NGHỊ ĐỊNH
Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong
lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản
_____________________
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Pháp lệnh Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản ngày 25 tháng 4 năm 1989;
Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 06 tháng 7 năm 1995;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản,
NGHỊ ĐỊNH:
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.- Phạm vi điều chỉnh của Nghị định:
Nghị định này quy định: Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, hình thức xử phạt và mức phạt, thẩm quyền xử phạt, thủ tục và biện pháp xử phạt.
Điều 2.- Quy định về xử lý vi phạm:
Xử lý vi phạm đối với người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản và xử lý vi phạm đối với người bị xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản thực hiện theo các Điều 91, 92 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 6 tháng 7 năm 1995.
Điều 3.- Quy định về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo:
Việc khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo về việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản thực hiện theo các Điều 87, 88 và 90 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 6 tháng 7 năm 1995.
Chương 2:
MỨC PHẠT VÀ HÌNH THỨC XỬ PHẠT CÁC HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC BẢO VỆ NGUỒN LỢI THUỶ SẢN
Điều 4.- Mức xử phạt đối với những hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường sống của các loài thuỷ sản:
1. Đối với các hành vi phá, làm thay đổi nơi cư trú, sinh sống của các loài thuỷ sản:
Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng, tịch thu tang vật vi phạm đối với một trong các hành vi sau đây:
Phá các bãi đá ngầm, bãi san hô, bãi thực vật ngầm.
Phá dỡ hoặc xây dựng trái phép các công trình nổi, công trình ngầm ở các vùng nước.
2. Đối với các hành vi xả, thải hoặc để rò rỉ các chất độc hại, các loại thực vật có độc tố hoặc các chất thải khác gây ô nhiễm vùng nước sinh sống của các loại thuỷ sản:
a) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 nếu gây ô nhiễm đến 01 ha vùng nước.
b) Phạt tiền 5.000.000 đồng/1 ha, nếu gây ô nhiễm trên 01 ha vùng nước.
Ngoài mức phạt tiền trên đây, người vi phạm còn bị buộc thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm.
Điều 5.- Mức xử phạt đối với những hành vi vi phạm về bảo vệ các loài thuỷ sản:
1. Phạt tiền từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng trên một kilôgam thuỷ sản khai thác được, đối với hành vi khai thác các loài thuỷ sản có kích thước nhỏ hơn kích thước cho phép khai thác. Người vận chuyển, tiêu thụ, chế biến loại thuỷ sản này bị phạt tiền từ 5000 đồng đến 10.000 đồng trên một kilôgam thuỷ sản.
2. Phạt tiền từ 20.000 đồng đến 50.000 đồng trên một kilôgam thuỷ sản khai thác được, đối với hành vi khai thác các loài thuỷ sản trong thời gian cấm khai thác. Người vận chuyển, tiêu thụ, chế biến loại thuỷ sản này bị phạt tiền từ 10.000 đến 20.000 đồng trên một kilôgam thuỷ sản.
3. Phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng trên một kilôgam thuỷ sản khai thác được, đối với hành vi khai thác các loài thuỷ sản trong danh mục cấm khai thác. Người vận chuyển, chế biến, tiêu thụ loại thuỷ sản này bị phạt tiền từ 20.000 đồng đến 30.000 đồng trên 1 kilôgam thuỷ sản.
Ngoài mức phạt tiền nêu tại điểm 1, 2, 3 Điều này, người vi phạm còn bị:
Buộc thả số thuỷ sản còn sống trở lại môi trường sống của chúng; Tịch thu số thuỷ sản đã khai thác được hoặc đang vận chuyển, chế biến, tiêu thụ.
Điều 6.- Mức xử phạt đối với những hành vi vi phạm về quản lý khai thác thuỷ sản:
1. Vi phạm về quản lý ngư trường:
a) Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi khai thác thuỷ sản không có giấy phép hoạt động nghề cá do cơ quan có thẩm quyền cấp.
b) Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi khai thác thuỷ sản không có giấy phép di chuyển, ở các ngư trường quy định phải có giấy phép di chuyển.
2. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Đặt chà rạo, đăng, đáy, lồng, bè để khai thác thuỷ sản không đúng quy định, làm ảnh hưởng đến các nghề khai thác thuỷ sản hoặc cản trở đường di cư của các loài thuỷ sản trong mùa sinh sản của chúng.
b) Sử dụng nguồn sáng vượt quá công suất quy định từ 20% trở lên cho từng loại nghề để khai thác thuỷ sản.
Ngoài mức phạt tiền trên đây người vi phạm còn bị buộc đặt lại chà rạo, đăng đáy theo đúng quy định; tịch thu nguồn sáng vượt quá công suất quy định.
3. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Sử dụng lưới có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định để khai thác thuỷ sản.
b) Sản xuất, kinh doanh hoặc sử dụng các loại công cụ khai thác thuỷ sản trong danh mục cấm sử dụng.
Ngoài mức phạt tiền trên đây người vi phạm còn bị tịch thu lưới có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định; tịch thu công cụ khai thác thuỷ sản trong danh mục cấm sử dụng.
4. Đối với hành vi dùng kích điện để khai thác thuỷ sản:
a) Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng nếu dùng ắc quy xách tay, kích điện để đánh bắt thuỷ sản ở ruộng, ao, hồ, kênh rạch, mương máng, sông ngòi, đầm phá.
b) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng nếu dùng ắc quy, máy phát điện đặt trên ghe, xuồng, kết hợp lưới giã, lưới te, kích điện để khai thác thuỷ sản.
Ngoài mức phạt tiền trên đây người vi phạm còn bị tịch thu phương tiện vi phạm và số thuỷ sản khai thác được.
5. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng, tịch thu phương tiện vi phạm và số thuỷ sản khai thác được, đối với hành vi dùng hoá chất độc, hoặc thực vật có độc tố để khai thác thuỷ sản.
6. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng, tịch thu phương tiện vi phạm và số thuỷ sản khai thác được, đối với hành vi dùng chất nổ để khai thác thuỷ sản. Người vận chuyển, chế biến, tiêu thụ loại thuỷ sản này bị phạt tiền từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng trên 1 kg thuỷ sản.
7. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng, buộc thả số thuỷ sản còn sống trở lại môi trường sống của chúng; tịch thu số thuỷ sản còn lại, đối với hành vi khai thác thuỷ sản trong khu vực cấm khai thác.
Điều 7.- Mức xử phạt đối với những hành vi vi phạm về quản lý tàu, thuyền nghề cá:
1. Vi phạm các quy định về đóng, sửa tàu, thuyền:
a) Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi đóng mới, hoán cải tàu, thuyền mà không có giấy phép (đối với loại tàu thuyền quy định phải có giấy phép).
b) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi đóng mới tàu, thuyền không có hồ sơ thiết kế (đối với cỡ loại tầu thuyền quy định phải có thiết kế).
2. Vi phạm các quy định về đăng ký, đăng kiểm:
Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với loại tầu, thuyền quy định phải có đăng ký, đăng kiểm và sổ danh bạ thuyền viên, nếu chủ phương tiện có một trong các hành vi sau đây:
Sử dụng tầu, thuyền chưa đăng ký vào hoạt động nghề cá.
Đổi chủ, chuyển vùng hoặc sửa chữa lớn làm thay đổi các thông số cơ bản của tàu, thuyền mà không đăng ký lại.
Không có sổ danh bạ thuyền viên.
Sử dụng tầu, thuyền không có giấy tờ đăng kiểm hoặc để quá hạn đăng kiểm.
3. Vi phạm các quy định về vận hành tầu, thuyền:
a) Phạt cảnh cáo đối với hành vi viết số đăng ký trên tầu, thuyền không đúng quy định hoặc để số đăng ký mờ (đối với tầu, thuyền quy định phải có số đăng ký).
b) Phạt tiền từ 20.000 đồng đến 50.000 đồng đối với người hành nghề khai thác thuỷ sản đi trên tầu, thuyền mà không đủ giấy tờ theo quy định.
c) Phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng đối với hành vi không viết số đăng ký trên tầu, thuyền (đối với tầu, thuyền quy định phải có số đăng ký).
d) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển tầu, thuyền, vận hành máy tàu không có bằng hoặc sử dụng bằng của người khác (đối với cỡ loại tàu quy định phải có bằng).
đ) Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 1.000.000 đồng, đối với một trong các hành vi sau đây:
Trốn tránh hoặc ngăn cản sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.
Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, không đúng các quy định khi điều khiển tầu, thuyền ra, vào luồng lạch hoặc khi neo đậu tại các cảng, bến đậu.
Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, không đúng các quy định về trang bị tín hiệu khi tầu, thuyền đang khai thác thuỷ sản hoặc đang trong hành trình trên biển.
Ngoài mức phạt tiền nêu tại các điểm 1, 2, 3 Điều này, người vi phạm còn bị buộc thực hiện theo đúng quy định về đóng, sửa, đăng ký, đăng kiểm, vận hành tầu, thuyền.
