• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 15/06/1996
TỔNG CỤC HẢI QUAN
Số: 62/TCHQ-GSQL
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Ninh Thuận, ngày 15 tháng 6 năm 1996

QUYẾT ĐỊNH

Ban hành quy chế kiểm tra, giám sát hải quan đối với vật phẩm xuất khẩu,

nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế

________________________

TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN

Căn cứ Pháp lệnh Hải quan ngày 20-2-1990.

Căn cứ Nghị định số 16 /CP ngày 7-3-1994 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tổng cục Hải quan;

Căn cứ Nghị định số 171/HĐBT ngày 7-5-1991 của Hội đồng Bộ trưởng ban hành Bản quy định cụ thể thủ tục hải quan và lệ phí hải quan;

Căn cứ Thông tư số 6/TT-HQ-BĐ ngày 20-6-1995 của Tổng cục Bưu điện - Hải quan về kiểm tra hải quan đối với vật phẩm, hàng hoá xuất, nhập khẩu gửi qua bưu điện.

Sau khi thống nhất với Tổng cục Bưu điện.

Xét đề nghị của ông Cục trưởng Cục giám sát quản lý về hải quan.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy chế kiểm tra, giám sát hải quan đối với vật phẩm xuất khẩu, nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế được các cơ quan có thẩm quyền cho phép hoạt động.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Cục trưởng Cục giám sát quản lý về hải quan, thủ trưởng các đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục Hải quan, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Hải quan, Thủ trưởng các doanh nghiệp làm dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế có liên quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này.

                                                                                                                          KT.TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN

                                                                                                                                                 P.Tổng cục trưởng

                                                                                                                                                         (Đã ký)

                                                                                                                                                      Bùi Duy Bảo

QUY CHẾ

KIỂM TRA, GIÁM SÁT HẢI QUAN ĐỐI VỚI VẬT PHẨM XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU GỬI 

QUA DỊCH VỤ CHUYỂN PHÁT NHANH QUỐC TẾ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 62/TCHQ-GSQL ngày 15 tháng 6 năm 1996 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan)

I- PHẦN QUY ĐỊNH CHUNG

1- Dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế (được viết tắt là CPN) là dịch vụ nhận gửi và chuyển phát nhanh những vật phẩm bao gồm: ấn phẩm, tài liệu, chứng từ, gói, kiện... của tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước.

2- Các doanh nghiệp làm dịch vụ CPN quốc tế (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp CPN) đều phải có văn bản cho phép của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật và được Tổng cục Hải quan chấp thuận bằng văn bản sau khi kiểm tra có đủ các điều kiện để hoạt động.

3- Khi được phép hoạt động, doanh nghiệp CPN phải đăng ký với Cục Hải quan tỉnh, thành phố (nơi quản lý) ký hiệu, nhãn hiệu riêng dán in trên bao bì chứa các vật phẩm xuất khẩu, nhập khẩu nhằm giúp cơ quan Hải quan dễ nhận biết, phân loại khi làm thủ tục.

4- Các doanh nghiệp CPN được quyền thay mặt người nhận hoặc người gửi làm thủ tục hải quan và phải chịu trách nhiệm thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo luật định đối với việc xuất, nhập khẩu vật phẩm hàng hoá.

5- Các doanh nghiệp CPN có trách nhiệm thông báo tại nơi giao dịch Danh mục hàng hoá cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu.

6- Các vật phẩm xuất, nhập khẩu thuộc Danh mục quản lý chuyên ngành nào thì phải có giấy phép hoặc ý kiến chấp thuận bằng văn bản của cơ quan quản lý chuyên ngành đó.

7- Hoạt động của doanh nghiệp CPN đối với xuất, nhập khẩu vật phẩm về nguyên tắc vẫn phải tuân thủ các quy định chung về xuất, nhập khẩu và thủ tục xuất, nhập khẩu, song được ưu tiên làm thủ tục hải quan nhanh chóng, thuận tiện.

II- PHẦN QUY ĐỊNH CỤ THỂ

A. Thủ tục hải quan đối với các vật phẩm nhập khẩu

1- Vật Phẩn Khi Nhập Khẩu Phải Chịu Sự Kiểm tra, giám sát của Hải quan cửa khẩu đầu tiên, ngay khi giao nhận từ phương tiện vận tải.

2- Hải quan cửa khẩu đầu tiên: vào sổ, ghi rõ số phiếu chuyển tiếp vật phẩm CPN, ngày chuyển, số lượng, trọng lượng, kiện, túi, vận đơn, nước chuyển đến... tiến hành niêm phong kẹp chì nguyên đai kiện hoặc xe chuyên dụng và lập 02 phiếu chuyển (theo mẫu do Tổng cục Hải quan ban hành). Giao 02 phiếu chuyển cho nhân viên áp tải của doanh nghiệp CPN, có ký xác nhận của nhân viên áp tải vào phiếu chuyển.

