QUYẾT ĐỊNH
CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ SỐ 259/CP NGÀY 24-6-1981 VỀ VIỆC THÀNH LẬP NGÂN HÀNG ĐẦU TƯ VÀ XÂY DỰNG VIỆT NAM
TRỰC THUỘC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ vào Luật tổ chức Hội đồng Chính phủ ngày 14/7/1960;
Căn cứ Nghị định của Hội đồng Chính phủ số 232-CP ngày 6/6/1981 ban hành Điều lệ quản lý xây dựng cơ bản;
Theo đề nghị của đồng chí Bộ trưởng Bộ Tài chính và đồng chí Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Chuyển Ngân hàng kiến thiết Việt Nam trực thuộc Bộ Tài chính sang trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và thành lập Ngân hàng đầu tư và xây dựng Việt Nam.
Điều 2: Ngân hàng đầu tư và xây dựng Việt Nam có nhiệm vụ thu hút và quản lý tất cả các nguồn vốn dành cho đầu tư xây dựng cơ bản của các cơ quan, các tổ chức sản xuất, kinh doanh, các tổ chức xã hội. Các nhiệm vụ cụ thể của Ngân hàng đầu tư và xây dựng Việt Nam được quy định như sau:
1. Cho vay và cấp vốn đầu tư xây dựng cơ bản, vốn lưu động kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, cụ thể là:
- Cho vay vốn đầu tư xây dựng cơ bản các công trình không do ngân sách Nhà nước cấp hoặc vốn tự có không đủ;
- Cấp vốn thanh toán các công trình thuộc diện ngân sách Nhà nước đầu tư;
- Cho vay và cấp vốn lưu động cho các tổ chức kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng cơ bản (bao gồm cả các xí nghiệp xây lắp, khảo sát, thiết kế....).
2. Quản lý nguồn vốn tự có của các tổ chức sản xuất, kinh doanh, các tổ chức xã hội... dành cho xây dựng cơ bản.
3. Thực hiện chức năng trung tâm thanh toán và quản lý tiền mặt, kiểm soát chỉ tiêu quỹ tiền lương trong lĩnh vực xây dựng cơ bản,
4. Thông qua việc cho vay, cấp vốn, quản lý tiền mặt và thực hiện chức năng trung tâm thanh toán trong lĩnh vực xây dựng cơ bản mà kiểm tra các cơ quan, các tổ chức sản xuất, kinh doanh về hoạt động kinh tế và sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản theo đúng chính sách, chế độ của Nhà nước.
Điều 3: Ngân hàng đầu tư và xây dựng Việt Nam hoạt động theo phương thức quản lý và kinh doanh xã hội chủ nghĩa, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, có hệ thống tổ chức bộ máy riêng từ Trung ương đến địa phương. Các chi nhánh ngân hàng đầu tư và xây dựng hoạt động tại các địa phương đều chịu sự kiểm tra của cơ quan tài chính Nhà nước.
Điều 4: Nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Ngân hàng đầu tư và xây dựng Việt Nam do Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định sau khi xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.
Điều 5: Ngân hàng đầu tư và xây dựng Việt Nam do một giám đốc phụ trách; giúp việc cho giám đốc có một số phó giám đốc.
Điều 6: Ngân hàng đầu tư và xây dựng Việt Nam có trách nhiệm tiếp tục các nhiệm vụ của Ngân hàng kiến thiết Việt Nam thuộc Bộ Tài chính chuyển giao sang và công việc đang tiến hành của tổ chức tín dụng đầu tư trực thuộc Ngân hàng Nhà nước, kể cả các hợp đồng kinh tế chưa kết thúc.
Bộ Tài chính chuyển giao toàn bộ tài sản, tổ chức, biên chế, cán bộ phụ trách và cán bộ, công nhân viên, hồ sơ tài liệu, v.v... của Ngân hàng kiến thiết cũ sang Ngân hàng Nhà nước để bảo đảm sự hoạt động liên tục của ngân hàng trong việc cho vay, cấp vốn đầu tư, thanh toán và quyết toán các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản.
Điều 7: Các đồng chí Bộ trưởng Phủ thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.