• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 21/08/1998
  • Ngày hết hiệu lực: 04/04/2007
BỘ THƯƠNG MẠI-BỘ TÀI CHÍNH-BỘ CÔNG AN-TỔNG CỤC HẢI QUAN
Số: 10/1998/TTLT/BTM-BTC-BCA-TCHQ
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Nam Định, ngày 22 tháng 7 năm 1998

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn việc kiểm tra, kiểm soát và xử lý mặt hàng vả

và gạch men ốp lát các loại nhập khẩu lưu thông trên thị trường

 

Căn cứ Chỉ thị số 853/1997-CT-TTg ngày 11/10/1997 của Thủ tướng Chính phủ về đấu tranh chống buôn lậu trong tình hình mới và thông báo số 110 TB-VPCP ngày 2/6/1998 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị sơ kết công tác chống buôn lậu tuyến biên giới phía bắc và vùng biển đông bắc;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 07/1997/TTLT-BTM-BTC-BNV-TCHQ ngày 21/10/1997 của Liên Bộ Thương mại - Bộ Tài chính - Bộ Nội vụ - Tổng cục Hải quan hướng dẫn thực hiện việc chống buôn lậu theo Nghị quyết 85/CP-m của Chính phủ và tổ chức phối hợp lực lượng chống buôn lậu;

Liên Bộ Thương mại - Tài chính - Công an - Tổng cục Hải quan hướng dẫn việc kiểm tra, kiểm soát và xử lý mặt hàng vải và gạch men ốp lát các loại nhập khẩu lưu thông trên thị trường như sau:

 

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Để góp phần đẩy lùi nạn buôn lậu, hỗ trợ sản xuất trong nước phát triển, nhất là những mặt hàng cần khuyến khích sản xuất, liên Bộ đã quy định một số mặt hàng dán tem hàng nhập khẩu. Các mặt hàng còn lại cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt là mặt hàng vải và gạch men ốp lát các loại nhập khẩu vì sản xuất trong nước đã có khả năng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và việc nhập lậu những mặt hàng này gây nhiều khó khăn cho sản xuất trong nước.

2. Mặt hàng vải và gạch men ốp lát (gạch men dùng để ốp tường, lát nền gọi tắt là gạch men ốp lát) các loại nhập khẩu do các tổ chức cá nhân kinh doanh lưu thông trên thị trường bao gồm: hàng đang vận chuyển trên đường, để trong kho và đang bầy bán phải có đủ hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp kèm theo. Mặt hàng vải và gạch men ốp lát các loại nhập khẩu phải qua các cửa khẩu quy định, khai báo và làm đầy đủ các thủ tục hải quan.

3. Các cơ quan chức năng: Quản lý thị trường, Công an, Hải quan, thuế vụ phải đề cao vai trò trách nhiệm, tuân thủ đúng các quy định của ngành, tăng cường kiểm tra kiểm soát mặt hàng vải và gạch men ốp lát các loại nhập khẩu. Tổ chức, cá nhân nào làm trái quy định này sẽ bị xử lý theo pháp luật.

 

II. QUY ĐỊNH VỀ HOÁ ĐƠN, CHỨNG TỪ HỢP PHÁP KÈM THEO
ĐỐI VỚI MẶT HÀNG VẢI VÀ GẠCH MEN ỐP LÁT CÁC LOẠI NHẬP KHẨU

1. Hàng nhập khẩu chính ngạch: Phải có những chứng từ là bản chính gồm:

Tờ khai hàng nhập khẩu đã được Hải quan cửa khẩu kiểm hoá, xác nhận hoàn thành thủ tục Hải quan.

Thông báo thuế hoặc biên lai thu thuế nhập khẩu.

2. Hàng nhập khẩu tiểu ngạch: Phải có những chứng từ là bản chính, gồm:

Tờ khai hàng nhập khẩu tiểu ngạch đã có xác nhận hoàn thành thủ tục của Hải quan cửa khẩu.

Biên lai thu thuế nhập khẩu tiểu ngạch.

