THÔNG TƯ
Hướng dẫn việc huy động và quản lý, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư cho các Dự án đầu tư (giai đoạn 2)
thuộc Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long
____________________________________
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước số 01/2002/QH11 ngày 16/12/2002;
Căn cứ Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/2/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;
Căn cứ Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng, Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 05/5/2000 và số 07/2003/NĐ-CP ngày 30/01/2003 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 8/7/1999 của Chính phủ;
Căn cứ Nghị định số 99/2007/NĐ-CP ngày 13/6/2007 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình;
Thực hiện Quyết định số 1151/QĐ-TTg ngày 26/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung các Dự án đầu tư (giai đoạn 2) thuộc Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách của Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn 1;
Bộ Tài chính hướng dẫn việc huy động và quản lý, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư cho các Dự án đầu tư (giai đoạn 2) thuộc Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long như sau:
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối tượng áp dụng Thông tư này là các dự án đầu tư (giai đoạn 2) thuộc Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long tại 08 tỉnh, thành phố Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Cần Thơ theo Quyết định số 1151/QĐ-TTg ngày 26/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ và các dự án cụm, tuyến dân cư bổ sung được Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng theo các cơ chế chính sách quy định tại Quyết định số 1151/QĐ-TTg ngày 26/8/2008 (sau đây gọi chung là các dự án giai đoạn 2); không bao gồm nhà ở cho các hộ dân vào ở trong các cụm, tuyến dân cư.
Điều 2. Các dự án giai đoạn 2 được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước (bao gồm vốn ngân sách trung ương cấp, vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn lồng ghép), vốn vay từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam và vốn huy động hợp pháp khác.
Điều 3. Các nguồn vốn đầu tư cho các dự án giai đoạn 2 phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích, đúng quy định, tiết kiệm và có hiệu quả; không được sử dụng cho các mục tiêu khác.
Điều 4. Việc quản lý, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư cho các dự án giai đoạn 2 thực hiện theo các quy định hiện hành của Nhà nước và quy định tại Thông tư này.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 5. Các công trình, hạng mục công trình thuộc cụm, tuyến dân cư được sử dụng các nguồn vốn đầu tư theo quy định tại Thông tư này bao gồm:
1. Tôn nền phần diện tích xây dựng các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật;
2. Tôn nền phần diện tích xây dựng nhà ở;
3. Đắp bờ bao;
4. Xây dựng các công trình thu gom rác, các công trình kè chống sạt lở các cụm, tuyến dân cư;
5. Xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu trong cụm, tuyến dân cư (gồm các công trình giao thông nội bộ, cấp nước sinh hoạt và thoát nước).
Điều 6. Cơ cấu nguồn vốn đầu tư và mục đích sử dụng.
1. Vốn ngân sách trung ương cấp để đầu tư tôn nền phần diện tích xây dựng các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật; 80% chi phí đắp bờ bao và 50% chi phí xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu trong cụm, tuyến dân cư.
2. Vốn ngân sách địa phương; tiền thu được từ bán nền nhà sinh lợi trong các cụm, tuyến dân cư; các nguồn vốn lồng ghép và vốn huy động hợp pháp khác đảm bảo đủ 20% chi phí đắp bờ bao và 50% chi phí xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu trong cụm tuyến dân cư.
Cùng với việc bố trí vốn trong cân đối ngân sách địa phương hàng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) chủ động lồng ghép các chương trình mục tiêu để đầu tư như Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, Chương trình kiên cố hóa kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn trong các cụm, tuyến dân cư thuộc phạm vi quản lý; huy động các nguồn vốn đóng góp của người dân được thụ hưởng từ Chương trình (như đóng góp bằng tiền, bằng ngày công) và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.
3. Vốn vay từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam bao gồm:
- Vốn vay với lãi suất 0% để đầu tư tôn nền phần diện tích xây dựng nhà ở (không bao gồm phần diện tích nền nhà sinh lợi bán để tạo vốn);
- Vốn vay với lãi suất hiện hành để đầu tư xây dựng các công trình thu gom rác, các công trình kè chống sạt lở các cụm, tuyến dân cư.
