• Hiệu lực: Hết hiệu lực một phần
  • Ngày có hiệu lực: 15/03/2021
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Số: 01/2021/TT-BGTVT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Ninh Bình, ngày 27 tháng 1 năm 2021

THÔNG TƯ

Sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 29/2015/TT-BGTVT

ngày 06 tháng 7 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định

về cấp, sử dụng giấy phép lái xe quốc tế và Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT ngày 15 tháng 4 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định

về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ

_______________________

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 12/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính;

Căn cứ Nghị định số 09/2019/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2019 của Chính Phủ quy định về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông và Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam,

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 29/2015/TT-BGTVT ngày 06 tháng 7 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về cấp, sử dụng giấy phép lái xe quốc tế và Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT ngày 15 tháng 4 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 29/2015/TT-BGTVT ngày 06 tháng 7 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về cấp, sử dụng giấy phép lái xe quốc tế như sau:

1. Khoản 1 Điều 8 được sửa đổi như sau:

“1. Cá nhân nộp đơn đề nghị cấp IDP quốc tế theo mẫu quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này trực tiếp hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến đến Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải.”.

2. Khoản 2 Điều 8 được sửa đổi như sau:

“2. Trình tự cấp IDP:

a) Cá nhân khi nộp đơn trực tiếp tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải, phải xuất trình bản chính giấy phép lái xe quốc gia do Việt Nam cấp, hộ chiếu, thẻ thường trú (đối với người nước ngoài) để thực hiện kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của việc cấp IDP và phải hoàn thành nghĩa vụ nộp lệ phí khi được tiếp nhận hồ sơ theo quy định; khi nộp đơn qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến, cá nhân kê khai theo hướng dẫn và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, tính hợp pháp của nội dung đã kê khai, phải hoàn thành nghĩa vụ nộp lệ phí thông qua chức năng thanh toán lệ phí của hệ thống dịch vụ công trực tuyến và nộp phí sử dụng dịch vụ khác theo nhu cầu của cá nhân. Trường hợp đơn đề nghị không đúng theo quy định, cơ quan tiếp nhận đơn có trách nhiệm thông báo trực tiếp hoặc bằng văn bản hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến những nội dung cần bổ sung hoặc sửa đổi cho cá nhân trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận đơn;

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị cấp IDP đúng theo quy định, Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải thực hiện việc cấp IDP cho cá nhân; trường hợp không cấp IDP thì phải trả lời và nêu rõ lý do.”.

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT ngày 15 tháng 4 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ như sau:

1. Khoản 9 Điều 5 được sửa đổi như sau:

“9. Ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý đào tạo để nhận dạng và đảm bảo theo dõi thời gian học lý thuyết môn học pháp luật giao thông đường bộ đối với học viên học lái xe ô tô (trừ hạng B1) và bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập để nâng cao chất lượng đào tạo lái xe; sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông để đào tạo lái xe theo lộ trình quy định tại khoản 2 Điều 47 của Thông tư này.”.

2. Bổ sung khoản 3 vào Điều 9 như sau:

“3. Người đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt học lái xe mô tô hạng A1, hạng A4 lập 01 bộ hồ sơ, nộp trực tiếp tại cơ sở đào tạo. Hồ sơ bao gồm:

a) Giấy tờ quy định tại điểm b và điểm d khoản 1 Điều này;

b) Giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú, xác nhận là người đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt theo mẫu quy định tại Phụ lục 24 ban hành kèm theo Thông tư này; giấy xác nhận có giá trị 01 năm kể từ ngày ký xác nhận; cá nhân ký tên hoặc điểm chỉ vào giấy xác nhận.”.

3. Bổ sung khoản 5 vào Điều 17 như sau:

“5. Thời hạn của giấy phép lái xe được ghi trên giấy phép lái xe.”.

