• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/05/2013
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Số: 43/2012/TT-BGTVT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Nam Định, ngày 23 tháng 10 năm 2012

THÔNG TƯ

Quy định các yêu cầu kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với tàu thủy lưu trú

du lịch ngủ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn nổi

_____________________

 

Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 36/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cẩu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Căn cứ Nghị định số 51/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 04 năm 2008 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Bộ Giao thông vận tải;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học-Công nghệ và Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam;

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định các yêu cầu kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn nổi,

Chương 1

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này quy định các yêu cầu kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong giám sát kỹ thuật, thiết kế, đóng mới, sửa chữa, trang bị lại và trong khai thác đối với các tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn nổi hoạt động trên đường thủy nội địa.

2. Thông tư này không điều chỉnh nhà hàng nổi có kết cấu phần chìm dưới nước dạng bè được liên kết bằng các biện pháp thủ công.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn nổi.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Ngoài các thuật ngữ nêu trong các tiêu chuẩn tương ứng mà tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn nổi áp dụng, trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm là phương tiện thủy nội địa chở khách du lịch, có buồng ngủ, trên hành trình có neo lại để cho khách du lịch ngủ qua đêm.

2. Nhà hàng nổi là phương tiện thủy nội địa chở khách, có đăng ký kinh doanh nhà hàng nổi phục vụ ăn uống trên phương tiện mà không bố trí các buồng ngủ lưu trú trên phương tiện.

3. Khách sạn nổi là phương tiện thủy nội địa chở khách lưu trú du lịch có buồng ngủ, có đăng ký kinh doanh khách sạn, được neo tại một địa điểm trên đường thủy nội địa và có thể di chuyển từ địa điểm neo này tới địa điểm neo khác khi cần thiết.

Chương 2

YÊU CẦU KỸ THUẬT VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Điều 4. Phân cấp và giám sát kỹ thuật

Tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn nổi được đóng từ thép, nhôm, chất dẻo cốt sợi thủy tinh, gỗ, xi măng lưới thép, bê tông cốt thép được phân cấp và giám sát kỹ thuật theo quy định đối với tàu khách tại Phần Quy định chung của Quy phạm phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa TCVN 5801:2005 và các quy định ở các quy phạm tương ứng mà tàu phải áp dụng.

Điều 5. Vật liệu

1. Vật liệu thép, nhôm, chất dẻo cốt sợi thủy tinh, gỗ, xi măng lưới thép, bê tông cốt thép dùng để đóng tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn nổi phải thỏa mãn các yêu cầu về vật liệu nêu trong các quy phạm tương ứng mà tàu phải áp dụng.

2. Kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực, không đóng mới thân tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn nổi bằng vật liệu gỗ hoặc hoán cải các tàu vỏ gỗ có công dụng khác thành tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn nổi.

Điều 6. Kết cấu tàu và trang thiết bị

1. Kết cấu thân tàu của tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn nổi phải thỏa mãn các yêu cầu về kết cấu thân tàu khách đối với từng vật liệu nêu trong các Quy phạm tương ứng mà tàu phải áp dụng.

2. Trang thiết bị của tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn nổi phải thỏa mãn các yêu cầu nêu trong Phần Trang thiết bị của Quy phạm phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa TCVN 5801:2005 và các yêu cầu trong các quy phạm tương ứng mà tàu phải áp dụng.

Điều 7. Hệ thống máy tàu

Hệ thống máy tàu của tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn nổi phải thỏa mãn các yêu cầu nêu trong Phần Hệ thống máy tàu của Quy phạm phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa TCVN 5801:2005 và các yêu cầu đối với hệ thống máy tàu nêu trong các quy phạm mà tàu phải áp dụng.

Không sử dụng máy bộ đã thủy hóa làm máy chính của tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực. Đối với các tàu có trang bị máy bộ đa thủy hóa làm máy chính của tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm trước ngày Thông tư này có hiệu lực phải thay đổi máy chính cho phù hợp với quy định tại Thông tư này.

