• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 03/05/2005
  • Ngày hết hiệu lực: 01/11/2009
CHÍNH PHỦ
Số: 50/2005/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Nam Định, ngày 11 tháng 4 năm 2005

 

NGHỊ ĐỊNH

Về cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi

hành án dân sự và cán bộ, công chức làm công tác thi hành án dân sự

________________

 

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Pháp lệnh Thi hành án dân sự ngày 14 tháng 01 năm 2004;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp,

NGHỊ ĐỊNH:

CHƯƠNG I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định cụ thể về:

1. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự;

2. Tuyển chọn, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Chấp hành viên, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự;

3. Chế độ, chính sách đối với Chấp hành viên và cán bộ, công chức làm công tác thi hành án dân sự.

Điều 2. Các cơ quan quản lý thi hành án dân sự

1. Cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thi hành án dân sự trong phạm vi cả nước.

2. Cục Thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thi hành án dân sự trong quân đội.

3. Sở Tư pháp là cơ quan chuyên môn giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh) quản lý nhà nước về công tác thi hành án dân sự trên địa bàn cấp tỉnh; thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn quản lý đối với cơ quan thi hành án ở địa phương theo ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

4. Phòng Tư pháp là cơ quan chuyên môn giúp Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp huyện) quản lý về công tác thi hành án dân sự trên địa bàn cấp huyện.

Điều 3. Cơ quan thi hành án dân sự

Cơ quan thi hành án dân sự gồm có:

1. Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Thi hành án dân sự cấp tỉnh).

Thi hành án dân sự cấp tỉnh chịu sự quản lý, chỉ đạo của Bộ Tư pháp về tổ chức, cán bộ, công chức, kinh phí và nghiệp vụ; chịu sự quản lý, chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại khoản 1 Điều 58 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự.

2. Thi hành án dân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Thi hành án dân sự cấp huyện).

Thi hành án dân sự cấp huyện trực thuộc và chịu sự quản lý, chỉ đạo của Thi hành án dân sự cấp tỉnh về kinh phí và nghiệp vụ; chịu sự quản lý, chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân cấp huyện theo quy định tại khoản 2 Điều 58 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự.

Thi hành án dân sự cấp tỉnh, Thi hành án dân sự cấp huyện sau đây gọi chung là cơ quan thi hành án dân sự địa phương.

3. Thi hành án quân khu và tương đương (sau đây gọi chung là Thi hành án cấp quân khu).

Thi hành án cấp quân khu chịu sự quản lý, chỉ đạo của Bộ Quốc phòng và Tư lệnh quân khu theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Biên chế và kinh phí hoạt động của cơ quan quản lý thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự

1. Biên chế, kinh phí của Cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp và các cơ quan thi hành án dân sự địa phương :

a) Biên chế của Cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp và cơ quan thi hành án dân sự địa phương do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ trên cơ sở kế hoạch biên chế thi hành án hàng năm của Bộ Tư pháp.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định phân bổ chỉ tiêu biên chế cho Cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp, Thi hành án dân sự cấp tỉnh và quy định định mức biên chế cho Thi hành án dân sự cấp huyện của từng địa phương.

b) Kinh phí hoạt động của Cục Thi hành án dân sự, các cơ quan thi hành án dân sự địa phương do cơ quan có thẩm quyền quyết định trong phạm vi tổng biên chế và dự toán ngân sách hàng năm cho cơ quan thi hành án dân sự.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định phân bổ kinh phí hoạt động, kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản cho Cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp và các cơ quan thi hành án dân sự địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

2. Biên chế, kinh phí của Cục Thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng, Thi hành án cấp quân khu:

a) Biên chế của Cục Thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng, Thi hành án cấp quân khu do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định;

b) Kinh phí hoạt động của Cục Thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng, Thi hành án cấp quân khu do cơ quan có thẩm quyền quyết định trong dự toán ngân sách hàng năm cho cơ quan thi hành án trong quân đội.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định phân bổ kinh phí cho Cục Thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng và Thi hành án cấp quân khu theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Điều 5. Con dấu và tài khoản

Cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp, Cục Thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng, các cơ quan thi hành án dân sự địa phương, Thi hành án cấp quân khu có con dấu quốc huy, có tư cách pháp nhân và có tài khoản riêng.

CHƯƠNG II

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ

TỔ CHỨC CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

MỤC 1

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ

TỔ CHỨC CỦA CỤC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

THUỘC BỘ TƯ PHÁP

Điều 6. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp

1. Cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thi hành án dân sự trong phạm vi cả nước, có các nhiệm vụ, quyền hạn chung sau đây:

a) Giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp về xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thi hành án dân sự;

b) Giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý tổ chức, cán bộ của các cơ quan thi hành án dân sự địa phương; tham mưu để Bộ trưởng Bộ Tư pháp chỉ đạo hoặc chỉ đạo theo thẩm quyền việc áp dụng thống nhất các quy định pháp luật trong hoạt động thi hành án dân sự;

c) Hướng dẫn, chỉ đạo và kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ công tác thi hành án dân sự; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho Chấp hành viên và công chức khác của cơ quan thi hành án dân sự địa phương;

d) Giải quyết khiếu nại về thi hành án thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự; giải quyết tố cáo về thi hành án dân sự theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo.

2. Nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Cục Thi hành án dân sự do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định.

Điều 7. Tổ chức và cán bộ, công chức của Cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp

1. Cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp có các Phòng trực thuộc do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định.