4. Khoản 7 Điều 18 được sửa đổi như sau:

“7. Thực hiện giám sát bằng hệ thống Camera đối với phòng sát hạch lý thuyết, sân sát hạch lái xe trong hình tại các khu vực có bài sát hạch: Xuất phát, dừng và khởi hành xe trên dốc, qua vệt bánh xe, qua ngã tư, ghép xe vào nơi đỗ và bài kết thúc. Hệ thống sử dụng camera IP, có độ phân giải HD trở lên, có giao diện tương tác, kết nối đáp ứng tối thiểu theo tiêu chuẩn mở ONVIF, được đồng bộ về thời gian với máy chủ sát hạch lý thuyết, máy tính điều hành thiết bị chấm điểm thực hành lái xe trong hình; đảm bảo kết nối trực tuyến, truyền dữ liệu hình ảnh (dạng video) theo giao thức chuẩn mở sử dụng cho trao đổi dữ liệu hai chiều thời gian thực giữa máy chủ và máy trạm (websocket) về Tổng cục Đường bộ Việt Nam để quản lý, giám sát, lưu trữ và chia sẻ dữ liệu với các Sở Giao thông vận tải và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Dữ liệu hình ảnh (dạng video) giám sát phòng sát hạch lý thuyết, sân sát hạch lái xe trong hình phải công khai trực tiếp trên màn hình lắp đặt tại phòng chờ sát hạch và lưu trữ ở trung tâm sát hạch theo quy định. Hệ thống các thiết bị nói trên phải đảm bảo tính bảo mật, ngăn chặn các truy cập trái phép từ bên ngoài.”.

5. Bổ sung khoản 4 vào Điều 35 như sau:

“4. Cá nhân đạt kết quả sát hạch có nhu cầu nhận giấy phép lái xe tại nhà, trong vòng 03 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ sát hạch, thực hiện đăng ký qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến đến Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải.”.

6. Điểm đ khoản 5 và khoản 8 Điều 37 được sửa đổi như sau:

a) Điểm đ khoản 5 Điều 37 được sửa đổi như sau:

“đ) Người có giấy phép lái xe do ngành Công an cấp sau ngày 31 tháng 7 năm 1995, còn thời hạn sử dụng, khi thôi không tiếp tục phục vụ trong ngành Công an (xuất ngũ, chuyển ngành, nghỉ hưu, chấm dứt hợp đồng lao động trong Công an nhân dân), nếu có nhu cầu được đổi giấy phép lái xe;”;

b) Khoản 8 Điều 37 được sửa đổi như sau:

“8. Trình tự thực hiện đổi giấy phép lái xe:

a) Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải kiểm tra hồ sơ khi tiếp nhận; trường hợp hồ sơ không đúng theo quy định, phải thông báo trực tiếp hoặc bằng văn bản hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến những nội dung cần bổ sung hoặc sửa đổi cho cá nhân trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ;

b) Cá nhân nộp hồ sơ trực tiếp có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp lệ phí cấp giấy phép lái xe khi được tiếp nhận hồ sơ theo quy định; khi nộp hồ sơ qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến phải hoàn thành nghĩa vụ nộp lệ phí cấp giấy phép lái xe thông qua chức năng thanh toán của hệ thống dịch vụ công trực tuyến theo quy định và nộp phí sử dụng dịch vụ khác theo nhu cầu của cá nhân;

c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đúng theo quy định, Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải thực hiện việc đổi giấy phép lái xe; trường hợp không đổi giấy phép lái xe thì phải trả lời và nêu rõ lý do;

d) Khi đổi giấy phép lái xe, cơ quan cấp giấy phép lái xe lưu trữ hồ sơ đổi giấy phép lái xe (bản chính đối với đổi giấy phép lái xe của ngành Giao thông vận tải; bản sao đối với đổi giấy phép lái xe hoặc bằng lái xe của nước ngoài, đổi giấy phép lái xe do ngành Công an cấp, đổi giấy phép lái xe quân sự do Bộ Quốc phòng cấp) trong thời hạn 02 năm kể từ ngày cấp giấy phép lái xe; cắt góc giấy phép lái xe cũ (trừ giấy phép lái xe do nước ngoài cấp), giao cho người lái xe bảo quản (trừ trường hợp nộp hồ sơ trực tuyến).”.