Nếu lô hàng vải và gạch men ốp lát nhập khẩu lớn, phải chuyên chở nhiều lần hoặc bán cho nhiều khách hàng thì Hải quan cửa khẩu xác nhận vào bản trích tờ khai hàng nhập khẩu kèm theo cho từng chuyến vận chuyển theo quy định số 172/1998/QĐ-TCHQ ngày 20/6/1998 của Tổng cục Hải quan.

Tất cả những chứng từ nhập khẩu quy định tại điểm 1, 2 nói trên đều phải ghi đầy đủ: Họ tên, địa chỉ của tổ chức, chứng minh thư của cá nhân nhập khẩu, số, ngày tờ khai Hải quan, tên hàng, quy cách chủng loại hàng hoá, mã số, số lượng, đơn giá, trị giá... của từng loại hàng vải và gạch men ốp lát nhập khẩu.

3. Các đối tượng được hưởng chế độ trao đổi hàng hoá của cư dân biên giới và người mua gom hàng trong chợ biên giới khi mang vải, gạch men ốp lát ra ngoài khu vực chợ biên giới đều phải mở tờ khai Hải quan và nộp thuế nhập khẩu của số hàng đó theo Quyết định số 172/1998/QĐ-TCHQ ngày 20/6/1998 của Tổng cục Hải quan.

4. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh cố định trong các chợ biên giới khi mua vào mặt hàng vải và gạch men ốp lát các loại nhập khẩu để kinh doanh thì phải có hoá đơn, chứng từ nhập khẩu kèm theo, hoặc lập bảng kê theo quy định nếu mua hàng của cư dân biên giới.

5. Hàng hoá từ các chợ biên giới, khu vực biên giới vận chuyển vào nội địa khi qua Trạm kiểm soát liên hợp hoặc ra ngoài khu vực biên giới phải có đủ hoá đơn, chứng từ kèm theo chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hoá như quy định tại điểm 1, 2, 3 nói trên.

6. Trong thị trường nội địa:

a. Đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh cố định:

Phải có bản chính hoá đơn bán hàng hoặc hoá đơn kiêm phiếu xuất kho do người bán giao.

Trường hợp mua hàng của đối tượng không phải là người kinh doanh thì phải lập bảng kê theo quy định.

Đối với hộ cá thể kinh doanh cố định đi mua hàng thì ngoài hoá đơn, chứng từ theo quy định trên phải có sổ mua hàng. Hàng hoá thực tế phản ánh trên sổ mua hàng phải phù hợp với hoá đơn chứng từ kèm theo. b. Đối với hộ kinh doanh buôn chuyến phải có kèm những chứng từ sau:

Bản chính hoá đơn bán hàng hoặc hoá đơn kiêm phiếu xuất kho theo quy định, do các tổ chức hoặc cá nhân bán hàng cấp cho người mua. - Bản chính biên lai thu thuế doanh thu, thuế lợi tức khâu lưu thông của từng chuyến hàng, trong đó ghi rõ số, ngày, số lượng hàng, trị giá... của hoá đơn bán hàng kèm theo.

Tờ khai hàng nhập khẩu hoặc bản trích tờ khai hàng nhập khẩu kèm theo nếu mua hàng từ khu vực biên giới, chợ biên giới vào nội địa. - Mặt sau bộ chứng từ này dành cho cơ quan kiểm tra, kiểm soát xác nhận đã kiểm tra, ngày giờ kiểm tra, ký tên, đóng dấu.

Các doanh nghiệp có tư cách pháp nhân khi mua bán 2 mặt hàng này phải có hợp đồng kinh tế kèm theo.

 

III. KIỂM TRA KIỂM SOÁT VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

1. Kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, tổ chức và cá nhân kinh doanh mặt hàng vải và gạch men ốp lát nhập khẩu nếu không có đủ hoá đơn, chứng từ kèm theo như quy định tại phần II nêu trên thì đều coi là hàng nhập lậu, bị xử phạt vi phạm hành chính và tịch thu hàng hoá, nếu trường hợp đã bán hàng thì tịch thu số tiền tương ứng giá trị hàng hoá vi phạm đã tiêu thụ, nếu nghiêm trọng phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Khi phát hiện tổ chức, cá nhân vi phạm thì ngành nào phát hiện đầu tiên ngành đó xử lý theo chức năng và thẩm quyền của mình, nếu vượt thẩm quyền thì trình lên cấp trên hoặc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố xử lý và thông báo kết quả cho Chi cục Quản lý thị trường biết để tổng hợp báo cáo về Cục Quản lý thị trường Bộ Thương mại.

