NGHỊ ĐỊNH
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03 tháng 6 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Phí và Lệ phí
___________________________
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Pháp lệnh Phí và Lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28 tháng 8 năm 2001;
Căn cứ Nghị quyết số 08/2004/NQ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2004 của Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ và chính quyền tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính
NGHỊ ĐỊNH
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03 tháng 6 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Phí và Lệ phí như sau:
1. Sửa đổi, bổ sung khoản 4 và khoản 5 Điều 3 như sau:
“4. Hội phí, nguyệt liễm, niên liễm thu theo Điều lệ của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, câu lạc bộ;
5. Những khoản có tên gọi là phí nhưng là giá dịch vụ đã được quy định tại các văn bản pháp luật khác, như: cước phí vận tải, cước phí bưu chính viễn thông, phí thanh toán, chuyển tiền của các tổ chức tín dụng,...”.
2. Sửa đổi, bổ sung Điều 5 như sau:
“Điều 5. Thẩm quyền quy định đối với phí như sau:
1. Chính phủ quy định đối với một số phí quan trọng, có số thu lớn, liên quan đến nhiều chính sách kinh tế - xã hội của Nhà nước. Trong từng loại phí do Chính phủ quy định, Chính phủ có thể ủy quyền cho Bộ, cơ quan ngang Bộ quy định mức thu đối với từng trường hợp cụ thể cho phù hợp với tình hình thực tế.
2. Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) quy định đối với một số khoản phí về quản lý đất đai, tài nguyên thiên nhiên; một số khoản phí gắn với chức năng quản lý hành chính nhà nước của chính quyền địa phương.
3. Bộ Tài chính quy định đối với các khoản phí còn lại để áp dụng thống nhất trong cả nước.
4. Thẩm quyền quy định đối với phí được quy định cụ thể trong Danh mục chi tiết phí, lệ phí ban hành kèm theo Nghị định này. Thẩm quyền quy định đối với phí bao gồm việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng đối với từng phí cụ thể.
Trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định về khoản phí chưa có tên trong Danh mục chi tiết phí, lệ phí ban hành kèm theo Nghị định này thì Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ quản lý, sử dụng tiền phí thu được cho phù hợp với Điều ước quốc tế đó”.
3. Sửa đổi, bổ sung Điều 6 như sau:
“Điều 6. Thẩm quyền quy định đối với lệ phí như sau:
1. Chính phủ quy định đối với một số lệ phí quan trọng, có số thu lớn, có ý nghĩa pháp lý quốc tế.
2. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định đối với một số khoản lệ phí gắn với chức năng quản lý hành chính nhà nước của chính quyền địa phương, bảo đảm thực hiện chính sách phát triển kinh tế, xã hội phù hợp với đặc điểm, điều kiện cụ thể của địa phương.
3. Bộ Tài chính quy định đối với các khoản lệ phí còn lại để áp dụng thống nhất trong cả nước.
4. Thẩm quyền quy định đối với lệ phí được quy định cụ thể trong Danh mục chi tiết phí, lệ phí ban hành kèm theo Nghị định này. Thẩm quyền quy định đối với lệ phí bao gồm việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng đối với từng lệ phí cụ thể.
Trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định về khoản lệ phí chưa có tên trong Danh mục chi tiết phí, lệ phí ban hành kèm theo Nghị định này thì Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ quản lý, sử dụng tiền lệ phí thu được cho phù hợp với Điều ước quốc tế đó”.
4. Sửa đổi, bổ sung Điều 9 như sau:
“Điều 9. Nguyên tắc xác định mức thu lệ phí, quy định như sau:
Mức thu lệ phí được ấn định trước bằng một số tiền nhất định đối với từng công việc quản lý nhà nước được thu lệ phí, không nhằm mục đích bù đắp chi phí để thực hiện công việc thu lệ phí. Riêng đối với lệ phí trước bạ, mức thu được tính bằng tỷ lệ phần trăm (%) trên giá trị tài sản trước bạ theo quy định của Chính phủ.
Bộ Tài chính hướng dẫn việc xác định mức thu đối với những lệ phí thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định, để bảo đảm việc thi hành thống nhất trong cả nước”.
5. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 12 như sau:
“2. Số tiền phí, lệ phí để lại cho tổ chức thu theo quy định tại khoản 1 Điều này, được chi dùng cho các nội dung sau đây:
a) Chi thanh toán cho cá nhân trực tiếp thực hiện công việc, dịch vụ và thu phí, lệ phí: tiền lương, tiền công, phụ cấp lương, các khoản đóng góp theo quy định được tính trên tiền lương (trừ chi phí tiền lương cho cán bộ, công chức đã hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo chế độ quy định);
b) Chi phí phục vụ trực tiếp cho việc thực hiện công việc, dịch vụ và thu phí, lệ phí như: văn phòng phẩm, vật tư văn phòng, thông tin liên lạc, điện, nước, công tác phí... theo tiêu chuẩn, định mức hiện hành;
c) Chi sửa chữa thường xuyên, sửa chữa lớn tài sản, máy móc, thiết bị phục vụ trực tiếp cho thực hiện công việc, dịch vụ và thu phí, lệ phí; khấu hao tài sản cố định để thực hiện công việc, dịch vụ, thu phí;
d) Chi mua sắm vật tư, nguyên liệu và các khoản chi khác liên quan trực tiếp đến việc thực hiện công việc, dịch vụ và thu phí, lệ phí;
đ) Chi khen thưởng, phúc lợi cho cán bộ, nhân viên trực tiếp thực hiện công việc, dịch vụ và thu phí, lệ phí trong đơn vị theo nguyên tắc bình quân một năm, một người tối đa không quá 3 (ba) tháng lương thực hiện nếu số thu năm nay cao hơn năm trước và tối đa bằng 2 (hai) tháng lương thực hiện nếu số thu năm nay thấp hơn hoặc bằng năm trước, sau khi đảm bảo các chi phí quy định tại điểm a, b, c, d khoản này.
