QUYẾT ĐỊNH CỦA UBND TỈNH NGHỆ AN
Về việc ban hành Quy định về trách nhiệm của Ban an toàn giao thông cấp huyện trong công tác
bảo đảm trật tự an toàn giao thông
_________________________
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
- Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
- Căn cứ Nghị quyết số 13/2002/NQ-CP ngày 19/11/2002 cùa Chính phủ về các giải pháp kiềm chế gia tăng và tiến tới giám dần tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông;
- Căn cứ Quyết định số 955/QĐ-UB ngày 17/3/2003 của UBND tỉnh Nghệ An về việc thành lập Ban an toàn giao thông tỉnh;
- Xét đề nghị của Thường trực Ban an toàn giao thông tỉnh Nghệ An về việc phân công, phân cấp trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy định trách nhiệm của Ban an toàn giao thông cấp huyện trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Các ông: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng ban, ngành cấp tỉnh; Thường trực Ban an toàn giao thông tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
|
TM. UBND TỈNH NGHỆ AN
CHỦ TỊCH
(Đã ký)
Nguyễn Thế Trung
|
QUY ĐỊNH
Trách nhiệm của Ban an toàn giao thông cấp huyện trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông
(Ban hành kèm theo Quyết định số 29/2005/QĐ-UB ngày 25 tháng 02 năm 2005 của UBND tỉnh Nghệ An)
_____________________________________
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Quy định này quy định trách nhiệm của Ban an toàn giao thông các huyện, thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò (Ban an toàn giao thông cấp huyện) trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Điều 2. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò căn cứ Quy định này và các quy định của pháp luật trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông để xây dựng, ban hành quy chế hoạt động của Ban an toàn giao thông cấp huyện và phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên trong Ban an toàn giao thông cùng cấp và Ủy ban nhân dân cấp xã.
Chương II
NHIỆM VỤ, CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA BAN AN TOÀN GIAO THÔNG CẤP HUYỆN
Điều 3. Ban an toàn giao thông cấp huyện có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nội dung công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn quản lý.
Điều 4. Nhiệm vụ của Ban An toàn giao thông cấp huyện:
-
Tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông đường bộ, Luật Giao thông đường thủy nội địa; Các văn bản quy phạm pháp luật, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
-
Ban hành các văn bản chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về bảo đảm trật tự an toàn giao thông theo quy định của pháp luật.
-
Tổ chức thực hiện các biện pháp về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và hàng lang an toàn giao thông.
-
Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên phạm vi địa bàn.
-
Tổ chức sơ kết, tổng kết tình hình trật tự an toàn giao thông, thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hàng tháng, hàng quý và năm về Ban an toàn giao thông tỉnh và UBND tỉnh theo quy định.
-
Xét và đề nghị các cấp có thẩm quyền khen thưởng các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc và xem xét để xử lý kỷ luật các tổ chức, cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm trong tổ chức triển khai, thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn quản lý.
Điều 5. Tổ chức bộ máy của Ban an toàn giao thông cấp huyện:
-
Ban an toàn giao thông cấp huyện do UBND cùng cấp quyết định thành lập bao gồm:
- Chủ tịch UBND cấp huyện là Trưởng ban an toàn giao thông, chịu trách nhiệm trước HĐND, UBND cùng cấp và Chủ tịch UBND tĩnh về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.
- Phó chủ tịch UBND cấp huyện là Phó Trưởng ban Thường trực an toàn giao thông, chịu trách nhiệm giúp Trưởng ban tổ chức triển khai thực hiện công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.
- Các thành viên Ban an toàn giao thông cấp huyện là Thủ trưởng các ngành chức năng và tổ chức, đoàn thể cấp huyện: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Công an, Giao thông - Công nghiệp, Xây dựng, Y tế, Văn hóa Thông tin, Phát thanh Truyền hình, Tài chính, Văn phòng HĐND - UBND và các cơ quan chức năng khác tùy thuộc vào đặc điểm tình hình của từng địa phương.
Các thành viên Ban an toàn giao thông căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quy định theo lĩnh vực ngành chuyên môn để thực hiện cụ thể.
-
Ban an toàn giao thông cấp huyện có Bộ phận Thường trực bao gồm các ngành: Văn phòng HĐND - UBND, Giao thông Công nghiệp, Công an.
