Sign In

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn việc miễn, giảm thi hành án đối với khoản tiền phạt, án phí

____________________________

 

Để thi hành đúng và thống nhất các quy định về miễn, giảm thi hành án đối với khoản tiền phạt, án phí (sau đây gọi tắt là miễn, giảm thi hành án) của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Pháp lệnh Thi hành án dân sự và Nghị định số 173/2004/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2004 của Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Tài chính thống nhất hướng dẫn như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Giải thích từ ngữ

1.1. "Miễn, giảm thi hành án":

a) “Miễn thi hành án” là trường hợp người phải thi hành khoản tiền phạt, án phí theo bản án, quyết định của Toà án nhưng có đủ các điều kiện do pháp luật quy định và hướng dẫn của Thông tư này nên được Toà án có thẩm quyền quyết định miễn thi hành toàn bộ tiền phạt, án phí hoặc phần tiền phạt, án phí còn lại;

b) “Giảm thi hành án” là trường hợp người phải thi hành khoản tiền phạt, án phí theo bản án, quyết định của Toà án nhưng có đủ các điều kiện do pháp luật quy định và hướng dẫn của Thông tư này nên được Toà án có thẩm quyền quyết định giảm thi hành một phần tiền phạt, án phí;

c) "Tiền phạt" được miễn, giảm gồm các khoản tiền phạt được thi hành theo quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự, không phân biệt quyết định phạt tiền là hình phạt chính hay hình phạt bổ sung;

d) "án phí" được miễn, giảm gồm các khoản án phí có giá ngạch và không có giá ngạch.

1.2. “Đã thi hành được một phần hình phạt tiền” là trường hợp người phải thi hành án đã nộp một khoản tiền hoặc tài sản để thi hành án ít nhất bằng 1/20 khoản tiền phạt phải thi hành, nhưng giá trị không được thấp hơn mức án phí không có giá ngạch.

1.3. "Người phải thi hành án lập công lớn” là người đã có hành động giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hiện, truy bắt, điều tra tội phạm; cứu được người khác trong tình thế hiểm nghèo hoặc đã cứu được tài sản của nhà nước, của tập thể, của công dân trong thiên tai, hoả hoạn; có những phát minh, sáng chế hoặc sáng kiến có giá trị được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khen thưởng.

1.4. “Người phải thi hành án bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài” là người bị mất toàn bộ hoặc phần lớn tài sản, mất hoặc giảm thu nhập, không bảo đảm hoặc chỉ bảo đảm được tối thiểu cuộc sống cho bản thân người đó và gia đình từ mười hai tháng trở lên, kể từ thời điểm bị thiên tai, hoả hoạn, tai nạn, ốm đau đến thời điểm xét miễn, giảm thi hành án, trừ trường hợp do người phải thi hành án tự gây ra tai nạn, ốm đau cho bản thân họ nhằm trốn tránh nghĩa vụ thi hành án.

2. Nguyên tắc xét miễn, giảm thi hành án

2.1. Việc xét miễn, giảm thi hành án được tiến hành hàng quý trong năm, nhưng mỗi đối tượng phải thi hành án chỉ được xét miễn hoặc giảm không quá một lần trong một năm. Trường hợp một người phải thi hành nhiều khoản tiền phạt, án phí trong nhiều bản án, quyết định khác nhau, thì đối với mỗi bản án, quyết định, người phải thi hành án chỉ được xét miễn hoặc giảm thi hành án một lần trong một năm.

2.2. Không xét miễn, giảm thi hành án đối với người có đủ điều kiện xét miễn, giảm nhưng kể từ ngày bị xử phạt tiền, buộc phải chịu án phí đến thời điểm xét miễn, giảm mà lại phạm tội mới.

2.3. Người được xét miễn, giảm thi hành án không phải nộp lệ phí và các chi phí liên quan đến việc xét miễn, giảm. Chi phí cho việc điều tra, xác minh, lập hồ sơ, thụ lý hồ sơ và tổ chức xét miễn, giảm thi hành án được lấy từ kinh phí nghiệp vụ của Cơ quan Thi hành án dân sự địa phương, Thi hành án cấp quân khu, Trại giam, Viện kiểm sát, Toà án giải quyết vụ việc đó.

