THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
Hướng dẫn chế độ quản lý tài chính và thực hiện dự án “Tăng cường
hệ thống trợ giúp xã hội Việt Nam” vay vốn Ngân hàng Thế giới
______________________
Căn cứ Nghị định số 106/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 79/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 7 năm 2010 của Chính phủ về nghiệp vụ quản lý nợ công;
Căn cứ Nghị định số 38/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ;
Căn cứ Hiệp định tài trợ số 5354- VN đã ký ngày 24 tháng 4 năm 2014 giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Hiệp hội phát triển quốc tế;
Căn cứ Quyết định số 1617/QĐ-TTg ngày 18 tháng 9 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh mục Dự án “Tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội Việt Nam” vay vốn Ngân hàng Thế giới;
Căn cứ ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Công văn số 2484/VPCP-HTQT ngày 11 tháng 4 năm 2014 của Văn phòng Chính phủ về việc đề xuất ký Hiệp định tài trợ Dự án “Tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội Việt Nam” vay vốn WB;
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn chế độ quản lý tài chính và thực hiện Dự án “Tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội Việt Nam ”,
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này hướng dẫn chế độ quản lý tài chính và tổ chức thực hiện đối với Dự án “Tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội Việt Nam”.
2. Thông tư này áp dụng đối với các tỉnh tham gia dự án: Hà Giang, Quảng Nam, Lâm Đồng, Trà Vinh (sau đây gọi là 04 tỉnh thụ hưởng) và các cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao trách nhiệm hoặc có liên quan đến việc quản lý và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) từ Hiệp hội phát triển quốc tế (IDA) thuộc nhóm Ngân hàng thế giới - (WB) và vốn đối ứng trong nước cho Dự án “Tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội Việt Nam” vay vốn Ngân hàng Thế giới.
Điều 2. Từ ngữ được sử dụng trong Thông tư
1. Dự án: là Dự án “Tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội Việt Nam” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1617/QĐ-TTg ngày 18 tháng 9 năm 2013 về việc phê duyệt danh mục Dự án “Tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội Việt Nam” vay vốn Ngân hàng Thế giới.
2. Các hợp phần của Dự án gồm:
a) Hợp phần 1: Tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội và giảm nghèo;
b) Hợp phần 2: Khởi động chương trình trợ giúp xã hội hợp nhất, gồm:
- Tiểu hợp phần 2.1: Thực hiện chi trả trợ cấp cho các đối tượng hưởng lợi bổ sung của dự án;
- Tiểu hợp phần 2.2: Thanh toán phí dịch vụ cho bưu điện các tỉnh tham gia dự án.
c) Hợp phần 3: Quản lý Dự án.
3. Ban Chỉ đạo Dự án: được thành lập theo Quyết định số 1893/QĐ-LĐTBXH ngày 05 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, có trách nhiệm và quyền hạn được quy định trong Quyết định thành lập.
4. Ban Quản lý Dự án trung ương: là đơn vị được thành lập theo Quyết định số 1567/QĐ-LĐTBXH ngày 11 tháng 10 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, có trách nhiệm và quyền hạn được quy định trong Quyết định thành lập.
5. Ban Chỉ đạo Dự án tỉnh: được thành lập theo Quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh thực hiện Dự án, có trách nhiệm và quyền hạn được quy định trong Quyết định thành lập.
6. Ban Quản lý Dự án tỉnh: là đơn vị được thành lập theo Quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh thực hiện Dự án, có trách nhiệm và quyền hạn được quy định trong Quyết định thành lập.
7. Ngân hàng Phục vụ Dự án: là Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
8. Đối tượng hưởng lợi bổ sung của Dự án gồm:
a) Phụ nữ mang thai thuộc hộ nghèo;
b) Trẻ em từ 0 tuổi đến dưới 03 tuổi thuộc hộ nghèo;
c) Trẻ em từ 03 tuổi đến 15 tuổi (được hiểu là chưa đủ 16 tuổi) thuộc hộ nghèo hiện không đi học.
9. Gói trợ giúp xã hội hợp nhất cho các hộ gia đình, gồm:
a) Nguồn vốn ngân sách nhà nước:
- Trợ giúp xã hội thường xuyên cho các đối tượng bảo trợ xã hội theo Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ quy định về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội (Nghị định số 67/2007/NĐ-CP) và Nghị định số 13/2010/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội (Nghị định số 13/2010/NĐ-CP);
- Hỗ trợ tiền điện cho các hộ nghèo theo Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 7 tháng 4 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện (Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg);
- Hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ em hiện đang đi học theo Nghị định 49/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014 - 2015 (Nghị định số 49/2010/NĐ-CP), Nghị định 74/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014 - 2015 (Nghị định số 74/2013/NĐ-CP);
- Hỗ trợ tiền ăn, tiền ở cho học sinh trung học phổ thông là người dân tộc thiểu số, là người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo ở xã, thôn có có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo Quyết định 12/2013/QĐ-TTg ngày 24 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh trung học phổ thông ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (Quyết định số 12/2013/QĐ-TTg)
b) Nguồn vốn vay IDA (thụ hưởng từ dự án):
- Hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ mang thai thuộc hộ nghèo: 70.000 đồng/tháng (theo số tháng mang thai thực tế và không quá 9 tháng/1 lần mang thai);
- Trẻ em từ 0 tuổi đến dưới 3 tuổi thuộc hộ nghèo: 70.000 đồng/tháng (12 tháng/năm);
- Hỗ trợ cho trẻ em từ 3 tuổi đến 15 tuổi thuộc hộ nghèo hiện đang không đi học nhằm khuyến khích trẻ em đến trường: 70.000 đồng/tháng/em (9 tháng/năm);
Gói trợ giúp xã hội hợp nhất cho các hộ gia đình sẽ được thực hiện thí điểm tại 4 tỉnh thụ hưởng dự án bắt đầu từ ngày 01 tháng 7 năm 2015 đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2018.