2. Cục Thi hành án dân sự có Cục trưởng, Phó Cục trưởng, Trưởng phòng, Phó trưởng phòng, Thẩm tra viên, Thẩm tra viên chính, Thẩm tra viên cao cấp thi hành án và công chức khác.

3. Bộ trưởng Bộ Tư pháp thực hiện quản lý ngạch Thẩm tra viên, Thẩm tra viên chính, Thẩm tra viên cao cấp thuộc Cục Thi hành án dân sự.

4. Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành tiêu chuẩn, ngạch Thẩm tra viên, Thẩm tra viên chính, Thẩm tra viên cao cấp thuộc Cục Thi hành án dân sự sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

MỤC 2

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN,

TỔ CHỨC CỦA CỤC THI HÀNH ÁN THUỘC BỘ QUỐC PHÒNG

Điều 8. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cục Thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng

1. Cục Thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thi hành án dân sự trong quân đội, có các nhiệm vụ, quyền hạn chung sau đây :

a) Giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thi hành án trong quân đội; tham mưu để Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ đạo hoặc chỉ đạo theo thẩm quyền việc áp dụng thống nhất các quy định pháp luật về thi hành án trong quân đội;

b) Hướng dẫn, chỉ đạo và kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ công tác thi hành án dân sự; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho Chấp hành viên và cán bộ của Thi hành án cấp quân khu; chuẩn bị hồ sơ bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Chấp hành viên của Thi hành án cấp quân khu trình Hội đồng tuyển chọn;

c) Phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng quản lý tổ chức, cán bộ của Thi hành án cấp quân khu; phối hợp với Cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý nhà nước về thi hành án dân sự trong quân đội;

d) Giải quyết khiếu nại về thi hành án dân sự thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự; giải quyết tố cáo về thi hành án dân sự theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo.

2. Nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Cục Thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định.

3. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì cùng với Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn cụ thể việc phối hợp giữa Bộ trưởng Bộ Quốc phòng với Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý nhà nước về thi hành án dân sự trong quân đội.

Điều 9. Tổ chức và cán bộ của Cục Thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng

1. Cục Thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng có các Phòng trực thuộc do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định.

2. Cục Thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng có Cục trưởng, Phó Cục trưởng, Trưởng phòng, Phó trưởng phòng, Thẩm tra viên, Thẩm tra viên chính, Thẩm tra viên cao cấp thi hành án và cán bộ khác.

3. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tư pháp thực hiện quản lý các ngạch Thẩm tra viên thi hành án trong quân đội.

4. Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành tiêu chuẩn, ngạch Thẩm tra viên, Thẩm tra viên chính, Thẩm tra viên cao cấp Cục Thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

MỤC 3

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CÁC CƠ QUAN

TƯ PHÁP ĐỊA PHƯƠNG TRONG QUẢN LÝ

NHÀ NƯỚC VỀ THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

Điều 10. Nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Tư pháp

1. Giúp Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về thi hành án dân sự ở địa phương trong các việc sau đây (theo quy định tại khoản 1 Điều 58 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự):

a) Chỉ đạo công tác thi hành án dân sự, yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự báo cáo công tác thi hành án dân sự ở địa phương;

b) Chỉ đạo việc tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp ảnh hưởng đến tình hình an ninh, chính trị ở địa phương theo đề nghị của Trưởng Thi hành án dân sự cấp tỉnh;

c) Chỉ đạo Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cơ quan thi hành án, các cơ quan chuyên môn phối hợp với các đoàn thể liên quan trên địa bàn trong công tác thi hành án dân sự ở địa phương;

d) Yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức kiểm tra, thanh tra; chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp kiểm tra, thanh tra công tác thi hành án dân sự ở địa phương;

đ) Chỉ đạo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự ở địa phương theo quy định của pháp luật;

e) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.

2. Thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn theo ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong việc quản lý tổ chức, cán bộ của các cơ quan thi hành án dân sự địa phương.

Điều 11. Nhiệm vụ, quyền hạn của Phòng Tư pháp

Phòng Tư pháp giúp Uỷ ban nhân dân cấp huyện quản lý nhà nước về thi hành án dân sự ở địa phương trong các việc sau đây (theo quy định tại khoản 2 Điều 58 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự):

1. Chỉ đạo công tác thi hành án dân sự, yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự báo cáo công tác thi hành án dân sự ở địa phương.

2. Chỉ đạo việc tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp ảnh hưởng đến tình hình an ninh, chính trị ở địa phương theo đề nghị của Trưởng Thi hành án dân sự cấp huyện.

3. Chỉ đạo Uỷ ban nhân dân cấp xã, cơ quan thi hành án, các cơ quan chuyên môn phối hợp với các đoàn thể liên quan trên địa bàn trong công tác thi hành án dân sự.

4. Yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức kiểm tra; chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp kiểm tra công tác thi hành án dân sự ở địa phương.

5. Chỉ đạo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự ở địa phương theo quy định của pháp luật.

6. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của Uỷ ban nhân dân cấp huyện.

CHƯƠNG III

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ

 TỔ CHỨC CỦA CƠ QUAN THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

MỤC 1

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC

 CỦA THI HÀNH ÁN DÂN SỰ CẤP TỈNH

Điều 12. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thi hành án dân sự cấp tỉnh

1. Tổ chức thực hiện áp dụng thống nhất các quy định của pháp luật trong hoạt động thi hành án dân sự tại địa phương.

2. Chỉ đạo hoạt động thi hành án đối với Thi hành án dân sự cấp huyện; hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án cho Chấp hành viên, công chức khác của các cơ quan thi hành án dân sự địa phương trên địa bàn.

