• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 22/12/2004
  • Ngày hết hiệu lực: 04/06/2010
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 196/2004/QĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Nghệ An, ngày 29 tháng 11 năm 2004

QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Phê duyệt quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư Dự án thuỷ điện Sơn La

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Đất đai ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị quyết số 44/2001/QH10 Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá X và Nghị quyết số 13/2002/QH11 Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XI về công trình thủy điện Sơn La;

Căn cứ Nghị định số 22/1998/NĐ-CP ngày 24 tháng 8 năm 1998 của Chính phủ;

Căn cứ Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 1999 của Chính phủ đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 05 tháng 5 năm 2000 và Nghị định số 07/2003/NĐ-CP ngày 30 tháng 01 năm 2003 của Chính phủ;

Căn cứ Quyết định số 92/QĐ-TTg ngày 15 tháng 01 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đầu tư Dự án thủy điện Sơn La;

Căn cứ Quyết định số 459/QĐ-TTg ngày 12 tháng 5 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy định về bồi thường, di dân, tái định cư Dự án thủy điện Sơn La;

Căn cứ Quyết định số 1251/QĐ-TTg ngày 23 tháng 11 năm 2004 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của của Quyết định số 459/QĐ-TTg ngày 12 tháng 5 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ.

Xét đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Công văn số 6663/BKH-TĐ&GSĐT ngày 21 tháng 10 năm 2004), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Tờ trình số 2013/BNN-HTX ngày 26 tháng 8 năm 2004) và ý kiến của Uỷ ban nhân dân các tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu,

 

 

QUYẾT ĐỊNH:

 

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư Dự án thủy điện Sơn La theo các nội dung sau:

1. Mục tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu di dân, tái định cư Dự án thủy điện Sơn La.

a) Mục tiêu:

Di dân, tái định cư Dự án thủy điện Sơn La phải tạo được các điều kiện để đồng bào tái định cư sớm ổn định chỗ ở và đời sống, trên cơ sở khai thác tiềm năng về tài nguyên và sức lao động, từng bước thay đổi cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cuộc sống vật chất, tinh thần ngày càng tốt hơn nơi ở cũ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường sinh thái.

b) Nhiệm vụ: từ nay đến năm 2010 tổ chức thực hiện bồi thường, di chuyển và tái định cư cho hộ gia đình và cá nhân thuộc đối tượng di dân tái định cư; bồi thường di chuyển và xây dựng lại kết cấu hạ tầng và công trình kiến trúc - văn hóa xã hội của các tổ chức, đơn vị trong mặt bằng thi công và vùng ngập của hồ chứa Dự án thủy điện Sơn La.

c) Yêu cầu:

- Công tác di dân, tái định cư phải được các cấp, các ngành, các đoàn thể quần chúng phối hợp chặt chẽ để tổ chức và thực hiện theo phương châm: Trung ương quy định và hướng dẫn cơ chế, chính sách chung, các tỉnh cụ thể hoá và tổ chức triển khai thực hiện.

- Tái định cư trong vùng, trong tỉnh là chính, thực hiện các hình thức tái định cư khác nhau: tập trung nông thôn và đô thị, xen ghép, tự nguyện di chuyển, phù hợp với các điều kiện cho sản xuất, phong tục, tập quán và nguyện vọng của đồng bào các dân tộc ở nơi đi cũng như nơi đến. Khuyến khích đồng bào tự di chuyển nhà cũ, tự xây dựng nhà ở tại nơi tái định cư theo quy hoạch và khuyến khích hình thức tái định cư xen ghép. Di dân, tái định cư cần coi trọng việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, sự đoàn kết giữa dân tái định cư và dân sở tại.

- Ưu tiên nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án đầu tư khác trên địa bàn (giao thông, thủy lợi, điện, xây dựng đô thị mới v.v...) với dự án di dân, tái định cư để xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng tại các vùng tái định cư.

