• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/01/2014
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2017
BỘ TÀI CHÍNH
Số: 165/2013/TT-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Nam Định, ngày 15 tháng 11 năm 2013

THÔNG TƯ

Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí trong lĩnh vực đăng kiểm

 tàu biển, công trình biển; phí đánh giá, chứng nhận hệ thống quản lý an toàn, an ninh

 tàu biển, công trình biển và phí phê duyệt, kiểm tra, đánh giá và chứng nhận lao động

 hàng hải thuộc phạm vi giám sát của Cục Đăng kiểm Việt Nam

____________________

 

Căn cứ Bộ Luật Hàng hải số 40/2005/QH11 ngày 05/5/2005;

Căn cứ Pháp lệnh Phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28/8/2001;

Căn cứ Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí; Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06/3/2006 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế,

Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí trong lĩnh vực đăng kiểm tàu biển, công trình biển; phí đánh giá, chứng nhận hệ thống quản lý an toàn, an ninh tàu biển, công trình biển và phí phê duyệt, kiểm tra, đánh giá và chứng nhận lao động hàng hải thuộc phạm vi giám sát của Cục Đăng kiểm Việt Nam, như sau:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí kiểm định an toàn kỹ thuật và chất lượng tàu biển, công trình biển; phí kiểm định an toàn kỹ thuật và chất lượng thiết bị, vật tư lắp đặt cho tàu biển, công trình biển; phí đánh giá và chứng nhận hệ thống quản lý an toàn theo Bộ luật Quản lý an toàn quốc tế; phí phê duyệt kế hoạch, đánh giá và chứng nhận an ninh tàu biển theo Bộ luật Quốc tế về an ninh tàu biển, cảng biển và phí phê duyệt, kiểm tra, đánh giá và chứng nhận lao động hàng hải thuộc phạm vi giám sát của Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Điều 2. Người nộp phí

Người nộp phí là các tổ chức, cá nhân được cơ quan Đăng kiểm Việt Nam thực hiện các công việc sau:

1. Kiểm định an toàn kỹ thuật và chất lượng tàu biển, công trình biển;

2. Kiểm định an toàn kỹ thuật và chất lượng thiết bị, vật tư (sau đây gọi tắt là sản phẩm công nghiệp) lắp đặt trên tàu biển và công trình biển;

3. Đánh giá, chứng nhận hệ thống quản lý an toàn, an ninh tàu biển, công trình biển; phê duyệt, kiểm tra, đánh giá và chứng nhận lao động hàng hải.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Số đơn vị phí tiêu chuẩn (ĐVPTC) là số đơn vị phí được xác định theo các loại hình công việc kiểm định thực hiện và các thông số đặc trưng của tàu biển và công trình biển. Số ĐVPTC được nêu ở các phần tương ứng của Biểu mức phí ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Số đơn vị phí theo thời gian thực hiện công việc kiểm định (ĐVPTG) được xác định theo công thức: ĐVPTG = 400 x k.

Trong đó:

- 400: Số đơn vị phí tính cho 01 lần thực hiện công việc kiểm định;

- Tàu biển mang cấp của Cục Đăng kiểm Việt Nam, hệ số k = 1;

- Tàu biển mang cấp của Đăng kiểm nước ngoài, hệ số k = 1,5;

- Công trình biển, hệ số k = 2,5.

3. Giá trị của một đơn vị phí (α) được xác định như sau:

a) Đối với tàu biển thuộc phạm vi giám sát của Cục Đăng kiểm Việt Nam: α = 1.700 đồng.

b) Đối với tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam hoặc mang cờ quốc tịch nước ngoài mang cấp của Đăng kiểm nước ngoài và công trình biển thuộc phạm vi giám sát của Cục Đăng kiểm Việt Nam: α = 0,50 Đô la Mỹ.

4. Chi phí khác (CPK) bao gồm các khoản chi phí: Đi lại, ăn ở, thông tin liên lạc phục vụ cho công việc kiểm định. Các khoản chi phí này tính theo chi phí thực tế, có sự xác nhận của đại diện của cơ quan, đơn vị và được cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm thanh toán phí kiểm định chấp nhận.

