• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 29/11/2007
BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Số: 27/2007/TT-BKHCN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Toàn quốc, ngày 31 tháng 10 năm 2007

THÔNG TƯ

Hướng dẫn việc ký kết và thực hiện các hiệp định và thoả thuận thừa nhận lẫn nhau kết quả đánh giá sự phù hợp

_____________________________

-Căn cứ Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật ngày 29/06/2006;

- Căn cứ Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế ngày 14/06/2005;

 -Căn cứ Pháp lệnh ký kết và thực hiện thoả thuận quốc tế ngày 20/04/2007;

 -Căn cứ Nghị định số 54/2003/NĐ-CP ngày 19/05/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ và Nghị định số 28/2004/NĐ-CP ngày 16/01/2004 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 54/2003/NĐ-CP;

 -Căn cứ Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01/08/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật;

-Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn việc ký kết và thực hiện các Hiệp định và Thoả thuận thừa nhận lẫn nhau kết quả đánh giá sự phù hợp như sau:

I. CÁC QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn việc ký kết và thực hiện đối với:

1.1. Các Hiệp định thừa nhận lẫn nhau kết quả đánh giá sự phù hợp (sau đây viết tắt là Hiệp định thừa nhận) giữa Việt Nam với một hoặc nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên cơ sở quy định của pháp luật về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế.

1.2. Các Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau kết quả đánh giá sự phù hợp giữa tổ chức đánh giá sự phù hợp của Việt Nam với tổ chức đánh giá sự phù hợp của các quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế và khu vực (sau đây viết tắt là Thoả thuận thừa nhận) trên cơ sở quy định của pháp luật về ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế.

2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với:

2.1. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các tổ chức đánh giá sự phù hợp của Việt Nam liên quan đến việc ký kết và thực hiện các Hiệp định thừa nhận.

2.2. Các cơ quan nhà nước và tổ chức đánh giá sự phù hợp của Việt Nam liên quan đến việc ký kết và thực hiện các Thoả thuận thừa nhận. 

3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

3.1.“Tổ chức đánh giá sự phù hợp” là tổ chức thực hiện các hoạt động đánh giá sự phù hợp.

3.2. “Kết quả đánh giá sự phù hợp” là kết quả của hoạt động chứng nhận sự phù hợp, thử nghiệm, hiệu chuẩn, giám định.

II. KÝ KẾT VÀ THỰC HIỆN CÁC HIỆP ĐỊNH THỪA NHẬN

1. Ký kết

1.1. Đề xuất ký kết

Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, căn cứ nhiệm vụ và quyền hạn được giao theo ngành, lĩnh vực được phân công quản lý, căn cứ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Ngoại giao đề xuất với Chính phủ về việc ký kết các Hiệp định thừa nhận.

1.2. Chuẩn bị và tiến hành ký kết

Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đề xuất việc ký kết Hiệp định thừa nhận (sau đây gọi tắt là Cơ quan đề xuất Hiệp định thừa nhận) chịu trách nhiệm:

1.2.1. Xác định nhu cầu ký kết và khả năng thực hiện Hiệp định thừa nhận dựa trên các tiêu chí sau đây:

1.2.1.1. Mức độ và quy mô trao đổi sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ;

1.2.1.2. Sự tồn tại của các rào cản kỹ thuật gây cản trở thương mại;

1.2.1.3. Điều kiện cơ sở vật chất - kỹ thuật để bảo đảm việc thực hiện;

1.2.1.4. Lợi ích quốc gia khi ký kết và thực hiện;

1.2.1.5. Các tiêu chí có liên quan khác.

1.2.2. Xây dựng hoặc phối hợp xây dựng dự thảo Hiệp định thừa nhận

Cơ quan đề xuất Hiệp định thừa nhận chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan tiến hành xây dựng dự thảo Hiệp định thừa nhận.

Trường hợp dự thảo Hiệp định thừa nhận đã được bên đối tác nước ngoài chuẩn bị thì Cơ quan đề xuất Hiệp định thừa nhận có trách nhiệm nghiên cứu dự thảo đó, xây dựng phương án chấp nhận, sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng dự thảo của phía Việt Nam và tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan.

1.2.3. Ký kết Hiệp định thừa nhận

Việc ký kết Hiệp định thừa nhận thực hiện theo các quy định của pháp luật về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế.

Cơ quan đề xuất Hiệp định thừa nhận có trách nhiệm thông báo cho bên đối tác nước ngoài về việc Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Hiệp định thừa nhận.

2. Triển khai thực hiện

2.1. Xác định nội dung và phạm vi cam kết của Việt Nam

Cơ quan đề xuất Hiệp định thừa nhận xác định các nội dung và phạm vi cam kết của Việt Nam để triển khai thực hiện, hướng dẫn các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện từng nội dung cụ thể của Hiệp định.