2. Phương án quy hoạch di dân, tái định cư

a) Về thiệt hại và số dân phải di chuyển đến năm 2010:

- Tổng diện tích đất bị ngập 23.333 ha, trong đó: đất nông nghiệp 7.670 ha; đất lâm nghiệp có rừng 3.170 ha; đất chuyên dùng 879 ha; đất ở 527 ha; đất chưa sử dụng 11.087 ha.

- Tổng hợp giá trị thiệt hại về tài sản của hộ tái định cư, công trình kiến trúc và kết cấu hạ tầng khoảng 1.788 tỷ đồng, trong đó: giá trị thiệt hại tài sản của các tổ chức là 737 tỷ đồng, giá trị thiệt hại tài sản của hộ gia đình và cá nhân là 1.051 tỷ đồng.

- Số dân phải di chuyển dự tính đến năm 2010 (đã tính dự phòng 10%) là 18.897 hộ, 91.100 khẩu (tỉnh Sơn La 12.479 hộ, 62.394 khẩu; tỉnh Điện Biên 3.840 hộ, 14.959 khẩu; tỉnh Lai Châu 2.578 hộ, 13.747 khẩu) thuộc 8 huyện, thị xã bị ảnh hưởng (tỉnh Sơn La 3 huyện, tỉnh Điện Biên 3 huyện, tỉnh Lai Châu 2 huyện).

b) Phương án bố trí tái định cư :

Tỉnh Sơn La: trên địa bàn tỉnh Sơn La có 10 vùng (thuộc 10 huyện), 83 khu (thuộc 83 xã), 218 điểm tái định cư, bố trí 100% số hộ tái định cư của tỉnh, gồm 12.479 hộ, 62.394 khẩu, dự kiến bố trí như sau:

- Vùng tái định cư huyện Quỳnh Nhai: gồm 9 khu, 30 điểm, bố trí 2.070 hộ (trong đó có 560 hộ phi nông nghiệp tại thị trấn Phiêng Lanh, 1.510 hộ nông nghiệp). Hướng sản xuất: trồng các loại cây lương thực, cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn quả, trồng rừng nguyên liệu, chăn nuôi đại gia súc. Mỗi hộ tái định cư được giao từ 1,0 - 1,5 ha đất nông nghiệp, từ 3,0 - 5,0 ha đất lâm nghiệp và đất trồng cỏ chăn nuôi. Đối với hộ phi nông nghiệp, hướng sản xuất chủ yếu là sản xuất công nghiệp và dịch vụ.

- Vùng tái định cư huyện Mường La: gồm 7 khu, 17 điểm, bố trí 1.439 hộ. Hướng sản xuất: trồng lúa, ngô và cây lương thực khác, cây công nghiệp, cây ăn quả, trồng rừng nguyên liệu, chăn nuôi đại gia súc, gia cầm. Mỗi hộ tái định cư được giao từ 1,2 - 1,5 ha đất nông nghiệp, 0,5 - 1,0 ha đất lâm nghiệp và đất trồng cỏ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

- Vùng tái định cư huyện Thuận Châu: gồm 16 khu, 39 điểm, bố trí 1.677 hộ. Hướng sản xuất: trồng cây lương thực, cây công nghiệp như chè các loại, cà phê chè, cây ăn quả, trồng rừng nguyên liệu; chăn nuôi đại gia súc, gia cầm. Mỗi hộ tái định cư được giao từ 1,2 - 1,5 ha đất nông nghiệp, từ 1,5 - 2,0 ha đất lâm nghiệp và đất trồng cỏ chăn nuôi.

- Vùng tái định cư huyện Mộc Châu: gồm 13 khu, 28 điểm, bố trí 1.651 hộ. Hướng sản xuất: trồng cây lương thực, trồng chè, rau các loại, cây ăn quả; chăn nuôi bò sữa, bò thịt. Mỗi hộ tái định cư được giao từ 0,5 - 1,0 ha đất trồng cây lâu năm, từ 0,5 - 1,0 ha đất lâm nghiệp và đất trồng cỏ chăn nuôi.

