• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 13/03/1996
  • Ngày hết hiệu lực: 28/07/2001
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI-BỘ NỘI VỤ
Số: 01/TTLB-NV-GTVT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Nam Định, ngày 13 tháng 3 năm 1996

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

Hướng dẫn một số điểm về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm trật an toàn

giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị

__________________

Căn cứ Điều 29 Nghị định 49/CP ngày 26 tháng 7 năm 1995 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị.

Căn cứ Nghị định 36/CP ngày 29/5/1995 của Chính phủ về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường Bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị.

 Để việc xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị theo quy định của Nghị định 49/CP ngày 26/7/1995 của Chính phủ được áp dụng thống nhất trong cả nước, Liên Bộ Nội vụ - Giao thông vận tải hướng dẫn một số điểm như sau:

I. HƯỚNG DẪN MỘT SỐ ĐIỂM VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH QUY ĐỊNH TẠI CHƯƠNG II CỦA NGHỊ ĐỊNH 49/CP NGÀY 26/7/1995

1. Trồng cây trong phạm vi bảo vệ đường làm che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện giao thông (điểm a, khoản 1, Điều 4). "Tầm nhìn của người điều khiển giao thông" là tầm nhìn tối thiểu trực diện và tầm nhìn bên của người điều khiển giao thông.

Tầm nhìn trực diện xác định theo điều kiện làm việc của mắt người điều khiển phương tiện ở độ cao giả định 1m20 so với mặt đường và vị trí của phương tiện ở làn xe ngoài cùng phía phải cách mép mặt đường 1,5m như sau:

Tốc độ xe chạy trên đường

Tầm nhìn tối thiểu (m)

(km/h)

Tầm nhìn đường một chiều

Tầm nhìn đường hai chiều

80

100

200

60

75

150

40

50

80

25

20

40

Tầm nhìn bên là tầm nhìn tối thiểu dọc 2 bên đường để người điều khiển phương tiện có thể xử lý các trở ngại xuất hiện từ dọc hai bên đường.

Ở những đoạn đường có thể có người, súc vật, phương tiện từ bên đường đi vào thì không được trồng cây trong phạm vi bảo vệ đường.

Khi trồng cây trong phạm vi bảo vệ đường không bảo đảm tầm nhìn theo quy định ở trên thì bị xử phạt theo điểm a, khoản 1, Điều 4.

Nếu trồng cây trong phạm vi bảo vệ công trình giao thông mà che khuất không bảo đảm tầm nhìn thấy của biển báo hiệu từ cự ly 150m trên những đoạn đường xe chạy tốc độ cao và có nhiều làn xe, 100m trên những đoạn đường ngoài phạm vi khu đông dân cư, 50m trên những đoạn đường trong phạm vi khu đông dân cư thì bị xử phạt theo điểm a, khoản 2, Điều 4.

2. Việc tự ý mở đường ngang qua đường bộ, đường có giải phân cách (điểm d, khoản 2, Điều 6).

Việc tự ý mở đường ngang qua đường bộ, đường có giải phân cách là tự ý làm đường nối vào đường bộ, đặt đường sắt giao cắt mặt bằng với đường bộ, phá bỏ giải phân cách cứng của đường bộ để tạo lối ngang qua đường bộ.

3. Dùng ô, dù để che nắng, mưa khi đi xe đạp và dùng ô, dù để che nắng, mưa khi điều khiển xe máy, mô tô (điểm b, khoản 1, Điều 8 và điểm b, khoản 1, Điều 11).

Hành vi này quy định đối với người ngồi trên xe đạp, xe máy, mô tô (bao gồm cả người điều khiển và người được chở theo) sử dụng ô, dù để che nắng, che mưa.

4. Vấn đề dừng, đỗ của phương tiện.

a. Đỗ, dừng xe ôtô không đúng quy định, (điểm b, khoản 1, Điều 13).

Xử phạt các hành vi trong điểm h, Điều 39 Điều lệ trật tự án toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị ban hành kèm theo Nghị định 36/CP ngày 29/5/1995 của Chính phủ, đồng thời chú ý hiệu lực của biển "Cấm dừng đỗ xe" "Cấm đỗ xe" quy định tại phụ lục số 3 Điều lệ báo hiệu đường bộ ban hành kèm theo Quyết định số 3485/KHKT ngày 12/11/1984 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Nơi không có biển cấm dừng thì được dừng, nơi không có biển cấm đỗ thì được đỗ.

