• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 07/12/1981
  • Ngày hết hiệu lực: 04/06/1993
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Số: 143-HĐBT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Nam Định, ngày 22 tháng 11 năm 1981

 

NGHỊ ĐỊNH

Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức Bộ Tư pháp

_______________

 

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Căn cứ vào Luật Tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4-7-1981và Luật Tổ chức Toà án nhân dân ngày 3 tháng 7 năm 1981;

Căn cứ Nghị định số 35/CP ngày 9-2-1981 của Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn trách nhiệm của Bộ trưởng và chức năng của Bộ trong một số lĩnh vực quản lý Nhà nước;

Theo đề nghị của đồng chí Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

NGHỊ ĐỊNH

Điều 1- Bộ Tư pháp là cơ quan của Hội đồng Bộ trưởng, có chức năng giúp Hội đồng Bộ trưởng thực hiện quản lý thống nhất các công việc về tư pháp trong cả nước bao gồm công tác dự thảo pháp luật, quản lý về mặt tổ chức các toà án địa phương và các công tác tư pháp khác; công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức pháp luật xã hội chủ nghĩa trong cán bộ và nhân dân; góp phần bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật; tăng cường chuyên chính vô sản, thực hiện quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa của nhân dân.

Điều 2- Bộ Tư pháp có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

1. Tổng hợp và trình Hội đồng Bộ trưởng quyết định kế hoạch xây dựng các dự án pháp luật và hướng dẫn việc thực hiện kế hoạch đó; xây dựng hoặc tham gia với các ngành xây dựng các dự án pháp luật trình Hội đồng Bộ trưởng.

Hướng dẫn công tác hệ thống hoá pháp luật và từng bước tiến hành pháp điển hóa.

Thẩm tra và đề nghị sửa đổi hoặc bãi bõ các văn bản không phù hợp với pháp luật do các Bộ, các Uỷ ban Nhà nước, các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng và các; Uỷ ban nhân dân địa phương ban hành.

2. Quản lý về mặt tổ chức (cơ cấu, biên chế, nhân sự) và ngân sách các toà án địa phương.

Cùng với Toà án nhân dân tối cao tổng kết công tác xét xử.

Hướng dẫn việc bầu cử thẩm phán và hội thẩm nhân dân của Toà án nhân dân địa phương; tổ chức việc bổi dưỡng về chính trị và pháp lý cho thẩm phán và hội thẩm nhân dân.

3. Trình Hội đồng Bộ trưởng ban hành, hoặc ban hành theo thẩm quyền của mình các quy chế về giám định tư pháp, chấp hành án, công chứng, lý lịch tư pháp và quy chế luật sự; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy chế đó.

4. Hướng dẫn về nghiệp vụ các tổ chức pháp chế của các Bộ, các Uỷ ban Nhà nước, các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng.

5. Hướng dẫn hoặc tổ chức việc phối hợp các ngành về công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật trong cán bộ, nhân viên Nhà nước và nhân dân.

6. Trình Hội đồng Bộ trưởng quyết định biên chế, tiêu chuẩn cán bộ, nhân viên của ngành tư pháp; đào tạo, bồi dưỡng và quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ pháp lý.

7. Nghiên cứu khoa học pháp lý phục vụ công tác xây dựng pháp luật, thi hành pháp luật và các công tác khác của ngành tư pháp.

8. Cùng với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Nội vụ tổ chức công tác thống kê tư pháp, tổng kết tình hình phạm tội, kiến nghị Hội đồng Bộ trưởng xét duyệt và ban hành các chủ trương, chính sách, biện pháp nhằm ngăn ngừa và đấu tranh chống tội phạm.

9. Thực hiện việc hợp tác quốc tế về tư pháp và pháp lý theo đường lối chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

10. Quản lý cán bộ, tổ chức, biên chế, ngân sách, tài sản của Bộ.

Điều 3.- Hệ thống tư pháp trong cả nước gồm có:

a. Bộ Tư pháp.

b. Sở Tư pháp ở cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cấp tương đương.

c. Ban Tư pháp ở cấp quận, huyện, thị xã và các đơn vị hành chính tương đương.

d. Ban Tư pháp ở cấp xã, phường và các đơn vị hành chính tương đương.

e. Ở các Bộ; các Uỷ ban Nhà nước và một số cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng có vụ Pháp chế.

Ở các sở chuyên môn, liên hiệp các xí nghiệp, tổng công ty, xí nghiệp có cố vấn pháp luật.

Điều 4- Bộ máy của Bộ Tư pháp gồm có:

1. Các vụ xây dựng pháp luật (tổ chức theo lĩnh vực cần thiết).

2. Vụ tuyên truyền, giáo dục pháp luật (có tạp chí của Bộ và Nhà xuất bản pháp lý).

3. Viện nghiên cứu khoa học pháp lý.

4. Vụ quản lý tòa án.

5. Vụ quản lý các tổ chức tư pháp khác.

6. Vụ tổ chức và cán bộ.

7. Vụ đào tạo.

8. Văn phòng.

9. Trường Đại học pháp lý, và các đơn vị trực thuộc khác của Bộ.

Nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của các vụ, viện, trường do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định.

Điều 5- Đồng chí Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành Nghị định này.

Điều 6- Các Đồng chí Bộ trưởng Tổng thư ký Hội đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, các Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cấp tương đương có trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

Chủ tịch hội đồng bộ trưởng

(Đã ký)

 

Phạm Văn Đồng

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.