THÔNG TƯ
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 162/2012/TT-BCT ngày 03 tháng 10 năm 2012 của Bộ Tài chính
quy định việc tạm ứng vốn Kho bạc Nhà nước
__________________
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Quyết định số 108/2009/QĐ-TTg ngày 26 tháng 08 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Kho bạc Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính;
Theo đề nghị của Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước;
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 162/2012/TT-BTC ngày 03 tháng 10 năm 2012 của Bộ Tài chính quy định việc tạm ứng vốn Kho bạc Nhà nước (sau đây gọi là Thông tư số 162/2012/TT-BTC).
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 162/2012/TT-BTC như sau:
1. Sửa đổi, bổ sung Điều 3 như sau:
“Điều 3. Nguyên tắc tạm ứng và thu hồi tạm ứng vốn Kho bạc Nhà nước
1. Việc tạm ứng vốn Kho bạc Nhà nước cho ngân sách nhà nước do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định theo nguyên tắc không làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ thanh toán, chi trả của Kho bạc Nhà nước.
2. Các khoản tạm ứng sử dụng không đúng mục đích đã được phê duyệt sẽ bị thu hồi.
3. Việc tạm ứng vốn Kho bạc Nhà nước được thực hiện tại Kho bạc Nhà nước và Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Kho bạc Nhà nước quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh không được phép thực hiện tạm ứng vốn Kho bạc Nhà nước.
4. Mọi khoản tạm ứng vốn Kho bạc Nhà nước đều phải hoàn trả đúng hạn, đúng quy định, trừ trường hợp được gia hạn tạm ứng do Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt. Trường hợp khoản tạm ứng không được hoàn trả đúng hạn, đúng quy định thì Kho bạc Nhà nước có quyền trích tồn quỹ ngân sách để thu hồi đủ số vốn đã tạm ứng, phí tạm ứng và phí tạm ứng quá hạn (nếu có).”
2. Sửa đổi, bổ sung Điều 4 như sau:
“Điều 4. Trách nhiệm của các đơn vị tạm ứng vốn Kho bạc Nhà nước
Các đơn vị được tạm ứng vốn Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm sử dụng vốn tạm ứng đúng mục đích được duyệt, hoàn trả tạm ứng đầy đủ, đúng hạn được duyệt và thanh toán cho Kho bạc Nhà nước khoản phí trên số vốn đã tạm ứng theo quy định tại Thông tư này. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân tỉnh) chịu trách nhiệm thực hiện việc tạm ứng vốn Kho bạc Nhà nước theo đúng Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh. Trong trường hợp giữa hai kỳ họp thì Ủy ban nhân dân tỉnh lấy ý kiến Thường trực Hội đồng nhân dân theo quy định tại khoản 4 Điều 21 Nghị quyết số 753/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 02 tháng 4 năm 2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân.”
3. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 5 như sau:
“2. Thủ tục tạm ứng vốn cho ngân sách cấp tỉnh.
2.1. Khi phát sinh nhu cầu tạm ứng vốn Kho bạc Nhà nước, Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện các thủ tục sau:
- Trường hợp tạm ứng để đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ bản (theo quy định tại điểm 2.1 khoản 2 Điều 2 Thông tư này): Ủy ban nhân dân tỉnh căn cứ Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh (hoặc ý kiến của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh) phê duyệt việc tạm ứng vốn Kho bạc Nhà nước và có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị tạm ứng vốn Kho bạc Nhà nước. Trong công văn nêu rõ: Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh (hoặc ý kiến của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh) thông qua việc tạm ứng vốn; danh mục dự án tạm ứng vốn; tiến độ tạm ứng vốn; tiến độ hoàn trả tạm ứng vốn; tổng dư nợ các nguồn vốn đã huy động (kể cả các nguồn vốn huy động theo phương thức khác như phát hành trái phiếu, vay ngân hàng,...) và cam kết sử dụng vốn tạm ứng đúng mục đích, hiệu quả, hoàn trả đúng thời hạn, các cam kết khác để Bộ Tài chính xem xét, quyết định.
- Trường hợp tạm ứng để đầu tư các dự án thu hút vốn đầu tư (theo quy định tại điểm 2.2 khoản 2 Điều 2 Thông tư này): Ủy ban nhân dân tỉnh căn cứ Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh (hoặc ý kiến của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh) phê duyệt việc tạm ứng vốn Kho bạc Nhà nước. Trong công văn nêu rõ: Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh (hoặc ý kiến của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh) thông qua việc tạm ứng vốn; danh mục dự án tạm ứng vốn; mức vốn đầu tư của từng dự án; tiến độ tạm ứng vốn; nguồn và tiến độ hoàn trả tạm ứng vốn và cam kết sử dụng vốn tạm ứng đúng mục đích, hiệu quả, hoàn trả đúng thời hạn, các cam kết khác để Bộ Tài chính xem xét, quyết định.
