THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
Hướng dẫn thi hành Điều 32a của Bộ luật tố tụng dân sự
đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung
một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự
_____________
Để áp dụng đúng và thống nhất quy định tại Điều 32a của Bộ luật tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29 tháng 3 năm 2011, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Tư pháp thống nhất hướng dẫn như sau:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư liên tịch này hướng dẫn thi hành quy định tại Điều 32a của Bộ luật tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29 tháng 3 năm 2011 (sau đây viết tắt là BLTTDS) về thẩm quyền của Tòa án trong việc xem xét hủy quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức đó xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự mà Tòa án có nhiệm vụ giải quyết.
Điều 2. Xác định quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật
1. Quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật có thể bị Tòa án xem xét hủy khi giải quyết vụ việc dân sự nếu có đủ các điều kiện sau đây:
a) Quyết định cá biệt là quyết định hành chính được quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật Tố tụng hành chính và hướng dẫn tại điểm a và b khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 02/2011/NQ-HĐTP ngày 29 tháng 7 năm 2011 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Tố tụng hành chính.
b) Quyết định cá biệt được ban hành không đúng thẩm quyền, thủ tục, nội dung do pháp luật quy định xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự mà Tòa án đang có nhiệm vụ giải quyết.
2. Tòa án xem xét hủy quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật khi đương sự có yêu cầu bằng văn bản hoặc trình bày yêu cầu tại Tòa án trong quá trình Tòa án giải quyết vụ việc dân sự.
Điều 3. Hình thức yêu cầu hủy quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật của đương sự
Yêu cầu hủy quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật thực hiện theo hình thức sau đây:
1. Yêu cầu được thể hiện trong đơn khởi kiện vụ án dân sự, đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự hoặc đơn yêu cầu độc lập. Đơn khởi kiện vụ án dân sự, đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự hoặc đơn yêu cầu độc lập phải có yêu cầu hủy quyết định cá biệt theo quy định tại Điều 105 Luật Tố tụng hành chính.
2. Trường hợp đương sự trình bày yêu cầu tại Tòa án thì Tòa án có trách nhiệm lập biên bản. Biên bản phải có chữ ký của Thẩm phán và đương sự.
3. Trường hợp đương sự yêu cầu tại phiên tòa thì được ghi nhận trong biên bản phiên tòa.
Điều 4. Giải quyết yêu cầu hủy quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật của đương sự tại phiên tòa sơ thẩm
Tại phiên tòa sơ thẩm đương sự mới yêu cầu hủy quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật, Tòa án xem xét thấy yêu cầu hủy quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật của đương sự không có cơ sở, thì không chấp nhận yêu cầu của đương sự. Trường hợp có cơ sở, thì Tòa án căn cứ khoản 1 Điều 199 BLTTDS để hoãn phiên tòa và đưa cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức đã ban hành quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật đó tham gia tố tụng và giải quyết theo quy định pháp luật tố tụng dân sự.
Điều 5. Thời hiệu
Tòa án không áp dụng thời hiệu quy định trong pháp luật tố tụng hành chính khi xem xét yêu cầu hủy quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật.
Điều 6. Tạm ứng án phí, án phí
Đương sự không phải nộp tạm ứng án phí và không phải chịu án phí đối với yêu cầu hủy quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật.
Điều 7. Xác định thẩm quyền của Tòa án hủy quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật
1. Việc xác định thẩm quyền của Tòa án khi đương sự có yêu cầu Tòa án hủy quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật được thực hiện theo quy định tại Điều 29 và Điều 30 Luật Tố tụng hành chính và hướng dẫn tại Điều 4 Nghị quyết số 02/2011/NQ-HĐTP ngày 29 tháng 7 năm 2011 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Tố tụng hành chính.
2. Trường hợp sau khi Tòa án nhân dân cấp huyện đã thụ lý vụ việc dân sự, đương sự mới bổ sung yêu cầu hủy quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 30 Luật Tố tụng hành chính ban hành và thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, thì Tòa án nhân dân cấp huyện ra quyết định chuyển hồ sơ vụ việc cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết theo thẩm quyền quy định của BLTTDS.
