• Hiệu lực: Hết hiệu lực một phần
  • Ngày có hiệu lực: 15/06/2017
UBND TỈNH NGHỆ AN
Số: 48/2017/QĐ-UBND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Nghệ An, ngày 5 tháng 6 năm 2017

QUYẾT ĐỊNH

Quy định chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Nghệ An

 

 
 

 

                                                                                          

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

 

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 1225/SNN-QLKTKHCN ngày 29/5/2017,

 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Quyết định này quy định việc hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản hoặc một phần chi phí sản xuất ban đầu để khôi phục sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do ảnh hưởng của các loại hình thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Nghệ An theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai dịch bệnh (Sau đây gọi tắt là Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017).

2. Đối tượng áp dụng

Hộ nông dân, người nuôi trồng thủy sản, diêm dân, chủ trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và sản xuất muối (sau đây gọi là hộ sản xuất) bị thiệt hại trực tiếp do thiên tai, dịch bệnh theo quy định tại khoản 1 Điều 1, Quyết định này.

Điều 2. Mức hỗ trợ

1. Hỗ trợ đối với cây trồng bị thiệt hại:   

 

    TT

Nội dung hỗ trợ

ĐVT

Thiệt hại trên 70%

Thiệt hại từ 30%-70%

a

Diện tích lúa thuần

đ/ha

2.000.000

1.000.000

b

Diện tích mạ lúa thuần

đ/ha

20.000.000

10.000.000

c

Diện tích lúa lai

đ/ha

3.000.000

1.500.000

d

Diện tích mạ lúa lai

đ/ha

30.000.000

15.000.000

e

Ngô và rau màu các loại

đ/ha

2.000.000

1.000.000

f

Cây CN và cây ăn quả lâu năm

đ/ha

4.000.000

2.000.000

2. Hỗ trợ sản xuất lâm nghiệp

a) Diện tích cây rừng, cây lâm sản ngoài gỗ trồng trên đất lâm nghiệp, vườn giống, rừng giống bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 4.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 2.000.000 đồng/ha;

b) Diện tích cây giống được ươm trong giai đoạn vườn ươm bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 40.000.000 đồng/ha; bị thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 20.000.000 đồng/ha.

3. Hỗ trợ đối với nuôi thuỷ, hải sản

TT

Nội dung hỗ trợ

ĐVT

Thiệt hại

trên 70%

Thiệt hại từ 30%-70%

a

DT nuôi tôm quảng canh (nuôi tôm lúa, tôm sinh thái, tôm rừng, tôm kết hợp)

đ/ha

6.000.000

4.000.000

b

Diện tích nuôi cá truyền thống, các loài cá bản địa (Diện tích ao hồ nhỏ, diện tích nuôi cá lúa, cá vụ 3).

 

 

 

-

Diện tích nuôi ao hồ nhỏ

đ/ha

10.000.000

7.000.000

-

Diện tích nuôi cá lúa, cá vụ 3

đ/ha

7.100.000

3.000.000

c

Diện tích nuôi tôm sú bán thâm canh, thâm canh

đ/ha

8.000.000

6.000.000

d

Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng bán thâm canh, thâm canh

đ/ha

30.000.000

20.000.000

e

Diện tích nuôi nhuyễn thể bị thiệt hại (nghêu)

đ/ha

60.000.000

40.000.000

f

Diện tích nuôi cá tra thâm canh

đ/ha

30.000.000

20.000.000

g

Lồng bè nuôi nước ngọt

đ/100 m3 lồng

10.000.000

7.000.000

h

Diện tích nuôi cá rô phi đơn tính thâm canh

đ/ha

30.000.000

20.000.000

i

Diện tích nuôi cá nước lạnh thâm canh (tầm, hồi)

đ/ha

50.000.000

35.000.000

k

Lồng bè nuôi trồng ngoài biển (xa bờ, ven đảo)

đ/100m3 lồng

20.000.000

15.000.000

l

Diện tích nuôi trồng các loại thuỷ, hải sản khác (cá nước lợ hàu, cua…)

đ/ha

6.000.000

4.000.000

4. Hỗ trợ đối với nuôi gia súc, gia cầm:

a) Thiệt hại do thiên tai:

- Gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng) đến 28 ngày tuổi, hỗ trợ 20.000 đồng/con; trên 28 ngày tuổi, hỗ trợ 35.000 đồng/con;

- Lợn đến 28 ngày tuổi, hỗ trợ 400.000 đồng/con; trên 28 ngày tuổi hỗ trợ: 1.000.000 đồng/con; lợn nái và lợn đực đang khai thác, hỗ trợ 2.000.000 đồng/con;

- Bê cái hướng sữa đến 6 tháng tuổi, hỗ trợ 3.000.000 đồng/con; bò sữa trên 6 tháng tuổi hỗ trợ 10.000.000 đồng/con;

- Trâu, bò thịt, ngựa đến 6 tháng tuổi, hỗ trợ 2.000.000 đồng/con; trên 6 tháng tuổi hỗ trợ 6.000.000 đồng/con.

