THÔNG TƯ
Hướng dẫn về thủ tục cấp giấy phép thầu và quản lý nhà thầu
nước ngoài hoạt động xây dựng tại Việt Nam
_____________________
Căn cứ Nghị định số 17/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;
Căn cứ Quyết định số 87/2004/QĐ-TTg ngày 19/5/2004 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý hoạt động của nhà thầu nước ngoài trong lĩnh vực xây dựng tại Việt Nam;
Căn cứ Quyết định số 03/2012/QĐ-TTg ngày 16/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế quản lý hoạt động của nhà thầu nước ngoài trong lĩnh vực xây dựng tại Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 87/2004/QĐ-TTg ngày 19/5/2004 của Thủ tướng Chính phủ;
Bộ Xây dựng hướng dẫn về thủ tục cấp giấy phép thầu và quản lý nhà thầu nước ngoài hoạt động xây dựng tại Việt Nam như sau:
Điều 1. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thầu đối với tổ chức
Nhà thầu nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện 01 bộ hồ sơ gốc và 01 bộ hồ sơ sao (bản photocopy) tại cơ quan cấp giấy phép thầu, mỗi bộ hồ sơ gồm:
1. Đơn đề nghị cấp giấy phép thầu theo mẫu tại Phụ lục số 1 của Thông tư này.
2. Bản sao có chứng thực văn bản về kết quả đấu thầu hoặc quyết định chọn thầu hoặc hợp đồng giao nhận thầu hợp pháp.
3. Bản sao có chứng thực Giấy phép thành lập (hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của tổ chức) và chứng chỉ hành nghề (nếu có) của nước, nơi mà nhà thầu nước ngoài mang quốc tịch cấp.
4. Biểu báo cáo kinh nghiệm hoạt động xây dựng liên quan đến công việc nhận thầu theo mẫu tại Phụ lục số 2 của Thông tư này và báo cáo kết quả kiểm toán hàng năm của 3 năm gần nhất (đối với trường hợp nhà thầu nhận thực hiện gói thầu thuộc đối tượng không bắt buộc phải áp dụng theo quy định của pháp luật về đấu thầu của Việt Nam).
5. Hợp đồng hoặc thỏa thuận liên danh với nhà thầu Việt Nam đối với trường hợp đã ký hợp đồng liên danh khi dự thầu hoặc chào thầu. Hợp đồng với thầu phụ Việt Nam đối với trường hợp đã xác định được danh sách thầu phụ Việt Nam khi dự thầu hoặc chào thầu.
Trường hợp khi dự thầu hoặc chọn thầu chưa xác định được thầu phụ thì phải có hợp đồng hoặc thỏa thuận nguyên tắc với thầu phụ Việt Nam kèm theo văn bản chấp thuận của chủ đầu tư.
6. Giấy uỷ quyền hợp pháp đối với người không phải là người đại diện theo pháp luật của nhà thầu theo mẫu tại Phụ lục số 3 của Thông tư này.
Đơn đề nghị cấp giấy phép thầu phải làm bằng tiếng Việt. Giấy phép thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng kư kinh doanh của nước ngoài phải được hợp pháp hoá lãnh sự, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam và các nước có liên quan là thành viên có quy định về miễn trừ hợp pháp hóa lãnh sự. Các giấy tờ, tài liệu quy định tại khoản 2, 3, 5, 6 Điều này nếu bằng tiếng nước ngoài phải được dịch ra tiếng Việt và bản dịch phải được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Đối với hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thầu phát sinh trong cùng năm thì hồ sơ không cần thiết phải bao gồm các tài liệu nêu tại khoản 3, khoản 4 Điều này.
Điều 2. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thầu đối với cá nhân
Nhà thầu nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện 01 bộ hồ sơ gốc và 01 bộ hồ sơ sao (photocopy) tại cơ quan cấp giấy phép thầu, mỗi bộ hồ sơ gồm:
1. Đơn đề nghị cấp giấy phép thầu theo mẫu tại Phụ lục số 4 của Thông tư này.
2. Bản sao có chứng thực văn bản kết quả đấu thầu hoặc quyết định chọn thầu hoặc hợp đồng giao nhận thầu hợp pháp.
3. Bản sao có chứng thực giấy phép hoạt động hoặc chứng chỉ hành nghề tư vấn do nước mà nhà thầu mang quốc tịch cấp và bản sao hộ chiếu cá nhân.
