• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 12/09/2014
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Số: 23/2014/TT-BNNPTTN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Ninh Thuận, ngày 29 tháng 7 năm 2014

THÔNG TƯ

Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 36/2014/-CP ngày 29/4/2014 của Chính phủ về nuôi,

chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra

_____________________

 

Căn cứ Nghị định số 199/2013/NĐ-CP ngày 26/11/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Nghị định số 36/2014/NĐ-CP ngày 29/4/2014 của Chính phủ về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá Tra;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản và Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản;

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 36/2014/NĐ-CP ngày 29/4/2014 của Chính phủ về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá Tra.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn thực hiện việc kiểm tra điều kiện nuôi, cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi và xác nhận đăng ký nuôi cá Tra thương phẩm; kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm trong chế biến, xuất khẩu sản phẩm cá Tra; xác nhận hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá Tra.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động có liên quan đến nuôi, chế biến, xuất khẩu cá Tra trên lãnh thổ Việt Nam.

Chương II

KIỂM TRA ĐIỀU KIỆN, CẤP MÃ SỐ NHẬN DIỆN CƠ SỞ NUÔI VÀ XÁC NHẬN ĐĂNG KÝ NUÔI CÁ TRA THƯƠNG PHẨM

Điều 3. Cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi và xác nhận đăng ký nuôi cá Tra thương phẩm

1. Nguyên tắc:

a) Cơ sở nuôi nằm trong quy hoạch được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt thì được cấp mã số nhận diện;

b) Một cơ sở có nhiều ao nuôi thì được cấp nhiều mã số nhận diện ao nuôi, mỗi ao nuôi được cấp duy nhất một mã số nhận diện;

c) Mã số nhận diện cơ sở nuôi và ao nuôi chỉ được cấp khi đăng ký lần đầu hoặc đăng ký lại;

d) Việc thực hiện đăng ký mã số nhận diện lần đầu và đăng ký lại được thực hiện độc lập hoặc đồng thời với việc xác nhận đăng ký nuôi cá Tra thương phẩm;

đ) Đăng ký nuôi cá Tra thương phẩm bao gồm đăng ký diện tích và sản lượng nuôi.

2. Quy định về mã số nhận diện:

Gồm 11 số và có cấu trúc AA-BB-CCCC-DDD, trong đó:

a) AA: Mã số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương áp dụng trong quản lý nuôi trồng thủy sản (theo Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này);

b) BB: Mã số đối tượng nuôi (đối với cá Tra là 01);

c) CCCC: Số thứ tự cơ sở được cấp từ 0001 đến 9999;

d) DDD: Số thứ tự ao nuôi cá Tra của cơ sở, được cấp theo thứ tự từ 001 đến 999.

Ví dụ: Mã số nhận diện ao nuôi cá Tra tại tỉnh Đồng Tháp được thể hiện như sau: 87-01-0008-009

Trong đó: 87 là mã số tỉnh Đồng Tháp; 01 là mã số cá Tra; 0008 là số thứ tự cơ sở nuôi, 009 là số thứ tự ao nuôi của cơ sở.

3. Cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản cấp tỉnh cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi, xác nhận đăng ký nuôi cá Tra thương phẩm.

4. Hồ sơ đăng ký cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi và đăng ký nuôi cá Tra thương phẩm:

a) Trường hợp đăng ký độc lập, hồ sơ gồm: Giấy đăng ký cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi (theo Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này) và Sơ đồ mặt bằng vị trí ao nuôi do chủ cơ sở nuôi xây dựng hoặc 02 bản Giấy đăng ký nuôi cá Tra thương phẩm (theo Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này);

b) Trường hợp đăng ký đồng thời, hồ sơ gồm: Giấy đăng ký cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi (theo Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này) và Sơ đồ mặt bằng vị trí ao nuôi do chủ cơ sở nuôi xây dựng; 02 bản Giấy đăng ký nuôi cá Tra thương phẩm (theo Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này).

