NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH ĐIỀU KIỆN, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC MỞ, ĐÓNG SÂN BAY CHUYÊN DÙNG
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật hàng không dân dụng Việt Nam ngày 29 tháng 6 năm 2006, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam ngày 21 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật quốc phòng ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Luật đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Luật xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng;
Chính phủ ban hành Nghị định quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở, đóng sân bay chuyên dùng.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở, đóng sân bay chuyên dùng.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan đến mở, đóng, quản lý sân bay chuyên dùng tại Việt Nam.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Sân bay chuyên dùng là khu vực được xác định trên mặt đất, dải mặt nước, công trình nhân tạo sử dụng cho tàu bay, thủy phi cơ, trực thăng hoạt động để phục vụ mục đích khai thác hàng không chung hoặc mục đích vận chuyển hành khách, hành lý, hàng hóa, bưu gửi mà không phải vận chuyển công cộng.
2. Tàu bay chuyên dùng là các loại trực thăng, thủy phi cơ, tàu bay cánh bằng loại nhỏ, tàu bay không người lái sử dụng đường băng bằng vật liệu hoặc đất, mặt nước.
3. Bãi cất, hạ cánh là khu vực được chuẩn bị sẵn trên mặt đất, mặt nước hoặc công trình nhân tạo để bảo đảm cho tàu bay chuyên dùng cất, hạ cánh.
4. Đường cất, hạ cánh là khu vực được quy định trong sân bay, dải mặt nước dùng cho tàu bay cất và hạ cánh.
5. Đường lăn là đường nối các thành phần khu bay, sử dụng cho tàu bay di chuyển bằng cách tự lăn, tự bơi hoặc kéo dắt.
6. Sân đỗ tàu bay là khu vực được xác định trong sân bay, trên mặt đất, mặt nước, trên các công trình nhân tạo dành cho tàu bay đỗ để phục vụ hành khách lên, xuống; xếp, dỡ hành lý, hàng hóa; tiếp nhiên liệu; phục vụ kỹ thuật hoặc làm công tác chuẩn bị cho chuyến bay tiếp theo.
7. Khu bay bao gồm dải bay và các sân đỗ bảo đảm cho tàu bay cất cánh, hạ cánh và lăn.
8. Dải bay là thành phần chính của khu bay, gồm đường cất, hạ cánh vật liệu hoặc đường cất, hạ cánh đất hoặc là khu vực mặt nước trên biển, sông, hồ được xác định tọa độ và ranh giới cho tàu bay, thủy phi cơ cất, hạ cánh di chuyển; các dải bảo hiểm đầu và dải bảo hiểm sườn.
9. Điểm quy chiếu sân bay chuyên dùng là điểm quy ước xác định vị trí của sân bay, theo hệ tọa độ VN2000 hoặc WGS-84 (kinh độ, vĩ độ, phút, giây).
10. Kết cấu hạ tầng sân bay chuyên dùng, bao gồm: Có thể đầy đủ hệ thống đường cất, hạ cánh, đường lăn, sân đỗ, bãi đỗ, dải mặt nước phục vụ tàu bay cất, hạ cánh; lề, dải bảo hiểm và các công trình, khu phụ trợ khác của sân bay; hàng rào, phao phân định ranh giới, đường giao thông sân bay; các công trình nhà ga, nhà kho, đài chỉ huy và các cơ sở đài, trạm, xưởng phục vụ hoạt động bay; hạ tầng cung cấp nhiên liệu, cấp điện, cấp và thoát nước, phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn, phòng chống cháy nổ tại sân bay.
11. Vùng phụ cận sân bay chuyên dùng là vùng đất đai xung quanh sân bay hoặc dải mặt nước, công trình nhân tạo trong đó được quy định về độ cao chướng ngại vật hàng không để bảo đảm an toàn.
12. Tĩnh không sân bay chuyên dùng là phần không gian an toàn xung quanh sân bay để tàu bay thực hiện giai đoạn cất cánh, lên cao, hạ thấp độ cao, hạ cánh và bay theo các đường bay.