3. Các trường hợp được miễn thi hành án

3.1. Khi hết thời hạn năm năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án lần đầu, người phải thi hành khoản tiền phạt trong các vụ án hình sự về ma tuý (các tội phạm về ma tuý) được miễn thi hành án khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Không thuộc trường hợp phạm tội có tổ chức, phạm tội nhiều lần, lợi dụng chức vụ quyền hạn, thu lợi bất chính lớn;

b) Số tiền phạt còn lại từ hai mươi triệu đồng trở xuống;

c) Không có tài sản, không có thu nhập hoặc điều kiện khác để thi hành án (trừ trường hợp người phải thi hành án có tài sản chung chưa được phân chia hoặc vì lý do khách quan khác nên không xử lý được để thi hành án) hoặc bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hoả hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra mà không thể chấp hành được số tiền phạt còn lại.

3.2. Khi chưa hết thời hạn năm năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án lần đầu, người phải thi hành khoản tiền phạt trong các vụ án hình sự về ma tuý (các tội phạm về ma tuý) được miễn thi hành án khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có các điều kiện a và b được hướng dẫn tại tiểu mục 3.1 mục 3 phần I Thông tư này;

b) Đã chấp hành được một phần hình phạt tiền, trừ trường hợp người chưa thành niên khi phạm tội;

c) Bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hoả hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra mà không thể chấp hành hình phạt tiền còn lại hoặc lập công lớn.

3.3. Khi hết thời hạn mười năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án lần đầu, người phải thi hành khoản tiền phạt trong các vụ án hình sự về các loại tội phạm không phải là tội phạm về ma tuý hoặc người phải thi hành khoản tiền phạt trong các vụ án hình sự về ma tuý (các tội phạm về ma tuý) là người phạm tội có tổ chức, phạm tội nhiều lần, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thu lợi bất chính lớn được miễn thi hành án khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Số tiền phạt còn lại từ hai mươi triệu đồng trở xuống;

b) Không có tài sản, thu nhập hoặc điều kiện khác để thi hành án (trừ trường hợp người phải thi hành án có tài sản chung chưa được phân chia hoặc vì lý do khách quan khác nên không xử lý được để thi hành án) hoặc đã tích cực chấp hành được một phần hình phạt, nhưng bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hoả hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra mà không thể chấp hành được số tiền phạt còn lại.

3.4. Khi chưa hết thời hạn mười năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án lần đầu, người phải thi hành khoản tiền phạt trong các vụ án hình sự về các loại tội phạm không phải là tội phạm về ma tuý hoặc người phải thi hành khoản tiền phạt trong các vụ án hình sự về ma tuý (các tội phạm về ma tuý) là người phạm tội có tổ chức, phạm tội nhiều lần, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thu lợi bất chính lớn được miễn thi hành án khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Số tiền phạt còn lại từ hai mươi triệu đồng trở xuống;

b) Đã chấp hành được một phần hình phạt tiền, trừ trường hợp người chưa thành niên khi phạm tội;

c) Bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hoả hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra mà không thể chấp hành được số tiền phạt còn lại hoặc lập công lớn.

3.5. Người phải thi hành khoản án phí nếu không có tài sản, thu nhập hoặc điều kiện khác để thi hành án (trừ trường hợp người phải thi hành án có tài sản chung chưa được phân chia hoặc vì lý do khách quan khác nên không xử lý được để thi hành án) hoặc bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hoả hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra mà không thể chấp hành được số tiền án phí còn lại, được miễn thi hành án khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Đã hết thời hạn năm năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án lần đầu đối với khoản án phí không có giá ngạch;

b) Đã hết thời hạn mười năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án lần đầu đối với khoản án phí có giá ngạch từ hai mươi triệu đồng trở xuống.

4. Các trường hợp được giảm thi hành án

4.1. Khi hết thời hạn năm năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án lần đầu, người phải thi hành khoản tiền phạt trong các vụ án hình sự về ma tuý (các tội phạm về ma tuý) được giảm thi hành án khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Không thuộc trường hợp phạm tội có tổ chức, phạm tội nhiều lần, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thu lợi bất chính lớn;

b) Số tiền phạt còn lại từ trên hai mươi triệu đồng;

c) Không có tài sản, không có thu nhập hoặc điều kiện khác để thi hành án (trừ trường hợp người phải thi hành án có tài sản chung chưa được phân chia hoặc vì lý do khách quan khác nên không xử lý được để thi hành án) hoặc bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hoả hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra mà không thể chấp hành được số tiền phạt còn lại.