Điều 4. Biểu mức thu phí

1. Ban hành kèm theo Thông tư này Phụ lục bao gồm 03 Biểu mức thu phí như sau:

a) Biểu mức thu phí kiểm định an toàn kỹ thuật và chất lượng tàu biển, công trình biển;

b) Biểu mức thu phí kiểm định an toàn kỹ thuật và chất lượng sản phẩm công nghiệp lắp đặt cho tàu biển, công trình biển;

c) Biểu mức thu phí đánh giá và chứng nhận hệ thống quản lý an toàn theo Bộ luật Quản lý an toàn quốc tế (Bộ luật ISM); phí phê duyệt kế hoạch, đánh giá và chứng nhận an ninh tàu biển theo Bộ luật Quốc tế về an ninh tàu biển, cảng biển (Bộ luật ISPS) và phí phê duyệt, kiểm tra, đánh giá và chứng nhận lao động hàng hải theo Công ước Lao động hàng hải năm 2006.

2. Mức thu tại các Biểu mức thu phí quy định tại khoản 1 Điều này đã bao gồm thuế giá trị gia tăng nhưng chưa bao gồm lệ phí cấp giấy chứng nhận chất lượng và an toàn kỹ thuật cho tàu biển, công trình biển (theo quy định tại Thông tư số 102/2008/TT-BTC ngày 11/11/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp giấy chứng nhận bảo đảm chất lượng, an toàn kỹ thuật đối với máy móc, thiết bị, phương tiện giao thông vận tải) và chi phí về ăn ở, đi lại, thông tin liên lạc để phục vụ công tác kiểm định (chi phí này thực hiện theo Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 06/7/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập).

Điều 5. Phương pháp tính phí kiểm định

1. Phương pháp tính phí kiểm định tiêu chuẩn (PKĐTC): Áp dụng cho tất cả các công việc kiểm định có số đơn vị phí tiêu chuẩn nêu trong các Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư này.

Phí kiểm định tiêu chuẩn được xác định theo công thức:

PKĐTC = PTC + CPK

Trong đó:

- PTC: Phí tiêu chuẩn;

+ Đối với tàu biển và sản phẩm công nghiệp: PTC = α x ĐVPTC

+ Đối với công trình biển: PTC được tính bằng 1,5 lần ứng với các loại hình kiểm tra và các đối tượng kiểm tra tương ứng của tàu biển.

- CPK: Chi phí khác.

2. Phương pháp tính phí kiểm định theo thời gian thực hiện công việc kiểm định (PKĐTG), áp dụng cho các công việc kiểm định sau:

a) Kiểm tra sửa chữa tàu biển, kiểm tra bất thường và kiểm tra liên tục máy.

b) Kiểm định sản phẩm công nghiệp, giám định tai nạn và sự cố hàng hải, giám định trạng thái kỹ thuật tàu và các công việc kiểm định chưa được nêu trong các Biểu mức thu phí quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này.

c) Đối với trường hợp thời gian giám sát đóng mới, hoán cải tàu biển, công trình biển bị kéo dài quá thời gian quy định trong hợp đồng giám sát kỹ thuật được ký kết giữa Cục Đăng kiểm Việt Nam (hoặc các Chi cục trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam) với khách hàng thì phí kiểm định phải được tính thêm số phí kiểm định tính theo thời gian thực hiện công việc thực tế trong giai đoạn thời gian kéo dài.

d) Đối với tính phí kiểm định kiểm tra tàu đang khai thác, nếu đăng kiểm viên phải tăng số lần thực hiện công việc kiểm định do phải thực hiện giám sát, kiểm tra bổ sung thì phí kiểm định phải được tính thêm số phí kiểm định tính theo thời gian thực hiện công việc bổ sung thực tế.

Phí kiểm định theo thời gian được tính theo công thức:

PKĐTG = PTG + CPK

Trong đó:

- PTG = α x ĐVPTG x n: Là phí tính theo số lần thực hiện công việc kiểm định.

n: Là số lần thực hiện công việc kiểm định. Một lần thực hiện công việc kiểm định tối đa trong thời gian 4 giờ. Nếu thời gian thực hiện một công việc kiểm định trên 4 giờ, được tính thêm như sau: Số lẻ dưới 2 giờ tính bằng 0,5 lần; số lẻ từ 2 giờ đến 4 giờ tính là một lần. Thời gian đi lại, chờ đợi thực hiện công việc kiểm định và thời gian lập hồ sơ kiểm định không được tính vào số giờ để xác định số lần thực hiện công việc kiểm định.