13. Mức cao sân bay chuyên dùng, bãi cất, hạ cánh là cao độ của điểm cao nhất của đường cất, hạ cánh, bãi đỗ so với mực nước biển trung bình.
14. Cốt xây dựng là cao độ xây dựng tối thiểu bắt buộc phải tuân thủ được chọn phù hợp với cao độ so với mực nước biển trung bình.
15. Chủ sở hữu sân bay chuyên dùng là tổ chức, cá nhân bỏ vốn đầu tư xây dựng hoặc mua lại, hoặc được giao tài sản gắn liền với mặt đất, mặt nước, công trình nhân tạo để xây dựng, quản lý, khai thác sân bay chuyên dùng.
16. Người khai thác sân bay chuyên dùng là tổ chức, cá nhân được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra văn bản chấp thuận mở, đóng sân bay chuyên dùng, bãi cất, hạ cánh.
17. Đơn vị tư vấn là đơn vị có đủ điều kiện năng lực phù hợp với việc thực hiện công tác thiết kế, kiểm định, thí nghiệm, quản lý dự án, giám sát thi công và công việc tư vấn khác có liên quan đến sân bay chuyên dùng.
18. Văn bản chấp thuận mở, đóng sân bay chuyên dùng là văn bản pháp lý do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ sở hữu sân bay chuyên dùng để xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, mở, đóng sân bay chuyên dùng.
Điều 4. Nguyên tắc cơ bản mở, đóng sân bay chuyên dùng
1. Bảo đảm hài hòa giữa lợi ích quốc gia với lợi ích cộng đồng, đáp ứng nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, chủ quyền và phát triển kinh tế, xã hội, hội nhập quốc tế.
2. Phát triển hệ thống sân bay chuyên dùng phù hợp với quy hoạch phát triển ngành, vùng, địa phương.
3. Bảo đảm an ninh, an toàn hàng không; trật tự an toàn xã hội; nhiệm vụ quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế xã hội; bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động đến cộng đồng; bảo đảm đồng bộ, an toàn, an ninh về mặt không gian kiến trúc, hệ thống công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật.
4. Tạo thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện quản lý, sử dụng, khai thác sân bay chuyên dùng và khi tổ chức hoạt động hàng không theo quy định pháp luật.
5. Thực hiện sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả trong quản lý nhà nước giữa cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng với Bộ Giao thông vận tải, địa phương và cơ quan, tổ chức, cá nhân trong mở, đóng sân bay chuyên dùng, quản lý hoạt động, bảo đảm an ninh, an toàn và dự báo, thông báo bay.
6. Đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc công nhận áp dụng đối với sân bay chuyên dùng.
Điều 5. Phân loại sân bay chuyên dùng
Theo đặc tính cấu trúc và vị trí, sân bay chuyên dùng được phân thành:
1. Sân bay chuyên dùng trên mặt đất;
2. Sân bay chuyên dùng trên mặt nước;
3. Bãi cất, hạ cánh trên mặt đất;
4. Bãi cất, hạ cánh trên mặt nước;
5. Bãi cất, hạ cánh trên các công trình nhân tạo bao gồm: Tòa nhà, boong tàu, nhà giàn, giàn khoan dầu khí.
Chương II
QUẢN LÝ SÂN BAY CHUYÊN DÙNG
Điều 6. Quản lý xây dựng sân bay chuyên dùng
1. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định phê duyệt vị trí xây dựng sân bay chuyên dùng sau khi lấy ý kiến của Bộ Xây dựng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi xây dựng sân bay chuyên dùng và thống nhất với Bộ Giao thông vận tải.
2. Tổng Tham mưu trưởng quyết định phê duyệt thiết kế chi tiết xây dựng sân bay chuyên dùng sau khi đã thống nhất với Bộ Giao thông vận tải.
3. Các ngành, địa phương khi lập dự án đầu tư xây dựng công trình có ảnh hưởng đến sân bay chuyên dùng, phải có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Quốc phòng và Bộ Giao thông vận tải về việc ảnh hưởng của chướng ngại vật hàng không.