4.2. Khi chưa hết thời hạn năm năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án lần đầu, người phải thi hành khoản tiền phạt trong các vụ án hình sự về ma tuý (các tội phạm về ma tuý) được giảm thi hành án khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Là người chưa thành niên khi phạm tội;

b) Không thuộc trường hợp phạm tội có tổ chức, phạm tội nhiều lần, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thu lợi bất chính lớn;

c) Số tiền phạt còn lại từ trên hai triệu đồng;

d) Bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hoả hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra mà không thể chấp hành được số tiền phạt còn lại hoặc lập công lớn.

4.3. Khi hết thời hạn mười năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án lần đầu, người phải thi hành khoản tiền phạt trong các vụ án hình sự về các loại tội phạm không phải là tội phạm về ma tuý hoặc người phải thi hành khoản tiền phạt trong các vụ án hình sự về ma tuý (các tội phạm về ma tuý) là người phạm tội có tổ chức, phạm tội nhiều lần, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thu lợi bất chính lớn được giảm thi hành án khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Số tiền phạt còn lại từ trên hai mươi triệu đồng;

b) Không có tài sản, thu nhập hoặc điều kiện khác để thi hành án (trừ trường hợp người phải thi hành án có tài sản chung chưa được phân chia hoặc vì lý do khách quan khác nên không xử lý được để thi hành án) hoặc bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hoả hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra mà không thể chấp hành được số tiền phạt còn lại.

4.4. Khi chưa hết thời hạn mười năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án lần đầu, người phải thi hành khoản tiền phạt trong các vụ án hình sự về các loại tội phạm không phải là tội phạm về ma tuý hoặc người phải thi hành khoản tiền phạt trong các vụ án hình sự về ma tuý (các tội phạm về ma tuý) là người phạm tội có tổ chức, phạm tội nhiều lần, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thu lợi bất chính lớn được giảm thi hành án khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Là người chưa thành niên khi phạm tội;

b) Số tiền phạt còn lại trên hai mươi triệu đồng;

c) Bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hoả hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra mà không thể chấp hành được số tiền phạt còn lại hoặc lập công lớn.

4.5. Người phải thi hành khoản án phí có giá ngạch trên hai mươi triệu đồng nếu không có tài sản, thu nhập hoặc điều kiện khác để thi hành án (trừ trường hợp người phải thi hành án có tài sản chung chưa được phân chia hoặc vì lý do khách quan khác nên không xử lý được để thi hành án) hoặc bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hoả hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra mà không thể chấp hành được số tiền án phí còn lại được giảm thi hành án trong trường hợp đã đủ mười năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án lần đầu.

4.6. Mức xét giảm thi hành án được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 18 Nghị định số 173/2004/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2004 của Chính phủ.

II. THỦ TỤC XÉT MIỄN, GIẢM THI HÀNH ÁN

1. Hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm thi hành án

1.1. Hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm thi hành án bao gồm:

a) Đơn xin miễn, giảm thi hành án của người phải thi hành án, kèm theo các giấy tờ chứng minh điều kiện miễn, giảm thi hành án.

Trường hợp người phải thi hành án thuộc diện được xét miễn, giảm thi hành án nhưng vì già yếu, bệnh tật, không biết chữ thì có thể nhờ người khác thay mặt họ làm đơn xin miễn, giảm thi hành án.

Nếu người phải thi hành án thuộc diện được xét miễn, giảm thi hành án là người chưa thành niên hoặc là người không có năng lực hành vi, thì người giám hộ hoặc người khác thay mặt họ làm đơn xin miễn, giảm thi hành án.

b) Hồ sơ thi hành án khoản tiền phạt, án phí bao gồm: bản sao bản án, quyết định hoặc trích lục bản án, quyết định của Toà án (hoặc bản phô tô bản án, quyết định của Toà án có xác nhận của Thủ trưởng Cơ quan thi hành án dân sự nếu khoản được miễn, giảm được thụ lý thi hành cùng các khoản khác); các quyết định về thi hành án; chứng từ thu - chi về thi hành án; các biên bản xác minh điều kiện về tài sản của người phải thi hành án, trong đó biên bản xác minh gần nhất không được quá sáu tháng trước khi đề nghị xét miễn, giảm; các giấy tờ xác nhận điều kiện được xét miễn, giảm khác.

c) Văn bản đề nghị xét miễn, giảm thi hành án của Viện trưởng Viện kiểm sát đối với trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 58, khoản 3 Điều 76 Bộ luật Hình sự và hướng dẫn tại tiểu mục 3.2 và 3.4 mục 3, tiểu mục 4.2 và 4.4 mục 4 phần I của Thông tư này; văn bản đề nghị của Thủ trưởng Cơ quan Thi hành án dân sự đối với các trường hợp còn lại.