4. Vốn ngân sách địa phương và vốn huy động hợp pháp khác để đầu tư tôn nền phần diện tích nền nhà sinh lợi bán để tạo vốn xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu trong cụm, tuyến dân cư.
Điều 7. Cơ chế vay vốn và quản lý nguồn vốn vay Ngân hàng phát triển Việt Nam.
1. Căn cứ mức vốn vay theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và thông báo kế hoạch giải ngân của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền cho Sở Tài chính ký hợp đồng vay vốn với Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
2. Điều kiện áp dụng:
2.1. Đối với vốn vay để đầu tư tôn nền phần diện tích xây dựng nhà ở:
- Lãi suất cho vay bằng không (0%); lãi suất nợ quá hạn bằng 150% lãi suất tín dụng đầu tư của Nhà nước tại thời điểm phát sinh nợ quá hạn;
- Thời hạn cho vay vốn tối đa là 10 năm (120 tháng) kể từ khi nhận khoản vay đầu tiên đến khi trả hết nợ;
- Thời gian ân hạn 05 năm (60 tháng) kể từ khi nhận khoản vay đầu tiên;
- Thời hạn trả nợ gốc: Bắt đầu trả nợ gốc từ tháng thứ 61 kể từ thời điểm nhận khoản vay đầu tiên; nợ gốc trả đều theo quý.
2.2. Đối với vốn vay để đầu tư xây dựng các công trình thu gom rác, các công trình kè chống sạt lở các cụm, tuyến dân cư:
- Lãi suất cho vay theo lãi suất cho vay hiện hành tại thời điểm ký hợp đồng tín dụng; lãi suất nợ quá hạn bằng 150% lãi suất vay vốn trong hạn tại thời điểm phát sinh nợ quá hạn;
- Thời hạn cho vay vốn tối đa là 02 năm (24 tháng) kể từ khi nhận khoản vay đầu tiên đến khi trả hết nợ;
- Thời hạn trả nợ gốc: Bắt đầu trả nợ gốc từ tháng thứ 13 kể từ thời điểm nhận khoản vay đầu tiên; nợ gốc trả đều theo quý;
- Lãi tiền vay trả đều hàng quý tính trên dư nợ vay, trả cùng với thời gian trả nợ gốc.
3. Phương thức chuyển vốn vay: Trên cơ sở hợp đồng vay vốn đã ký và tiến độ thực hiện dự án, Sở Tài chính đề nghị Chi hánh Ngân hàng Phát triển Việt Nam chuyển tiền cho ngân sách tỉnh, thành phố. Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Việt Nam chuyển vốn vay cho ngân sách tỉnh, thành phố ngay sau khi có đề nghị của Sở Tài chính.
4. Sau khi chuyển về ngân sách tỉnh, thành phố, Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát thanh toán nguồn vốn vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho các dự án giai đoạn 2 theo quy định đối với vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước.
5. Nguồn hoàn trả vốn vay: Tiền bán nền nhà ở cho các hộ dân mua nền nhà ở (sau khi đầu tư xong phần tôn nền xây dựng nhà ở cho dân), bao gồm cả tiền bán nền nhà sinh lợi trong các cụm, tuyến dân cư; ngân sách địa phương và huy động các nguồn hợp pháp khác.
6. Ngân hàng Phát triển Việt Nam được hưởng phí quản lý 0,5%/năm trên số dư nợ của khoản vay lãi suất 0%; được ngân sách trung ương cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý theo chế độ quản lý.
7. Hạch toán ngân sách nguồn vốn vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam:
- Khi nhận vốn vay do Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Việt Nam chuyển cho ngân sách tỉnh, Sở Tài chính hạch toán vào thu ngân sách địa phương (chương 560 loại 340 khoản 345 mục 0800 tiểu mục 0814);
- Khi trả nợ vốn vay bằng nguồn vốn của ngân sách địa phương, hạch toán chi ngân sách địa phương (chương 560 loại 340 khoản 345 mục 0800 tiểu mục 0814);
- Khi các hộ dân nộp trả tiền vay, hạch toán thu ngân sách địa phương (chương 560 loại 340 khoản 369 mục 4900 tiểu mục 4949).