Trường hợp bất khả kháng như đang đi trên đường đột ngột bị hỏng máy, hỏng lốp mà phải dừng, đỗ trong phạm vi cấm dừng, cấm đỗ thì không xử phạt.

b. Đối với xe máy, mô tô, xe máy lôi, xích lô máy: Đỗ xe, dừng xe ở lòng đường, chỗ cấm đỗ, cấm dừng (điểm c, khoản 1, Điều 11).

Chỉ xử phạt đối với các trường hợp đỗ xe, dừng xe ở lòng đường gây cản trở giao thông đã được nhắc nhở mà không chấp hành. Các trường hợp đỗ ở chỗ cấm đỗ, dừng ở nơi cấm dừng đều phải xử phạt.

c. Dừng xe ở lòng đường, chiều đường không đúng quy định gây cản trở giao thông (điểm c, khoản 1, Điều 8). Dùng xe đẩy làm quầy hàng hoá lưu động trên đường trái với quy định gây cản trở giao thông (điểm c, khoản 1, Điều 9).

Chỉ xử phạt đối với các trường hợp gây cản trở giao thông, đã được nhắc nhở mà không chấp hành.

d. Xe đạp, xe máy, môtô chở quá số người quy định (điểm a, khoản 3, Điều 8; điểm d khoản 1 Điều 11) trong tình thế cấp thiết như chở người đi cấp cứu thì không xử phạt.

đ. Đón trả khách không đúng bến, không đúng quy định (điểm b, khoản 1, Điều 14). Không áp dụng đối với ô tô taxi ở những nơi không có bến, ôtô chở khách theo hợp đồng.

5. Không chấp hành sự kiểm tra, kiểm soát của cảnh sát giao thông khi có vi phạm (điểm g, khoản 2, Điều 11; điểm e, khoản 3, Điều 13).

Hành vi này bao gồm: không chấp hành hiệu lệnh dừng xe, không xuất trình giấy tờ theo yêu cầu của cảnh sát giao thông - trật tự.

6. Về giấy phép lái xe (điểm e, khoản 2, Điều 11; điểm g, khoản 3 Điều 13).

Trước ngày 1/8/1995 "Giấy phép lái xe" do Bộ Nội vụ cấp nếu chưa hết hạn vẫn có giá trị. Sau ngày 1/8/1995 Giấy phép lái xe được đổi thành "bằng lái xe" do Bộ Giao thông vận tải cấp. Người điều khiển phương tiện chỉ được điều khiển loại phương tiện theo đúng quy định ghi trên "Giấy phép lái xe" hoặc đúng phân hạng quy định tại Điều lệ thi, cấp bằng lái xe ban hành kèm theo Quyết định 3395-QĐ/TCCB-LĐ ngày 01/7/1995 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

7. Không làm thủ tục chuyển đổi quyền sở hữu xe hoặc chuyển vùng theo quy định (điểm h, khoản 2, Điều 11).

Chỉ xử phạt khi đã có căn cứ xác định chính xác hành vi không chuyển đổi quyền sở hữu (bán, cho, tặng) hoặc chuyển vùng (di chuyển hộ khẩu đến địa phương khác, hoặc xe của tổ chức mà điều chuyển sang địa phương khác) theo quy định tại Thông tư 03-TT/BNV ngày 24/7/1995 của Bộ Nội vụ.

Không xử phạt các trường hợp đi xe mượn của người khác.

8. Điều khiển xe chưa có đăng ký, xe không có biển số hoặc gắn biển số giả (điểm b, khoản 3, Điều 11).

Không xử phạt xe chưa có đăng ký trong các trường hợp đi xe từ nơi mua về nhà, trên đường đi làm thủ tục đăng ký, đã được cấp biển số và có giấy hẹn lấy đăng ký của cơ quan Công an. Căn cứ để xác định các trường hợp trên là các giấy tờ mang theo và chỉ giới hạn trong thời gian 30 ngày phải hoàn thành thủ tục đăng ký (Theo quy định của Thông tư 03-TT/BNV ngày 24/7/1995) ngoài thời gian này bị xử phạt.

Biển số giả là biển số không do cơ quan đăng ký xe cấp, nếu gắn biển số không khớp với số ghi trên đăng ký xe cũng bị xử lý như gắn biển số giả.

9. Dùng chân chống quẹt xuống lòng đường khi xe đang chạy (điểm a, khoản 4, Điều 11).

Chỉ xử phạt đối với các trường hợp cố ý, có tính chất càn quấy; những trường hợp do vô ý không gạt chân chống thì nhắc nhở.

