• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 18/05/2005
  • Ngày hết hiệu lực: 01/03/2010
CHÍNH PHỦ
Số: 56/2005/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Ninh Bình, ngày 26 tháng 4 năm 2005

 

 

NGHỊ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ

Về khuyến nông, khuyến ngư

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Thủy sản,

NGHỊ ĐỊNH:

CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Nghị định này quy định về nội dung, tổ chức, chính sách khuyến nông, khuyến ngư.

2. Tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động khuyến nông trong lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thuỷ nông, nghề muối, chế biến, bảo quản nông, lâm sản, muối, ngành nghề nông thôn và khuyến ngư trong lĩnh vực: nuôi trồng, khai thác, bảo quản, chế biến thuỷ sản (sau đây gọi chung là khuyến nông, khuyến ngư trong lĩnh vực nông nghiệp, thuỷ sản).

3. Nông dân, diêm dân, ngư dân, hộ gia đình, công nhân nông - lâm trường, chủ trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, nghề muối, chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản, thủy sản, muối, ngành nghề nông thôn (sau đây gọi chung là người sản xuất) được áp dụng các chính sách về khuyến nông, khuyến ngư theo quy định của Nghị định này.

4. Các hoạt động khuyến nông, khuyến ngư liên quan đến các chương trình, dự án, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên thì tuân theo chương trình, dự án, điều ước quốc tế đó.

Điều 2. Mục tiêu của khuyến nông, khuyến ngư

1. Nâng cao nhận thức về chủ chương, chính sách, pháp luật, kiến thức, kỹ năng về khoa học kỹ thuật, quản lý, kinh doanh cho người sản xuất.

2. Góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, phát triển sản xuất theo hướng bền vững, tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

3. Huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoàig nước tham gia khuyến nông, khuyến ngư.

Điều 3. Nguyên tắc hoạt động khuyến nông, khuyến ngư

1. Xuất phát từ nhu cầu của người sản xuất và yêu cầu phát triển nông nghiệp, thủy sản.

2. Tạo sự liên kết chặt chẽ giữa nhà quản lý, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp với người sản xuất và giữa người sản xuất với nhau.

3. Xã hội hóa hoạt động khuyến nông, khuyến ngư.

4. Dân chủ, công khai, có sự tham gia tự nguyện của người sản xuất.

5. Các hoạt động khuyến nông, khuyến ngư phải phù hợp và phục vụ chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn; ưu tiên vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sản xuất hàng hoá phục vụ cho yêu cầu xuất khẩu.

CHƯƠNG II
NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG KHUYẾN NÔNG, KHUYẾN NGƯ

Điều 4. Thông tin, tuyên truyền

1. Tuyên truyền chủ trương đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, tiến bộ khoa học và công nghệ, thông tin thị trường, giá cả, phổ biến điển hình tiên tiến trong sản xuất, quản lý, kinh doanh, phát triển nông nghiệp, thủy sản.

2. Xuất bản, hướng dẫn và cung cấp thông tin đến người sản xuất bằng các phương tiện thông tin đại chúng, hội nghị, hội thảo, hội thi, hội chợ, triển lãm và các hình thức thông tin tuyên truyền khác.

Điều 5. Bồi dưỡng, tập huấn và đào tạo

1. Bồi dưỡng, tập huấn và truyền nghề cho người sản xuất để nâng cao kiến thức, kỹ năng sản xuất, quản lý kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản.

2. Đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho người hoạt động khuyến nông, khuyến ngư.

3. Tổ chức tham quan, khảo sát, học tập trong và ngoài nước.

Điều 6. Xây dựng mô hình và chuyển giao khoa học công nghệ

1. Xây dựng các mô hình trình diễn về tiến bộ khoa học công nghệ phù hợp với từng địa phương, nhu cầu của người sản xuất.

2. Xây dựng các mô hình công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản.

3. Chuyển giao kết quả khoa học công nghệ từ các mô hình trình diễn ra diện rộng.

Điều 7. Tư vấn và dịch vụ

1. Tư vấn, hỗ trợ chính sách, pháp luật về: đất đai, thủy sản, thị trường, khoa học công nghệ, áp dụng kinh nghiệm tiên tiến trong sản xuất, quản lý, kinh doanh về phát triển nông nghiệp, thủy sản.

