Sign In

THÔNG TƯ

Hướng dẫn việc xử lý

nợ bị thiệt hại và cho vay vốn khôi phục và phát triển
sản xuất theo Quyết định số 985/TTg ngày 20-11-1997
của Thủ tướng Chính phủ về việc khắc phục hậu quả
cơn bão số 5 (LINDA) cho các tỉnh ven biển Nam bộ và Nam Trung bộ

Để thực hiện Quyết định số 985/TTg ngày 20-11-1997, bản số 6075/KTN ngày 28-11-1997 và Thông báo số 140/TB ngày 4-12-1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc khắc phục hậu quả cơn bão số 5, khôi phục và phát triển sản xuất cho các tỉnh ven biển Nam bộ và Nam Trung bộ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn việc xử lý nợ cho vay bị thiệt hại và tiếp tục cho vay vốn để khôi phục và phát triển sản xuất như sau:

 

I. VỀ XỬ LÝ NỢ VAY BỊ THIỆT HẠI DO CƠ BÃO SỐ 5

1. Gia hạn nợ: Căn cứ vào điều tra thiệt hại quy định tại Điều 1 Quyết định số 985/TTg ngày 20-11-1997 của Thủ tướng Chính phủ, các Ngân hàng Thương mại, Ngân hàng Đầu tư và phát triển, Ngân hàng phục vụ người nghèo, Quỹ tín dụng nhân dân (gọi chung là Ngân hàng) cho gia hạn nợ đối với các khoản nợ vay liên quan đến thiệt hại của hộ gia đình, doanh nghiệp vay vốn. Cụ thể là nợ vay Ngân hàng không bị thiệt hại nhưng các hộ gia đình và doanh nghiệp có thiệt hại về người và tài sản khác dẫn đến khó khăn chưa trả được nợ vay đúng hạn, nếu người vay có yêu cầu thì cho gia hạn nợ theo chế độ hiện hành quy định về gia hạn nợ.

2. Khoanh nợ: Các Ngân hàng Thương mại quốc doanh, Ngân hàng Đầu tư và phát triển, Ngân hàng phục vụ người nghèo, Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở làm thủ tục đề nghị khoanh nợ đối với các khoản nợ cho vay bị thiệt hại do cơn bão số 5 gây ra. Thủ tục, hồ sơ khoanh nợ được thực hiện theo quy định tại Thông tư Liên bộ Ngân hàng Nhà nước - Tài chính số 11/TC-NHNN ngày 22-8-1994. Việc khoanh nợ sẽ tính từ ngày 1-11-1997 (bão số 5 xảy ra ngày 2-11-1997), nợ trong thời gian đề nghị khoanh tạm thời chưa tính và thu lãi. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố (nơi bị ảnh hưởng trực tiếp cơn bão số 5) hướng dẫn các Quỹ tín dụng nhân dân lập hồ sơ đề nghị khoanh nợ và tổng hợp chung trên địa bàn.

Hồ sơ đề nghị khoanh nợ của các Ngân hàng Thương mại quốc doanh, Ngân hàng Đầu tư và phát triển, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố gửi Ngân hàng Nhà nước (Vụ Tín dụng) chậm nhất ngày 15-1-1998 để tổng hợp. Liên Bộ Ngân hàng Nhà nước - Tài chính sẽ tiến hành phúc tra một số đơn vị tại một số địa phương làm cơ sở để xét duyệt khoanh nợ.

Riêng đối với nợ khoanh của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân, Ngân hàng Nhà nước sẽ thống nhất với Bộ Tài chính xác định nguồn vốn ngân sách hỗ trợ về số lãi không thu trong thời gian khoanh trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Vụ Tín dụng có trách nhiệm tổng hợp, cùng với Bộ Tài chính kiểm tra và trình Liên Bộ xét duyệt khoanh nợ của các Ngân hàng và Quỹ tín dụng nhân dân.

