• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 06/04/2012
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Số: 754/QĐ-BNN-KH
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Toàn quốc, ngày 6 tháng 4 năm 2012

QUYẾT ĐỊNH

Ban hành Chương trình hành động của Bộ Nông nghiệp và PTNT thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-CP

ngày 7 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ nhiệm kỳ 2011 – 2016

__________________________

 BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03/01/2008; Nghị định số 75/2009/NĐ-CP ngày 10/9/2009 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 7 tháng 03 năm 2012 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 7/3/2012 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

BỘ TRƯỞNG

(Đã ký)


Cao Đức Phát


CHƯƠNG TRÌNH

Hành động của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện

Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 7 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016
(Kèm Quyết định số: 754/QĐ-BNN-KH ngày 06 tháng 4 năm 2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

______________________________________________

Thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 7 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Chương trình hành động nhằm cụ thể hóa thành những nội dung, nhiệm vụ để tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ với các nội dung chủ yếu sau:

I. MỤC TIÊU VÀ NHIỆM VỤ

Mục tiêu của Chương trình hành động là thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn được đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, Nghị quyết Hội nghị TW lần thứ 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020 và kế hoạch 5 năm 2011-2015. Trong đó, những năm đầu của kế hoạch 5 năm 2011-2015 tập trung phát triển nông nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; trọng tâm là thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tạo tiền đề CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn với mục tiêu năm 2020, nước ta có nền nông nghiệp hiện đại dựa trên nền tảng công nghệ kỹ thuật cao, tạo sản phẩm nông sản chất lượng, giá trị kinh tế cao, có sức cạnh tranh cao trên thị trường, nông thôn giàu có, văn minh, hiện đại.

Dự báo bối cảnh kinh tế thế giới nhiệm kỳ Chính phủ 2011-2016 tiếp tục có diễn biến phức tạp, khó lường, nền kinh tế nói chung và nông nghiệp nước ta nói riêng ngày càng hội nhập sâu rộng với các nước khu vực và quốc tế. Trong nước, những vấn đề của kinh tế vĩ mô (lạm phát, lãi suất ngân hàng...) kết hợp với những biến động bất thường của thời tiết, khí hậu và dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi vẫn là thách thức lớn, đòi hỏi toàn ngành phải nỗ lực, có giải pháp đồng bộ, hiệu quả để đảm bảo sự phát triển bền vững.

Mục tiêu tổng thể của nhiệm kỳ 2011-2016 và kế hoạch 5 năm 2011 - 2015 của nông nghiệp, nông thôn là phấn đấu đạt được sự tăng trưởng bền vững, chất lượng, cải thiện cơ bản điều kiện sống của dân cư nông thôn nhất là người nghèo, bảo vệ và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Những năm đầu nhiệm kỳ, tập trung thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng thâm canh tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao giá trị sản xuất gắn với thực hiện tái cơ cấu ngành; bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, góp phần thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội. Những năm cuối nhiệm kỳ nếu có điều kiện thuận lợi sẽ phấn đấu đạt mục tiêu ở mức cao hơn.

II. NỘI DUNG CHỦ YẾU

1. Tái cơ cấu các ngành sản xuất, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả

Triển khai rà soát quy hoạch ngành, lĩnh vực từ cấp Trung ương đến cấp xã gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; lựa chọn và tập trung phát triển các loại cây trồng, vật nuôi là lợi thế của các vùng, miền; chú trọng phát triển thủy sản, chăn nuôi, giảm tổn thất sau thu hoạch, đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản gắn kết với các hoạt động thị trường, thương mại nhằm nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững. Nhiệm vụ cụ thể từng ngành, lĩnh vực như sau:

1.1. Trồng trọt

Trong nhiệm kỳ 2011-2015, ngành trồng trọt tiếp tục hướng tới mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đồng thời khai thác được tiềm năng thế mạnh của các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh nhằm thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tập trung đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật bao gồm cả công nghệ cao, các quy trình sản xuất tiên tiến (GAP) để nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

- Sản xuất lương thực:

Toàn quốc giữ ổn định 3,8 triệu ha đất lúa; gieo trồng khoảng 7,3 triệu ha lúa, sản lượng lúa đạt khoảng 41-43 triệu tấn vào năm 2015 để vừa bảo đảm đủ lương thực cho tiêu dùng trong nước, vừa có khối lượng gạo xuất khẩu khoảng 6-7 triệu tấn. Ổn định diện tích ngô khoảng 1,2 triệu ha để đạt sản lượng 6 triệu tấn. Duy trì diện tích sắn ở quy mô khoảng 500 ngàn ha, đưa năng suất sắn từ 175 tạ/ha lên 206 tạ/ha, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu công nghiệp chế biến và xuất khẩu.