2. Dịch vụ trong các lĩnh vực: pháp luật, tập huấn, đào tạo, cung cấp thông tin, chuyển giao khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại, thị trường, giá cả, đầu tư, tín dụng, xây dựng dự án, cung ứng vật tư kỹ thuật, thiết bị và các hoạt động khác có liên quan đến nông nghiệp, thủy sản theo quy định của pháp luật.

3. Tư vấn, hỗ trợ việc khởi sự doanh nghiệp nhỏ và vừa lập dự án đầu tư phát triển nông nghiệp, thủy sản và ngành nghề nông thôn, tìm kiếm mặt bằng sản xuất, tuyển dụng, đào tạo lao động, huy động vốn, xin ưu đãi đầu tư và các thủ tục hành chính khác theo quy định của pháp luật, phù hợp với quy hoạch phát triển nông nghiệp, thủy sản và ngành nghề nông thôn theo vùng, lãnh thổ và địa phương.

4. Tư vấn, hỗ trợ phát triển, ứng dụng công nghệ sau thu hoạch, chế biến nông lâm, thủy sản, nghề muối.

5. Tư vấn, hỗ trợ quản lý, sử dụng nước sạch nông thôn và vệ sinh môi trường nông thôn.

6. Tư vấn, hỗ trợ đổi mới tổ chức, cải tiến quản lý, hợp lý hoá sản xuất, hạ giá thành sản phẩm của doanh nghiệp, của tổ chức kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Điều 8. Hợp tác quốc tế về khuyến nông, khuyến ngư

1. Tham gia các hoạt động về khuyến nông, khuyến ngư trong các chương trình hợp tác quốc tế.

2. Trao đổi kinh nghiệm khuyến nông, khuyến ngư với các tổ chức, cá nhân nước ngoài và các tổ chức quốc tế.

CHƯƠNG III
TỔ CHỨC KHUYẾN NÔNG, KHUYẾN NGƯ

Điều 9. Tổ chức khuyến nông, khuyến ngư trung ương

a) Trung tâm Khuyến nông quốc gia là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn;

b) Trung tâm Khuyến ngư quốc gia là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Thủy sản.

c) Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Trung tâm Khuyến ngư quốc gia do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Thủy sản quy định.

Điều 10. Tổ chức khuyến nông, khuyến ngư địa phương

1. Tổ chức khuyến nông, khuyến ngư ở địa phương là đơn vị sự nghiệp, được quy định như sau:

a) Tổ chức khuyến nông, khuyến ngư ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (được gọi là khuyến nông, khuyến ngư cấp tỉnh);

b) Tổ chức khuyến nông, khuyến ngư ở quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (được gọi là khuyến nông, khuyến ngư cấp huyện).

2. Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của tổ chức khuyến nông, khuyến ngư địa phương do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định.

Điều 11. Tổ chức khuyến nông, khuyến ngư cơ sở

1. Mỗi xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) có ít nhất 01 nhân viên làm công tác khuyến nông, khuyến ngư.

2. Ở thôn, bản, phum, sóc (sau đây gọi chung là cấp thôn) có cộng tác viên khuyến nông, khuyến ngư.

3. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định số lượng và chế độ thù lao cho nhân viên khuyến nông, khuyến ngư cấp xã, cộng tác viên khuyến nông, khuyến ngư cấp thôn.

Điều 12. Tổ chức khuyến nông, khuyến ngư khác

1. Khuyến khích, tạo điều kiện tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức khoa học, giáo dục đào tạo, hiệp hội, hội nghề nghiệp và tổ chức, cá nhân trong và ngoàinước thành lập tổ chức khuyến nông, khuyến ngư (sau đây gọi chung là tổ chức khuyến nông, khuyến ngư khác).

2. Tổ chức khuyến nông, khuyến ngư khác thực hiện các nội dung hoạt động khuyến nông, khuyến ngư theo quy định của Nghị định này và các quy định pháp luật khác có liên quan.

3. Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy tổ chức khuyến nông, khuyến ngư thuộc tổ chức, cá nhân nào do tổ chức, cá nhân đó quy định.