3. Trong số nợ đề nghị được khoanh, nếu các khoản nợ bị thiệt hại mà người vay hoàn toàn không có khả năng trả nợ, thì Ngân hàng thương mại quốc doanh, Ngân hàng Đầu tư và phát triển tổng hợp (hồ sơ như đối với nợ đề nghị khoanh) có ý kiến đề nghị xoá nợ bằng văn bản của Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố gửi về Ngân hàng Nhà nước (Vụ tín dụng). Vụ Tín dụng Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm tổng hợp để Thống đốc Ngân hàng Nhà nước báo cáo Thủ tướng Chính phủ về biện pháp xử lý đối với loại nợ này.

 

II. TIẾP TỤC CHO VAY VỐN ĐỂ KHÔI PHỤC VÀ
PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT

Theo quy định tại Quyết định số 985/TTg và văn bản 6075/KTN của Thủ tướng Chính phủ giao cho các Ngân hàng quốc doanh cho vay bằng 2 loại vốn để khôi phục và phát triển sản xuất sau cơn bão số 5 là: cho vay ưu đãi theo đối tượng chỉ định trong phạm vi số vốn 2000 tỷ đồng và cho vay bình thường bằng vốn huy động của các Ngân hàng theo chế độ hiện hành.

 

A. LOẠI CHO VAY VỐN ƯU ĐÃI

1. Chỉ định Ngân hàng cho vay: giao cho các Ngân hàng quốc doanh: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Công thương, Ngân hàng Ngoại thương, Ngân hàng Đầu tư và phát triển thực hiện việc cho vay số vốn ưu đãi để khắc phục hậu quả cơn bão số 5 theo các đối tượng được Thủ tướng Chính phủ quy định.

2. Nguồn vốn để cho vay: Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngành Ngân hàng giành 2000 tỷ đồng cho vay ưu đãi với lãi suất thấp đối với nhân dân vùng bị ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 5, trong đó gồm:

1000 tỷ đồng do các Ngân hàng Thương mại quốc doanh, Ngân hàng Đầu tư và phát triển tự huy động trong dân cư và các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước.

1000 tỷ đồng do Ngân hàng Nhà nước cho vay đối với các Ngân hàng Thương mại quốc doanh, Ngân hàng Đầu tư và phát triển, thời hạn 5 năm. Mức cho vay đối với từng Ngân hàng căn cứ vào nhu cầu cho vay của Ngân hàng đó trong phạm vi chỉ tiêu được phân bổ cho vay ưu đãi.

3. Việc phân bổ chỉ tiêu vốn cho vay ưu đãi: Trong phạm vi chỉ tiêu nguồn vốn cho vay ưu đãi do Thủ tướng Chính phủ quy định 2.000 tỷ đồng được phân bổ cho các tỉnh, thành phố tuỳ theo mức độ thiệt hại và phân theo hệ thống các Ngân hàng quốc doanh được chỉ định cho vay.

a. Trên cơ sở kết quả điều tra thiệt hại, Uỷ ban Nhân dân tỉnh lập kế hoạch sơ bộ yêu cầu vốn cho vay (có phân theo từng chi nhánh Ngân hàng Thương mại) gửi Ngân hàng Nhà nước Trung ương như điểm 3 Thông báo 140/TB ngày 4-12-1997 của Chính phủ quy định (gửi trực tiếp cho Vụ Nghiên cứu kinh tế, số FAX: 04.8240132) chậm nhất ngày 18-12-1997. Ngân hàng Nhà nước Trung ương cân đối và phân bổ nguồn vốn cho vay ưu đãi cho các Ngân hàng quốc doanh được chỉ định cho vay và cho các tỉnh, thành phố theo mức độ thiệt hại trong phạm vi 2000 tỷ đồng, thông báo chỉ tiêu cho vay cho các Ngân hàng, các tỉnh, thành phố và các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố.

b. Ngân hàng Nhà nước sẽ phân bổ chỉ tiêu vốn tự huy động và vốn vay Ngân hàng Nhà nước trong phạm vi 2000 tỷ đồng để các Ngân hàng quốc doanh cho vay; tỷ lệ giữa 2 loại vốn của từng Ngân hàng phù hợp với mức độ cho vay và điều kiện cụ thể của mỗi Ngân hàng.

