• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 10/10/2014
BỘ TÀI CHÍNH-BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Số: 125/2014/TTLT-BTC-BGDĐT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Nam Định, ngày 27 tháng 8 năm 2014

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn nội dung, mức chi cho hoạt động kiểm định chất lượng

giáo dục cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và thường xuyên

________________

 

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ngày 25 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục; Nghị định số 31/2011/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục; Nghị định số 07/2013/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi điểm b khoản 13 Điều 1 của Nghị định số 31/2011/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2011 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn nội dung, mức chi cho hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và thường xuyên.

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này hướng dẫn nội dung, mức chi cho hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đối với cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên.

2. Thông tư này áp dụng với các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục; các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên (sau đây gọi là cơ sở giáo dục); các tổ chức và cá nhân có liên quan.

Điều 2. Chi cho hoạt động tự đánh giá

1. Chi thuê chuyên gia tư vấn (trong nước và ngoài nước) triển khai công tác tự đánh giá: Thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng giữa hai bên nhưng phải phù hợp với khả năng kinh phí của cơ sở giáo dục và tuân theo các quy định hiện hành về tài chính của Nhà nước.

2. Chi điều tra, thu thập thông tin, xử lý, phân tích kết quả thu thập thông tin, minh chứng, mã hóa minh chứng, viết báo cáo tự đánh giá và các tài liệu liên quan: Thực hiện theo Thông tư số 58/2011/TT-BTC ngày 11 tháng 5 năm 2011 của Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra thống kê.

Điều 3. Chi cho hoạt động đánh giá ngoài

1. Chi phí phương tiện đi lại, phụ cấp lưu trú, thuê phòng ngủ cho các thành viên đoàn đánh giá ngoài: Thực hiện theo Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 06 tháng 7 năm 2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

2. Chi phục vụ công tác nghiên cứu hồ sơ đánh giá của từng thành viên và viết báo cáo sơ bộ: Tối đa không quá 600.000 đồng/người/cơ sở giáo dục (không quá 07 người).

3. Chi phục vụ công tác làm việc tập trung nghiên cứu hồ sơ đánh giá của từng thành viên (tối đa không quá 04 ngày và không quá 07 người):

a) Trưởng đoàn: Tối đa không quá 200.000 đồng/người/ngày;

b) Thư ký: Tối đa không quá 180.000 đồng/người/ngày;

c) Các thành viên khác: Tối đa không quá 150.000 đồng/người/ngày.

4. Chi khảo sát tại cơ sở giáo dục (tối đa không quá 05 ngày và không quá 07 người):

a) Trưởng đoàn: Tối đa không quá 200.000 đồng/người/ngày;

b) Thư ký: Tối đa không quá 180.000 đồng/người/ngày;

c) Các thành viên khác: Tối đa không quá 150.000 đồng/người/ngày.

5. Chi viết báo cáo đánh giá ngoài: Mức chi khoán theo sản phẩm cuối cùng không quá 1.000.000 đồng/báo cáo.

6. Chi in ấn và văn phòng phẩm: Thực hiện theo thực tế phát sinh trên nguyên tắc tiết kiệm, có đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp lý, hợp lệ theo quy định của pháp luật.

7. Chi in và cấp giấy chứng nhận chất lượng giáo dục: 300.000 đồng/giấy chứng nhận.

Điều 4. Nguồn kinh phí thực hiện

Kinh phí chi cho hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục cơ sở giáo dục được trích từ nguồn thu của cơ sở giáo dục, và cân đối trong dự toán chi sự nghiệp giáo dục đào tạo hàng năm theo phân cấp ngân sách nhà nước hoặc từ nguồn hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các quy định khác có liên quan.

Điều 5. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 10 năm 2014.

2. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật được dẫn chiếu trong Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo các văn bản mới.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh hoặc khó khăn vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo để xem xét, giải quyết./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Tài chính
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Giáo dục và Đào tạo
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Nguyễn Vinh Hiển

Trương Chí Trung

 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.