Điều 3. Nguồn vốn đầu tư của Dự án
Tổng vốn của Dự án tương đương 62,5 triệu USD, bao gồm:
1. Vốn vay IDA (WB): 39,1 triệu SDR tương đương 60 triệu USD (theo tỷ giá Nhà tài trợ quy đổi tại thời điểm đàm phán), trong đó:
a) Phần vốn vay theo phương thức hỗ trợ ngân sách: 16,29 triệu SDR tương đương 25 triệu USD;
b) Phần vốn vay theo phương thức hỗ trợ dự án: 22,81 triệu SDR tương đương 35 triệu USD.
2. Vốn đối ứng trong nước: 2,5 triệu USD tương đương với 52,59 tỷ VND.
Điều 4. Cơ chế tài chính trong nước
1. Đối với vốn vay IDA:
a) Phần vốn vay theo phương thức hỗ trợ ngân sách: Ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu đối với ngân sách địa phương các tỉnh tham gia Dự án;
b) Phần vốn vay theo phương thức hỗ trợ Dự án: Ngân sách trung ương bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đối với những hoạt động do Ban Quản lý Dự án trung ương thực hiện.
2. Đối với vốn đối ứng trong nước:
a) Vốn đối ứng chi cho các hoạt động của Ban Quản lý Dự án trung ương do ngân sách trung ương bố trí trong dự toán của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
b) Vốn đối ứng chi cho các hoạt động của Ban Quản lý Dự án tỉnh do ngân sách địa phương bố trí trong dự toán của Ban Quản lý Dự án tỉnh.
Điều 5. Nguyên tắc quản lý
1. Dự án “Tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội Việt Nam” là Dự án được đầu tư bằng nguồn vốn hành chính sự nghiệp, được quản lý theo chế độ hiện hành về quản lý vốn hành chính sự nghiệp và các chính sách khác có liên quan.
2. Nguồn vốn vay IDA cho Dự án là nguồn vốn của ngân sách nhà nước, được quản lý theo các quy định quản lý vốn ngân sách nhà nước và các quy định của Nhà tài trợ.
3. Phương thức hạch toán ngân sách:
a) Đối với phần vốn vay theo phương thức hỗ trợ ngân sách:
- Căn cứ vào chứng từ nhận tiền hoặc báo có của Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước hạch toán thu ngân sách nhà nước;
- Khi các đơn vị thực hiện rút dự toán tại Kho bạc Nhà nước, Kho bạc Nhà nước hạch toán chi ngân sách nhà nước.
b) Đối với phần vốn vay theo phương thức hỗ trợ Dự án: Bộ Tài chính thực hiện ghi thu ngân sách nhà nước, ghi chi cấp phát cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định tại Thông tư số 107/2008/TT-BTC ngày 18 tháng 11 năm 2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn bổ sung một số điểm về quản lý, điều hành ngân sách nhà nước.
Điều 6. Nhiệm vụ của các cơ quan liên quan
1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:
a) Phê duyệt kế hoạch, dự toán, quyết toán năm và quyết toán Dự án hoàn thành theo quy định;
b) Bố trí đủ, kịp thời vốn đối ứng cho Ban Quản lý Dự án trung ương.
2. Ban Quản lý Dự án trung ương:
a) Thực hiện việc rút vốn vay và giải ngân từ nguồn vốn vay cho các hoạt động thuộc Hợp phần 1, Tiểu hợp phần 2.2 và Hợp phần 3; quản lý và giải ngân nguồn vốn đối ứng từ ngân sách trung ương bố trí trong dự toán của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho các hoạt động của Dự án;
b) Lập, tổng hợp kế hoạch hoạt động, kế hoạch tài chính của Dự án, báo cáo tình hình hoạt động của Dự án và thực hiện các nhiệm vụ theo quy định cụ thể trong Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Quản lý Dự án trung ương;
c) Cung cấp thông tin về các đối tượng hưởng chính sách theo Quyết định số 12/2013/QĐ-TTg, Nghị định số 49/2010/NĐ-CP và Nghị định số 74/2013/NĐ-CP tại 4 tỉnh thụ hưởng Dự án cho Bộ Giáo dục và Đào tạo (BGDĐT) sau khi kết thúc mỗi năm học trong thời gian thực hiện gói trợ giúp xã hội hợp nhất.
3. Bộ Tài chính:
a) Thực hiện thủ tục rút vốn vay từ nước ngoài và rút vốn từ Tài khoản đặc biệt của Dự án chuyển vào Ngân sách Nhà nước (đối với phần vốn hỗ trợ ngân sách), bảo đảm kinh phí chi trả cho các đối tượng hưởng lợi của Dự án đúng thời hạn;
b) Thực hiện hạch toán ngân sách nhà nước đối với vốn vay theo quy định hiện hành.
4. Ủy ban nhân dân các tỉnh tham gia thực hiện Dự án:
a) Phê duyệt hoặc chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của tỉnh thẩm định phê duyệt kế hoạch, dự toán, quyết toán năm và quyết toán Dự án hoàn thành theo quy định;
b) Bố trí đủ, kịp thời vốn đối ứng cho Ban Quản lý Dự án tỉnh.