5. Trình tự thực hiện:

a) Chậm nhất trước thời điểm thả giống 20 ngày, chủ cơ sở nuôi có trách nhiệm đăng ký mã số nhận diện cơ sở nuôi (lần đầu hoặc đăng ký lại) và đăng ký nuôi cá Tra thương phẩm với Cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản cấp tỉnh;

b) Chủ cơ sở nuôi nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 4 Điều này trực tiếp hoặc qua đường bưu điện về Cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản cấp tỉnh;

c) Kể từ ngày nhận được hồ sơ, trong thời gian không quá 01 ngày làm việc đối với hồ sơ nộp trực tiếp và không quá 02 ngày làm việc đối với hồ sơ nộp qua đường bưu điện, Cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản cấp tỉnh hướng dẫn chủ cơ sở bổ sung những nội dung còn thiếu hoặc chưa đúng quy định;

d) Trong thời gian không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận mã số nhận diện cơ sở nuôi cá Tra (theo Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này) và xác nhận Giấy đăng ký nuôi cá Tra thương phẩm, lưu 01 bản và trả cho chủ cơ sở đăng ký 01 bản trực tiếp hoặc qua đường bưu điện. Trong trường hợp không cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi hoặc không xác nhận việc đăng ký nuôi cá Tra thương phẩm, Cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản cấp tỉnh phải trả lời chủ cơ sở bằng văn bản, nêu rõ lý do và không trả lại hồ sơ.

6. Đăng ký lại mã số nhận diện:

a) Các trường hợp phải thực hiện đăng ký lại: Khi thay đổi chủ cơ sở nuôi hoặc thay đổi diện tích ao nuôi hoặc sơ đồ mặt bằng vị trí ao nuôi;

b) Trình tự, thủ tục đăng ký lại như đăng ký lần đầu: Theo khoản 4, khoản 5 Điều này.

Điều 4. Kiểm tra điều kiện cơ sở nuôi cá Tra thương phẩm

1. Kiểm tra điều kiện cơ sở nuôi cá Tra thương phẩm: Thực hiện theo Điều 4 Nghị định số 36/2014/NĐ-CP ngày 29/4/2014 của Chính phủ về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá Tra (sau đây gọi tắt là Nghị định số 36/2014/NĐ-CP) và Thông tư số 14/2011/TT-BNNPTNT ngày 29/3/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định việc kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản (sau đây gọi tắt là Thông tư số 14/2011/TT-BNNPTNT).

2. Kiểm tra việc đăng ký mã số nhận diện và đăng ký nuôi cá Tra thương phẩm quy định tại Điều 3 Thông tư này:

a) Kiểm tra thông tin đăng ký mã số nhận diện và đăng ký nuôi cá Tra thương phẩm kết hợp với hoạt động kiểm tra theo Thông tư số 14/2011/TT-BNNPTNT;

b) Trường hợp phát hiện chủ cơ sở kê khai không đúng hoặc làm sai lệch thông tin về địa điểm ao nuôi, diện tích ao nuôi hoặc sử dụng mã số nhận diện ao nuôi, giấy đăng ký nuôi cá Tra thương phẩm không đúng với ao nuôi đã đăng ký, Cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản cấp tỉnh kịp thời có biện pháp để chấn chỉnh, khắc phục; báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thủy sản trường hợp vượt thẩm quyền để xử lý theo quy định; đồng thời thông báo cho Hiệp hội cá Tra Việt Nam và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Chương III

KIỂM TRA ĐIỀU KIỆN CƠ SỞ, CHẤT LƯỢNG, AN TOÀN THỰC PHẨM TRONG CHẾ BIẾN, XUẤT KHẤU CÁ TRA

Điều 5. Kiểm tra điều kiện cơ sở chế biến và chứng nhận an toàn thực phẩm đối với sản phẩm cá Tra

1. Việc kiểm tra, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở chế biến sản phẩm cá Tra chỉ tiêu thụ nội địa được thực hiện theo quy định tại Điều 5, Điều 6 Nghị định số 36/2014/NĐ-CP và Thông tư số 14/2011/TT-BNNPTNT.

2. Việc kiểm tra, chứng nhận an toàn thực phẩm cá Tra xuất khẩu được thực hiện theo quy định tại Điều 5, Điều 6 Nghị định số 36/2014/NĐ-CP và Thông tư số 48/2013/TT-BNNPTNT ngày 12/11/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về kiểm tra, chứng nhận an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu (sau đây gọi tắt là Thông tư số 48/2013/TT-BNNPTNT).