3. Trường hợp khi Tòa án nhân dân cấp tỉnh đã thụ lý vụ việc dân sự nhưng trong quá trình giải quyết, thấy quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật hoặc quyết định cá biệt thuộc thẩm quyền Tòa án nhân dân cấp huyện theo quy định tại Điều 29 Luật Tố tụng hành chính, thì Tòa án nhân dân cấp tỉnh vẫn tiếp tục giải quyết vụ việc dân sự.
4. Trường hợp khi Tòa án nhân dân cấp tỉnh đã thụ lý vụ việc dân sự nhưng trong quá trình giải quyết, đương sự rút yêu cầu hủy quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật hoặc người ban hành quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật sửa đổi, hủy bỏ quyết định đó, thì Tòa án nhân dân cấp tỉnh vẫn tiếp tục giải quyết vụ việc dân sự.
Điều 8. Xác định thẩm quyền trong trường hợp đương sự có yêu cầu hủy quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật trong vụ việc dân sự, đồng thời có đơn khiếu nại hoặc đơn khởi kiện vụ án hành chính
Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, nếu đương sự có yêu cầu hủy quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật, thì Tòa án phải hỏi đương sự để làm rõ về việc ngoài yêu cầu này, đương sự có đơn khiếu nại theo pháp luật khiếu nại hoặc khởi kiện vụ án hành chính theo quy định của Luật Tố tụng hành chính hay không.
Trường hợp đương sự có đơn khiếu nại theo pháp luật khiếu nại hoặc khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định cá biệt đó, thì Tòa án hướng dẫn đương sự như sau:
1. Trường hợp quyết định cá biệt liên quan đến một người mà người đó có yêu cầu hủy quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật trong vụ việc dân sự mà Tòa án đang giải quyết, đồng thời có đơn khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại hoặc có đơn khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án có thẩm quyền đối với quyết định cá biệt đó, thì Tòa án yêu cầu đương sự phải làm văn bản lựa chọn hình thức giải quyết đối với quyết định cá biệt để khẳng định việc khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án có thẩm quyền, hoặc yêu cầu hủy quyết định cá biệt đó trong cùng vụ việc dân sự. Nếu đương sự không làm văn bản lựa chọn, thì Tòa án phải lập biên bản về việc đương sự không lựa chọn hình thức giải quyết.
Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của Tòa án, nếu đương sự không có văn bản lựa chọn hình thức giải quyết đối với quyết định cá biệt hoặc văn bản lựa chọn tiếp tục khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án có thẩm quyền, mà việc giải quyết đối với quyết định cá biệt này có ảnh hưởng trực tiếp đến việc giải quyết vụ việc dân sự mà Tòa án đang xem xét giải quyết, thì Tòa án căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 189 BLTTDS để ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ việc dân sự, chờ kết quả giải quyết khiếu nại hoặc kết quả giải quyết vụ án hành chính đối với quyết định cá biệt đó. Tòa án phải gửi ngay quyết định tạm đình chỉ này cho đương sự, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại hoặc Tòa án đang giải quyết vụ án hành chính đối với quyết định cá biệt đó và Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.
Nếu đương sự lựa chọn giải quyết yêu cầu hủy quyết định cá biệt trong cùng vụ việc dân sự, thì Tòa án yêu cầu đương sự làm thủ tục rút đơn khiếu nại hoặc rút đơn khởi kiện vụ án hành chính và tiến hành giải quyết vụ việc dân sự theo thẩm quyền, đồng thời, Tòa án đang giải quyết vụ việc dân sự phải thông báo cho người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại hoặc Tòa án đang giải quyết vụ án hành chính đối với quyết định cá biệt đó biết.
2. Trường hợp quyết định cá biệt có liên quan đến nhiều người mà chỉ có một người khởi kiện vụ việc dân sự, đồng thời có đơn khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án có thẩm quyền đối với quyết định cá biệt đó, những người khác còn lại không khởi kiện vụ việc dân sự và cũng không khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án có thẩm quyền, thì thẩm quyền giải quyết được xác định như trường hợp được hướng dẫn tại khoản 1 Điều này.