7. Điều 38 được sửa đổi như sau:         

Điều 38. Thủ tục đổi giấy phép lái xe do ngành Giao thông vận tải cấp

1. Hồ sơ đổi giấy phép lái xe do ngành Giao thông vận tải cấp, gồm:

a) Đơn đề nghị đổi giấy phép lái xe theo mẫu quy định tại Phụ lục 19 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Giấy khám sức khỏe của người lái xe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp theo quy định, trừ các đối tượng sau:

Người có giấy phép lái xe hạng A1, A2, A3;

Người có nhu cầu tách giấy phép lái xe có thời hạn và không thời hạn;

c) Bản sao giấy phép lái xe, giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn có ghi số giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân (đối với người Việt Nam) hoặc hộ chiếu còn thời hạn sử dụng (đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài).

2. Cá nhân lập 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này, gửi trực tiếp hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến đến Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải.

3. Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp người lái xe phải chụp ảnh trực tiếp tại cơ quan cấp giấy phép lái xe khi đến thực hiện thủ tục đổi giấy phép lái xe và phải xuất trình bản chính các hồ sơ nêu trên để đối chiếu, trừ các giấy tờ quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này.

4. Trường hợp nộp hồ sơ qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến, cá nhân kê khai theo hướng dẫn và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, tính hợp pháp của nội dung đã kê khai; khi nhận giấy phép lái xe, phải nộp lại giấy phép lái xe cũ để lưu hồ sơ.

5. Việc trả giấy phép lái xe được thực hiện tại cơ quan tiếp nhận hồ sơ hoặc thông qua dịch vụ bưu chính công ích theo yêu cầu của cá nhân; trường hợp nộp hồ sơ qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến, giấy phép lái xe được trả cho đúng cá nhân đổi giấy phép lái xe.”.

8. Khoản 2 Điều 39 được sửa đổi như sau:

“2. Bản sao Quyết định thôi phục vụ trong Quân đội do Thủ trưởng cấp Trung đoàn trở lên ký. Đối với lao động hợp đồng trong các doanh nghiệp quốc phòng: Bản sao quyết định chấm dứt hợp đồng lao động, thời hạn không quá 06 tháng tính từ ngày cấp có thẩm quyền của doanh nghiệp quốc phòng ký.”.

9. Điểm b khoản 2 Điều 40 được sửa đổi như sau:

“b) Bản sao Quyết định ra khỏi ngành hoặc nghỉ hưu của cấp có thẩm quyền hoặc bản sao Quyết định của cấp có thẩm quyền về việc thôi không tiếp tục phục vụ trong lực lượng Công an xã hoặc bản sao Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động và quyết định tuyển dụng hoặc hợp đồng lao động từ 12 tháng trở lên của các đơn vị trong Công an nhân dân;”.

10. Bổ sung khoản 3 vào Điều 40 như sau:

“3. Hồ sơ đổi giấy phép lái xe do ngành Công an cấp cho học viên hệ dân sự các trường Công an nhân dân trước ngày 31 tháng 7 năm 2020:

Người lái xe lập 01 bộ hồ sơ, gửi trực tiếp tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải. Hồ sơ bao gồm:

a) Giấy tờ quy định tại các điểm a, c và d khoản 2 Điều này;

b) Bản sao Quyết định công nhận tốt nghiệp của các Trường, Học viện trong Công an nhân dân;

c) Hồ sơ gốc do ngành Công an cấp, gồm: Đơn đề nghị sát hạch, cấp, đổi giấy phép lái xe có xác nhận của thủ trưởng đơn vị nơi công tác; Giấy Chứng nhận sức khỏe của người lái xe; Chứng chỉ tốt nghiệp chương trình đào tạo lái xe; Biên bản tổng hợp kết quả sát hạch lái xe.

Khi đến thực hiện thủ tục đổi giấy phép lái xe, người lái xe phải chụp ảnh trực tiếp tại cơ quan cấp giấy phép lái xe và phải xuất trình bản chính các hồ sơ nêu trên để đối chiếu, trừ các giấy tờ quy định tại điểm a, điểm c khoản 2 Điều này.

