THÔNG TƯ
Quy định danh mục các lĩnh vực thuộc
phạm vi quản lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và
thời hạn mà người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập,
giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp,
hợp tác xã, tổ chức tín dụng sau khi thôi chức vụ
Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Luật Phòng, chống tham nhũng ngày 20 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Nghị định số 102/2022/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Căn cứ Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng;
Theo đề nghị của Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng;
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và thời hạn mà người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức tín dụng sau khi thôi chức vụ.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Thông tư này quy định danh mục các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước) và thời hạn mà người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh (sau đây gọi chung là doanh nghiệp), hợp tác xã, tổ chức tín dụng thuộc lĩnh vực trước đây mình có trách nhiệm quản lý sau khi thôi chức vụ.
2. Thông tư này không áp dụng đối với trường hợp người có chức vụ, quyền hạn được chỉ định, điều động, bổ nhiệm làm đại diện vốn nhà nước tại các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp có vốn nhà nước; tham gia quản trị, kiểm soát, điều hành tại các tổ chức tín dụng yếu kém, bị kiểm soát đặc biệt theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với người có chức vụ, quyền hạn tại Ngân hàng Nhà nước.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
1. Người có chức vụ, quyền hạn quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng.
2. Các chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức tín dụng quy định tại Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã, Luật Các tổ chức tín dụng.
Điều 4. Danh mục các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Ngân hàng Nhà nước mà người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức tín dụng thuộc lĩnh vực trước đây mình có trách nhiệm quản lý sau khi thôi chức vụ
1. Cấp, cấp lại, thay đổi nội dung và thu hồi giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng cho các tổ chức hoạt động thông tin tín dụng; thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức hoạt động thông tin tín dụng.
2. Cấp phép hoặc đình chỉ hoạt động thanh toán của tổ chức tín dụng và tổ chức khác; cấp, sửa đổi, bổ sung, thu hồi giấy phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán của các tổ chức không phải là ngân hàng; thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động thanh toán.
3. Cấp, thu hồi văn bản chấp thuận kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối cho tổ chức tín dụng và các tổ chức khác theo quy định của pháp luật; thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động ngoại hối.
4. Cấp, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, giấy phép đối với các hoạt động kinh doanh vàng; thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động kinh doanh vàng.
5. Cấp, sửa đổi, bổ sung, thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng; chấp thuận việc mua, bán, chia, tách, hợp nhất, sáp nhập và giải thể tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật; chấp thuận danh sách dự kiến những người được bầu, bổ nhiệm làm thành viên Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng; chấp thuận những thay đổi khác theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.
6. Lập danh sách cảnh báo tổ chức có rủi ro cao về rửa tiền; thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động phòng, chống rửa tiền.
7. Thanh tra, kiểm tra, giám sát ngân hàng.
Điều 5. Thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức tín dụng thuộc lĩnh vực trước đây mình có trách nhiệm quản lý sau khi thôi chức vụ
1. Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày thôi giữ chức vụ theo quyết định, chấp thuận của cấp có thẩm quyền đối với người có chức vụ, quyền hạn trong lĩnh vực quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này.
2. Trong thời hạn 18 tháng kể từ ngày thôi giữ chức vụ theo quyết định, chấp thuận của cấp có thẩm quyền đối với người có chức vụ, quyền hạn trong các lĩnh vực quy định tại các khoản 2, 3, 4 Điều 4 Thông tư này.
3. Trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày thôi giữ chức vụ theo quyết định, chấp thuận của cấp có thẩm quyền đối với người có chức vụ, quyền hạn trong các lĩnh vực quy định tại các khoản 5, 6, 7 Điều 4 Thông tư này.
Điều 6. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12 tháng 02 năm 2024.
Điều 7. Trách nhiệm thi hành
Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này./.