• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/03/2007
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 16/2007/QĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 29 tháng 1 năm 2007

QUYẾT ĐỊNH

Về việc phê duyệt “Quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc

tài nguyên và môi trường quốc gia đến năm 2020”

_________________

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng  11 năm 2005;

Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 20  tháng 5 năm 1998;

Căn cứ Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình khí tượng thủy văn ngày 02 tháng 12 năm 1994;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt “Quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia đến năm 2020” (sau đây gọi tắt là Quy hoạch) với những nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM

1. Quy hoạch phải có tính kế thừa, tận dụng và phát huy tối đa cơ sở vật chất kỹ thuật và đội ngũ quan trắc viên hiện có; sửa chữa, nâng cấp hoặc đầu tư xây dựng mới các trạm, điểm quan trắc phải tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, yêu cầu bảo vệ tài nguyên - môi trường, đáp ứng nhu cầu cung cấp thông tin, số liệu điều tra cơ bản phục vụ phát triển bền vững đất nước trong từng giai đoạn.

2. Mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia được quy hoạch phải bảo đảm tính đồng bộ, tiên tiến, hiện đại, trên phạm vi toàn lãnh thổ và có đội ngũ cán bộ đủ năng lực để vận hành. Cùng một yếu tố quan trắc, tại mỗi thời điểm và vị trí xác định, việc quan trắc chỉ do một đơn vị sự nghiệp thực hiện theo một quy trình thống nhất.

3. Mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia là một hệ thống mở, liên tục được bổ sung, nâng cấp và hoàn thiện, kết nối và chia sẻ thông tin bảo đảm thông suốt từ trung ương đến địa phương với sự quản lý thống nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

4. Từng bước hiện đại hóa công nghệ, máy móc và thiết bị quan trắc trên cơ sở áp dụng rộng rãi các công nghệ nghiên cứu tạo ra ở trong nước và tiếp thu, làm chủ được các công nghệ tiên tiến của nước ngoài.

5. Hoạt động quan trắc tài nguyên và môi trường để thu thập và cung cấp thông tin, số liệu điều tra cơ bản phục vụ bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước được bảo đảm chủ yếu bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, đồng thời có cơ chế phù hợp để huy động thêm các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát:

Xây dựng mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia bảo đảm thống nhất trên phạm vi cả nước, đồng bộ, tiên tiến và từng bước hiện đại, đáp ứng nhu cầu thu thập và cung cấp thông tin, số liệu điều tra cơ bản về môi trường, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn, phục vụ có hiệu quả cho công tác xử lý, khắc phục ô nhiễm môi trường, dự báo, cảnh báo, phòng, tránh, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, phát triển mạnh và bền vững kinh tế - xã hội của đất nước.

2. Mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn:

a) Giai đoạn 2007 - 2010:

- Xây dựng và hoàn thiện cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý và điều hành; đào tạo bổ sung đội ngũ quan trắc viên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia;

- Bổ sung, sửa đổi các quy định, quy trình, quy phạm, chỉ tiêu quan trắc một cách đồng bộ, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ quan trắc của từng lĩnh vực tài nguyên và môi trường cụ thể;

- Củng cố và từng bước hiện đại hoá các trạm quan trắc tài nguyên và môi trường hiện có; xây dựng và đưa vào vận hành ít nhất 1/3 số trạm dự kiến xây mới, trọng tâm là những khu vực, những yếu tố quan trắc có nhu cầu cấp bách phục vụ phòng chống thiên tai và bảo vệ môi trường;

- Xây dựng, củng cố, nâng cấp các trung tâm thông tin, tư liệu môi trường, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn; tăng cường năng lực và bảo đảm truyền tin thông suốt giữa các trạm quan trắc, các trung tâm thông tin, tư liệu tài nguyên và môi trường; tạo lập, quản lý và khai thác có hiệu quả cơ sở dữ liệu quan trắc tài nguyên và môi trường.

b) Giai đoạn 2011 - 2015:

­- Tiếp tục củng cố và hiện đại hoá các trạm quan trắc tài nguyên và môi trường đã có; xây dựng và đưa vào vận hành ít nhất 1/2 số trạm còn lại;