Điều 6. Kiểm tra chất lượng, sử dụng hóa chất, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến và ghi nhãn đối với sản phẩm cá Tra

1. Cơ quan kiểm tra:

a) Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản và các đơn vị do Cục giao nhiệm vụ hoặc ủy quyền thực hiện kiểm tra đối với cơ sở chế biến cá Tra xuất khẩu;

b) Chi cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản cấp tỉnh thực hiện kiểm tra đối với cơ sở chế biến cá Tra chỉ tiêu thụ nội địa.

2. Nội dung kiểm tra:

a) Kiểm tra xuất xứ cá Tra nguyên liệu đưa vào chế biến;

b) Kiểm tra việc sử dụng hóa chất, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến, ghi nhãn theo quy định của Việt Nam và nước nhập khẩu;

c) Kiểm tra chất lượng sản phẩm cá Tra bảo đảm phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đã được cơ sở công bố áp dụng;

d) Lấy mẫu, kiểm nghiệm các chỉ tiêu tỷ lệ mạ băng, hàm lượng nước.

3. Hình thức kiểm tra: Thực hiện theo quy định tại Điều 48 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Thủ trưởng Cơ quan kiểm tra ra quyết định thành lập Đoàn kiểm tra.

4. Phương pháp kiểm tra:

a) Kiểm tra hồ sơ, tài liệu và điều kiện thực tế liên quan đến quá trình sản xuất sản phẩm theo nội dung quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Phương pháp xác định khối lượng tịnh, tỷ lệ mạ băng: theo Tiêu chuẩn số 165-1989 (Sửa đổi lần 1-1995) của Ủy ban Codex - Tiêu chuẩn Codex đối với cá phi lê đông lạnh nhanh dạng khối, thịt cá xay và hỗn hợp cá phi lê và thịt cá xay (Codex Stand 165-1989 (Rev.1-1995) - Codex Standard for quick frozen blocks of fish fillet, minced fish flesh and mixtures of fillets and minced fish flesh);

c) Phương pháp xác định hàm lượng nước: Được xây dựng dựa trên các phương pháp: Phương pháp chính thức số 983.18 - Thịt, sản phẩm thịt, phương pháp chuẩn bị mẫu (Official Method No 983.18 - Meat and meat products, Preparation of test sample procedure); Phương pháp chính thức số 950.46 - Hàm lượng nước trong thịt - Phương pháp A (Official Method No 950.46 - Moisture in meat - Method A) của Hiệp hội các nhà hóa phân tích chính thống (AOAC). Phòng thử nghiệm và phương pháp phân tích phải được công nhận đạt tiêu chuẩn TCVN ISO/IEC 17025:2007 hoặc tương đương và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, chỉ định.

5. Tần suất kiểm tra:

a) Kiểm tra giám sát: Áp dụng theo tần suất kiểm tra định kỳ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm được quy định tại Thông tư số 48/2013/TT-BNNPTNT và Thông tư số 14/2011/TT-BNNPTNT;

b) Kiểm tra đột xuất: Áp dụng đối với cơ sở có dấu hiệu vi phạm quy định tại Điều 6 Nghị định số 36/2014/NĐ-CP hoặc cơ sở có nhiều lô hàng bị cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu cảnh báo quy định tại khoản 4 Điều 9 Nghị định số 36/2014/NĐ-CP.

6. Địa điểm kiểm tra: Tại khu vực chế biến, kho chứa, nơi sản phẩm được bảo quản của cơ sở.

7. Trình tự, thủ tục kiểm tra:

a) Xuất trình quyết định kiểm tra;

b) Tiến hành kiểm tra theo nội dung quy định tại khoản 2 Điều này;

c) Lập biên bản kiểm tra;

d) Thông báo cho chủ cơ sở và báo cáo Cơ quan kiểm tra về kết quả kiểm tra;

đ) Xử lý vi phạm theo quy định tại Điều 7 Thông tư này.