5. Ban Quản lý Dự án tỉnh:
a) Quản lý việc sử dụng vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh để thực hiện Hợp phần 3 của Dự án;
b) Lập, tổng hợp kế hoạch hoạt động, kế hoạch tài chính của Dự án và báo cáo tình hình hoạt động của Dự án tại tỉnh và thực hiện các nhiệm vụ theo quy định cụ thể trong Quy chế Tổ chức và hoạt động của Ban Quản lý Dự án tỉnh;
c) Cung cấp thông tin về các đối tượng hưởng chính sách theo Quyết định số 12/2013/QĐ-TTg, Nghị định số 49/2010/NĐ-CP và Nghị định số 74/2013/NĐ-CP cho Sở Giáo dục và Đào tạo sau khi kết thúc mỗi năm học trong thời gian thực hiện gói trợ giúp xã hội hợp nhất.
6. Sở Tài chính:
a) Căn cứ chứng từ ghi thu, ghi chi ngân sách của Bộ Tài chính, hạch toán vào ngân sách tỉnh nguồn vốn vay được ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách tỉnh để thực hiện Dự án tại tỉnh; bảo đảm kinh phí chi trả cho các đối tượng hưởng lợi đúng thời hạn;
b) Thẩm định, tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, phê duyệt quyết toán hàng năm và quyết toán dự án hoàn thành đối với các nguồn vốn được giao để thực hiện dự án tại tỉnh.
7. Sở Giáo dục và Đào tạo: lập, cập nhật và chuyển danh sách học sinh hưởng chính sách theo Quyết định số 12/2013/QĐ-TTg được phê duyệt bắt đầu từ năm học 2015-2016 cho Ban Quản lý Dự án tỉnh.
8. Tổng công ty Bưu điện Việt Nam: xây dựng quy trình chi trả, kiểm tra và định kỳ báo cáo được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chấp nhận để đảm bảo chi trả đúng đối tượng, đúng số tiền, đúng thời gian và thuận tiện cho đối tượng hưởng lợi.
9. Bưu điện tỉnh, Bưu điện huyện: có trách nhiệm thực hiện theo quy định tại khoản 2, Điều 15 của Thông tư này. Trường hợp xảy ra mất tiền trong quá trình tổ chức thực hiện chi trả, chi trả không đúng đối tượng hưởng, không đúng số tiền theo danh sách chi trả, Bưu điện huyện có trách nhiệm thu hồi, bồi hoàn cho đối tượng hưởng hoặc cho cơ quan đã ký hợp đồng và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
10. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội:
a) Lập kế hoạch nguồn vốn tổng thể, dự toán nguồn ngân sách nhà nước hàng năm thực hiện gói trợ giúp xã hội hợp nhất cho các hộ gia đình theo quy định tại khoản 1, Điều 15 của Thông tư này trên địa bàn huyện gửi Ban Quản lý Dự án tỉnh;
b) Thực hiện chuyển tiền và cung cấp danh sách chi trả hàng tháng cho Bưu điện huyện theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 15 của Thông tư này.
11. Hệ thống Kho bạc Nhà nước: thực hiện kiểm soát việc rút dự toán để triển khai các hoạt động của Dự án và hạch toán ngân sách nhà nước theo đúng quy định hiện hành.
12. Ngân hàng phục vụ Dự án:
a) Thực hiện các thủ tục thanh toán vốn IDA theo yêu cầu của Ban Quản lý Dự án trung ương sau khi hồ sơ đã được Kho bạc Nhà nước kiểm soát chi; hướng dẫn và cung cấp cho Dự án đầy đủ các thông tin để thực hiện các giao dịch thanh toán trong và ngoài nước qua hệ thống ngân hàng;
b) Định kỳ hàng tháng gửi chủ tài khoản báo cáo sao kê tài khoản và thông báo số lãi phát sinh trên các tài khoản, số phí phục vụ ngân hàng thu, số chênh lệch giữa lãi và phí, số dư đầu kỳ, cuối kỳ;
c) Trong vòng 02 ngày làm việc kể từ khi nhận được báo có tiền về tài khoản phải thông báo cho chủ tài khoản biết;
d) Trong quá trình thực hiện được hưởng phí dịch vụ ngân hàng theo quy định hiện hành về thu phí dịch vụ thanh toán qua ngân hàng. Các khoản phí dịch vụ trên được tính trong tổng mức đầu tư của Dự án.
Chương II
LẬP, PHÂN BỔ DỰ TOÁN, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VÀ QUYẾT TOÁN NGUỒN VỐN
Điều 7. Lập dự toán
1. Lập dự toán nguồn ngân sách nhà nước thực hiện gói trợ giúp xã hội hợp nhất cho các hộ gia đình theo quy định tại khoản 1, Điều 15 của Thông tư này:
a) Hàng năm, cùng với thời điểm xây dựng dự toán ngân sách nhà nước (kể từ năm 2014 xây dựng dự toán 6 tháng cuối năm 2015), Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội căn cứ số lượng đối tượng hưởng trợ cấp lấy ra từ cơ sở dữ liệu của hệ thống thông tin quản lý (MIS), mức hỗ trợ quy định tại khoản 1, Điều 15 của Thông tư này, thời gian thực hiện trong năm; lập dự toán kinh phí thực hiện gói trợ giúp xã hội hợp nhất trên địa bàn huyện (trong đó thuyết minh rõ vốn trong nước và ngoài nước) và tổng hợp chung trong dự toán chi thường xuyên của cơ quan, gửi Phòng Tài chính - Kế hoạch cấp huyện xem xét, tổng hợp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành; đồng thời gửi Ban Quản lý Dự án tỉnh để tổng hợp gửi Ban Quản lý Dự án trung ương;
b) Các cơ quan, đơn vị đang được giao dự toán thực hiện các chính sách quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 15 của Thông tư này, năm 2014 xây dựng dự toán 2015, chỉ lập dự toán 06 tháng đầu năm 2015 để chi trả các chính sách theo quy định hiện hành. Dự toán kinh phí thực hiện các chính sách này cho 06 tháng cuối năm 2015 và các năm tiếp theo đến khi kết thúc Chương trình do Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội lập dự toán theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều này.
