QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Về việc ban hành Danh mục thuốc chữa bệnh
chủ yếu sử dụng tại các cơ sở khám chữa bệnh
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn cứ Nghị định số 49/2003/NĐ-CP ngày 15 tháng 05 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Bộ Y tế;
Theo đề nghị của ông Vụ trưởng Vụ Điều trị, ông Vụ trưởng vụ Y học cổ truyền, ông Cục trưởng Cục quản lý dược Việt Nam,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay ban hành kèm theo quyết định này Danh mục thuốc chữa bệnh chủ yếu sử dụng tại các cơ sở khám chữa bệnh gồm những nội dung chính sau:
1. Mục tiêu, nguyên tắc lựa chọn thuốc và quy định sử dụng Danh mục thuốc
2. Danh mục thuốc bao gồm:
- Danh mục thuốc tân dược
- Danh mục thuốc Y học cổ truyền
Điều 2. Danh mục thuốc chữa bệnh chủ yếu sử dụng tại các cơ sở khám chữa bệnh là cơ sở pháp lý để:
1. Các cơ sở khám, chữa bệnh lựa chọn xây dựng Danh mục thuốc cụ thể cho đơn vị mình; Cung ứng đủ thuốc đảm bảo chất lượng và sử dụng thuốc hợp lý;
2. Bảo hiểm xã hội thanh toán tiền thuốc cho người bệnh tham gia Bảo hiểm Y tế theo quy định của Chính phủ về Điều lệ Bảo hiểm Y tế.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Các quy định trước đây trái với quyết định này đều được bãi bỏ.
Điều 4. Các, ông bà: Chánh văn phòng, Vụ trưởng Vụ Điều trị, Vụ trưởng Vụ Y học cổ truyền, Cục trưởng Cục Quản lý Dược Việt Nam, các Vụ có liên quan của Bộ Y tế, Thanh tra Y tế; Giám đốc: Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, y tế ngành và các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
DANH MỤC THUỐC CHỮA BỆNH CHỦ YẾU SỬ DỤNG
TẠI CÁC CƠ SỞ KHÁM CHỮA BỆNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 03/2005/QĐ-BYT ngày 24 tháng 01 năm 2005)
I. Mục tiêu, nguyên tắc lựa chọn thuốc và quy định sử dụng danh mục
1.1. Mục tiêu
- Đảm bảo sử dụng thuốc hợp lý (bao gồm cả an toàn, hiệu quả);
- Đáp ứng yêu cầu điều trị cho người bệnh;
- Đảm bảo quyền lợi về thuốc chữa bệnh của người bệnh tham gia Bảo hiểm y tế;
- Phù hợp với khả năng kinh tế của người bệnh và khả năng chi trả của Bảo hiểm Y tế.
1.2. Nguyên tắc lựa chọn thuốc trong danh mục
Thuốc chữa bệnh chủ yếu sử dụng tại các cơ sở khám chữa bệnh được lựa chọn trên các nguyên tắc:
1.2.1. Thuốc đảm bảo hiệu lực điều trị, an toàn
- Danh mục thuốc chủ yếu xây dựng trên cơ sở Danh mục thuốc thiết yếu của Việt Nam và của Tổ chức Y tế thế giới hiện hành;
- Thuốc phải có hiệu quả rõ rệt trong điều trị (căn cứ theo tài liệu khoa học và y học dựa trên bằng chứng);
- Thuốc được Bộ Y tế cho phép lưu hành tại Việt Nam (được cấp số đăng ký còn hiệu lực, được duyệt) và có tần xuất sử dụng nhiều tại các cơ sở khám chữa bệnh;
- Không đưa vào danh mục: Thuốc nằm trong diện khuyến cáo không nên sử dụng của Tổ chức Y tế thế giới. Thuốc lạc hậu mà nhiều quốc gia không sử dụng. Thuốc sử dụng tại nước ngoài nhưng chưa được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam;
- Danh mục thuốc Y học cổ truyền thêm các tiêu chuẩn sau: Ưu tiên lựa chọn thuốc sản xuất tại Việt Nam; những chế phẩm cổ phương và những chế phẩm đã có uy tín trên thị trường nhiều năm; thuốc có công thức trong Dược điển Việt Nam. Thuốc giữ được phương pháp bào chế truyền thống của thuốc y học cổ truyền, đồng thời đảm bảo dạng dùng thích hợp cho sử dụng, bảo quản và lưu thông phân phối.
1.2.2. Thuốc phù hợp với khả năng chi trả của người bệnh và qũy Bảo hiểm Y tế. Thuốc hợp lý giữa hiệu quả điều trị và giá thành.
1.2.3. Tên thuốc trong danh mục
- Với thuốc tân dược: Thuốc mang tên gốc (generic Name); Ưu tiên lựa chọn thuốc gốc (generic Drug là thuốc hết thời gian đăng ký bản quyền), thuốc đơn chất, thuốc sản xuất trong nước đảm bảo chất lượng, thuốc của các doanh nghiệp dược sản xuất trong nước đạt tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP);
- Với thuốc y học cổ truyền: Chế phẩm ghi tên chung với thuốc cổ phương và thuốc có tên chung; Ghi tên riêng với thuốc không có tên chung. Tên vị thuốc và tên khoa học của vị thuốc ghi tên theo quy định của Dược điển Việt Nam.