Trong khi chờ kết quả điều tra thiệt hại và nhu cầu vay của các tỉnh, thành phố để tổng hợp phân bổ chi tiêu vốn chính thức, các Ngân hàng quốc doanh được chỉ định triển khai cho vay theo mức vốn được Ngân hàng Nhà nước đã tạm ứng vốn cho các Ngân hàng và tạm phân bổ một phần chỉ tiêu để đáp ứng nhu cầu cho vay kịp thời.

4. Đối tượng cho vay: Số vốn 2000 tỷ đồng dùng cho vay ưu đãi để khôi phục các đối tượng bị thiệt hại do cơn bão số 5 gây ra đã được Thủ tướng Chính phủ quy định tại Điều 6, Điều 12 của Quyết định 985/TTg ngày 20-11-1997; điểm 1 văn bản 6075/KTN ngày 28-11-1997 và điểm 3 Thông báo 140/TB ngày 4-12-1997, cụ thể là các đối tượng sau:

Sửa chữa, đóng mới tàu, thuyền, mua sắm ngư lưới cụ đã bị hư hỏng, chìm hoặc mất mát.

Khôi phục về thiệt hại các dàng đáy, hàng khơi, các ao, đầm nuôi tôm bị hư hỏng, thiệt hại.

Các đối tượng được vay ưu đãi phải là các đối tượng trước đây đã có nhưng bị thiệt hại do cơn bão số 5 gây ra, cần được khôi phục lại; đối với đóng mới để thay cho tàu thuyền đã bị chìm, mất mát, hỏng nặng không thể sửa chữa được thì được nâng cấp về loại tàu, thuyền có công suất lớn hơn trước từ 90 CV trở lên để phát triển đánh bắt xa bờ. Không dùng vốn cho vay ưu đĩa này để cho vay đối với các đối tượng khác ngoài quy định trên đây.

5. Lãi suất cho vay:

Cho vay ngắn hạn: 0,5%/tháng;

Cho vay trung hạn: 0,6%/tháng;

Lãi suất nợ quá hạn được tính theo tỷ lệ quy định chung phù hợp với từng thời kỳ do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước công bố.

6. Thời hạn cho vay:

Cho vay ngắn hạn: Căn cứ vào thời gian chu chuyển vốn của đối tượng vay để cho vay nhưng tối đa là 12 tháng. Cho vay ngắn hạn chỉ áp dụng đối với các đối tượng: sửa chữa nhỏ tàu, thuyền, ngư lưới cụ bị hư hỏng mức độ thấp; khôi phục các dàng đáy, hàng khơi, các ao, đầm nuôi tôm bị hư hỏng, thiệt hại.

Cho vay trung hạn: Căn cứ vào chu chuyển vốn của đối tượng vay và khả năng hoàn vốn để cho vay nhưng tối đa là 5 năm. áp dụng đối với các đối tượng: đóng mới tàu, thuyền do bị chìm, mất tích hoặc hỏng nặng không thể sửa chữa được: tàu, thuyền, ngư lưới cụ, bị hỏng nặng cần sửa chữa lớn.

Nguồn vốn vay Ngân hàng Nhà nước 1000 tỷ các Ngân hàng được dùng để cho vay trung hạn, nếu thiếu thì được dùng một phần trong số 1000 tỷ vốn huy động giành cho vay ưu đãi để bổ sung vốn cho vay trung hạn; cho vay ngắn hạn dùng vốn huy động của các Ngân hàng.

7. Lập danh sách cho vay: Căn cứ vào kết quả điều tra thiệt hại như quy định tại Điều 1 Quyết định 985/TTg, nhu cầu vay và chỉ tiêu vay được phân bổ, Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố lập và duyệt danh sách cho vay để các Ngân hàng làm cơ sở cho vay. Danh sách duyệt vay cần ghi rõ: Họ và tên, địa chỉ (thôn, ấp, xã, huyện, tỉnh); số tiền cần vay; mục đích (đối tượng) vay; thời hạn vay và chi nhánh Ngân hàng cho vay. Việc phân định Ngân hàng cho vay đảm bảo thuận lợi cho cả người vay và Ngân hàng cho vay theo hướng sau:

Người vay trước đây đang vay của chi nhánh Ngân hàng Thương mại nào thì giao cho Ngân hàng đó cho vay khôi phục thiệt hại hậu quả của cơn bão số 5.

