Sign In

THÔNG TƯ

Hướng dẫn một số nội dung chuyên môn phục vụ công tác xây dựng dự toán thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước

–––––––––––––––––––––––––

Căn cứ Luật Khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khoa học và công nghệ;

Căn cứ Nghị định số 95/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học và công nghệ;

Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 95/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính và Vụ trưởng Vụ Pháp chế;

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư hướng dẫn một số nội dung chuyên môn phục vụ công tác xây dựng dự toán thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước.

 

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này hướng dẫn một số nội dung chuyên môn phục vụ công tác xây dựng dự toán thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ (sau đây viết tắt là nhiệm vụ) có sử dụng ngân sách nhà nước bao gồm nhiệm vụ cấp quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh và cấp cơ sở quy định tại Điều 25, 26, 27 và 28 Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khoa học và công nghệ.

Nhiệm vụ sử dụng ngân sách nhà nước thuộc nội dung triển khai của các chương trình khoa học và công nghệ theo quyết định phê duyệt của cấp có thẩm quyền trong từng giai đoạn áp dụng quy định tại Thông tư này và các quy định đặc thù (nếu có).

Nhiệm vụ sử dụng nguồn vốn khác được khuyến khích áp dụng quy định của Thông tư này.

2. Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan quản lý nhiệm vụ; cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ có sử dụng ngân sách nhà nước; các tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ có sử dụng ngân sách nhà nước và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Nội dung nghiên cứu trong nhiệm vụ là nội dung cần thực hiện, được trình bày trong thuyết minh nhiệm vụ để đạt được mục tiêu và sản phẩm của nhiệm vụ theo đặt hàng. Nội dung nghiên cứu bao gồm một hoặc nhiều công việc cần thực hiện.

2. Chức danh thực hiện nhiệm vụ là người trực tiếp thực hiện các nội dung nghiên cứu trong nhiệm vụ bao gồm: chủ nhiệm nhiệm vụ; thư ký khoa học; thành viên chính; thành viên; kỹ thuật viên, nhân viên hỗ trợ.

3. Nhóm chức danh thực hiện nhiệm vụ (sau đây viết tắt là nhóm chức danh) là tập hợp các cá nhân có cùng chức danh theo quy định tại khoản 2 Điều này để thực hiện nội dung nghiên cứu trong nhiệm vụ.

4. Chuyên gia trong nước, chuyên gia ngoài nước phối hợp nghiên cứu, thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ là người có trình độ từ đại học trở lên, có tối thiểu 5 năm kinh nghiệm nghiên cứu hoặc làm việc trong lĩnh vực chuyên môn phù hợp với công việc cần thực hiện trong nhiệm vụ.

5. Chuyên gia tư vấn độc lập là người có trình độ từ đại học trở lên, có năng lực và tối thiểu 5 năm kinh nghiệm nghiên cứu hoặc làm việc trong lĩnh vực chuyên môn phù hợp với công việc cơ quan quản lý nhiệm vụ yêu cầu thực hiện. Đối với nhiệm vụ cấp quốc gia, chuyên gia tư vấn độc lập phải thuộc cơ sở dữ liệu chuyên gia khoa học và công nghệ do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý.

6. Tổ chức tư vấn độc lập là đơn vị có chức năng chuyên môn phù hợp được cơ quan quản lý nhiệm vụ thuê để đánh giá, kiểm tra chất lượng sản phẩm đối với các nhiệm vụ có sản phẩm trung gian hoặc sản phẩm là các mô hình, thiết bị cụ thể, sản phẩm cần đo kiểm.

7. Phê duyệt nhiệm vụ quy định tại Điều 9 Thông tư này và khoản 1 Điều 11 Thông tư số 03/2023/TT-BTC ngày 10 tháng 01 năm 2023 của Bộ Tài chính quy định lập dự toán, quản lý sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ (sau đây viết tắt là Thông tư số 03/2023/TT-BTC) là việc cơ quan có thẩm quyền quyết định phê duyệt danh mục nhiệm vụ để đưa ra tuyển chọn hoặc giao trực tiếp.