CHƯƠNG IV
KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG VÀ CHÍNH SÁCH
KHUYẾN NÔNG, KHUYẾN NGƯ

Điều 13. Nguồn kinh phí khuyến nông, khuyến ngư

1. Kinh phí khuyến nông, khuyến ngư trung ương được hình thức từ các nguồn:

a) Ngân sách nhà nước cấp theo dự toán ngân sách hàng năm được duyệt của Bộ;

b) Thu từ thực hiện hợp đồng dịch vụ khuyến nông, khuyến ngư với người sản xuất;

c) Tài trợ và đóng góp hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước;

d) Nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

2. Kinh phí khuyến nông, khuyến ngư địa phương (bao gồm kinh phí khuyến nông, khuyến ngư cấp tỉnh, cấp huyện và cơ sở) được hình thành từ các nguồn:

a) Ngân sách do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố cấp theo dự toán ngân sách hàng năm được duyệt của địa phương;

b) Thu từ thực hiện hợp đồng với tổ chức khuyến nông, khuyến ngư trung ương;

c) Thu từ thực hiện hợp đồng dịch vụ khuyến nông, khuyến ngư với người sản xuất;

d) Taì trợ và đóng góp hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước;

đ) Nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

3. Kinh phí của tổ chức khuyến nông, khuyến ngư khác được hình thành từ các nguồn sau:

a) Hỗ trợ một phần từ ngân sách nhà nước thông qua các chương trình, dự án (trong nước và ngoài nước) được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

b) Thu từ thực hiện hợp đồng với tổ chức khuyến nông, khuyến ngư trung ương và tổ chức khuyến nông, khuyến ngư địa phương;

c) Thu từ thực hiện hợp đồng dịch vụ khuyến nông, khuyến ngư với người sản xuất;

d) Tài trợ và đóng góp hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước;

đ) Từ nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Điều 14. Sử dụng kinh phí khuyến nông, khuyến ngư

1. Kinh phí khuyến nông, khuyến ngư trung ương và địa phương thuộc ngân sách nhà nước được sử dụng cho các mục đích sau:

a) Đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, thông tin, tuyên truyền, in ấn tài liệu;

b) Xây dựng các mô hình trình diễn, mô hình công nghệ cao, chuyển giao kết quả khoa học công nghệ;

c) Mua bán quyền tác giả, mua công nghệ mới phù hợp, thuê chuyên gia trong hoạt động khuyến nông, khuyến ngư;

d) Mua sắm trang thiết bị phục vụ trực tiếp cho hoạt động khuyến nông, khuyến ngư;

đ) Tổ chức khảo sát, học tập, hội thảo, hội thi, hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước;

e) Các khoản chi khác phục vụ cho hoạt động khuyến nông, khuyến ngư.

2. Kinh phí khuyến nông, khuyến ngư không thuộc ngân sách nhà nước chi cho các nội dung hoạt động khuyến nông, khuyến ngư quy định tại các Điều: 4, 5, 6, 7, 8, 16, 17 của Nghị định này và hỗ trợ mục đích chi quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 15. Quản lý kinh phí khuyến nông, khuyến ngư trung ương và địa phương

1. Kinh phí khuyến nông, khuyến ngư trung ương được sử dụng cho những hoạt động khuyến nông, khuyến ngư do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Thủy sản quản lý và tổ chức thực hiện. Kinh phí khuyến nông, khuyến ngư địa phương do Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý và tổ chức thực hiện.

2. Kế hoạch và dự toán kinh phí khuyến nông, khuyến ngư trung ương do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Thủy sản xây dựng, tổng hợp và dự toán ngân sách hàng năm của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Thủy sản trình Chính phủ để trình Quốc hội phê duyệt.

3. Dự toán chi cho khuyến nông, khuyến ngư hàng năm của địa phương do Uỷ ban nhân dân trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

4. Việc thực hiện chi, thanh toán kinh phí khuyến nông, khuyến ngư trung ương và địa phương căn cứ và chương trình và dự án khuyến nông, khuyến ngư được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

5. Việc quản lý và sử dụng kinh phí khuyến nông, khuyến ngư không thuộc ngân sách nhà nước do tổ chức khuyến nông, khuyến ngư quyết định phù hợp với quy định của Nghị định này và quy định của pháp luật.

6. Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Thủy sản hướng dẫn cụ thể trình tự lập, quản lý và sử dụng kinh phí khuyến nông, khuyến ngư trung ương và kinh phí khuyến nông, khuyến ngư địa phương.

Điều 16. Chính sách hỗ trợ người sản xuất

1. Người sản xuất được tham gia và thực hiện các nội dung khuyến nông, khuyến ngư quy định tại Chương II của Nghị định này.