Các trường hợp vay mới thì phân theo hướng thuận lợi cho khách hàng, thuộc địa bàn của chi nhánh Ngân hàng nào thì chi nhánh Ngân hàng đó cho vay.

8. Thủ tục cho vay: Thủ tục vay đối với loại vay khôi phục hậu quả cơn bão số 5 cần thực hiện đơn giản. Các Ngân hàng căn cứ vào danh sách do Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố duyệt để hướng dẫn người vay làm thủ tục vay. Người vay theo danh sách duyệt của Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố chỉ cần làm đơn xin vay có xác nhận của Uỷ ban Nhân dân xã, phường và trực tiếp ký nhận nợ trên khế ước với Ngân hàng cho vay và chịu trách nhiệm trả nợ và lãi khi đến hạn. Trường hợp nếu nhiều hộ, cá nhân được duyệt vay thành lập tổ hợp tác để đóng chung tàu, thuyền có công suất lớn để đánh bắt xa bờ thì thủ tục cho vay cũng được tiến hành theo từng hộ, cá nhân riêng biệt, không ký nhận nợ và phát tiền vay theo đại diện của tổ. Trong quá trình cho vay, cần có biện pháp xem xét, kiểm soát, đối chiếu với danh sách được duyệt với người vay, người có tên trong danh sách được duyệt phải trực tiếp ký nhận nợ trên khế ước và ký nhận tiền vay nhằm tránh hiện tượng lợi dụng và tiêu cực xảy ra, đảm bảo tiền vay đến đúng người vay và đúng đối tượng.

Người vay không phải thế chấp, cầm cố hoặc bảo lãnh; riêng đối với cho vay sửa chữa, đóng mới tàu, thuyền nếu thấy cần thiết cần phải đảm bảo nợ thì dùng chính con tàu, thuyền được vay vốn để thế chấp cho khoản vay nếu con tàu thuyền đó chưa được dùng để cầm cố cho khoản vay nào khác.

Thủ tục thế chấp, cầm cố đối với loại vay này thực hiện đơn giản: trong đơn xin vay và khế ước cho vay chỉ cần ghi thế chấp bằng tàu, thuyền được vay vốn, việc phát tiền vay sẽ tiến hành trước khi ký hợp đồng thế chấp. Sau khi con tàu thuyền hoàn thành sửa chữa hoặc đóng mới và có đủ giấy tờ lưu hành theo quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (Cơ quan Đăng kiểm và cơ quan Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản) thì 2 bên sẽ ký hợp đồng thế chấp, cầm cố (không cần phải có chứng nhận của cơ quan Công chứng hoặc UBND cấp huyện) để bổ sung cho hồ sơ vay vốn.

9. Thu nợ và thu lãi:

Đối với cho vay ngắn hạn thì tiến hành thu nợ gốc và lãi cùng một lúc khi hết thời hạn cho vay; trường hợp người vay có nhu cầu trả nợ trước hạn và trả lãi hàng tháng thì do Ngân hàng Thương mại và người vay thoả thuận.

Đối với cho vay trung hạn thì sau khi hoàn thành đóng mới tàu, thuyền hoặc sửa chữa lớn và đưa vào sử dụng thì Ngân hàng cho vay phân ra các kỳ hạn trả nợ gốc và lãi trong phạm vi thời hạn cho vay đã xác định.

10. Gia hạn nợ: Trong quá trình vay và trả nợ về cho vay ưu đãi khắc phục hậu quả cơn bão số 5, nếu bên vay gặp khó khăn khách quan không trả nợ đúng hạn thì được xem xét cho gia hạn nợ theo quy định hiện hành của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

11. Việc cho vay ưu đãi khắc phục hậu quả cơn bão số 5, các Ngân hàng Thương mại và Ngân hàng Đầu tư và phát triển phải tổ chức hạch toán và theo dõi riêng.

