QUYẾT ĐỊNH
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về công tác thi đua,
khen thưởng trên địa bàn tỉnh Nam Định ban hành kèm theo Quyết định số 05/2019/QĐ-UBND ngày 15/3/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định
---------------------------------------
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NAM ĐỊNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 26 tháng 11 năm 2003; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 14 tháng 6 năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 16 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng;
Căn cứ Thông tư số 12/2019/TT-BNV ngày 04/11/2019 của Bộ Nội vụ quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 1020/TTr-SNV ngày 07 tháng 7 năm 2020 và Báo cáo thẩm định số 127/STP-BC ngày 01 tháng 7 năm 2020 của Sở Tư pháp về việc sửa đổi, bổ sung một số điều cảu Quy định về công tác thi đua, khen thưởng trên địa bàn tỉnh.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về công tác thi đua, khen thưởng trên địa bàn tỉnh Nam Định, ban hành kèm theo Quyết định số 05/2019/QĐ-UBND ngày 15 tháng 3 năm 2019 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Nam Định:
1. Sửa đổi, bổ sung Điều 4 như sau:
“Điều 4. Nguyên tắc và căn cứ xét khen thưởng
Thực hiện theo quy định tại Điều 6 Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2003; Khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2013; Điều 3 Nghị định số 91/2017/NĐ-CP">91/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thi đua, khen thưởng; Điều 2 Thông tư số 08/2017/TT-BNV">12/2019/TT-BNV ngày 04/11/2019 của Bộ Nội vụ quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 91/2017/NĐ-CP">91/2017/NĐ-CP ngày 31/72017 của Chính phủ, cụ thể:
1. Việc khen thưởng được thực hiện theo nguyên tắc sau:
a) Chính xác, công khai, công bằng, kịp thời.
b) Bảo đảm thống nhất, phù hợp giữa hình thức, mức hạng, đối tượng khen thưởng với chức năng, nhiệm vụ được giao và thành tích đạt được.
c) Một hình thức khen thưởng có thể tặng nhiều lần cho một đối tượng; không tặng nhiều hình thức khen thưởng cho một thành tích đạt được.
Tập thể, cá nhân đủ tiêu chuẩn tặng hình thức, mức hạng nào thì xét, đề nghị cấp có thẩm quyền tặng thưởng hình thức, mức hạng đó, không đề nghị khen thưởng vượt mức hạng.
d) Đối với hình thức khen thưởng cấp Nhà nước (gồm: Huân chương, Huy chương, danh hiệu vinh dự Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ), trong 01 năm mỗi tập thể, cá nhân chỉ được xét, tặng một hình thức khen thưởng, trừ trường hợp khen thưởng quá trình cống hiến, khen thưởng theo niên hạn và khen thưởng đột xuất.
đ) Khi tiến hành sơ kết, tổng kết việc thực hiện luật, pháp lệnh, nghị định hoặc phục vụ hội nghị, hội thảo, diễn đàn quốc tế, khu vực; các cơ quan, đơn vị không đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương cho các tập thể, cá nhân.
e) Trong cùng một thành tích, cùng một thời gian lập được thành tích; tập thể, cá nhân đã đề nghị bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương khen thưởng thì không trình Ủy ban nhân dân tỉnh khen thưởng.
g) Chưa khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng tập thể, cá nhân trong thời gian cơ quan có thẩm quyền đang xem xét thi hành kỷ luật hoặc điều tra, thanh tra, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm hoặc có đơn thư khiếu nại, tố cáo đang được xác minh làm rõ.
2. Việc xét khen thưởng được thực hiện theo các căn cứ sau:
a) Khen thưởng phải căn cứ vào điều kiện, tiêu chuẩn, thành tích đạt được; thành tích đến đâu khen thưởng đến đó; không nhất thiết khen thưởng theo trình tự có mức khen thưởng thấp rồi mới khen thưởng mức cao hơn.
b) Chỉ lấy kết quả khen thưởng về thành tích toàn diện của Uỷ ban nhân dân tỉnh để làm căn cứ xét khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng ở mức cao hơn. Kết quả khen thưởng theo đợt (chuyên đề), khen thưởng đột xuất, khen thưởng của các Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương được ghi nhận và ưu tiên khi xét khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng.
c) Việc bình xét khen thưởng phải trên cơ sở kết quả đánh giá, xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; của cơ quan, đơn vị, địa phương.
d) Khi xét khen thưởng đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải căn cứ vào thành tích của tập thể do cá nhân đó lãnh đạo, phụ trách.
đ) Thời gian để đề nghị khen thưởng cho lần tiếp theo được tính theo thời gian lập được thành tích ghi trong quyết định khen thưởng lần trước. Đối với quyết định không ghi thời gian thì việc đề nghị khen thưởng lần sau được tính từ thời gian ban hành quyết định khen thưởng lần trước.
e) Cơ quan có thẩm quyền căn cứ đối tượng, chức năng, nhiệm vụ được giao và thành tích đạt được của tập thể, cá nhân để khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng các hình thức phù hợp.
f) Đối với khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được (khen thưởng thành tích trong công tác vào dịp tổng kết công tác năm):
Đối với các tập thể, cá nhân đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương (khen thưởng thành tích trong công tác) thì sau 02 năm nếu đạt tiêu chuẩn theo quy định thì mới tiếp tục được xem xét, đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen.
g) Đối với khen thưởng chuyên đề:
Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh được giao chủ trì thực hiện các chuyên đề, lĩnh vực công tác tổ chức phát động đợt thi đua và khen thưởng theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng cho tập thể, cá nhân thuộc đơn vị mình quản lý và các tập thể, cá nhân thuộc các cơ quan, đơn vị khác có liên quan khi sơ kết, tổng kết thi đua theo chuyên đề.