Điều 6. Trách nhiệm của Trưởng Ban an toàn giao thông cấp huyện:
1. Chỉ đạo các tổ chức kinh tế, chính trị, xã hội, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn phối hợp thực hiện các biện pháp để ngăn chặn và làm giầm tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn; Thiết lập và duy trì tình hình trật tự an toàn giao thông ở địa phương và phải xem đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên của các tổ chức, đoàn thể thuộc phạm vi quản lý; Chỉ đạo thực hiện các Nghị định của Chính phủ về đảm bảo trật tự an toàn giao thông: Nghị định số 36/1995/NĐ- CP ngày 29/5/1995 về trật tự an toàn giao thông đường bộ và an toàn giao thông đô thị; Nghị định số 39/1996/NĐ-CP ngày 05/7/1996 về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt; Nghị định số 40/1996/NĐ-CP ngày 05/7/1996 về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa; Nghị định số 171/1999/NĐ-CP ngày 12/7/1999 quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Bảo vệ công trình giao thông đối với công trình giao thông đường sông; Nghị định số 172/1999/NĐ-CP ngày 12/7/1999 Quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Bảo vệ công trình giao thông đối với công trình giao thông đường bộ và các Nghị định khác về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông.
2. Chịu trách nhiệm về tình hình trật tự an toàn giao thông theo địa giới hành chính; Xem đây là tiêu chí để xem xét thành tích thi đua, khen thưởng hàng năm đối với địa phương, đơn vị. Trường hợp tai nạn giao thông trên địa bàn gia tăng thì phải tổ chức kiểm điểm trước HĐND, UBND cùng cấp và Chủ tịch UBND tỉnh.
3. Tổ chức chỉ đạo, thực hiện các biện pháp ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn giao thông theo thẩm quyền, trong đó cần tập trung các biện pháp chủ yếu sau:
- Phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất dọc theo hai bên các tuyến đường thuộc phạm vi quản lý phải đảm bảo quy trình, đúng quy định của pháp luật
- Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dọc theo các tuyến đường giao thông, hồ sơ xét duyệt phải kèm theo văn bản xác định về phạm vi, chỉ giới hàng lang giao thông của cơ quan quản lý công trình giao thông. Việc giao đất trái quy định nói trên, làm ảnh hưởng đến hoạt động quản lý Nhà nước về lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt thì người ra quyết định giao đất phải bồi thường thiệt hại do vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm và bị xử lý kỷ luật tùy theo tính chất, mức độ vi phạm.
- Việc quy hoạch, sắp xếp nơi họp chợ, kinh doanh buôn bán, trường học, điểm dừng đỗ các loại phương tiện dọc theo hai bên các tuyến đường giao thông phải phù hợp với quy định của pháp luật, tuyệt đối không gây cản trở, ùn tắc giao thông.
- Tổ chức các lực lượng phối hợp để giải tỏa hàng lang giao thông đường bộ, đường sắt và hàng lang bảo vệ luồng đường thủy nội địa bị chiếm dụng trái phép; xử lý các trường hợp họp chợ, kinh doanh dịch vụ lấn chiếm lòng đường, vỉa hè; Cưỡng chế các trường hợp không chấp hành quyết định giải tỏa hàng lang an toàn giao thông theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức thực hiện công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp trong việc kiểm tra, đôn đốc các địa phương, đơn vị thực hiện các quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thông qua hoạt động kiểm tra định kỳ, đột xuất.
4. Chỉ đạo thực hiện chức năng phối hợp quản lý Nhà nước về an toàn giao thông trong việc thực hiện các nhiệm vụ sau:
- Quản lý về trật tự vận tải hành khách, hàng hóa tại các bến xe, các điểm đón trả khách, dừng đỗ phương tiện do ngành giao thông quy định. Đặc biệt phải phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng kiên quyết xử lý nghiêm các bến "cóc", xe "dù" hoạt động trái phép theo Chỉ thị số 01/2004/CT-TTg ngày 02/01/2004 của Thủ tướng Chính phủ.
- Quản lý về cơ sở hạ tầng giao thông, hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn, các thiết bị phụ trợ của công trình giao thông trên địa bàn.
- Theo dõi, thống kê tình hình tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn để xác định nguyên nhan và chủ động áp dụng các biện pháp ngăn chặn kịp thời, đồng thời kiến nghị các cấp, các ngành hỗ trợ khắc phục những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn giao thông.
- Quản lý chặt chẽ đội ngũ xe máy lai tham gia hoạt động ở địa phương; Tổ chức đăng ký hành nghề kinh doanh và quy định các điều kiện cần thiết để tăng cường công tác quản lý nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng.
- Xử lý các vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông theo thẩm quyền quy định tại Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và các Nghị định của Chính phủ.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 7. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định và tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn quản lý để tổ chức thực hiện Quy định này.
Các thành viên Ban an toàn giao thông tỉnh chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra UBND và Ban an toàn giao thông các huyện, thành, thị tổ chức thực hiện.
Trong quá trình thực hiện, nếu có gì vướng mắc, báo cáo UBND tỉnh (qua Thường trực Ban an toàn giao thông tỉnh) để nghiên cứu, xem xét, sửa đổi bổ sung.