1.3. Quy định sử dụng danh mục
Danh mục thuốc chủ yếu sử dụng tại cơ sở khám chữa bệnh được sử dụng cho các bệnh viện (bao gồm cả viện có giường bệnh trực thuộc Bộ), phòng khám đa khoa, các cơ sở y tế có bác sĩ. Các cơ sở y tế không có bác sĩ sử dụng danh mục thuốc thiết yếu hiện hành.
1.3.1. Thuốc trong danh mục
- Với thuốc tân dược: sử dụng thuốc theo quy định phân hạng bệnh viện; Thuốc chuyên khoa được sử dụng theo phân cấp quản lý và thực hành kỹ thuật y tế;
- Các thuốc điều trị đặc hiệu bệnh phong, tâm thần, động kinh, vô sinh, và vac xin tiêm chủng không có trong danh mục này thì sử dụng thuốc theo hướng dẫn của các chương trình;
- Với thuốc Y học cổ truyền sử dụng cho tất cả các tuyến khám chữa bệnh;
- Hội chẩn khi sử dụng các thuốc sau:
+ Danh mục thuốc tân dược: Các thuốc có ký hiệu (*) là các thuốc dự trữ và hạn chế sử dụng. Chỉ được sử dụng trong các trường hợp khi các thuốc khác trong nhóm không có hiệu quả điều trị và phải qua hội chẩn;
+ Danh mục thuốc Y học cổ truyền: Vị thuốc Nhân sâm, chế phẩm Linh chi- Sâm.
1.3.2. Thuốc ngoài danh mục
- Được phép sử dụng các thuốc chuyên khoa đảm bảo chất lượng do bệnh viện pha chế;
- Với thuốc tân dược: Được sử dụng các thuốc phối hợp nếu thuốc đó được phép lưu hành và các thành phần đơn chất của thuốc đều có trong danh mục;
- Với thuốc Y học cổ truyền: Được sử dụng các chế phẩm thay thế khi chế phẩm đó được cấp số đăng ký còn hiệu lực và có công thức hoặc công dụng tương tự thuốc cần thay thế có trong danh mục.
1.3.3. Lựa chọn tên thành phẩm cụ thể sử dụng trong bệnh viện
- Căn cứ danh mục thuốc này, đồng thời căn cứ mô hình bệnh tật và kinh phí của bệnh viện (bao gồm cả ngân sách, một phần viện phí và bảo hiểm y tế) giám đốc bệnh viện lựa chọn cụ thể tên thành phẩm của các thuốc theo nguyên tắc đã nêu ở trên để phục vụ cho khám chữa bệnh tại bệnh viện (trên cơ sở khuyến khích sử dụng thuốc của các doanh nghiệp sản xuất trong nước đạt tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc - GMP);
- Giám đốc bệnh viện thống nhất với giám đốc cơ quan Bảo hiểm xã hội thanh toán tiền thuốc cho người bệnh tham gia bảo hiểm Y tế (bao gồm cả thuốc của các chương trình, nếu bệnh viện chưa được chương trình cấp thuốc).
2. Danh mục thuốc
2.1. Danh mục thuốc tân dược
- Danh mục thuốc tân dược có 646 thuốc;
- Thuốc sắp xếp theo phân loại ATC (giải phẫu - điều trị - hoá học);
- Danh mục thuốc có 6 cột: I, II, III, IV, V, VI. Nội dung các cột như sau:
I. Số thứ tự đánh số theo tên thuốc/hoạt chất; với thuốc/hoạt chất có phối hợp thành phần khác được đánh số a,b,c sau thứ tự của thuốc/hoạt chất. Với thuốc lặp lại (bắt đầu từ lần thứ 2) không đánh số thứ tự (để tránh lặp lại nhiều lần một thuốc);
II. Tên thuốc (tên gốc- generic Name)/ hoạt chất;
III. Đường dùng, dạng dùng, hàm lượng, dạng bào chế;
IV. Sử dụng cho bệnh viện hạng 1 và 2;
V. Sử dụng cho bệnh viện hạng 3 và không hạng;
VI. Sử dụng cho phòng khám đa khoa và cơ sở y tế có bác sĩ.
- Các thuốc giảm đau, chống viêm, chống nhiễm khuẩn, chống virút, chống nấm được xếp trong nhóm thuốc, không xếp riêng cho từng chuyên khoa để tránh lặp lại nhiều lần.
2.2. Danh mục thuốc y học cổ truyền
- Danh mục thuốc chế phẩm có 91 thuốc được phân thành 11 nhóm theo tác dụng dược lý của thuốc. Danh mục gồm 5 cột:
I. Số thứ tự của thuốc trong danh mục;
II. Số thứ tự của thuốc trong nhóm thuốc;
III. Tên thuốc (tên chung với thuốc cổ phương và thuốc có tên chung; tên riêng với thuốc không có tên chung);
IV. Dạng bào chế;
V. Đường dùng.
- Danh mục vị thuốc có 210 vị được phân thành 25 nhóm theo tác dụng dược lý của thuốc. Danh mục gồm 5 cột:
I. Số thứ tự;
II. Số thứ tự của vị thuốc trong danh mục;
III. Tên vị thuốc;
IV. Nguồn gốc (bắc, nam);
V. Tên khoa học của cây, con hoặc khoáng vật làm thuốc.
Danh mục này sẽ được sửa đổi, bổ sung nếu nhu cầu sử dụng thuốc thực tế có thay đổi./.