Điều 7. Xử lý vi phạm về chất lượng sản phẩm cá Tra

1. Đoàn kiểm tra lập biên bản vi phạm hành chính và báo cáo Cơ quan kiểm tra; tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, Cơ quan kiểm tra:

a) Thống kê, niêm phong các lô sản phẩm vi phạm, yêu cầu cơ sở chế biến cá Tra thực hiện các biện pháp khắc phục, sửa chữa để bảo đảm chất lượng sản phẩm phù hợp trước khi đưa ra thị trường. Sản phẩm vi phạm sau khi khắc phục, sửa chữa phải được Cơ quan kiểm tra lấy mẫu, kiểm nghiệm để thẩm tra trước khi đưa ra thị trường;

b) Đình chỉ xuất khẩu lô sản phẩm cá Tra vi phạm về hàm lượng nước, mạ băng và ghi nhãn sản phẩm;

c) Yêu cầu cơ sở tiêu hủy hoặc chuyển mục đích sử dụng đối với sản phẩm cá Tra vi phạm các quy định về sử dụng hóa chất, chất phụ gia, chất hỗ trợ chế biến.

2. Sau khi có thông báo của Cơ quan kiểm tra mà cơ sở chế biến cá Tra không có báo cáo hoặc báo cáo khắc phục, sửa chữa không phù hợp, Cơ quan kiểm tra tổ chức kiểm tra đột xuất đối với cơ sở. Trường hợp cơ sở chế biến cá Tra tiếp tục vi phạm thì trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày có kết luận về vi phạm tiếp theo của cơ sở, Cơ quan kiểm tra thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng tên, địa chỉ cơ sở chế biến cá Tra, tên sản phẩm và chỉ tiêu không đạt yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm.

3. Sau khi bị thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng mà cơ sở chế biến cá Tra vẫn tiếp tục vi phạm, Cơ quan kiểm tra tạm đình chỉ sản xuất sản phẩm không phù hợp và kiến nghị cơ quan thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực an toàn thực phẩm và chất lượng, sản phẩm hàng hóa.

4. Trường hợp Cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu thông báo tạm dừng nhập khẩu sản phẩm cá Tra do có vi phạm về chất lượng, an toàn thực phẩm, Cơ quan kiểm tra có văn bản thông báo đến Thương nhân và cơ sở chế biến cá Tra vi phạm để có biện pháp khắc phục, sửa chữa và thông báo cho Hiệp hội cá Tra Việt Nam để có biện pháp xử lý theo quy định.

Điều 8. Chi phí kiểm tra, lấy mẫu và kiểm nghiệm

1. Chi phí kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu tỷ lệ mạ băng, hàm lượng nước và ghi nhãn trong quá trình sản xuất sản phẩm cá Tra do Cơ quan kiểm tra chi trả. Chi phí lấy mẫu và kiểm nghiệm được bố trí trong dự toán kinh phí hoạt động thường xuyên của Cơ quan kiểm tra.

2. Trường hợp Cơ quan kiểm tra kết luận Cơ sở vi phạm quy định tại Điều 6 Nghị định số 36/2014/NĐ-CP thì Chủ cơ sở phải trả chi phí kiểm tra, lấy mẫu và kiểm nghiệm sản phẩm (bao gồm cả hoạt động thẩm tra, lấy mẫu kiểm tra, kiểm nghiệm trong quá trình thẩm tra báo cáo kết quả thực hiện các biện pháp khắc phục, sửa chữa của cơ sở) cho Cơ quan kiểm tra theo đúng quy định tại Điều 41 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Chương IV

ĐĂNG KÝ HỢP ĐỒNG XUẤT KHẨU SẢN PHẨM CÁ TRA

Điều 9. Xác nhận đăng ký hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá Tra

1. Tổ chức thực hiện: Hiệp hội cá Tra Việt Nam.

2. Hình thức xác nhận: Trực tiếp trên Giấy đăng ký hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá Tra.

3. Hiệu lực xác nhận hợp đồng xuất khẩu: 12 tháng kể từ ngày ký xác nhận.

4. Hồ sơ gồm:

a) Giấy đăng ký hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá Tra (02 bản) (theo Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư này) và thành phần hồ sơ theo quy định tại điểm b, c, d, đ khoản 3 Điều 8 Nghị định số 36/2014/NĐ-CP;

b) Bản sao hợp pháp quy định tại các điểm b, c, d, đ khoản 3 Điều 8 Nghị định số 36/2014/NĐ-CP là bản sao chụp có đóng dấu của thương nhân đăng ký hợp đồng xuất khẩu.