- Hươu, nai, cừu, dê: Hươu nai hỗ trợ: 2.500.000 đồng/con; Cừu dê hỗ trợ 1.000.000 đồng/con

b) Thiệt hại do dịch bệnh:

Hỗ trợ trực tiếp cho các hộ sản xuất có gia súc, gia cầm phải tiêu hủy bắt buộc do mắc dịch bệnh hoặc trong vùng có dịch bắt buộc phải tiêu hủy với mức hỗ trợ cụ thể như sau:

- 38.000 đồng/kg hơi đối với lợn;

- 45.000 đồng/kg hơi đối với trâu, bò, dê, cừu, hươu, nai;

- 35.000 đồng/con gia cầm (Gà, vịt, ngan, ngỗng)

5. Hỗ trợ đối với sản xuất muối: Diện tích sản xuất muối bị thiệt hại trên 70% hỗ trợ 1.500.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70% hỗ trợ 1.000.000 đồng/ha.

Điều 3. Nguồn kinh phí

1. Ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh hỗ trợ: 90%.

2. Ngân sách huyện, thành, thị (Sau đây gọi chung là huyện): 10%.

3. Trường hợp các địa phương có mức độ thiệt hại lớn, nếu phần ngân sách huyện đảm bảo trong năm vượt quá 50% dự phòng ngân sách được UBND tỉnh giao, ngân sách tỉnh sẽ bổ sung phần chênh lệch vượt 50% dự phòng ngân sách để các huyện có đủ nguồn kinh phí thực hiện.

Điều 4. Phương thức và điều kiện hỗ trợ

1. Phương thức hỗ trợ

 Thực hiện hỗ trợ kịp thời, trực tiếp bằng tiền hoặc bằng giống cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản. Giống hỗ trợ phải đảm bảo chất lượng, phù hợp với điều kiện sinh thái và thực tế của địa phương.

Trường hợp ngân sách cấp trên hỗ trợ bằng tiền: Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định phương thức hỗ trợ phù hợp, thuận lợi và hiệu quả nhất (bằng tiền hoặc bằng giống cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản) để khôi phục sản xuất. Trường hợp hỗ trợ bằng giống cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản, mức hỗ trợ được quy đổi tương đương hỗ trợ bằng tiền theo giá tại thời điểm hỗ trợ.

2. Điều kiện hỗ trợ

Các đối tượng sản xuất bị thiệt hại được xem xét hỗ trợ khi đáp ứng tất cả các điều kiện quy định tại Điều 4, Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017.

Điều 5. Hồ sơ, trình tự, thủ tục hỗ trợ và thanh quyết toán

1. Hồ sơ hỗ trợ

a) Ngay sau khi có xác nhận thiên tai của Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh; Quyết định công bố dịch bệnh của Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch UBND huyện (hoặc trường hợp đặc biệt cần phải tiêu hủy gia súc, gia cầm ngay từ khi phát sinh ổ dịch đầu tiên theo chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền), UBND cấp xã có trách nhiệm thông báo để các đối tượng bị thiệt hại làm đơn đề nghị theo các mẫu 1, 2, 3, 4, 5) gửi trưởng thôn, bản, khối, xóm (gọi chung là xóm); kèm theo Bản kê khai sản xuất ban đầu theo Mẫu số 6 tại Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017, hoặc Giấy chứng nhận kiểm dịch (nếu có).

b) Trưởng xóm xem xét đơn, đối chiếu với bản kê khai sản xuất ban đầu, căn cứ thực tế thiệt hại của các hộ để xác nhận vào đơn; Thông báo để người dân trong xóm biết, góp ý; Tổng hợp đề xuất hỗ trợ cho từng hộ (theo mẫu 1a, 2a, 3a, 4a, 5a, 6a ban hành kèm theo Quyết định này) gửi trực tiếp lên UBND cấp xã (đối với thiệt hại do dịch bệnh) để giải quyết; gửi trực tiếp lên Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp xã để phối hợp, báo cáo UBND cùng cấp giải quyết theo quy định.