Điều 7. Nội dung phê duyệt vị trí sân bay chuyên dùng
1. Xác định luận cứ, cơ sở hình thành, yêu cầu về hoạt động của sân bay chuyên dùng, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
2. Xác định vị trí đối với sân bay chuyên dùng bao gồm: Loại hình, vai trò, vị trí, quy mô; dự báo các đường bay dự kiến khai thác; nhu cầu sử dụng đất, mặt nước; ước toán chi phí đầu tư.
3. Tỷ lệ bản vẽ vị trí sân bay chuyên dùng là 1/2000.
Điều 8. Nội dung phê duyệt thiết kế xây dựng sân bay chuyên dùng
1. Nhu cầu sử dụng đất, khu vực mặt nước, mặt bằng công trình nhân tạo để làm sân bay chuyên dùng.
2. Vị trí, tọa độ địa lý của sân bay chuyên dùng trên mặt đất, mặt nước, bố trí hệ thống các công trình phụ trợ của sân bay chuyên dùng.
3. Xác định hướng cất, hạ cánh của sân bay chuyên dùng, thiết bị dẫn đường, chỉ huy bay.
4. Xác định sơ đồ bề mặt giới hạn chướng ngại vật hàng không theo quy định.
5. Hệ thống đường giao thông nội bộ trong sân bay, tuyến đường kết nối với sân bay chuyên dùng.
6. Hệ thống cấp nước, thoát nước, cấp điện, thoát hiểm, phòng chống cháy nổ, cảnh báo hàng không (nếu có).
7. Phương thức cất, hạ cánh cho loại máy bay sử dụng.
8. Tổng khái toán đầu tư và thời gian, tiến độ triển khai thực hiện.
9. Tỷ lệ bản vẽ chi tiết sân bay chuyên dùng là 1/500.
Điều 9. Quản lý mốc và ranh giới sân bay chuyên dùng
Chủ sở hữu sân bay có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan của Bộ Quốc phòng và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc quản lý, bảo vệ mốc giới và ranh giới sân bay chuyên dùng; kịp thời báo cáo với cơ quan có thẩm quyền xử lý các vấn đề xảy ra bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn hàng không.
Chương III
MỞ, ĐÓNG SÂN BAY CHUYÊN DÙNG
Điều 10. Điều kiện mở, đóng sân bay chuyên dùng
1. Điều kiện mở sân bay chuyên dùng:
a) Phục vụ chiến lược bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế, xã hội;
b) Phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông vận tải, hạ tầng xã hội - đô thị;
c) Có đội ngũ nhân lực đủ trình độ kỹ thuật vận hành, khai thác sân bay chuyên dùng;
d) Phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan về quản lý tĩnh không, quản lý đất đai, môi trường, khu vực mặt nước, mặt biển, quản lý vùng trời, khu cấm bay, khu hạn chế bay;
đ) Chủ sở hữu sân bay đã được cấp Giấy chứng nhận và Giấy đăng ký khai thác sân bay chuyên dùng đối với sân bay đề nghị mở phục vụ mục đích thường xuyên hoạt động bay thương mại.
2. Đóng sân bay chuyên dùng khi xảy ra một trong các trường hợp sau đây:
a) Hoạt động của sân bay chuyên dùng ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, chủ quyền và lợi ích quốc gia; ảnh hưởng đến an toàn, an ninh hàng không, môi trường và có hoạt động trái pháp luật khác;
b) Sân bay chuyên dùng hết thời hạn sử dụng hoặc có nguy cơ gây mất an toàn, gây sự cố công trình ảnh hưởng đến an toàn bay;
c) Sân bay chuyên dùng không còn phù hợp với quy hoạch tổng thể đô thị, quy hoạch vùng, ngành, địa phương; ảnh hưởng đến ranh giới, định hướng phát triển không gian, phá vỡ hành lang bảo vệ công trình quốc phòng, an ninh và khu vực bảo vệ các công trình khác theo quy định của pháp luật;
d) Xây dựng sân bay chuyên dùng không đúng thiết kế chi tiết xây dựng hoặc không tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho công trình được lựa chọn;
đ) Do yêu cầu cấp thiết cho việc khai thác, sử dụng đất đai, khu vực mặt nước để phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và phát triển không gian đô thị; xây dựng các trung tâm kinh tế, chính trị theo quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương hoặc đã có sân bay khác thay thế vì mang lại giá trị cao hơn về mặt quốc phòng, an ninh, kinh tế, xã hội; hoặc sử dụng sân bay chuyên dùng sai mục đích, ảnh hưởng đến các hoạt động hợp pháp của khu vực công cộng và khu vực chung;
e) Theo yêu cầu của Chủ sở hữu sân bay.