2.2. Sau khi có văn bản chấp thuận cho tạm ứng vốn Kho bạc Nhà nước của Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân tỉnh lập giấy đề nghị tạm ứng vốn Kho bạc Nhà nước theo Mẫu 02 gửi Kho bạc Nhà nước để tạm ứng vốn theo quy định.
2.3. Trên cơ sở giấy đề nghị tạm ứng của Ủy ban nhân dân tỉnh đã được Kho bạc Nhà nước ký duyệt, Sở Tài chính báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và lập giấy đề nghị rút vốn tạm ứng Kho bạc Nhà nước cho mỗi lần rút vốn theo Mẫu 04 gửi Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh) để tạm ứng vốn Kho bạc Nhà nước cho ngân sách cấp tỉnh. Việc rút vốn tạm ứng có thể được thực hiện một hoặc nhiều lần theo nguyên tắc: tổng số vốn tạm ứng của các lần rút vốn không vượt quá số vốn tạm ứng đã được Bộ Tài chính phê duyệt và Kho bạc Nhà nước ký duyệt.”
4. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 7 như sau:
“2. Thời hạn tạm ứng và rút vốn của ngân sách cấp tỉnh:
2.1. Đối với các khoản tạm ứng cho ngân sách cấp tỉnh để đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ bản các dự án đã ghi trong kế hoạch năm của tỉnh, thành phố (theo quy định tại điểm 2.1 khoản 2 Điều 2 Thông tư này):
- Thời hạn tạm ứng: tối đa 12 tháng kể từ ngày Kho bạc Nhà nước ký duyệt tạm ứng tại giấy đề nghị tạm ứng vốn Kho bạc Nhà nước.
- Thời hạn rút vốn đối với các khoản tạm ứng được Bộ Tài chính phê duyệt trong năm ngân sách chậm nhất là đến hết thời gian chỉnh lý quyết toán ngân sách năm đó; sau thời gian chỉnh lý quyết toán, khoản tạm ứng hết hiệu lực rút vốn.
2.2. Đối với các khoản tạm ứng cho ngân sách cấp tỉnh để đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng để thu hút vốn đầu tư (theo quy định tại điểm 2.2 khoản 2 Điều 2 Thông tư này):
- Thời hạn tạm ứng: do Bộ Tài chính quyết định.
- Thời hạn rút vốn: tối đa 12 tháng kể từ ngày Bộ Tài chính phê duyệt khoản tạm ứng; trường hợp rút vốn nhiều lần thì thời hạn trên áp dụng đối với lần rút vốn cuối cùng. Sau thời hạn rút vốn, khoản tạm ứng sẽ hết hiệu lực rút vốn.”
5. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 9 như sau:
“1. Mức phí:
- Mức phí tạm ứng vốn Kho bạc Nhà nước được áp dụng thống nhất là 0,15%/tháng (30 ngày) tính trên số dư nợ tạm ứng.
- Mức phí tạm ứng quá hạn được tính bằng 150% mức phí tạm ứng trong hạn. Phí tạm ứng quá hạn được tính theo mức phí tạm ứng quá hạn và số ngày quá hạn.
Trường hợp khoản tạm ứng quá hạn nhưng được Bộ Tài chính gia hạn thì vẫn được áp dụng phí trong hạn cho đến hết thời hạn được gia hạn.”
6. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 11 như sau:
“3. Sở Tài chính tỉnh có trách nhiệm báo cáo tình hình sử dụng vốn tạm ứng cho Kho bạc Nhà nước đồng thời gửi cho Ủy ban nhân dân tỉnh theo Mẫu 03 định kỳ hàng quý (trước ngày 15 của tháng đầu quý sau). Việc chấp hành chế độ báo cáo tình hình sử dụng vốn tạm ứng là một trong những tiêu chí để xem xét tạm ứng, gia hạn tạm ứng vốn Kho bạc Nhà nước.”
7. Sửa đổi mẫu Giấy đề nghị tạm ứng vốn Kho bạc Nhà nước (Mẫu 02); mẫu Báo cáo tình hình sử dụng vốn tạm ứng Kho bạc Nhà nước (Mẫu 03) ban hành kèm theo Thông tư số 162/2012/TT-BTC thành mẫu tương ứng kèm theo Thông tư này; bổ sung mẫu Giấy đề nghị rút vốn tạm ứng Kho bạc Nhà nước (Mẫu 04).”
Điều 2. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2015.
2. Các nội dung khác không hướng dẫn tại Thông tư này tiếp tục thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 162/2012/TT-BTC ngày 03 tháng 10 năm 2012 của Bộ Tài chính quy định việc tạm ứng vốn Kho bạc Nhà nước.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.