Điều 8. Huy động và quản lý khoản tiền bán nền nhà sinh lợi
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định việc bán nền nhà sinh lợi không quá 30% diện tích nền nhà trong các cụm, tuyến dân cư để bổ sung vốn đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu, nhưng phải đảm bảo đủ diện tích để đưa hết số hộ nghèo vào ở trong các cụm, tuyến dân cư.
2. Việc xác định giá đất nền nhà sinh lợi trên các cụm tuyến dân cư thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.
3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được chủ động điều tiết tiền thu được từ bán nền nhà sinh lợi trên các cụm tuyến dân cư từ nơi có điều kiện thuận lợi (bán được nhiều) đến nơi không thuận lợi (không bán được hoặc bán được ít).
4. Toàn bộ tiền thu được từ bán nền nhà sinh lợi phải nộp vào ngân sách nhà nước để đầu tư cho các dự án giai đoạn 2 và hoàn trả vốn vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát thanh toán theo quy định đối với vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước.
5. Hạch toán ngân sách khoản tiền bán nền nhà sinh lợi:
- Khoản tiền bán nền nhà sinh lợi hạch toán vào mục “thu tiền sử dụng đất” theo chương, loại, khoản tiểu mục tương ứng;
- Khi thu tiền bán nền nhà của người mua sử dụng biên lai thu tiền sử dụng đất.
Điều 9. Lập kế hoạch vốn đầu tư, phân bổ và thẩm tra phân bổ vốn đầu tư hàng năm.
1. Lập kế hoạch:
1.1. Chủ đầu tư căn cứ tình hình thực hiện dự án lập kế hoạch vốn đầu tư hàng năm cho dự án gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và Sở Xây dựng; trong đó chi tiết các nguồn sau:
- Vốn ngân sách trung ương cấp;
- Vốn vay từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam với lãi suất 0%;
- Vốn vay từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam với lãi suất hiện hành;
- Vốn ngân sách địa phương;
- Tiền thu được từ bán nền nhà sinh lợi trong các cụm, tuyến dân cư;
- Vốn lồng ghép;
- Vốn huy động hợp pháp khác.
(Theo mẫu Biểu số 01/KHĐT kèm theo Thông tư này).
1.2. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
2. Phân bổ vốn: Căn cứ kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao hàng năm, thông báo kế hoạch giải ngân của Ngân hàng Phát triển Việt Nam và kế hoạch huy động các nguồn vốn khác, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp Sở Tài chính, Sở Xây dựng dự kiến phân bổ vốn đầu tư cho từng dự án có đủ điều kiện (chi tiết theo các nguồn), trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định. Sau khi phân bổ vốn đầu tư, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi kế hoạch vốn đầu tư về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng để tổng hợp theo dõi và quản lý; gửi Kho bạc Nhà nước (tỉnh, thành phố) để kiểm soát, thanh toán.
(Theo mẫu Biểu số 02/KHĐT kèm theo Thông tư này).
3. Thẩm tra phân bổ vốn đầu tư: Trong quá trình tham gia với Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Xây dựng về kế hoạch vốn đầu tư hàng năm, Sở Tài chính đồng thời thực hiện nhiệm vụ thẩm tra kế hoạch phân bổ vốn đầu tư để trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định. Căn cứ quyết định về kế hoạch vốn đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát thanh toán theo quy định. Trường hợp có dự án không đủ thủ tục đầu tư, không đảm bảo các quy định về điều kiện bố trí vốn, Kho bạc Nhà nước không thanh toán và thông báo Sở Tài chính để trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xử lý.
Điều 10. Thanh toán vốn đầu tư.
1. Đối với vốn ngân sách trung ương cấp, vốn ngân sách địa phương, vốn vay từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (sau khi chuyển về ngân sách tỉnh, thành phố) và vốn huy động từ bán nền nhà sinh lợi để đầu tư cho các dự án giai đoạn 2.
