Sign In

THÔNG TƯ

Hướng dẫn về việc khai báo, cấp giấy phép tiến hành công việc

 bức xạ và cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ

_____________________

Căn cứ Luật Năng lượng nguyên tử ngày 03 tháng 6 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 07/2010/NĐ-CP ngày 25 tháng 01 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Năng lượng nguyên tử;

Căn cứ Nghị định số 28/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ,

Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn về việc khai báo, cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ và cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn về:

1. Khai báo chất phóng xạ, chất thải phóng xạ, vật liệu hạt nhân nguồn, vật liệu hạt nhân, thiết bị bức xạ và thiết bị hạt nhân.

2. Cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung và cấp lại giấy phép tiến hành các công việc bức xạ sau:

a) Vận hành thiết bị chiếu xạ;

b) Sử dụng thiết bị bức xạ;

c) Sử dụng chất phóng xạ;

d) Sản xuất chất phóng xạ;

đ) Chế biến chất phóng xạ;

e) Lưu giữ chất phóng xạ;

g) Xử lý, lưu giữ chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng;

h) Xuất khẩu chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân nguồn, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân;

i) Nhập khẩu chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân nguồn, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân;

k) Đóng gói, vận chuyển chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân nguồn, vật liệu hạt nhân;

l) Vận chuyển chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân nguồn, vật liệu hạt nhân quá cảnh lãnh thổ Việt Nam;

m) Xây dựng cơ sở bức xạ;

n) Thay đổi quy mô và phạm vi hoạt động cơ sở bức xạ;

o) Chấm dứt hoạt động cơ sở bức xạ.

3. Cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ đảm nhiệm các công việc quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật Năng lượng nguyên tử.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động quy định tại Điều 1 của Thông tư này.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Sử dụng chất phóng xạ là việc sử dụng nguồn phóng xạ hở và các nguồn phóng xạ kín rời không được gắn trong thiết bị.

2. Vận hành thiết bị chiếu xạ là việc sử dụng máy gia tốc, thiết bị xạ trị hoặc thiết bị chiếu xạ khử trùng, xử lý vật liệu.

3. Sử dụng thiết bị bức xạ là việc sử dụng thiết bị bức xạ có gắn nguồn phóng xạ hoặc thiết bị phát tia X, không bao gồm máy gia tốc, thiết bị xạ trị, thiết bị chiếu xạ khử trùng, xử lý vật liệu.

4. Sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế là việc sử dụng thiết bị phát tia X trong chẩn đoán y tế, bao gồm thiết bị soi, chụp X-quang tổng hợp, thiết bị X-quang tăng sáng truyền hình, thiết bị X-quang chụp răng, thiết bị X-quang chụp vú, thiết bị X-quang di động, thiết bị chụp cắt lớp vi tính CT scanner, thiết bị X-quang đo mật độ xương, thiết bị X-quang chụp can thiệp và chụp mạch, thiết bị X-quang thú y.

5. Lưu giữ chất phóng xạ là việc lưu giữ tạm thời chất phóng xạ kể từ khi có cho đến khi đưa vào sử dụng hoặc chuyển giao cho tổ chức, cá nhân khác.

6. Thay đổi quy mô và phạm vi hoạt động cơ sở bức xạ là việc thay đổi vị trí nguồn bức xạ lắp đặt cố định, thay đổi giới hạn vận hành so với quy định trong giấy phép, thay đổi thông số kỹ thuật của thiết bị bức xạ có ảnh hưởng đến an toàn hoặc thay đổi cấu trúc hệ thống đảm bảo an toàn bức xạ.

Điều 4. Quy định đối với việc khai báo

1. Tổ chức, cá nhân trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày có chất phóng xạ, chất thải phóng xạ, thiết bị bức xạ không thuộc diện được miễn trừ hoặc vật liệu hạt nhân nguồn, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân phải khai báo với cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 8 của Thông tư này.

2. Trường hợp tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ trong thời hạn nêu tại khoản 1 Điều này thì được miễn thực hiện thủ tục khai báo.