5. Trình tự thực hiện và trả kết quả:

a) Cách thức nộp hồ sơ: Chủ cơ sở nộp hồ sơ theo quy định tại khoản 4 Điều này trực tiếp, bản Fax, đăng ký trực tuyến hoặc qua đường bưu điện về Hiệp hội cá Tra Việt Nam;

b) Trình tự thực hiện: Thực hiện theo Điều 8 Nghị định số 36/2014/NĐ-CP;

c) Hình thức trả kết quả: Trả trực tiếp hoặc qua đường bưu điện.

6. Trường hợp hiệu lực xác nhận hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá Tra hết hạn hoặc có thay đổi thông tin tại mục II, mục III Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư này, Thương nhân có trách nhiệm đăng ký lại hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá Tra; hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký như đăng ký mới.

Điều 10. Xử lý kết quả kiểm tra điều kiện về đăng ký hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá Tra

Khi nhận được thông báo của cơ quan quản lý về vi phạm của chủ cơ sở hoặc thương nhân quy định tại Điều 4, Điều 5, Điều 6, Điều 7 Thông tư này thì Hiệp hội cá Tra Việt Nam:

1. Thông báo cho chủ cơ sở, thương nhân về các vi phạm và tạm dừng xác nhận hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá Tra tiếp theo của thương nhân cho đến khi các vi phạm đã được khắc phục và được cơ quan quản lý xác nhận;

2. Báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xử lý theo quy định.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước

1. Tổng cục Thủy sản:

a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thực hiện Thông tư này;

b) Xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Quy hoạch nuôi, chế biến cá Tra;

c) Chỉ đạo, hướng dẫn địa phương kiểm tra điều kiện cơ sở sản xuất, kinh doanh, chất lượng vật tư đầu vào trong nuôi cá Tra và thực hiện truy xuất nguồn gốc cá Tra nguyên liệu;

d) Tổng hợp, lưu trữ cơ sở dữ liệu về mã số nhận diện cơ sở nuôi, diện tích và sản lượng nuôi cá Tra thương phẩm;

e) Xây dựng kế hoạch, dự toán ngân sách hàng năm trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt các hoạt động hướng dẫn, kiểm tra và giám sát thực hiện Thông tư này.

2. Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản:

a) Tổ chức thực hiện kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm trong chế biến, xuất khẩu sản phẩm cá Tra theo quy định tại Thông tư này;

b) Xây dựng kế hoạch, dự toán ngân sách hàng năm trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt cho hoạt động kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm sản phẩm cá Tra;

c) Chủ trì, phối hợp với Tổng cục Thủy sản tổ chức thực hiện việc thống kê sản phẩm cá Tra phi lê đông lạnh chưa đáp ứng chất lượng quy định tại điểm b, c khoản 3 Điều 6 Nghị định 36/2014/NĐ-CP còn lưu kho của các cơ sở chế biến, xuất khẩu.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Tổ chức, triển khai thực hiện Thông tư này trên địa bàn quản lý;

b) Rà soát, trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phê duyệt quy hoạch chi tiết nuôi cá Tra tại địa phương;

c) Chỉ đạo Cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản tại địa phương tổ chức kiểm tra liên quan đến hoạt động nuôi cá Tra thương phẩm và thực hiện việc cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi, xác nhận đăng ký nuôi cá Tra thương phẩm; tổng hợp kết quả kiểm tra điều kiện cơ sở nuôi cá Tra thương phẩm, cơ sở sản xuất kinh doanh, chất lượng vật tư đầu vào trong nuôi cá Tra;

d) Hàng năm xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí từ nguồn ngân sách cho các hoạt động cấp mã số nhận diện ao nuôi, xác nhận đăng ký nuôi cá Tra thương phẩm, kiểm tra, giám sát trong nuôi, chế biến và quản lý chất lượng sản phẩm cá Tra, ứng dụng VietGAP trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

đ) Cập nhật cơ sở dữ liệu diện tích, sản lượng cá Tra và mã số nhận diện ao nuôi; định kỳ hàng tháng, quý, năm báo cáo Tổng cục Thủy sản và thông báo cho Hiệp hội cá Tra Việt Nam.