2. Lập kế hoạch nguồn vốn vay theo phương thức hỗ trợ Dự án để thực hiện các hoạt động của Dự án:
Hàng năm, cùng với thời điểm xây dựng dự toán ngân sách nhà nước, Ban Quản lý Dự án trung ương lập kế hoạch nguồn vốn năm cho các hoạt động thực hiện ở trung ương gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Vụ Kế hoạch Tài chính) để tổng hợp chung trong dự toán của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, gửi Bộ Tài chính, để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3. Lập dự toán vốn đối ứng:
Hàng năm, cùng với thời điểm xây dựng dự toán ngân sách nhà nước, Ban Quản lý Dự án tỉnh lập dự toán vốn đối ứng chi các hoạt động của Ban Quản lý Dự án tỉnh gửi Sở Tài chính tổng hợp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ban Quản lý Dự án trung ương lập dự toán vốn đối ứng chi các hoạt động của Ban Quản lý Dự án trung ương gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Vụ Kế hoạch Tài chính) để tổng hợp chung trong dự toán của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, gửi Bộ Tài chính để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 8. Phân bổ và giao dự toán
Việc phân bổ và giao dự toán kinh phí thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Điều 9. Mở Tài khoản
1. Đối với phần vốn vay theo phương thức hỗ trợ ngân sách:
a) Bộ Tài chính sẽ mở tài khoản đặc biệt tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để tiếp nhận nguồn vốn vay, sau đó sẽ làm thủ tục bán ngoại tệ cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chuyển tiền vào ngân sách nhà nước để thực hiện Tiểu hợp phần 2.1 của Dự án;
b) Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh tham gia Dự án mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch và thực hiện rút dự toán để triển khai các hoạt động của Tiểu hợp phần 2.1 của Dự án.
2. Đối với phần vốn vay theo phương thức hỗ trợ Dự án:
a) Ban Quản lý Dự án trung ương mở tài khoản tạm ứng tại Ngân hàng phục vụ Dự án để tiếp nhận nguồn vốn vay nhằm thực hiện các hoạt động thuộc Hợp phần 1 và 3 của Dự án. Lãi phát sinh trên tài khoản tạm ứng được hạch toán theo dõi riêng và trong quá trình thực hiện Dự án chỉ được sử dụng để thanh toán phí dịch vụ ngân hàng của Ngân hàng phục vụ. Trước ngày 15 tháng 02 hàng năm, Ban Quản lý Dự án trung ương có trách nhiệm báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tình hình sử dụng lãi phát sinh trên số dư tài khoản tạm ứng của năm trước để gửi Bộ Tài chính theo quy định tại Thông tư số 218/2013/TT-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Bộ Tài chính quy định về quản lý tài chính đối với các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vay ưu đãi nước ngoài của các nhà tài trợ (Thông tư số 218/2013/TT-BTC);
b) Ban Quản lý Dự án tỉnh mở tài khoản giao dịch tại Ngân hàng Phục vụ Dự án để nhận tạm ứng kinh phí thực hiện các hoạt động của Dự án tại địa bàn tỉnh từ Ban Quản lý Dự án trung ương.
3. Ban Quản lý Dự án trung ương và các tỉnh mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch và thực hiện rút dự toán để thanh toán các khoản chi hoạt động của Ban quản lý Dự án.
4. Thủ tục mở tài khoản tại Ngân hàng Phục vụ Dự án và Kho bạc Nhà nước các cấp phải theo đúng các quy định hiện hành.
Điều 10. Tỷ giá thanh toán và hạch toán
1. Tỷ giá hạch toán ngân sách nhà nước đối với phần vốn tài trợ theo phương thức hỗ trợ ngân sách thuộc Tiểu hợp phần 2.1 áp dụng tỷ giá mua vào của Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước tại thời điểm bán ngoại tệ.
2. Tỷ giá thanh toán và hạch toán cho các khoản chi tiêu từ Tài khoản tạm ứng được áp dụng tỷ giá mua vào của Ngân hàng Phục vụ Dự án tại thời điểm thanh toán.