3. Đóng tạm thời sân bay chuyên dùng khi xảy ra một trong các trường hợp sau đây:
a) Bảo đảm quốc phòng, an ninh hoặc lý do đặc biệt ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội hoặc sự cố đột xuất ảnh hưởng đến an toàn bay, an ninh hàng không theo quy định của pháp luật;
b) Hoạt động nâng cấp, mở rộng, sửa chữa sân bay chuyên dùng có khả năng gây mất an toàn bay;
c) Chủ sở hữu, người khai thác sân bay chuyên dùng vi phạm quy định liên quan đến chủ quyền, an ninh quốc gia, phải dừng hoạt động bay để điều tra;
d) Thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, tai nạn tàu bay và các tình huống bất thường khác uy hiếp đến an toàn bay, an ninh hàng không;
đ) Không có hoạt động bay trong vòng 6 tháng liên tục;
e) Theo yêu cầu của Chủ sở hữu sân bay.
4. Sân bay chuyên dùng được mở lại sau khi các lý do quy định tại khoản 3 Điều này đã chấm dứt.
Điều 11. Trình tự, thủ tục mở sân bay chuyên dùng trên mặt đất, mặt nước
1. Hồ sơ đề nghị bao gồm:
a) Đơn đề nghị mở sân bay chuyên dùng trên mặt đất, mặt nước theo Mẫu số 01 của Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản vẽ tổng mặt bằng sân bay, mặt bằng chi tiết khu bay; trong đó thể hiện rõ cốt xây dựng, điểm quy chiếu sân bay, các kích thước, hướng cơ bản của đường cất, hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay và các công trình khác của hạ tầng sân bay; ranh giới khu đất xây dựng sân bay;
c) Thuyết minh mô tả khu vực vùng trời hoạt động của sân bay; phương thức bay; các đường hàng không đi qua sân bay trong bán kính 30 km tính từ điểm quy chiếu sân bay;
d) Bản vẽ bề mặt giới hạn chướng ngại vật hàng không, thể hiện rõ mặt cắt dọc, mặt cắt ngang tĩnh không; vị trí và cao độ tất cả chướng ngại vật hàng không trong vùng phụ cận sân bay, trong phạm vi bán kính 10 km tính từ điểm quy chiếu sân bay;
đ) Thuyết minh mô tả phương án quản lý, khai thác, bảo đảm an ninh, an toàn hàng không, bảo vệ môi trường, tổ chức điều hành bay, hiệp đồng thông báo bay;
e) Bản sao có chứng thực giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; giấy chứng nhận của địa phương về quản lý, sử dụng mặt nước nội địa, ven biển, trên biển; giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
2. Trình tự, thủ tục giải quyết đề nghị:
a) Tổ chức, cá nhân đề nghị mở sân bay chuyên dùng trên mặt đất, mặt nước gửi 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này qua hệ thống bưu chính đến Bộ Tổng Tham mưu theo địa chỉ quy định tại Điều 19 Nghị định này;
b) Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định tại khoản 1 Điều này, Bộ Tổng Tham mưu có trách nhiệm thẩm định, kiểm tra, và có văn bản xin ý kiến thống nhất của Bộ Giao thông vận tải và ý kiến tham gia của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi mở sân bay chuyên dùng trên mặt đất, mặt nước;
Trường hợp, hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Tổng Tham mưu có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân đề nghị mở sân bay chuyên dùng trên mặt đất, mặt nước biết để hoàn thiện hồ sơ theo quy định;
c) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi mở sân bay chuyên dùng có trách nhiệm trả lời bằng văn bản về Bộ Tổng Tham mưu;
d) Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản thống nhất của Bộ Giao thông vận tải và văn bản trả lời của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Tổng Tham mưu ra văn bản chấp thuận mở sân bay chuyên dùng trên mặt đất, mặt nước;
Trường hợp không chấp thuận, Bộ Tổng Tham mưu có trách nhiệm trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do không chấp thuận.