Điều 8. Trang thiết bị điện

Trang thiết bị điện của tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn nổi phải thỏa mãn các yêu cầu nêu trong Phần Trang bị điện của Quy phạm phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa TCVN 5801:2005 và các yêu cầu đối với trang bị điện nêu trong các quy phạm mà tàu phải áp dụng.

Điều 9. Phòng, phát hiện và chữa cháy

1. Trang thiết bị phòng, phát hiện và chữa cháy của tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn nổi phải thỏa mãn các yêu cầu của Luật Phòng cháy chữa cháy, các yêu cầu nêu trong Phần Phòng phát hiện và chữa cháy của Quy phạm phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa TCVN 5801:2005 và các yêu cầu nêu trong các quy phạm mà tàu phải áp dụng.

2. Phải có thiết bị tự động báo cháy ở các buồng ở, buồng phục vụ, buồng máy và các trạm điều khiển.

Điều 10. Ổn định nguyên vẹn

1. Ổn định nguyên vẹn của tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn nổi phải thỏa mãn các yêu cầu đối với tàu khách nêu trong Phần Ổn định nguyên vẹn của Quy phạm phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa TCVN 5801:2005.

2. Hệ số an toàn (k) khi kiểm tra ổn định theo tiêu chuẩn thời tiết của tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn nổi theo quy định tại TCVN 5801:2005 phải lớn hơn hoặc bằng 2.

Điều 11. Phân khoang

1. Phân khoang của tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn nổi phải thỏa mãn các yêu cầu nêu trong Phần Phân khoang của Quy phạm phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa TCVN 5801:2005.

2. Các vách ngang kín nước không được bố trí các cửa dùng vào mục đích làm lối đi lại giữa các khoang. Các khoang phải bố trí tối thiểu một cửa có kích thước 450mm x 600 mm xuống từ boong chính và có lối đi đảm bảo tiếp cận được tất cả các cơ cấu thân tàu. Đối với các tàu vật liệu kim loại, trong trường hợp đặc biệt, nếu phải mở các cửa trên vách ngang thì các cửa đó phải đảm bảo tính nguyên vẹn về độ bền và kín nước của vách ngang. Các cửa phải thường xuyên được đóng và có chỉ báo tình trạng đóng mở nó trên buồng điều khiển.

3. Trường hợp bố trí dằn cứng thì vật dằn phải được cố định vào thân tàu để không dịch chuyển trong quá trình khai thác nhưng phải có khả năng kiểm tra các kết cấu phía dưới khi cần thiết.

Điều 12. Mạn khô

Mạn khô của tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn nổi phải thỏa mãn các yêu cầu nêu trong Phần Mạn khô của Quy phạm phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa TCVN 5801:2005.

Điều 13. Trang bị an toàn

1. Số lượng và bố trí trang bị cứu sinh của tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn nổi phải thỏa mãn các yêu cầu theo các quy định dưới đây:

a) Tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm phải trang bị phao áo cứu sinh đủ cho 200% số người trên tàu, trong đó 100% số phao được bố trí trong các buồng ngủ và 100% số phao còn lại bố trí trong phòng ăn, phòng bar, tại nơi làm việc một cách phù hợp. Ngoài ra phải trang bị thêm số lượng phao cho trẻ em bằng 10% số lượng khách. Số lượng phao tròn tối thiểu là 8 chiếc, trong đó 4 chiếc có dây ném; mỗi mạn bố trí 04 chiếc, trong đó, 2 chiếc có dây ném. Dụng cụ nổi phải bố trí đủ cho 100% số người trên tàu.

b) Nhà hàng nổi, khách sạn nổi phải trang bị phao áo cứu sinh đủ cho 100% số người trên tàu và được bố trí trong phòng ngủ, phòng ăn, phòng bar một cách phù hợp. Số phao trẻ em là 30% số lượng khách, số lượng phao tròn tối thiểu là 8 chiếc, trong đó 4 chiếc có dây ném; mỗi mạn bố trí 04 chiếc, trong đó, 2 chiếc có dây ném.

c) Ngoài các yêu cầu trên, trang bị cứu sinh của tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn nổi còn phải thỏa mãn các yêu cầu được nêu trong Chương 1 Phần 10 Trang bị an toàn của Quy phạm phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa TCVN 5801:2005. Nếu do đặc điểm bố trí của tàu mà việc tiếp cận các phao cứu sinh không dễ dàng thì phải tăng số lượng phao cứu sinh so với quy định trên.