Điều 11. Nội dung và định mức chi của Dự án
1. Đối với phần vốn vay theo phương thức hỗ trợ Dự án:
a) Nội dung và định mức chi tiêu nguồn vốn vay IDA và vốn đối ứng áp dụng cho Dự án được thực hiện theo Thông tư số 219/2009/TT-BTC ngày 19 tháng 11 năm 2009 của Bộ Tài chính về việc quy định một số định mức chi tiêu áp dụng cho các dự án, chương trình sử dụng nguồn vốn ODA (Thông tư số 219/2009/TT-BTC); Thông tư số 192/2011/TT-BTC ngày 19 tháng 11 năm 2011 sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 219/2009/TT-BTC và các quy định hiện hành áp dụng cho các đơn vị sự nghiệp;
b) Chi trả phí dịch vụ cho cơ quan Bưu điện: Mức phí dịch vụ chi trả tối đa là 3% tổng kinh phí chi trả cho các đối tượng quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 11 và khoản 1, Điều 15 của Thông tư này. Trên cơ sở thỏa thuận với cơ quan chi trả là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định cụ thể mức phí của từng tỉnh tham gia thực hiện Dự án tùy theo số đối tượng hưởng lợi, tổng mức kinh phí chi trả và điều kiện địa lý của từng tỉnh;
c) Chi thù lao cho cộng tác viên xã hội thôn, bản, tổ dân phố của xã, phường, thị trấn 100.000 đồng/người/tháng. Số lượng cộng tác viên xã hội thôn, bản, tổ dân phố của xã, phường, thị trấn do Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định. Tổng số cộng tác viên không vượt quá tổng số thôn, bản, tổ dân phố của xã, phường, thị trấn đó và mỗi thôn, bản, tổ dân phố chỉ có nhiều nhất một cộng tác viên. Một cộng tác viên có thể phụ trách nhiều nhất hai thôn, bản, tổ dân phố.
2. Đối với phần vốn vay theo phương thức hỗ trợ ngân sách:
a) Chi hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ mang thai thuộc hộ nghèo:
- Mức hỗ trợ: 70.000 đồng/tháng/người;
- Thời gian hỗ trợ theo thời gian mang thai thực tế trong thời gian thực hiện Dự án, tối đa không quá 09 tháng/1 lần mang thai. Trường hợp tại thời điểm ngày 01 tháng 7 năm 2015 đã mang thai thì được hỗ trợ kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2015 đến khi sinh con. Trường hợp mang thai đến thời điểm ngày 30 tháng 6 năm 2018 vẫn chưa sinh con thì chỉ được hỗ trợ đến ngày 30 tháng 6 năm 2018 (thời điểm kết thúc thực hiện gói trợ giúp xã hội hợp nhất theo quy định tại điểm b khoản 9 Điều 2 của Thông tư này).
b) Chi hỗ trợ trẻ em từ 0 tuổi đến dưới 03 tuổi thuộc hộ nghèo:
- Mức hỗ trợ: 70.000 đồng/tháng/trẻ em, thời gian hỗ trợ là 12 tháng/năm trong thời gian thực hiện Dự án;
- Thời gian hỗ trợ theo số tháng thực tế, kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2015 đến khi đủ 03 tuổi. Trường hợp trẻ đang hưởng hỗ trợ đến thời điểm ngày 30 tháng 6 năm 2018 chưa đủ 03 tuổi, chỉ được hỗ trợ đến ngày 30 tháng 6 năm 2018.
c) Chi hỗ trợ trẻ em từ 03 đến 15 tuổi thuộc hộ nghèo hiện không đi học:
- Mức hỗ trợ: 70.000 đồng/tháng/trẻ em;
- Thời gian hỗ trợ: Tối đa là 09 tháng/năm (từ tháng 01 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12 trong thời gian thực hiện Dự án. Thời điểm được hưởng theo số tháng thực tế, kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2015 đến dưới 16 tuổi. Trường hợp trẻ đang hưởng hỗ trợ đến thời điểm ngày 30 tháng 6 năm 2018 chưa đủ 16 tuổi chỉ được hỗ trợ đến ngày 30 tháng 6 năm 2018;
- Trường hợp trẻ đi học lại, được chi trả tiếp tục theo hình thức hỗ trợ chi phí học tập quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 15 của Thông tư này.
d) Thời điểm bắt đầu được hưởng trợ cấp của các đối tượng nêu trên là kể từ khi có đơn đăng ký theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 12. Kiểm soát chi
1. Tất cả các chi tiêu của Dự án đều áp dụng hình thức kiểm soát chi trước.
2. Cơ quan kiểm soát chi: Kho bạc Nhà nước nơi Ban Quản lý Dự án các cấp và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội mở tài khoản thực hiện việc kiểm soát các hồ sơ thanh toán của Dự án.
3. Hồ sơ và thủ tục kiểm soát chi thực hiện theo quy định hiện hành.
Điều 13. Thủ tục rút vốn và quản lý rút vốn
1. Đối với phần vốn vay theo phương thức hỗ trợ Dự án:
a) Trình tự, thủ tục rút vốn ODA, quản lý rút vốn và sử dụng vốn ODA thực hiện theo quy định tại Thông tư số 218/2013/TT-BTC;
b) Kinh phí chi cho các hoạt động quản lý Dự án thực hiện tại cấp tỉnh được chi trả trên cơ sở tạm ứng từ Ban Quản lý Dự án trung ương.