- Phát triển các cây công nghiệp:

Tái canh cà phê, chè, điều bằng các giống mới để ổn định 550 nghìn ha cà phê, 140 nghìn ha chè, 380 nghìn ha điều. Riêng đối với cây cao su, giữ nguyên diện tích 834 ngàn ha. Sau năm 2015 trên cơ sở đánh giá hiệu quả diện tích cao su đã trồng và quỹ đất của các vùng để xem xét, điều chỉnh quy mô phù hợp, đảm bảo phát triển hiệu quả, bền vững.

Ổn định 300 nghìn ha mía, thâm canh với bộ giống phù hợp, trữ lượng đường cao và rải vụ để đạt sản lượng 21,6 triệu tấn; tăng diện tích lạc từ 235 nghìn ha lên 260 nghìn ha, sản lượng đạt khoảng 603 nghìn tấn; mở rộng diện tích đậu tương từ 200 nghìn ha lên 300 nghìn ha, sản lượng đạt khoảng 510 nghìn tấn vào năm 2015.

- Phát triển rau, hoa và cây ăn quả:

Tập trung phát triển các loại cây ăn quả có thị trường tiêu thụ thuận lợi; chú trọng phát triển sản xuất rau an toàn, trồng rau, hoa bằng công nghệ cao.

1.2. Chăn nuôi

Tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả chăn nuôi; giá trị sản lượng chăn nuôi tăng bình quân 7 - 8%/năm, tỷ trọng chăn nuôi trong giá trị sản lượng nông nghiệp đạt 36-38%; sản lượng thịt hơi các loại 5,5 triệu tấn, trứng 9,5-10 tỷ quả, sữa tươi 660 nghìn tấn.

Thực hiện mục tiêu trên, ngành chăn nuôi phải tập trung đảm bảo duy trì và phát triển đàn giống gốc, áp dụng các giải pháp kỹ thuật thúc đẩy chăn nuôi đạt hiệu quả cao. Tiếp tục khuyến khích phát triển chăn nuôi gia trại, trang trại, áp dụng quy trình sản xuất theo kiểu công nghiệp, phát triển chăn nuôi công nghệ cao, phát triển giết mổ và chế biến gắn với nâng cao năng lực, hiệu quả kiểm soát dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường.

1.3. Thủy sản

Mục tiêu đến năm cuối nhiệm kỳ phấn đấu đạt tổng sản lượng thủy sản 6,5 triệu tấn, trong đó khai thác hải sản 2,2 triệu tấn, nuôi trồng thủy sản 4,3 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt 8 tỷ USD.

Rà soát diện tích nuôi trồng thủy sản, đảm bảo các điều kiện nuôi thâm canh, an toàn dịch bệnh; tập trung phát triển nuôi cá tra, tôm sú, tôm thẻ chân trắng, nghêu và một số loài thủy đặc sản. Tạo điều kiện nâng cao năng lực các cơ sở sản xuất giống chất lượng cao và sạch bệnh, đáp ứng nhu cầu sản xuất.

Thực hiện điều tra nguồn lợi hải sản ở biển, có chính sách hỗ trợ ngư dân mở rộng đánh bắt xa bờ có hiệu quả và an toàn; tổ chức tổ đội khai thác hải sản trên biển; áp dụng công nghệ bảo quản tiên tiến để giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao giá trị sản phẩm khai thác. Đẩy mạnh quy hoạch chi tiết và đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành một số khu bảo tồn biển, bảo tồn thủy sản các vùng nước nội địa; thực hiện quản lý cộng đồng các khu bảo tồn, có quy chế quản lý bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản để phát triển bền vững ngành thủy sản; tổ chức liên kết chuỗi trong sản xuất, chế biến, bảo quản, lưu thông và tiêu thụ thủy sản.

1.4. Lâm nghiệp

Mục tiêu của lâm nghiệp trong kế hoạch 2011-2015 là tăng khả năng đóng góp của ngành lâm nghiệp cho phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và đảm bảo an sinh xã hội thông qua quản lý, bảo vệ và sử dụng bền vững diện tích rừng hiện có, trồng mới 1.250.000 ha rừng cho giai đoạn 2011-2015, trong đó trồng rừng phòng hộ 150.000 ha; trồng rừng sản xuất 500.000 ha; trồng rừng sau khai thác 600.000 ha; khoanh nuôi tái sinh làm giàu rừng 550.000 ha, trong đó khoanh nuôi tái sinh rừng chuyển tiếp 350.000 ha; khoanh nuôi tái sinh mới 200.000 ha; cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt 150.000 ha; trồng cây phân tán: 250 triệu cây/ năm; nâng cao chất lượng rừng tự nhiên, năng suất trồng rừng sản xuất tăng 10% vào năm 2015 so với năm 2011, đảm bảo nâng độ che phủ của rừng lên 42-43 % vào năm 2015.