1.2. Đơn xin miễn, giảm thi hành án được gửi cho Cơ quan Thi hành án dân sự đang thụ lý thi hành khoản tiền phạt, án phí và phải có các nội dung sau:

a) Họ và tên, nơi cư trú, làm việc và nơi chấp hành hình phạt tù (nếu có);

b) Tên Cơ quan Thi hành án dân sự đang thụ lý thi hành khoản tiền phạt, án phí;

c) Số bản án, quyết định, tên Toà án đã ra bản án, quyết định; khoản tiền phạt, án phí phải thi hành; khoản tiền phạt, án phí đã thi hành được và khoản còn phải thi hành; khoản tiền phạt, án phí xin miễn, giảm; lý do xin miễn, giảm.

1.3. Đơn phải có xác nhận của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Uỷ ban nhân dân cấp xã) nơi người phải thi hành cư trú. Trường hợp người phải thi hành án đang làm việc tại cơ quan, tổ chức thì ngoài xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã, còn phải có xác nhận của Thủ trưởng cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc.

1.4. Người phải thi hành án đã lập công lớn phải có bản tường trình có xác nhận của Cơ quan Công an hoặc Uỷ ban nhân dân cấp xã và bản sao giấy tờ, tài liệu chứng minh việc lập công lớn (nếu có).

Người có phát minh, sáng chế hoặc sáng kiến có giá trị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khen thưởng, thì phải có bản sao giấy tờ xác nhận việc khen thưởng.

Người phải thi hành án bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, địch hoạ, hoả hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra, thì phải có xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú; cơ quan nơi người đó làm việc hoặc Giám thị trại giam nơi người đó chấp hành hình phạt tù. Trường hợp tai nạn, ốm đau kéo dài phải có xác nhận của cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên.

2. Lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm thi hành án

2.1. Cơ quan Thi hành án dân sự địa phương, Thi hành án cấp quân khu có trách nhiệm thông báo các điều kiện, thời gian xét miễn, giảm thi hành án đối với khoản tiền phạt, án phí cho người phải thi hành án có đủ điều kiện để họ làm đơn xin miễn, giảm thi hành án.

Trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày nhận được đơn xin miễn, giảm thi hành án, chấp hành viên được giao thi hành vụ việc phải kiểm tra và tiến hành xác minh điều kiện về tài sản của người phải thi hành án.

Đối với người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù, ngoài biên bản xác minh của chấp hành viên về điều kiện thi hành án tại nơi cư trú, làm việc của người đó, Thủ trưởng Cơ quan Thi hành án dân sự gửi phiếu đề nghị Giám thị trại giam nơi người phải thi hành án chấp hành hình phạt tù xác nhận những vấn đề như: phạm nhân lập công lớn trong quá trình chấp hành hình phạt tù; phạm nhân bị bệnh nặng; tài sản phạm nhân gửi ở bộ phận lưu ký trong trại giam (nếu có).

Giám thị trại giam được yêu cầu phải kiểm tra, xác nhận và chuyển phiếu xác nhận đó cho Cơ quan Thi hành án dân sự trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được phiếu yêu cầu.

2.2. Căn cứ kết quả xác minh, chấp hành viên báo cáo Thủ trưởng Cơ quan Thi hành án dân sự có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét việc miễn, giảm thi hành án.

Trường hợp người phải thi hành án không đủ điều kiện xét miễn, giảm thi hành án, thì trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo của chấp hành viên, Thủ trưởng Cơ quan Thi hành án dân sự phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do cho người phải thi hành án biết.

Trường hợp xét thấy người phải thi hành án có đủ điều kiện đề nghị xét, miễn giảm thi hành án nhưng không xác định được nơi cư trú của người đó hoặc người phải thi hành án là người nước ngoài không có tài sản và không còn cư trú tại Việt Nam, thì Cơ quan Thi hành án dân sự có văn bản đề nghị miễn, giảm thi hành án kèm theo hồ sơ đối với từng trường hợp.