3. Tổ chức, cá nhân vận hành kho xử lý, lưu giữ chất thải phóng xạ quốc gia, cơ sở dịch vụ xử lý, lưu giữ chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng, mỗi khi tiếp nhận chất thải phóng xạ hoặc nguồn phóng xạ đã qua sử dụng phải khai báo với cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 5. Quy định đối với việc cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ

1. Tổ chức, cá nhân tiến hành các công việc bức xạ quy định tại khoản 2 Điều 1 của Thông tư này phải làm thủ tục đề nghị cấp giấy phép trước khi tiến hành công việc.

2. Tổ chức, cá nhân có chất phóng xạ mà sau 01 tháng chưa đưa vào sử dụng hoặc chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân khác phải làm thủ tục đề nghị cấp giấy phép lưu giữ chất phóng xạ.

3. Tổ chức, cá nhân sau khi hoàn thành việc xây dựng, thay đổi quy mô và phạm vi hoạt động cơ sở bức xạ phải làm thủ tục đề nghị cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ trước khi đưa vào cơ sở vận hành.

4. Tổ chức, cá nhân có nguồn phóng xạ đã qua sử dụng trong công việc bức xạ đã được cấp giấy phép, mỗi khi tự xử lý, lưu giữ phải làm thủ tục đề nghị cấp giấy phép xử lý, lưu giữ nguồn phóng xạ đã qua sử dụng. Quy định này không áp dụng đối với kho lưu giữ chất thải phóng xạ quốc gia, cơ sở làm dịch vụ xử lý, lưu giữ chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng.

5. Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép tiến hành đồng thời nhiều công việc bức xạ, sử dụng nhiều nguồn bức xạ có thể được cấp một giấy phép chung.

Điều 6. Yêu cầu chung đối với hồ sơ đề nghị cấp giấy phép, cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ

1. Thông tin trong hồ sơ phải chính xác. Các loại văn bằng, chứng chỉ hoặc các loại giấy tờ khác có quy định thời hạn phải còn hiệu lực trong thời gian xử lý hồ sơ. Tài liệu bằng tiếng nước ngoài phải dịch sang tiếng Việt. Bản sao, bản dịch phải được công chứng hoặc có xác nhận của tổ chức đề nghị cấp giấy phép.

2. Hồ sơ được nộp trực tiếp tại trụ sở cơ quan có thẩm quyền hoặc gửi qua bưu điện.

Điều 7. Điều kiện cấp giấy phép, cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ

1. Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Nộp đầy đủ hồ sơ theo quy định tại Thông tư này;

b) Nộp phí thẩm định an toàn bức xạ, lệ phí cấp giấy phép theo quy định của pháp luật;

c) Có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 75 Luật Năng lượng nguyên tử;

d) Nhân viên bức xạ có chứng nhận đã được đào tạo về an toàn bức xạ.

2. Cá nhân được cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Nộp đầy đủ hồ sơ theo quy định tại Thông tư này;

b) Nộp lệ phí cấp chứng chỉ theo quy định của pháp luật;

c) Có đủ điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 28 Luật Năng lượng nguyên tử.

Chương II

THỦ TỤC KHAI BÁO

Điều 8. Phân cấp khai báo

1. Tổ chức, cá nhân có chất phóng xạ, chất thải phóng xạ, vật liệu hạt nhân nguồn, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân và thiết bị bức xạ trừ các thiết bị quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này khai báo với Cục An toàn bức xạ và hạt nhân.

2. Tổ chức, cá nhân có thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế sử dụng di động trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên (sau đây gọi là tỉnh) khai báo với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, nơi tổ chức, cá nhân đặt trụ sở chính.

3. Tổ chức, cá nhân có thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế không thuộc loại quy định tại khoản 2 Điều này khai báo với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh nơi thiết bị được lắp đặt, sử dụng.

Điều 9. Thủ tục khai báo

1. Tổ chức, cá nhân thực hiện việc khai báo cho từng nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ, loại vật liệu hạt nhân nguồn, vật liệu hạt nhân, chất thải phóng xạ với cơ quan có thẩm quyền theo mẫu phiếu tương ứng quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được phiếu khai báo, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm cấp giấy xác nhận khai báo theo mẫu quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.