3. Trực tiếp tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án và các quyết định khác theo quy định của pháp luật.

4. Hoàn chỉnh hồ sơ thủ tục, báo cáo Hội đồng tuyển chọn Chấp hành viên xem xét, tuyển chọn và đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Chấp hành viên các cơ quan thi hành án dân sự địa phương.

5. Tổng kết thực tiễn thi hành án dân sự, thực hiện chế độ thống kê, báo cáo công tác thi hành án dân sự và thực hiện sự chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại Điều 57 và Điều 58 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự, Nghị định này và theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

6. Giải quyết khiếu nại về thi hành án dân sự thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

7. Quản lý cán bộ, công chức, kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động của các cơ quan thi hành án dân sự tại địa phương theo quy định của pháp luật và của Bộ Tư pháp.

8. Thực hiện chế độ, chính sách, công tác thi đua khen thưởng và đề nghị cơ quan có thẩm quyền quyết định khen thưởng, kỷ luật đối với cá nhân, tập thể thuộc Thi hành án dân sự cấp tỉnh, Thi hành án dân sự cấp huyện trực thuộc theo quy định của pháp luật và của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

9. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 13. Tổ chức của Thi hành án dân sự cấp tỉnh

1. Thi hành án dân sự cấp tỉnh có các đơn vị trực thuộc.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn về cơ cấu tổ chức của Thi hành án dân sự cấp tỉnh.

2. Thi hành án dân sự cấp tỉnh có Trưởng Thi hành án, Phó Trưởng Thi hành án, Chấp hành viên, Thẩm tra viên, Thẩm tra viên chính và các chức danh khác.

Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh là Trưởng Thi hành án, Phó trưởng Thi hành án dân sự cấp tỉnh.

3. Bộ trưởng Bộ Tư pháp thực hiện quản lý ngạch Thẩm tra viên, Thẩm tra viên chính thuộc Thi hành án dân sự cấp tỉnh.

4. Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành tiêu chuẩn, ngạch Thẩm tra viên, Thẩm tra viên chính Thi hành án dân sự cấp tỉnh sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

MỤC 2

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ

TỔ CHỨC CỦA THI HÀNH ÁN CẤP QUÂN KHU

Điều 14. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thi hành án cấp quân khu

1. Giúp Tư lệnh quân khu và tương đương tổ chức phối hợp các cơ quan hữu quan trong việc thi hành án trên địa bàn cấp quân khu theo quy định tại khoản 2 Điều 8 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự.

2. Trực tiếp tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của pháp luật.

3. Tổng kết thực tiễn thi hành án; thực hiện chế độ thống kê, báo cáo công tác thi hành án theo quy định của pháp luật và của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

4. Giải quyết khiếu nại về thi hành án thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

5. Quản lý kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động của Thi hành án cấp quân khu theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Quốc phòng.

6. Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền quyết định khen thưởng đối với cá nhân, tập thể thuộc Thi hành án cấp quân khu có thành tích trong hoạt động thi hành án.

7. Phối hợp với các cơ quan chức năng của quân khu quản lý cán bộ thuộc Thi hành án cấp quân khu theo quy định của pháp luật và theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

8. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 15. Tổ chức của Thi hành án cấp quân khu

1. Thi hành án cấp quân khu có Trưởng Thi hành án, Phó trưởng Thi hành án, Chấp hành viên, Thẩm tra viên và cán bộ khác.

Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp quân khu là Trưởng Thi hành án, Phó trưởng Thi hành án cấp quân khu.

2. Tổ chức cụ thể của Thi hành án cấp quân khu do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định.

MỤC 3

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ

TỔ CHỨC CỦA THI HÀNH ÁN DÂN SỰ CẤP HUYỆN

Điều 16. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thi hành án dân sự cấp huyện

1. Trực tiếp tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án và các quyết định khác theo quy định của pháp luật.

2. Giải quyết khiếu nại về thi hành án theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự.

3. Tổng kết thực tiễn thi hành án dân sự, thực hiện chế độ thống kê, báo cáo công tác thi hành án dân sự và thực hiện sự chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân cấp huyện theo quy định tại Điều 57 và Điều 58 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự, Nghị định này và theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

4. Quản lý cán bộ, công chức của Thi hành án dân sự cấp huyện theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

5. Thực hiện chế độ tài chính, quản lý cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động được giao theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

6. Thực hiện công tác thi đua trong đơn vị và đề nghị các cơ quan có thẩm quyền khen thưởng đối với cá nhân, tập thể thuộc Thi hành án dân sự cấp huyện có thành tích trong hoạt động thi hành án.

7. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 17. Tổ chức của Thi hành án dân sự cấp huyện

1. Thi hành án dân sự cấp huyện có Trưởng Thi hành án, Phó trưởng Thi hành án, Chấp hành viên, Thẩm tra viên và các chức danh khác.

Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện là Trưởng Thi hành án, Phó trưởng Thi hành án dân sự cấp huyện.

2. Bộ trưởng Bộ Tư pháp thực hiện quản lý ngạch Thẩm tra viên thuộc Thi hành án dân sự cấp huyện.

3. Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành tiêu chuẩn, ngạch Thẩm tra viên Thi hành án dân sự cấp huyện sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

CHƯƠNG IV

CHẤP HÀNH VIÊN VÀ THỦ TRƯỞNG,

PHÓ THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN THI HÀNH ÁN

MỤC 1

CHẤP HÀNH VIÊN

Điều 18. Quyền hạn và nghĩa vụ của Chấp hành viên

Chấp hành viên thực hiện nhiệm vụ của Chấp hành viên theo quy định tại Điều 14 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự, đồng thời có quyền hạn, nghĩa vụ như sau:

1. Nghiêm chỉnh chấp hành hiến pháp, pháp luật.

2. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; chủ động, tích cực tổ chức thi hành án đúng nội dung bản án, quyết định của Tòa án và theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định.

3. Khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà gây thiệt hại thì cơ quan thi hành án nơi Chấp hành viên công tác phải có trách nhiệm bồi thường. Chấp hành viên đã gây ra thiệt hại nếu có lỗi thì tùy từng trường hợp cụ thể có trách nhiệm bồi hoàn cho cơ quan thi hành án theo quy định của pháp luật.

4. Chấp hành viên có nghĩa vụ từ chối thực hiện nhiệm vụ được giao khi có căn cứ cho rằng việc đó là trái pháp luật. Nếu Thủ trưởng cơ quan thi hành án vẫn quyết định thì Chấp hành viên phải chấp hành, nhưng Thủ trưởng cơ quan thi hành án phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Trong trường hợp này, Chấp hành viên có nghĩa vụ báo cáo lên Trưởng Thi hành án dân sự cấp tỉnh (đối với cơ quan thi hành án cấp huyện), báo cáo lên Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp (đối với cơ quan thi hành án cấp tỉnh), báo cáo lên Cục trưởng Cục Thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng (đối với cơ quan thi hành án cấp quân khu) và không phải chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành quyết định đó.

Điều 19. Những việc Chấp hành viên không được làm

Chấp hành viên không được làm những việc sau đây:

1. Những việc mà pháp luật quy định cán bộ, công chức không được làm.

2. Tư vấn cho người được thi hành án, người phải thi hành án hoặc những người khác có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến quá trình thi hành án làm cho việc thi hành án không đúng quy định của pháp luật.

3. Can thiệp trái pháp luật vào việc giải quyết các vụ việc thi hành án hoặc lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người có trách nhiệm thi hành án.

4. Chuyển hồ sơ thi hành án hoặc tài liệu trong hồ sơ thi hành án ra khỏi cơ quan nếu không vì nhiệm vụ được giao hoặc không được sự đồng ý của người có thẩm quyền.

5. Sử dụng trái phép tiền, tài sản, vật chứng có liên quan đến thi hành án.

6. Thi hành những vụ việc có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ trực tiếp của bản thân, gia đình mình và những người thân thích khác.

7. Sử dụng thẻ Chấp hành viên, trang phục thi hành án, công cụ hỗ trợ trái quy định của pháp luật.

8. Sách nhiễu, gây phiền hà cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình thi hành án.

Điều 20. Thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Chấp hành viên

1. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Chấp hành viên của các cơ quan thi hành án dân sự do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định theo quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự và Nghị định này trên cơ sở đề nghị của Hội đồng tuyển chọn Chấp hành viên.

2. Bộ Tư pháp hướng dẫn cụ thể các tiêu chí để áp dụng thống nhất tiêu chuẩn Chấp hành viên và những nội dung khác có liên quan đến việc chuẩn bị nhân sự, điều kiện, thủ tục để tuyển chọn và bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Chấp hành viên sau khi trao đổi thống nhất với Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ.

Điều 21. Hội đồng tuyển chọn Chấp hành viên

1. Hội đồng tuyển chọn Chấp hành viên quy định tại Điều 13 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự gồm có:

a) Hội đồng tuyển chọn Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự địa phương được thành lập ở cấp tỉnh;

b) Hội đồng tuyển chọn Chấp hành viên Thi hành án cấp quân khu.

2. Hội đồng tuyển chọn Chấp hành viên làm việc theo chế độ tập thể. Quyết định của Hội đồng tuyển chọn Chấp hành viên phải được quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành.

3. Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định cụ thể Quy chế hoạt động của Hội đồng tuyển chọn Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự địa phương và Hội đồng tuyển chọn Chấp hành viên Thi hành án cấp quân khu.

Điều 22. Thành phần, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng tuyển chọn Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự địa phương

1. Thành phần của Hội đồng tuyển chọn Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự địa phương gồm có:

a) Chủ tịch Hội đồng là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh;

b) Phó Chủ tịch Hội đồng là Giám đốc Sở Tư pháp;

c) Các ủy viên: Trưởng Thi hành án dân sự cấp tỉnh, đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ, đại diện thường trực Ban Chấp hành Hội Luật gia cấp tỉnh;

Danh sách ủy viên Hội đồng tuyển chọn Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự địa phương do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định theo đề nghị của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.

2. Hội đồng tuyển chọn Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự địa phương có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Tuyển chọn người đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 13 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự làm Chấp hành viên cấp tỉnh, cấp huyện theo đề nghị của Trưởng Thi hành án dân sự cấp tỉnh và đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm Chấp hành viên;

b) Xem xét và đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp miễn nhiệm Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự địa phương đối với những trường hợp quy định tại Điều 24 của Nghị định này và đề nghị của Trưởng Thi hành án dân sự cấp tỉnh;

c) Xem xét và đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp cách chức Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự địa phương đối với những trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 25 của Nghị định này và đề nghị của Trưởng Thi hành án dân sự cấp tỉnh.