- Vùng tái định cư huyện Mai Sơn: gồm 13 khu, 36 điểm, bố trí 1.665 hộ. Hướng sản xuất: trồng cây lương thực: lúa, ngô cao sản, trồng chè và cây công nghiệp khác, trồng rau các loại, cây ăn quả, trồng rừng nguyên liệu; chăn nuôi đại gia súc. Mỗi hộ tái định cư được giao từ 1,5 - 2,0 ha đất nông nghiệp, từ 2,0 - 2,5 ha đất lâm nghiệp và đất trồng cỏ chăn nuôi.

- Vùng tái định cư huyện Yên Châu: gồm 7 khu, 16 điểm, bố trí 750 hộ. Hướng sản xuất: trồng cây lương thực, cây nguyên liệu, trồng chè và cây ăn quả, trồng rừng nguyên liệu; chăn nuôi đại gia súc; sản xuất thức ăn gia súc. Mỗi hộ tái định cư được giao từ 1,0 - 1,5 ha đất nông nghiệp, từ 2,0 - 2,5 ha đất lâm nghiệp và đồng cỏ chăn nuôi.

- Vùng tái định cư huyện Sông Mã: gồm 5 khu, 17 điểm, bố trí 830 hộ. Hướng sản xuất: trồng cây lương thực, cây công nghiệp, trồng rau, trồng cây ăn quả, trồng rừng nguyên liệu; chăn nuôi đại gia súc. Mỗi hộ tái định cư được giao từ 1,2 - 1,6 ha đất nông nghiệp, từ 1,5 - 2,0 ha đất lâm nghiệp và đất trồng cỏ chăn nuôi.

- Vùng tái định cư huyện Sốp Cộp: gồm 5 khu, 19 điểm, bố trí 885 hộ. Hướng sản xuất: trồng cây lương thực, cây công nghiệp ngắn ngày, rau, cây lâu năm chủ yếu là cây ăn quả, trồng rừng nguyên liệu; chăn nuôi đại gia súc. Mỗi hộ tái định cư được giao từ 1,2 - 1,7 ha đất nông nghiệp (trong đó có 0,2 - 0,3 ha đất trồng lúa), từ 2,0 - 2,5 ha đất lâm nghiệp và đất trồng cỏ chăn nuôi.

- Vùng tái định cư huyện Bắc Yên: gồm 4 khu, 7 điểm, bố trí 350 hộ. Hướng sản xuất: trồng cây lương thực, cây công nghiệp ngắn ngày, cây lâu năm chủ yếu là chè, cây ăn quả, trồng rừng nguyên liệu; chăn nuôi bò thịt. Mỗi hộ tái định cư được giao từ 1,0 - 1,3 ha đất trồng cây hàng năm, từ 0,7 - 1,0 ha đất trồng cây lâu năm, từ 2,5 - 4,0 ha đất lâm nghiệp và đất trồng cỏ chăn nuôi.

- Vùng tái định cư thị xã Sơn La: gồm 4 khu, 9 điểm, bố trí 470 hộ. Hướng sản xuất: trồng cây lương thực, cây công nghiệp ngắn ngày, rau, cây lâu năm gồm cà phê, chè, cây ăn quả, trồng rừng nguyên liệu; chăn nuôi đại gia súc, gia cầm. Mỗi hộ tái định cư được giao từ 1,2 - 1,4 ha đất nông nghiệp, từ 0,5 - 0,7 ha đất lâm nghiệp và đất trồng cỏ chăn nuôi.