2.3. Vào tuần đầu của tháng giêng, tháng tư, tháng bảy và tháng mười hàng năm, Cơ quan Thi hành án dân sự quy định tại mục 3 phần II Thông tư này có trách nhiệm chuyển số hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm tiền phạt được lập trong quý trước cho Viện kiểm sát cùng cấp kèm theo văn bản đề nghị Toà án xét miễn, giảm thi hành án. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Viện kiểm sát phải xem xét và chuyển hồ sơ cho Toà án cùng cấp kèm theo văn bản nêu rõ ý kiến của Viện kiểm sát về các hồ sơ đề nghị miễn, giảm hoặc văn bản đề nghị xét miễn, giảm thi hành án và thông báo cho Cơ quan Thi hành án dân sự biết.

Viện kiểm sát có quyền yêu cầu Cơ quan Thi hành án dân sự giải thích những điểm chưa rõ hoặc bổ sung những giấy tờ cần thiết. Trường hợp có căn cứ xác định rõ người phải thi hành án có đủ điều kiện để được xét miễn, giảm thi hành án nhưng Cơ quan Thi hành án dân sự không lập hồ sơ, Viện kiểm sát có quyền yêu cầu Cơ quan Thi hành án dân sự lập hồ sơ đề nghị việc miễn, giảm thi hành án.

2.4. Người phải thi hành án, người có quyền, nghĩa vụ liên quan đến việc thi hành án có quyền khiếu nại về việc Thủ trưởng Cơ quan Thi hành án dân sự, Chấp hành viên lập hồ sơ hoặc không lập hồ sơ đề nghị xét miễn giảm thi hành án nếu có căn cứ cho rằng việc đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Việc giải quyết khiếu nại được thực hiện theo quy định tại Chương VI Pháp lệnh Thi hành án dân sự.

3. Thẩm quyền đề nghị miễn, giảm thi hành án và thẩm quyền của Toà án trong việc xét miễn, giảm thi hành án

3.1. Đối với khoản tiền phạt, án phí được quy định tại khoản 1 Điều 32 Pháp lệnh Thi hành án dân sự, thì Thi hành án dân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Thi hành án dân sự cấp huyện) nơi người phải thi hành án cư trú, làm việc trực tiếp đề nghị Toà án cùng cấp xét miễn, giảm thi hành án.

Trường hợp vụ việc thuộc diện miễn, giảm thi hành án quy định tại khoản 1 Điều 32 Pháp lệnh Thi hành án dân sự; khoản 2 Điều 58 Bộ luật Hình sự; khoản 3 Điều 76 Bộ luật Hình sự đang do Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Thi hành án dân sự cấp tỉnh) thụ lý thi hành, thì Thi hành án dân sự cấp tỉnh uỷ thác cho Thi hành án dân sự cấp huyện nơi người phải thi hành án cư trú, làm việc lập hồ sơ và làm các thủ tục đề nghị xét miễn, giảm thi hành án, đồng thời thông báo cho đương sự biết.

Nếu Thi hành án dân sự cấp tỉnh đã nhận đơn xin miễn, giảm thi hành án của đương sự và đã tiến hành xác minh các điều kiện miễn, giảm thi hành án, thì đơn xin miễn, giảm thi hành án và các tài liệu xác minh phải được gửi kèm theo hồ sơ và quyết định uỷ thác cho Thi hành án dân sự cấp huyện.

3.2. Đối với phần tiền phạt còn lại quy định tại khoản 2 Điều 58 Bộ luật Hình sự; phần tiền phạt quy định tại khoản 3 Điều 76 Bộ luật Hình sự và hướng dẫn tại tiểu mục 3.2 và 3.4 mục 3, tiểu mục 4.2 và 4.4 mục 4 phần I của Thông tư này, căn cứ hồ sơ thi hành án do Cơ quan Thi hành án dân sự chuyển sang, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Viện kiểm sát cấp huyện) nơi người phải thi hành án cư trú, làm việc đề nghị Toà án cùng cấp xét miễn, giảm thi hành án.