Chương III

HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY PHÉP TIẾN HÀNH CÔNG VIỆC BỨC XẠ, CHỨNG CHỈ NHÂN VIÊN BỨC XẠ

Điều 10. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép vận hành thiết bị chiếu xạ, sử dụng thiết bị bức xạ và sử dụng chất phóng xạ

1. Đơn đề nghị cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ theo mẫu 01-II/ATBXHN quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;

2. Phiếu khai báo nhân viên bức xạ và người phụ trách an toàn theo mẫu 01-I/ATBXHN quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;

3. Phiếu khai báo nguồn phóng xạ kín, nguồn phóng xạ hở, máy gia tốc, thiết bị phát tia X, máy phát nơtron theo mẫu tương ứng quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;

4. Báo cáo đánh giá an toàn đối với công việc vận hành thiết bị chiếu xạ, sử dụng thiết bị bức xạ hoặc sử dụng chất phóng xạ theo mẫu 01-III/ATBXHN quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này;

5. Bản sao quyết định thành lập tổ chức, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy đăng ký hành nghề. Trường hợp các loại giấy tờ này bị thất lạc phải có xác nhận của cơ quan ký quyết định thành lập hoặc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư, giấy đăng ký hành nghề;

6. Bản sao tài liệu của nhà sản xuất cung cấp thông tin như được khai trong phiếu khai báo nguồn phóng xạ kín, nguồn phóng xạ hở, máy gia tốc, thiết bị phát tia X, máy phát nơtron. Trường hợp không có tài liệu của nhà sản xuất về các thông tin này, tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép phải tiến hành xác định lại hoạt độ, tên đồng vị phóng xạ của nguồn phóng xạ kín, nguồn phóng xạ hở và các thông số kỹ thuật của máy gia tốc, thiết bị phát tia X, máy phát nơtron;

7. Bản sao hợp đồng dịch vụ xác định liều chiếu xạ cá nhân với tổ chức, cá nhân được cấp giấy đăng ký hoạt động dịch vụ đo liều chiếu xạ cá nhân;

8. Bản sao chứng chỉ nhân viên bức xạ của người phụ trách an toàn và nhân viên đảm nhiệm công việc được quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật Năng lượng nguyên tử. Trường hợp chưa có chứng chỉ, phải nộp hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ theo quy định tại Điều 22 của Thông tư này cùng hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ;

9. Bản dịch các tài liệu tiếng nước ngoài.

Các quy định tại Điều này không áp dụng đối với việc đề nghị cấp giấy phép sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế.

Điều 11. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế

1. Đơn đề nghị cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ theo mẫu 01-II/ATBXHN quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;

2. Phiếu khai báo nhân viên bức xạ và người phụ trách an toàn theo mẫu 01-I/ATBXHN quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;

3. Phiếu khai báo thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế theo mẫu 06-I/ATBXHN quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;

4. Báo cáo đánh giá an toàn đối với công việc sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế theo mẫu 02-III/ATBXHN quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này;

5. Bản sao quyết định thành lập tổ chức, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy đăng ký hành nghề. Trường hợp các loại giấy tờ này bị thất lạc phải có xác nhận của cơ quan ký quyết định thành lập hoặc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư, giấy đăng ký hành nghề;

6. Bản sao tài liệu của nhà sản xuất cung cấp thông tin như được khai trong phiếu khai báo thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế. Trường hợp không có tài liệu của nhà sản xuất về các thông tin đã khai báo, tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép phải tiến hành xác định lại các thông số kỹ thuật của thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế;

7. Bản sao hợp đồng dịch vụ xác định liều chiếu xạ cá nhân với tổ chức, cá nhân được cấp giấy đăng ký hoạt động dịch vụ đo liều chiếu xạ cá nhân;

8. Bản sao chứng chỉ nhân viên bức xạ của người phụ trách an toàn. Trường hợp chưa có chứng chỉ, phải nộp hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ theo quy định tại Điều 22 của Thông tư này cùng hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ;

9. Bản dịch các tài liệu tiếng nước ngoài.

Điều 12. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép sản xuất, chế biến chất phóng xạ

1. Đơn đề nghị cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ theo mẫu 01-II/ATBXHN quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;

2. Phiếu khai báo nhân viên bức xạ và người phụ trách an toàn theo mẫu 01-I/ATBXHN quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;