Hồ sơ đổi giấy phép lái xe do ngành Công an cấp là hồ sơ gốc, gồm tài liệu ghi ở điểm a và điểm b khoản 3 Điều này và giấy phép lái xe do ngành Công an cấp đã được cắt góc, giao cho người lái xe tự bảo quản.”.

11. Điều 45 được sửa đổi như sau:

Điều 45. Báo cáo về công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe

1. Sở Giao thông vận tải gửi báo cáo định kỳ kết quả các kỳ sát hạch về Tổng cục Đường bộ Việt Nam, quy định như sau:

a) Tên báo cáo: Báo cáo kết quả các kỳ sát hạch lái xe;

b) Nội dung yêu cầu báo cáo: Báo cáo số liệu kết quả các kỳ sát hạch lái xe gồm: Số thí sinh dự sát hạch, số thí sinh vắng, số thí sinh đạt kết quả sát hạch, tỷ lệ phần trăm đạt kết quả sát hạch;

c) Phương thức gửi, nhận báo cáo: qua hệ thống thông tin giấy phép lái xe;

d) Thời hạn gửi báo cáo: Trước ngày 20 hàng tháng;

đ) Tần suất thực hiện báo cáo: Báo cáo định kỳ hàng tháng;

e) Thời gian chốt số liệu báo cáo: Từ ngày 15 tháng trước đến ngày 14 của tháng thuộc kỳ báo cáo;

g) Mẫu biểu số liệu báo cáo: Theo Phụ lục 26 ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Sở Giao thông vận tải gửi báo cáo công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ về Tổng cục Đường bộ Việt Nam, gồm:

a) Tên báo cáo: Báo cáo công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ;

b) Nội dung yêu cầu báo cáo:

Báo cáo về công tác đào tạo lái xe, gồm: Số lượng cơ sở đào tạo lái xe quản lý, công tác cấp giấy phép xe tập lái, cấp giấy phép đào tạo lái xe, cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe, công tác quản lý đào tạo lái xe.

Báo cáo về công tác sát hạch, cấp giấy phép lái xe, gồm: Số lượng trung tâm sát hạch lái xe quản lý, công tác quản lý sát hạch lái xe, số lượng cấp giấy phép lái xe;

c) Phương thức gửi, nhận báo cáo: Gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc phương thức điện tử được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định;

d) Thời hạn gửi báo cáo: Trước ngày 20 tháng 6 hàng năm đối với báo cáo định kỳ 6 tháng đầu năm; trước ngày 20 tháng 12 hàng năm đối với báo cáo định kỳ tổng kết năm;

đ) Tần suất thực hiện báo cáo: Báo cáo định kỳ 06 tháng đầu năm và Báo cáo định kỳ hàng năm;

e) Thời gian chốt số liệu báo cáo:

Đối với báo cáo định kỳ 06 tháng đầu năm được tính từ ngày 15 tháng 12 năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14 tháng 6 của kỳ báo cáo.

Đối với báo cáo định kỳ tổng kết năm: Từ ngày 15 tháng 12 năm trước đến ngày 14 tháng 12 năm báo cáo;

g) Mẫu biểu số liệu báo cáo: Theo Phụ lục 27 ban hành kèm theo Thông tư này.”.

12. Điều 47 được sửa đổi như sau:

Điều 47. Điều khoản chuyển tiếp

1. Giấy phép đào tạo lái xe A1, A2, A3, A4 đã cấp trước ngày Thông tư này có hiệu lực, có giá trị theo thời hạn ghi trên giấy phép; khi giấy phép hết hạn cơ sở đào tạo lái xe các hạng A1, A2, A3, A4 thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 4 của Thông tư này.

