• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 22/11/2010
BỘ TÀI CHÍNH
Số: 187/2010/TT-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 22 tháng 11 năm 2010

THÔNG TƯ

Quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản để

 khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh

______________________________

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Quyết định số 142/2009/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Sau khi thống nhất ý kiến với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện như sau:

Điều 1. Đối tượng và phạm vi áp dụng:

1. Ngân sách nhà nước hỗ trợ giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thuỷ sản cho các hộ nông dân, ngư dân, chủ trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Thông tư số 39/2010/TT-BNNPTNT ngày 28/6/2010 hướng dẫn các loại thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm được hỗ trợ theo Quyết định số 142/2009/QĐ-TTg ngày 31/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm được xác định để làm căn cứ hỗ trợ gồm:

a) Đối với thiên tai: số lượng gia súc, gia cầm bị chết; diện tích nuôi trồng thuỷ sản, hải sản bị chết, bị phá huỷ do thiên tai; diện tích cây trồng bị chết, bị mất trắng.

b) Đối với dịch bệnh nguy hiểm: số lượng gia súc, gia cầm bị tiêu huỷ; diện tích nuôi trồng thuỷ, hải sản bị chết; diện tích cây trồng bắt buộc tiêu huỷ theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

3. Thời gian hỗ trợ:

a) Đối với thiên tai: kể từ ngày thiên tai xảy ra trên từng địa bàn cụ thể theo quyết định công bố loại thiên tai do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định.

b) Đối với dịch bệnh nguy hiểm: kể từ ngày có quyết định công bố dịch trên địa bàn đến khi có quyết định công bố hết dịch của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ thực vật, thú y và thuỷ sản.

Điều 2. Mức hỗ trợ

1. Hỗ trợ đối với diện tích cây trồng:

 a) Thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm:

- Diện tích gieo cấy lúa thuần bị thiệt hại hơn 70%, hỗ trợ 1.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30-70%, hỗ trợ 500.000 đồng/ha;

- Diện tích gieo cấy lúa lai bị thiệt hại hơn 70%, hỗ trợ 1.500.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30-70%, hỗ trợ 750.000 đồng/ha;

- Diện tích ngô và rau màu các loại thiệt hại hơn 70%, hỗ trợ 1.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30-70%, hỗ trợ 500.000 đồng/ha;

- Diện tích cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm bị thiệt hại hơn 70%, hỗ trợ 2.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30-70%, hỗ trợ 1.000.000 đồng/ha.

Căn cứ mức hỗ trợ quy định nêu trên và mức độ thiệt hại của từng loại cây trồng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định cụ thể mức hỗ trợ trực tiếp cho các hộ nông dân, chủ trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

b) Thiệt hại do bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và bệnh lùn sọc đen hại lúa: Mức hỗ trợ thực hiện theo quy định tại Thông tư số 53/2010/TT-BTC ngày 14 tháng 4 năm 2010 của Bộ Tài chính quy định về chế độ tài chính để thực hiện phòng, trừ bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và bệnh lùn sọc đen hại lúa.

2. Hỗ trợ đối với vật nuôi:

a) Thiệt hại do thiên tai: cứ thiệt hại 1 con vật nuôi (kể cả vật nuôi thương phẩm và con giống) được hỗ trợ kinh phí để mua 1 con giống khôi phục sản xuất với mức sau:

- Gia cầm hỗ trợ từ 7.000 – 15.000 đồng/con giống;

- Lợn hỗ trợ 500.000 đồng/con giống;

- Trâu, bò, ngựa hỗ trợ 2.000.000 đồng/con giống;

- Hươu, nai, cừu, dê hỗ trợ: 1.000.000 đồng/con giống.

Căn cứ mức hỗ trợ quy định nêu trên và số lượng từng loại gia súc, gia cầm bị thiệt hại, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định cụ thể mức hỗ trợ trực tiếp cho các hộ nông dân, ngư dân, chủ trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất trong lĩnh vực chăn nuôi bị thiệt hại do thiên tai cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

b) Thiệt hại do dịch bệnh nguy hiểm: mức hỗ trợ thực hiện theo quy định tại Thông tư số 80/2008/TT-BTC ngày 18 tháng 9 năm 2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ tài chính để phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm .

3. Hỗ trợ đối với nuôi trồng thủy, hải sản:

a) Diện tích nuôi trồng bị thiệt hại hơn 70%, hỗ trợ từ 3.000.000 – 5.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30-70%, hỗ trợ từ 1.000.000 – 3.000.000 đồng/ha;

b) Lồng, bè nuôi trồng bị thiệt hại hơn 70%, hỗ trợ từ 3.000.000 – 5.000.000 đồng/100m3 lồng; thiệt hại từ 30-70% hỗ trợ từ 1.000.000 – 3.000.000 đồng/100m3 lồng.

Căn cứ mức hỗ trợ quy định nêu trên và mức độ thiệt hại theo từng loại giống thuỷ sản, hải sản, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định cụ thể mức hỗ trợ trực tiếp cho các hộ nông dân, ngư dân, chủ trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ, hải sản bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

4. Trường hợp hỗ trợ bằng hiện vật giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản thì mức hỗ trợ tương đương mức hỗ trợ bằng tiền được quy đổi theo giá tại thời điểm hỗ trợ.

Điều 3. Nguyên tắc hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương:

Ngân sách trung ương hỗ trợ địa phương một phần kinh phí hỗ trợ về giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thuỷ sản theo quy định tại Điều 2 Thông tư này với nguyên tắc:

 1. Các tỉnh miền núi, Tây nguyên, hỗ trợ 80% mức hỗ trợ giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thuỷ sản;

2. Thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh chủ động sử dụng dự phòng ngân sách địa phương để thực hiện;

3. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn lại hỗ trợ 70% mức hỗ trợ giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thuỷ sản;

4. Các địa phương có mức độ thiệt hại lớn, nếu phần ngân sách địa phương bảo đảm vượt quá 50% nguồn dự phòng ngân sách địa phương được Thủ tướng Chính phủ giao, ngân sách trung ương sẽ bổ sung thêm phần chênh lệch vượt quá 50% dự phòng ngân sách địa phương để các tỉnh, thành phố có đủ nguồn kinh phí thực hiện.

5. Đối với các chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh đã ban hành bằng quyết định cụ thể, nguyên tắc hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương thực hiện theo quy định của quyết định đó, không áp dụng nguyên tắc hỗ trợ theo quy định tại Thông tư này.

Điều 4. Điều kiện ngân sách nhà nước hỗ trợ giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thuỷ sản để khôi phục sản xuất đối với vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm:

1. Diện tích cây trồng, diện tích nuôi trồng thuỷ sản, hải sản và số lượng gia súc, gia cầm bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm phải có xác nhận của chính quyền cấp xã, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành và các đơn vị liên quan làm căn cứ thanh toán hỗ trợ.

a) Đối với cây trồng: Căn cứ bảng kê thiệt hại của các thôn, bản về diện tích gieo trồng (lúa, ngô, hoa màu), diện tích cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm bị thiệt hại (chi tiết đến từng đối tượng), Chủ tịch UBND xã thành lập hội đồng kiểm tra bao gồm chính quyền cấp xã và các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành của huyện để lập biên bản kiểm tra; đồng thời tổng hợp nhu cầu hỗ trợ giống khôi phục sản xuất báo cáo UBND cấp huyện thẩm định để làm căn cứ thanh toán hỗ trợ theo quy định.

b) Đối với vật nuôi: Căn cứ bảng kê thiệt hại của các thôn, bản về số lượng gia súc, gia cầm bị thiệt hại (chi tiết đến từng đối tượng đã được đối chiếu với đăng ký kê khai sản xuất ban đầu của các hộ nông dân, chủ trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất trong lĩnh vực chăn nuôi, theo từng loại gia súc, gia cầm), Chủ tịch UBND xã thành lập Hội đồng kiểm tra bao gồm chính quyền cấp xã và các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành của huyện để lập biên bản kiểm tra, tổng hợp nhu cầu hỗ trợ giống khôi phục sản xuất báo cáo UBND cấp huyện thẩm định để làm căn cứ thanh toán hỗ trợ theo quy định.

c) Đối với nuôi trồng thuỷ, hải sản: Căn cứ bảng kê thiệt hại về diện tích nuôi trồng thuỷ sản, hải sản bị thiệt hại (chi tiết đến từng đối tượng đã được đối chiếu với đăng ký kê khai sản xuất ban đầu của các nông dân, ngư dân, chủ trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản, hải sản); Chủ tịch UBND xã thành lập Hội đồng kiểm tra bao gồm chính quyền cấp xã và các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành của huyện để lập biên bản kiểm tra, tổng hợp nhu cầu hỗ trợ giống khôi phục sản xuất, báo cáo UBND cấp huyện thẩm định để làm căn cứ thanh toán hỗ trợ theo quy định.

2. Thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm xảy ra trên từng địa bàn làm căn cứ hỗ trợ giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thuỷ sản phải nằm trong quyết định công bố loại thiên tai, dịch bệnh của cơ quan có thẩm quyền.

3. Việc xác định mức độ thiệt hại cụ thể đối với từng loại diện tích cây trồng, vật nuôi và diện tích nuôi trồng thuỷ sản, hải sản theo hướng dẫn của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

4. Căn cứ hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và tình hình thực tế tại địa phương, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định cụ thể trách nhiệm của các đối tượng tham gia xác nhận thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm gây ra.

Điều 5. Tổ chức thực hiện:

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:

a) Chỉ đạo Sở Tài chính phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan thẩm định mức độ thiệt hại, nhu cầu kinh phí hỗ trợ giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thuỷ sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm và có phương án tài chính để thực hiện. Đồng thời báo cáo Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động sử dụng nguồn ngân sách địa phương và các nguồn tài chính hợp pháp khác để đáp ứng kịp thời nhu cầu hỗ trợ giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thuỷ sản khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm theo quy định tại Thông tư này.

 b) Chỉ đạo Uỷ ban nhân dân cấp dưới thực hiện tốt công tác khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; xác định chính xác mức độ thiệt hại, nhu cầu hỗ trợ giống khôi phục sản xuất và quyết định hỗ trợ giống cho từng địa bàn xã, phường, thị trấn đảm bảo kịp thời, đúng chính sách, chế độ; sử dụng kinh phí hỗ trợ giống khôi phục sản xuất đảm bảo có hiệu quả, đúng mục đích, đúng đối tượng, không để thất thoát lãng phí và xảy ra tiêu cực; chỉ đạo Uỷ ban nhân dân cấp xã phối hợp với các cơ quan liên quan ở địa phương thực hiện công khai chính sách hỗ trợ của nhà nước: diện tích cây trồng, diện tích nuôi trồng thuỷ sản; số lượng gia súc, gia cầm bị thiệt hại; mức hỗ trợ đối với từng hộ nông dân, ngư dân, chủ trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm trước và sau khi có quyết định hỗ trợ của cấp có thẩm quyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại trụ sở Uỷ ban nhân dân cấp xã và tại các thôn, bản theo quy định tại Thông tư số 54/2006/TT-BTC ngày 19/6/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện quy chế công khai hỗ trợ trực tiếp của ngân sách đối với các cá nhân, dân cư.

2. Kết thúc đợt thiên tai, dịch bệnh hoặc cuối năm; căn cứ kết quả thực chi về hỗ trợ giống khôi phục sản xuất do thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm gây ra tại địa phương; Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổng hợp, báo cáo Bộ Tài chính xem xét hỗ trợ kinh phí từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương hàng năm cho địa phương và tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

Trường hợp thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm xảy ra ở phạm vi lớn, ngân sách địa phương không đủ nguồn lực chi hỗ trợ giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thuỷ sản để khôi phục sản xuất từ nguồn ngân sách địa phương; căn cứ đề nghị của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Tài chính sẽ ứng trước kinh phí để địa phương thực hiện (tối đa bằng 70% mức ngân sách trung ương hỗ trợ). Sau khi địa phương có báo cáo quyết toán kinh phí, Bộ Tài chính sẽ làm thủ tục chuyển từ tạm ứng sang chi hỗ trợ chính thức cho địa phương (phần ngân sách trung ương hỗ trợ địa phương).

3. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ký. Các chính sách hỗ trợ giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thuỷ sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm được thực hiện kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2010.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính để xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Công Nghiệp

 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.