1.1. Nguồn vốn ngân sách trung ương cấp, vốn ngân sách địa phương, vốn vay từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (sau khi chuyển về ngân sách tỉnh, thành phố) và vốn huy động từ bán nền nhà sinh lợi để đầu tư cho các dự án giai đoạn 2 được kéo dài thời gian thực hiện và thanh toán, nếu kết thúc năm kế hoạch không sử dụng hết thì được chuyển tiếp sang năm sau để thực hiện.
1.2. Mở tài khoản:
Chủ đầu tư các dự án giai đoạn 2 được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước nơi thuận tiện cho việc kiểm soát thanh toán và thuận tiện cho giao dịch của chủ đầu tư.
1.3. Tài liệu cơ sở của dự án:
Để thực hiện công tác quản lý, kiểm soát, thanh toán vốn đầu tư, chủ đầu tư gửi đến Kho bạc Nhà nước nơi mở tài khoản thanh toán các tài liệu cơ sở của dự án (các tài liệu này là bản chính hoặc bản sao y bản chính, chỉ gửi một lần cho đến khi dự án kết thúc đầu tư, trừ trường hợp phải bổ sung, điều chỉnh):
a. Đối với vốn chuẩn bị đầu tư:
- Dự toán chi phí cho công tác chuẩn bị đầu tư được duyệt;
- Văn bản lựa chọn nhà thầu;
- Hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu;
b. Đối với vốn thực hiện đầu tư:
- Dự toán và quyết định phê duyệt dự toán của từng công việc, hạng mục công trình, công trình;
- Văn bản lựa chọn nhà thầu;
- Hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu.
1.4. Tạm ứng và thu hồi vốn tạm ứng; thanh toán khối lượng hoàn thành:
Thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Thông tư số 27/2007/TT-BTC ngày 03/4/2007 về quản lý, thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước; Thông tư số 130/2007/TT-BTC ngày 02/11/2007 sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư số 27/2007/TT-BTC ngày 03/4/2007 và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).
2. Đối với các nguồn vốn khác: Thực hiện theo quy định hiện hành tương ứng với từng nguồn vốn.
Điều 11. Quyết toán vốn đầu tư
1. Đối với vốn ngân sách trung ương cấp, vốn ngân sách địa phương, vốn vay từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam, vốn huy động từ bán nền nhà sinh lợi.
1.1. Quyết toán vốn đầu tư hàng năm:
Thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Thông tư số 53/2005/TT-BTC ngày 23/6/2005 về lập, thẩm định báo cáo quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước theo niên độ ngân sách hàng năm; Thông tư số 108/2008/TT-BTC ngày 18/11/2008 về xử lý ngân sách cuối năm và lập báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).
1.2. Quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành:
Thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Thông tư số 33/2007/TT-BTC ngày 09/4/2007 về quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước; Thông tư số 98/2007/TT-BTC ngày 09/8/2007 về sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư số 33/2007/TT-BTC ngày 09/4/2007 và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).
2. Đối với các nguồn vốn khác: Thực hiện theo quy định hiện hành tương ứng với từng nguồn vốn.
Điều 12. Chế độ báo cáo
1. Đối với các chủ đầu tư:
Báo cáo kịp thời, đầy đủ theo quy định cho cơ quan quyết định đầu tư và các cơ quan Nhà nước có liên quan; cung cấp đủ hồ sơ, tài liệu, tình hình theo quy định cho Kho bạc Nhà nước và cơ quan Tài chính để phục vụ công tác quản lý và thanh toán vốn đầu tư.
2. Đối với Sở Tài chính:
Thực hiện chế độ báo cáo về vốn đầu tư của các dự án giai đoạn 2 theo quy định của Bộ Tài chính tại Quyết định số 1869/QĐ-BTC ngày 06/6/2005 về việc ban hành Quy chế thông tin báo cáo về vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước trong nội bộ ngành tài chính và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).