Để đạt mục tiêu trên, cả nước sẽ triển khai chương trình phát triển và bảo vệ rừng giai đoạn 2011-2015 theo Quyết định số 57/QĐ-TTg ngày 9/1/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Củng cố và tăng cường lực lượng kiểm lâm để đảm bảo tốt vai trò là lực lượng nòng cốt trong công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng; thực hiện nhiệm vụ về giao đất giao rừng, khuyến lâm và thống kê, kiểm kê rừng.

Phát triển trồng rừng thâm canh, chú trọng phát triển trồng rừng gỗ lớn phục vụ chế biến, xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, hạn chế khai thác non, bán nguyên liệu thô; điều chỉnh cơ cấu trồng rừng phòng hộ theo hướng đa dạng; phát triển chế biến; thực thi chính sách nâng cao thu nhập và đời sống cho người làm nghề rừng.

Triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên rừng, tăng cường bảo vệ rừng phòng hộ, đặc dụng; khuyến khích phát triển nhanh rừng sản xuất. Rà soát, xây dựng cơ chế chính sách phù hợp để bảo đảm quyền lợi và khuyến khích nhân dân tham gia trồng, bảo vệ và khai thác rừng hợp lý, hiệu quả. Phối hợp chỉ đạo, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

1.5. Diêm nghiệp

Giữ ổn định diện tích sản xuất muối hiện có, tập trung đầu tư chiều sâu, cải tạo nâng cấp các công trình kết cấu hạ tầng tại đồng muối, phát triển sản xuất muối công nghiệp để đạt sản lượng trên 1,5 triệu tấn/năm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng làm thực phẩm cho dân và nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp.

1.6. Phát triển công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị gia tăng

Phát triển mạnh công nghiệp chế biến tinh, chế biến sâu; đa dạng hóa sản phẩm; đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị kết hợp với các biện pháp về tổ chức sản xuất, tiêu thụ hàng hóa nhằm nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm.

Đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp, thực hiện chính sách hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch theo Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg ngày 15/10/2010 và Quyết định số 65/2011/QĐ-TTg ngày 02/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ.

Rà soát, thống kê các cơ sở chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản để tăng cường sự quản lý nhà nước về sản xuất, kinh doanh, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.

1.7. Quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, lâm sản và an toàn vệ sinh thực phẩm nông sản, thủy sản

Giai đoạn 2011-2015, công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn vệ sinh sản phẩm nông lâm thủy sản vẫn là nhiệm vụ trọng tâm cần được tổ chức thực hiện. Bộ sẽ thực thi nhiều biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông sản, thủy sản như hoàn thiện hệ thống quy định/quy chuẩn tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông sản và thủy sản; Đẩy mạnh công tác quản lý đánh giá phân loại, kiểm tra điều kiện đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng như cơ sở sản xuất vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông sản, thủy sản.

Quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm nông lâm thủy sản theo nguyên tắc quản lý theo chuỗi và trên cơ sở phân tích nguy cơ; tiếp tục nghiên cứu xây dựng hàng rào kỹ thuật bảo vệ các mặt hàng sản xuất trong nước, chủ động dự báo để ứng phó kịp thời đối với các hàng rào kỹ thuật và thương mại của các thị trường xuất khẩu.

1.8. Phát triển ngành nghề nông thôn

Quy hoạch và đầu tư xây dựng các làng nghề trên địa bàn nông thôn với quy mô, cơ cấu sản phẩm, trình độ công nghệ hợp lý đủ sức cạnh tranh, thích hợp với điều kiện của từng vùng sinh thái; gắn hoạt động kinh tế của các làng nghề với hoạt động du lịch, bảo tồn và phát triển văn hóa.

Đẩy mạnh công tác chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất ở các làng nghề; ưu tiên đầu tư công nghệ xử lý chất thải, giảm thiểu và kiểm soát ô nhiễm môi trường làng nghề.

2. Phát triển nông thôn, xây dựng nông thôn mới, góp phần xoá đói, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất dân cư nông thôn

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 26 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhằm mục tiêu: “xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp - dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường”. Nhiệm vụ và mục tiêu cụ thể giai đoạn 2011-2015 là:

- Chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh việc xây dựng quy hoạch nông thôn, cộng đồng dân cư gắn với quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế và phát triển bền vững môi trường, xã hội làm căn cứ để người dân và chính quyền địa phương tổ chức thực hiện Chương trình, phấn đấu đạt 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới theo Bộ tiêu chí quốc gia quy định tại Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ.