Điều 23. Thành phần, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng tuyển chọn Chấp hành viên Thi hành án cấp quân khu

1. Hội đồng tuyển chọn Chấp hành viên Thi hành án cấp quân khu gồm có:

a) Chủ tịch Hội đồng là một Thứ trưởng Bộ Quốc phòng;

b) Phó Chủ tịch Hội đồng là Cục trưởng Cục Thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng;

c) Các ủy viên: Thủ trưởng Vụ pháp chế Bộ Quốc phòng; Thủ trưởng Cục Cán bộ, Tổng cục Chính trị; Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp; đại diện thường trực Trung ương Hội Luật gia Việt Nam;

Danh sách ủy viên Hội đồng tuyển chọn Chấp hành viên Thi hành án cấp quân khu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

2. Hội đồng tuyển chọn Chấp hành viên Thi hành án cấp quân khu có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Tuyển chọn người đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 13 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự làm Chấp hành viên Thi hành án cấp quân khu theo đề nghị của Cục trưởng Cục Thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng và đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm Chấp hành viên;

b) Xem xét và đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp miễn nhiệm Chấp hành viên Thi hành án cấp quân khu đối với những trường hợp quy định tại Điều 24 của Nghị định này và đề nghị của Cục trưởng Cục Thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng;

c) Xem xét và đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp cách chức Chấp hành viên Thi hành án cấp quân khu theo quy định tại khoản 2 Điều 25 của Nghị định này và đề nghị của Cục trưởng Cục Thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng.

Điều 24. Căn cứ để miễn nhiệm Chấp hành viên

Miễn nhiệm chức danh Chấp hành viên khi thuộc một trong những trường hợp sau đây:

1. Do hoàn cảnh gia đình hoặc sức khỏe mà xét thấy không thể bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

2. Do chuyển công tác khác.

3. Vi phạm kỷ luật nhưng chưa đến mức phải áp dụng các hình thức kỷ luật cách chức hoặc buộc thôi việc, nhưng xét thấy không còn đủ điều kiện để làm Chấp hành viên.

4. Năng lực yếu hoặc các trường hợp khác mà xét thấy Chấp hành viên không hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Điều 25. Căn cứ để cách chức Chấp hành viên

1. Chấp hành viên đương nhiên bị cách chức chức danh Chấp hành viên khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Bị buộc thôi việc;

b) Bị kết án bằng một bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật tuyên người đó có tội.

2. Chấp hành viên có thể bị cách chức chức danh Chấp hành viên khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Vi phạm quy định của pháp luật trong quá trình tổ chức thi hành án mà chưa đến mức bị buộc thôi việc hoặc truy cứu trách nhiệm về hình sự nhưng xét thấy cần phải áp dụng hình thức kỷ luật cách chức Chấp hành viên;

b) Vi phạm nghiêm trọng quy định tại Điều 19 của Nghị định này;

c) Bị kỷ luật bằng hình thức cách chức chức vụ quản lý đang đảm nhiệm theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức nhưng xét thấy không còn đủ điều kiện, tiêu chuẩn làm Chấp hành viên và cần phải cách chức chức danh Chấp hành viên;

d) Vi phạm nghiêm trọng về đạo đức nghề nghiệp của Chấp hành viên;

đ) Có hành vi vi phạm pháp luật khác.

Điều 26. Bổ nhiệm lại đối với Chấp hành viên

1. Bổ nhiệm lại đối với Chấp hành viên được bổ nhiệm trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 được xác định như sau:

a) Các trường hợp đã làm Chấp hành viên từ năm năm trở lên nhưng không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này phải được xem xét để bổ nhiệm lại theo quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự và của Nghị định này. Việc bổ nhiệm lại đối với các trường hợp nêu trên được thực hiện kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực pháp luật. Trong trường hợp vì lý do khách quan mà sau ngày Nghị định này có hiệu lực, các cơ quan chức năng vẫn chưa xem xét để bổ nhiệm lại thì Chấp hành viên tiếp tục làm nhiệm vụ cũ cho đến khi có quyết định mới của cơ quan có thẩm quyền nhưng tối đa là đến ngày 30 tháng 6 năm 2005. Kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2005, nếu các trường hợp nêu trên không được xem xét để bổ nhiệm lại theo quy định mới thì phải chuyển sang làm nhiệm vụ khác, trừ trường hợp thật sự đặc biệt mà các cơ quan chức năng vẫn chưa thể xem xét để làm thủ tục bổ nhiệm lại và không phải do lỗi của Chấp hành viên thì người đó vẫn tiếp tục được làm nhiệm vụ cũ nhưng phải có sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ Tư pháp;

b) Các trường hợp tuy đã được bổ nhiệm Chấp hành viên từ năm năm trở lên, nhưng không còn đủ tuổi để bổ nhiệm lại thêm một nhiệm kỳ nữa, nếu vẫn còn sức khỏe và có đủ các tiêu chuẩn của chức danh đang đảm nhiệm thì không phải xem xét bổ nhiệm lại mà tiếp tục giữ nguyên chức danh cũ cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.

2. Việc áp dụng tiêu chuẩn Chấp hành viên khi xem xét bổ nhiệm lại đối với Chấp hành viên thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này như sau:

a) Các trường hợp được xem xét để bổ nhiệm lại chức danh Chấp hành viên cũng phải có tiêu chuẩn quy định tại Điều 13 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự nhưng không nhất thiết đòi hỏi phải có tiêu chuẩn có chứng chỉ đào tạo về nghiệp vụ thi hành án;

b) Đối với trường hợp khi xem xét bổ nhiệm lại mà chưa có trình độ cử nhân luật thì vẫn xem xét để tuyển chọn bổ nhiệm chức danh Chấp hành viên nhưng trong nhiệm kỳ mới phải học tập để có trình độ cử nhân luật. Kể từ nhiệm kỳ tiếp theo những Chấp hành viên này nếu không có trình độ cử nhân luật thì coi là không đủ tiêu chuẩn và không được xem xét để tuyển chọn và bổ nhiệm lại chức danh Chấp hành viên.

