• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 15/05/2004
  • Ngày hết hiệu lực: 15/03/2015
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 65/2004/QĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Nghệ An, ngày 19 tháng 4 năm 2004

QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Ban hành Quy chế hoạt động của lực lượng hải quan chuyên trách phòng,

chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Hải quan ngày 29 tháng 6 năm 2001;

Căn cứ Nghị định số 107/2002/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2002, của Chính phủ quy định phạm vi địa bàn hoạt động hải quan; quan hệ phối hợp trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và các hành vi khác vi phạm pháp luật hải quan;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy chế hoạt động của lực lượng hải quan chuyên trách phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

QUY CHẾ

Hoạt động của lực lượng Hải quan chuyên trách phòng,

chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới

(Ban hành kèm theo Quyết định số 65/2004/QĐ-TTg

ngày 19 tháng 4 năm 2004 của Thủ tướng, Chính phủ)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định về các hoạt động nghiệp vụ và điều kiện bảo đảm cho hoạt động nghiệp vụ của lực lượng hải quan chuyên trách phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới (sau đây gọi tắt là lực lượng kiểm soát hải quan).

Điều 2. Nguyên tắc hoạt động của lực lượng kiểm soát hải quan

1. Tuân thủ pháp luật; thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn mà pháp luật đã quy định; phát hiện kịp thời, chính xác và xử lý nghiêm minh các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và các hành vi khác vi phạm pháp luật hải quan; không gây khó khăn, cản trở cho các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh.

2. Lực lượng kiểm soát hải quan được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung, thống nhất; cơ quan cấp trên chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra hoạt động nghiệp vụ đối với cơ quan cấp dưới; cơ quan cấp dưới chấp hành sự chỉ đạo của cơ quan cấp trên, thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất theo yêu cầu của cấp trên.

3. Nghiêm cấm tiết lộ bí mật về công tác kiểm soát hải quan cho cá nhân, tổ chức không có trách nhiệm.

4. Các biện pháp nghiệp vụ, phương tiện nghiệp vụ chuyên dụng của lực lượng kiểm soát hải quan chỉ sử dụng vào mục đích phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và các hành vi khác vi phạm pháp luật hải quan.

5. Trong phạm vi địa bàn hoạt động hải quan, lực lượng kiểm soát hải quan chủ trì thực hiện công tác phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và các hành vi khác vi phạm pháp luật hải quan. Ngoài phạm vi địa bàn hoạt động hải quan, lực lượng kiểm soát hải quan có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan nhà nước hữu quan và chính quyền các cấp thực hiện công tác phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới và các hành vi khác vi phạm pháp luật hảiquan.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan

1. Vận động quần chúng tham gia phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới.

2. Điều tra nghiên cứu nắm tình hình.

3. Tuần tra kiểm soát.

4. Các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luậtđể phục vụ cho việc xác minh, làm rõ và xử lý hành vi vi phạm pháp luật hải quan.

5. Tiến hành một số hoạt động điều tra theo thẩm quyền quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự và Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự.

6. Thu thập thông tin trong nước và ngoài nước liên quan đến hoạt động hải quan để chủ động phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới, phục vụ thông quan hàng hoá và kiểm tra sau thông quan.

7. Các biện pháp trinh sát cần thiết để phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới và các hành vi khác vi phạm pháp luật hải quan.

Điều 4. Các biện pháp nghiệp vụ trinh sát cần thiết trong hoạt động kiểm soát hải quan

1. Cơ sở bí mật:

Lực lượng kiểm soát hải quan tuyển chọn người không thuộc biên chế ngành hải quan, có khả năng, điều kiện tham gia thực hiện nhiệm vụ kiểm soát hải quan theo nguyên tắc bí mật.

2. Biện pháp sưu tra:

Lực lượng kiểm soát hải quan tiến hành lập danh sách các tổ chức, cá nhân, mặt hàng, tuyến đường có nhiều khả năng liên quan đến hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới để chủ động áp dụng các biện pháp phòng ngừa và quản lý theo trọng tâm, trọng điểm.

3. Tổ chức đấu tranh chuyên án:

Lực lượng kiểm soát hải quan sử dụng tập trung và tổng hợp lực lượng, phương tiện, các biện pháp nghiệp vụ để ngăn chặn kịp thời, chính xác các hành vi vi phạm pháp luật hải quan; thu thập thông tin, tài liệu, chứng cứ, tạm giữ đối tượng vi phạm theo đúng nhiệm vụ và thẩm quyền mà pháp luật đã quy định.

4. Trong trường hợp cần thiết, lực lượng kiểm soát hải quan được áp dụng các biện pháp nghiệp vụ trinh sát nội tuyến, trinh sát ngoại tuyến, trinh sát kỹ thuật để phát hiện hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới.

Bộ trưởng Bộ Tài chính chủ trì, thống nhất với Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn cụ thể việc áp dụng các biện pháp trinh sát quy định tại khoản này.

Điều 5. Tuyển chọn, quản lý và sử dụng cơ sở bí mật

1. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan phê duyệt các cơ sở bí mật do Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tuyển chọn, xây dựng và đề xuất.

2. Cơ sở bí mật được xây dựng theo phương pháp giáo dục thuyết phục.

3. Quản lý và sử dụng cơ sở bí mật:

a) Cơ sở bí mật phải được sử dụng đúng mục đích, yêu cầu nghiệp vụ của lực lượng kiểm soát hải quan.

b) Phải có kế hoạch chủ động, an toàn rút cơ sở bí mật ra khỏi chuyên án khi sử dụng cơ sở bí mật để đấu tranh chuyên án, phá án.

c) Cơ sở bí mật được quản lý và sử dụng theo nguyên tắc bí mật, đơn tuyến.

d) Cán bộ tuyển chọn, xây dựng cơ sở bí mật nào thì quản lý, sử dụng cơ sở bí mật đó; đồng thời, có trách nhiệm lập hồ sơ cá nhân và hồ sơ công tác liên quan tới cơ sở bí mật.