Căn cứ quy định về cơ chế tài chính áp dụng đối với cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp có thu và quy định tại Điều này, Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, sử dụng phần tiền phí, lệ phí để lại cho tổ chức thu”.
6. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 2 Điều 14 như sau:
“1. Về lệ phí:
Mức thu lệ phí được ấn định trước, gắn với từng công việc quản lý nhà nước, về nguyên tắc không miễn, giảm đối với lệ phí, trừ một số trường hợp đặc biệt được quy định cụ thể như sau:
a) Đối với lệ phí trước bạ, Chính phủ quy định cụ thể những trường hợp cần thiết được miễn, giảm để góp phần thực hiện chính sách kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ;
b) Miễn lệ phí hộ tịch về đăng ký kết hôn, đăng ký nuôi con nuôi cho người dân thuộc các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa; miễn lệ phí hộ tịch về đăng ký khai sinh cho trẻ em của hộ nghèo;
c) Miễn lệ phí cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp cổ phần hoá khi chuyển từ doanh nghiệp nhà nước thành Công ty cổ phần;
d) Miễn lệ phí cấp Giấy phép nhập khẩu một số thuốc chưa có số đăng ký dùng cho phòng chống dịch bệnh, thiên tai, thảm hoạ; thuốc viện trợ; thuốc phục vụ cho các chương trình mục tiêu y tế quốc gia; thuốc nhập khẩu cho nhu cầu điều trị của bệnh viện trong trường hợp đặc biệt; thuốc thử lâm sàng; thuốc đăng ký, trưng bày triển lãm, hội chợ; nguyên liệu nhập khẩu làm thuốc. Miễn lệ phí cấp giấy phép xuất khẩu thuốc;
đ) Miễn hoặc giảm một phần lệ phí Toà án theo quy định của pháp luật.
2. Về phí:
Mức thu phí nhằm mục đích bù đắp chi phí, bảo đảm thu hồi vốn trong thời gian hợp lý, do vậy, về nguyên tắc không miễn, giảm đối với phí, trừ một số trường hợp đặc biệt được quy định cụ thể tại Nghị định này. Bãi bỏ việc cấp thẻ miễn phí.
Miễn phí, giảm phí đối với một số trường hợp quy định như sau:
a) Miễn phí sử dụng cầu, đường bộ, đò, phà đối với:
- Xe cứu thương, bao gồm cả các loại xe khác chở người bị tai nạn đến nơi cấp cứu;
- Xe cứu hoả;
- Xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp gồm: máy cày, máy bừa, máy xới, máy làm cỏ, máy tuốt lúa;
- Xe hộ đê; xe làm nhiệm vụ khẩn cấp về chống lụt bão;
- Xe chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh gồm: xe tăng, xe bọc thép, xe kéo pháo, xe chở lực lượng vũ trang đang hành quân;
- Xe, đoàn xe đưa tang;
- Đoàn xe có xe hộ tống, dẫn đường;
- Xe làm nhiệm vụ vận chuyển thuốc men, máy móc, thiết bị, vật tư, hàng hoá đến những nơi bị thảm hoạ hoặc đến vùng có dịch bệnh;
- Ở những nơi chưa giải quyết được ùn tắc giao thông thì tạm thời chưa thu phí sử dụng cầu, đường bộ đối với xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe hai bánh gắn máy. Miễn phí sử dụng cầu, đường bộ quốc lộ đối với xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe hai bánh gắn máy, xe ba bánh gắn máy.
b) Giảm phí sử dụng cầu, đường bộ, đò, phà đối với vé tháng, vé quý.
Bộ Tài chính quy định cụ thể các loại vé sử dụng cầu, đường bộ, đò, phà và chế độ quản lý, sử dụng cho phù hợp với tình hình thực tế.
c) Miễn hoặc giảm một phần học phí đối với một số đối tượng, do Chính phủ quy định cụ thể tại văn bản của Chính phủ về học phí;
d) Miễn hoặc giảm một phần viện phí đối với một số đối tượng, do Chính phủ quy định cụ thể tại văn bản của Chính phủ về viện phí;
đ) Miễn hoặc giảm một phần thủy lợi phí trong một số trường hợp nhất định, do Chính phủ quy định cụ thể tại văn bản của Chính phủ về thủy lợi phí;
e) Miễn phí giới thiệu việc làm trong một số trường hợp nhất định, do Chính phủ quy định cụ thể tại văn bản của Chính phủ về việc làm;
g) Miễn hoặc giảm một phần phí thi hành án trong một số trường hợp nhất định, do Chính phủ quy định cụ thể tại văn bản của Chính phủ về thi hành án dân sự;
h) Miễn hoặc giảm một phần án phí theo quy định của pháp luật”.
Điều 2.
1. Thay cụm từ “vật giá” tại Điều 10 của Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03 tháng 6 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Phí và Lệ phí bằng cụm từ “tài chính”.
2. Ban hành kèm theo Nghị định này Danh mục chi tiết phí, lệ phí, thay thế cho Danh mục chi tiết phí, lệ phí ban hành kèm theo Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03 tháng 6 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Phí và Lệ phí.
Điều 3. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 4. Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định này.
Điều 5. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.