3. Báo cáo đánh giá an toàn đối với công việc sản xuất, chế biến chất phóng xạ theo mẫu 03-III/ATBXHN quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này;

4. Bản sao quyết định thành lập tổ chức, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy đăng ký hành nghề. Trường hợp các loại giấy tờ này bị thất lạc phải có xác nhận của cơ quan ký quyết định thành lập hoặc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư, giấy đăng ký hành nghề;

5. Bản sao hợp đồng dịch vụ xác định liều chiếu xạ cá nhân với tổ chức, cá nhân được cấp giấy đăng ký hoạt động dịch vụ đo liều chiếu xạ cá nhân;

6. Bản sao chứng chỉ nhân viên bức xạ của người phụ trách an toàn và nhân viên đảm nhiệm công việc được quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật Năng lượng nguyên tử. Trường hợp chưa có chứng chỉ, phải nộp hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ theo quy định tại Điều 22 của Thông tư này cùng hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ.

Điều 13. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lưu giữ chất phóng xạ

1. Đơn đề nghị cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ theo mẫu 01-II/ATBXHN quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;

2. Phiếu khai báo nguồn phóng xạ kín, nguồn phóng xạ hở theo mẫu tương ứng quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;

3. Báo cáo đánh giá an toàn đối với công việc lưu giữ chất phóng xạ theo mẫu 04-III/ATBXHN quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 14. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tự xử lý, lưu giữ nguồn phóng xạ đã qua sử dụng

1. Đơn đề nghị cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ theo mẫu 01-II/ATBXHN quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;

2. Phiếu khai báo nguồn phóng xạ kín theo mẫu 04-I/ATBXHN quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;

3. Báo cáo đánh giá an toàn đối với việc lưu giữ nguồn phóng xạ đã qua sử dụng theo mẫu 04-III/ATBXHN quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 15. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xử lý, lưu giữ chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng tại kho lưu giữ chất thải phóng xạ quốc gia hoặc cơ sở làm dịch vụ xử lý, lưu giữ chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng

1. Đơn đề nghị cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ theo mẫu 01-II/ATBXHN quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;

2. Phiếu khai báo nhân viên bức xạ và người phụ trách an toàn bức xạ theo mẫu 01-I/ATBXHN quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Báo cáo đánh giá an toàn đối với việc xử lý, lưu giữ chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng tại kho lưu giữ chất thải phóng xạ quốc gia hoặc cơ sở làm dịch vụ xử lý, lưu giữ chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng theo mẫu 05-III/ATBXHN quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Bản sao quyết định thành lập tổ chức, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy đăng ký hành nghề. Trường hợp các loại giấy tờ này bị thất lạc phải có xác nhận của cơ quan ký quyết định thành lập hoặc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư, giấy đăng ký hành nghề;

5. Bản sao hợp đồng dịch vụ xác định liều bức xạ cá nhân với tổ chức, cá nhân được cấp giấy đăng ký hoạt động dịch vụ đo liều chiếu xạ cá nhân;

6. Bản sao chứng chỉ nhân viên bức xạ của người phụ trách an toàn và nhân viên đảm nhiệm công việc được quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật Năng lượng nguyên tử. Trường hợp chưa có chứng chỉ, phải nộp hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ theo quy định tại Điều 22 của Thông tư này cùng hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ.

Điều 16. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xuất khẩu chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân nguồn, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân

1. Đơn đề nghị cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ theo mẫu 02-II/ATBXHN quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Phiếu khai báo nguồn phóng xạ kín, nguồn phóng xạ hở, vật liệu hạt nhân nguồn, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân theo mẫu tương ứng quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;

3. Báo cáo đánh giá an toàn đối với việc xuất khẩu chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân nguồn, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân theo mẫu 06-III/ATBXHN quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này;

4. Bản sao quyết định thành lập tổ chức, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy đăng ký hành nghề. Trường hợp các loại giấy tờ này bị thất lạc phải có xác nhận của cơ quan ký quyết định thành lập hoặc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư, giấy đăng ký hành nghề;