2. Tín hiệu giao thông

a) Tín hiệu giao thông của tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn nổi phải phù hợp với các quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa và các yêu cầu nêu trong Phần Trang bị an toàn của Quy phạm phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa TCVN 5801:2005.

b) Yêu cầu kỹ thuật của trang bị tín hiệu phải thỏa mãn các yêu cầu nêu trong Quy định tiêu chuẩn kỹ thuật của tín hiệu trên phương tiện thủy nội địa ban hành kèm theo Quyết định số 30/2004/QĐ-BGTVT ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Bộ Giao thông vận tải.

3. Trang bị hàng giang

Trang bị hàng giang của tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn nổi phải thỏa mãn các yêu cầu nêu trong Phần Trang bị an toàn của Quy phạm phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa TCVN 5801:2005.

4. Trang bị cứu đắm

a) Trang bị cứu đắm của tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn nổi phải thỏa mãn các yêu cầu nêu trong Phần Trang bị an toàn của Quy phạm phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa TCVN 5801:2005.

b) Các khoang phải có thiết bị tự động báo mức nước đáy khoang. Các thiết bị báo mức nước đáy khoang phải tạo báo động bằng âm thanh và ánh sáng tại buồng lái khi mực nước đáy khoang đến 300 mm trong mọi tình huống.

5. Trang bị các buồng

a) Trang bị các buồng ngủ của tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn nổi phải thỏa mãn các yêu cầu nêu trong Phần Trang bị an toàn của Quy phạm phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa TCVN 5801:2005; trường hợp sử dụng cửa sổ có lắp kính làm cửa thoát nạn phải trang bị búa để phá cửa kính khi cần thiết. Các cửa sổ được sử dụng làm cửa thoát nạn phải có kích thước tối thiểu là 400mm x 400mm.

b) Các trang bị của các buồng và các vật trang trí khác trên các tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn nổi phải được cố định không dịch chuyển trong mọi điều kiện thời tiết.

c) Các khu vực công cộng phải có tối thiểu 2 cửa thoát hiểm được bố trí đối diện nhau, các cửa này phải đảm bảo không bị tắc nghẽn khi có sự cố. Các cửa thoát hiểm từ các khu vực công cộng thông thường phải có cơ cấu nhả nhanh và đảm bảo các yêu cầu sau:

- Các cơ cấu bố trí ở độ cao không thấp hơn 760mm nhưng không quá 1120mm;

- Lực tác động lên cơ cấu mở yêu cầu không quá 67N;

- Không có bất kỳ cơ cấu khóa, vít định vị hoặc cơ cấu ngăn cản việc mở cửa khi tác động lên cơ cấu mở.

d) Trong buồng khách, buồng công cộng phải bố trí sơ đồ thoát hiểm, hướng dẫn sử dụng trang bị cứu sinh ở vị trí dễ nhận biết.