Điều 12. Trách nhiệm của Hiệp hội cá Tra Việt Nam

1. Tổ chức thực hiện xác nhận đăng ký hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá Tra theo quy định tại Thông tư này.

2. Công khai địa điểm tiếp nhận hồ sơ, quy trình đăng ký xác nhận đăng ký hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá Tra.

3. Quy định tiêu chuẩn và công bố danh sách người đủ thẩm quyền ký xác nhận đăng ký hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá Tra.

4. Thống kê, định kỳ hàng tháng, quý, năm báo cáo Tổng cục Thủy sản, Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản về tình hình đăng ký hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá Tra.

Điều 13. Trách nhiệm của chủ cơ sở nuôi, chế biến, xuất khẩu

1. Chủ cơ sở nuôi cá Tra thương phẩm:

a) Đăng ký cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi và đăng ký nuôi cá Tra thương phẩm theo quy định tại Thông tư này;

b) Cung cấp Giấy đăng ký nuôi cá Tra thương phẩm cho tổ chức, cá nhân thu mua, chế biến cá Tra theo quy định.

2. Cơ sở chế biến và thương nhân xuất khẩu sản phẩm cá Tra:

a) Thực hiện đăng ký xác nhận hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá Tra theo quy định tại Thông tư này;

b) Thực hiện kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm sản phẩm cá Tra theo quy định tại Nghị định số 36/2014/NĐ-CP;

c) Phối hợp, tạo điều kiện, đáp ứng các yêu cầu về kiểm tra của Đoàn kiểm tra, Cơ quan kiểm tra;

d) Chi trả chi phí lấy mẫu và kiểm nghiệm sản phẩm cho cơ quan kiểm tra theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Thông tư này;

đ) Trong trường hợp phải tiêu hủy hàng hóa thì Cơ sở vi phạm phải chịu toàn bộ chi phí cho việc tiêu hủy hàng hóa và chịu trách nhiệm về hậu quả của việc tiêu hủy hàng hóa theo quy định của pháp luật.

Điều 14. Điều khoản chuyển tiếp

1. Kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, cơ sở nuôi cá Tra thương phẩm phải thực hiện đăng ký diện tích và sản lượng nuôi cá Tra thương phẩm. Việc cấp mã số nhận diện ao nuôi được thực hiện khi các tỉnh, thành phố hoàn thành rà soát, phê duyệt quy hoạch chi tiết nuôi cá Tra tại địa phương.

2. Hồ sơ đăng ký hợp đồng xuất khẩu:

a) Từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành đến ngày 31/5/2015, hồ sơ đăng ký hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá Tra được thực hiện theo quy định tại điểm a, d, đ khoản 3 Điều 8 Nghị định số 36/2014/NĐ-CP;

b) Từ ngày 01/6/2015, các thương nhân khi đăng ký hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá Tra phải nộp hồ sơ theo quy định tại khoản 4 Điều 9 Thông tư này.

3. Sản phẩm cá Tra phi lê đông lạnh lưu kho có tỷ lệ mạ băng và hàm lượng nước cao hơn quy định tại điểm b, điểm c khoản 3 Điều 6 của Nghị định 36/2014/NĐ-CP vẫn được tiếp tục xuất khẩu đến ngày 31/12/2014 nếu đáp ứng yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu nhưng thương nhân xuất khẩu và Cơ sở chế biến thủy sản phải thực hiện thống kê, báo cáo theo hướng dẫn của Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản.

Điều 15. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 12 tháng 9 năm 2014.

2. Các văn bản được dẫn chiếu để áp dụng tại Thông tư này khi có sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì được dẫn chiếu áp dụng theo văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế đó.

3. Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để nghiên cứu, xem xét./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Cao Đức Phát

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.