh, bệnh binh hạng một có thương tật, bệnh tật đặc biệt nặng;

b) Một người anh hoặc em trai của liệt sĩ;

c) Một con trai của thương binh hạng một, hạng hai và bệnh binh hạng một;

d) Thanh niên xung phong, cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước, cán bộ các tổ chức chính trị, xã hội đã phục vụ từ 24 tháng trở lên ở vùng cao có nhiều khó khăn, vùng sâu, biên giới, hải đảo xa xôi do Chính phủ quy định.

Trường hợp những người được quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này tình nguyện thì có thể được tuyển chọn, gọi nhập ngũ".

11- Điều 40 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Điều 40. Việc huấn luyện cho hạ sĩ quan, binh sĩ trong thời gian ở ngạch dự bị quy định như sau:

1- Hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị hạng một phải tham gia huấn luyện tổng số thời gian nhiều nhất là mười hai tháng.

Số lần huấn luyện và thời gian huấn luyện của mỗi lần do Bộ trưởng Bộ quốc phòng quy định.

2- Việc huấn luyện binh sĩ dự bị hạng hai do Chính phủ quy định theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ quốc phòng".

12- Điều 42 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Điều 42. Việc gọi quân nhân dự bị tập trung để huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu theo thời hạn quy định tại Điều 40 và Điều 41 của Luật này do Bộ trưởng Bộ quốc phòng quyết định.

Khi cần thiết, Bộ trưởng Bộ quốc phòng được quyền giữ quân nhân dự bị ở lại lớp huấn luyện thêm một thời gian không quá hai tháng, nhưng tổng số thời gian của các lần huấn luyện không được vượt quá thời gian đã quy định tại Điều 40 của Luật này".

13- Điều 51 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Điều 51. Trong thời gian tại ngũ, quân nhân chuyên nghiệp hưởng chế độ lương, các khoản phụ cấp theo lương và các quyền lợi khác do Chính phủ quy định".

14- Điều 52 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Điều 52. Trong thời gian tập trung huấn luyện và kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan và binh sĩ dự bị, gia đình quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan và binh sĩ dự bị hạng một được hưởng chế độ do Chính phủ quy định".

15- Điểm 3 của Điều 53 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"3- Từ tháng thứ hai mươi lăm trở đi, được hưởng thêm 200% phụ cấp hàng tháng; từ tháng thứ ba mươi bảy trở đi, được hưởng thêm một khoản phụ cấp hàng tháng do Chính phủ quy định;"

16- Điều 55 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Điều 55. Quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan và binh sĩ khi xuất ngũ được cấp tiền tàu xe, phụ cấp đi đường, được hưởng trợ cấp xuất ngũ, trợ cấp tạo việc làm do Chính phủ quy định.

Quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan và binh sĩ xuất ngũ kể từ khi đăng ký vào ngạch dự bị thì được miễn làm nghĩa vụ lao động công ích.

Thời gian binh sĩ dự bị hạng hai tập trung huấn luyện và kiểm tra sẵn sàng chiến đấu được trừ vào thời gian làm nghĩa vụ lao động công ích hàng năm".

17- Điểm 2 của Điều 56 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"2- Hạ sĩ quan và binh sĩ trước lúc nhập ngũ làm việc ở cơ quan, cơ sở kinh tế nào thì khi xuất ngũ, cơ quan, cơ sở kinh tế đó có trách nhiệm tiếp nhận lại. Nếu cơ quan, cơ sở cũ đã giải thể, bị đóng cửa hoặc phá sản, thì cơ quan cấp trên trực tiếp có trách nhiệm giải quyết việc làm.

Trường hợp cơ quan cấp trên cũng đã giải thể, hoặc không có cơ quan cấp trên trực tiếp, thì cơ quan Lao động - Thương binh và xã hội cấp tỉnh có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các cơ quan Nhà nước khác, các tổ chức kinh tế, các tổ chức xã hội để giải quyết việc làm; thực hiện chế độ, chính sách cho hạ sĩ quan, binh sĩ nói trên theo quy định của pháp luật về lao động và các lĩnh vực khác có liên quan".

18- Điều 61 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Điều 61. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn, Hiệu trường các trường dạy nghề, Trung học chuyên nghiệp, trường Cao đẳng, trường Đại học, Thủ trưởng cơ quan, người phụ trách các tổ chức kinh tế, các tổ chức xã hội và các đơn vị cơ sở khác phải thống kê quân nhân dự bị và người sẵn sàng nhập ngũ của cơ sở mình để báo cáo với Ban chỉ huy quân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh theo quy đinh của Bộ trưởng Bộ quốc phòng."

19- Điều 64 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Điều 64. Khi có lệnh tổng động viên hoặc lệnh động viên cục bộ thì:

1- Đình chỉ việc xuất ngũ;

2- Đình chỉ việc nghỉ phép đối với quân nhân; những quân nhân đang nghỉ phép phải trở về đơn vị ngay;

3- Chỉ huy trưởng quân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh gọi từng công dân nhập ngũ theo quyết định của Uỷ ban nhân dân cùng cấp.

Công dân được gọi nhập ngũ phải có mặt đúng thời gian và địa điểm ghi trong lệnh gọi nhập ngũ.

Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn, các tổ chức kinh tế, các tổ chức xã hội có trách nhiệm tổ chức để công dân chấp hành nghiêm chỉnh lệnh gọi nhập ngũ."

Điều 2

Sửa đổi một số chữ của Luật nghĩa vụ quân sự như sau:

a) Các chữ "Hội đồng Nhà nước" được sửa đổi thành các chữ "Uỷ ban thường vụ Quốc hội";

b) Các chữ "Hội đồng bộ trưởng" được sửa đổi thành các chữ "Chính phủ";

c) Các chữ "Điều 72" được sửa đổi thành các chữ "Điều 70";

d) Các chữ "Điều 73" được sửa đổi thành các chữ "Điều 71".

Điều 3.

Chính phủ sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật nghĩa vụ quân sự phù hợp với Luật này.

Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá IX, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 22 tháng 6 năm 1994.

 

Chủ tịch Quốc hội

(Đã ký)

 

Nông Đức Mạnh

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.