đ) Cán bộ lãnh đạo trực tiếp phụ trách công tác kiểm soát hải quan phải theo dõi, quản lý mạng lưới cơ sở bí mật trong phạm vi, nhiệm vụ được giao.

e) Trường hợp cơ sở bí mật có hành vi vi phạm pháp luật, bị xử lý hành chính hoặc bị truy tố thì tổ chức hải quan trực tiếp tuyển chọn cơ sở bí mật này phải có trách nhiệm bảo vệ bí mật nghiệp vụ liên quan đến cơ sở bí mật.

4. Mọi hoạt động nghiệp vụ, tin tức và tài liệu do cơ sở bí mật cung cấp đều phải được kiểm tra theo đúng quy định.

5. Nghiêm cấm các trường hợp sau:

a) Sử dụng người cầm đầu, chủ mưu, tổ chức các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới hoặc đối tượng buôn lậu có hành vi vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng; trường hợp ngoại lệ, phải báo cáo Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định.

b) Sử dụng lại những cơ sở bí mật không đáp ứng các yêu cầu của lực lượng kiểm soát hải quan.

c) Cấp giấy giới thiệu, giấy đi đường, vũ khí, công cụ hỗ trợ cho cơ sở bí mật.

d) Sử dụng cơ sở bí mật phục vụ lợi ích riêng dưới bất kỳ hình thức nào.

Điều 6. Chế độ chính sách đối với cơ sở bí mật

1. Cơ sở bí mật được bảo vệ về tính mạng, các lợi ích hợp pháp về chính trị và pháp lý liên quan đến hoạt động cộng tác với lực lượng kiểm soát hải quan.

2. Cơ sở bí mật hoàn thành tốt nhiệm vụ được khen thưởng.

3. Cơ sở bí mật trong khi làm nhiệm vụ bị tai nạn, bị thương, bị ốm đau hoặc chết thì được hưởng chế độ chính sách theo quy định.

Bộ trưởng Bộ Tài chính chủ trì, thống nhất với các Bộ, ngành liên quan quy định cụ thể Điều này.

Điều 7. Các điều kiện bảo đảm cho hoạt động nghiệp vụ kiểm soát hải quan

1. Lực lượng kiểm soát hải quan được trang bị, sử dụng phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ cần thiết để phục vụ cho hoạt động kiểm soát hải quan theo quy định của pháp luật.

2. Kinh phí chi cho hoạt động nghiệp vụ đặc thù của lực lượng kiểm soát hải quan quy định tại Điều 8 Quy chế này.

3. Lực lượng kiểm soát hải quan được: yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho việc xác minh hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và các hành vi khác vi phạm pháp luật hải quan; yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính mở bưu phẩm, bưu kiện, hàng hóa được xuất khẩu, nhập khẩu qua đường bưu chính để kiểm tra khi có căn cứ cho rằng trong bưu phẩm, bưu kiện, hàng hóa đó có tài liệu hàng hóa liên quan đến buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và các hành vi khác vi phạm pháp luật hải quan.

4. Trong trường hợp cần thiết, lực lượng kiểm soát hải quan được yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân phối hợp lực lượng, hỗ trợ các loại phương tiện giao thông để phục vụ việc truy đuổi, bắt giữ đối tượng có hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và các hành vi khác vi phạm pháp luật hải quan. Nếu phương tiện được hỗ trợ bị thiệt hại thì cơ quan hải quan phải bồi thường thiệt hại cho chủ sở hữu phương tiện theo quy định của pháp luật.

Điều 8. Kinh phí chi cho hoạt động nghiệp vụ đặc thù của lực lượng kiểm soát hải quan

1. Kinh phí chi cho hoạt động nghiệp vụ đặc thù của lực lượng kiểm soát hải quan bao gồm:

a) Chi cho việc tuyển chọn, xây dựng, quản lý, sử dụng, thực hiện chế độ chính sách đối với cơ sở bí mật.

b) Chi mua tin.

c) Chi hỗ trợ công tác đấu tranh chuyên án.

d) Chi khác liên quan đến hoạt động nghiệp vụ đặc thù của lực lượng kiểm soát hải quản theo quy định.

2. Nguồn kinh phí chi cho các hoạt động nghiệp vụ đặc thù quy định tại khoản 1 Điều này bố trí trong tổng dự toán ngân sách nhà nước hàng năm giao cho Tổng cục Hải quan.

3. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu để ban hành cơ chế quản lý và sử dụng kinh phí chi cho hoạt động nghiệp vụ đặc thù của lực lượng kiểm soát hải quan theo đúng quy định hiện hành, bảo đảm điều kiện cần thiết để lực lượng kiểm soát hải quan thực hiện tốt chức năng và nhiệm vụ được giao.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Cơ quan nhà nước các cấp, các tổ chức và cá nhân liên quan có trách nhiệm phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi để lực lượng kiểm soát hải quan hoàn thành nhiệm vụ.

Mọi hành vi cản trở hoặc không chấp hành quy chế này đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 10. Bộ trưởng Bộ Tài chính chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn thực hiện quy chế này.

Trong quá trình thực hiện Quy chế, nếu có vướng mắc cần bổ sung, sửa đổi thì Bộ trưởng Bộ Tài chính có trách nhiệm tổng hợp báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định./.

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.