Điều 12. Trình tự, thủ tục đóng sân bay chuyên dùng trên mặt đất, mặt nước
1. Chủ sở hữu sân bay đề nghị đóng sân bay chuyên dùng trên mặt đất, mặt nước có đơn đề nghị theo Mẫu số 02 của Phụ lục ban hành theo Nghị định này.
2. Trình tự, thủ tục giải quyết:
a) Chủ sở hữu sân bay chuyên dùng trên mặt đất, mặt nước gửi 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này qua hệ thống bưu chính đến Bộ Tổng Tham mưu theo địa chỉ quy định tại Điều 19 Nghị định này;
b) Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 05 ngày làm việc, Bộ Tổng Tham mưu có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho chủ sở hữu sân bay để hoàn thiện hồ sơ theo quy định;
c) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tổng Tham mưu ra quyết định đóng sân bay chuyên dùng trên mặt đất, mặt nước sau khi có văn bản thống nhất của Bộ Giao thông vận tải và thông báo đến chủ sở hữu sân bay, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
3. Khi hoạt động của sân bay vi phạm một trong các điều kiện quy định tại điểm a, b, c, d, đ của khoản 2 Điều 10; Bộ Tổng Tham mưu ra quyết định đóng sân bay chuyên dùng, bãi cất, hạ cánh và có văn bản thông báo gửi Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan.
Điều 13. Trình tự, thủ tục mở bãi cất, hạ cánh trên mặt đất, mặt nước, công trình nhân tạo
1. Hồ sơ đề nghị bao gồm:
a) Đơn đề nghị mở bãi cất, hạ cánh theo Mẫu số 03 của Phụ lục ban hành theo Nghị định này;
b) Các bản vẽ mặt bằng vị trí bãi cất, hạ cánh; tổng mặt bằng khu đất, công trình nhân tạo; mặt bằng chi tiết bãi cất, hạ cánh, trong đó thể hiện rõ cốt xây dựng, điểm quy chiếu, kích thước cơ bản của bãi cất, hạ cánh; vị trí bãi cất, hạ cánh trên công trình nhân tạo; hướng cất, hạ cánh cơ bản; đối với bãi cất, hạ cánh trên mặt đất, mặt nước, bản vẽ sơ đồ ranh giới khu đất, mặt nước xây dựng;
c) Thuyết minh mô tả khu vực vùng trời hoạt động của bãi cất, hạ cánh; phương thức bay, tổ chức điều hành bay, hiệp đồng thông báo bay;
d) Bản vẽ bề mặt giới hạn chướng ngại vật hàng không, thể hiện rõ mặt cắt dọc, mặt cắt ngang tĩnh không; vị trí và cao độ tất cả chướng ngại vật hàng không trong vùng phụ cận bãi cất, hạ cánh trong phạm vi bán kính 03 km tính từ điểm quy chiếu của bãi cất, hạ cánh;
đ) Thuyết minh mô tả phương án quản lý, khai thác, bảo đảm an ninh, an toàn hàng không, bảo vệ môi trường;
e) Bản sao có chứng thực giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; giấy phép xây dựng, thiết lập công trình của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà bãi cất, hạ cánh được thiết lập trên công trình đó; giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
2. Trình tự, thủ tục giải quyết:
a) Tổ chức, cá nhân đề nghị mở bãi cất, hạ cánh gửi 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này qua hệ thống bưu chính đến Bộ Tổng Tham mưu theo địa chỉ quy định tại Điều 19 Nghị định này;
b) Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định tại khoản 1 Điều này, Bộ Tổng Tham mưu có trách nhiệm thẩm định, kiểm tra và có văn bản xin ý kiến thống nhất của Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi mở bãi cất, hạ cánh;
Trường hợp, hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Tổng Tham mưu có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân đề nghị mở bãi cất, hạ cánh biết để hoàn thiện hồ sơ theo quy định;
c) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Bộ Tổng Tham mưu; Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi mở bãi cất, hạ cánh có trách nhiệm trả lời bằng văn bản về Bộ Tổng Tham mưu;
d) Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản thống nhất của Bộ Giao thông vận tải và văn bản trả lời của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Tổng Tham mưu ra văn bản chấp thuận mở bãi cất, hạ cánh;
Trường hợp không chấp thuận, Bộ Tổng Tham mưu có trách nhiệm trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do không chấp thuận.