3.3. Đối với khoản tiền phạt, án phí được quy định tại khoản 1 Điều 32 Pháp lệnh Thi hành án dân sự do Thi hành án quân khu và tương đương thụ lý thi hành, thì cơ quan đó trực tiếp đề nghị Toà án quân sự khu vực nơi người phải thi hành án cư trú, làm việc xét miễn, giảm thi hành án.

Trường hợp phần tiền phạt còn lại quy định tại khoản 2 Điều 58 Bộ luật Hình sự; khoản tiền phạt quy định tại khoản 3 Điều 76 Bộ luật Hình sự và hướng dẫn tại tiểu mục 3.2 và 3.4 mục 3, tiểu mục 4.2 và 4.4 mục 4 phần I của Thông tư này do Thi hành án quân khu và tương đương thụ lý thi hành, nếu xét thấy hồ sơ có đủ các điều kiện xét miễn, giảm thi hành án, thì Viện kiểm sát quân khu và tương đương uỷ quyền cho Viện kiểm sát quân sự khu vực nơi người phải thi hành án cư trú, làm việc đề nghị Toà án cùng cấp xét miễn, giảm thi hành án và thông báo cho đương sự biết.

4. Thủ tục xét miễn, giảm thi hành án

4.1. Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm thi hành án của Viện kiểm sát hoặc Cơ quan Thi hành án dân sự, Chánh án Toà án có thẩm quyền xét miễn, giảm thi hành án chỉ định một Thẩm phán thụ lý hồ sơ và giải quyết việc xét miễn, giảm thi hành án. Thẩm phán được chỉ định có quyền yêu cầu Viện kiểm sát, Cơ quan Thi hành án dân sự giải thích những điểm chưa rõ hoặc bổ sung các giấy tờ cần thiết trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu. Quá thời hạn đó mà cơ quan được yêu cầu không bổ sung các giấy tờ cần thiết, thì Thẩm phán trả lại hồ sơ cho cơ quan đã đề nghị.

Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày thụ lý hồ sơ, Thẩm phán phải ấn định ngày mở phiên họp xét miễn, giảm thi hành án và thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát, Cơ quan Thi hành án dân sự cùng cấp biết để cử Kiểm sát viên, Chấp hành viên tham gia phiên họp.

4.2. Phiên họp xét miễn, giảm chỉ được tiến hành khi có mặt của đại diện Viện kiểm sát, Cơ quan Thi hành án dân sự cùng cấp. Thẩm phán chủ trì, thư ký Toà án ghi biên bản phiên họp .

Khi tiến hành xét miễn, giảm thi hành án, đại diện Cơ quan Thi hành án dân sự trình bày về hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm khoản tiền phạt, án phí quy định tại khoản 1 Điều 32 Pháp lệnh Thi hành án dân sự, đại diện Viện kiểm sát trình bày về hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm phần tiền phạt quy định tại khoản 2 Điều 58 Bộ luật Hình sự; phần tiền phạt quy định tại khoản 3 Điều 76 Bộ luật Hình sự và hướng dẫn tại tiểu mục 3.2 và 3.4 mục 3, tiểu mục 4.2 và 4.4 mục 4 phần I của Thông tư này. Thẩm phán có thể hỏi đại diện Viện Kiểm sát và Cơ quan Thi hành án dân sự về những điểm chưa rõ trong hồ sơ.

Trên cơ sở xem xét hồ sơ và ý kiến của đại diện các cơ quan liên quan, Thẩm phán có quyền:

a) Chấp nhận toàn bộ đề nghị miễn, giảm thi hành án;

b) Chấp nhận một phần đề nghị miễn, giảm thi hành án;

c) Không chấp nhận đề nghị miễn, giảm thi hành án;

d) Trường hợp Cơ quan Thi hành án dân sự, Viện kiểm sát đề nghị giảm thi hành án, nhưng xét thấy người phải thi hành án có đủ điều kiện miễn thi hành án hoặc ngược lại, thì Thẩm phán căn cứ vào quy định của pháp luật để quyết định.