- CPK: Chi phí khác.

3. Các trường hợp tính phí kiểm định khác

a) Đối với các tàu biển hoặc công trình biển Cục Đăng kiểm Việt Nam không thực hiện việc phân cấp mà chỉ thực hiện việc kiểm tra an toàn kỹ thuật, thì việc tính phí kiểm định các hạng mục tương ứng được thực hiện như đối với tàu, công trình biển được phân cấp.

b) Đối với các công việc kiểm định được thực hiện theo nội dung thỏa thuận giữa Cục Đăng kiểm Việt Nam và Đăng kiểm nước ngoài thì phí kiểm định được xác định theo thỏa thuận giữa Cục Đăng kiểm Việt nam với Đăng kiểm nước ngoài và tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm thanh toán phí.

c) Đối với dịch vụ giám sát, kiểm tra các công trình biển chưa nêu trong các Biểu mức thu phí quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này, phí kiểm định được tính theo hợp đồng thỏa thuận giữa Cục Đăng kiểm Việt Nam và khách hàng. Mức phí kiểm định được tính theo ngày làm việc và tối thiểu bằng 60% mức phí kiểm định của Đăng kiểm nước ngoài tham gia thực hiện đối với công việc tương ứng.

d) Phí kiểm định theo các Biểu mức thu phí quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này chưa gồm các khoản phí mà chủ tàu phải nộp theo quy định pháp luật của quốc gia mà tàu, công trình biển mang cờ quốc tịch.

đ) Đối với các loại hình kiểm tra, đánh giá các sản phẩm công nghiệp và các cơ sở chế tạo, sửa chữa, cung cấp dịch vụ, thử nghiệm của các lĩnh vực đăng kiểm khác có tính chất tương tự như đối với tàu biển, công trình biển do Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện cũng được tính phí theo quy định tại Thông tư này.

Điều 6. Tổ chức thu, nộp, quản lý và sử dụng phí

1. Cơ quan Đăng kiểm Việt Nam tổ chức thu, nộp, quản lý và sử dụng các khoản phí quy định tại Thông tư này.

2. Các khoản phí quy định tại Thông tư này là khoản thu không thuộc ngân sách nhà nước. Cơ quan thu phí có nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật đối với số phí thu được và được quản lý, sử dụng số tiền thu phí sau khi đã nộp thuế theo quy định.

3. Các nội dung liên quan đến việc thu, nộp, quản lý, sử dụng, công khai chế độ thu phí không quy định tại Thông tư này được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí và lệ phí, Thông tư số 45/2006/TT-BTC ngày 25/5/2006 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002, Thông tư số 28/2011/TT-BTC ngày 28/02/2011 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế, hướng dẫn thi hành Nghị định số 85/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 và Nghị định số 106/2010/NĐ-CP ngày 28/10/2010 của Chính phủ, Thông tư số 64/2013/TT-BTC ngày 15/5/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).

Điều 7. Tổ chức thực hiện

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2014.

2. Thông tư này thay thế Quyết định số 184/2003/QĐ-BTC ngày 04/11/2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành mức thu phí kiểm định an toàn kỹ thuật và chất lượng tàu biển và công trình biển thuộc phạm vi giám sát của Đăng kiểm Việt Nam, Quyết định số 12/2003/QĐ-BTC ngày 24/01/2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành mức thu phí kiểm định an toàn kỹ thuật và chất lượng thiết bị, vật tư thuộc phạm vi giám sát của Đăng kiểm Việt Nam, Quyết định số 95/2004/QĐ-BTC ngày 07/12/2004 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định tạm thời mức thu, nộp, quản lý và sử dụng phí phê duyệt kế hoạch an ninh tàu biển, đánh giá và cấp giấy chứng nhận an ninh tàu biển theo Bộ luật Quốc tế về an ninh tàu biển và bến cảng và Quyết định số 77/BVGCP-CNTDDV ngày 11/08/1998 của Ban vật giá Chính phủ ban hành Biểu giá đánh giá Hệ thống quản lý an toàn cho công ty và tàu biển theo Bộ luật Quản lý an toàn quốc tế.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, hướng dẫn./.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Vũ Thị Mai

 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.