Điều 14. Trình tự, thủ tục đóng bãi cất, hạ cánh trên mặt đất, mặt nước, công trình nhân tạo
1. Chủ sở hữu đề nghị đóng bãi cất, hạ cánh có đơn đề nghị theo Mẫu số 04 của Phụ lục ban hành theo Nghị định này.
2. Trình tự, thủ tục giải quyết:
a) Chủ sở hữu bãi cất, hạ cánh gửi 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này qua hệ thống bưu chính đến Bộ Tổng Tham mưu theo địa chỉ quy định tại Điều 19 Nghị định này;
b) Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 05 ngày làm việc, Bộ Tổng Tham mưu có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho chủ sở hữu bãi cất, hạ cánh để hoàn thiện hồ sơ theo quy định;
c) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tổng Tham mưu ra quyết định đóng bãi cất, hạ cánh sau khi có văn bản thống nhất của Bộ Giao thông vận tải và thông báo đến chủ sở hữu bãi cất, hạ cánh và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
3. Khi hoạt động của bãi cất, hạ cánh vi phạm một trong các điều kiện quy định tại điểm a, b, c, d, đ của khoản 2 Điều 10; Bộ Tổng Tham mưu ra quyết định đóng bãi cất, hạ cánh và có văn bản thông báo gửi Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan.
Điều 15. Trình tự, thủ tục mở bãi cất hạ cánh trên boong tàu
1. Hồ sơ đề nghị bao gồm:
a) Đơn đề nghị mở bãi cất, hạ cánh theo Mẫu số 05 của Phụ lục ban hành theo Nghị định này;
b) Các bản vẽ mặt cắt dọc, cắt ngang thể hiện chiều cao các hệ thống, thiết bị trên mặt boong tàu, mặt bằng và kích thước của mặt boong, kích thước bãi cất, hạ cánh trên mặt boong tàu và các bộ phận liền kề, tiếp giáp;
c) Thuyết minh mô tả phương thức quản lý, điều hành tàu bay trực thăng, bảo đảm an toàn, phòng chống cháy nổ, tổ chức điều hành bay, hiệp đồng thông báo bay.
2. Trình tự, thủ tục giải quyết:
a) Cơ quan, tổ chức, cá nhân đề nghị mở bãi cất, hạ cánh trên boong tàu gửi 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này qua hệ thống bưu chính đến Bộ Tổng Tham mưu theo địa chỉ quy định tại Điều 19 Nghị định này;
b) Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định tại khoản 1 Điều này, Bộ Tổng Tham mưu có trách nhiệm thẩm định, kiểm tra, và có văn bản lấy ý kiến thống nhất của Bộ Giao thông vận tải.
Trường hợp, hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Tổng Tham mưu có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân đề nghị mở bãi cất, hạ cánh biết để hoàn thiện hồ sơ theo quy định;
c) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Giao thông vận tải, các cơ quan chức năng có liên quan có văn bản trả lời gửi về Bộ Tổng Tham mưu;
d) Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản thống nhất của Bộ Giao thông vận tải và văn bản trả lời của các cơ quan chức năng có liên quan, Bộ Tổng Tham mưu ra văn bản chấp thuận mở bãi cất, hạ cánh;
Trường hợp không chấp thuận, Bộ Tổng Tham mưu có trách nhiệm trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do không chấp thuận.
