THÔNG TƯ
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA THÔNG TƯ SỐ 05/2017/TT-BLĐTBXH NGÀY 02 THÁNG 3 NĂM 2017 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI QUY ĐỊNH QUY CHẾ TUYỂN SINH VÀ XÁC ĐỊNH CHỈ TIÊU TUYỂN SINH TRÌNH ĐỘ TRUNG CẤP, CAO ĐẲNG
Căn cứ Luật Giáo dục nghề nghiệp ngày 27 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 14/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Căn cứ Nghị định số 143/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ quy định điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp;
Theo đề nghị của Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp,
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 05/2017/TT-BLĐTBXH ngày 02 tháng 3 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định quy chế tuyển sinh và xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 05/2017/TT-BLĐTBXH ngày 02 tháng 3 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định quy chế tuyển sinh và xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng
1. Khoản 2 Điều 2 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“2. Thông tư này không áp dụng việc tuyển sinh trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên và không áp dụng với đối tượng tuyển sinh vào học chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, đi học ở nước ngoài.”
2. Điểm b Khoản 2 Điều 3 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“b) Đối với trình độ cao đẳng:
- Học sinh đã tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc tương đương;
- Người có bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp và có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc đã học và thi đạt yêu cầu các môn văn hóa trung học phổ thông theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở nhưng có nguyện vọng học liên thông lên trình độ cao đẳng phải học và thi đạt yêu cầu các môn văn hóa trung học phổ thông theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và có bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp.”
3. Điều 5 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 5. Hồ sơ và thủ tục đăng ký dự tuyển vào trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng
1. Hồ sơ đăng ký dự tuyển gồm:
a) Phiếu đăng ký dự tuyển vào giáo dục nghề nghiệp theo mẫu quy định tại Phụ lục 03 kèm theo Thông tư này;
b) Bản sao hợp lệ các loại giấy tờ cần thiết khác tùy theo yêu cầu và tiêu chí xét tuyển hoặc thi tuyển của từng trường (nếu có).
2. Các hình thức đăng ký dự tuyển
a) Đăng ký trực tiếp trên Phiếu đăng ký dự tuyển vào giáo dục nghề nghiệp và nộp Phiếu đăng ký dự tuyển tại trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội của địa phương hoặc trực tiếp tại trường đăng ký dự tuyển;
b) Đăng ký trực tuyến (online) trên trang thông tin điện tử về tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp có địa chỉ tại: http://tuyensinh.gdnn.gov.vn hoặc trên trang thông tin điện tử của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội của địa phương hoặc trên các trang thông tin điện tử của các trường;
c) Đăng ký trực tuyến (online) qua phần mềm “Chọn nghề” được cài đặt trên các thiết bị di động (điện thoại smartphone, máy tính bảng).
3. Nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển
a) Phiếu đăng ký dự tuyển vào giáo dục nghề nghiệp: Nộp trực tiếp theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này hoặc đăng ký trực tuyến theo quy định tại Điểm b và c Khoản 2 Điều này;
b) Bản sao hợp lệ các loại giấy tờ cần thiết khác tùy theo yêu cầu và tiêu chí xét tuyển hoặc thi tuyển của từng trường (nếu có): Nộp trực tiếp cho trường đăng ký dự tuyển hoặc gửi qua đường bưu điện theo yêu cầu của trường dự tuyển.
4. Các trường công bố phương thức tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự tuyển và lệ phí tuyển sinh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh.”
4. Sửa đổi, bổ sung Điều 25 như sau:
“Điều 25. Trách nhiệm của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
1. Hướng dẫn cụ thể về công tác tuyển sinh trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng; thống nhất quản lý, chỉ đạo và hỗ trợ các địa phương, các trường trong công tác tuyển sinh.
2. Thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác tuyển sinh, xác định chỉ tiêu tuyển sinh và thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh của các trường theo quy định của pháp luật.
3. Chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành; Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành kiểm tra kết quả phúc tra ở trường trực thuộc nếu nhận được ý kiến phản ánh của thí sinh.”
5. Tên của Điều 26 được sửa đổi như sau:
“Điều 26. Trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ”
6. Bổ sung Điều 26a như sau:
“Điều 26a. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
1. Chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên thực hiện phân luồng, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp bên cạnh tuyển sinh vào đại học; giúp người học đăng ký vào học các trình độ của giáo dục nghề nghiệp theo mẫu phiếu đăng ký dự tuyển vào giáo dục nghề nghiệp để thực hiện chỉ tiêu phân luồng sau trung học vào giáo dục nghề nghiệp theo Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025” và gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp gửi các trường có thí sinh dự tuyển;
2. Chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức ngày hội tư vấn tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp. Số đợt tổ chức ngày hội tư vấn tuyển sinh trong năm do địa phương quyết định.”
7. Bổ sung Điều 26b như sau:
“Điều 26b. Trách nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
1. Hướng dẫn công tác tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp tại các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên; thông báo quy trình, thủ tục tiếp nhận, đăng ký tuyển sinh vào giáo dục nghề nghiệp; phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức ngày hội tư vấn tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp.
2. Chỉ đạo, tổ chức phát hành phiếu đăng ký dự tuyển vào giáo dục nghề nghiệp đến các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn; tiếp nhận phiếu đăng ký tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp từ các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, tổng hợp gửi các trường có thí sinh đăng ký; chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các trường trong công tác tuyển sinh.
3. Theo dõi, chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện việc tuyển sinh và quản lý người học theo quy định của pháp luật.
4. Định kỳ báo cáo gửi về Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp theo quy định tại Thông tư này.
5. Thực hiện các nội dung khác theo quy định tại Thông tư này.”
8. Sửa đổi, bổ sung Điều 27 như sau:
“Điều 27. Trách nhiệm của trường
1. Xây dựng quy chế tuyển sinh theo quy định tại Thông tư này; chủ động phối hợp với các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ quan, đơn vị có liên quan phát hành phiếu đăng ký dự tuyển vào giáo dục nghề nghiệp đến các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên và trên trang thông tin điện tử của trường.
2. Đảm bảo tính trung thực, chính xác của các số liệu về giảng viên, giáo viên; về cơ sở vật chất trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm.
3. Cung cấp đầy đủ thông tin khi có yêu cầu của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để xác minh chỉ tiêu tuyển sinh đã đăng ký.
4. Báo cáo kết quả tuyển sinh năm trước và đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm sau đúng thời gian quy định.
5. Tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát các khâu trong công tác tuyển sinh tại cơ sở mình theo Điều lệ của nhà trường.”
Điều 2. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22 tháng 4 năm 2019.
2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.