 

CHƯƠNG II

 HƯỚNG DẪN MỘT SỐ NỘI DUNG CHUYÊN MÔN PHỤC VỤ
CÔNG TÁC XÂY DỰNG DỰ TOÁN NHIỆM VỤ KHOA HỌC
VÀ CÔNG NGHỆ CÓ SỬ DỤNG NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

 

Điều 3. Chức danh thực hiện nhiệm vụ

1. Chủ nhiệm nhiệm vụ

a) Chủ nhiệm nhiệm vụ là người chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý nhiệm vụ trong việc: xây dựng thuyết minh nhiệm vụ; quản lý chung, phân công, điều phối việc thực hiện toàn bộ nội dung nghiên cứu trong nhiệm vụ; đánh giá kết quả thực hiện các nội dung nghiên cứu của nhiệm vụ; xây dựng báo cáo theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhiệm vụ, báo cáo tổng hợp, báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện nhiệm vụ.

b) Chủ nhiệm nhiệm vụ phải đáp ứng các điều kiện đăng ký làm chủ nhiệm nhiệm vụ có sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành.

c) Mỗi nhiệm vụ chỉ có một chủ nhiệm nhiệm vụ.

2. Thư ký khoa học

a) Thư ký khoa học là người hỗ trợ chủ nhiệm nhiệm vụ quản lý, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bao gồm việc: hỗ trợ theo dõi đôn đốc tiến độ triển khai nhiệm vụ; hỗ trợ xây dựng các báo cáo theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhiệm vụ, báo cáo tổng hợp, báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện nhiệm vụ; hỗ trợ công tác thanh quyết toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ và các công việc hỗ trợ khác theo phân công của chủ nhiệm nhiệm vụ.

b) Mỗi nhiệm vụ chỉ có một thư ký khoa học.

3. Thành viên chính

a) Thành viên chính là cá nhân được chủ nhiệm nhiệm vụ phân công chịu trách nhiệm thực hiện đối với từng nội dung nghiên cứu của nhiệm vụ.

b) Trong một nhiệm vụ có nhiều nội dung nghiên cứu. Mỗi nội dung được chủ trì thực hiện bởi tối đa một thành viên chính.

4. Thành viên

Thành viên thực hiện nhiệm vụ là cá nhân được chủ nhiệm nhiệm vụ phân công tham gia thực hiện các công việc cụ thể trong nội dung nghiên cứu của nhiệm vụ.

5. Kỹ thuật viên, nhân viên hỗ trợ (không bao gồm lao động phổ thông)

Kỹ thuật viên, nhân viên hỗ trợ là người được chủ nhiệm nhiệm vụ bố trí thực hiện các thao tác kỹ thuật hoặc hoạt động hỗ trợ nghiên cứu để phục vụ thực hiện các công việc cụ thể trong nội dung nghiên cứu theo thuyết minh nhiệm vụ.

6. Việc lập dự toán chi tiết thù lao cho các chức danh phải gắn với các nội dung nghiên cứu và các công việc cụ thể trong thuyết minh nhiệm vụ theo quy định hiện hành.

Điều 4. Hệ số lao động khoa học của các chức danh

1. Hệ số lao động khoa học của các chức danh như sau:

STT

Chức danh (CD)

Hệ số lao động khoa học (HCD)

1

Chủ nhiệm nhiệm vụ

1,0

2

Thư ký khoa học

0,3                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                

3

Thành viên chính

0,8

4

Thành viên

0,4

5

Kỹ thuật viên, nhân viên hỗ trợ

0,2

 

2. Một cá nhân có thể tham gia nhiều nội dung, công việc nghiên cứu với các chức danh khác nhau. Thù lao của cá nhân trong nội dung, công việc nghiên cứu được tính theo hệ số lao động khoa học của chức danh tương ứng và thời gian cá nhân thực hiện nội dung, công việc nghiên cứu đó.