10. Sử dụng trái quy định xe mô tô có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên (điểm b, khoản 5, Điều 11).

Xử phạt đối với người sử dụng trái quy định xe môtô có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên phải căn cứ vào Quyết định 258/TTg ngày 29/5/1993 của Thủ tướng Chính phủ, Công văn số 4284/KTKH ngày 27/8/1993 của Văn phòng Chính phủ và Thông tư số 07/BNV ngày 14/7/1993 của Bộ Nội vụ; không có trường hợp ngoại lệ. Trường hợp người điều khiển xe là người trong gia đình của chủ phương tiện (chung hộ khẩu) cũng bị xử phạt.

11. Thay đổi đặc tính của xe máy, mô tô, xe máy lôi, xích lô máy (điểm c, khoản 4, Điều 11).

Thay đổi đặc tính của các loại xe này là thay đổi dung tích xi lanh lớn hơn dung tích thiết kế, thay còi xe không đúng chủng loại.

12. Biển số bị mờ, bị che lấp (điểm đ, khoản 2, Điều 11; điểm d, khoản 1, Điều 13)

Chỉ xử phạt những trường hợp cố ý bẻ cong, bôi bẩn, che khuất biểu số... để trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát; Những trường hợp không cố ý thì nhắc nhở, hướng dẫn, yêu cầu chấp hành đúng quy định.

13. Điều khiển xe thiếu còi, đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu (điểm đ, khoản 1, Điều 13).

Mức phạt này áp dụng cho những xe thiếu đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu trong trường hợp đi ban ngày, còn nếu đi ban đêm thì xử phạt theo điểm g, khoản 2, Điều 13 (Mức phạt cao hơn).

14. Chở quá trọng tải cho phép của xe (điểm c, khoản 4, Điều 13). Xe chở hàng hoá, đồ vật vượt quá trọng tải cho phép là vượt quá trọng tải thiết kế của ô tô đã được ghi trong giấy phép lưu hành. Trường hợp chở quá trọng tải dưới 2% thì không xử phạt.

15. Người điều khiển phương tiện không mang theo giấy tờ hợp lệ (điểm a, khoản 6, Điều 13).

Xe không đăng ký hợp lệ là xe mà chủ xe chưa làm thủ tục đăng ký mới, không làm thủ tục chuyển đổi quyền sở hữu (sang tên), chuyển vùng (di chuyển) theo quy định.

Những giấy tờ quy định tại điểm a, khoản 6, Điều 13 phải là bản chính. Trường hợp người điều khiển phương tiện không mang theo bản chính hoặc dùng giấy tờ là bản phôtô (kể cả phôtô có công chứng nhà nước) hoặc các giấy tờ khác để thay thế cho giấy tờ theo quy định tại điểm a, khoản 6, Điều 13 thì người có thẩm quyền tạm giữ đăng ký xe, giấy phép lái xe (bằng lái xe) và giấy phép lưu hành hoặc tạm giữ phương tiện (chỉ tạm giữ phương tiện khi không có đăng ký xe). Trong thời hạn 10 ngày nếu chủ phương tiện xuất trình đầy đủ bản chính thì không xử phạt.

Quy định này cũng được áp dụng đối với người điều khiển xe máy, mô tô và các phương tiện cơ giới khác.

16. Chở người vượt quá số quy định cho từng loại xe (trừ xe buýt) (điểm d, khoản 2, Điều 14).

Trong điều kiện hiện tại, mức xử lý vi phạm chở người vượt quá số quy định áp dụng như sau:

Hành vi này điều chỉnh chung đối với các loại xe chở khách (trừ xe buýt)

a. Xe kinh doanh chở khách:

Căn cứ vào số người được chở ghi trong giấy phép lưu hành khi xử lý thực hiện theo quy định dưới đây:

- Xe đến 9 chỗ ngồi: Chở vượt quá 1 người không xử phạt; chở vượt quá 2 người xử phạt bằng 50% mức tiền phạt quy định; chở vượt quá 3 người chở lên thì xử phạt tiền theo mức quy định.

- Xe trên 9 chỗ ngồi đến 30 chỗ ngồi: Chở vượt quá 2 người không xử phạt; chở vượt quá 3 người xử phạt bằng 50% mức tiền phạt quy định; chở vượt quá 4 người trở lên thì xử phạt tiền theo mức quy đinh.

- Xe trên 30 chỗ ngồi: Chở vượt quá 3 người không xử phạt, chở vượt quá 4 người xử phạt bằng 50% mức tiền phạt quy định; chở vượt quá 5 người trở lên thì xử phạt tiền theo mức quy định.

b. Xe chở người nhưng không làm kinh doanh chở khách: vận dụng tương tự quy định trên.

17. Dùng xe tải chở người mà không được phép hoặc sai quy định (khoản 3, Điều 14).

Dùng xe tải chở người ở thùng xe mà không theo đúng quy định tại Điều 25 Điều lệ trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị hoặc số người ngồi trong cabin xe tải vượt quá số chỗ ngồi theo thiết kế và được ghi trong giấy phép lưu hành thì bị xử phạt.