2. Đối với phần vốn vay theo phương thức hỗ trợ ngân sách:
a) Căn cứ kế hoạch hàng năm của các tỉnh tham gia thực hiện Dự án đã được duyệt về số kinh phí để thực hiện các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng hưởng lợi bổ sung của Dự án và báo cáo ước thực hiện của năm trước năm kế hoạch đối với số kinh phí đã chi trả cho các đối tượng hưởng lợi nêu trên, Ban Quản lý Dự án trung ương gửi công văn đề nghị Bộ Tài chính rút vốn vay từ Ngân hàng Thế giới mỗi năm một lần để chi trả cho các đối tượng hưởng lợi thuộc Tiểu hợp phần 2.1 của Dự án;
b) Lần tạm ứng đầu tiên được thực hiện trước ngày 01 tháng 7 năm 2015 cho 06 tháng cuối năm 2015. Những lần tạm ứng tiếp theo được thực hiện mỗi năm một lần vào trước ngày 30 tháng 11 của năm trước;
c) Số tiền tạm ứng hàng năm bằng số dự toán kinh phí của các tỉnh tham gia thực hiện Dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
d) Hồ sơ rút vốn từng lần gồm có:
- Công văn đề nghị rút vốn của Ban Quản lý Dự án trung ương;
- Đơn rút vốn theo mẫu của Nhà tài trợ;
- Kế hoạch hàng năm đã được duyệt về số kinh phí để thực hiện các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng hưởng lợi bổ sung của Dự án.
Điều 14. Hồ sơ và trình tự thủ tục đăng ký tham gia Dự án của các đối tượng thuộc gói trợ giúp xã hội hợp nhất
1. Đối với đối tượng hưởng lợi bổ sung của Dự án:
a) Hồ sơ đăng ký tham gia: Đối tượng thuộc diện được hưởng chính sách hỗ trợ có đơn đăng ký tham gia Dự án (Phụ lục kèm theo) và các giấy tờ theo từng đối tượng như sau:
- Đối với phụ nữ mang thai: Giấy khám thai hoặc Phiếu siêu âm (trong đó ghi rõ họ và tên, năm sinh, địa chỉ của người mang thai; tuổi thai nhi, thời điểm dự kiến sinh), có đóng dấu và chữ ký của người có thẩm quyền của cơ sở y tế. Trường hợp phụ nữ mang thai bị sẩy thai tự nhiên hoặc phải nạo, hút thai, thời gian hỗ trợ theo thời gian mang thai thực tế kể từ khi đăng ký, được phê duyệt đến thời điểm bị sẩy, nạo, hút thai theo giấy xác nhận của cơ sở y tế;
- Đối với trẻ em từ 0 tuổi đến dưới 03 tuổi: Bản sao giấy khai sinh của trẻ em;
- Đối với trẻ em từ 03 tuổi đến 15 tuổi: Bản sao giấy khai sinh của trẻ em và giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc trẻ em hiện không đi học.
b) Trình tự, thủ tục phê duyệt danh sách tham gia:
- Đối tượng hoặc gia đình, người giám hộ gửi toàn bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này đến Ủy ban nhân dân cấp xã;
- Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày tiếp nhận đủ hồ sơ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có văn bản gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội để xem xét, giải quyết;
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị của cấp xã, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm thẩm định, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ra Quyết định phê duyệt đối tượng hưởng chính sách làm căn cứ chi trả. Trong Quyết định phê duyệt phải ghi rõ thời gian hưởng được quy định tại khoản 2, Điều 11 của Thông tư này.
2. Đối với các đối tượng khác: Đối với các đối tượng theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 15 của Thông tư này: Việc xác định đối tượng, hồ sơ, trình tự, thủ tục phê duyệt danh sách các đối tượng được hưởng chính sách, mức trợ cấp thực hiện theo các quy định hiện hành.
Điều 15. Thực hiện gói trợ giúp xã hội hợp nhất
1. Gói trợ giúp xã hội hợp nhất cho hộ gia đình bao gồm:
a) Ngân sách trong nước:
- Trợ cấp hàng tháng cho các đối tượng bảo trợ xã hội theo quy định tại Nghị định số 67/2007/NĐ-CP; Nghị định số 13/2010/NĐ-CP;
- Hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh được quy định tại Điều 6 của Nghị định số 49/2010/NĐ-CP và khoản 9, khoản 10 tại Điều 1 của Nghị định số 74/2013/NĐ-CP;
- Hỗ trợ học sinh trung học phổ thông ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định tại Quyết định số 12/2013/QĐ-TTg về điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ:
+ Hỗ trợ tiền ăn: hỗ trợ bằng 40% mức lương tối thiểu chung/tháng;
+ Hỗ trợ tiền ở: đối với học sinh phải tự túc chỗ ở, hỗ trợ bằng 10% mức lương tối thiểu chung/tháng;
Thời gian được hưởng không quá 09 tháng/năm học/học sinh.
- Hỗ trợ giá điện cho hộ nghèo theo Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 7 tháng 4 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện: mức hỗ trợ hàng tháng tương đương tiền điện sử dụng 30kWh tính theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 01 hiện hành.
b) Vốn vay theo phương thức hỗ trợ ngân sách: Chi trả các khoản hỗ trợ quy định tại các điểm a, b và điểm c, khoản 2, Điều 11 của Thông tư này.
2. Tổ chức chi trả gói trợ giúp xã hội hợp nhất qua cơ quan Bưu điện:
a) Tổ chức ký hợp đồng về việc chi trả gói trợ giúp xã hội hợp nhất cho các hộ gia đình với cơ quan Bưu điện:
- Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội được cấp có thẩm quyền giao dự toán chi ngân sách nhà nước (ngân sách trong nước và vốn ngoài nước) thực hiện các chính sách quy định tại khoản 1, Điều 15 của Thông tư này ký hợp đồng về việc chi trả gói trợ giúp xã hội hợp nhất cho các hộ gia đình với Bưu điện huyện và gửi 02 bản hợp đồng cho Ban Quản lý Dự án tỉnh để làm cơ sở thanh toán phí chi trả cho Bưu điện huyện;
- Ban Quản lý Dự án tỉnh ký hợp đồng về thanh toán phí dịch vụ chi trả cho đối tượng và chi trả thù lao cho các cộng tác viên thôn, bản với Bưu điện tỉnh theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 11 của Thông tư này kèm theo danh sách cộng tác viên thôn, bản theo Quyết định phê duyệt của cấp có thẩm quyền cho Bưu điện tỉnh; trường hợp thay đổi danh sách cộng tác viên thôn, bản phải thông báo bằng văn bản cho Bưu điện tỉnh trước ngày 25 hàng tháng.