Khen thưởng theo chuyên đề đối với tập thể chủ yếu là tập thể nhỏ (phòng, ban, chi cục, trung tâm và tương đương; các đơn vị trực thuộc các chi cục, trung tâm và tương đương; khoa, phòng và tương đương thuộc bệnh viện, trường học; xí nghiệp, phòng, phân xưởng thuộc Công ty, Tổng Công ty).
h) Đối với khen thưởng đột xuất:
Đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc đột xuất, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố khen thưởng theo thẩm quyền; trường hợp thành tích tiêu biểu xuất sắc, có phạm vi ảnh hưởng trong lĩnh vực thuộc tỉnh thì đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh khen thưởng hoặc trình khen thưởng cấp Nhà nước.
Không xét khen thưởng đột xuất cho tập thể, cá nhân thực hiện công việc được đảm nhận theo nhiệm vụ công tác hoặc theo chương trình, kế hoạch đã định trước”.
2. Sửa đổi Điều 7 như sau:
“Điều 7. Nội dung tổ chức phong trào thi đua
Thực hiện theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 91/2017/NĐ-CP và Điều 5 Thông tư 08/2017/TT-BNV">số 12/2019/TT-BNV”.
3. Bãi bỏ khoản 2 Điều 10; khoản 3, khoản 4 Điều 11.
4. Thay cụm từ “xét thay thế” bằng cụm từ “được công nhận” tại khoản 2 Điều 11.
5. Sửa đổi khoản 2 Điều 20 như sau:
“2. Khen thưởng quá trình cống hiến và các chức danh tương đương để xét khen thưởng quá trình cống hiến: Thực hiện theo quy định tại khoản 12, 13, 14, 18, 19, 20 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2013; các Điều 41, Điều 42 Nghị định số 91/2017/NĐ-CP và khoản 1 Điều 10 Thông tư số 12/2019/TT-BNV”.
6. Sửa đổi, bổ sung điểm g khoản 2 Điều 21 như sau:
“g) Trước khi đề nghị khen thưởng theo chuyên đề, cơ quan, đơn vị, địa phương thống nhất với Sở Nội vụ (Ban Thi đua khen thưởng) để hướng dẫn theo quy định (trừ khen thưởng một số chuyên đề, lĩnh vực hoặc khen thưởng đợt thi đua thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh)”.
7. Sửa đổi, bổ sung các khoản 1, khoản 4, khoản 5 Điều 27 như sau:
“1. Đối với những đơn vị có nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước, khi trình UBND tỉnh khen thưởng: Cờ thi đua, danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”, Bằng khen, danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh” và khen thưởng cấp nhà nước cho tập thể và cá nhân là thủ trưởng đơn vị, trong hồ sơ đề nghị khen thưởng phải có trích lục và nội dung xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách; việc thực hiện chính sách bảo hiểm đối với người lao động; đảm bảo môi trường, an toàn vệ sinh lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Việc đề nghị các hình thức khen thưởng đối với doanh nghiệp thuộc đối tượng kiểm toán theo quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước và Luật Kiểm toán độc lập phải có Báo cáo kết quả kiểm toán của cơ quan kiểm toán có thẩm quyền trong thời gian 05 năm trước thời điểm đề nghị khen thưởng. Đối với doanh nghiệp không thuộc đối tượng kiểm toán trong báo cáo thành tích phải nêu căn cứ không thuộc đối tượng kiểm toán.
Đối với doanh nghiệp đề nghị tặng “Cờ thi đua của Chính phủ” thuộc đối tượng kiểm toán phải có báo cáo kết quả kiểm toán (nếu chưa có kết quả kiểm toán thì sau khi có kết quả toán thực hiện trình khen thưởng theo quy định)”.
“4. Báo cáo thành tích của tập thể, cá nhân được đề nghị khen thưởng phải phù hợp với hình thức, mức hạng khen thưởng theo quy định, có xác nhận của thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương trình khen thưởng. Trong báo cáo có nội dung xác nhận mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cấp có thẩm quyền và đánh giá tổ chức Đảng, đoàn thể đối với tập thể, cá nhân đề nghị khen thưởng.
Nội dung báo cáo thành tích thực hiện theo các mẫu (từ số 01 đến số 09) Phụ lục kèm theo Nghị định số 91/2017/NĐ-CP. Khi trình khen thưởng, các cơ quan, đơn vị, địa phương đồng thời gửi file điện tử của hồ sơ đến Sở Nội vụ (Ban Thi đua, khen thưởng)”.
“5. Đối với khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được: Báo cáo thành tích của tập thể, cá nhân được đề nghị khen thưởng tính đến thời điểm các cơ quan, đơn vị, địa phương trình UBND tỉnh trước 05 tháng; quá thời hạn trên, UBND tỉnh không xem xét khen thưởng và trình khen thưởng”.
7. Sửa đổi, bổ sung Điều 32 như sau:
“Điều 32. Về công nhận phạm vi ảnh hưởng, hiệu quả áp dụng của sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học để làm căn cứ xét, tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng
1. Việc xét, công nhận phạm vi ảnh hưởng, hiệu quả áp dụng của sáng kiến, đề tài khoa học để làm căn cứ xét, tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng thực hiện theo quy định tại Điều 6 Thông tư số 12/2019/TT-BNV.
2. Sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học chỉ được sử dụng một lần để xét tặng danh hiệu thi đua hoặc hình thức khen thưởng”.
Điều 2. - Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 8 năm 2020.
- Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Hội đồng Thi đua, Khen thưởng tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh;Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.