4. Lý lịch nghề nghiệp cá nhân (tự khai) kèm theo bản sao hợp đồng về các công việc có liên quan đã thực hiện trong 3 năm gần nhất.
Đơn đề nghị cấp giấy phép thầu phải làm bằng tiếng Việt. Bản sao Giấy phép hoạt động hoặc chứng chỉ hành nghề tư vấn do nước ngoài cấp phải được hợp pháp hóa lãnh sự, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam và các nước có liên quan là thành viên có quy định về miễn trừ hợp pháp hóa lãnh sự. Các giấy tờ, tài liệu bằng tiếng nước ngoài phải được dịch ra tiếng Việt và bản dịch phải được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Đối với hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thầu phát sinh trong cùng năm thì hồ sơ không cần thiết phải bao gồm các tài liệu nêu tại khoản 3, khoản 4 Điều này.
Điều 3. Quy trình cấp giấy phép thầu
1. Trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan cấp giấy phép thầu có trách nhiệm xem xét hồ sơ. Trường hợp hồ sơ không đúng, không đủ theo quy định thì phải thông báo và hướng dẫn một lần bằng văn bản cho nhà thầu biết để bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo quy định.
2. Trong thời gian 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ theo quy định, cơ quan cấp phép thầu xem xét và cấp giấy phép thầu cho nhà thầu. Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện theo quy định để được cấp giấy phép thầu thì cơ quan cấp phép phải thông báo bằng văn bản cho nhà thầu biết.
3. Giấy phép thầu cấp cho nhà thầu là tổ chức theo mẫu tại Phụ lục số 5 và cho nhà thầu là cá nhân theo mẫu tại Phụ lục số 6 của Thông tư này.
4. Nhà thầu có trách nhiệm nộp lệ phí khi nhận giấy phép thầu và giấy phép điều chỉnh theo quy định tại Thông tư số 33/2012/TT-BTC ngày 01/3/2012 của Bộ Tài chính Hướng dẫn chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng lệ phí trong lĩnh vực xây dựng.
Điều 4. Điều chỉnh giấy phép thầu
1. Sau khi được cấp giấy phép thầu, nếu có những thay đổi về tên, địa chỉ của nhà thầu, thay đổi các đối tác trong liên danh hoặc nhà thầu phụ hoặc các nội dung khác đã ghi trong giấy phép thầu được cấp, nhà thầu phải gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện 01 bộ hồ sơ đến cơ quan đã cấp giấy phép thầu để được xem xét điều chỉnh giấy phép thầu.
Giấy phép thầu điều chỉnh theo mẫu tại Phụ lục số 7 của Thông tư này.
2. Hồ sơ đề nghị điều chỉnh gồm:
a) Đơn đề nghị điều chỉnh giấy phép thầu theo mẫu tại Phụ lục số 8 của Thông tư này.
b) Các tài liệu chứng minh cho những nội dung đề nghị điều chỉnh. Các tài liệu phải được dịch ra tiếng Việt và được chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam.
3. Thời gian điều chỉnh giấy phép thầu được thực hiện trong 15 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ.
Điều 5. Thẩm quyền cấp, điều chỉnh và thu hồi giấy phép thầu
1. Bộ Xây dựng cấp giấy phép thầu cho nhà thầu nước ngoài là tổ chức nhận thầu các gói thầu thuộc dự án nhóm A và các gói thầu khác thuộc dự án trên địa bàn hai tỉnh trở lên; điều chỉnh và thu hồi giấy phép thầu do Bộ cấp; yêu cầu Sở Xây dựng thu hồi giấy phép thầu nếu nhà thầu vi phạm hoặc giấy phép thầu do Sở cấp không đúng quy định.
2. Sở Xây dựng địa phương cấp giấy phép thầu cho nhà thầu nước ngoài là tổ chức nhận thầu các gói thầu thuộc dự án nhóm B, C tại địa phương và cho nhà thầu nước ngoài là cá nhân thực hiện các công việc tư vấn đầu tư xây dựng tại địa phương nơi có dự án hoặc nơi chủ đầu tư dự án đăng ký trụ sở. Đồng thời điều chỉnh, thu hồi giấy phép thầu do Sở cấp.