- Nâng cấp cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường, bảo đảm thông tin thông suốt, đồng bộ, có hệ thống và độ tin cậy cao;

- Tiếp tục đào tạo bổ sung đội ngũ quan trắc viên, đáp ứng đủ nhu cầu cán bộ của mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia.

c) Giai đoạn 2016 - 2020:

- Hoàn thành việc xây dựng và đưa vào hoạt động có hiệu quả các trạm quan trắc trong Quy hoạch, bảo đảm tính hợp lý, thống nhất, đồng bộ, hiện đại của mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia;

- Nâng cao năng lực đội ngũ quan trắc viên, kỹ thuật viên và cán bộ quản lý, đáp ứng tốt yêu cầu hoạt động của mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia.

III. PHẠM VI CỦA QUY HOẠCH

Quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia đến năm 2020 được giới hạn trong khuôn khổ mạng lưới quan trắc hoạt động tương đối ổn định, lâu dài và việc quan trắc có thể kết hợp được giữa các lĩnh vực môi trường, tài nguyên nước và khí tượng thủy văn. Các trạm quan trắc mang tính đặc thù, phục vụ riêng cho dự báo, cảnh báo về các hiện tượng thiên tai nguy hiểm như lũ quét, sóng thần, động đất và các loại thiên tai khác sẽ được bổ sung, xây dựng theo từng đề án riêng.

IV. CÁC THÀNH PHẦN CƠ BẢN CỦA MẠNG LƯỚI QUAN TRẮC

1. Mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia được chia thành các mạng lưới chuyên ngành sau đây:

a) Mạng lưới quan trắc môi trường, gồm quan trắc môi trường nền và quan trắc môi trường tác động được xây dựng dựa trên cơ sở duy trì, nâng cấp các trạm, điểm quan trắc môi trường hiện có và xây dựng bổ sung các trạm, điểm quan trắc mới:

- Mạng lưới quan trắc môi trường nền đến năm 2020 gồm 8 điểm quan trắc môi trường nền không khí, 60 điểm quan trắc môi trường nền nước sông, 6 điểm quan trắc môi trường nền nước hồ, 140 điểm quan trắc môi trường nền nước dưới đất và 12 điểm quan trắc môi trường nền biển ven bờ và biển khơi;

- Mạng lưới quan trắc môi trường tác động đến năm 2020 gồm 34 đơn vị quan trắc với cơ sở vật chất, trang thiết bị quan trắc hiện đại. 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, khu công nghiệp quan trắc tác động môi trường không khí; 64 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, khu công nghiệp quan trắc tác động môi trường nước mặt lục địa; 21 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan trắc mưa axit; 32 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan trắc môi trường đất. Thực hiện quan trắc môi trường biển ở 48 cửa sông, 14 cảng biển, 11 bãi tắm, 7 vùng nuôi trồng thuỷ sản, 160 điểm ngoài khơi; quan trắc môi trường phóng xạ ở 120 mỏ và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; quan trắc chất thải rắn ở 64 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tập trung cho các khu công nghiệp, làng nghề); quan trắc đa dạng sinh học ở 49 vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên.

b) Mạng lưới quan trắc tài nguyên nước, gồm quan trắc tài nguyên nước mặt và quan trắc tài nguyên nước dưới đất:

- Mạng lưới quan trắc tài nguyên nước mặt đến năm 2020 gồm 348 trạm, trong đó có 270 trạm quan trắc lượng nước sông, 116 trạm quan trắc chất lượng nước sông, hồ và 1580 điểm đo mưa. Các trạm, điểm quan trắc này đã được lồng ghép tại các trạm, điểm thuộc mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn;

- Mạng lưới quan trắc tài nguyên nước dưới đất được xây dựng trên cơ sở duy trì, nâng cấp 39 trạm, 286 điểm và 661 công trình quan trắc hiện có và bổ sung các trạm, điểm còn thiếu đưa tổng số trạm, điểm quan trắc đến năm 2020 là 70 trạm, 692 điểm và 1331 công trình quan trắc.

c) Mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn, gồm quan trắc khí tượng, quan trắc thủy văn và quan trắc khí tượng hải văn:

