THÔNG TƯ
Hướng dẫn lập dự toán quản lý, sửa chữa đường sông
_________________________
Căn cứ Quyết định số 1809/1998/QĐ-BGTVT ngày 19/7/1998 của Bộ Giao thông vận tải ban hành Định mức kinh tế kỹ thuật sửa chữa thường xuyên đường sông và Thông tư liên tịch số 57/2001/BTC-BGTVT ngày 10/7/2001 của Bộ Giao thông vận tải - Bộ Tài chính về chế độ quản lý, cấp phát và thanh quyết toán vốn sự nghiệp kinh tế đường sông;
Căn cứ Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999, Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 05/5/2000 của Chính phủ quy định về Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng; Nghị định số 07/2003/NĐ-CP ngày 30/1/2003 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999 và Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 05/5/2000 của Chính phủ; các Thông tư của Bộ Xây dựng hướng dẫn lập, quản lý chi phí xây dựng công trình và các chi phí khác của các công trình xây dựng cơ bản;
Căn cứ văn bản số 153/LĐTBXH-TL ngày 17/1/2000 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về bổ sung chế độ ăn giữa ca cho công nhân viên chức làm công tác quản lý đường sông;
Sau khi có ý kiến thỏa thuận của Bộ Xây dựng tại Văn bản số 1821/BXD-VKT ngày 11/10/2001 về việc thống nhất cách lập dự toán đối với công tác quản lý, sửa chữa thường xuyên đường sông; Văn bản số 1868/BXD-VKT ngày 18/10/2001 bổ sung giá ca máy chuyên ngành đường sông; và ý kiến thỏa thuận của Bộ Tài chính tại Văn bản số 7540/TC-HCSN ngày 10/7/2002;
Để tăng cường công tác quản lý chi phí đối với công tác quản lý và sửa chữa đường sông, Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn lập dự toán quản lý và sửa chữa đường sông như sau:
I. PHÂN LOẠI CÔNG TÁC SỬA CHỮA ĐƯỜNG SÔNG
1. Sửa chữa thường xuyên đường sông, bao gồm:
- Quản lý duy tu, bảo dưỡng thường xuyên đường sông;
- Khảo sát theo dõi biễn biến phục vụ quản lý đường sông;
- Sửa chữa nhỏ phao tiêu, báo hiệu, tín hiệu, các thiết bị, nhà cửa, các công trình chỉnh trị trên tuyến giao thông đường sông đang quản lý khai thác.
2. Sửa chữa không thường xuyên đường sông, bao gồm:
- Nạo vét luồng lạch;
- Sửa chữa lớn các hệ thống kè, công trình chỉnh trị, trụ đèn;
- Sửa chữa lớn, cải tạo nâng cấp nhà đoạn, trạm, phương tiện, thiết bị;
- Mua sắm phương tiện, thiết bị, các hệ thống thông tin, báo hiệu, tín hiệu;
- Trục vớt, thanh thải chướng ngại vật dưới lòng sông.
3. Các loại sửa chữa đường sông khác:
Bao gồm sửa chữa đột xuất khắc phục hậu quả thiên tai hoặc các nguyên nhân khác để đảm bảo giao thông và các loại công tác khác được ghi trong mục 1.3 Phần II Thông tư liên tịch số 57/2001/TTLT/BTC-BGTVT ngày 10/7/2001 của Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải.
Thông tư này hướng dẫn cụ thể việc lập dự toán cho hai loại công tác sửa chữa thường xuyên và không thường xuyên đường sông. Các công tác khác tùy theo tính chất công việc để áp dụng phù hợp theo các chế độ, chính sách quy định hiện hành của Nhà nước.
II. NỘI DUNG CÁC KHOẢN MỤC CHI PHÍ TRONG DỰ TOÁN
1. Công tác sửa chữa thường xuyên đường sông:
1.1. Chi phí trực tiếp:
1.1.1. Chi phí vật liệu (VL): bao gồm vật liệu chính, vật liệu phụ, vật liệu luân chuyển tính theo giá vật liệu do các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành và các văn bản hướng dẫn điều chỉnh giá khu vực đến chân công trình. Giá vật liệu, thiết bị là giá của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu có tư cách pháp nhân đầy đủ và phù hợp với mặt bằng giá tại thời điểm mua. Đối với vật liệu, thiết bị do Nhà nước quản lý giá thì căn cứ vào đơn giá do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định. Trường hợp vật liệu không có trong thông báo giá, thì chủ đầu tư và các đơn vị được giao nhiệm vụ lập dự toán căn cứ vào các loại hóa đơn chứng từ hợp pháp theo quy định của Bộ Tài chính và phù hợp với mặt bằng giá tại thời điểm để lập dự toán.
Khối lượng vật liệu, thiết bị tính theo định mức ban hành kèm theo Quyết định số 1809/QĐ-BGTVT ngày 19/7/1998 của Bộ Giao thông vận tải.