Điều 6. Quy định về báo cáo
1. Định kỳ vào ngày 20 tháng 6 và tháng 12 hàng năm, nhà thầu có trách nhiệm gửi báo cáo tới cơ quan cấp giấy phép thầu và Sở Xây dựng nơi có dự án, về tình hình thực hiện hợp đồng theo mẫu tại Phụ lục số 9 của Thông tư này.
2. Định kỳ vào ngày 25 tháng 6 và tháng 12 hàng năm, Sở Xây dựng báo cáo Bộ Xây dựng về tình hình cấp, điều chỉnh, thu hồi giấy phép thầu và hoạt động của nhà thầu nước ngoài tại địa phương theo mẫu tại Phụ lục số 10 của Thông tư này.
Điều 7. Quy định về Văn phòng điều hành
1. Sau khi được cấp giấy phép thầu, nhà thầu có trách nhiệm lập Văn phòng điều hành (hợp đồng thuê văn phòng hoặc lập văn phòng điều hành tại nơi có dự án); đăng ký địa chỉ, số điện thoại, số fax, e-mail của Văn phòng điều hành với các cơ quan quản lý các lĩnh vực này.
Đối với các hợp đồng thực hiện lập quy hoạch xây dựng, lập dự án đầu tư xây dựng, khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng công trình nhà thầu có thể lập Văn phòng điều hành tại nơi đăng ký trụ sở của chủ dự án.
Đối với hợp đồng thực hiện thi công xây dựng, giám sát thi công xây dựng công trình đi qua nhiều tỉnh, nhà thầu có thể lập Văn phòng điều hành tại một địa phương có công trình đi qua để điều hành thực hiện công việc.
2. Sau khi thực hiện xong việc đăng ký các nội dung của Văn phòng điều hành, nhà thầu có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho Sở Xây dựng nơi lập văn phòng điều hành, Bộ Xây dựng và các cơ quan có liên quan quy định tại Điều 7 của Quyết định số 87/2004/QĐ-TTg và Quyết định số 03/2012/QĐ-TTg theo mẫu tại Phụ lục số 11 của Thông tư này. Trường hợp thay đổi các thông tin của Văn phòng điều hành, nhà thầu phải thông báo cho các cơ quan này biết.
Điều 8. Các trường hợp không được cấp giấy phép thầu
1. Nhà thầu không được xem xét cấp giấy phép thầu khi:
a) Không sử dụng thầu phụ Việt Nam theo hồ sơ đã được cấp giấy phép thầu trước đó.
b) Không thực hiện chế độ báo cáo từ 3 kỳ trở lên theo quy định tại Thông tư này đối với các công việc nhận thầu theo giấy phép thầu đã được cấp trước đó.
c) Vi phạm các quy định của pháp luật có liên quan, như quy định về sử dụng lao động, an toàn lao động, nộp thuế, chất lượng công trình,... và đã bị xử phạt do vi phạm các quy định này từ 2 lần trở lên.
2. Nhà thầu bị đình chỉ công việc đang thực hiện khi:
a) Không sử dụng thầu phụ Việt Nam theo hợp đồng đã ký kết có trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thầu và chỉ được tiếp tục thực hiện khi đã sử dụng thầu phụ Việt Nam như hợp đồng đã ký kết.
b) Không thực hiện các quy định của pháp luật liên quan.
Điều 9. Các trường hợp bị thu hồi giấy phép thầu
Nhà thầu bị thu hồi giấy phép thầu khi:
1. Không khắc phục các vi phạm sau khi đã có văn bản yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước liên quan từ 2 lần trở lên.
2. Đã bị xử phạt vi phạm hành chính đối với công việc thuộc giấy phép thầu được cấp từ lần thứ 3 trở lên.
Điều 10. Tổ chức thực hiện
1. Thông tư này thay thế cho Thông tư số 05/2004/TT-BXD ngày 15/9/2004 của Bộ Xây dựng và có hiệu lực kể từ ngày 26/6/2012.
2. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Thông tư này. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, phản ánh về Bộ Xây dựng để giải quyết./.