Tỉnh Lai Châu: trên địa bàn tỉnh Lai Châu có 4 vùng, 7 khu với 24 điểm tái định cư, có khả năng bố trí khoảng 4.043 hộ, gồm 2.578 hộ tái định cư của tỉnh Lai Châu (100%) và có thể bố trí khoảng 1.500 hộ tái định cư của tỉnh Điện Biên, dự kiến bố trí như sau:

- Vùng tái định cư huyện Sìn Hồ: gồm 3 khu, 13 điểm, bố trí 1.666 hộ :

+ Khu tái định cư vùng thấp huyện Sìn Hồ: gồm 9 điểm, bố trí 1.246 hộ của các xã vùng thấp Sìn Hồ. Hướng sản xuất chính của vùng là trồng lúa nước, ngô cao sản, lạc, đậu tương, trồng rừng nguyên liệu; phát triển chăn nuôi. Bình quân mỗi hộ được giao 0,63 ha đất trồng lúa; 1,93 ha đất nương rẫy, 0,2 ha đất trồng cây lâu năm, từ 2,0 - 3,0 ha đất lâm nghiệp và đất trồng cỏ chăn nuôi.

+ Khu tái định cư Lê Lợi: gồm 3 điểm, bố trí 270 hộ của xã Lê Lợi. Hướng sản xuất: trồng lúa nước, ngô cao sản, lạc, đậu tương, trồng rừng nguyên liệu giấy; phát triển chăn nuôi. Bình quân mỗi hộ được giao 0,27 ha đất trồng lúa, 0,4 ha đất nương rẫy, từ 1,5 - 2,0 ha đất lâm nghiệp và đất trồng cỏ chăn nuôi.

+ Khu tái định cư Chiềng Chăn: gồm 1 điểm, bố trí 150 hộ của xã Chăn Nưa. Hướng sản xuất: trồng lúa, ngô, trồng tre lấy măng và làm nguyên liệu giấy, sử dụng có hiệu quả đất bán ngập. Bình quân mỗi hộ được giao 0,72 ha đất nông nghiệp (trong đó có 0,6 ha đất lúa), 1,25 ha đất lâm nghiệp trồng cây nguyên liệu giấy, đất bán ngập 0,3 ha.

- Vùng tái định cư huyện Mường Tè: gồm 1 khu tái định cư Nậm Hằng, 4 điểm, bố trí 377 hộ của xã Nậm Hằng. Hướng sản xuất: trồng lúa nước, ngô, lạc, đậu tương, trồng rừng nguyên liệu và phát triển chăn nuôi. Bình quân mỗi hộ được giao 0,53 ha đất trồng lúa, 1,39 ha đất nương rẫy, 0,3 ha đất trồng cây lâu năm, từ 1,5 - 2,0 ha đất lâm nghiệp và đất trồng cỏ chăn nuôi.

- Vùng tái định cư Phong Thổ: gồm 1 khu tái định cư tại Pa So - Huổi Luông, 2 điểm, bố trí 500 hộ, gồm 300 hộ phi nông nghiệp của thị xã Lai Châu (tỉnh Điện Biên) và 200 hộ phi nông nghiệp của xã Chăn Nưa. Hướng sản xuất: trồng lúa, ngô, trồng tre lấy măng và làm nguyên liệu giấy. Bình quân mỗi hộ được giao 0,4 ha đất trồng lúa, 1,4 ha đất nương rẫy, 0,3 ha đất trồng cây lâu năm, từ 1,5 - 2,0 ha đất lâm nghiệp và đất trồng cỏ chăn nuôi.

- Vùng tái định cư Tam Đường: gồm 2 khu, 5 điểm, bố trí 1.500 hộ :

+ Khu tái định cư thị xã Lai Châu mới: gồm 2 điểm, bố trí 1.000 hộ, trong đó có 800 hộ phi nông nghiệp của thị xã Lai Châu cũ và 200 hộ nông nghiệp của xã Chăn Nưa. Quy mô tái định cư phải phù hợp với quy hoạch phát triển thị xã Lai Châu mới để bố trí hộ tái định cư phi nông nghiệp.