c) Trên cơ sở tổng hợp đề xuất hỗ trợ của các xóm và hồ sơ kèm theo (đơn, bản sao bản kê khai sản xuất ban đầu, bảng kê tổng hợp đề xuất hỗ trợ theo mẫu); Chủ tịch UBND cấp xã thành lập hội đồng kiểm tra bao gồm các thành phần: Ủy ban nhân dân, Ban chỉ huy PCTT-TKCN cấp xã, cán bộ chuyên môn của huyện, đại diện các tổ chức xã hội, đại diện xóm, tổ dân phố để lập biên bản kiểm tra, xác định mức độ thiệt hại, nhu cầu hỗ trợ cụ thể của từng hộ sản xuất từ đó ban hành Quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ của từng hộ (theo mẫu số 7 ban hành kèm theo Quyết định này); tổng hợp đề xuất hỗ trợ (theo mẫu 1b, 2b, 3b, 4b, 5b, 6b ban hành kèm theo Quyết định này) báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện. UBND cấp xã niêm yết và công bố công khai Quyết định về việc phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng theo quy định.

d) Sau khi nhận được Tờ trình của UBND cấp xã kèm theo tổng hợp đề xuất hỗ trợ theo mẫu 1b, 2b, 3b, 4b, 5b, 6b; Quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ cho từng hộ, UBND huyện tổ chức thẩm định kinh phí hỗ trợ cho từng xã, ban hành Quyết định phê duyệt kinh phí hỗ trợ cho từng xã, phường, thị trấn theo mẫu số 7a kèm theo biểu mẫu số 1b, 2b, 3b, 4b, 5b, 6b làm căn cứ giải quyết kinh phí hỗ trợ.

e) Thời hạn hoàn thành hồ sơ: Chậm nhất 40 ngày kể từ ngày có xác nhận thiên tai của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh; Quyết định công bố dịch bệnh hoặc văn bản của cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp phải tiêu hủy gia súc, gia cầm ngay từ khi phát sinh ổ dịch đầu tiên, UBND cấp huyện phải ban hành Quyết định phê duyệt kinh phí hỗ trợ cho từng xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã) theo mẫu số 7a kèm theo biểu mẫu số 1b, 2b, 3b, 4b, 5b, 6b.

2. Cấp ứng kinh phí hỗ trợ

a) UBND cấp huyện chủ động cấp kinh phí cho các xã để hỗ trợ kịp thời, đúng và đủ mức quy định đến từng đối tượng. Trường hợp khó khăn về nguồn kinh phí, UBND huyện gửi hồ sơ đề nghị cấp ứng kinh phí đến Sở Nông nghiệp và PTNT để kiểm tra, tổng hợp, gửi văn bản đề nghị Sở Tài chính trình UBND tỉnh giải quyết cấp ứng kinh phí.

Hồ sơ gồm: Tờ trình đề nghị cấp ứng kinh phí; Quyết định của UBND cấp huyện về việc phê duyệt kinh phí hỗ trợ cho từng xã kèm theo biểu mẫu số 1b, 2b, 3b, 4b, 5b, 6b.

b) Thời hạn: Mỗi đợt thiên tai, dịch bệnh, UBND tỉnh chỉ xem xét giải quyết cấp ứng kinh phí 01 lần, tối đa 70% số kinh phí ngân sách tỉnh hỗ trợ cho các địa phương. Các huyện gửi hồ sơ về Sở Nông nghiệp và PTNT đúng thời hạn quy định tại điểm e, Khoản 1, Điều 5, Quyết định này.

c) Các địa phương không báo cáo đúng thời hạn nêu trên phải sử dụng ngân sách cấp huyện và các nguồn hợp pháp khác cấp cho các xã để chi trả đủ cho các đối tượng bị thiệt hại.