- Từng bước hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn; cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, cụm dân cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất, đời sống và phòng chống thiên tai;

- Ngăn chặn xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường, đạt được bước quan trọng trong việc nâng cao chất lượng môi trường nông thôn;

- Đầu tư tăng cường năng lực cho người dân và cộng đồng; thực hiện giải quyết tốt việc làm, nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn gấp 2 lần so với hiện nay;

- Đẩy mạnh sản xuất ở các vùng nghèo, xã nghèo, tăng thu nhập cho người dân, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo chung cả nước theo chương trình 134, 135 và Chương trình giảm nghèo nhanh cho 61 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ, tạo chuyển biến rõ nét trong xoá đói, giảm nghèo vùng núi vùng sâu vùng xa, bãi ngang ven biển và hải đảo.

- Tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh cơ chế, chính sách di dân; ưu tiên bố trí dân cư vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai (sạt lở bờ sông, bờ biển, lũ quét,...), hải đảo, vùng xung yếu, rất xung yếu, vùng bảo vệ nghiêm ngặt của rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.

- Hướng dẫn, tổ chức tốt việc theo dõi, đánh giá tác động và thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh để chủ động sử dụng quỹ dự phòng thiên tai, dịch bệnh và tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội để khắc phục hậu quả, bảo đảm nhanh chóng phục hồi sản xuất, ổn định đời sống nhân dân.

3. Phát triển thủy lợi và cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn phục vụ sản xuất. Tăng cường phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng

3.1. Phát triển thủy lợi

- Công tác thủy lợi:

Tiếp tục xây dựng văn bản pháp quy nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý thủy lợi, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; tiếp tục thực hiện chiến lược thủy lợi, quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ đa mục tiêu trong điều kiện biến đổi khí hậu nước biển dâng của các vùng, các lưu vực sông; quy hoạch phòng chống ngập cho các thành phố lớn để làm căn cứ đầu tư xây dựng.

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch cấp nước phục vụ sản xuất; điều tiết các hồ chứa đảm bảo an toàn cho công trình nhưng trước hết phải đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân vùng hạ lưu; chỉ đạo công tác kiểm tra an toàn công trình trước và sau lũ, thực hiện kế hoạch sửa chữa nâng cấp, kiểm tra việc quản lý, vận hành và bảo trì công trình thủy lợi.

Tiếp tục chỉ đạo và thực hiện nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi, nâng cao năng lực các tổ chức quản lý thủy nông nhằm khai thác tốt các công trình thủy lợi đã được đầu tư xây dựng.

- Công tác quản lý đê điều và phòng chống thiên tai:

Đẩy mạnh công tác dự báo, ứng phó với các kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Kịp thời nắm tình hình diễn biến của mưa, lũ, bão để tham mưu, chỉ đạo công tác phòng tránh, cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả do lũ, bão; Kiểm tra, đôn đốc công tác đê điều và phòng, chống lụt, bão theo quy định của Luật Đê điều và Pháp lệnh phòng, chống lụt, bão ở các địa phương và các chủ hồ đập phối hợp điều tiết lũ, đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du; tiếp tục triển khai Chương trình đầu tư củng cố, bảo vệ và nâng cấp đê biển hiện có tại các tỉnh có đê từ Quảng Ninh đến Quảng Nam và Chương trình củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang, Chương trình nâng cấp đê sông đến năm 2020.

Triển khai có hiệu quả các giải pháp chống ngập úng cho các thành phố lớn; chủ động chỉ đạo ứng phó có hiệu quả với thiên tai bão lũ; đồng thời có giải pháp kịp thời, hiệu quả chống hạn phục vụ sản xuất và đời sống; tiếp tục thực hiện tốt chương trình bố trí dân cư, di dân ra khỏi những vùng có nguy cơ cao về thiên tai.

- Thực hiện Chương trình MTQG nước sạch và VS MT nông thôn:

Tổ chức triển khai Chương trình MTQG Nước sạch và VSMTNT giai đoạn 2012 - 2015; tập trung đầu tư các công trình cấp nước sạch và VSMTNT, ưu tiên cho các xã điểm nông thôn mới, các xã vùng sâu, vùng xa; vùng ven biển; các vùng thường bị thiên tai hạn hán, lũ lụt; vùng nguồn nước bị ô nhiễm; chú trọng thực hiện kế hoạch về vệ sinh môi trường nông thôn; thực hiện xã hội hóa, đa dạng hóa nguồn vốn cho chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn để tăng nguồn lực và gắn trách nhiệm của người sử dụng đối với các công trình đã xây dựng, đảm bảo tính bền vững.