+ Khu tái định cư Bình Lư: gồm 3 điểm, bố trí 500 hộ, trong đó có 100 hộ phi nông nghiệp, 400 hộ nông nghiệp (gồm 200 hộ xã Chăn Nưa và 200 hộ từ nơi khác). Hướng sản xuất: trồng lúa, ngô, cây ăn quả, trồng rừng nguyên liệu và phát triển chăn nuôi bò. Mỗi hộ được giao từ 1,2 - 1,5 ha đất nông nghiệp, từ 2,0 - 3,0 ha đất lâm nghiệp và đất trồng cỏ chăn nuôi.

Tỉnh Điện Biên: dự báo đến năm 2010 số dân phải di chuyển của tỉnh Điện Biên là 3.840 hộ, trong đó bố trí trên địa bàn tỉnh là 2.739 hộ, gồm 2.087 hộ tái định cư đô thị và 652 hộ tái định cư nông thôn (đã di chuyển 200 hộ đến khu tái định cư mẫu Nậm Chim, Si Pa Phìn); bố trí tái định cư tại tỉnh Lai Châu 1.101 hộ; phương án bố trí tái định cư như sau: 

- Vùng tái định cư thị xã Lai Châu cũ: gồm 3 khu, 3 điểm, có khả năng bố trí 900 hộ, trước mắt bố trí 475 hộ có nguyện vọng tái định cư tại chỗ. Hướng sản xuất: trồng lúa nước, ngô cao sản, đậu tương và phát triển chăn nuôi. Mỗi hộ tái định cư được giao từ 1,1 - 1,5 ha đất nông nghiệp (trong đó, từ 0,4 - 0,6 ha đất trồng lúa), từ 2,0 - 2,5 ha đất lâm nghiệp và đất trồng cỏ chăn nuôi.

- Vùng tái định cư thành phố Điện Biên Phủ: gồm 4 khu thuộc 4 phường : Noong Bua, Thanh Trường, Nam Thanh và Tân Thanh, có khả năng bố trí 1.000 hộ. Trước mắt bố trí 819 hộ (gồm 116 hộ nông nghiệp và 703 hộ phi nông nghiệp của thị xã Lai Châu cũ) có nguyện vọng tái định cư tại thành phố Điện Biên Phủ.

- Vùng tái định cư thị trấn huyện Điện Biên: gồm 1 khu, 1 điểm, có khả năng bố trí 400 hộ. Trước mắt bố trí 84 hộ tái định cư phi nông nghiệp của thị xã Lai Châu. Dự kiến hình thành thị trấn huyện Điện Biên tại Pú Tửu có khả năng bố trí khoảng 400 hộ, trước mắt bố trí 84 hộ.

- Vùng tái định cư huyện Điện Biên: gồm 1 khu tại Mường Nhà, 2 điểm, có khả năng bố trí 300 hộ, trước mắt bố trí 134 hộ nông nghiệp của thị xã Lai Châu. Hướng sản xuất: trồng lúa nước, trồng cây ăn quả, trồng rừng phòng hộ và rừng sản xuất; chăn nuôi trâu, bò thịt. Mỗi hộ tái định cư được giao khoảng 1,3 ha đất nông nghiệp (trong đó có 0,35 ha đất trồng lúa, 0,4 ha đất nương rẫy), từ 0,8 - 1,0 ha đất lâm nghiệp và đất trồng cỏ chăn nuôi.

- Vùng tái định cư huyện Điện Biên Đông: gồm 1 khu, 1 điểm tái định cư tại Pú Nhi, bố trí 200 hộ của xã Lay Nưa. Hướng sản xuất: trồng lúa nước, chè, trồng rừng phòng hộ, rừng sản xuất; chăn nuôi trâu, bò thịt. Mỗi hộ được giao khoảng 1,5 ha đất nông nghiệp (trong đó có 0,4 ha đất trồng lúa, 0,5 ha đất nương rẫy), từ 0,7 - 1,0 ha đất lâm nghiệp và đất trồng cỏ chăn nuôi.