2. Cơ sở đào tạo sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông để đào tạo lái xe ô tô từ ngày 31 tháng 12 năm 2021; trang bị và sử dụng thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học lái xe trên đường của học viên để đào tạo lái xe ô tô từ ngày 01 tháng 01 năm 2022; trang bị và sử dụng ca bin học lái xe ô tô để đào tạo lái xe ô tô từ ngày 01 tháng 7 năm 2022. Trong thời gian chưa sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông và ca bin học lái xe ô tô, cơ sở đào tạo lái xe xây dựng chương trình, giáo trình và tổ chức giảng dạy đảm bảo đủ thời gian đào tạo theo chương trình quy định tại Điều 13, Điều 14 của Thông tư này, cụ thể như sau:

a) Số giờ học kỹ thuật lái xe của học viên học lái xe hạng B1, B2, C bao gồm cả thời gian học phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông;

b) Số giờ học môn đạo đức và văn hóa giao thông của học viên học lái xe nâng hạng bao gồm cả thời gian học phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông;

c) Số giờ học thực hành lái xe trên 01 xe tập lái, gồm cả thời gian học lái xe trên ca bin học lái xe ô tô.

3. Giấy phép lái xe được cấp theo mẫu quy định tại Phụ lục 17 ban hành kèm theo Thông tư này có mã hai chiều (QR) để đọc, giải mã nhanh thông tin trên giấy phép lái xe và liên kết với hệ thống thông tin quản lý giấy phép lái xe. Giấy phép lái xe được cấp trước ngày Thông tư này có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng theo thời hạn ghi trên giấy phép lái xe.

4. Trung tâm sát hạch lái xe sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông để sát hạch lái xe từ ngày 01 tháng 6 năm 2022.

5. Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Sở Giao thông vận tải sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông để sát hạch lái xe từ ngày 01 tháng 6 năm 2022.”.

13. Phụ lục 7, Phụ lục 15a, Phụ lục 15b, Phụ lục 17 và Phụ lục 19 ban hành kèm theo Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT được thay thế như sau:

a) Thay thế Phụ lục 7 về mẫu Đơn đề nghị học, sát hạch để cấp giấy phép lái xe bằng Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Thay thế Phụ lục 15a về mẫu biên bản tổng hợp kết quả sát hạch lái xe bằng Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Thay thế Phụ lục 15b về mẫu biên bản tổng hợp kết quả sát hạch lái xe bằng Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này;

d) Thay thế Phụ lục 17 về mẫu giấy phép lái xe cơ giới đường bộ bằng Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này;

đ) Thay thế Phụ lục 19 về Đơn đề nghị đổi (cấp lại) giấy phép lái xe bằng Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này.

14. Bổ sung các Phụ lục vào Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT như sau:

a) Bổ sung Phụ lục số 26 về Báo cáo chi tiết kết quả công tác sát hạch, lái xe tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Bổ sung Phụ lục số 27 về mẫu Báo cáo công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 3. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 03 năm 2021.

2. Bãi bỏ các quy định:

a) Điểm c khoản 2 Điều 7 Thông tư số 29/2015/TT-BGTVT ngày 06 tháng 7 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về cấp, sử dụng giấy phép lái xe quốc tế;

b) Điểm c khoản 6 Điều 37 Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT ngày 15 tháng 4 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ;

c) Điểm a khoản 3, khoản 6, điểm a khoản 12, điểm c khoản 20, khoản 27, khoản 28, khoản 29 và điểm đ khoản 30 Điều 1 Thông tư số 38/2019/TT-BGTVT ngày 08 tháng 10 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 12/2017/T T-BGTVT ngày 15 tháng 4 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ.

3. Đối với người có hợp đồng lao động trong Công an nhân dân từ 12 tháng trở lên, học viên hệ dân sự các trường Công an nhân dân và Công an xã có giấy phép lái xe do ngành Công an cấp, trong trường hợp không tiếp tục phục vụ trong ngành Công an mà giấy phép lái xe do ngành Công an cấp đã hết hạn sử dụng trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành nhưng chưa quá 07 tháng (kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành), nếu có nhu cầu được xét cấp giấy phép lái xe, thực hiện theo các quy định tại: khoản 1 Điều 36, khoản 2, khoản 3 Điều 40 Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT ngày 15 tháng 4 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ và quy định tại khoản 9, khoản 10 Điều 2 Thông tư này. Thời gian thực hiện đến hết ngày 31 tháng 7 năm 2021.

4. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Giám đốc Sở Giao thông vận tải và Sở Giao thông vận tải - Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Lê Đình Thọ

 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.