- Mạng lưới quan trắc khí tượng được xây dựng trên cơ sở duy trì, nâng cấp 174 trạm khí tượng bề mặt, 29 trạm khí tượng nông nghiệp, 19 trạm khí tượng cao không (6 trạm rađa thời tiết, 3 trạm thám không vô tuyến, 7 trạm pilot, 3 trạm ôdôn - bức xạ cực tím) và 764 điểm đo mưa hiện có, đồng thời bổ sung các trạm, điểm còn thiếu, đưa tổng số trạm, điểm quan trắc đến  năm 2020 là 231 trạm khí tượng bề mặt, 79 trạm khí tượng nông nghiệp, 50 trạm khí tượng cao không (15 trạm rađa thời tiết, 11 trạm thám không vô tuyến, 11 trạm pilot, 4 trạm ôdôn - bức xạ cực tím, 9 trạm định vị sét) và 1.580 điểm đo mưa;

- Mạng lưới quan trắc thủy văn được xây dựng trên cơ sở duy trì, nâng cấp 248 trạm hiện có và bổ sung một số trạm còn thiếu, đưa tổng số trạm quan trắc đến năm 2020 là 347 trạm;

- Mạng lưới quan trắc khí tượng hải văn được xây dựng trên cơ sở duy trì, nâng cấp 17 trạm hiện có và bổ sung một số trạm còn thiếu, đưa tổng số trạm đến năm 2020 là 35 trạm.

2. Danh sách các trạm, điểm quan trắc tài nguyên và môi trường và các phòng thí nghiệm được quy hoạch theo mức độ ưu tiên để đầu tư xây dựng, nâng cấp theo ba giai đoạn: 2007 - 2010, 2011 - 2015 và 2016 - 2020 được ghi trong các Phụ lục I, II, III và IV kèm theo Quyết định này.

V. CÁC GIẢI PHÁP CHÍNH THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Vốn để thực hiện Quy hoạch:

a) Kinh phí để thực hiện các nội dung của Quy hoạch dự kiến khoảng 6.500 tỷ đồng. Tổng số kinh phí để thực hiện Quy hoạch được xác định trên cơ sở tổng hợp kinh phí của từng dự án, nhiệm vụ cụ thể được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định hiện hành của pháp luật;

b) Ngoài nguồn vốn ngân sách nhà nước, cần huy động thêm các nguồn vốn khác từ xã hội, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, vốn ODA, FDI...để thực hiện đầu tư có hiệu quả cho việc phát triển mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia.

2. Hoàn thiện về chính sách, pháp luật, kiện toàn tổ chức bộ máy:

a) Xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, quy trình, quy phạm, định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến việc quan trắc, thu thập, xử lý, quản lý và cung cấp thông tin, số liệu điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường theo chuẩn thống nhất để áp dụng trong cả nước;

b) Kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế; hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quy chế hoạt động của các đơn vị thuộc mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia;

c) Rà soát, xây dựng, bổ sung các chính sách khuyến khích, ưu đãi đối với đội ngũ làm công tác quan trắc, điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường, đặc biệt đối với các quan trắc viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và hải đảo;

d) Tiêu chuẩn hóa nghề nghiệp đối với quan trắc viên tài nguyên và môi trường.

3. Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, đổi mới công nghệ quan trắc:

a) Tăng cường đầu tư xây dựng các trạm, điểm quan trắc (sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, xây mới), ưu tiên cho các vùng kinh tế trọng điểm, các trạm thuộc mạng lưới dự báo, cảnh báo thiên tai và các khu vực mạng lưới quan trắc trên còn thiếu;

b) Đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, máy móc, thiết bị và công nghệ hiện đại cho hoạt động quan trắc, truyền tin, xử lý, quản lý và cung cấp thông tin, số liệu điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường;

c) Tập trung đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho các phòng thí nghiệm, các trung tâm phân tích và các cơ sở đào tạo quan trắc viên tài nguyên và môi trường.

4. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng các công nghệ tiên tiến và tăng cường đào tạo nguồn nhân lực:

a) Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng các công nghệ tiên tiến, nhất là công nghệ quan trắc, truyền tin, xử lý, quản lý, phân tích, đánh giá và cung cấp thông tin, số liệu điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường; nghiên cứu chế tạo các thiết bị quan trắc tự động phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế và xã hội của nước ta;

b) Nghiên cứu, đổi mới chương trình, nội dung đào tạo quan trắc viên tài nguyên và môi trường theo hướng có chọn lọc, chất lượng, bảo đảm đào tạo kiến thức đa năng, thực hiện được nhiều loại hình quan trắc, một số được đào tạo chuyên sâu thành kỹ thuật viên. Đẩy mạnh đào tạo lại để nâng cao nghiệp vụ, tay nghề cho đội ngũ cán bộ, kỹ thuật viên và quan trắc viên hiện có. Chú trọng nâng cao năng lực thực hành của quan trắc viên, đáp ứng yêu cầu vận hành của từng trạm, điểm quan trắc và của toàn bộ mạng lưới quốc gia.

5. Mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quan trắc tài nguyên và môi trường:

Mở rộng và tăng cường hợp tác song phương và đa phương với các quốc gia, tổ chức và cá nhân nước ngoài nhằm tranh thủ sự giúp đỡ của quốc tế về kinh nghiệm, khoa học công nghệ, tài chính, đào tạo nguồn nhân lực, thông tin, thu hút đầu tư... để phát triển nhanh, mạnh và vững chắc mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường của nước ta.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường:

a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan xây dựng kế hoạch dài hạn, 5 năm và chi tiết hàng năm để triển khai, thực hiện các nội dung của Quy hoạch; tổ chức thực hiện việc xây dựng và vận hành các trạm, điểm quan trắc tài nguyên và môi trường thuộc sự quản lý của Bộ;

b) Xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật, quy trình, quy phạm, định mức kinh tế - kỹ thuật, hướng dẫn chuyên môn - nghiệp vụ về quan trắc, thu thập, xử lý, tích hợp, quản lý, truyền và cung cấp thông tin, số liệu điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường để áp dụng thống nhất trong cả nước;

c) Rà soát, sửa đổi, bổ sung và quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức cho các đơn vị làm công tác quan trắc, điều tra cơ bản, quản lý thông tin, số liệu tài nguyên và môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường;

d) Cung cấp thông tin, số liệu quan trắc tài nguyên và môi trường cho các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị có nhu cầu, đồng thời công khai hoá các thông tin, số liệu phục vụ nâng cao dân trí, giáo dục, truyền thông, trừ các thông tin, số liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước;

đ) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương có liên quan để thanh tra, kiểm tra và định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm việc thực hiện các nội dung của Quy hoạch này;

e) Định kỳ hàng năm tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện lên Thủ tướng Chính phủ và kiến nghị giải quyết những vấn đề mới phát sinh vượt thẩm quyền.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính:

Căn cứ vào các nội dung của Quy hoạch đã được phê duyệt, trên cơ sở đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành và địa phương có liên quan cân đối, bố trí vốn để thực hiện Quy hoạch đúng tiến độ.

3. Các Bộ, ngành khác có liên quan:

a) Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường để thống nhất và hoàn thiện các hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ, quy trình, quy phạm và kỹ thuật quan trắc, phương thức trao đổi thông tin, số liệu quan trắc tài nguyên và môi trường áp dụng cho các trạm, điểm quan trắc do các Bộ, ngành quản lý;

b) Tổ chức việc quan trắc các tác động đối với môi trường từ hoạt động của ngành, lĩnh vực do Bộ, ngành quản lý;

c) Gửi thông tin, số liệu quan trắc tài nguyên và môi trường thu thập được của các Bộ, ngành về Bộ Tài nguyên và Môi trường.

4. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

a) Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, đưa vào vận hành các trung tâm quan trắc tài nguyên và môi trường ở địa phương;

b) Tổ chức việc quan trắc hiện trạng môi trường tại địa phương;

c) Báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường kết quả quan trắc tài nguyên và môi trường của các trạm, điểm quan trắc do địa phương quản lý, vận hành.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thực hiện các nội dung của Quy hoạch này.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.