3. Tổ chức chi trả cho các đối tượng bị thiệt hại.

a) Căn cứ Quyết định của UBND cấp huyện về việc phê duyệt danh sách hỗ trợ, phòng Tài chính Kế hoạch tham mưu nguồn kinh phí (nguồn ngân sách tỉnh cấp ban đầu, nguồn ngân sách cấp huyện, nguồn hợp pháp khác) trình UBND huyện ban hành Quyết định giải quyết kinh phí, cấp kịp thời cho từng xã để chi trả tiền hỗ trợ đủ theo mức đã được phê duyệt.

b) Chủ tịch UBND cấp xã chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu đề nghị hỗ trợ và tổ chức chi trả kinh phí hỗ trợ đúng đối tượng, đúng mức quy định. Kinh phí không sử dụng hết phải nộp trả ngay về ngân sách cấp trên.

4. Quyết toán kinh phí hỗ trợ:

a) Kết thúc mỗi đợt hỗ trợ các xã phải báo cáo quyết toán kinh phí thực chi hỗ trợ về UBND cấp huyện. Phòng Tài chính Kế hoạch cấp huyện chủ trì, phối hợp với phòng Nông nghiệp và PTNT (hoặc phòng Kinh tế) tổ chức duyệt quyết toán cho từng xã để xác định chính xác số kinh phí thực chi, trên cơ đó tham mưu UBND cấp huyện Quyết định phê duyệt kinh phí thực chi hỗ trợ của từng xã theo mẫu số 7a kèm theo biểu mẫu số 1b, 2b, 3b, 4b, 5b, 6b, gửi Sở Tài chính và Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp và sắp xếp lịch thẩm tra quyết toán.

b) Chậm nhất 40 ngày kể từ ngày được Sở Tài chính Thông báo bổ sung dự toán (nếu được cấp kinh phí hỗ trợ ban đầu), Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT sắp xếp lịch thẩm tra số liệu quyết toán kinh phí thực chi hỗ trợ của các địa phương làm căn cứ trình UBND tỉnh giải quyết kinh phí thiếu (thừa) cho các địa phương.

c) Hồ sơ thẩm định quyết toán kinh phí gồm:

- Tờ trình đề nghị quyết toán kinh phí của Chủ tịch UBND huyện;

- Quyết định giải quyết kinh phí hỗ trợ của UBND cấp huyện cho ngân sách cấp xã (trường hợp có nhiều Quyết định giải quyết kinh phí phải lập bảng kê kèm theo)

- Quyết định phê duyệt kinh phí thực chi hỗ trợ của từng xã kèm theo mẫu số 7a và bảng tổng hợp kết quả thực hiện theo mẫu số 1b, 2b, 3b, 4b, 5b, 6b.

d) Trường hợp hỗ trợ bằng hiện vật phải có hợp đồng mua bán, thanh lý hợp đồng, phiếu xuất kho, hóa đơn giá trị gia tăng, danh sách ký nhận giống....

e) Mỗi đợt thiên tai, dịch bệnh, UBND tỉnh chỉ xem xét phê duyệt quyết toán số thực chi và giải quyết kinh phí thiếu (thừa) một lần. Ngay sau khi kết thúc lịch thẩm tra số liệu quyết toán, Sở Tài chính và Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu trình UBND tỉnh giải quyết kinh phí thiếu (thừa) cho các địa phương đã hoàn chỉnh hồ sơ chi trả. Địa phương nào không có hồ sơ hoặc hồ sơ không đảm bảo để phục vụ việc thẩm tra số liệu quyết toán phải sử dụng toàn bộ ngân sách cấp mình để hỗ trợ đủ theo chế độ cho các đối tượng bị thiệt hại. Số kinh phí đã cấp ứng cho các địa phương sẽ thu hồi về ngân sách tỉnh.

Điều 6. Phân công trách nhiệm

1. Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn cấp cấp tỉnh:

a) Tham mưu Trưởng Ban ký văn bản xác nhận thiên tai để triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ theo Quyết định này.

b) Tham gia thống kê, kiểm tra, xác nhận thiệt hại và tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai và các cơ quan Trung ương theo quy định

2. Sở Nông nghiệp và PTNT:

a) Hướng dẫn kịp thời các biện pháp khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh;

b) Tham mưu trình UBND tỉnh công bố dịch bệnh hoặc công bố hết dịch để triển khai chính sách hỗ trợ tại Quyết định này (đối với các loại dịch bệnh thuộc thẩm quyền công bố dịch của Chủ tịch UBND tỉnh);

c) Kiểm tra hồ sơ đề nghị cấp ứng của các địa phương, tổng hợp nhu cầu hỗ trợ kinh phí trên địa bàn; phối hợp với Sở Tài chính trình UBND tỉnh cấp ứng kinh phí cho các huyện để hỗ trợ các đối tượng;

d) Phối hợp với Sở Tài chính kiểm tra hồ sơ quyết toán kinh phí thực chi của các địa phương để xác định điều kiện được hỗ trợ cũng như kinh phí hỗ trợ của từng địa phương;

e) Chủ trì, đầu mối thực hiện chính sách, nắm bắt kịp thời vướng mắc trong quá trình thực hiện để xử lý theo thẩm quyền hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý.