Điều 27. Xác định tiêu chuẩn Chấp hành viên trong một số trường hợp đặc biệt

1. Đối với các trường hợp bổ nhiệm chức danh Chấp hành viên lần đầu thì khi xem xét để tuyển chọn và bổ nhiệm, người được bổ nhiệm phải có đủ các tiêu chuẩn theo quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự, trừ trường hợp do điều động cán bộ, công chức từ cơ quan khác sang cơ quan thi hành án để bổ nhiệm Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án. Trong trường hợp này khi xem xét tuyển chọn và bổ nhiệm chức danh Chấp hành viên không nhất thiết đòi hỏi phải có tiêu chuẩn có chứng chỉ đào tạo về nghiệp vụ thi hành án nhưng phải có đủ các tiêu chuẩn khác của Chấp hành viên theo quy định tại Pháp lệnh Thi hành án dân sự.

2. Đối với trường hợp đã làm Chấp hành viên của Thi hành án dân sự cấp huyện, nhưng chưa đủ thời gian là năm năm, nếu có thời gian làm công tác pháp luật từ mười năm trở lên (kể cả thời gian làm Chấp hành viên) và có các tiêu chuẩn khác theo quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự thì áp dụng tương tự như trường hợp quy định tại đoạn hai khoản 3 Điều 13 Pháp lệnh Thi hành án dân sự để xem xét tuyển chọn và bổ nhiệm làm Chấp hành viên của Thi hành án dân sự cấp tỉnh.

Điều 28. Điều động, biệt phái Chấp hành viên

1. Để đảm bảo cho các cơ quan thi hành án dân sự địa phương thực hiện chức năng, nhiệm vụ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định điều động, biệt phái Chấp hành viên các cơ quan thi hành án dân sự địa phương từ tỉnh này đến tỉnh khác.

2. Để đảm bảo cho Thi hành án cấp quân khu thực hiện chức năng, nhiệm vụ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định điều động Chấp hành viên từ Thi hành án cấp quân khu này đến Thi hành án cấp quân khu khác và thông báo bằng văn bản cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

3. Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định cụ thể việc điều động Chấp hành viên của Thi hành án cấp huyện trong phạm vi địa bàn cấp tỉnh.

MỤC 2

THỦ TRƯỞNG VÀ PHÓ THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN THI HÀNH ÁN

Điều 29. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án

1. Thủ trưởng cơ quan thi hành án có nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây:

a) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 16 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của cơ quan thi hành án cấp mình được quy định tại Điều 12, Điều 14 và Điều 16 của Nghị định này;

b) Thực hiện nhiệm vụ thi hành án, tổ chức thi hành án theo quy định của pháp luật;

c) Kiểm tra, phát hiện, khắc phục kịp thời và xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý đối với vi phạm của Chấp hành viên thuộc phạm vi quản lý của mình khi thực hiện nhiệm vụ được giao và giải quyết khiếu nại theo pháp luật về thi hành án, giải quyết tố cáo về thi hành án theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo;

d) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

2. Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án thực hiện một số nhiệm vụ theo sự phân công của Thủ trưởng cơ quan thi hành án và chịu trách nhiệm trước Thủ trưởng cơ quan thi hành án về việc thực hiện các nhiệm vụ được phân công.

Trong trường hợp Thủ trưởng cơ quan thi hành án đi công tác dài ngày hoặc vì lý do khác mà không thực hiện được nhiệm vụ, hoặc tại cơ quan thi hành án chưa có Thủ trưởng cơ quan thi hành án thì một Phó Thủ trưởng được phân công thực hiện nhiệm vụ của Thủ trưởng cơ quan thi hành án.

Điều 30. Thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án

1. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự địa phương thực hiện theo quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự và các quy định sau đây:

a) Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Trưởng, Phó trưởng Thi hành án dân sự cấp tỉnh do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định theo đề nghị của Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp.

Giám đốc Sở Tư pháp phối hợp với Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Bộ Tư pháp trong việc trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Trưởng Thi hành án, Phó trưởng Thi hành án dân sự cấp tỉnh. Hồ sơ bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Trưởng Thi hành án, Phó trưởng Thi hành án dân sự cấp tỉnh phải có ý kiến bằng văn bản của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh;

b) Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Trưởng Thi hành án dân sự cấp huyện do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp.

Trưởng Thi hành án dân sự cấp tỉnh đề xuất nhân sự, hoàn tất hồ sơ để Giám đốc Sở Tư pháp đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Trưởng Thi hành án dân sự cấp huyện. Hồ sơ bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Trưởng Thi hành án dân sự cấp huyện phải có ý kiến bằng văn bản của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện;

c) Thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó trưởng Thi hành án dân sự cấp huyện do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định. Hồ sơ bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó trưởng Thi hành án dân sự cấp huyện phải có ý kiến bằng văn bản của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện.

2. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Trưởng Thi hành án, Phó trưởng Thi hành án cấp quân khu do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định theo đề nghị của Cục trưởng Cục Thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng;

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định cụ thể thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Trưởng Thi hành án, Phó trưởng Thi hành án cấp quân khu.

Điều 31. Thời hạn giữ chức vụ Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự

1. Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự được bổ nhiệm có thời hạn là năm năm.

2. Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực pháp luật các trường hợp Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự đã giữ chức vụ từ năm năm trở lên thì phải được xem xét để bổ nhiệm lại.