Điều 8.- Mức xử phạt đối với những hành vi vi phạm về quản lý nuôi trồng thuỷ sản:
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Nuôi trồng thuỷ sản không theo quy hoạch, kế hoạch, gây hậu quả xấu đến môi trường sinh thái hoặc ảnh hưởng xấu đến các đơn vị sản xuất kinh doanh hợp pháp đã có trên địa bàn.
b) Kinh doanh giống thuỷ sản, thức ăn dùng cho nuôi trồng thuỷ sản không đúng tiêu chuẩn hoặc không đăng ký theo quy định.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
- Sản xuất và nhân các loại giống mới chưa được Bộ Thuỷ sản công nhận.
- Di giống mới từ tỉnh này sang tỉnh khách không có giấy phép.
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu xuất khẩu hoặc nhập khẩu giống thuỷ sản không có giấy phép.
4. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu xuất khẩu hoặc nhập khẩu thức ăn dùng cho nuôi trồng thuỷ sản không có giấy phép.
Ngoài mức phạt tiền nêu tại điểm 1, 2, 3, 4 Điều này người vi phạm còn bị buộc thực hiện đầy đủ theo các quy định hiện hành.
Điều 9.- Mức xử phạt đối với những hành vi vi phạm về phòng, trị dịch bệnh cho thuỷ sản:
1. Vi phạm các quy định về phòng dịch bệnh cho thuỷ sản:
a) Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng nếu cơ sở nuôi trồng thuỷ sản, sản xuất giống thuỷ sản, thức ăn dùng cho thuỷ sản (trừ các hộ gia đình sản xuất kinh doanh có quy mô nhỏ để tự túc) có một trong các vi phạm sau đây:
Không thực hiện các biện pháp phòng bệnh bắt buộc theo quy định của Bộ Thuỷ sản.
Không chấp hành các quy định về vệ sinh thú y thuỷ sản.
Không khai báo với cơ quan Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản khi phát hiện các loài thuỷ sản nuôi ở các trạm, trại của mình bị bệnh.
b) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
Đổ xác các loài thuỷ sản đã nhiễm bệnh vào các vùng nước.
Dùng các loài thuỷ sản đã nhiễm bệnh để nuôi, sản xuất giống, hoặc làm thức ăn tươi cho thuỷ sản.
Không thực hiện các biện pháp xử lý chất thải khi chế biến thuỷ sản để loại trừ mầm bệnh.
c) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các vi phạm sau đây:
Xả nước hoặc các chất thải chưa được xử lý từ nơi có dịch bệnh về thuỷ sản sang các vùng nước khác.
Không thực hiện các biện pháp chống dịch về thuỷ sản khi đã có quyết định công bố dịch.
Đưa các loài thuỷ sản ra khỏi nơi có dịch về thuỷ sản khi chưa có quyết định bãi bỏ quyết định công bố dịch.
Ngoài mức phạt tiền trên đây, người vi phạm còn bị buộc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho thuỷ sản, tiêu huỷ số thuỷ sản đã nhiễm bệnh.
2. Vi phạm các quy định về kiểm dịch thuỷ sản.
a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
Vận chuyển giống thuỷ sản (kể cả giống bố mẹ) từ tỉnh này sang tỉnh khác không có giấy chứng nhận kiểm dịch do cơ quan Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản cấp.
Không chấp hành việc kiểm tra vệ sinh thú y thuỷ sản, kiểm dịch thuỷ sản.
b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi trốn tranh việc kiểm dịch khi xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, mượn đường hoặc quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam các loài thuỷ sản.
Ngoài mức phạt tiền trên đây, người vi phạm còn bị buộc thực hiện đầy đủ quy định về kiểm dịch.
3. Vi phạm các quy định về quản lý thuốc thú y thuỷ sản.
a) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
Sản xuất, kinh doanh thuốc thú y thuỷ sản mà không có giấy phép.
Sản xuất, kinh doanh các loại thuốc thú y thuỷ sản chưa được Bộ Thuỷ sản công nhận.
b) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi xuất khẩu, nhập khẩu thuốc thú y thuỷ sản, các loại bán thành phẩm hoặc nguyên liệu làm thuốc thú y thuỷ sản mà không có giấy phép.
Điều 10.- Mức xử phạt đối với những hành vi vi phạm về sử dụng giấy phép:
1. Phạt cảnh cáo và thu hồi giấy phép đối với hành vi sử dụng giấy phép do cơ quan cấp không đúng thẩm quyền.
2. Phạt tiền từ 20.000 đồng đến 100.000 đồng, buộc phải đổi giấy phép mới đối với hành vi sử dụng giấy phép quá hạn.
3. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng, buộc đình chỉ các hoạt động sai phép đối với hành vi hoạt động nghề cá sai nội dung ghi trong giấy phép.
4. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi sửa chữa giấy phép, hoặc sử dụng các loại giấy phép giả, giấy tờ giả về đăng ký, đăng kiểm phương tiện nghề cá, chứng chỉ chuyên môn, nghiệp vụ và các chức danh trên tầu.
Thu hồi các loại giấy tờ giả và giấy tờ đã sửa chữa.
5. Đối với hành vi sản xuất kinh doanh thuốc thú y thuỷ sản giả, hoặc giả mạo các loại giấy tờ về quản lý, sản xuất, kinh doanh thuỷ sản thì bị xử lý theo pháp luật hiện hành.
Chương 3:
THẨM QUYỀN, THỦ TỤC VÀ BIỆN PHÁP XỬ PHẠT
Điều 11.- Thẩm quyền quyết định xử phạt:
1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 200.000 đồng;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị đến 500.000 đồng;
d) Buộc bồi thường thiệt hại do vi phạm hành chính gây ra đến 500.000 đồng;
đ) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra;
e) Đình chỉ các hoạt động gây ô nhiễm môi trường sống của thuỷ sản, lây lan dịch bệnh cho các loài thuỷ sản;
g) Buộc tiêu huỷ số thuỷ sản bị nhiễm bệnh;
2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện) có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 10.000.000 đồng;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép (đối với giấy phép do cơ quan Nhà nước cấp trên cấp thì quyết định đình chỉ hành vi vi phạm và đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thu hồi giấy phép);
d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;
đ) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra hoặc buộc tháo dỡ những công trình nổi, công trình ngầm xây dựng trái phép ảnh hưởng đến môi trường sống của các loài thuỷ sản;
e) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường sống của thuỷ sản, lây lan dịch bệnh cho các loài thuỷ sản do vi phạm hành chính gây ra;
g) Buộc bồi thường thiệt hại do vi phạm hành chính gây ra đến 1.000.000 đồng;
h) Buộc tiêu huỷ số thuỷ sản bị nhiễm bệnh.
3. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) có quyền:
a) Thực hiện các quyền nêu tại điểm a, c, d, đ, e, g, h, khoản 2 Điều này;
b) Phạt tiền đến 100.000.000 đồng;
4. Thanh tra viên Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 200.000 đồng;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị đến 500.000 đồng;
d) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra hoặc buộc tháo dỡ những công trình nổi, công trình ngầm xây dựng trái phép ảnh hưởng đến môi trường sống của các loài thuỷ sản;
đ) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường sống của thuỷ sản, lây lan dịch bệnh cho thuỷ sản do vi phạm hành chính gây ra;
e) Buộc tiêu huỷ số thuỷ sản bị nhiễm bệnh.
5. Chánh thanh tra chuyên ngành Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tỉnh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tỉnh (nơi chưa có tổ chức thanh tra chuyên ngành Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản cấp tỉnh) có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 10.000.000 đồng;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép thuộc thẩm quyền;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;
đ) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra hoặc buộc tháo dỡ những công trình nổi, công trình ngầm xây dựng trái phép ảnh hưởng đến môi trường sống của các loài thuỷ sản.
e) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường sống của thuỷ sản, lây lan dịch bệnh cho thuỷ sản do vi phạm hành chính gây ra;
g) Buộc bồi thường thiệt hại do vi phạm hành chính gây ra đến 1.000.000 đồng;
h) Buộc tiêu huỷ số thuỷ sản bị nhiễm bệnh.
6. Chánh Thanh tra chuyên ngành Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản Trung ương có quyền:
a) Thực hiện các quyền nêu tại điểm a, c, d, đ, e, g, h khoản 5 Điều này;
b) Phạt tiền đến 20.000.000 đồng;
Điều 12.- Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính.
1. Khi xử phạt vi phạm hành chính, người có thẩm quyền phải thực hiện theo đúng quy định từ Điều 45 đến Điều 56 của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 6 tháng 7 năm 1995.
2. Tổ chức, cá nhân bị phạt tiền phải nộp tiền phạt tại điểm thu tiền hoặc uỷ nhiệm thu tiền của cơ quan Kho bạc Nhà nước ghi trong quyết định xử phạt. Nếu không nộp tiền đúng thời hạn quy định thì bị cưỡng chế thi hành.
Nghiêm cấm người xử phạt thu tiền phạt tại chỗ.
Chương 4:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 13.- Nghị định này thay thế Nghị định số 85/CP ngày 22 tháng 11 năm 1993 của Chính phủ ban hành "Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản".
Các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.
Điều 14.- Nghị định này có hiệu lực từ ngày ký. Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thi hành Nghị định này.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.