18. Không đủ đèn chiếu sáng, đèn phanh và các loại đèn tín hiệu khác theo quy định (điểm đ, khoản 1, Điều 15).

Trường hợp có đủ đèn về hình thức nhưng không có hiệu lực cũng bị xử phạt.

19. Chở quá tải trọng cho phép của cầu đường (điểm c, khoản 1, Điều 16).

Xe quá trọng tải là xe có tải trọng trục hoặc tổng trọng tải vượt quá sức chịu tải của cầu và đường theo quy định tại Thông tư 239-TT/PC ngày 30/9/1995 của Bộ Giao thông vận tải.

Khi cân xe để xác định tổng trọng tải của xe thì được trừ sai số cho phép của cân (do cơ quan có thẩm quyền về đo lường xác định và được niêm yết công khai tại cầu cân) và được trừ 1% tổng trọng tải sau khi cân đo do thay đổi về tự trọng của xe (xăng, dầu, nước...).

Tổng trọng của xe sau khi trừ sai số của cân và sự thay đổi cho phép về tự trọng của xe (1% tổng trọng) nếu so với quy định mà vượt quá thì xử phạt như sau:

- Vượt từ trên 1% đến 2% tải trọng cho phép thì mức tiền phạt bằng 50% mức tiền phạt quy định.

- Vượt từ trên 2% tải trọng cho phép thì xử phạt tiền theo mức quy định.

20. Điều khiển xe có lốp không đúng kích cỡ, tiêu chuẩn kỹ thuật (điểm a, khoản 1, Điều 17).

Lốp không đúng kích cỡ là lốp có đường kính vành bánh xe không đúng đường kính vành bánh xe theo thiết kế của nhà chế tạo.

Lốp không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật là lốp không đảm bảo tiêu chuẩn ngành 22-TCN 224-95 ban hành kèm theo Quyết định 321-QĐ/KHKT ngày 29/6/1995 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, ở mục 1-10-3 như sau: Đúng cỡ, đủ số lượng, đủ áp suất, không phồng rộp, không nứt vỡ tới lớp vải. Các bánh dẫn hướng phải đồng đều về chiều cao hoa lốp; chiều cao hoa lốp còn lại của các bánh dẫn hướng không nhỏ hơn:

- Ôtô con 1,6 mm

- Ôtô khách 2,0 mm

- Ôtô tải 1,0 mm

21. Hệ thống chuyển hướng không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật (điểm b, khoản 1, Điều 17).

Hệ thống chuyển hướng thể hiện qua độ dơ góc của vô lăng:

- Ôtô con, ôtô khách đến 12 chỗ, ôtô tải có trọng tải đến 1500 kg không lớn hơn 10 độ.

- Ôtô khách trên 12 chỗ, không lớn hơn 12 độ.

- Ôtô tải có trọng tải trên 1500 kg, không lớn hơn 25 độ.

22. Thay đổi hình dáng, kích thước, khung vỏ xe hoặc hệ thống phanh, hệ thống truyền động, chuyển động không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật (khoản 2, Điều 17).

Thay đổi hình dáng, kích thước, khung vỏ xe là thay đổi đặc điểm của xe được quản lý trong hồ sơ xe và đăng ký xe mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Tất cả những hành vi thay đổi hệ thống phanh, hệ thống truyền động, hệ thống chuyển động (bao gồm cả hệ thống lái) không đảm bảo tiêu chuẩn ngành 22-TCN 224-95 ban hành kèm theo Quyết định 3321-QĐ/KHKT ngày 29/6/1995 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và không được phép của cơ quan có thẩm quyền đều bị xử phạt theo quy định.

23. Đặt, rải bàn chông hoặc các vật sắt nhọn khác trên đường giao thông (điểm a, khoản 5, Điều 19).

Đặt, rải bàn chông hoặc các vật khác sắc nhọn trên đường giao thông (kim loại, mảnh chai, mảnh kính...) đều bị xử phạt theo điểm a, khoản 5, Điều 19.

II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Bộ Nội vụ, Bộ Giao thông vận tải, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm phổ biến, hướng dẫn, tổ chức học tập cho các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền xử phạt thuộc quyền mình.

Đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phổ biến tới đông đảo nhân dân và hướng dẫn, kiểm tra, thi hành đúng các quy định tại Thông tư này.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị cần phản ánh về Liên bộ để xem xét giải quyết.

 

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Giao thông vận tải
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Nội vụ
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Bùi Văn Sướng

Lê Thế Tiệm

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.