3. Sở Tài chính:

a) Bố trí nguồn kinh phí để thực hiện chính sách hỗ trợ.

b) Tổng hợp kinh phí sau khi thẩm tra quyết toán, trình UBND tỉnh phê duyệt quyết toán kinh phí thực chi hỗ trợ và giải quyết kinh phí thiếu (thừa) cho các huyện.

c) Tham mưu văn bản để UBND tỉnh trình Bộ Tài chính cấp ứng kinh phí và hỗ trợ kinh phí theo quy định.

4. Uỷ ban nhân dân cấp huyện:

a) Công bố dịch bệnh hoặc công bố hết dịch để triển khai chính sách hỗ trợ tại Quyết định này đối với các loại dịch bệnh thuộc thẩm quyền công bố của chủ tịch UBND cấp huyện;

b) Chỉ đạo tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ trên địa bàn, đảm bảo chính xác, kịp thời, đúng đối tượng, đúng chính sách, chế độ;

c) Chỉ đạo các cơ quan liên quan báo cáo kịp thời tình hình thiên tai, dịch bệnh xảy ra trên địa bàn để các cơ quan cấp tỉnh tham mưu văn bản xác nhận thiên tai hoặc công bố dịch bệnh theo quy định;

d) Sử dụng nguồn ngân sách tỉnh, nguồn ngân sách cấp huyện, nguồn hợp pháp khác để giải quyết hỗ trợ kinh phí kịp thời cho từng xã để chi trả đủ theo mức quy định, đảm bảo có hiệu quả, đúng mục đích, đúng đối tượng;

e) Chỉ đạo UBND cấp xã phối hợp với các cơ quan liên quan (phòng Nông nghiệp và PTNT, phòng Kế hoạch và tài chính, các tổ chức hội,…) thực hiện công khai chính sách hỗ trợ của nhà nước đến người nông dân. Niêm yết tại trụ sở UBND cấp xã và tại các thôn, bản theo quy định tại Thông tư số 54/2006/TT-BTC&area=2&type=0&match=False&vc=True&lan=1" target="_blank">54/2006/TT-BTC ngày 19/6/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện quy chế công khai hỗ trợ trực tiếp của ngân sách đối với các cá nhân, dân cư.

f) Chỉ đạo lập hồ sơ, chi trả, thanh, quyết toán đúng thời hạn, đảm bảo hồ sơ theo quy định.

g) Tổng hợp các khó khăn vướng mắc (nếu có) trong quá trình thực hiện gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phối hợp Sở Tài chính báo cáo UBND tỉnh xử ký kịp thời.

5. UBND cấp xã: Chịu trách nhiệm xác định chính xác đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ cho từng đối tượng, chi trả, thanh, quyết toán kinh phí đúng đối tượng, đúng chế độ, đúng thời hạn quy định, không để thất thoát lãng phí và xảy ra tiêu cực.

Điều 7. Hiệu lực thi hành:

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

2. Quyết định này bãi bỏ các Quyết định: số 45/2011/QĐ-UBND ngày 20/9/2011 của UBND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; Quyết định số 35/2013/QĐ-UBND ngày 08/7/2013 của UBND tỉnh Nghệ An về việc sửa đổi, bổ sung Điều 2 Quyết định số 45/2011/QĐ-UBND ngày 20/9/2011 của UBND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; Khoản 1 Điều 1 (trừ chim các loại và sản phẩm gia cầm) Quyết định 3903/QĐ-UBND ngày 22/9/2011 của UBND tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 3380/QĐ-UBND.NN ngày 01/8/2008 của UBND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

Điều 8. Quy định chuyển tiếp

Các thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh xảy ra từ ngày 25/02/2017 về sau được áp dụng mức hỗ trợ tại Quyết định này.

Điều 9. Tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Tài chính, Nông nghiệp và PTNT; Giám đốc Kho bạc nhà nước tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị; Thủ trưởng các ngành, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

TM. Ủy ban nhân dân

KT. CHỦ TỊCH
Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Đinh Viết Hông

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.