- Vùng tái định cư huyện Mường Lay: gồm 3 khu, 3 điểm, bố trí 300 hộ (trong đó đã tiếp nhận 200 hộ của xã Chăn Nưa tại Nậm Chim), còn 100 hộ sẽ bố trí tại 2 điểm Vân Hồ và Hồ Chim. Hướng sản xuất: trồng lúa nước, ngô cao sản, lạc, đậu tương; khoanh nuôi, bảo vệ rừng; phát triển chăn nuôi. Mỗi hộ được giao khoảng 2,5 ha đất nông nghiệp (trong đó có 1,1 ha đất trồng lúa), từ 3,5 - 5,7 ha đất lâm nghiệp và đất trồng cỏ chăn nuôi.

- Vùng tái định cư huyện Tủa Chùa: gồm 3 khu, 3 điểm, bố trí 400 hộ, trước mắt bố trí 170 hộ tái định cư tại chỗ. Hướng sản xuất chính: trồng lúa nước, ngô cao sản, lạc, đậu tương, trồng rừng nguyên liệu và phát triển chăn nuôi. Mỗi hộ được giao khoảng 1,2 ha đất nông nghiệp (trong đó có 0,39 ha đất trồng lúa, 0,4 ha đất nương rẫy), từ 0,8 - 1,0 ha đất lâm nghiệp và đất trồng cỏ chăn nuôi.

- Vùng tái định cư huyện Mường Nhé: gồm 5 khu, 11 điểm, bố trí 1.421 hộ (gồm 300 hộ phi nông nghiệp và 1.121 hộ nông nghiệp). Trước mắt, bố trí 672 hộ (gồm 290 hộ của thị xã Lai Châu cũ, 217 hộ của huyện Mường Lay, 165 hộ của huyện Tủa Chùa). Hướng sản xuất: trồng lúa nước, ngô cao sản, lạc, đậu tương; khoanh nuôi, bảo vệ rừng; phát triển chăn nuôi. Mỗi hộ được giao khoảng 1,8 ha đất nông nghiệp (trong đó có 0,4 - 0,7 ha đất trồng lúa), từ 2,5 - 3,0 ha đất lâm nghiệp và đất trồng cỏ chăn nuôi.

c) Phương án cụ thể bố trí khu, điểm, số hộ tái định cư trên địa bàn các tỉnh, thực hiện theo số liệu tại báo cáo chính của Quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư Dự án thủy điện Sơn La, kèm theo tờ trình số 2013-BNN-HTX ngày 26 tháng 8 năm 2004 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

d) Tiến độ di dân, tái định cư : tiến độ di dân, tái định cư phải đáp ứng tiến độ dâng nước hồ chứa; dự kiến tiến độ các năm như sau:

Đơn vị tính: hộ

Dự báo số hộ di chuyển qua các năm

2005

2006

2007

2008

2009

2010

Tổng số

14.993

18.897

3.025

3.287

7.015

3.570

1.552

449

1

Tỉnh Sơn La

9.650

12.479

2.846

2.384

5.318

1.824

108

0

2

Tỉnh Điện Biên

3.219

3.840

0

185

1.181

1.135

919

420

3

Tỉnh Lai Châu

2.124

2.578

179

718

516

611

525

29

 

3. Tổng mức vốn đầu tư, nguồn vốn và phân kỳ vốn đầu tư:

a) Tổng mức vốn đầu tư: 10.294.915 triệu đồng, trong đó:

- Tái định cư khu vực nông thôn: 7.092.873 triệu đồng

- Tái định cư khu vực đô thị: 1.650.000 triệu đồng

- Chi phí khác (khảo sát thiết kế, quản lý, dự phòng): 1.552.042 triệu đồng.

b) Nguồn vốn đầu tư:

- Nguồn vốn Tổng công ty Điện lực Việt Nam: 4.633.031 triệu đồng.

- Nguồn vốn ngân sách nhà nước: 5.000.000 triệu đồng.