3- Hải quan nơi tiếp nhận:

3.1- Căn cứ vào nội dung phiếu chuyển do nhân viên áp tải của doanh nghiệp CPN giao và tình trạng niêm phong kẹp chì để xác nhận vào phiếu chuyển: lưu lại 1 phiếu và chuyển trả ngay 1 phiếu cho Hải quan cửa khẩu đầu tiên (nơi lập phiếu) để thanh khoản, vào sổ theo dõi.

3.2- Nhân viên hải quan tiến hành kiểm tra và thu thuế vật phẩm, hàng hoá theo đúng quy trình nghiệp vụ đối với hàng hoá nhập khẩu trước khi giao doanh nghiệp CPN nhận chuyển phát.

3.3- Đối với các vật phẩm không có thuế: Doanh nghiệp CPN thay mặt chủ hàng khai báo đầy đủ các vật phẩm không có thuế của từng chuyến nhận trong ngày theo nội dung tại bản kê các vật phẩm CPN không thuế (theo mẫu do Tổng cục Hải quan ban hành) và khai báo tổng số vật phẩm trong bản kê đó vào bộ tờ khai hàng hoá nhập khẩu. Hải quan xác nhận vào bản kê đã lập và bộ tờ khai hải quan theo quy định. Hàng không thuế đã hoàn thành thủ tục tuyệt đối không để lẫn với hàng có thuế chưa làm thủ tục.

3.4- Đối với các vật phẩm có thuế thì doanh nghiệp CPN thay mặt chủ hàng hoặc chủ hàng trực tiếp đến nhận phải thực hiện đầy đủ chế độ khai báo hải quan trên bộ tờ khai hải quan riêng và nộp đủ thuế trước khi nhận hàng theo đúng quy định hiện hành.

3.5- Đối với các vật phẩm chưa làm thủ tục hải quan hoặc chưa hoàn thành thủ tục hải quan như tạm giữ chờ giấy phép của cơ quan quản lý chuyên ngành, tạm giữ chờ xử lý hoặc vi phạm phải lập biên bản phải thực hiện chế độ niêm phong hải quan và được tạm gửi vào kho dưới sự giám sát của Hải quan.

4- Trường hợp túi, kiện. ..chứa hàng bị rách, thủng, mất kẹp chì gốc hoặc niêm phong chì hải quan thì Hải quan tiến hành lập biên bản ngay với nhân viên áp tải và đơn vị vận tải.

5- Hải quan phải thực hiện nghiêm chỉnh chế độ lập sổ sách theo dõi báo cáo, lập phiếu chuyển tiếp, thông báo giữa các đơn vị hải quan với nhau theo các quy định của Tổng cục Hải quan và tại bản quy chế này.

Định kỳ hàng tháng, các đơn vị hải quan liên quan có thông báo cho nhau về tình hình thực hiện các lô hàng chuyển tiếp: như số lượng, trọng lượng từng lô gửi, nhận và các vấn đề phát sinh trong tháng.

B. Thủ tục hải quan đối với các vật phẩm xuất khẩu

1- Các vật phẩm khi xuất khẩu phải chịu sự kiểm tra, giám sát và làm đầy đủ thủ tục hải quan ngay từ khi doanh nghiệp CPN thay mặt chủ hàng hoặc chủ hàng trực tiếp làm thủ tục xuất tại địa điểm kiểm tra hải quan (nơi làm thủ tục xuất) cho đến khi hàng được thực xuất tại cửa khẩu xuất cuối cùng.

2- Nhân viên Hải quan tiến hành kiểm tra các vật phẩm theo đúng quy trình nghiệp vụ đối với hàng hoá xuất khẩu trước khi doanh nghiệp CPN nhận gửi.

Quy trình tiến hành thủ tục chuyển tiếp các lô hàng CPN xuất khẩu giữa Hải quan cửa khẩu đầu tiên (nơi làm thủ tục xuất) với Hải quan cửa khẩu xuất cuối cùng tương tự như điểm 2 và 3.1. mục A nêu trên.

3- Nhân viên Hải quan căn cứ vào kết quả kiểm hoá từng vật phẩm xuất khẩu để phân làm 2 loại sau:

a) Đối với các vật phẩm không có thuế, doanh nghiệp CPN khai báo đầy đủ các vật phẩm không có thuế của từng chuyến gửi trong ngày trên bản kê vật phẩm CPN không thuế, và khai báo tổng số vật phẩm trong bản kê đó trên bộ tờ khai hàng hoá xuất khẩu, Hải quan cửa khẩu xác nhận vào bản kê đã lập và bộ tờ khai Hải quan theo quy định.

b) Đối với các vật phẩm có thuế: doanh nghiệp CPN thay mặt chủ hàng hoặc chủ hàng trực tiếp gửi đến gửi phải thực hiện đầy đủ chế độ khai báo Hải quan trên từng bộ tờ khai Hải quan riêng và nộp đủ thuế trước khi xuất hàng theo đúng quy định hiện hành.