3.2. Phát triển cơ sở hạ tầng thủy sản và nông lâm nghiệp

Giai đoạn 2011-2015, đẩy nhanh tiến độ xây dựng mới hoặc nâng cấp các Trung tâm giống thủy sản, các vùng sản xuất giống thủy sản tập trung, trung tâm quan trắc cảnh báo môi trường và phòng ngừa dịch bệnh thủy sản; triển khai các đề án sản xuất giống cá tra, tôm nước lợ, nhuyễn thể chất lượng cao, sạch bệnh cho các vùng nuôi tập trung; hoàn thành các dự án khu neo đậu cấp vùng tuyến bờ phục vụ tránh trú bão và triển khai các dự án xây dựng hạ tầng các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung.

Tiếp tục triển khai các dự án tăng cường hạ tầng kỹ thuật nông lâm nghiệp, nhất là cơ sở hạ tầng phục vụ nghiên cứu khoa học, chọn tạo và nhân giống; cơ sở hạ tầng phục vụ kiểm soát chất lượng, VSATTP; phòng chống dịch bệnh vật nuôi, cây trồng; nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng.

4. Đổi mới hình thức liên kết, hợp tác, tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và phát triển dịch vụ, ngành nghề hiệu quả ở nông thôn

Mục tiêu giai đoạn 2011-2015 toàn ngành xây dựng quan hệ sản xuất, dịch vụ mới ở địa bàn nông thôn với những hình thức linh hoạt, phù hợp với quy luật phát triển kinh tế và nhu cầu của nông dân, đảm bảo hiệu quả gồm: Sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp nhà nước trong nông nghiệp; Đổi mới căn bản việc tổ chức, quản lý nông, lâm trường quốc doanh. Thực hiện tốt việc giao khoán đất, vườn cây cho người lao động, nông, lâm trường quốc doanh chuyển sang làm các dịch vụ cho người nhận khoán và nông dân trong vùng;

Khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác, tổ chức hiệp hội ngành hàng; phát triển mô hình liên kết, hợp tác sản xuất giữa doanh nghiệp, nhà khoa học với các hộ nông dân (theo kiểu cánh đồng mẫu lớn).

Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho kinh tế trang trại sản xuất hàng hóa lớn, tập trung với các điều kiện và yếu tố sản xuất theo hướng công nghiệp, hiện đại.

Tiếp tục hỗ trợ phát triển kinh tế hộ theo hướng chuyên môn hóa, mở rộng sản xuất quy mô lớn; khuyến khích và hỗ trợ các hộ sản xuất áp dụng khoa học công nghệ, quy trình sản xuất tiên tiến (GAP), công nghệ cao để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và vệ sinh an toàn thực phẩm các sản phẩm nông sản, thủy sản.

5. Đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

- Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của ngành nhằm xây dựng đội ngũ công chức hành chính, công chức sự nghiệp, chuyên gia giỏi về chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu phát triển nền nông nghiệp hiện đại và hội nhập quốc tế;

- Phối hợp triển khai mạnh chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo QĐ số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đào tạo 1,6 triệu lao động nông nghiệp và 22.000 cán bộ chủ chốt của HTX nông nghiệp.

6. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, tăng cường phòng, chống tham nhũng

Đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về nông nghiệp và phát triển nông thôn; kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước ngành từ Trung ương đến cơ sở, đảm bảo hoạt động nhanh nhạy, thông suốt, chủ động và hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức chuyên nghiệp có đủ trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Căn cứ Chương trình hành động này và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc các Tổng công ty, Giám đốc các doanh nghiệp thuộc Bộ khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động của đơn vị.

2. Định kỳ 6 tháng, hàng năm các đơn vị rà soát báo cáo Bộ kết quả thực hiện trong đó nêu rõ việc đã hoàn thành, việc chưa hoàn thành, nguyên nhân, trách nhiệm và đề xuất giải pháp tiếp tục thực hiện trong kỳ kế tiếp.

3. Giao Văn phòng Bộ chủ trì phối hợp với Vụ Kế hoạch theo dõi, kiểm tra, giám sát và đôn đốc việc triển khai thực hiện Chương trình hành động, định kỳ tổng hợp tham mưu cho Bộ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

4. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu thấy cần sửa đổi, bổ sung Chương trình hành động, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chủ động báo cáo Bộ trưởng để xem xét, quyết định./.

(Chi tiết có phụ lục 1,2 kèm theo)

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Cao Đức Phát

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.