1.1.2. Chi phí nhân công (NC): bao gồm tiền lương cơ bản tính theo bảng lương A6 - nhóm II ban hành kèm theo Nghị định số 26/CP ngày 23/5/1993 của Chính phủ và các khoản phụ cấp theo chế độ hiện hành của Nhà nước. Định mức nhân công áp dụng định mức ban hành kèm theo Quyết định số 1809/1998/QĐ-BGTVT ngày 19/7/1998 của Bộ Giao thông vận tải.
Đối với công tác khảo sát theo dõi diễn biến phục vụ quản lý luồng áp dụng đơn giá nhân công bậc 4 như trong công tác quản lý duy tu thường xuyên đường sông, chi phí nhân công di chuyển đi và về tính theo thực tế.
1.1.3. Chi phí máy thi công (M): đơn giá ca máy tính theo bảng giá ca máy tại Quyết định số 1260/1998/QĐ-BXD ngày 28/11/1998 của Bộ Xây dựng. Đối với ca máy chuyên ngành (không có danh mục trong bảng giá ca máy tại Quyết định số 1260/1998/QĐ-BXD hoặc có nhưng không phù hợp) thì đơn giá ca máy áp dụng bảng giá ca máy tại Văn bản số 1868/BXD-VKT ngày 18/10/2001 của Bộ Xây dựng.
Đối với các đơn vị sự nghiệp được giao nhiệm vụ trực tiếp thì đơn giá ca máy phải trừ chi phí khấu hao cơ bản và khấu hao sửa chữa lớn.
Đối với các doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích được giao nhiệm vụ trực tiếp hoặc nhận thầu từ chủ đầu tư thì đơn giá ca máy được tính đầy đủ theo đơn giá ca máy hiện hành.
Không tính chi phí máy khảo sát trong đơn giá ca máy cho công tác đo vẽ chi tiết bình đồ trong dự toán khảo sát theo dõi diễn biến phục vụ quản lý luồng. Định mức ca máy phương tiện phục vụ đo đạc tính theo định mức ban hành kèm theo Quyết định số 1809/1998/QĐ-BGTVT ngày 19/7/1998 của Bộ Giao thông vận tải.
1.2. Chi phí chung (C):
Chi phí chung được tính bằng 64% chi phí nhân công theo Văn bản số 1821/BXD-VKT ngày 11/10/2001 của Bộ Xây dựng.
1.3. Thu nhập chịu thuế tính trước (TL):
- Đối với đơn vị sự nghiệp: tính bằng 5,6% tổng chi phí trực tiếp và chi phí chung.
- Đối với doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích: tính bằng 6% tổng chi phí trực tiếp và chi phí chung.
Trong công tác khảo sát chi phí chung và thu nhập chịu thuế tính trước được đưa vào giá thành một đơn vị khảo sát theo hướng dẫn tại Thông tư 07/2000/TT-BXD ngày 12/7/2000 của Bộ Xây dựng.
1.4. Thuế Giá trị gia tăng (VAT):
- Đối với đơn vị sự nghiệp: áp dụng văn bản số 1821/BXD-VKT ngày 11/10/2001 của Bộ Xây dựng.
- Đối với doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích: áp dụng các văn bản hiện hành.
1.5. Chi phí ăn giữa ca:
- Các Đoạn quản lý đường sông, Thanh tra giao thông được hưởng chi phí ăn giữa ca bằng nguồn kinh phí ngân sách nhà nước cấp: theo Văn bản số 153/LĐTBXH-TL ngày 17/1/2000 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Mức ăn giữa ca: tính theo số người thực tế nhưng không được vượt quá định biên được duyệt.
- Chi phí ăn giữa ca được bố trí vào dự toán quản lý duy tu, bảo dưỡng thường xuyên đường sông trong kế hoạch sự nghiệp kinh tế đường sông hàng năm của đơn vị.
Bảng tổng hợp dự toán công tác quản lý duy tu, bảo dưỡng thường xuyên đường sông và điều tiết hướng dẫn đảm bảo an toàn giao thông đường sông đối với đơn vị sự nghiệp kinh tế (Phụ lục số 1A); Đối với Doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích (Phụ lục 1B).
Bảng tổng hợp dự toán công tác khảo sát theo dõi diễn biến phục vụ quản lý đường sông đối với đơn vị sự nghiệp kinh tế (Phụ lục số 2A); Đối với Doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích (Phụ lục số 2B)
2. Công tác sửa chữa không thường xuyên đường sông:
2.1. Nạo vét luồng lạch đảm bảo giao thông đường sông:
2.1.1. Chi phí trực tiếp:
Tính bằng khối lượng nạo vét (WNV) nhân với đơn giá nạo vét (Gnv) và hệ số công trường. Đơn giá nạo vét và hệ số công trường áp dụng văn bản hiện hành của Bộ Giao thông vận tải. Các trường hợp nạo vét bằng phương tiện, thiết bị và điều kiện khác không phù hợp với phạm vi áp dụng Bảng giá thành nạo vét công trình thủy đã được Bộ Giao thông vận tải ban hành, thì phải lập dự toán theo các quy định hiện hành.
2.1.2. Chi phí khác (K):
a. Chi phí giám sát, chi phí Ban quản lý dự án, chi phí thẩm định thiết kế dự toán: được vận dụng theo các văn bản hiện hành của Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính.
b. Chi phí thiết kế tuyến, lập phương án dự toán: tính bằng tỷ lệ % của giá trị dự toán xây lắp theo quy định của Bộ Xây dựng.