3. Đối với trường hợp tuy thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều này, nhưng thời gian công tác còn lại không đủ năm năm sẽ được nghỉ việc theo chế độ hưu trí, thì không phải bổ nhiệm lại mà giữ nguyên chức vụ cũ, nếu người đó vẫn có đủ điều kiện để tiếp tục giữ chức vụ cũ.

4. Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định cụ thể việc bổ nhiệm lại đối với Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự địa phương.

CHƯƠNG V

CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI CHẤP HÀNH VIÊN,

CÔNG CHỨC LÀM CÔNG TÁC THI HÀNH ÁN

Điều 32. Thẻ Chấp hành viên

1. Thẻ Chấp hành viên của các cơ quan thi hành án dân sự địa phương, Thi hành án cấp quân khu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp cấp.

2. Chấp hành viên được cấp thẻ để sử dụng trong khi thi hành nhiệm vụ; khi thay đổi chức vụ được đổi thẻ khác phù hợp với chức vụ mới; khi thôi giữ chức vụ thì phải trả lại thẻ, khi bị thi hành kỷ luật với hình thức cách chức chức danh Chấp hành viên hoặc buộc thôi việc thì bị thu hồi thẻ; nếu Chấp hành viên làm mất thẻ thì phải báo cáo ngay cho cơ quan công an gần nhất và cơ quan thi hành án nơi người đó công tác biết.

3. Mẫu thẻ, việc cấp phát, thay đổi và thu hồi thẻ Chấp hành viên do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định.

Điều 33. Công cụ hỗ trợ thi hành án

Chấp hành viên được cấp công cụ hỗ trợ để sử dụng khi thi hành công vụ. Bộ trưởng Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công an quy định về việc cấp, trang bị công cụ hỗ trợ cho Chấp hành viên. Việc quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Điều 34. Lương và phụ cấp của Chấp hành viên, công chức làm công tác thi hành án

1. Chấp hành viên, công chức làm công tác thi hành án được hưởng thang bậc lương và phụ cấp theo quy định của Chính phủ. Mức phụ cấp cụ thể của Chấp hành viên, Thẩm tra viên thi hành án do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

2. Thẩm tra viên, Thẩm tra viên chính, Thẩm tra viên cao cấp thuộc các cơ quan thi hành án quy định tại Điều 7, Điều 13 và Điều 17 của Nghị định này được xếp lương theo nhóm chức danh A1, A2 (nhóm 1), A3 (nhóm 1) Bảng lương chuyên môn nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức cơ quan nhà nước, ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Điều 35. Phù hiệu của Chấp hành viên, công chức làm công tác thi hành án

1. Chấp hành viên, công chức làm công tác thi hành án thuộc cơ quan thi hành án dân sự địa phương, công chức của Cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp được cấp phù hiệu để phục vụ thi hành nhiệm vụ.

2. Phù hiệu gắn trên cầu vai áo:

a) Phù hiệu gắn trên cầu vai áo của các công chức thuộc Cục Thi hành án dân sự được biểu thị bằng vạch màu vàng và hình khối ngôi sao màu vàng. Xung quanh phù hiệu được viền màu boócđô đỏ, có hai vạch vàng dệt nổi trên nền màu xanh đậm. Phù hiệu của Trưởng phòng chuyên môn thuộc Cục Thi hành án dân sự có ba ngôi sao màu vàng được đặt theo vị trí nhất định, trong đó hai ngôi sao nằm ngang gần phía cuối phù hiệu, một ngôi sao nằm dọc theo phù hiệu; phù hiệu của Phó trưởng Phòng chuyên môn thuộc Cục Thi hành án dân sự có hai ngôi sao màu vàng được đặt theo vị trí nhất định trên nền hai vạch màu vàng; phù hiệu của các công chức còn lại của Cục Thi hành án dân sự gồm một ngôi sao màu vàng đặt ngay chính giữa phù hiệu trên nền hai vạch màu vàng; phù hiệu của Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp có bốn ngôi sao màu vàng được đặt theo vị trí nhất định nằm dọc theo phù hiệu mà không có vạch; phù hiệu của Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp có ba ngôi sao màu vàng được đặt theo vị trí nhất định nằm dọc theo phù hiệu mà không có vạch;

b) Phù hiệu gắn trên cầu vai áo của các công chức thuộc Thi hành án dân sự cấp tỉnh được biểu thị bằng vạch màu bạc và hình khối ngôi sao màu bạc. Xung quanh phù hiệu được viền màu boócđô đỏ, có hai vạch màu bạc dọc dệt nổi trên nền màu xanh đậm. Phù hiệu của Trưởng Thi hành án dân sự cấp tỉnh có bốn ngôi sao màu bạc được đặt theo vị trí nhất định trên nền hai vạch màu bạc dọc dệt nổi, trong đó hai ngôi sao nằm ngang gần phía cuối phù hiệu, hai ngôi sao nằm dọc theo phù hiệu; phù hiệu của Phó trưởng Thi hành án dân sự cấp tỉnh có ba ngôi sao màu bạc được đặt theo vị trí nhất định trên nền hai vạch màu bạc dọc dệt nổi, trong đó hai ngôi sao nằm ngang gần phía cuối phù hiệu, một ngôi sao nằm dọc theo phù hiệu; phù hiệu của Chấp hành viên Thi hành án dân sự cấp tỉnh có hai ngôi sao màu bạc được đặt theo vị trí nhất định trên nền hai vạch màu bạc dọc dệt nổi; phù hiệu của các công chức khác thuộc Thi hành án dân sự cấp tỉnh có một ngôi sao màu bạc được đặt ngay chính giữa phù hiệu trên nền vạch màu bạc;