B. LOẠI CHO VAY VỐN BÌNH THƯỜNG

Ngoài các đối tượng được vay ưu đãi theo quy định của Thủ tướng Chính phủ như hướng dẫn tại phần A mục II Thông tư này, các đối tượng khác có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến thiệt hại do cơn bão số 5 gây ra được tiến hành cho vay bằng nguồn vốn bình thường khi có nhu cầu vay. Lãi suất cho vay là lãi suất cho vay bình thường trong khung lãi suất quy định hiện hành của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Trong đó, các Ngân hàng cần lưu ý cho vay các đối tượng sau đây:

Trường hợp nguồn vốn được phân bổ để cho vay ưu đãi không đáp ứng đủ nhu cầu cho vay các đối tượng được vay ưu đãi theo danh sách xét duyệt của Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố thì các Ngân hàng cho vay bổ sung bằng nguồn vốn cho vay bình thường theo lãi suất thông thường, nhằm vừa đảm bảo khắc phục được hậu quả cơn bão số 5, vừa đảm bảo được sự công bằng giữa mọi người vay đều được vay cả 2 loại vốn theo 2 loại lãi suất và tránh tình trạng dân phải đi vay nặng lãi.

Cho vay đối với các ruộng lúa, mía, hoa màu... hị hư hỏng, thiệt hại để khôi phục sản xuất nông nghiệp.

Cho vay đối với các doanh nghiệp được giao nhiệm vụ nhập khẩu gỗ từ Cămpuchia và Lào để đóng và sửa chữa tàu, thuyền; cho vay nhập khẩu máy tàu thuỷ khắc phục hậu quả cơn bão số 5; cho vay bằng ngoại tệ thích hợp theo hợp đồng thanh toán nhập khẩu ký kết giữa các bên nếu có yêu cầu. Đối với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh nếu được giao nhiệm vụ nhập khẩu gỗ, nhập máy tàu thuỷ, sửa chữa, đóng mới tàu thuyền nếu thiếu tài sản thế chấp, cầm cố thì được dùng chính hợp đồng nhập khẩu, hợp đồng sửa chữa, đóng mới tàu, thuyền để làm đảm bảo nợ vay.

Các Ngân hàng cần có sự phối hợp chặt chẽ để khép kín quy trình cho vay, thu nợ phù hợp với quy trình luân chuyển vốn giữa khâu liên quan như: hộ dân vay vốn để sửa chữa, đóng mới tàu thuyền - doanh nghiệp làm dịch vụ sửa chữa và đóng tàu thuyền - doanh nghiệp bán máy tàu thuỷ và bán gỗ để sửa chữa, đóng tàu thuyền...

 

III. TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN:

1. Các Ngân hàng được chỉ định cho vay có trách nhiệm sử dụng vốn cho vay đúng mục đích và đối tượng đã quy định. Định kỳ 10 ngày, các Ngân hàng báo cáo tiến độ cho vay với Ngân hàng Nhà nước (Vụ Tín dụng). Vụ Tín dụng theo dõi tiến độ thực hiện và tổng hợp báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

2. Các Vụ có liên quan thuộc Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm hướng dẫn các nghiệp vụ cần thiết: Vụ Kế toán - Tài chính Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn việc hạch toán, theo dõi đối với loại cho vay ưu đãi khắc phục hậu quả cơn bão số 5; Vụ Quản lý ngoại hối hướng dẫn việc xử lý ngoại tệ và thanh toán đối với việc nhập khẩu gỗ, máy móc cho sửa chữa, đóng tàu thuyền.

3. Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc cho vay của các Chi nhánh Ngân hàng Thương mại trên địa bàn báo cáo Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Kiến nghị với Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố có biện pháp xử lý đối với các trường hợp sử dụng vốn sai mục đích, chây ỳ không trả nợ hoặc bị rủi ro không trả được nợ.

4. Thanh tra Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm kiểm tra việc sử dụng vốn vay Ngân hàng Nhà nước của các Ngân hàng Thương mại, đảm bảo cho vay đúng mục đích, đúng đối tượng.

Trong quá trình kiểm tra nếu phát hiện cho vay không đúng hoặc người vay sử dụng tiền vay không đúng mục đích thì xử lý theo quy định của chế độ tín dụng hiện hành.

5. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ký, thay thế Chỉ thị số 11/1997/CT-NHNN14 ngày 14-11-1997 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về các giải pháp Ngân hàng tham gia khắc phục hậu quả cơn bão số 5.

 

Ngân hàng Nhà nước

Q. Thống đốc

(Đã ký)

 

Đỗ Quế Lượng