(đối với đơn vị sự nghiệp tự thực hiện thì trong khoản a và b trên không được tính chi phí này).
c. Chi phí cho công tác khảo sát lập bình đồ: tính theo diện tích khảo sát được duyệt và theo đơn giá của công tác khảo sát hiện hành.
d. Chi phí đảm bảo an toàn giao thông trong khi nạo vét: tính bằng 1% của chi phí trực tiếp. Trường hợp cấp thiết cần lập chốt điều tiết khống chế đảm bảo an toàn giao thông thì lập hồ sơ riêng và tính dự toán như công tác điều tiết khống chế ở công tác duy tu sửa chữa thường xuyên đường sông.
đ. Đối với các bãi nạo vét phải đền bù hoa màu, giải phóng mặt bằng; đắp đê bao phục vụ việc đổ đất thì lập hồ sơ dự toán duyệt riêng theo đúng các chế độ chính sách hiện hành của Nhà nước, sau đó tổng hợp chung vào dự toán của công tác nạo vét luồng lạch đảm bảo giao thông đường sông.
g. Chi phí di chuyển phương tiện thiết bị thi công từ vị trí gần nhất đến trung tâm công trường, bao gồm các chi phí của phương tiện lai dắt hoặc chi phí tự di chuyển của phương tiện thi công cũng như các chi phí chờ đợi chuẩn bị thi công.
(Bảng tổng hợp dự toán công tác nạo vét luồng lạch đảm bảo giao thông đường sông theo hướng dẫn trong Phụ lục số 3 kèm theo Thông tư này).
2.2. Đóng mới và sửa chữa lớn phương tiện thủy
Việc lập dự toán đối với công tác đóng mới, sửa chữa lớn phương tiện thủy và các chi phí khác có liên quan được thực hiện theo hướng dẫn của Thông tư số 05/1996/TT-LB ngày 29/1/1996 của Liên bộ Tài chính - Ban vật giá Chính phủ và những văn bản quy định hiện hành của Nhà nước.
- Chi phí khảo sát, lập phương án dự toán sửa chữa tính bằng 1% giá thành công xưởng.
- Chi phí thiết kế đóng mới phương tiện áp dụng theo Quyết định số 25/VGCP-CVĐT-DV ngày 01/9/1994 của Trưởng ban Vật giá Chính phủ.
- Thuế Giá trị gia tăng: áp dụng theo Thông tư số 122/2000/TT-BTC ngày 29/12/2000 của Bộ Tài chính.
- Lệ phí trước bạ khi đóng mới phương tiện thủy:
+ Không tính trong bảng tổng hợp dự toán.
+ Lệ phí này do chủ sở hữu phương tiện thực hiện và được thanh toán bổ sung vào giá thành của phương tiện.
(Bảng tổng hợp dự toán công tác đóng mới và sửa chữa lớn phương tiện thủy theo hướng dẫn trong Phụ lục số 4 và 5 kèm theo Thông tư này).
2.3. Các công trình khác:
Sửa chữa lớn hệ thống kè, công trình chỉnh trị, báo hiệu; sửa chữa lớn, cải tạo nâng cấp nhà đoạn, trạm, phương tiện thiết bị; trục vớt, thanh thải chướng ngại vật dưới lòng sông; sản xuất và lắp đặt báo hiệu … được thực hiện theo hướng dẫn của Thông tư số 09/2000/TT-BXD ngày 17/7/2000 của Bộ Xây dựng trên cơ sở hệ thống định mức dự toán xây dựng cơ bản ban hành kèm theo Quyết định số 1242/1998/QĐ-BXD ngày 25/11/1998, định mức dự toán công tác sửa chữa trong xây dựng cơ bản ban hành kèm theo quyết định số 29/2000/QĐ-BXD ngày 25/11/2000 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng; Định mức chuyên ngành do Bộ Giao thông vận tải ban hành; đơn giá xây dựng do các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành. Việc điều chỉnh dự toán xây lắp theo từng thời kỳ biến động giá căn cứ văn bản hướng dẫn của Bộ Xây dựng để thực hiện.
(Bảng tổng hợp dự toán các công trình khác theo hướng dẫn trong Phụ lục số 6 kèm theo Thông tư này).
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/1/2003. Các văn bản hướng dẫn lập và tính dự toán các hạng mục công tác sửa chữa thường xuyên và không thường xuyên đường sông trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ.
2. Bảng tổng hợp các khoản mục chi phí trong dự toán đối với công tác sửa chữa thường xuyên và không thường xuyên đường sông như trong các Phụ lục đính kèm.
3. Những văn bản quy phạm pháp luật và định mức nêu trong Thông tư này nếu có sự thay đổi sẽ được áp dụng các văn bản mới thay thế.
4. Quá trình thực hiện nếu còn những điểm chưa phù hợp cần sửa đổi, bổ sung các đơn vị phản ánh về Bộ Giao thông vận tải để sửa đổi cho phù hợp.