• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 23/03/2013
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI-BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ-BỘ TÀI CHÍNH
Số: 02/2013/TTLT-BGTVT-BKHĐT-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Ninh Bình, ngày 8 tháng 1 năm 2013

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện đề án kiểm soát ô nhiễm môi trường

trong hoạt động giao thông vận tải theo Quyết định số 855/QĐ-TTg ngày 06/06/2011 của Thủ tướng Chính phủ

__________________________

 

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 10 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 51/2008/NĐ-CP ngày 22/4/2008 của Chính phủ quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Nghị định số 116/2008/NĐ-CP ngày 14/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 28/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Quyết định số 855/QĐ-TTg ngày 06/06/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án kiểm soát ô nhiễm môi trường trong hoạt động giao thông vận tải;

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện Đề án kiểm soát ô nhiễm môi trường trong hoạt động giao thông vận tải.

Điều 1. Quy định chung

1. Thông tư này hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện các nhiệm vụ, dự án thuộc Đề án kiểm soát ô nhiễm môi trường trong hoạt động giao thông vận tải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Quyết định số 855/QĐ-TTg ngày 06 tháng 6 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Nguồn vốn thực hiện đề án

a) Nguồn vốn thực hiện Đề án được huy động từ các nguồn: vốn ngân sách nhà nước; vốn của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong nước; vốn hỗ trợ của nước ngoài và các nguồn vốn hợp pháp khác.

b) Nguồn kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện Đề án gồm: kinh phí quản lý hành chính, kinh phí sự nghiệp và vốn đầu tư phát triển.

- Ngân sách trung ương bảo đảm kinh phí thực hiện các nhiệm vụ, dự án thuộc Đề án do các Bộ, ngành trung ương quản lý.

- Ngân sách địa phương bảo đảm kinh phí thực hiện các nhiệm vụ, dự án thuộc Đề án do địa phương quản lý.

3. Các nhiệm vụ, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt danh mục mới đủ điều kiện để cân đối bố trí kinh phí và triển khai thực hiện.

4. Các cơ quan, đơn vị, cá nhân sử dụng kinh phí thực hiện nhiệm vụ, dự án phải theo đúng nội dung đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đúng chế độ, và có hiệu quả; chịu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng có thẩm quyền; thực hiện thanh quyết toán kinh phí hàng năm và kết thúc nhiệm vụ, dự án theo quy định hiện hành.

Điều 2. Nội dung chi từ nguồn vốn ngân sách nhà nước cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Đề án

1. Chi từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường

a) Xây dựng và ban hành tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật, quy trình kỹ thuật về môi trường trong lĩnh vực giao thông vận tải.

b) Tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trong giao thông vận tải.

c) Xây dựng bản đồ ô nhiễm tiếng ồn và giải pháp giảm thiểu ô nhiễm tiếng ồn do hoạt động giao thông vận tải gây ra tại các trục giao thông trọng yếu (bao gồm cả khảo sát, đánh giá).

d) Cập nhật và duy trì cơ sở dữ liệu về môi trường trong giao thông vận tải.

đ) Xây dựng mô hình tổ chức, quản lý rác thải do vận tải hành khách đường bộ và ứng dụng trên các tuyến vận tải hành khách công cộng.

e) Hỗ trợ cải tạo, nâng cấp hệ thống thu gom xử lý chất thải y tế lỏng bệnh viện giao thông vận tải.

g) Xây dựng cơ sở dữ liệu về môi trường phục vụ công tác nghiên cứu, đánh giá, quản lý về môi trường đối với các hoạt động phát triển giao thông vận tải.

2. Chi từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học

a) Xây dựng và ban hành quy chuẩn về môi trường trong lĩnh vực giao thông vận tải.

b) Nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong giao thông vận tải nhằm kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

c) Nghiên cứu và thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển giao thông vận tải khách công cộng tại các thành phố lớn.

d) Xây dựng, thực hiện đề án đầu tư trang thiết bị, phục vụ công tác nghiên cứu, đánh giá, quản lý về môi trường đối với các hoạt động phát triển giao thông vận tải.

3. Chi từ nguồn kinh phí sự nghiệp đào tạo

Đào tạo nâng cao năng lực quản lý về công tác bảo vệ môi trường cho các tổ chức, cơ quan quản lý môi trường ngành giao thông vận tải.

4. Chi từ nguồn kinh phí quản lý hành chính

Rà soát, xây dựng các đề án gia nhập các công ước quốc tế, các chương trình, kế hoạch hành động quốc tế và khu vực về môi trường của ngành giao thông vận tải (bao gồm cả khảo sát, đánh giá).

5. Chi từ nguồn vốn đầu tư phát triển

a) Xây dựng mô hình tổ chức quản lý chất thải tại các cảng biển và đầu tư thí điểm trung tâm thu gom, xử lý chất thải từ tàu biển.

b) Đầu tư thí điểm xử lý chất thải do hoạt động vận tải thủy nội địa trên một số cảng.

c) Hỗ trợ một số cơ sở công nghiệp đầu tư, xây dựng hệ thống kiểm soát các chất ô nhiễm từ hoạt động của công nghiệp giao thông vận tải.

d) Hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng thí điểm khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), khí tự nhiên nén (CNG) trong vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tại Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Đà Nẵng.

đ) Hỗ trợ thiết kế, lắp đặt hệ thống thiết bị vệ sinh tự hoại trên các toa xe vận tải khách đường sắt.

e) Hỗ trợ đầu tư xây dựng mới hệ thống thu gom xử lý chất thải y tế lỏng tại bệnh viện giao thông vận tải.

g) Hỗ trợ xây dựng thí điểm hệ thống xử lý nước thải tập trung tại cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng.