Điều 16. Trình tự, thủ tục đóng bãi cất, hạ cánh trên boong tàu
1. Chủ sở hữu đề nghị đóng bãi cất, hạ cánh có đơn đề nghị theo Mẫu số 06 của Phụ lục ban hành theo Nghị định này.
2. Trình tự, thủ tục giải quyết:
a) Chủ sở hữu bãi cất, hạ cánh gửi 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này qua hệ thống bưu chính đến Bộ Tổng Tham mưu theo địa chỉ quy định tại Điều 19 Nghị định này;
b) Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 05 ngày làm việc, Bộ Tổng Tham mưu có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho chủ sở hữu bãi cất, hạ cánh để hoàn thiện hồ sơ theo quy định;
c) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tổng Tham mưu ra quyết định đóng bãi cất, hạ cánh, sau khi có văn bản thống nhất với Bộ Giao thông vận tải và thông báo đến chủ sở hữu tàu và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
3. Khi hoạt động của bãi cất, hạ cánh vi phạm một trong các điều kiện quy định tại điểm a, b, c, d, đ của khoản 2 Điều 10; Bộ Tổng Tham mưu ra quyết định đóng bãi cất, hạ cánh và thông báo với Bộ Giao thông vận tải, chủ sở hữu tàu và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan.
Điều 17. Trình tự, thủ tục đóng tạm thời sân bay chuyên dùng
1. Chủ sở hữu sân bay đề nghị đóng tạm thời sân bay chuyên dùng có đơn đề nghị theo Mẫu số 07 của Phụ lục ban hành theo Nghị định này.
2. Trình tự, thủ tục giải quyết:
a) Chủ sở hữu sân bay chuyên dùng gửi 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này qua hệ thống bưu chính đến Bộ Tổng Tham mưu theo địa chỉ quy định tại Điều 19 Nghị định này;
b) Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 05 ngày làm việc, Bộ Tổng Tham mưu có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho chủ sở hữu sân bay chuyên dùng để hoàn thiện hồ sơ theo quy định;
c) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tổng Tham mưu ra quyết định đóng tạm thời sân bay chuyên dùng sau khi có văn bản thống nhất của Bộ Giao thông vận tải và thông báo đến chủ sở hữu sân bay và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
3. Khi hoạt động của sân bay chuyên dùng vi phạm một trong các điều kiện quy định tại điểm a, b, c, d, đ của khoản 3 Điều 10, Bộ Tổng Tham mưu ra quyết định đóng tạm thời sân bay chuyên dùng.
Điều 18. Trình tự, thủ tục mở lại sân bay chuyên dùng
1. Hồ sơ đề nghị bao gồm:
a) Đơn đề nghị mở lại sân bay chuyên dùng theo Mẫu 08 của Phụ lục ban hành theo Nghị định này;
b) Hồ sơ tài liệu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép đóng tạm thời sân bay chuyên dùng.
2. Trình tự, thủ tục giải quyết:
a) Tổ chức, cá nhân đề nghị mở lại sân bay chuyên dùng gửi 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này qua hệ thống bưu chính đến Bộ Tổng Tham mưu theo địa chỉ quy định tại Điều 19 Nghị định này;
b) Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định tại khoản 1 Điều này, Bộ Tổng Tham mưu có trách nhiệm thẩm định, kiểm tra, và có văn bản xin ý kiến của Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi mở sân bay chuyên dùng trên mặt đất, mặt nước;
Trường hợp, hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Tổng Tham mưu có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân đề nghị mở lại sân bay chuyên dùng biết để hoàn thiện hồ sơ theo quy định;
c) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi mở sân bay chuyên dùng có trách nhiệm trả lời bằng văn bản về Bộ Tổng Tham mưu;
d) Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản thống nhất của Bộ Giao thông vận tải và văn bản trả lời của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Tổng Tham mưu ra văn bản chấp thuận mở lại sân bay chuyên dùng;
Trường hợp chưa chấp thuận, Bộ Tổng Tham mưu có trách nhiệm trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do chưa chấp thuận.