4- Đối với các vật phẩm chưa làm thủ tục hải quan hoặc chưa hoàn thành thủ tục hải quan như: tạm giữ để chờ xử lý, chờ giấy phép của cơ quan quản lý chuyên ngành phải thực hiện đúng chế độ niêm phong hải quan theo quy định và được tạm gửi vào kho dưới sự giám sát hải quan. Trường hợp vi phạm phải lập biên bản ngay khi phát hiện.

5- Hải quan thực hiện chế độ lập sổ theo dõi báo cáo, lập phiếu chuyển tiếp như quy định tại điểm 5, mục A nêu trên.

C. Chế độ kho hàng

1- Các Doanh nghiệp CPN phải có kho để lưu giữ riêng biệt các loại vật phẩm sau đây:

- Vật phẩm nhập khẩu chưa làm thủ tục hải quan.

- Vật phẩm chưa hoàn thành thủ tục hải quan như: tạm giữ chờ giấy phép của cơ quan quản lý chuyên ngành, tạm giữ chờ xử lý.

- Vật phẩm đã hoàn thành thủ tục hải quan nhưng chưa thực xuất.

Các kho trên phải được Cục Hải quan tỉnh, thành phố (nơi quản lý) công nhận bằng văn bản.

2- Khi hết giờ làm việc nhân viên Hải quan giám sát kho phải thực hiện chế độ niêm phong kho theo quy định. Nhân viên quản lý kho của doanh nghiệp CPN chịu trách nhiệm giữ khoá kho. Việc đóng mở kho hàng được thực hiện trước sự chứng kiến của nhân viên Hải quan giám sát kho. Trong trường hợp cần thiết, lãnh đạo Hải quan cửa khẩu có quyền kiểm tra đột xuất kho hàng.

3- Nhân viên quản lý kho của doanh nghiệp CPN phải có sổ theo dõi các lô hàng CPN được lưu giữ, xuất, nhập kho. Định kỳ hàng tháng có đối chiếu theo dõi số lượng hàng lưu giữ trong kho, lập báo cáo thống kê gửi Hải quan để có cơ sở xử lý theo quy định.

D. Một số quy định khác

1- Trường hợp doanh nghiệp CPN hoặc chủ hàng muốn làm thủ tục nhập khẩu vật phẩm, hàng hoá ngay tại cửa khẩu nhập đầu tiên hoặc làm thủ tục xuất khẩu vật phẩm, hàng hoá tại cửa khẩu xuất cuối cùng thì Hải quan tiến hành thủ tục bình thường theo đúng quy trình nghiệp vụ do Tổng cục Hải quan ban hành (không yêu cầu phải theo chế độ hàng chuyển tiếp).

2- Trường hợp doanh nghiệp CPN hoặc chủ hàng muốn làm thủ tục hải quan tại địa điểm kiểm tra hải quan ngoài khu vực cửa khẩu thì phải được Hải quan kiểm tra địa điểm đó và chấp thuận theo quy định.

3- Căn cứ vào khối lượng công việc, trường hợp khi cần làm việc ngoài giờ, doanh nghiệp CPN đăng ký với Hải quan. Hải quan bố trí nhân lực, phương tiện làm việc theo đề nghị của doanh nghiệp CPN. Nhân viên Hải quan làm việc ngoài giờ được hưởng chế độ đãi ngộ theo quy định.

4- Trường hợp vật phẩm, hàng hoá CPN là túi thư ngoại giao (chỉ được công nhận khi có đủ dấu hiệu, yếu tố bên ngoài chứng minh và được niêm phong cặp chì ngoại giao) thì được giải quyết thủ tục nhận gửi theo quy định ưu đãi miễn trừ tại Điều 27 Công ước Viên về quan hệ ngoại giao năm 1960. Người đi nhận, gửi túi thư ngoại giao phải là giao thông viên ngoại giao. Trường hợp uỷ quyền, người được uỷ quyền phải có thẻ dán ảnh để nhận diện và phải có giấy uỷ quyền hợp pháp của cơ quan ngoại giao. Trường hợp này, người được uỷ quyền nhận, không được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ như đối với giao thông viên ngoại giao.

III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1.Bản quy chế này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

2.Cục Hải quan các tỉnh, thành phố nơi có doanh nghiệp hoạt động dịch vụ CPN quốc tế chịu trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức thực hiện bản quy chế này.

3.Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc phát sinh vượt thẩm quyền, yêu cầu Cục Hải quan các địa phương báo cáo lãnh đạo Tổng cục (qua Cục giám sát quản lý) để có chỉ đạo giải quyết.

Phó Tổng cục trưởng

(Đã ký)

 

Bùi Duy Bảo

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.