Điều 5. Dự toán chi thù lao tham gia nhiệm vụ

1. Dự toán chi thù lao tham gia nhiệm vụ được lập theo nội dung, công việc nghiên cứu và theo chức danh (đối với chủ nhiệm nhiệm vụ; thư ký khoa học) hoặc nhóm chức danh (đối với thành viên chính; thành viên; kỹ thuật viên, nhân viên hỗ trợ).

2. Dự toán chi thù lao của chủ nhiệm nhiệm vụ để thực hiện các công việc quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 Thông tư này được tính theo công thức sau:

TLCN = 1,0 x DMCN x 20% x T

Trong đó:

TLCN: Thù lao của chủ nhiệm nhiệm vụ;

DMCN: Định mức thù lao theo tháng của chủ nhiệm nhiệm vụ theo quy định của tại điểm a khoản 1 Điều 4 Thông tư số 03/2023/TT-BTC;

T: Tổng thời gian thực hiện nhiệm vụ (tháng).

3. Dự toán chi thù lao của thư ký khoa học để thực hiện các công việc quy định tại điểm a khoản 2 Điều 3 Thông tư này được tính theo công thức sau:

TLTK = 0,3 x DMCN x 20% x T

Trong đó:

TLTK: Thù lao của thư ký khoa học;

DMCN: Định mức thù lao theo tháng của chủ nhiệm nhiệm vụ theo quy định của tại điểm a khoản 1 Điều 4 Thông tư số 03/2023/TT-BTC;

T: Tổng thời gian thực hiện nhiệm vụ (tháng).

4. Dự toán chi thù lao của nhóm chức danh được tính theo công thức sau:

TLNCD = HCD x DMCN x ∑tNCD

Trong đó:

TLNCD: Tổng thù lao của nhóm chức danh quy định tại khoản 1 Điều này;

HCD: Hệ số lao động khoa học của chức danh quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này;

DMCN: Định mức thù lao theo tháng của chủ nhiệm nhiệm vụ theo quy định của tại điểm a khoản 1 Điều 4 Thông tư số 03/2023/TT-BTC;

∑tNCD: Tổng số tháng quy đổi tham gia thực hiện nhiệm vụ của nhóm chức danh.

5. Dự toán chi thù lao của nhóm chức danh cho số ngày quy đổi không đủ tháng được tính theo công thức sau:

TLNCD = HCD x DMCN x (∑tn/22)

Trong đó:

TLNCD: Tổng thù lao của nhóm chức danh quy định tại khoản 1 Điều này;

HCD: Hệ số lao động khoa học của chức danh quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này;

DMCN: Định mức thù lao theo tháng của chủ nhiệm nhiệm vụ theo quy định của tại điểm a khoản 1 Điều 4 Thông tư số 03/2023/TT-BTC;

∑tn: Tổng số ngày quy đổi không đủ tháng mà nhóm chức danh tham gia thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ (tn < 22).

6. Việc lập dự toán chi thù lao cho các chức danh và nhóm chức danh thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 4 Thông tư số 03/2023/TT-BTC.

 

Điều 6. Thuê lao động phổ thông phục vụ triển khai nhiệm vụ

1. Trong trường hợp cần thuê lao động phổ thông phục vụ triển khai nhiệm vụ, tổ chức chủ trì và chủ nhiệm nhiệm vụ căn cứ nội dung yêu cầu công việc cần thuê lao động, thuyết minh kết quả dự kiến của việc thuê lao động và lập dự toán chi tiết trong thuyết minh nhiệm vụ.

2. Định mức thuê lao động phổ thông phục vụ triển khai nhiệm vụ thực hiện theo điểm b khoản 1 Điều 4 Thông tư số 03/2023/TT-BTC.