3. Đối với Kho bạc Nhà nước:
- Thực hiện chế độ báo cáo về vốn đầu tư của các dự án giai đoạn 2 theo quy định của Bộ Tài chính tại Quyết định số 1869/QĐ-BTC ngày 06/6/2005 về việc ban hành Quy chế thông tin báo cáo về vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước trong nội bộ ngành tài chính và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).
- Hết năm kế hoạch, xác nhận số thanh toán trong năm, lũy kế số thanh toán từ khởi công đến hết niên độ ngân sách nhà nước cho từng dự án.
4. Đối với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:
Thực hiện chế độ báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch vốn đầu tư của các dự án giai đoạn 2 theo quy định tại Quyết định số 52/2007/QĐ-TTg ngày 16/4/2007 của Thủ tướng Chính phủ về Chế độ báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch vốn đầu tư nhà nước, Thông tư số 05/2007/TT-BKH ngày 09/8/2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc ban hành các biểu mẫu báo cáo và hướng dẫn thực hiện Quyết định số 52/2007/QĐ-TTg ngày 16/4/2007 và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).
Cơ quan nhận báo cáo bao gồm: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng.
Điều 13. Trách nhiệm của các cơ quan có liên quan
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm:
- Chỉ đạo các ngành chức năng tổng hợp, xác định nhu cầu vốn đầu tư xây dựng các dự án giai đoạn 2 và khả năng các nguồn vốn đảm bảo; bố trí vốn ngân sách địa phương thực hiện Chương trình; quyết định phân bố vốn đầu tư cho các dự án có đủ điều kiện.
- Chỉ đạo việc lập phương án, chủ động điều tiết tiền thu được từ bán nền nhà sinh lợi trên các cụm tuyến dân cư từ nơi có điều kiện thuận lợi (bán được nhiều) đến nơi không thuận lợi (không bán được hoặc bán được ít).
- Chỉ đạo việc vay và trả nợ vốn vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam; tổ chức thu hồi khoản nợ của từng hộ dân và bố trí vốn ngân sách địa phương để trả nợ vốn vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
- Chỉ đạo việc quản lý vốn đầu tư các dự án giai đoạn 2 theo quy định hiện hành của Nhà nước và hướng dẫn tại Thông tư này.
2. Sở Tài chính có trách nhiệm:
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Xây dựng dự kiến phân bổ vốn đầu tư cho các dự án có đủ điều kiện; thực hiện nhiệm vụ thẩm tra kế hoạch phân bổ vốn đầu tư để trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.
- Lập phương án điều tiết tiền thu được từ bán nền nhà sinh lợi trên các cụm tuyến dân cư từ nơi có điều kiện thuận lợi (bán được nhiều) đến nơi không thuận lợi (không bán được hoặc bán được ít) để trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.
- Thực hiện việc vay và trả nợ vốn vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam theo Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
3. Ngân hàng Phát triển Việt Nam có trách nhiệm:
- Ký hợp đồng cho vay vốn, chuyển vốn vay và thu nợ theo hợp đồng đã ký.
- Tính toán nhu cầu cấp bù lãi suất và phí quản lý cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam theo quy định tại Quyết định số 44/2007/QĐ-TTg ngày 30/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý tài chính đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam và theo quy định hiện hành.
4. Kho bạc Nhà nước chịu trách nhiệm tổ chức kiểm soát thanh toán vốn đầu tư cho các dự án và báo cáo tình hình thanh toán vốn đầu tư theo quy định.
5. Chủ đầu tư có trách nhiệm:
- Quản lý và sử dụng vốn đầu tư đúng mục đích và có hiệu quả theo quy định hiện hành của Nhà nước và hướng dẫn tại Thông tư này.
- Lập kế hoạch vốn đầu tư hàng năm gửi các cơ quan có liên quan theo quy định tại Thông tư này.
- Thực hiện việc thanh, quyết toán vốn đầu tư đầy đủ và kịp thời theo quy định.
- Báo cáo tình hình thực hiện theo quy định.
Điều 14. Tổ chức thực hiện
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký ban hành. Các chế độ quy định tại Thông tư này được áp dụng từ năm ngân sách 2009. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị các đơn vị phản ánh kịp thời để Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.