3. Trường hợp quyết định cá biệt có liên quan đến nhiều người mà có người khởi kiện vụ việc dân sự, có người có đơn khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, có người khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án có thẩm quyền, thì Tòa án lập biên bản và yêu cầu các đương sự thỏa thuận bằng văn bản lựa chọn hình thức giải quyết đối với quyết định cá biệt để khẳng định việc sẽ tiếp tục khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án có thẩm quyền, hoặc đề nghị giải quyết trong vụ việc dân sự.
Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của Tòa án, nếu các đương sự không thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được về việc lựa chọn hình thức giải quyết đối với quyết định cá biệt hoặc các đương sự thỏa thuận lựa chọn khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại hoặc khởi kiện trong vụ án hành chính đối với quyết định cá biệt đó, thì Tòa án căn cứ vào khoản 4 Điều 189 BLTTDS để ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ việc dân sự, chờ kết quả giải quyết khiếu nại, kết quả giải quyết vụ án hành chính tại Tòa án có thẩm quyền. Tòa án phải gửi ngay quyết định tạm đình chỉ này cho các đương sự, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại hoặc Tòa án đang giải quyết vụ án hành chính đối với quyết định cá biệt đó và Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.
Nếu các đương sự thỏa thuận lựa chọn giải quyết đối với quyết định cá biệt trong cùng vụ việc dân sự, thì Tòa án yêu cầu các đương sự làm thủ tục rút đơn khiếu nại, đơn khởi kiện vụ án hành chính và giải quyết vụ việc dân sự theo thẩm quyền, đồng thời, Tòa án đang giải quyết vụ việc dân sự phải thông báo cho người có thẩm quyền đang giải quyết khiếu nại và Tòa án đang giải quyết vụ án hành chính đối với quyết định cá biệt đó biết.
4. Việc lựa chọn hình thức giải quyết đối với quyết định cá biệt của đương sự phải được lập thành văn bản.
Nếu đương sự trực tiếp đến Tòa án trình bày việc lựa chọn hình thức giải quyết đối với quyết định cá biệt, thì Thẩm phán hoặc Thư ký Tòa án lập biên bản có chữ ký của Thẩm phán hoặc Thư ký Tòa án và đương sự.
Nếu đương sự gửi văn bản lựa chọn hình thức giải quyết đối với quyết định cá biệt qua đường bưu điện, thì đương sự phải ký vào văn bản này và có chứng thực của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Điều 9. Quyền và nghĩa vụ tham gia tố tụng của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức ban hành quyết định cá biệt
1. Ngay sau khi nhận được yêu cầu xem xét hủy quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật, Tòa án phải gửi thông báo cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức ban hành quyết định cá biệt biết về việc quyết định cá biệt đó bị yêu cầu hủy. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án, cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức ban hành quyết định cá biệt đó phải nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu hủy quyết định cá biệt đó và tài liệu, chứng cứ kèm theo (nếu có).
Cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức ban hành quyết định cá biệt có quyền và nghĩa vụ tham gia tố tụng theo yêu cầu của Tòa án với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quy định của BLTTDS.
2. Cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức có nghĩa vụ cung cấp văn bản, tài liệu liên quan đến quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật bị yêu cầu hủy có liên quan trong vụ việc dân sự đang được giải quyết theo yêu cầu của Tòa án.
Điều 10. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư liên tịch này có hiệu lực kể từ ngày 03 tháng 3 năm 2014.
2. Đối với những vụ việc dân sự đã được Tòa án thụ lý trước ngày Thông tư liên tịch này có hiệu lực, nhưng kể từ ngày Thông tư liên tịch này có hiệu lực mới giải quyết theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm thì áp dụng Thông tư liên tịch này để giải quyết.
Điều 11. Việc giải thích, hướng dẫn bổ sung Thông tư liên tịch
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc cần được giải thích hoặc hướng dẫn bổ sung, thì Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân các địa phương, các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp để có giải thích, hướng dẫn bổ sung kịp thời./.