Điều 7. Thuê chuyên gia trong nước, chuyên gia ngoài nước phối hợp nghiên cứu, thực hiện nhiệm vụ

1. Các trường hợp được thuê chuyên gia phối hợp nghiên cứu, thực hiện nhiệm vụ:

a) Khi nhiệm vụ có các nội dung nghiên cứu cần chuyên gia phối hợp giải quyết;

b) Việc thuê chuyên gia được quy định tại các văn bản pháp luật hiện hành. Trong đó, một số trường hợp cụ thể được thuê chuyên gia như sau:

- Quy định tại điểm d khoản 2 Phần II Quyết định số 157/QĐ-TTg ngày 01 tháng 02 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030;

- Quy định tại điểm a khoản 3 Phần II, điểm a khoản 4 Phần II Quyết định số 118/QĐ-TTg ngày 25 tháng 01 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030;

- Quy định tại điểm b khoản 2 Phần III Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 27 tháng 01 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030;

- Quy định tại điểm b khoản 3 Điều 8, điểm b khoản 5 Điều 13, điểm a khoản 1 Điều 14, khoản 3 Điều 27, điểm a khoản 3 Điều 29, điểm đ khoản 2 Điều 30 Nghị định 76/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ.

2. Trong trường hợp cần thuê chuyên gia theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 4 Thông tư số 03/2023/TT-BTC, tổ chức chủ trì và chủ nhiệm nhiệm vụ căn cứ yêu cầu công việc cần thuê chuyên gia, thuyết minh rõ sự cần thiết và kết quả dự kiến của việc thuê chuyên gia, lập dự toán chi tiết trong thuyết minh nhiệm vụ để hội đồng tuyển chọn, giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ xem xét, đánh giá, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ xem xét, quyết định.

Điều 8. Thuê chuyên gia, tổ chức tư vấn độc lập

1. Trong quá trình quản lý, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, cơ quan quản lý nhiệm vụ được thuê chuyên gia tư vấn độc lập để:

a) Xây dựng đề xuất đặt hàng nhiệm vụ;

b) Xác định nhiệm vụ đặt hàng;

c) Cho ý kiến trước khi quyết định lựa chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ;

d) Xem xét, đánh giá thực tế cơ sở vật chất - kỹ thuật, nhân lực và năng lực tài chính của tổ chức, cá nhân được kiến nghị chủ trì hoặc phối hợp thực hiện nhiệm vụ;

đ) Kiểm tra, đánh giá tổ chức, cá nhân chủ trì trong quá trình thực hiện nhiệm vụ;

e) Tư vấn, đánh giá nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ;

g) Xây dựng báo cáo đề xuất với cơ quan quản lý chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về các nội dung để tổ chức, triển khai có hiệu quả các mục tiêu của chương trình.

2. Trong quá trình tổ chức kiểm tra, đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ, cơ quan quản lý nhiệm vụ được thuê tổ chức tư vấn độc lập quy định tại khoản 6 Điều 2 Thông tư này.

3. Định mức thuê chuyên gia, tổ chức tư vấn độc lập thực hiện theo quy định tại Thông tư số 03/2023/TT-BTC và các quy định hiện hành.

 

CHƯƠNG III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 

Điều 9. Điều khoản chuyển tiếp

Đối với các nhiệm vụ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục áp dụng theo các quy định tại thời điểm phê duyệt nhiệm vụ cho đến khi kết thúc thời gian thực hiện nhiệm vụ.

Điều 10. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 23 tháng 6 năm 2023.

2. Trường hợp các văn bản dẫn chiếu tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì thực hiện theo các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế đó.

3. Điều 5, điểm a khoản 1 Điều 7, điểm b khoản 1 Điều 7 Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN ngày 22 tháng 4 năm 2015 của Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

4. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Khoa học và Công nghệ để kịp thời giải quyết./.

 

Bộ Khoa học và Công nghệ

Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Lê Xuân Định