5. Bản sao tài liệu của nhà sản xuất cung cấp thông tin như được khai trong phiếu khai báo nguồn phóng xạ kín, nguồn phóng xạ hở, vật liệu hạt nhân nguồn, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân. Trường hợp không có tài liệu của nhà sản xuất về các thông tin đã khai báo, tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép phải tiến hành xác định lại hoạt độ, tên đồng vị phóng xạ của nguồn phóng xạ kín, nguồn phóng xạ hở, loại vật liệu, thành phần hóa học của vật liệu hạt nhân nguồn và vật liệu hạt nhân, thông số kỹ thuật của thiết bị hạt nhân;

6. Bản sao hợp đồng mua bán và văn bản thỏa thuận về việc chuyển giao, tiếp nhận nguồn phóng xạ giữa tổ chức, cá nhân xuất khẩu phía Việt Nam với tổ chức, cá nhân tiếp nhận nguồn ở nước ngoài;

7. Bản sao giấy phép nhập khẩu của cơ quan có thẩm quyền nước nhập khẩu cấp cho tổ chức, cá nhân nhập khẩu đối với vật liệu hạt nhân, chất phóng xạ có mức nguy hiểm trên trung bình;

8. Bản dịch các tài liệu tiếng nước ngoài

Điều 17. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân nguồn, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân

1. Đơn đề nghị cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ theo mẫu 02-II/ATBXHN quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;

2. Phiếu khai báo nguồn phóng xạ kín, nguồn phóng xạ hở, vật liệu hạt nhân nguồn, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân theo mẫu tương ứng quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;

3. Báo cáo đánh giá an toàn đối với việc nhập khẩu chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân nguồn, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân theo mẫu 06-III/ATBXHN quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này;

4. Bản sao quyết định thành lập tổ chức, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy đăng ký hành nghề. Trường hợp các loại giấy tờ này bị thất lạc phải có xác nhận của cơ quan ký quyết định thành lập hoặc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư, giấy đăng ký hành nghề;

5. Bản sao tài liệu của nhà sản xuất cung cấp thông tin như được khai trong phiếu khai báo nguồn phóng xạ kín, nguồn phóng xạ hở, vật liệu hạt nhân nguồn, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân;

6. Bản sao hợp đồng mua bán hoặc văn bản thỏa thuận chuyển giao, tiếp nhận nguồn phóng xạ giữa tổ chức, cá nhân nhập khẩu phía Việt Nam với tổ chức, cá nhân xuất khẩu nước ngoài;

7. Bản sao hợp đồng ủy thác nhập khẩu giữa tổ chức, cá nhân ủy thác và tổ chức, cá nhân nhận ủy thác trong trường hợp nhập khẩu ủy thác;

8. Bản dịch các tài liệu tiếng nước ngoài.

Điều 18. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép đóng gói, vận chuyển và vận chuyển quá cảnh chất phóng xạ, chất thải phóng xạ, vật liệu hạt nhân nguồn, vật liệu hạt nhân

1. Đơn đề nghị cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ theo mẫu 03-II/ATBXHN hoặc mẫu 04-II/ATBXHN tương ứng quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;

2. Phiếu khai báo nguồn phóng xạ kín, nguồn phóng xạ hở, chất thải phóng xạ, vật liệu hạt nhân nguồn, vật liệu hạt nhân theo mẫu tương ứng quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;

3. Phiếu khai báo nhân viên áp tải hàng theo mẫu 02-I/ATBXHN quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;

4. Báo cáo đánh giá an toàn đối với việc đóng gói, vận chuyển hoặc vận chuyển quá cảnh chất phóng xạ, chất thải phóng xạ, vật liệu hạt nhân nguồn, vật liệu hạt nhân theo mẫu 07-III/ATBXHN quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này;

5. Hợp đồng vận chuyển nếu bên gửi hàng khác với bên vận chuyển;

6. Bản sao chứng chỉ nhân viên bức xạ của người phụ trách ứng phó sự cố. Trường hợp chưa có chứng chỉ, phải nộp hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ theo quy định tại Điều 22 của Thông tư này cùng hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ.