- Nguồn vốn vay ưu đãi và huy động từ các hộ dân, các doanh nghiệp để phát triển sản xuất, dự kiến là: 661.884 triệu đồng.

c) Dự kiến phân kỳ vốn đầu tư hàng năm:

Đơn vị tính : triệu đồng

Phân theo năm

Năm 2005

Năm

2006

Năm

2007

Năm

2008

Năm 2009

Năm 2010

Tổng số

10.294.915

3.009.232

2.525.895

2.887.497

1.317.205

477.167

77.919

I. TĐC khu vực nông thôn

7.092.873

1.869.030

1.558.573

2.178.961

1.035.019

387.941

63.349

1. Chi phí bồi thường

1.429.329

326.397

272.757

594.048

204.947

21.811

9.369

2. Đầu tư xây dựng khu TĐC

3.463.768

1.003.366

838.582

847.569

508.709

265.542

0

3. Đầu tư sản xuất và hỗ trợ TĐC

2.199.776

539.267

447.234

737.344

321.363

100.588

53.980

II. TĐC khu vực

đô thị

1.650.000

577.500

495.000

412.500

165.000

0

0

III. Chi phí khác

1.552.042

562.702

472.322

296.036

117.186

89.226

14.570

 

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Trách nhiệm của các Bộ, ngành Trung ương

a) Trách nhiệm của các Bộ, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công nghiệp, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; các Bộ, ngành có liên quan và Tổng công ty Điện lực Việt Nam thực hiện nhiệm vụ của Bộ, ngành về công tác di dân, tái định cư Dự án thủy điện Sơn La đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 92/QĐ-TTg ngày 15 tháng 01 năm 2004 về phê duyệt đầu tư Dự án thủy điện Sơn La; Quyết định số 677/QĐ-TTg ngày 18 tháng 6 năm 2004 về việc ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Nhà nước Dự án thủy điện Sơn La; Quyết định số 459/QĐ-TTg ngày 12 tháng 5 năm 2004 về việc ban hành quy định về bồi thường, di dân, tái định cư Dự án thủy điện Sơn La.

b) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: ngoài những nhiệm vụ quy định tại mục a khoản 1 Điều này, Bộ thực hiện những nhiệm vụ sau:

- Hướng dẫn Uỷ ban nhân dân các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết khu tái định cư trên địa bàn của từng tỉnh; quy hoạch vùng sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, trước mắt tập trung cho những vùng tái định cư Dự án thủy điện Sơn La.

- Chỉ đạo việc lập dự án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng của vùng Tây Bắc, trong đó đặc biệt chú ý khôi phục rừng phòng hộ hệ thống Sông Đà, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- Thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết khu tái định cư cho tỉnh có dân tái định cư đến từ tỉnh khác, khu tái định cư phát sinh trong quá trình thực hiện di dân, tái định cư nhưng chưa có trong phương án bố trí tái định cư, quy định tại mục b khoản 2 Điều 1 của Quyết định này và tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

- Xem xét, có ý kiến đối với các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu trong việc điều chỉnh, bổ sung quy mô số hộ bố trí tại khu tái định cư đã được quy định tại mục b khoản 2 Điều 1 của Quyết định này, theo đề nghị của Uỷ ban nhân dân các tỉnh.

- Hướng dẫn các tỉnh tổ chức thực hiện việc kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện bồi thường, di dân, tái định cư: từ khâu quy hoạch chi tiết, thực hiện các dự án thành phần đến khi bàn giao công trình đưa vào sử dụng.

- Sau khi các tỉnh hoàn thành quy hoạch chi tiết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Uỷ ban nhân dân các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

c) Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Uỷ ban nhân dân các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu khẩn trương xây dựng phương án tổ chức lại các đơn vị hành chính của các xã bị ngập, các xã tiếp nhận dân tái định cư trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

d) Bộ Thủy sản: hướng dẫn các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu xây dựng quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản; chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu khoa học, Trung tâm khuyến ngư quốc gia hướng dẫn nông dân lựa chọn giống loài, kỹ thuật nuôi trồng thủy sản phù hợp tại vùng lòng hồ hệ thống Sông Đà.