2. Nhà nước có chính sách nhằm hỗ trợ cho người sản xuất tham gia trực tiếp khuyến nông khuyến ngư theo các nội dung sau:

a) Được tham dự các lớp bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo, tham quan, hội nghị, hội thi, hội thảo để nâng cao kiến thức, kỹ năng sản xuất, quản lý kinh tế trong nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và ngành nghề nông thôn;

b) Được hỗ trợ kinh phí xây dựng mô hình trình diễn áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, chuyển giao khoa học công nghệ về nông nghiệp, thủy sản và ngành nghề nông thôn.

3. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủy sản hướng dẫn chính sách hỗ trợ cho người sản xuất.

Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ điều kiện cụ thể của từng địa phương quyết định mức hỗ trợ cụ thể.

Điều 17. Chính sách đối với người hoạt động khuyến nông, khuyến ngư

1. Được đào tạo, bồi dưỡng, tham quan, học tập trong và ngoài nước để nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ; ưu tiên đào tạo cán Bộ khuyến nông, khuyến ngư cơ sở là người dân tộc, cán bộ nữ.

2. Được tham gia hoặc tổ chức tư vấn và hoạt động dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, Thủy sản theo quy định tại Điều 7 của Nghị định này

3. Người hoạt động khuyến nông, khuyến ngư thuộc tổ chức khuyến nông, khuyến ngư khác ngoài chính sách được quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này được tham gia các chương trình, dự án khuyến nông, khuyến ngư của trung ương và địa phương thông qua hợp đồng với tổ chức khuyến nông, khuyến ngư trung ương, tổ chức khuyến nông, khuyến ngư địa phương.

CHƯƠNG V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 18. Trách nhiệm của các Bộ, ngành

1. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Thủy sản thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động khuyến nông, khuyến ngư theo các nội dung sau:

a) Xây dựng và ban hành hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành chiến lược, các văn bản quy phạm pháp luật, dự án, chính sách về khuyến nông, khuyến ngư;

b) Xây dựng chương trình, kế hoạch khuyến nông, khuyến ngư trung ương trong từng giai đoạn trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

c) Tổ chức thực hiện và hướng dẫn các địa phương triển khai các hoạt động khuyến nông, khuyến ngư theo chương trình, kế hoạch, dự án được duyệt;

d) Hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thu hút vốn và các nguồn lực phục vụ cho hoạt động khuyến nông, khuyến ngư;

đ) Theo dõi, đánh giá và định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc thực hiện các chương trình, kế hoạch, dự án khuyến nông, khuyến ngư;

e) Tổ chức kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực hoạt động khuyến nông, khuyến ngư;

g) Quản lý kinh phí khuyến nông, khuyến ngư trung ương.

2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Thủy sản trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động khuyến nông, khuyến ngư theo quy định của Chính phủ.

Điều 19. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động khuyến nông, khuyến ngư trong phạm vi địa phương theo các nội dung như sau:

a) Xây dựng và ban hành chiến lược, văn bản quy phạm pháp luật, chính sách về khuyến nông, khuyến ngư phù hợp với điều kiện địa phương;

b) Phê duyệt và chỉ đạo thực hiện chương trình, kế hoạch, dự án khuyến nông, khuyến ngư tại địa phương;

c) Bảo đảm nguồn vốn để hỗ trợ cho các hoạt động và thực hiện chính sách khuyến nông, khuyến ngư trên địa bàn tỉnh;

d) Quản lý kinh phí khuyến nông, khuyến ngư địa phương;

đ) Quan hệ với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thu hút các nguồn vốn cho hoạt động khuyến nông, khuyến ngư của địa phương;

e) Định kỳ sáu tháng báo cáo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Thủy sản về hoạt động khuyến nông, khuyến ngư tại địa phương.

Điều 20. Khen thưởng và xử lý vi phạm

1. Tổ chức, cá nhân có thành tích trong hoạt động khuyến nông, khuyến ngư được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của Nghị định nàythì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

3. Hàng năm, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Thủy sản và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm trong hoạt động khuyến nông, khuyến ngư.

Điều 21. Khiếu nại, tố cáo

1. Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó trái với các quy định của Nghị định nàytheo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

2. Cá nhân có quyền tố cáo với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những hành vi vi phạm các quy định của Nghị định nàycủa các tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

3. Thẩm quyền, thủ tục, thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

CHƯƠNG VI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 22. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Nghị định số 13/CP ngày 02 tháng 3 năm 1993 của Chính phủ quy định về công tác khuyến nông.

Điều 23. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Thủy sản phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn thực hiện Nghị định này

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.