4.3. Thẩm phán phải ra quyết định về việc miễn, giảm thi hành án với các nội dung sau:

a) Ngày, tháng, năm ra quyết định;

b) Tên Toà án ra quyết định;

c) Họ, tên Thẩm phán chủ trì, thư ký phiên họp và đại diện các cơ quan tham gia phiên họp ;

d) Họ, tên, nơi cư trú, làm việc, nơi đang chấp hành hình phạt tù của người phải thi hành án (nếu có) và khoản tiền phạt, án phí phải thi hành;

đ) Nhận định của Toà án và những căn cứ để chấp nhận đề nghị miễn, giảm thi hành án của Viện kiểm sát hoặc Cơ quan Thi hành án dân sự;

e) Quyết định của Toà án cho miễn thi hành án và phần tiền phạt, án phí cụ thể được miễn; quyết định cho giảm một phần tiền phạt, án phí, mức giảm cụ thể và phần tiền phạt, án phí còn phải thi hành;

g) Trường hợp Toà án quyết định không chấp nhận đề nghị của Viện kiểm sát hoặc Cơ quan Thi hành án dân sự về việc miễn, giảm thi hành án, thì phải nêu rõ lý do.

4.4. Gửi quyết định về việc miễn, giảm thi hành án:

Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định về việc miễn, giảm thi hành án, Toà án phải gửi quyết định đó cho các đương sự, cơ quan sau đây:

a) Người được miễn, giảm thi hành án;

b) Viện kiểm sát cùng cấp và Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp;

c) Cơ quan Thi hành án dân sự lập hồ sơ; Cơ quan Thi hành án dân sự đã uỷ thác (nếu có);

d) Trại giam nơi người được miễn, giảm đang chấp hành hình phạt tù (nếu có).

5. Kháng nghị quyết định của Toà án về việc miễn, giảm thi hành án

5.1. Quyết định của Tòa án về việc miễn, giảm thi hành án có thể bị Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp là bảy ngày, của Viện Kiểm sát cấp trên trực tiếp là mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được quyết định của Toà án.

Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận được quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát, Toà án đã ra quyết định về việc miễn, giảm thi hành án phải chuyển hồ sơ và văn bản kháng nghị lên Toà án cấp trên trực tiếp.

5.2. Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định kháng nghị và hồ sơ xét miễn, giảm thi hành án do Toà án cấp sơ thẩm chuyển đến, Chánh án Toà án cấp trên trực tiếp chỉ định Hội đồng gồm ba Thẩm phán trong đó có một Thẩm phán chủ tọa để xét kháng nghị. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày được chỉ định, Hội đồng phải mở phiên họp xét kháng nghị. Đại diện Viện kiểm sát cùng cấp phải tham dự phiên họp.

5.3. Khi tiến hành phúc thẩm quyết định miễn, giảm thi hành án bị kháng nghị, Hội đồng phúc thẩm thảo luận, quyết định theo đa số và có quyền:

a) Không chấp nhận kháng nghị, giữ nguyên quyết định của Toà án cấp sơ thẩm;

b) Sửa một phần quyết định của Toà án cấp sơ thẩm; quyết định mức giảm thấp hơn hoặc cao hơn mức giảm mà Toà án cấp sơ thẩm đã quyết định;

c) Huỷ quyết định của Toà án cấp sơ thẩm, đình chỉ việc xét miễn, giảm thi hành án trong trường hợp quyết định của Toà án cấp sơ thẩm không có căn cứ pháp luật.

5.4. Hội đồng phúc thẩm phải ra quyết định phúc thẩm có các nội dung chính sau đây:

a) Ngày, tháng, năm ra quyết định;

b) Họ, tên, nơi cư trú, làm việc, nơi đang chấp hành hình phạt tù (nếu có) của người phải thi hành án và khoản tiền phạt, án phí phải thi hành;

c) Tên Toà án và nội dung quyết định miễn, giảm của Toà án cấp sơ thẩm bị kháng nghị;

d) Nội dung kháng nghị của Viện kiểm sát;

đ) Nhận định của Toà án cấp phúc thẩm và các căn cứ để Toà án ra quyết định;

e) Quyết định giữ nguyên, sửa đổi một phần hoặc huỷ toàn bộ quyết định của Toà án về việc miễn, giảm thi hành án.

5.5. Trường hợp Viện Kiểm sát rút quyết định kháng nghị trước hoặc trong phiên họp xét kháng nghị, thì Toà án cấp phúc thẩm phải ra quyết định đình chỉ việc xét kháng nghị.