c) Phù hiệu gắn trên cầu vai áo của các công chức thuộc Thi hành án dân sự cấp huyện được biểu thị bằng vạch màu bạc và hình khối ngôi sao màu bạc. Xung quanh phù hiệu được viền màu boócđô đỏ, có một vạch màu bạc dọc dệt nổi trên nền màu xanh đậm. Phù hiệu của Trưởng Thi hành án dân sự cấp huyện có bốn ngôi sao màu bạc được đặt theo vị trí nhất định trên nền một vạch màu bạc dọc dệt nổi, trong đó hai ngôi sao nằm ngang gần phía cuối phù hiệu, hai ngôi sao nằm dọc theo phù hiệu; phù hiệu của Phó trưởng Thi hành án dân sự cấp huyện có ba ngôi sao màu bạc được đặt theo vị trí nhất định trên nền một vạch màu bạc dọc dệt nổi, trong đó hai ngôi sao nằm ngang gần phía cuối phù hiệu, một ngôi sao nằm dọc theo phù hiệu; phù hiệu của Chấp hành viên Thi hành án dân sự cấp huyện có hai ngôi sao màu bạc được đặt theo vị trí nhất định trên nền một vạch màu bạc dọc dệt nổi; phù hiệu của các công chức khác thuộc Thi hành án dân sự cấp huyện có một ngôi sao màu bạc được đặt ngay chính giữa phù hiệu trên nền vạch màu bạc.

3. Phù hiệu gắn trên ve áo của tất cả các công chức Cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp, các cơ quan thi hành án dân sự địa phương có cành tùng màu vàng.

4. Phù hiệu gắn trên mũ của tất cả các chức danh thuộc Cục Thi hành án dân sự Bộ Tư pháp, các cơ quan thi hành án dân sự địa phương có hình tròn bằng kim loại, chính giữa có ngôi sao vàng năm cánh nổi nằm ở trung tâm hình tròn. Phía dưới phù hiệu có hình chữ "THI HÀNH ÁN" nổi màu đỏ uốn cong theo phù hiệu cùng với lá cây tùng kết thành hình uốn cong xung quanh phù hiệu.

Điều 36. Trang phục của Chấp hành viên, công chức làm công tác thi hành án

1. Chấp hành viên, công chức làm công tác thi hành án thuộc các cơ quan thi hành án dân sự địa phương, công chức của Cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp được cấp trang phục để phục vụ thi hành nhiệm vụ.

2. Các loại trang phục cấp cho công chức làm công tác thi hành án nêu tại khoản 1 Điều này gồm có: quần áo thu đông; áo khoác ngoài mùa đông; quần áo xuân hè mặc ngoài; áo sơ mi dài tay; giầy da; thắt lưng da; dép da; tất chân; cơravat; áo mưa; mũ kêpi; mũ bảo hiểm thi hành án; cặp da đựng tài liệu.

3. Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định mẫu, màu sắc, nguyên tắc sử dụng trang phục Chấp hành viên, công chức các cơ quan thi hành án dân sự địa phương, Cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp để áp dụng thống nhất trong phạm vi toàn quốc.

4. Chấp hành viên, các cán bộ khác thuộc Thi hành án cấp quân khu, Cục Thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng được cấp trang phục theo quy định tại khoản 2 Điều này. Nguyên tắc sử dụng trang phục của Chấp hành viên, các cán bộ khác của Thi hành án cấp quân khu, của Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định.

Điều 37. Niên hạn, cấp phát, sử dụng trang phục, phù hiệu thi hành án

1. Niên hạn trang phục:

a) Quần áo thu đông mặc ngoài một bộ ba năm;

b) Áo khoác ngoài mùa đông một cái ba năm;

c) Quần áo xuân hè mặc ngoài hai bộ hai năm;

d) Áo sơ mi dài tay một cái một năm;

đ) Giầy da một đôi một năm;

e) Thắt lưng da một chiếc một năm;

g) Dép da một đôi một năm;

h) Tất chân hai đôi một năm;

i) Cơravat hai cái hai năm;

k) Áo mưa một chiếc một năm;

l) Mũ kêpi một chiếc hai năm;

m) Mũ bảo hiểm thi hành án một chiếc hai năm;

n) Cặp da đựng tài liệu một chiếc ba năm.

2. Cấp phát và sử dụng trang phục:

a) Chấp hành viên, công chức làm công tác thi hành án được cấp trang phục theo niên hạn quy định tại khoản 1 Điều này. Đối với quần áo thu đông, quần áo xuân hè lần đầu được cấp hai bộ; áo sơ mi dài tay lần đầu cấp hai cái;

b) Trường hợp trang phục bị mất hoặc hư hỏng có lý do chính đáng thì được cấp hoặc đổi lại.

3. Chấp hành viên, công chức được cấp phù hiệu để sử dụng trong niên hạn ba năm. Hết niên hạn, phải thu hồi lại phù hiệu, sau đó mới cấp phù hiệu mới. Trường hợp phù hiệu bị mất hoặc hư hỏng thì được cấp hoặc đổi lại. Khi chuyển công tác khác, Chấp hành viên, công chức có trách nhiệm nộp lại phù hiệu cho cơ quan thi hành án nơi mình công tác.

CHƯƠNG VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 38. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Nghị định số 30/CP ngày 02 tháng 6 năm 1993 của Chính phủ về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý công tác thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự và Chấp hành viên và các quy định khác có liên quan trái với quy định của Nghị định này.

Điều 39. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ trưởng Bộ Tư pháp có trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị định này.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.