6. Trang bị bảo vệ thuyền viên, hành khách

a) Trang bị bảo vệ thuyền viên, hành khách của tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn nổi phải thỏa mãn các yêu cầu nêu trong Phần Trang bị an toàn của Quy phạm phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa TCVN 5801:2005 và trong các quy phạm mà tàu phải áp dụng.

b) Trên các tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn nổi phải trang bị:

- Hệ thống truyền thanh để thông báo các tình huống khẩn cấp cho khách đến từng phòng riêng biệt. Hệ thống này phải thông báo được bằng tiếng Việt và tiếng Anh (nếu có khách quốc tế);

- Thiết bị chỉ báo tình huống khẩn cấp bằng âm thanh và ánh sáng.

c) Trên các hành lang trên tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn nổi phải có thiết bị chỉ dẫn hướng đến các lối thoát nạn bằng ánh sáng hoặc bằng dải chỉ báo phát quang để khách nhận biết trong mọi tình huống.

d) Các cửa trên hướng thoát hiểm phải không cần chìa khóa để mở khi di chuyển theo hướng thoát hiểm.

Điều 14. Yêu cầu về bảo vệ môi trường

1. Tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn nổi trong quá trình hoạt động trên đường thủy nội địa phải tuân thủ các quy định về xả thải các chất thải và nước lẫn dầu theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy phạm ngăn ngừa ô nhiễm do phương tiện thủy nội địa QCVN 17:2011/BGTVT và các quy định khác về bảo vệ môi trường trên đường thủy nội địa.

2. Ngoài các quy định tại khoản 1, việc trang bị các thiết bị ngăn ngừa ô nhiễm trên tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn nổi phải tuân thủ các yêu cầu sau:

a) Trang bị ngăn ngừa ô nhiễm do dầu

- Tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm lắp động cơ diesel không phân biệt là động cơ chính hay phụ có tổng công suất lớn hơn 220 kW phải được trang bị thiết bị phân ly dầu nước 15 phần triệu và két dầu bẩn. Thiết bị phân ly dầu nước 15 phần triệu phải đảm bảo sao cho bất kỳ hỗn hợp dầu nước nào sau khi qua hệ thống lọc phải có hàm lượng dầu không quá 15 phần triệu.

- Thiết bị phân ly dầu nước 15 phần triệu phải có thiết kế được duyệt, được kiểm tra trong chế tạo, trong lắp đặt và trong khai thác.

b) Trang bị ngăn ngừa ô nhiễm do nước thải

- Tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn nổi phải trang bị thiết bị xử lý nước thải hoặc các két chứa nước thải để chuyển đến nơi tiếp nhận để xử lý.

- Thiết bị xử lý nước thải phải thỏa mãn Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sinh hoạt và có thiết kế được duyệt, phải được kiểm tra trong chế tạo, lắp đặt và khai thác.

c) Trang bị ngăn ngừa ô nhiễm do rác

Tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn nổi phải trang bị thiết bị chứa rác để chuyển đến nơi tiếp nhận.

 

 

Chương 3

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 15. Trách nhiệm của tổ chức cá nhân

1. Cục Đăng kiểm Việt Nam là cơ quan quản lý nhà nước về công tác đăng kiểm phương tiện thủy nội địa có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Thông tư này.

2. Chủ phương tiện, đơn vị thiết kế, cơ sở đóng mới, sửa chữa, hoán cải, người khai thác tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn nổi phải tuân thủ các quy định của Thông tư này.

3. Đối với tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn nổi có trước ngày Thông tư này có hiệu lực, chủ phương tiện có trách nhiệm hoán cải, trang bị lại theo thời gian như sau, kể từ ngày Thông tư có hiệu lực:

- Các quy định tại Điều 7 phải thực hiện trong khoảng thời gian không quá 24 tháng;

- Các quy định tại khoản 1 Điều 13 phải thực hiện trong khoảng thời gian không quá 03 tháng;

- Các quy định khác trong Thông tư này phải thực hiện trong khoảng thời gian không quá 12 tháng.

Trong các trường hợp đặc biệt, Bộ Giao thông vận tải có thể xem xét gia hạn thời gian thực hiện.

Điều 16. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2013.

Điều 17. Tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Cục trưởng các Cục: Đăng kiểm Việt Nam, Đường thủy nội địa Việt Nam, Vụ trưởng các Vụ thuộc Bộ Giao thông vận tải. Giám đốc các Sở Giao thông vận tải, thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Đinh La Thăng

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.