6. Hiệu lực của quyết định của Toà án về việc miễn, giảm thi hành án

6.1. Quyết định của Toà án cấp sơ thẩm về việc miễn, giảm thi hành án không bị Viện kiểm sát kháng nghị; Quyết định của Toà án cấp sơ thẩm về việc miễn, giảm thi hành án bị kháng nghị nhưng đã được Toà án cấp phúc thẩm ra quyết định đình chỉ việc xét kháng nghị; Quyết định giải quyết kháng nghị của Toà án cấp phúc thẩm, có hiệu lực thi hành.

6.2. Căn cứ quyết định có hiệu lực của Toà án về việc miễn thi hành án, Cơ quan Thi hành án dân sự đã lập hồ sơ phải ra quyết định đình chỉ thi hành phần tiền phạt, án phí được miễn.

Trường hợp Toà án quyết định cho giảm một phần tiền phạt, án phí, thì Cơ quan Thi hành án dân sự đã lập hồ sơ phải ghi chú vào sổ thụ lý thi hành án kèm theo quyết định của Toà án về việc giảm thi hành án và tiếp tục thi hành án đối với phần tiền phạt, án phí còn lại.

6.3. Đối với khoản tiền phạt, án phí không được Toà án quyết định cho miễn, giảm, Cơ quan Thi hành án dân sự có trách nhiệm tiếp tục tổ chức việc thi hành án. Trường hợp hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm bị Toà án trả lại do thực hiện không đúng thủ tục, Cơ quan Thi hành án dân sự có trách nhiệm hoàn thiện lại hồ sơ để chuyển cơ quan có thẩm quyền xem xét trong kỳ xét miễn, giảm gần nhất.

6.4. Trường hợp phát hiện quyết định miễn, giảm tiền phạt, án phí có sai lầm nghiêm trọng hoặc sau khi quyết định cho miễn, giảm thi hành án có hiệu lực, mà phát hiện người phải thi hành án có hành vi cất giấu, tẩu tán tài sản để xin miễn, giảm, trốn tránh việc thi hành án, thì Cơ quan Thi hành án dân sự, Viện kiểm sát đã đề nghị xét miễn, giảm thi hành án phải có văn bản báo ngay cho người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm để xem xét việc kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm theo thủ tục chung.

Cơ quan Thi hành án dân sự phải áp dụng ngay các biện pháp do Pháp lệnh Thi hành án dân sự quy định để ngăn chặn việc cất giấu, tẩu tán tài sản.

Trường hợp Toà án quyết định huỷ quyết định miễn, giảm thi hành án, thì quyết định đó phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp, Cơ quan Thi hành án dân sự đã lập hồ sơ và người phải thi hành án.

Căn cứ quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Toà án, Thủ trưởng Cơ quan Thi hành án dân sự phải ra quyết định huỷ bỏ các quyết định được hướng dẫn tại tiểu mục 6.2 mục 6 phần II của Thông tư này và ra quyết định tiếp tục tổ chức thi hành phần tiền phạt, án phí của người phải thi hành án.

6.5. Thủ trưởng Cơ quan Thi hành án dân sự, Chấp hành viên xem xét, quyết định việc xử phạt hành chính theo quy định tại Chương V Nghị định số 173/2004/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2004 của Chính phủ; Viện kiểm sát xem xét việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phải thi hành án cố tình cất giấu, tẩu tán tài sản để xin miễn, giảm và trốn tránh việc thi hành án.

III. HIỆU LỰC THI HÀNH CỦA THÔNG TƯ

1. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

2. Khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Thủ trưởng Cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên, Giám thị trại giam, Kiểm sát viên thiếu trách nhiệm, xác minh không đầy đủ, xác nhận không đúng điều kiện của người phải thi hành án hoặc không làm đúng nhiệm vụ được giao; Thẩm phán cố ý ra quyết định cho miễn, giảm thi hành án trái pháp luật, thì có thể bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự và phải bồi thường cho ngân sách nhà nước phần tiền phạt, án phí đã được miễn, giảm theo quy định của pháp luật;

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các cơ quan tổ chức thực hiện cần báo cáo ngay lên Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Công an

, Bộ Tài chính để có hướng dẫn bổ sung kịp thời.

 

Toà án nhân dân tối cao

Viện kiểm sát nhân dân tối cao

Bộ Tư pháp

Phó Chánh án

Phó Viện trưởng

Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

(Đã ký)

   

Đặng Quang Phương

Khuất Văn Nga

Lê Thị Thu Ba

Bộ Tài chính

Bộ Công an

Thứ trưởng

Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Trần Văn Tá

Lê Thế Tiệm