Điều 19. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ đề nghị mở, đóng, mở lại sân bay chuyên dùng
Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu tiếp nhận hồ sơ và có trách nhiệm kiểm tra tính hợp lệ trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Chương IV
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG,
TỔ CHỨC VÀ CÁ NHÂN LIÊN QUAN
Điều 20. Bộ Quốc phòng
1. Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh liên quan để thống nhất việc quản lý và tổ chức khai thác sân bay chuyên dùng phù hợp với các quy hoạch tổng thể như bố trí quốc phòng kết hợp với phát triển kinh tế, xã hội, vùng, ngành, địa phương và xây dựng thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ, các khu kinh tế - quốc phòng.
2. Tổ chức quản lý hệ thống thông tin về sân bay chuyên dùng, quy định chức trách, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị chức năng trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh; quản lý việc mở, đóng, mở lại các sân bay chuyên dùng.
3. Chủ trì theo dõi, đôn đốc và phối hợp với các bộ, ngành, chính quyền cấp tỉnh hướng dẫn việc kiểm tra, thanh tra, giám sát, ngăn ngừa và xử lý các vi phạm pháp luật trong mở, đóng và tổ chức hoạt động của sân bay chuyên dùng.
4. Ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng và quản lý kết cấu hạ tầng, an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường; chỉ đạo kiểm tra việc tổ chức bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của sân bay chuyên dùng.
5. Thực hiện trưng dụng đối với sân bay chuyên dùng theo quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai.
Điều 21. Bộ Giao thông vận tải
1. Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng thực hiện các quy định của pháp luật về tổ chức hoạt động khai thác hàng không chung; tham gia hướng dẫn bảo đảm an ninh, an toàn sân bay chuyên dùng; thực hiện quy chế phối hợp trong việc kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của sân bay chuyên dùng.
2. Phối hợp với Bộ Quốc phòng và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc quản lý, khai thác, mở, đóng, đóng tạm thời, mở lại sân bay chuyên dùng.
3. Phối hợp với Bộ Quốc phòng, các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý, ngăn ngừa và xử lý các hoạt động của sân bay chuyên dùng ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh; kinh tế, xã hội.
4. Phối hợp với Bộ Quốc phòng thực hiện trưng dụng đối với sân bay chuyên dùng theo quy định pháp luật; trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai.
Điều 22. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
1. Phối hợp với Bộ Quốc phòng thống nhất triển khai các quy định pháp luật về việc mở, đóng, mở lại các sân bay chuyên dùng; quản lý, phát hiện, ngăn ngừa và xử lý các hoạt động của sân bay chuyên dùng ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.
2. Phối hợp với Bộ Quốc phòng thực hiện trưng dụng đối với sân bay chuyên dùng theo quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai.
3. Phối hợp với Bộ Quốc phòng tăng cường công tác quản lý vùng trời, quản lý bay, quản lý chặt chẽ sân bay chuyên dùng, bảo đảm trật tự, an ninh, an toàn xã hội.
Điều 23. Các tổ chức, cá nhân liên quan
1. Xây dựng, quản lý, khai thác sân bay chuyên dùng phải đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn kỹ thuật về vị trí, khai thác, sử dụng sân bay chuyên dùng; chấp hành sự kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về hoạt động sân bay chuyên dùng; bảo đảm các điều kiện về an ninh, an toàn hàng không, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, trật tự, an toàn xã hội.
2. Thực hiện đúng các quy định về quản lý, khai thác, sử dụng sân bay chuyên dùng không để xâm hại đến quốc phòng, an ninh, lợi ích và chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, hoặc thực hiện các hành vi trái pháp luật.
3. Chấp hành các quy định của pháp luật về mở, đóng sân bay chuyên dùng và trưng dụng các sân bay chuyên dùng theo quy định pháp luật.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 24. Kinh phí
Kinh phí xác định vị trí, phê duyệt thiết kế chi tiết xây dựng sân bay chuyên dùng được lấy từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn tài trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các nguồn vốn hợp pháp khác.
Điều 25. Xử lý vi phạm
Cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm việc quản lý, khai thác sân bay chuyên dùng hoặc không thực hiện trách nhiệm của mình quy định tại Nghị định này và các văn bản pháp luật khác có liên quan, thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật.
Điều 26. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.
Điều 27. Trách nhiệm thi hành
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.