3. Mọi hành vi lập, sử dụng hoá đơn, chứng từ không đúng quy định, quay vòng hoá đơn, chứng từ để kinh doanh hàng nhập lậu đều bị xử phạt hành chính và tịch thu hàng hoá. Mọi hành vi in ấn, phát hành, mua bán hoặc sử dụng hoá đơn giả đều bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

4. Các lực lượng kiểm tra kiểm soát khi phát hiện hàng hoá có dấu hiệu nguồn gốc không hợp pháp có quyền truy xét ngược đến tổ chức, cá nhân đã phát hành hoá đơn, chứng từ đầu tiên của lô hàng. Nếu tổ chức, cá nhân không xuất trình được hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của lô hàng đã bán thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, tịch thu số tiền đã bán hàng tương ứng với giá trị hàng hoá vi phạm đã tiêu thụ.

Nghiêm cấm các lực lượng kiểm tra, kiểm soát tuỳ tiện tạm giữ hàng hoá, phương tiện khi hàng hoá có đủ hoá đơn, chứng từ theo quy định.

5. Việc xử lý hàng hoá đã bị tịch thu thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 07/1997/TTLT ngày 21/10/1997.

 

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Theo phần III Thông tư liên tịch số 07/1997/TTLT ngày 21/10/1997 về tổ chức phối hợp giữa các lực lượng trong việc kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu và gian lận thương mại, các lực lượng chức năng: Quản lý thị trường, Công an, Hải quan, thuế vụ chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể cho phù hợp với tình hình địa phương mình; nắm chắc các cơ sở kinh doanh mặt hàng vải và gạch men ốp lát các loại nhập khẩu; tăng cường kiểm tra kiểm soát, điều tra, truy xét và xử lý các đối tượng buôn bán, vận chuyển, chứa chấp, cất giấu vải và gạch men ốp lát nhập lậu, không đủ hoá đơn chứng từ nhập khẩu hợp pháp theo quy định.

Các lực lượng chức năng trên từng địa bàn chủ động có kế hoạch phối hợp chặt chẽ với các đơn vị bạn ở các địa bàn lân cận, các địa bàn vùng biên giới... để kịp thời hỗ trợ xác minh hoá đơn chứng từ khi cần thiết.

2. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị chức năng của địa phương triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ này; đồng thời tổ chức tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi tổ chức, cá nhân kinh doanh quán triệt và thực hiện.

3. Trọng tâm kiểm tra là các cửa khẩu, dọc tuyến biên giới, vùng ven biển, các tuyến đường từ biên giới vào nội địa, các tụ điểm tập trung hàng hoá, các trung tâm thương mại kinh doanh hàng vải, gạch men ốp lát.

4. Cục Quản lý thị trường - Bộ Thương mại tổ chức sự phối hợp giữa các lực lượng trên các tuyến biên giới và nội địa. Tổ chức kênh thông tin nhanh giữa Cục với Chi cục Quản lý thị trường địa phương và giữa các Chi cục với nhau để nhanh chóng xác minh tính hợp pháp của các chứng từ, hoá đơn có dấu hiệu vi phạm, giúp các lực lượng kiểm tra, kiểm soát xử lý nhanh các vụ việc.

5. Thông tư này có hiệu lực sau 30 ngày kể từ ngày ký và kiên quyết không chấp nhận mọi trường hợp hàng tồn kho mà không đủ hoá đơn, chứng từ theo quy định. Việc kiểm tra kiểm soát những mặt hàng khác vẫn thực hiện theo các Thông tư liên tịch số 07/1997/TTLT ngày 21/10/1997, Thông tư 77/1997/TTLT ngày 01/11/1997 và Thông tư số 30/1998/TTLT ngày 16/3/1998./.

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Thương mại
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Tài chính
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Hồ Huấn Nghiêm

Phạm Văn Trọng

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Công an
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Nguyễn Đức Minh

Lê Thế Tiệm

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.