Điều 19. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng cơ sở bức xạ

1. Đơn đề nghị cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ theo mẫu 01-II/ATBXHN quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;

2. Báo cáo phân tích an toàn đối với việc xây dựng cơ sở bức xạ theo mẫu 08-III/ATBXHN quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 20. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thay đổi quy mô, phạm vi hoạt động cơ sở bức xạ

1. Đơn đề nghị cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ theo mẫu 01-II/ATBXHN quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;

2. Báo cáo phân tích an toàn đối với việc thay đổi quy mô, phạm vi hoạt động cơ sở bức xạ theo mẫu 09-III/ATBXHN quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 21. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép chấm dứt hoạt động cơ sở bức xạ

1. Đơn đề nghị cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ theo mẫu 01-II/ATBXHN quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;

2. Báo cáo phân tích an toàn đối với việc chấm dứt hoạt động cơ sở bức xạ theo mẫu 10-III/ATBXHN quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 22. Hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ

1. Đơn đề nghị cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ có dán ảnh theo mẫu 05-II/ATBXHN quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;

2. Bản sao giấy chứng nhận đào tạo an toàn bức xạ tại cơ sở được Bộ Khoa học và Công nghệ cho phép đào tạo;

3. Bản sao văn bằng, chứng chỉ chuyên môn phù hợp với công việc đảm nhiệm;

4. Phiếu khám sức khỏe tại cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên được cấp không quá 6 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ;

5. 03 ảnh cỡ 3 x 4.

Chương IV

CẤP GIẤY PHÉP TIẾN HÀNH CÔNG VIỆC BỨC XẠ VÀ CHỨNG CHỈ NHÂN VIÊN BỨC XẠ

Điều 23. Thẩm quyền cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ và chứng chỉ nhân viên bức xạ

1. Bộ Khoa học và Công nghệ cấp các loại giấy phép tiến hành công việc bức xạ và chứng chỉ nhân viên bức xạ sau:

a) Giấy phép vận hành thiết bị chiếu xạ;

b) Giấy phép sản xuất chất phóng xạ;

c) Giấy phép chế biến chất phóng xạ;

d) Giấy phép vận chuyển quá cảnh chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân nguồn, vật liệu hạt nhân;

đ) Giấy phép đóng gói, vận chuyển vật liệu hạt nhân nguồn, vật liệu hạt nhân;

e) Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu vật liệu hạt nhân nguồn, vật liệu hạt nhân và thiết bị hạt nhân;

g) Chứng chỉ nhân viên bức xạ cho kỹ sư trưởng lò phản ứng hạt nhân, trưởng ca vận hành lò phản ứng hạt nhân, người quản lý nhiên liệu hạt nhân, nhân viên vận hành lò phản ứng hạt nhân.

2. Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cấp các loại giấy phép tiến hành công việc bức xạ và chứng chỉ nhân viên bức xạ, trừ trường hợp quy định tại các khoản 1 và khoản 3 Điều này;

3. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh cấp giấy phép sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán y tế, cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ cho người phụ trách an toàn tại cơ sở X-quang chẩn đoán y tế hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Trường hợp thiết bị X-quang chẩn đoán y tế của tổ chức, cá nhân có trụ sở chính ở tỉnh A nhưng được lắp đặt, sử dụng tại tỉnh B thì Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh B cấp giấy phép sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán y tế, cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ cho người phụ trách an toàn.

Trường hợp thiết bị X-quang chẩn đoán y tế di động được sử dụng tại các tỉnh khác nhau thì Sở Khoa học và Công nghệ của tỉnh nơi tổ chức, cá nhân sở hữu thiết bị X-quang đặt trụ sở chính cấp giấy phép sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán y tế, cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ cho người phụ trách an toàn.

4. Trường hợp cơ sở y tế tiến hành nhiều công việc bức xạ, trong đó có sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán y tế đồng thời sử dụng chất phóng xạ (y học hạt nhân) hoặc vận hành thiết bị chiếu xạ (xạ trị) thì có thể đề nghị Cục An toàn bức xạ và hạt nhân hoặc Sở Khoa học và Công nghệ địa phương cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ cho người phụ trách an toàn.