2.2. Lựa chọn và chỉ định các tổ chức đánh giá sự phù hợp 

Trong trường hợp Hiệp định thừa nhận yêu cầu việc lựa chọn và chỉ định các tổ chức đánh giá sự phù hợp, Cơ quan đề xuất Hiệp định thừa nhận có trách nhiệm triển khai các công việc sau đây:

2.2.1. Yêu cầu các cơ quan, tổ chức có liên quan trong nước cung cấp danh sách và thông tin về năng lực của các tổ chức đánh giá sự phù hợp thuộc phạm vi mình phụ trách đáp ứng yêu cầu của Hiệp định thừa nhận;

2.2.2. Tổng hợp danh sách và thông tin về năng lực của các tổ chức đánh giá sự phù hợp trong nước thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định thừa nhận; 

2.2.3. Tiến hành lựa chọn và chỉ định các tổ chức đánh giá sự phù hợp trong nước đủ điều kiện tham gia hoạt động đánh giá sự phù hợp trong khuôn khổ Hiệp định thừa nhận. Việc chỉ định phải bảo đảm đúng các quy định của Hiệp định thừa nhận;

2.2.4. Thông báo cho bên nước ngoài danh sách và năng lực của các tổ chức đánh giá sự phù hợp được phía Việt Nam lựa chọn phù hợp với quy định của  Hiệp định thừa nhận;

2.2.5. Tiếp nhận danh sách và tiến hành thẩm định năng lực của các tổ chức đánh giá sự phù hợp được bên nước ngoài cung cấp trong khuôn khổ Hiệp định thừa nhận;

2.2.6. Thông báo cho bên nước ngoài về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận các tổ chức đánh giá sự phù hợp cụ thể tham gia hoạt động đánh giá sự phù hợp trong khuôn khổ Hiệp định thừa nhận.

2.3. Xây dựng kế hoạch thực hiện Hiệp định thừa nhận

Để tổ chức thực hiện Hiệp định thừa nhận, Cơ quan đề xuất Hiệp định thừa nhận cần tiến hành những công việc sau đây:

2.3.1. Tổ chức việc xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Hiệp định thừa nhận gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

2.3.1.1. Những công việc cần thực hiện;

2.3.1.2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện;

2.3.1.3. Thời gian thực hiện;

2.3.1.4. Kết quả cần đạt được;

2.3.1.5. Các nội dung khác theo quy định của Hiệp định thừa nhận.

2.3.2. Thành lập Tổ công tác để điều phối hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm thực hiện có hiệu quả các nội dung của kế hoạch triển khai thực hiện Hiệp định thừa nhận. Nhiệm vụ của Tổ công tác do Cơ quan đề xuất Hiệp định thừa nhận quy định.

2.3.3. Thông báo kế hoạch triển khai thực hiện Hiệp định thừa nhận cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong nước để phối hợp chuẩn bị và triển khai thực hiện.

2.3.4. Thông báo kế hoạch triển khai thực hiện Hiệp định thừa nhận kèm theo bản sao Hiệp định thừa nhận cho Bộ Khoa học và Công nghệ để thống nhất quản lý.

3. Trách nhiệm thực hiện

3.1. Cơ quan đề xuất Hiệp định thừa nhận có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan khác có liên quan trong việc thực hiện Hiệp định thừa nhận.

3.2. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ, công việc cụ thể đã được phân công trong kế hoạch triển khai thực hiện Hiệp định thừa nhận.

3.3. Cơ quan đề xuất Hiệp định thừa nhận thực hiện việc kiểm tra, giám sát  các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã được phân công tham gia thực hiện các nhiệm vụ, công việc cụ thể trong khuôn khổ kế hoạch triển khai thực hiện Hiệp định thừa nhận.

III. KÝ KẾT VÀ THỰC HIỆN THOẢ THUẬN THỪA NHẬN

1. Tổ chức đánh giá sự phù hợp của Việt Nam, căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao theo lĩnh vực hoạt động đánh giá sự phù hợp, nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế về thương mại và năng lực của mình, được phép ký kết Thoả thuận thừa nhận với các tổ chức đánh giá sự phù hợp của các quốc gia, vùng lãnh thổ theo quy định của pháp luật hiện hành có liên quan.  

2. Tổ chức đánh giá sự phù hợp, khi đàm phán ký kết Thoả thuận thừa nhận, cần bảo đảm lợi ích của việc tham gia Thoả thuận thừa nhận đối với bản thân tổ chức đánh giá sự phù hợp, lợi ích đối với cơ quan, cá nhân có liên quan của Việt Nam và lợi ích quốc gia.

3. Tổ chức đánh giá sự phù hợp của Việt Nam thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao Thoả thuận thừa nhận đã ký kết cho cơ quan quản lý trực tiếp (nếu có), Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và các Bộ, ngành có liên quan về việc ký kết Thoả thuận thừa nhận.

4. Tổ chức đánh giá sự phù hợp của Việt Nam hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc thực hiện Thoả thuận thừa nhận đã ký kết.

IV. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

1. Bộ Khoa học và Công nghệ giao Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng theo dõi, tổng hợp và thống nhất quản lý việc triển khai thực hiện các Hiệp định thừa nhận mà Việt Nam đã ký kết và các Thoả thuận thừa nhận mà tổ chức đánh giá sự phù hợp của Việt Nam đã ký kết.

2. Định kỳ hằng năm, đột xuất khi có yêu cầu, Cơ quan đề xuất Hiệp định thừa nhận báo cáo với Chính phủ tình hình thực hiện các Hiệp định thừa nhận lẫn nhau kết quả đánh giá sự phù hợp có liên quan và thông báo Bộ Khoa học và Công nghệ (thông qua Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) để theo dõi, tổng hợp.

3. Định kỳ hằng năm, đột xuất khi có yêu cầu, tổ chức đánh giá sự phù hợp của Việt Nam ký kết tham gia các Thoả thuận thừa nhận có trách nhiệm báo cáo với cơ quan quản lý trực tiếp của mình và thông báo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tình hình thực hiện các Thoả thuận thừa nhận có liên quan.

4. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh cho Bộ Khoa học và Công nghệ để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Trần Quốc Thắng

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.