b) Chuyển tiền thực hiện chi trả:
- Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội căn cứ danh sách đối tượng hưởng chính sách trợ cấp, hỗ trợ theo gói trợ giúp xã hội hợp nhất cho từng hộ gia đình (bao gồm đối tượng tăng, giảm so với tháng trước); số kinh phí chi trả trợ cấp, hỗ trợ trong tháng (bao gồm cả tiền truy lĩnh và mai táng phí của đối tượng bảo trợ xã hội); thực hiện rút dự toán tại Kho bạc Nhà nước, lập ủy nhiệm chi chuyển tiền cho Bưu điện huyện và danh sách chi trả tháng sau cho Bưu điện huyện trước ngày 25 hàng tháng;
- Ban Quản lý Dự án trung ương căn cứ đề nghị chuyển tiền tạm ứng của Ban Quản lý Dự án tỉnh về phí dịch vụ trả Bưu điện và thù lao cho các cộng tác viên thôn, bản; làm các thủ tục kiểm soát và chuyển tiền vào tài khoản giao dịch của Bưu điện tỉnh mở tại ngân hàng trước ngày 20 hàng tháng;
- Bưu điện tỉnh chuyển tiền thù lao cho các cộng tác viên thôn, bản vào tài khoản giao dịch của các Bưu điện huyện mở tại ngân hàng và chuyển danh sách cộng tác viên thôn, bản cho các Bưu điện huyện làm căn cứ chi trả trước ngày 25 hàng tháng.
c) Địa điểm và thời gian chi trả:
- Chi trả gói trợ giúp xã hội hợp nhất cho các hộ gia đình từ ngày 05 đến ngày 18 hàng tháng theo các hình thức sau:
+ Tập trung tại điểm Bưu điện văn hóa xã, Bưu cục hoặc địa điểm do Bưu điện bố trí (đối với xã, phường không có điểm Bưu điện văn hóa xã, Bưu cục) cho các hộ gia đình;
+ Tại nhà đối với hộ gia đình mà đối tượng không thể tự đến điểm Bưu điện văn hóa xã, Bưu cục hoặc địa điểm do Bưu điện bố trí như người cao tuổi cô đơn, người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng không có người nhận trợ cấp thay có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã;
- Chi trả thù lao cho cộng tác viên thôn, bản tại địa điểm tập trung và thời gian chi trả như đối với chi trả gói trợ giúp xã hội hợp nhất.
d) Quy trình thực hiện chi trả:
- Đối với gói trợ giúp xã hội hợp nhất cho các hộ gia đình:
+ Căn cứ danh sánh chi trả hàng tháng do Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cung cấp, Bưu điện huyện lập danh sách chi trả cho các hộ gia đình tại điểm Bưu điện gần nơi hộ gia đình cư trú (thuận tiện cho hộ gia đình đến nhận tiền) và chuyển danh sách hộ gia đình cho các điểm Bưu điện, Bưu cục trên địa bàn xã, phường, thị trấn được phân công chi trả;
+ Các điểm Bưu điện, Bưu cục thực hiện chi trả và yêu cầu người đăng ký đại diện hộ gia đình nhận tiền hoặc người được ủy quyền nhận tiền ký nhận và ghi rõ họ và tên vào danh sách chi trả; đồng thời, cán bộ chi trả của Bưu điện ký xác nhận vào sổ theo dõi lĩnh tiền trợ cấp của hộ gia đình. Trường hợp người nhận tiền không có khả năng ký nhận được dùng ngón tay để điểm chỉ. Trường hợp hộ gia đình không đến lĩnh tiền trợ cấp hoặc trường hợp cán bộ đến chi trả tại nhà nhưng không có người nhận, cán bộ chi trả nộp lại số kinh phí chưa chi trả cho Bưu điện huyện để chuyển trả vào tháng sau;
+ Trường hợp 02 tháng liên tục hộ gia đình không nhận tiền, cán bộ chi trả của Bưu điện có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã tìm hiểu nguyên nhân. Nếu do đối tượng chết, mất tích hoặc chuyển khỏi địa bàn, Bưu điện huyện có trách nhiệm thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội biết để làm các thủ tục cắt trợ cấp hoặc tạm dừng chi trả trợ cấp theo quy định.
- Đối với chi trả thù lao cho cộng tác viên thôn, bản: Bưu điện huyện chuyển danh sách chi trả cho các điểm Bưu điện thực hiện chi trả và yêu cầu cộng tác viên thôn, bản nhận tiền ký nhận và ghi rõ họ và tên vào danh sách chi trả.