Điều 24. Thủ tục cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ và cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ

1. Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ, chứng chỉ nhân viên bức xạ quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 23 của Thông tư này nộp hồ sơ tại Cục An toàn bức xạ và hạt nhân và nộp phí, lệ phí cấp giấy phép, cấp chứng chỉ theo quy định của pháp luật.

Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế, chứng chỉ nhân viên bức xạ quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 23 của Thông tư này nộp hồ sơ tại Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh và nộp phí, lệ phí cấp giấy phép, cấp chứng chỉ theo quy định của pháp luật.

2. Trong thời hạn quy định tại điểm a, điểm c khoản 2 Điều 77 Luật Năng lượng nguyên tử, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân có trách nhiệm thẩm định hồ sơ và cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ cho các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 23 của Thông tư này hoặc trình Bộ Khoa học và Công nghệ cho các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 23 của Thông tư này. Giấy phép do Bộ Khoa học và Công nghệ cấp theo mẫu 01-V/ATBXHN quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này. Giấy phép do Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cấp theo mẫu 02-V/ATBXHN quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này.

Trong thời hạn quy định tại điểm b khoản 2 Điều 77 Luật Năng lượng nguyên tử, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh có trách nhiệm thẩm định hồ sơ và cấp giấy phép sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế theo mẫu 03-V/ATBXHN quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thẩm định hồ sơ và cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này. Chứng chỉ nhân viên bức xạ được cấp theo mẫu quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Trường hợp hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ được nộp kèm theo hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ, thời hạn thẩm định hồ sơ và cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ sẽ theo thời hạn xử lý hồ sơ cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ.

5. Trường hợp không đồng ý cấp giấy phép hoặc chứng chỉ nhân viên bức xạ thì chậm nhất trong thời hạn quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép, cấp chứng chỉ phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 25. Thời hạn của giấy phép tiến hành công việc bức xạ và chứng chỉ nhân viên bức xạ

1. Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu chất phóng xạ hở sử dụng trong y học hạt nhân, ứng dụng đánh dấu đồng vị phóng xạ có thời hạn 12 tháng và được cấp cho nhiều chuyến hàng. Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu vật liệu hạt nhân nguồn, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân và chất phóng xạ khác có thời hạn 06 tháng và được cấp cho từng chuyến hàng.

2. Giấy phép vận chuyển chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân nguồn, vật liệu hạt nhân quá cảnh lãnh thổ Việt Nam có thời hạn 06 tháng.

3. Giấy phép vận hành thiết bị chiếu xạ có thời hạn 05 năm.

4. Giấy phép tiến hành công việc bức xạ khác với các công việc quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này có thời hạn 03 năm.

5. Chứng chỉ nhân viên bức xạ có thời hạn 05 năm.

Chương V

GIA HẠN, SỬA ĐỔI, BỔ SUNG, CẤP LẠI GIẤY PHÉP VÀ CẤP LẠI CHỨNG CHỈ NHÂN VIÊN BỨC XẠ

Điều 26. Gia hạn giấy phép

1. Tổ chức, cá nhân tiếp tục tiến hành công việc bức xạ sau thời hạn ghi trong giấy phép phải làm thủ tục gia hạn giấy phép gửi đến cơ quan có thẩm quyền chậm nhất là 60 ngày trước khi giấy phép hết hạn. Sau thời điểm này, tổ chức, cá nhân phải làm thủ tục và nộp phí, lệ phí như đề nghị cấp giấy phép mới.

2. Hồ sơ đề nghị gia hạn giấy phép bao gồm:

a) Đơn đề nghị gia hạn giấy phép theo mẫu 06-II/ATBXHN quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Phiếu khai báo đối với nhân viên bức xạ hoặc người phụ trách an toàn bức xạ mới so với hồ sơ đề nghị cấp hoặc gia hạn giấy phép lần trước;

c) Báo cáo đánh giá an toàn bức xạ theo mẫu tương ứng quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này;

d) Bản sao giấy phép đã được cấp và sắp hết hạn.

3. Hồ sơ đề nghị gia hạn giấy phép được nộp tại cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 24 của Thông tư này.

4. Trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 77 Luật Năng lượng nguyên tử, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm cấp giấy phép gia hạn hoặc từ chối bằng văn bản có nêu rõ lý do.