Điều 3. Mức chi

1. Mức chi các nhiệm vụ, dự án thực hiện theo định mức, chế độ chi tiêu tài chính hiện hành do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

2. Cụ thể một số mức chi như sau:

a) Chi công tác, hội nghị, tập huấn theo quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 06/7/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác, chế độ chi tổ chức các hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

b) Chi từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 45/2010/TTLT-BTC-BTNMT ngày 30/3/2010 của Bộ Tài chính - Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn quản lý kinh phí sự nghiệp môi trường.

c) Chi từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 44/2007/TTLT-BTC-BKHCN ngày 7/5/2007 của Bộ Tài chính - Bộ Khoa học và công nghệ hướng dẫn định mức xây dựng và phân bổ dự toán kinh phí đối với các đề tài, dự án khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước.

d) Chi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và bồi dưỡng kỹ năng, nâng cao năng lực cho cán bộ, công nhân viên chức ngành giao thông vận tải về hoạt động bảo vệ môi trường thực hiện theo Thông tư số 139/2010/TT-BTC ngày 21/9/2010 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.

đ) Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và cơ chế chính sách quản lý môi trường trong hoạt động giao thông vận tải, mức chi theo quy định tại Thông tư liên tịch số 192/2010/TTLT-BTC-BTP-VPCP ngày 02/12/2010 của liên Bộ Tài chính - Tư pháp - Văn phòng Chính phủ hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật.

e) Chi thực hiện các dự án xử lý chất thải trong hoạt động giao thông vận tải từ nguồn vốn đầu tư thực hiện theo các văn bản hiện hành về vốn đầu tư.

g) Mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước tại các điểm c, d, đ, g khoản 5, Điều 2 không quá 30 % tổng mức đầu tư của dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Điều kiện và tiêu chí hỗ trợ thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải. Riêng mức hỗ trợ tại điểm e, khoản 5, Điều 2 thực hiện theo Quyết định số 58/2008/QĐ-TTg ngày 29/4/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách nhà nước nhằm xử lý triệt để, khắc phục ô nhiễm và giảm thiểu suy thoái môi trường cho một số đối tượng thuộc khu vực công ích.

Điều 4. Lập, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước

Việc lập, phân bổ, chấp hành và quyết toán kinh phí thực hiện các nhiệm vụ, dự án của Đề án thực hiện theo quy định của Luật ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật; Thông tư này hướng dẫn cụ thể thêm một số nội dung sau:

1. Lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ, dự án Căn cứ nhiệm vụ, dự án theo Quyết định số 855/QĐ-TTg ngày 06 tháng 6 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ và quy định tại Điều 3 của Thông tư này các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương chủ trì giao nhiệm vụ cho đơn vị thực hiện.

Đơn vị thực hiện nhiệm vụ, dự án có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng nhiệm vụ, dự án theo quy định và đề xuất nguồn vốn thực hiện nhiệm vụ, dự án, có thuyết minh chi tiết cơ sở dự toán và phân kỳ nguồn vốn triển khai theo từng năm. Tùy theo tính chất của từng dự án, việc lập dự án thực hiện như sau:

a) Đối với dự án bố trí từ nguồn vốn đầu tư phát triển: Việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án thực hiện theo quy định hiện hành về quản lý đầu tư và xây dựng.

b) Đối với nhiệm vụ, dự án bố trí từ nguồn kinh phí hành chính, kinh phí sự nghiệp: Căn cứ mục tiêu, nội dung và tính chất của nhiệm vụ, dự án đơn vị lập dự toán theo khối lượng công việc cụ thể và chế độ tài chính hiện hành trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Lập dự toán kinh phí, phân bổ và giao dự toán kinh phí cho nhiệm vụ, dự án

a) Nhiệm vụ, dự án do các Bộ, cơ quan trung ương thực hiện:

- Trên cơ sở nhiệm vụ, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, hàng năm đơn vị thực hiện lập dự toán kinh phí báo cáo Bộ, cơ quan trung ương chủ trì nhiệm vụ, dự án xem xét, tổng hợp vào dự toán ngân sách nhà nước của Bộ, cơ quan trung ương gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt theo quy định.

- Việc phân bổ và giao dự toán cho các đơn vị thực hiện theo quy định hiện hành của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.

b) Nhiệm vụ, dự án do địa phương thực hiện:

- Trên cơ sở nhiệm vụ, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt các cơ quan, đơn vị ở địa phương lập dự toán chi trong dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm báo cáo cơ quan chủ quản.

Cơ quan chủ quản ở địa phương tổng hợp dự toán gửi cơ quan Tài chính, cơ quan Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học công nghệ, Giáo dục và Đào tạo cùng cấp xem xét, tổng hợp chung vào dự toán chi ngân sách cùng cấp để báo cáo Ủy ban nhân dân trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định.

- Việc phân bổ và giao dự toán cho các đơn vị thực hiện theo quy định hiện hành của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.

Điều 5. Công tác kiểm tra

1. Các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương được giao chủ trì nhiệm vụ, dự án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan Tài chính, cơ quan Kế hoạch và Đầu tư cùng cấp kiểm tra định kỳ, đột xuất tình hình thực hiện và sử dụng kinh phí các nhiệm vụ, dự án, đảm bảo việc quản lý, sử dụng kinh phí đúng mục đích, có hiệu quả.

2. Định kỳ hàng năm, các Bộ, ngành, địa phương được giao nhiệm vụ, dự án lập báo cáo gửi Bộ Giao thông vận tải để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; đồng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.

Điều 6. Tổ chức thực hiện

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 23 tháng 3 năm 2013.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương phản ánh về Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Giao thông vận tải
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Tài chính
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

(Đã ký)

   

Lê Mạnh Hùng

Nguyễn Văn Trung

Nguyễn Thị Minh

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.