đ) Báo cáo và quyết toán:
- Hàng tháng, Bưu điện huyện tổng hợp và báo cáo số hộ gia đình, cộng tác viên thôn bản đã nhận tiền, số tiền đã chi trả và danh sách các hộ gia đình, cộng tác viên thôn bản chưa nhận tiền trợ cấp để chuyển chi trả vào tháng sau cho Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý Dự án tỉnh, Bưu điện tỉnh trước ngày 20 hàng tháng; đồng thời sao gửi Ủy ban nhân dân cấp xã trên địa bàn để theo dõi, giám sát;
- Hàng quý, Bưu điện huyện chuyển chứng từ (danh sách đã ký nhận) quyết toán kinh phí đã chi trả cho các hộ gia đình và chuyển trả phần kinh phí không chi hết (đối với quý IV) cho Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội để làm cơ sở quyết toán ngân sách nhà nước; chuyển chứng từ (danh sách đã ký nhận) quyết toán kinh phí đã chi trả cho các cộng tác viên thôn, bản và chuyển trả phần kinh phí không chi hết (đối với quý IV) cho Bưu điện tỉnh tổng hợp làm cơ sở quyết toán với Ban Quản lý Dự án tỉnh;
- Định kỳ hàng quý, năm, Ban Quản lý Dự án tỉnh tổng hợp, báo cáo Ban Quản lý Dự án trung ương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Điều 16. Quyết toán
1. Quyết toán kinh phí nguồn ngân sách nhà nước (vốn trong nước): thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.
2. Quyết toán kinh phí nguồn vốn vay (vốn ngoài nước):
a) Quyết toán năm và quyết toán kết thúc Dự án thực hiện theo quy định tại Thông tư số 218/2013/TT-BTC;
b) Ban Quản lý Dự án tỉnh lập báo cáo quyết toán theo quy định hiện hành đối với phần chi tại địa phương có xác nhận của Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch trình cấp có thẩm quyền tại địa phương phê duyệt, gửi Ban Quản lý Dự án trung ương;
c) Ban Quản lý Dự án trung ương lập báo cáo quyết toán theo quy định hiện hành đối với phần chi tại trung ương, có xác nhận của Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch và tổng hợp quyết toán toàn Dự án (Ban Quản lý Dự án trung ương và các tỉnh tham gia thực hiện Dự án) trình Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt.
Điều 17. Chế độ kế toán, kiểm toán, báo cáo, kiểm tra
Chế độ kế toán, kiểm toán, báo cáo, kiểm tra thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành; Nghị định số 38/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ và Thông tư số 218/2013/TT-BTC.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 18. Tổ chức thực hiện
1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: chỉ đạo thực hiện Dự án ở trung ương, phối hợp với các cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh tham gia Dự án chỉ đạo triển khai Dự án tại các tỉnh theo đúng các nội dung Dự án đã được phê duyệt, phù hợp với các điều kiện đã cam kết trong Hiệp định tài trợ và các quy định hiện hành của Việt Nam.
2. Ban Chỉ đạo Dự án: chỉ đạo, điều phối và giám sát thực hiện Dự án.
3. Bộ Giáo dục và Đào tạo: Chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo 04 tỉnh thụ hưởng tham gia Dự án thực hiện các quy định tại Thông tư này.
4. Ủy ban nhân dân các tỉnh:
a) Chỉ đạo thực hiện Dự án ở cấp tỉnh, phối hợp với các cơ quan liên quan và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo, điều hành các cơ quan chuyên môn triển khai Dự án trên địa bàn tỉnh theo đúng các nội dung Dự án đã được phê duyệt, phù hợp với các điều kiện đã cam kết trong Hiệp định tài trợ và các quy định hiện hành của Việt Nam;
b) Phê duyệt danh sách học sinh thuộc đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ tại Quyết định số 12/2013/QĐ-TTg.
5. Ban Chỉ đạo Dự án Tỉnh: chỉ đạo, phối hợp giám sát và điều phối thực hiện Dự án tại tỉnh.
6. Ủy ban nhân dân cấp huyện:
a) Chỉ đạo các Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Tài chính - Kế hoạch, Kho bạc Nhà nước huyện phối hợp thực hiện Dự án trên địa bàn huyện;
b) Phê duyệt đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ, cộng tác viên thôn bản theo quy định tại Thông tư này.
7. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội:
a) Tổng hợp danh sách đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ, cộng tác viên trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt;
b) Cập nhật dữ liệu về đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ, cộng tác viên vào cơ sở dữ liệu của hệ thống thông tin quản lý (MIS).
8. Ủy ban nhân dân cấp xã: lập và theo dõi và quản lý đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ và cộng tác viên theo quy định tại Thông tư này.
Điều 19. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 06 tháng 11 năm 2014.
2. Việc lập dự toán, phân bổ giao dự toán, chấp hành, quyết toán và phương thức chi trả gói trợ giúp xã hội hợp nhất cho các hộ gia đình được thực hiện theo quy định tại Thông tư này.
3. Trong thời gian thực hiện Dự án, 04 tỉnh thụ hưởng Dự án quy định tại khoản 2 Điều 1 của Thông tư này không áp dụng các quy định tại khoản 4, Điều 5 và Khoản 2, Điều 6 của Thông tư số 27/2013/TTLT-BGDĐT-BTC ngày 16 tháng 7 năm 2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định 12/2013/QĐ-TTg ngày 21 tháng 1 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh Trung học phổ thông ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Điều 10 và các nội dung có liên quan đến hỗ trợ chi phí học tập tại các Điều 11 và Điều 12 của Thông tư 20/2014/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH ngày 30 tháng 5 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện Nghị định 49/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm 2010-2011 đến năm học 2014-2015 và Nghị định 74/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 49/2010/NĐ-CP.
4. Trường hợp các văn bản dẫn chiếu trong Thông tư liên tịch này được thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung thì thực hiện theo văn bản thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung đó.
5. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị kịp thời phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, giải quyết./.