đ) Bộ Văn hóa - Thông tin chủ trì, phối hợp với với Uỷ ban nhân dân các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu khảo sát, đánh giá, lập dự án bảo tồn di sản văn hóa vùng ngập lòng hồ và vùng tái định cư, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định hiện hành.

2. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu

a) Uỷ ban nhân dân các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu:

- Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về công tác di dân, tái định cư Dự án thủy điện Sơn La đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 92/QĐ-TTg ngày 15 tháng 01 năm 2004 về phê duyệt đầu tư Dự án thủy điện Sơn La; Quyết định số 677/QĐ-TTg ngày 18 tháng 6 năm 2004 về việc ban hành Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo Nhà nước Dự án thủy điện Sơn La; Quyết định số 459/QĐ-TTg ngày 12 tháng 5 năm 2004 về việc ban hành quy định về bồi thường, di dân, tái định cư Dự án thủy điện Sơn La.

- Chỉ đạo lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch chi tiết khu tái định cư đã được xác định trong Quy hoạch tổng thể này theo cơ chế, chính sách quy định tại Quyết định số 459/QĐ-TTg ngày 12 tháng 5 năm 2004, Quyết định số 1251/QĐ-TTg ngày 23 tháng 11 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ và theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về nội dung, trình tự quy hoạch chi tiết khu tái định cư (Công văn số 2592/BNN-HTX ngày 27 tháng 10 năm 2004).

- Thực hiện việc lồng ghép các chương trình, dự án khác trên địa bàn tỉnh với Dự án bồi thường di dân, tái định cư Dự án thủy điện Sơn La nhằm phát huy hiệu quả đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

b) Về quy hoạch chi tiết: Uỷ ban nhân dân các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu cần chú ý những nội dung sau:

+ Khẩn trương chỉ đạo việc lập, thẩm định và trình duyệt các quy hoạch chi tiết khu, điểm tái định cư trên địa bàn tỉnh, trong đó có các quy hoạch đô thị tiếp nhận dân tái định cư như: các thị trấn: Quỳnh Nhai tại Phiêng Lanh, Mường La, Sốp Cộp (tỉnh Sơn La); quy hoạch mở rộng thành phố Điện Biên Phủ, các thị trấn: Điện Biên, Mường Nhé, Lai Châu cũ (tỉnh Điện Biên); thị xã Lai Châu mới, các thị trấn: Pa So, Bình Lư (tỉnh Lai Châu), hoàn thành trong năm 2005. Đối với những nơi tái định cư tiếp nhận dân trong các năm 2005 -2006, cần ưu tiên hoàn thành quy hoạch chi tiết trong 6 tháng đầu năm 2005.

+ Trong quy hoạch chi tiết cần làm rõ các vấn đề còn tồn tại của Quy hoạch tổng thể đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu tại công văn số 663/BKH-TĐ&GSĐT ngày 21 tháng 10 năm 2004.

c) Các cấp chính quyền của các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy đảng và các tổ chức đoàn thể nơi có dân đi, dân đến, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm chỉnh quy định về bồi thường, hỗ trợ, di dân tái định cư và các chính sách khác có liên quan. Thực hiện dân chủ, công khai trong quá trình triển khai dự án, tạo điều kiện để người dân tham gia giám sát việc bồi thường, hỗ trợ, di dân tái định cư. Thực hiện tốt công tác chỉ đạo, kiểm tra giám sát việc thực hiện dự án để đảm bảo hiệu quả đầu tư.

Điều 3. Điều khoản thi hành

Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công nghiệp, Xây dựng, Giao thông vận tải, Văn hóa - Thông tin, Nội vụ, Thủy sản; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thủ trưởng các Bộ, ngành liên quan, Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực Việt Nam và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.