5. Thời hạn của giấy phép gia hạn được tính từ ngày hết hạn của giấy phép cũ.

Điều 27. Sửa đổi, bổ sung giấy phép

1. Tổ chức, cá nhân phải đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy phép trong các trường hợp sau:

a) Thay đổi các thông tin về tổ chức, cá nhân được ghi trong giấy phép bao gồm tên, địa chỉ, số điện thoại, số fax;

b) Thay đổi các thông tin về cửa khẩu xuất khẩu, nhập khẩu đối với giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển quá cảnh; tuyến đường vận chuyển đối với giấy phép vận chuyển, vận chuyển quá cảnh;

c) Sau khi giảm bớt số lượng nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ đã được cấp giấy phép do chuyển nhượng, xuất khẩu hoặc bị mất.

2. Hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy phép bao gồm:

a) Đơn đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy phép theo mẫu 07-II/ATBXHN quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Bản gốc giấy phép cần sửa đổi;

c) Các văn bản xác nhận thông tin sửa đổi cho các trường hợp thay đổi tên, địa chỉ, số điện thoại, số fax;

d) Bản sao hợp đồng chuyển nhượng đối với trường hợp giảm số lượng nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ do chuyển nhượng; bản sao giấy phép xuất khẩu kèm tờ khai hải quan đối với trường hợp giảm số lượng nguồn phóng xạ do xuất khẩu; văn bản xác nhận nguồn phóng xạ bị mất đối với trường hợp mất nguồn.

3. Hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy phép được nộp tại cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 24 của Thông tư này.

4. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm cấp giấy phép sửa đổi, bổ sung hoặc từ chối bằng văn bản có nêu rõ lý do.

5. Giấy phép sửa đổi, bổ sung có thời hạn như giấy phép cũ.

Điều 28. Cấp lại giấy phép

1. Tổ chức, cá nhân được đề nghị cấp lại giấy phép khi bị rách, nát, mất.

Trường hợp mất giấy phép, tổ chức, cá nhân phải khai báo với cơ quan công an nơi mất và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng. Sau 30 ngày kể từ ngày thông báo, nếu không tìm được giấy phép đã mất thì tổ chức, cá nhân đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp lại.

2. Hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép bao gồm:

a) Đơn đề nghị cấp lại giấy phép theo mẫu 08-II/ATBXHN quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Xác nhận của cơ quan công an về việc khai báo mất giấy phép và giấy biên nhận của cơ quan báo, đài về việc nhận đăng thông báo mất giấy phép khi đề nghị cấp lại giấy phép do bị mất;

c) Bản gốc giấy phép khi đề nghị cấp lại giấy phép do bị rách, nát.

3. Hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép được nộp tại cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 24 của Thông tư này.

4. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm cấp lại giấy phép hoặc từ chối bằng văn bản có nêu rõ lý do.

5. Giấy phép cấp lại có thời hạn như giấy phép cũ.

Điều 29. Cấp lại chứng chỉ nhân viên bức xạ

1. Nhân viên bức xạ phải làm thủ tục cấp lại chứng chỉ nhân viên bức xạ khi chứng chỉ hết hạn hoặc bị rách, nát, mất.

2. Hồ sơ đề nghị, thủ tục cấp lại và thời hạn của chứng chỉ nhân viên bức xạ trong trường hợp cấp lại thực hiện như đối với cấp mới.

Chương VI

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 30. Xử lý chuyển tiếp

Trường hợp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ đã nộp nhưng chưa được cấp giấy phép trước ngày Thông tư này có hiệu lực, tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép có trách nhiệm nộp bổ sung các loại hồ sơ, tài liệu theo quy định mới của Thông tư này. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, tài liệu bổ sung, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thẩm định hồ sơ và cấp giấy phép theo quy định của Thông tư này.

Điều 31. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký. Thông tư này thay thế Thông tư số 05/2006/TT-BKHCN ngày 11/01/2006 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thủ tục khai báo, cấp giấy đăng ký và cấp giấy phép cho các hoạt động liên quan đến bức xạ.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị kịp thời phản ánh bằng văn bản về Bộ Khoa học và Công nghệ để xem xét giải quyết./.

Bộ Khoa học và Công nghệ

Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Lê Đình Tiến